Tri Nhân Media

TIẾNG KẺNG TRẠI A 30

Duong Quan
25/4/2022

Tại tiểu bang Louisiana Mỹ trên con đường River Road nằm khoảng giữa Baton Rouge và New Orlean có một trang trại tên là Laura . Tính đến năm 2022 thì trang trại này được 218 tuổi . Đó là nơi sinh sống của người nô lệ da đen và người chủ trang trại là một cựu chiến binh Pháp trong cách mạng Mỹ tên là Guillaume Duparc . Năm 1804 ông Duparc đã dùng những người nô lệ da đen gốc Senegal châu Phi khởi công và sau 11 tháng trang trại được hoàn thành

Status này tôi viết về lịch sử trang trại Laura vì nó gợi cho tôi nhớ lại trại A30 ở làng Thạch Thành Tuy Hoà là nơi tôi cũng đã từng làm nô lệ sau ngày 30/04/75 khi miền Nam bị rơi vào tay cộng sản . Trại A30 là một trong rất nhiều trại cưởng bức lao động khổ sai được núp sau mị ngữ là những trại cải tạo

Trang trại Laura của Mỹ của thế kỷ 19 và trại A30 của Việt Nam của thế kỷ 20 giống nhau ở chỗ là đày ải con người . Những kẻ quyền thế xem mạng người rất rẻ rúng nếu không nói là mạng người dưới tay bọn họ chẳng khác chi con vật . Tất cả đều tối tăm tù túng và không có quyền làm người

Bởi vì có những trang trại như vầy tiêu biểu cho chế độ nô lệ mà người Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Abraham Lincoln đã giải phóng nó . Cuộc nội chiến bắt đầu từ năm 1860 và kết thúc năm 1865 .

Sau khi kết thúc những người nô lệ ở miền Nam nước Mỹ trở thành những người tự do. Cũng là hai chữ giải phóng được nguỵ trá vào năm 1975 sau khi kết thúc cuộc chiến VN những người cộng sản đã giải phóng người dân miền Nam từ tự do trở thành nô lệ

Kết thúc cuộc chiến tranh Mỹ, người Mỹ đã ngồi xuống chung tay với nhau biến nước Mỹ thành một cường quốc đứng hàng đầu thế giới. Kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam, đảng cộng sản Việt Nam cắt lìa tính dân tộc chặt nhân nghĩa thành từng khúc biến miền Nam VN từ một quốc gia đầy tiềm năng trở thành tụt hậu đứng gần chót trên bản đồ thế giới .

Người Mỹ còn giữ lại những trang trại như vầy để làm chứng tích cho con cháu đời sau nhìn vào biết được sự thật của lịch sử . Người cộng sản VN thì trái lại đem che giấu và bóp méo lịch sử để dạy điều dối trá cho con cháu đời sau . Họ không biết rằng qui luật của thời gian là có thể làm mọi thứ thay đổi ngay cả đổi núi thay sông nhưng có một thứ mà thời gian không thể thay đổi được đó là sự thật

Những người nô lệ của trang trại Laura sống theo tiếng kẻng cứ mỗi hừng đông cũng như tôi trong những ngày tù tội tại A30 . Tiếng kẻng là một ám ảnh không rời dù đã 47 năm

------------------------

Ý kiến:

Tam Nguyen

Bài viết của anh Quan Duong làm tôi nhớ lại thời gian phải nói là kinh hoàng cho những sĩ quan trẻ tuổi của miền Nam VNCH chúng tôi trong các trại tù cải tạo của cộng sản ; đây là lần đầu tiên trong đời mà những người sĩ quan trẻ miền Nam biết đến cái " thiếu đói " , tôi nói thiếu đói là vì ngoài vấn đề đói tức là ăn không đủ mà còn thiếu đó là không đủ dinh dưỡng , thèm chất ngọt , chất béo ... Họ đày đọa mình đói đến mờ mắt , ù tai quý vị ạ , làm con người lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cái ăn ! Và chúng tôi thường hay nhắc đến thí nghiệm của Palov " con chó và cái kẻng " và những người cs đối xử với chúng tôi như vậy , và anh em nào từng trải qua những ngày khốn khổ đó tại trại tù L4T5 Trảng Lớn có thể nhớ mấy câu này , không biết ai đã đặt ra nhưng nhiều anh em hay xướng lên để diễn tả thân phận của mình

" Thằng cải tạo ngồi quanh hòn đá ,
Chờ đánh kẻng ăn cá , ăn cơm ,
Thằng cải tạo nhảy quanh đống rơm ,
Chờ đánh kẻng ăn cơm , ăn cá " .

Bây giờ nhớ lại còn rợn tóc gáy !

Quan Duong

Chắc bên ngoài không ai biết mùi vị của hạt muối nó ngọt chứ không mặn và nếu tôi nói hạt muối ngọt thì chẳng ai tin

Mấy tháng đầu ở Đồng Găng không có thăm nuôi cây cỏ bên đường bị nhổ ăn ráo trọi nhưng thiếu vị mặn tụi này phải đốt rễ tranh lấy tro quậy với nước xong chờ nó lắng xuống lấy nước đó chấm rau ăn vì tro tranh có vị mặn . Một bữa có người bạn chôm ở nhà bếp của tụi cán bộ mấy hạt muối, tui được chia cho mấy hạt. Ngậm vô miệng nước bọt trào quyện với hạt muối thấy vừa ngọt vừa đau .

Trần Quê

Tiếng kẻng ở trại tù có khác gì tiếng kẻng ở vùng kinh tế mới đâu ! Cũng bóc lột, cũng quyền lực, cũng chấm công và mỗi ngày công được chia cho 0,5 ký lúa. Giã ra khuấy thành hồ không đủ no một bữa trưa !

◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét