Đạt Nguyễn
25/4/2022
Đây là một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của chiến tranh Việt Nam. Có lẽ nó cũng không mấy xa lạ với nhiều người trong chúng ta, bởi lẽ năm nào người ta cũng chiếu trên tivi vào dịp 30 tháng 4.
Bức ảnh này được chụp vào ngày
30/4/1975 trên boong sàn bay (flight deck) của USS Midway, một trong nhiều tàu
chiến Mỹ tham gia vào chiến dịch Gió Lốc (Operation Frequent Wind), chiến dịch
di tản bằng trực thăng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong vòng hai ngày,
lính Mỹ đã di tản toàn bộ người Mỹ ở miền Nam Việt Nam cũng như hơn 6.000 người
Việt Nam tị nạn.
Mặc dù được đánh giá là một chiến dịch thành công, nhưng những hình ảnh di tản trong hoảng loạn đã đánh dấu một trong những thời điểm đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ và cả Việt Nam.
Quay trở lại bức
hình trên. Chiếc trực thăng trong hình là một trong nhiều chiếc máy bay do các
sĩ quan không quân Nam Việt Nam tự chở gia đình đáp xuống USS Midway.
Khi trên boong đã kín chỗ thì các
thủy thủ phát hiện thêm một chiếc máy bay cánh quạt L-19 Bird Dog đang tìm cách
hạ cánh xuống Midway.
Người ta liền liên lạc với viên
phi công, yêu cầu ông ấy bay sát mặt nước biển và nhảy ra khỏi máy bay, rồi cho
thuyền ra cứu, chứ trên boong không còn chỗ đậu trực thăng nói chi là máy bay hạ
cánh.
Có vài chiếc trực thăng trước đó đã
phải sử dụng phương pháp nhảy xuống biển này. Tuy nhiên viên phi công không nhận
được tín hiệu liên lạc và cứ bay vòng tròn trên đầu như muốn hạ cánh trên
boong.
Viên phi công không
có radio, nên ông ấy cố gắng liên lạc với Midway bằng cách thả giấy xuống boong
tàu.
Lần thứ nhất ông ấy gắn mảnh ghi
chú vào một con dao và quăng nó xuống boong, nhưng gió lại thổi nó rơi xuống biển.
Ông ấy thử lại với một chiếc giày rồi một chùm chìa khóa nhưng tất cả đều rớt
xuống biển.
Chỉ đến khi ông ấy quấn mảnh ghi
chú vào một khẩu súng lục thì nó mới rơi trúng boong. Vài dòng ngắn ghi bằng tiếng
Anh dịch ra là như thế này:
"Các ông có thể
di chuyển những chiếc trực thăng này sang một bên được không? Tôi có thể hạ
cánh trên đường băng của tàu. Tôi có thể bay được thêm một tiếng nữa, chúng ta
có đủ thời gian để di chuyển. Làm ơn cứu gia đình tôi với, Thiếu tá Lý Bửng, vợ
và 5 con."
Thế là mọi kế hoạch đáp xuống biển
bị hủy bỏ vì người ta e rằng những người ngồi sau sẽ chìm cùng chiếc máy bay trước
khi thuyền cứu hộ đến kịp. Thế là thuyền trưởng tàu L. C. Chambers bất chấp tòa
án quân sự treo trên đầu, ông ra một quyết định có lẽ là lần đầu tiên trong lịch
sử quân đội Hoa Kỳ.
Ông ra lệnh di dời những chiếc trực
thăng, và những chiếc nào không thể nhanh chóng chuyển qua một chỗ khác an toàn
hơn thì sẽ bị đẩy xuống biển.
Ông kêu gọi mọi người góp sức và
ngap lập tức nhiều thủy thủ trên tàu, bất kể cấp bậc, cùng tham gia đẩy xuống
biển hàng chục chiếc trực thăng, có giá trị tổng cộng gần 10 triệu Mỹ kim.
Đó cũng là lúc bức ảnh
ở trên được chụp.
Hôm ấy trời có mưa, boong tàu trơn
ướt và có gió. Chiếc L-19 không được thiết kế để đáp trên hàng không mẫu hạm.
Phi công Việt Nam cũng chưa bao
giờ được huấn luyện để đáp lên tàu sân bay, vì Việt Nam đâu có tàu sân bay.
Nhưng kết quả thật có hậu, dù chỉ
một lần thử và không được sai sót, thiếu tá Bửng thành công đáp máy bay xuống
tàu.
Ông cùng vợ con xuống Midway
trong sự kinh ngạc tiếng vỗ tay hoan hô của những người trên tàu.
Khi tất cả đã là lịch
sử, ta nhận ra rằng những quyết định anh hùng chỉ đến trong khoảnh khắc. Chiếc
Bird Dog chở họ ngày hôm đó ngày nay được trưng bày ở bảo tàng Hải Không Quân ở
Florida. Người hùng Lý Bửng trong khoảnh khắc sinh tử đưa cả gia đình vào cõi
chết để tìm cõi sống. Gia đình ông này đã định cư ở Mỹ. Thuyền trưởng Chambers
không bị kỷ luật.
Ông Chambers và ông
Bửng thỉnh thoảng vẫn gặp nhau.
Trong một phỏng vấn
khi ông Chambers được hỏi rằng:
Ông là một người hùng khi trực tiếp
cứu hàng ngàn người Việt, và quyết định nhân văn của ông khi đẩy những chiếc trực
thăng xuống biển để cứu gia đình ông Bửng, ông muốn cộng đồng người Việt làm gì
cho ông?
Ông Chambers hóm hỉnh trả lời:
Chỉ cần có thêm nhiều nhà hàng Việt
Nam với những món ăn Việt thật ngon quanh khu tôi sống là đủ.
Ngày hôm nay, có lẽ những người
VN từng được cứu sống trên biển Đông hãy dành một ngày để nói về chuyện vượt
biên với vợ con và thế hệ trẻ về kỷ niệm ngày chúng ta vượt biên và hãy nhớ ơn
nhiều người đã cứu sống chúng ta.
◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét