Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




ĐỪNG ĐỂ SỰ LINH THIÊNG CỦA ĐỨC THÁNH TRẦN THÀNH TRÒ TUYÊN TRUYỀN CHÍNH TRỊ

Trần Tiến Dũng
19/3/2022

Sau hơn 1.000 ngày được di chuyển tới đền thờ Trần Hưng Đạo trong thành phố, lư hương đã được đưa về lại trước tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo ở Công viên Mê Linh, vào rạng sáng 17-3-2022. 

Trái với những hành động mang tính xúc phạm và những ngôn ngữ đối đáp với quần chúng từ các thành phần thân chính quyền, thái độ trả lại lư hương lần này của giới chức thành Hồ có vẻ như hết sức cung kính. Điều đó lại khiến người dân nhận ra phần trí trá chưa được giải quyết, vì bởi vào thời điểm mang lư hương đi, tuyên bố trên truyền thông Nhà nước, Bí thư Quận ủy Quận 1 Trần Kim Yến lúc đó lý giải, việc đặt lư hương giữa công viên để thờ phụng là không đúng với tâm linh của người dân nên việc dời lư đi là bình thường.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cũng đồng tình với việc dời lư hương đi vì theo ông, “không thể để một xã hội thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề, chỗ nào cũng hương khói. Một xã hội nghi ngút hương khói là một xã hội nhộn nhạo”.

Tượng đài các vĩ nhân lịch sử như tượng Đức Trần Hưng Đạo không phải chỉ là nghệ thuật cảnh quan, càng không phải là trò trưng bày tuyên truyền chính trị. Tượng đài Đức Hưng Đạo Vương ở Sài Gòn có sự sống ngay trong từng giây phút người dân đến dâng hương, hoa và ngay cả trong nhịp sống thường ngày của từng người, mỗi khi dừng lại hay chỉ di chuyển ngang qua.

Sự linh thiêng của tượng đài các vị anh hùng dân tộc hội tụ và hiện hữu trong không gian tâm thức của mỗi người Việt, không gian đó tuy thuộc cá nhân nhưng là độc nhất, chính vì vậy đã vượt lên trên mọi sự phân biệt, cách nhìn, chánh kiến… để đạt đến cõi tri ân thường hữu; cõi phù hộ phúc lành, cõi động lực ý thức dân tộc, cõi năng lượng an lành linh thiêng xua đuổi thế lực xấu xâm phạm.

Khi một chế độ phá bỏ hay để thành phế tích tượng đài nhân vật lịch sử, việc làm đó cũng giống hành vi một đứa trẻ chưa đủ trí khôn, từng cộng đồng, từng cá nhân khác ủng hộ chính quyền có thể hùa theo đập phá. Nhưng một khi cả hệ thống cầm quyền chủ trương làm cái việc thiếu trí khôn đó, thì quả là tội ác với môi trường lịch sử sinh ra chế độ của họ. Nhưng cho dẫu vậy, họ sao có thể đập phá được tượng đài trong lòng từng người Việt qua nhiều thế hệ.

Việc lấy đi cái lư hương của tượng đài Đức Trần Hưng Đạo chỉ để ngăn người yêu nước khác chính kiến đến thắp hương, dâng hoa, nhằm truyền đi thông điệp yêu nước chống giặc Tàut không khác gì cách nghĩ và làm của đám trẻ con thiếu giáo dục.

Lần đầu tiên trong suốt các thập niên cầm quyền, nay có một ông thủ tướng đến thắp hương bia tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma hy sinh bởi đạn quân thù Trung Quốc. Lần đầu tiên có một ông bí thư của đô thị lớn nhất nước biết sửa sai khi trả lại cái lư hương dưới chân tượng Đức Thánh Trần. Không cần thiết phải kể ra hết các hậu quả hữu hình hoặc vô hình của việc trước đây họ “đã bắn vào lịch sử khác chánh kiến”; chỉ nên xác định không có thế lực nào ở dương thế này, có thể tước đoạt được tượng đài Đức Thánh Trần và các tiền nhân anh hùng dân tộc trong lòng người dân, kể cả các anh hùng dân tộc khác chính kiến với chế độ đương thời.

Mọi người Việt trưởng thành đều biết xét người qua việc làm; xét các quan cán bộ cầm quyền thì cũng công tâm phân minh xấu, tốt. Đừng nói việc ông thủ tướng thắp hương viếng các chiến sĩ Gạc Ma, hay ông bí thư vừa trả lư hương và chỉnh trang cả công viên tượng đài là kiểu dân túy hay lợi dụng tinh thần dân tộc; nhưng nếu cứ khăng khăng phủ nhận hay mỉa mai, thì hẳn cũng nhận thấy hiệu ứng dư luận Việt Nam tích cực quanh việc này, bởi không phải ông thủ tướng hay ông bí thư thành phố đã xác lập được giá trị tôn trọng vinh danh các anh hùng dân tộc, mà chính dư luận công dân trong suốt nhiều năm đã khiến cho họ, buộc họ phải sửa sai lầm; chính dư luận không phân biệt chính kiến của người dân yêu nước tôn thờ kính ngưỡng Đức Thánh Trần và các anh hùng tử sĩ đã thể hiện sức mạnh thuyết phục, chuyển hóa.

Tượng đài Đức Hưng Đạo Vương và nhiều biểu tượng danh nhân dân tộc khác đã an vị qua hai hoặc nhiều chế độ. Có lúc, một phần giới trí thức cho rằng thời đại khoa học công nghệ, toàn cầu thương mại… này đang hướng tới tương lai nơi chủ nghĩa dân tộc chân chính, tinh thần yêu nước bất khuất sẽ không còn giá trị như vốn có ở quá khứ nữa. Thật vậy chăng? Cho dẫu là vậy, nhưng ngay lúc này hãy nhìn lại một sự thật hiển nhiên đã và đang có hàng triệu người Sài Gòn và cả nước vẫn một niềm tin không thể lay chuyển rằng: Đức Thánh Trần và các anh hùng dân tộc từ mọi chính kiến, luôn linh thiêng, luôn hiện hữu như là một chủ thể phúc lành cho lương dân, và giáng họa cho bất kỳ chế độ, quan quyền nào xúc phạm lương tri dân tộc.

(Sài Gòn Nhỏ)
◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét