VietTuSaiGon
16/4/2022
Ở Việt Nam hiện nay, có thể nói rằng bạn đang sống ở một làng quê heo hút nào đó, nhưng vẫn thấy thương nhớ làng quê, thương nhớ những gì thuộc về văn hóa làng. Bởi làng quê đã thực sự chết trong mọi ngõ ngách đời sống, trên đất nước này.
Nhưng, đáng sợ hơn là mọi vẻ đẹp
của làng quê đã chết, nhưng, những cái tệ, cái dở của làng quê thì trường tồn
và nảy nở. Mà nguyên nhân của cái chết làng quê lại nằm trong cụm từ “phát triển
xã hội chủ nghĩa”. Chính sự phát triển xã hội chủ nghĩa từ kinh tế, văn hóa,
giáo dục, chính trị cho đến y tế... và cả tâm tính con người đã nhanh chóng giết
chết những gì đẹp đẽ, hiền hòa, khoáng đạt và thanh tĩnh của làng quê, thay vào
đó là tính chất xã hội chủ nghĩa.
Vậy tính chất xã hội chủ nghĩa là gì, tại sao nói rằng chính thứ tính chất này đã giết chết làng quê? Xin thưa, chủ nghĩa Cộng sản và cơ chế chính trị xã hội chủ nghĩa đã có mặt tại Bắc Việt Nam từ những năm 1930, tuy nhiên, để đảm bảo duy trì kháng chiến và tổ chức chiến tranh tiến công miền Nam, dường như mọi cấu trúc làng quê miền Bắc vẫn không thay đổi mấy, cho dù trải qua cuộc đấu tố kinh hoàng những năm 1955 – 1956 thì miền Bắc vẫn giữ được nếp văn hóa làng, bởi đây là sức mạnh căn bản để làm hậu phương, tạo tiền đề tấn công miền Nam, hơn nữa, trong lúc này, miền Nam bị xé nhỏ bởi kiểu dinh điền, sau đó đến khu trù mật và cuối cùng là ấp chiến lược. Ba dự tính thay đổi cấu trúc làng của Tổng thống Ngô Đình Diệm lúc đó vô hình trung làm sức mạnh văn hóa làng của miền Nam bị triệt tiêu đáng kể.
Và để đảm bảo các yếu tố chiến lược,
gần như miền Bắc luôn chọn những cấu trúc đi ngược với miền Nam, miền Nam càng
hiện đại, miền Bắc càng lạc hậu, miền Nam càng có khuynh hướng lên phố phường
thì miền Bắc càng lui sâu về làng quê, thôn ổ. Sự lạc hậu sẽ là trở ngại rất lớn
cho việc xây dựng một nền kinh tế hiện đại, vững mạnh nhưng bù vào đó, nó lại
là cơ sở hun đúc ý chí và nung nấu quyết tâm cống hiến. Bởi không có nơi nào
đáng yêu hơn làng quê và cũng không có tiếng gọi nào thiêng liêng hơn tiếng gọi
lên đường bảo vệ quê hương. Bởi chỉ có những hình ảnh, âm thanh, giọng nói, nếp
nhà quen thuộc, cả những bóng dáng và nụ cười, cả những điệu sống tuy chậm trầm
mà sâu lắng của làng quê mới khắc vào tâm can của con người lòng yêu thương, và
chính lòng yêu thương là tiền đề cho sức mạnh yêu nước, cho sức mạnh cống hiến.
Nhưng đó là thời chiến tranh.
Đến năm 1975, khi mà người Cộng sản
không còn cảnh xanh da xanh mặt vì đói, không còn cảnh chui nhủi rừng già kiếm
mụt măng, trái chuối mà qua bữa, không còn cảnh hủ gạo tình thương của dân...
Thì lúc đó, làng quê không phải là vấn đề khiến người ta thương nhớ, nghĩ về.
Thậm chí làng quê trở thành một thứ gì đó vừa lạc hậu vừa phiền phức trong mắt
của người thành phố (mà chủ yếu là dân cán bộ). Sự hãnh tiến sau chiến tranh, sự
tự mãn của kẻ chiến thắng và sự bất chấp của những người luôn tôn thờ chủ
nghĩa, tôn thờ thần tượng nhưng không hiểu biết gì về căn tính dân tộc cũng như
nguồn cội và văn hóa dân tộc... thì hệ quả đương nhiên sẽ là càng hiện đại,
càng tân kì, càng giống Liên Xô, càng hoành tráng, càng kỳ vĩ, thậm chí vĩ đại...
càng tốt!
Chính cái nếp tư duy này nhanh
chóng phá vỡ mọi thứ vốn dĩ đã thành nếp, đã thành văn hóa, đặc biệt là văn hóa
làng. Và, bên cạnh đó, thói hống hách, đố kị và tham lam của cán bộ Cộng sản
càng nhanh giết chết làng. Bởi khi kinh tế thị trường mở ra, vẫn còn cái đuôi
quản lý để định hướng xã hội chủ nghĩa, cán bộ, những kẻ có trình độ và văn hóa
ở mức kém cỏi nhưng ngồi ghế quyền lực từ địa phương tới trung ương đã nhanh
chóng lạn lách, léo hánh, lươn lẹo để giữ quyền lực bằng kiểu mua bằng bán chức.
Và quĩ đất trở thành miếng mồi béo bở nhất của họ. Các làng quê nhanh chóng bị
chẻ ngang chẻ dọc bằng những khu dân cư mọc khắp mọi nơi, cứ mỗi đời chủ tịch
là một lần làm thịt làng, cắt xén, chẻ nhỏ làng. Những cánh đồng, những khu vườn,
những vườn cây, những khoảnh rừng, những ao chuôm vốn dĩ là nét đẹp, là vẻ thơ
mộng và là lá phổi, là nơi ổn định nguồn nước dự trữ và cân bằng sinh thái của
làng nhanh chóng bị san phẵng để phân lô.
Thứ tư duy phân lô nhanh chóng làm cho con người trở nên hư hỏng và lươn lẹo, những thanh niên, tuổi trẻ thay vì tìm một công việc tử tế lại lao đầu vào phân lô, cò cuốc, cờ bạc, ảo tưởng quyền lực. Làng trở thành nơi dung chứa tội ác và trừng phạt, nơi tiềm tàng thủ đoạn và oan ức, nơi của ma cô và quan chức địa phương...
Cuối cùng, sau chưa đầy
nửa thế kỉ, rất khó để tìm được một làng quê vẫn mang dáng dấp làng, mang cái hồn,
cái đẹp của làng quê thực thụ. Mà thay vào đó là những làng phân lô, những làng
đâm chém nhau vì đất đai, những làng dân oan, những làng cừu thù và đáng sợ hơn
là những làng du lịch sinh thái – một kiểu sân khấu hóa làng quê bằng cách giết
chết làng thật và thay vào đó những làng giả để kiếm tiền. Những làng sinh
thái, dù nhìn ở góc độ nào vẫn thấy tính chất sân khấu hóa của nó, bởi nguồn gốc
hình thành của nó là để Kiếm Tiền chứ không giống những làng quê thực thụ được
hình thành để Sống.
Và đáng sợ nhất là cái chương
trình bê tông hóa đường làng. Nói đáng sợ không phải bê tông là dở, là tệ,
đương nhiên thời đại phát triển, xe cộ nhiều ra, không thể để một con đường vào
làng mùa nắng thì bụi mù, mùa mưa thì sình lầy, lội bùn ngang đầu gối, như vậy
thì chẳng thể nào phát triển được. Mà làng cũng chẳng hề xấu đi bởi những con
đường bê tông, thậm chí càng đẹp hơn một khi những con đường này lượn qua những
cánh đồng, có vệ cỏ, có lối hoa, có những cụm hoa dại hoặc hoa được trồng bên
đường... Thời đại kinh tế phát triển, không thể trách những con đường bê tông.
Nhưng đáng sợ ở đây là âm mưu nấp sau con đường bê tông. Thứ âm mưu của cán bộ
địa phương, mượn vốn từ tỉnh, trung ương và kêu gọi sức dân, làm nên con đường
bê tông sau đó thì làm dự án, xin trình lên cấp trên để qui hoạch đất ở, cứ nơi
nào dễ đi, nơi nào đẹp, nơi nào dễ lấy đất, dễ đổ đất thì qui hoạch, phân lô, đấu
giá hoặc bán cho nhà đầu tư.
Và đương nhiên nhà đầu tư ở đây
không hẳn, thậm chí không phải người giỏi làm kinh tế mà là kẻ biết tận dụng thời
cơ, thế lực, mối quan hệ và biết xoay xở, vay vốn ngân hàng, mượn danh công ty
để nhảy vào đầu tư, nhảy vào ép dân phải giao ruộng đất ở mức thấp nhất, sau đó
san ủi mặt bằng và thổi giá, bán giá trên trời. Chỉ cần một động tác xoay xở,
mánh, chung chi cho cán bộ địa phương và thao túng đất đai của dân nhân danh
“tài sản toàn dân” và cuối cùng là làm giàu một cách vô tội vạ, mặc cho nhân
dân đau khổ, rên xiết... Đó là tình trạng chung.
Và, đáng sợ nhất, cái tình trạng
chung này nhắm đến thôn quê, nhắm đến làng xã nhiều nhất, bởi quĩ đất nông nghiệp,
lâm nghiệp ở đây còn nhiều, bởi giá đất ở quê còn thấp, bởi đầu tư vùng quê mau
sinh lợi khi nhu cầu ở thành phố đã bão hòa... Với tất cả các yếu tố này, các
cánh đồng, những đường làng và những nếp nhà thôn quê mang hơi thở làng, mang hồn
vía làng, mang tình người, mang những tương hệ tình làng nghĩa xóm nhanh chóng
bị phá vỡ bởi những quả bom tiền ảo, bởi cung cách thực dụng và đầy giảo hoạt của
các “nhà đầu tư” cũng như cán bộ địa phương.
Và làng nhanh chóng chết đi, cho
đến giờ phút này, làng đã hoàn toàn mất dấu cho dù người ta vẫn nghe đâu đó có
“làng sinh thái”, làng đúc, làng hoa, làng nghề... Nhưng kì thực, đó là thứ
làng trình diễn, làng sinh ra từ nhu cầu Kiếm Tiền chứ không phải là nhu cầu Sống.
Với những thứ làng có xác mà không có hồn như vậy, nó hoàn toàn không có sức mạnh
cộng đồng và tiền đóng vai trò như một thứ ma túy đối với nó, một thứ làng con
nghiện và ma túy ở đây là tiền.
Và, một khi những làng quê thực sự
mất đi, văn hóa làng bị bức tử, thì điều đó cũng kéo theo hệ lụy là sức mạnh cộng
đồng không còn, mọi quan hệ đều căn cứ trên vật dục, sức mạnh tinh thần, sức mạnh
tâm linh bị đánh mất. Không có gì đáng sợ cho một quốc gia hay cho một chế độ
chính trị hơn việc sức mạnh cộng đồng, mối liên kết dân tộc bị chặt đứt, phá vỡ.
Bởi một khi đồng tiền quay cuồng và chiếm thế thượng phong, mọi giá trị văn
hóa, tâm linh và tình yêu bị bức tử, thì việc làm lay chuyển một thứ gì đó bằng
tiền không còn khó khăn, kể cả việc đạp đổ chế độ. Bởi, bên trong những cái vỗ
tay, bên trong câu nói trung thành không còn là bảo chứng của tư tưởng, linh hồn,
tình cảm mà là một sự đánh đổi bằng tiền.
Làng chết đi, điều đó cũng đồng
nghĩa với xã hội tao loạn sẽ ngày càng nặng hơn. Bởi, sai lầm của Cố Tổng thống
Ngô Đình Diệm trong chiến lược Dinh Điền, Khu Trù Mật và Ấp Chiến Lược một thời,
giờ, nhà lãnh đạo Cộng sản đang đi trên vết xe đổ ấy với bước chân mạnh bạo hơn
bởi động cơ Tiền!
Tự dưng, thấy thương nhớ... Làng!
(RFA)
◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét