Tri Nhân Media

GÓP Ý VỀ BÀI CỦA GIÁO SƯ LƯU TRỌNG VĂN VỚI GIÁO SƯ TRẦN VĂN THỌ

Ngô Văn Hiếu
3/12/2022

<trích>
Điều thứ nhất là đào tạo nguồn nhân lực tài năng và sử dụng tài năng. Không có tài năng dẫn dắt, quản trị, nghiên cứu công nghệ, thực thi thì mãi mãi kinh tế VN chỉ làm hàng gia công mà thôi. Vì lo đào tạo và sử dụng tài năng mà 90.000 người Hàn Quốc qua sống ở VN đều là ông chủ, trong khi đó thì 90.000 người VN qua Hàn Quốc sinh sống chỉ làm thuê. Kinh tế VN hiện rất mỏng vì chỉ làm gia công, các nguồn lợi nằm trong tay các nước cung cấp nguyên vật liệu và chủ các công nghệ. VN xuất siêu hàng chục tỷ dola qua Mỹ nhưng phần lời chính lại thuộc các công ty nước ngoài sản xuất hàng xuất khẩu ấy ở VN. Đồng thời VN còn phải mất tiền nhập siêu nguyên vật liệu hàng chục tỷ dola từ Trung Quốc, Hàn Quốc."

(Linh Tinh Chuyện Cùng GS Trần Văn Thọ, FB Lưu Trọng Văn, 12/2/2022)

<hết trích>

Câu chuyện giữa GS Lưu Trọng Văn và GS Trần Văn Thọ như trong bài của GS Văn nghe thật thú vị. Tuy vậy có vài điểm tôi phải nhíu mày khi đọc như sau:

1) Ai cũng biết là cái chính thể là nền tảng cốt lõi cho các hiện đại hóa và phát triển kinh tế xã hội mà bài này lại cố ý bỏ qua.

2) Chuyện nội dung các tư vấn cho lãnh đạo quốc gia hay cho ai thường phải được giữ kín, trừ phi cả 2 bên đồng ý công bố. Ở đây, GS Văn lại gián tiếp giúp GS Thọ công bố về "mức độ cầu tiến và nội dung tư vấn" của 3 ông Trọng, Phúc, và Chính như vậy là điều hơi lạ. Nếu GS Thọ chỉ kiến nghị, thay vì tư vấn, đến 3 ông lãnh đạo CSVN thì có thể nêu công khai ra công chúng.

3) Người Nhật có thể không cuồng bóng đá như người ở VN; nhưng họ cũng không hẵn đã tức tối khi thấy Trung Quốc vượt qua mình thành cường quốc kinh tế thế giới thứ 2. Điều Nhật, Ấn, Úc, và Mỹ rất quan tâm là sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đã ưu tiên tăng cường nền độc tài đảng trị, quân lực, bành trướng, cũng như tranh chấp lãnh thổ với lân bang, trong đó có đảo Tiêm Các (Điếu Ngư) của Nhật. Đây không còn là phát triển kinh tế mà là vấn đề an ninh và quốc phòng giữa Tàu và Nhật.

4) Việc các công ty nước ngoài sản xuất ở Việt Nam để xuất cảng ra nước khác, lợi thì vào túi của họ là đương nhiên. Nhưng, phải nói thêm là lợi thì họ cũng phải đóng thuế, mà lỗ thì phải ráng chịu; nhưng cái lợi họ mang đến là tạo ra công ăn việc làm, dân mình học nghề của họ, và VN có thể cung cấp các dịch vụ bên lề và các bộ phận rời hoặc nguyên liệu cho họ.

5) Chuyện VN nhập nguyên liệu và hàng sơ chế từ Trung Quốc (vì rẻ) rồi chế ra thành phẩm để xuất khẩu sang Âu Mỹ, hưởng lợi, là chuyện cần thiết.

6) Việt Nam hiện nay không thể chỉ chú trọng vào các kỹ nghệ cao cấp khi hợp tác với các công ty nước ngoài, mà nên đa dạng, đáp ứng cả nhu cầu phát triển kỹ thuật tinh vi và nhu cầu tạo nhiều việc làm cho dân. Hàng cao cấp có giá trị cao là tốt, nhưng lại kén chọn chuyên viên, không cần dùng nhiều người, trong khi lực lượng lao động VN hiện nay đông, rẻ, mà tay nghề tương đối thấp. Còn các nước như Singapore, Hồng Kông, Taiwan... là xứ đô thị (city-states), rất nhỏ và đất hẹp, nên phải chú ý đến kỹ nghệ cao cấp là đúng.

7) Ngoài chính thể, các vấn đề quan trọng khác ở VN cần phải cải cách như lãnh vực tài chánh, kinh tế quốc doanh, chấp pháp, thủ tục hành chánh, và xã hội dân sự. Phải xây dựng các định chế tài chánh, chứng khoán và trái phiếu hợp lý để dân tin tưởng ngõ hầu huy động vốn phát triển kinh doanh. Thử nghĩ xem các vụ phạm pháp với qui mô lớn như Vạn Thịnh Phát, Việt Á, SCB... là lỗi của chấp pháp hay của doanh nghiệp hay lãnh đạo doanh nghiệp? Sở dĩ các vụ phạm pháp và thối nát với tầm mức sâu, rộng, lâu... như vậy là do nhà nước đã dung dưỡng, không muốn giải quyết sớm hơn, cho tới khi phe cánh đánh nhau.

Thật ra nhân tài và khoa bảng không quan trọng bằng chính thể, định chế, và môi trường tự do trong việc phát triển đất nước. Cho nên bỏ qua viện hiện đại hóa tự do dân chủ mà chỉ lo đẩy mạnh phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật thì các phát triển ấy sẽ không bền vững và an toàn, lợi bất cập hại, đi đến thất bại.

*****
Đọc thêm
:

Linh Tinh Chuyện Cùng Giáo Sư Trần Văn Thọ
Lưu Trọng Văn
12/5/2022
https://bit.ly/3GUAMis

Trí Nhân Media


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét