Phạm Tín An Ninh
22/5/2022
Một người dốt đặc về thơ phú như
tôi mà lại từng được làm bạn và lạm bàn về thơ cùng với một nhà thơ nổi danh
như Tô Thùy Yên thì đúng là chuyện lạ. Cho dù đó là chuyện ở trong tù. Vì vậy,
khi biết tin anh qua đời, một số bạn tù khuyên tôi nên viết một bài để tưởng niệm
anh, nhưng tôi không dám, vì thấy rất nhiều nhà văn nhà thơ tên tuổi bậc thầy
đã viết về anh, hơn nữa tôi ngại người đời thường dị nghị chuyện “thấy người
sang bắt quàng làm họ.” Hôm nay nhân ngày giỗ lần thứ ba của anh, theo tập tục
Việt nam, là ngày chính thức mãn tang anh, tôi xin viết đôi điều để tưởng nhớ
anh và nhắc lại vài kỷ niệm cùng anh trong tù.
Cả hai anh đều lớn tuổi hơn tôi, và sau khi biết cha tôi bị chết ở một trại tù khác trong Nam, vợ con nheo nhóc, nên tôi trở thành một trong những con bà Phước trong tù, hai anh đều thương quí tôi.
Nằm bên cạnh anh Tô Thùy Yên, nên tôi thường được anh đọc cho nghe những đoạn thơ anh ứng khẩu hay sáng tác. Anh có thói quen làm bài thơ nào cũng dài. Bất cứ lúc nào, ngay cả khi đang phải lao động, anh thì thầm ứng khẩu một vài câu hay vài đoạn, đến tối nằm đọc lại, ghi vào tờ giấy nhỏ để sau đó ghép thành một bài dài. Có khi cả năm mới đủ một bài. Nghe anh thì thầm những câu thơ anh viết, thét rồi tôi thuộc lòng và còn nhớ hơn cả chính anh. Tôi dốt về thơ nhưng lại có tính mê thơ từ nhỏ. Vì vậy có nhiều khi anh quên, tôi có nhiệm vụ phải nhắc bài thơ đã đến đâu rồi, để anh tiếp tục.
Anh làm thơ trong trí, lẩm bẩm một mình, đọc cho tôi nghe, rồi chép vội vào một mảnh giấy nhỏ, nhét ở đâu đó. Thỉnh thoảng anh nhờ tôi giữ hộ một số. Có lần anh bỏ vào cuốn tự điển Anh-Việt được gia đình thăm nuôi, ngụy trang bằng cái bìa của cuốn truyện “Thép Đã Tôi Thế Đấy” nên qua mắt được gã công an kiểm soát. Anh học Anh văn bằng cách say sưa đọc cuốn sách gối đầu giường của người cộng sản, tác phẩm nổi tiếng của văn hào Nga Nikolai A. Ostrovsky, nhưng kỳ thực, chỉ có cái bìa, còn cả phần ruột là cuốn tự đỉển Anh – Việt của tác giả Nguyễn Văn Khôn.
Có một lần không may, bất ngờ cả trại bị khám xét “đột xuất”. Các tù nhân có lệnh mang theo tất cả đồ đạc tư trang ra ngoài sân để chuyển trại. Một tên công an lục lọi đủ mọi thứ, khám phá cuốn sách mang tên “Thép đã tôi thế đấy” lại là cuốn sách toàn chữ của “đế quốc Mỹ”, và trong đó còn có cả mấy mẫu giấy có vài câu thơ “phản động” nên anh bị cùm hơn hai tuần. Cuốn sách và mấy bài thơ, tất nhiên bị tịch thu.
Hôm mới được thả về đội, anh yếu và mệt quá, thêm một chút “phản kháng” nữa, nên anh dặn tôi, khuya này, khi nào nghe anh rên thì tôi hô to "cấp cứu, có tù bệnh đột xuất”. Lúc ấy người phụ trách trạm xá là Bác sĩ Anh, nguyên là Y sĩ Thiếu Tá bị bắt trong vụ nhà thờ Vinh Sơn sau 1975, kêu án 30 năm tù. Nghe nói ông có một ông anh lại là Trung Tá Bác sĩ Công An CS, nên bảo lãnh để được ra làm ở trạm xá thay vì phải lao động. Dường như Bác sĩ Anh là bạn khá thân với anh Đinh Thành Tiên trước kia, nên hai người có hẹn nhau, nếu khi nào anh Tiên gọi cấp cứu thì bác sĩ Anh đến khám và cho lên bệnh xá nằm vài hôm, khỏi phải đi lao động. Anh được ban cho cái bệnh loét bao tử. Đây cũng là dịp để anh thoải mái làm thơ. Chỉ có tôi là người duy nhất biết được giao kèo bí mật này, nên khi anh Tiên kéo tay tôi và bắt đầu rên là tôi hô to “Cấp cứu! Cấp Cứu! Có tù bị bệnh đột xuất”. Và lần nào, đám công an cũng đưa Bs Anh đến khám và cho khiêng anh về trạm xá! Bác sĩ Anh là một bác sĩ giỏi, một con người khẳng khái, tư cách và rất hết lòng với anh em.
Trong những bài thơ anh viết, bài mà tôi thuộc lòng và thích nhất đó là bài “Tháng Chạp Buồn”. Anh viết mấy đoạn đầu của bài thơ này vào giữa tháng Chạp năm 1981, mãi đến tháng Chạp năm 1982 anh mới viết xong mấy đoạn cuối (tức là khi đã ở tù hơn tám năm, nhưng sau này có bài được viết là chín năm) Anh đọc và giải thích từng câu, từng đoạn trong bài thơ cho tôi nghe. Rất nhiều câu tôi rất tâm đắc, như : “Tám năm áo rách bao nhiêu lượt, con vá chồng lên những nỗi niềm”, nhưng cũng có đôi câu tôi dốt nên không hiểu, như “Cha mẹ già như trúc trổ bông”, nhờ anh giải thích tôi mới biết khi trúc trổ bông là trúc sắp chết.
Tôi nể phục tài làm
thơ của anh và rất cảm động khi đọc bài thơ anh viết, bởi câu nào cũng mang đầy
tâm trạng của anh mà cũng của chính tôi và những người bạn tù khác nữa. Anh bảo
viết bài thơ này tặng tôi. Và anh tặng thật. Anh viết vào một mảnh giấy được xếp
thật nhỏ với chữ cũng thật nhỏ đầy kín cả hai mặt. Chữ anh viết khá đẹp. Mảnh
giấy xếp nhỏ có thể kẹp giữa hai ngón tay. Khi nghe báo tin tôi được ra tù, anh
mừng cho tôi, nhưng tôi cũng nhận ra nét thoáng buồn trong mắt anh, vì từ nay sẽ
mất thằng bạn tù anh xem như thằng em thân thiết, từng lắng nghe và thuộc những
bài thơ mang cả nỗi lòng anh. Biết tôi đã thuộc nằm lòng, anh vẫn bảo cố giấu mảnh
giấy có chép bài thơ mang về làm kỷ niệm, vì khá dài nên cũng chóng quên. Nhưng
khi lên ban chỉ huy trại xếp hàng chờ lãnh tấm giấy ra trại, thấy mấy anh bạn
tù phía trước bị khám xét quá kỹ quá, tôi nhát gan, vội bỏ mảnh giấy vào miệng
nhai nát rồi nuốt vào cái dạ dày đang đói. Khi về đến nhà, tôi liền ngồi viết lại
cả bài thơ và đưa cho vợ tôi đọc. Nàng rơm rớm nước mắt.
Khi biết tin anh đến Mỹ, tôi đang
định cư ở Na Uy, nên nhờ cô con gái lớn đang sang học ở Cali liên lạc tìm thăm
anh. Anh vui lắm. Từ đó anh em thường liên lạc thăm nhau. Tôi chép lại bài
thơ “Tháng Chạp Buồn” gởi cho anh, vì anh cho biết đã không còn nhớ
rõ một vài câu trong đó.
THÁNG CHẠP BUỒN
* * *
* * *
Tô Thùy Yên
Sau này, bài thơ TA VỀ, anh viết
khi ra tù, đã trở thành một tuyệt tác, đưa tên tuổi anh lên tột đỉnh thi ca.
Bài thơ mà gần như người Việt khắp thế giới đều biết đến, ngay một vài tờ báo
văn nghệ trong nước cũng đã đăng tải, bình phẩm và ngợi ca. Bài thơ rất dài,
nhưng nhiều người thuộc nằm lòng, chỉ cần nhắc đến một vài chữ, như “cám ơn hoa
đã vì ta nở”…là biết ngay đến Tô Thùy Yên. Nhưng với tôi, bài thơ “Tháng Chạp
Buồn” lại gây cho tôi nhiều xúc động hơn, không chỉ nó mang nhiều tâm trạng của
“tám năm áo rách bao nhiêu lượt, tôi vá chồng lên những nỗi niềm” mà còn gợi
lại nhiều kỷ niệm gắn bó giữa anh Tô Thùy Yên và cá nhân tôi trong những năm tù
ngục
Trong tù, anh có kể cho tôi nghe
cuộc tình của anh với nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ. Anh cũng tỏ ra ân hận và thấy
có lỗi với cả hai người đàn bà, chị Nguyễn Thị Thụy Vũ và chị Huỳnh Diệu Bích,
người vợ chính thức mà anh hết lời ca ngợi. Cuộc tình này đã gây cho anh khá
nhiều tai tiếng và cũng để lại nhiều dằn vặt trong anh.
Anh Đặng Trần Huân lớn hơn anh
Đinh Thành Tiên mười tuổi, khi ấy tóc đã bạc trắng, cùng phục vụ trong Tổng Cục
CTCT nhưng người Bắc người Nam, khác tính nhau và dường như không mấy
thân nhau. Tô Thùy Yên thì trầm ngâm, ít nói, còn Đặng Trần Huân thì thường vui
đùa, bỡn cợt. Khi tâm tình với tôi, anh Đặng Trần Huân cũng thường có ý trách
anh Tô Thùy Yên về chuyện Nguyễn Thị Thụy Vũ. Tôi vừa đùa vừa bênh vực: tình
của giới văn nghệ mà, nên thông cảm, bố ạ! Tôi thường gọi anh Đặng Trần
Huân là bố và anh cũng xưng bố với tôi. Vì có lần anh đùa, bảo “ bố có cô
con gái út chưa chồng, nếu mai này mày ra tù mà vợ đã lấy chồng khác tao sẽ gã
nó cho mày!” (xin lỗi cô gái út, nếu đọc được mấy dòng này)
Cả hai anh đều sang Mỹ cùng gia
đình theo diện HO. Anh Đặng Trần Huân mất vào năm 2003 tại Nam Cali, sau khi
sinh hoạt báo chí, văn nghệ một thời gian. Anh Tô Thùy Yên thì nổi tiếng với
bài thơ Ta Về, nhưng không còn sáng tác nhiều. Chỉ ra mắt duy nhất tập thơ “Thắp
Tạ”
Đọc tập thơ anh gởi tặng, tôi
nghĩ có lẽ đây là một kết thúc, khi ở đầu tập thơ anh viết:
Thắp tạ càn khôn một vô ích
Thắp tạ nhân quần một luyến thương
Và
Thức cho xong bài thơ
Mai sớm ra đi
Cài hờ lên cửa tặng
Tôi gọi sang cám ơn anh và đùa:
–Đọc tập thơ này có nhiều câu em
không hiểu được. Vả lại, ông anh còn yêu đời quá mà “thắp tạ” làm chi sớm vây?
Tập thơ xuất bản năm 2004, mãi đến
mười lăm năm sau, ngày 21 tháng 5 năm 2019, nhà thơ Tô Thùy Yên mới ra đi. Và
đúng là anh cũng đã yêu đời thật, khi trải qua một cuộc tình đẹp đầy tính văn
nghệ với một cô con gái trẻ, mê thơ và ngưỡng mộ anh!
Rồi mọi người sẽ nhớ tới anh, nhớ
mãi thơ anh. Bài thơ Ta Về sẽ trở thành bất tử. Riêng tôi sẽ không thể nào quên
người anh, bạn tù, một nhà thơ lớn, có tâm hồn, lãng mạn, nhưng luôn khí khái,
đã cho tôi nhiều kỷ niệm dễ thương, thi vị ngay trong cảnh khốn cùng nhất của
kiếp con người.
Bắc Âu, 21.5.2022
◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét