Lao Ta
10/3/2022
(Nhân vụ Thái Hạo)
Nếu những gì kể lại của nhà thơ
Thái Hạo là sự thật 100%, thì đất nước mình, vốn rất ít đóng góp cho nhân loại
những chuyện hay, nhưng lại kì tài trong việc tạo ra những chuyện chả ra gì.
Còn nếu là do Thái Hạo bịa ra, dù
chỉ vài phần trăm, ông sẽ phải chịu sự phán xét nghiêm khắc về mặt đạo đức.
Nhưng thông tin về việc có những
người lạ mặt, đóng vai côn đồ, luôn quấy rối các cuộc trao giải của Văn Việt,
thì tôi nghe đã nhiều?
Tôi phản đối mọi hành vi khủng bố
nhằm vào sáng tạo.
Nhưng có một câu hỏi dành cho quý vị: Văn chương nước Việt liệu có còn quan trọng đến thế; khiến phải tốn một nhân lực khổng lồ đến thế để giám sát nó mọi lúc mọi nơi?
Từ lâu, tôi không còn quan tâm đến
bất cứ nhóm, tổ chức văn chương nào, kể cả Hội nhà văn Việt Nam, nơi về mặt lý
thuyết, tôi vẫn là hội viên. Các giải thưởng lại càng tuyệt đối không. Nhưng
tôi luôn nghĩ, nếu có một trăm tổ chức, hoặc nhóm văn chương, thậm chí nhiều
hơn nữa, thì văn học nước nhà sẽ chỉ phong phú hơn, vui hơn, dân chủ hơn, kích
thích các nhà văn sáng tạo nhiều hơn, sự tử tế may ra cũng tăng lên. Và vì thế,
với mỗi nhóm, tổ chức ra đời, nên nhận được một bó hoa, ít nhất cũng là thiệp
chúc mừng, thay vì những cái dùi cui.
Một nền văn học phải có rất nhiều
người thành tựu, mới mong tôn cái nền chung cao hơn một chút. Từ cái nền ấy, biết
đâu sau đây dăm bảy chục năm, có ai đó nhô hẳn lên, giật cái giải Nobel để
không phụ lòng mong mỏi thiết tha của ngài Chủ tịch nước. Chứ cứ cái kiểu hễ ai
khác một chút, là chặn họng, thậm chí chặn đường đánh đấm cho sưng mặt, hoặc
tìm cách loại bỏ khỏi hệ thống truyền thông, thì chỉ nên mong mỗi năm có một
cái giải văn học Asean thôi, là vừa tầm!
Tiện đây tôi nói thật: Vô phúc
cho vị nào được Hội nhà văn đề cử tranh giải Nobel sắp tới. Bởi nó sẽ là khởi đầu
vĩnh viễn cho những cuộc đàm tiếu, nhạo báng có thể gây ê chề vài thế hệ con
cháu. Đã có “tấm gương” nhãn tiền rồi. Giờ đây, kể cả ngài ứng viên kia có đào
hang chui xuống đất cũng không thoát bị lôi lên cạo lông làm “món nhắm” mỗi
ngày!
Đã đến lúc phải trả lại cho văn
chương quyền sáng tạo như một thứ quyền riêng tư tuyệt đối. Vả lại quyền thành
lập các hội đoàn cũng đã là quyền Hiến định. Nhóm “Tự lực văn đoàn” là một ví dụ
mà chúng ta có thể nhắc mãi, về khả năng cống hiến cho văn hóa đất nước những
thành tựu khổng lồ như thế nào, một khi có tự do sáng tạo và tự do ngôn luận.
Lịch sử rồi đây có thể không biết,
không nhắc đến Hội nhà văn Việt Nam, nhưng “Tự lực văn đoàn” với chỉ 7 thành
viên, tồn tại chưa đầy 10 năm, thì vĩnh cửu sống trong kí ức dân tộc với niềm
biết ơn ngày càng lớn.
Nói dại hồi đó, khi Xuân Diệu đi
nhận giải Tự lực văn đoàn mà cũng bị côn đồ đấm cho tím mặt, thì chả biết chuyện
bi hài gì sẽ đi vào lịch sử, gắn với tên ông? Chắc chắn là một vết nhơ mà văn
hóa Việt khó rũ sạch.
Các vị lo lắng làm gì, bởi Văn
chương nước Việt đang vô dụng hết cỡ. Hiện thực cuộc sống hấp dẫn gấp bội, đau
thương gấp bội, triết lý gấp bội, có tác dụng cảnh báo gấp bội, thậm chí ấn tượng
gấp bội về mặt tác động đến mỗi người, so với văn học cứ mỗi ngày càng giống cốc
nước đường pha loãng. Trong khi nhà văn thì cứ hèn dần đều mỗi ngày. Sự thực là
thế, có muốn nói khác cũng khó. Vì thế, càng nghiêm trang với đủ loại hội nghị
lớn nhỏ, càng ra vẻ thấy nó quan trọng, càng gán cho nó các loại sứ mệnh, càng
chỉ nực cười. Nó giống như ngồi bàn xem làm mõ hay làm hề thì đằng nào danh giá
hơn?
Thôi thì sẵn tiền, sẵn quyền, cứ
ban phát, bố thí thoải mái. Nhưng ngay cả mỗi năm ném ra cả chục ngàn cái giải,
thì cũng không khiến đống rác, ngày một cao, có thân phận khác.
Chia buồn với tai nạn của Thái Hạo
và mong ông không vì thế mà thù hận.
◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét