Nguyên Tống
30/4/2022
Năm đó mình mới 6 tuổi, nhớ rõ một
buổi trưa ngày thường như bao ngày, nhưng không hiểu sao bố mẹ lại nghỉ ở nhà.
Rồi mọi thứ như vỡ oà, bố mẹ và các chú các bác hàng xóm nhảy tưng tưng reo hò,
chiến thắng rồi, hoà bình rồi… Riêng bà ngoại mình thì ngồi bó gối đầu giường lặng
lẽ khóc. Bà khóc vì đứa con trai duy nhất của bà đã hy sinh từ 9 năm trước đó rồi,
không thể trở về. 30/4/1975, Lần đầu tiên trong đời mình có một cảm nhận mơ hồ
về việc vinh quang nào mà chẳng có nước mắt. Không biết nên vui cùng bố mẹ hay
buồn cùng bà nữa…. (Là người bà mà mình sửa mộ 2 tuần trước trong câu chuyện
ngã gãy xương sườn đó)
Rồi sau đó thì cũng chẳng thấy có gì vui nữa cả. Dù không phải “chi viện cho miền Nam” nữa, nhưng cuộc sống của nhà mình cũng như mọi người xung quanh vẫn vậy, thậm chí đói hơn, ăn độn mỳ, độn sắn, độn bo bo ngày một nhiều hơn. Có vẻ mọi người cũng đã bớt vui, còn bà mình thì ngày càng buồn hơn…. Nghĩ lại thì thấy niềm vui đó (như mình cảm thấy) cũng chỉ như mọi người vui mừng khi thắng một trận bóng bây giờ. Rồi đâu lại vào đó, khó khăn thường nhật lại quay về như trước. Chỉ khác là nỗi đau của những bà mẹ như bà ngoại mình thì vẫn còn đó đến khi chết, dai dẳng khôn nguôi….
Rồi bố mình đi vào Nam để tìm mộ
bác. Cũng phải có ưu tiên gì đó thì mới xin được cái giấy đi đường. Khi quay ra
thì ông tha lôi cơ man là đồ đạc. Ông nói miền Nam không hề đói khổ rên xiết gì
cả, họ sống sướng lắm, xe máy ô tô nhiều, TV, tủ lạnh, quạt điện… bỏ lại ê hề…
Chẳng hiểu sao lại bảo họ khổ lắm nên cần giải phóng?!… Trong số đồ đạc ông
xách ra có cái quạt trần. Mọi người sang chơi sờ vào mấy cái cánh quạt chưa lắp
thì bảo có lẽ là cái máy chém mà Mỹ Diệm lê khắp miền Nam để chém đồng bào ta
đây. Nó làm mình phát hoảng khi thấy bố treo cái đó lên trần nhà, không biết
ông định chém ai trong nhà mình?!…
Khi biết không phải máy chém thì
mình phát hiện là hoá ra chưa ai nhìn thấy, kể cả là ảnh chụp cái máy chém nên
mới không biết nó hình thù ra sao thì mới nhầm như vậy. Mình bắt đầu tìm hiểu chuyện
này và thấy nó không đúng như những gì mà bọn mình được nghe, được học.
Đầu đuôi là thế này: Năm 1954 thì
hiệp định Giơ ne vơ được ký kết. Theo đó, Việt nam chia làm đôi, ai muốn theo
CS Liên Xô Trung Quốc thì sống ở miền Bắc, ai theo Dân chủ tự do kiểu Mỹ thì ở
miền Nam. Sống nhầm chỗ thì có 3 tháng để di chuyển đổi chỗ. Và đã có hơn 1 triệu
người Bắc di cư vào Nam, trong khi chỉ có hơn 100 ngàn người Nam “tập kết” ra Bắc.
(Ngay cái từ “di cư” và “tập kết” này cũng nói lên nhiều điều. Di cư tức là người
ta chuyển hẳn vào Nam để sinh sống lâu dài. Còn Tập kết tức là đã có ý đồ sẵn,
tạm thời ra tập trung lại với nhau ở miền Bắc để chuẩn bị đánh ngược lại chiếm
miền Nam).
Như vậy là mọi thứ đều sòng phẳng,
ai thích ở đâu thì tự do lựa chọn. Nhưng có một số người thích bên kia nhưng
không đi mà ở lại “nằm vùng” để chống phá bên này. Vì thế mà miền Bắc cũng có
phong trào tố giác gián điệp và miền Nam cũng vậy. Bắt được thì tuỳ tội trạng
mà tù hay xử bắn theo luật thời chiến thôi. Miền Bắc thì Luật bất thành văn, cứ
thế mà bắt. Miền Nam thì vì là một thể chế dân chủ, pháp trị, không thể bắt người
vô cớ nên đến 1959 ra hẳn một sắc luật về việc này, gọi là Luật 10-59. Đó là luật
dùng để kết tội (có thể xử tử) những kẻ gián điệp nằm vùng chống phá chính quyền
của họ thôi, chứ có phải để giết đồng bào họ đâu? Cũng như ngoài Bắc hay bất cứ
quốc gia nào thôi mà?!
Thế mà câu chuyện lại thành ra
“lê máy chém khắp miền Nam”? Sao phải làm vậy khi có thể xử bắn? Hoặc cùng lắm
là chém bằng tay nếu muốn gây kinh hãi làm gương? Mà nếu chỉ có 1 cái máy chém
lê đi như thế thì đến bao giờ mới chém hết mấy chục tỉnh thành? Vậy là phải sản
xuất hàng loạt cho các tỉnh? Thế thì “giải phóng” rồi đấy, sao không thấy ai
“nhặt được” cái máy chém ấy mang về trưng bày cho dân xem để biết “tội ác” của
Mỹ Diệm? Vậy nó có hay không?
Từ việc bố mình mang nhiều vật dụng
“hiện đại” từ Nam ra, (chứng tỏ họ không hề đói khổ mà sướng hơn mình nhiều, chả
thấy gì là bơ thừa sữa cặn của đế quốc cả) cùng câu chuyện máy chém “tưởng tượng”
kia làm mình cảm thấy hoài nghi về mọi thứ, chẳng biết đâu là thật đâu là giả nữa
cả. Và từ cái để ý đó thì mình lại càng phát hiện ra nhiều điều vô lý và giả dối
khác nữa.
Và chỉ thấy nỗi buồn, nỗi đau của
bà ngoại mình và của hàng triệu bà mẹ khác là rất thật. Đau hơn nữa là họ đã mất
đi giọt máu thật của mình vì những điều không thật.
◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét