MX Phạm Vũ Bằng
9/6/2020
Hình: TQLC đang chờ tầu quân tại Căn Cứ Non Nước Đà Nẵng ngày 29/3/1975
Từ trên 10 năm nay, tôi đã khuyến
khích các đồng đội TQLC viết một bài hồi ký tương tự như bài này, nhưng tiếc
thay họ là những quân nhân thuần túy coi trọng kỷ luật quân đội không muốn phê
bình thượng cấp cho nên họ đã im lặng…
Tôi lại có cơ duyên trong tháng 3/1975 đã
theo đơn vị chiến đấu từ Bắc đến Nam tỉnh Quảng Trị-Nam Thừa Thiên-Đà Nẵng,
trên mỗi bước đi tôi đều đã ghi chép vào quyển nhật ký hành quân mà tôi còn giữ
cho đến bây giờ.
Ngoài ra Đại Úy Nguyễn Quang Đan-Chánh Văn Phòng Tư Lệnh TQLC- là bạn học của tôi thời niên thiếu, ông đã cho tôi biết nhiều chi tiết. Và rất đặc biệt là trong những năm cuối đời của Thiếu Tướng Tư Lệnh TQLC Bùi Thế Lân, tôi đã là bác sĩ riêng của Ông, chính Ông đã cho tôi biết những chi tiết của Trận Đánh Tháng 3/75 Quân Khu I và khuyến khích tôi viết ra.
Ngoài ra xin chân thành
cám ơn Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại và các chiến hữu trong và ngoài binh chủng đã
kiên nhẫn trả lời những thắc mắc liên quan đến bài viết của tôi.
Sau mấy tháng làm Địa Phương Quân "trấn thủ lưu đồn" tại xã Triệu Phong, Đông- Bắc tỉnh Quảng Trị, TĐ9/TQLC di chuyển tới làng Gia Đẳng-Quảng Trị để dưỡng quân. Gia Đẳng là một làng đánh cá ven biển vì vậy khí hậu ấm áp khô ráo khiến chúng tôi thoải mái hơn là tại Triệu Phong, tuy nhiên một tuần lễ sau, khoảng đầu tháng 3/1975 tôi nhận lệnh thuyên chuyển về Bệnh Viện Dã Chiến Sư Đoàn TQLC và bàn giao chức Trung Đội Trưởng QY TĐ9/TQLC cho một bác sĩ mới ra trường.
Vì không thích về Bệnh Viện Dã
Chiến Sư Đoàn TQLC và hơn nữa vì cảm nhận được tình hình chiến trận đã đến lúc
căng thẳng, tôi tình nguyện về Đại Đội Quân Y Lữ Đoàn 258/TQLC và được tạm thời
bổ nhiệm làm y sĩ điều trị tại Lữ Đoàn này vào ngày 08/3/1975 mà không ngờ tôi
sắp bước vào một cuộc gió tanh mưa máu đang ập đến toàn thể Quân Đoàn I.
Ngày 8/3/1975, tôi trình diện Đại
Đội Quân Y Lữ Đoàn 258/TQLC, đại đội này đóng chung với Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn
258/TQLC tại làng Mỹ Thủy- Quảng Trị. Làng Mỹ Thủy tọa lạc tại phía Nam Gia Đẳng
mấy cây số, cũng giống như tất cả các làng đánh cá ven biển tỉnh Quảng Trị, làng
này có những hàng dương liễu yểu điệu trong gió, cát trắng, biển xanh hiền hòa,
nước trong nhìn tận đáy, nếu không có chiến tranh thì nơi đây sẽ là một điểm du
lịch nên thơ, chỉ huy Đại Đội Quân Y là Y Sĩ Đại Úy Nguyễn Lê Minh, dưới quyền
ông là BS Nhi và BS Duy. Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 258/TQLC là Đại Tá Nguyễn Năng
Bảo, Lữ Đoàn Phó Trung Tá Huỳnh Văn Lượm, nguyên Tiểu Đoàn Trưởng TĐ9/TQLC của
tôi.
Phòng thủ tỉnh Quảng Trị lúc đó gồm có:
- Phía Bắc có Lữ Đoàn 369/TQLC.
- Phía Tây có Lữ Đoàn 147/TQLC.
- Phía Đông là Lữ Đoàn 258/TQLC.
Ngày 8/3/1975, Trung Đoàn Bình Trị
Thiên Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) tấn công một vị trí của của Tiểu Đoàn 4 TQLC- Đồi
51 phía Tây Bắc Sông Bồ, đồng thời một lực lượng Việt Cộng (VC) khác uy hiếp ấp
Hiền Lương khoảng 2 cây số Tây Bắc Mỹ Chánh, sáng hôm sau, ngày 9/3/1975, Tiểu
Đoàn 4 TQLC và Thiết Kỵ phản công, chỉ trong một buổi sáng, hai lực lượng CSBV
bị đẩy lụi, chạy trốn về phía núi để lại hơn 100 xác chết cùng vũ khí, phe ta
có 10 TQLC hy sinh, hôm đó chúng tôi đứng tại cổng Lữ Đoàn 258/TQLC để xem Thiết
Kỵ xuất quân buổi sáng, cứ tưởng sẽ có một trận đánh gây cấn không ngờ buổi
trưa đã thấy họ đi về.
Ngày 13/3/1975, được tin Ban Mê
Thuột thất thủ, tôi buồn bực đi lên BCH/LĐ thì gặp Trung Tá Huỳnh Văn Lượm, ông
mời tôi ăn trưa và tâm sự:
-“Cái” chiến lược đem 2 Sư Đoàn Tổng
Trừ Bị ra Quân Khu I để giữ đất không khá được, VC gom quân để đánh chỗ này chỗ
khác mà Tổng Trừ Bị lại bị giam tại Quân Khu I cho nên ta mất Phước Long và Ban
Mê Thuột, đất QK I có mất một phần mà quân còn thì mình chiếm lại được, quân mất
thì làm sao giữ đất!”.
Trầm ngâm rồi Tr/Tá Lượm giải
thích thêm:
-“Hai SĐ Dù và TQLC có hậu cứ tại
Saigon và Thủ Đức nơi gần phi trường và hải cảng, nếu VC tập trung quân đánh ở
bất cứ nơi nào tại Miền Nam thì chỉ vài ngày đến 1 tuần là cả 2 SĐ có thể tăng
viện cho vùng đó. Từ sau năm 1972 cả 2 Sư Đoàn Dù và TQLC bị giam tại Quân Khu
I vì vậy khi VC đánh Phước Long tháng 12/74 và Ban Mê Thuộc 3/10/75 mình không
có quân Tổng Trừ Bị tiếp viện cho nên mất 2 nơi này”.
Ông tiếp:
-“Sử dụng Tổng Trừ Bị như Địa
Phương Quân làm tinh thần chiến đấu binh sĩ sa sút, hơn nữa Tổng Trừ Bị đang ở
thế chủ động trên chiến trường trở thành thế bị động trên những cứ điểm mà địch
biết rõ, và khi một đạo quân đã căng ra để giữ đất muốn rút đi tiếp viện một chỗ
khác thì rất khó vì địch sẽ truy kích, cản đường nhiều khi không rút được, mình
đã bị trúng kế “diệu hổ ly sơn” rồi!”.
Trung Tá Lượm còn nói về nhiều vấn
đề khác nhưng không liên quan đến bài viết này, riêng câu “mình bị trúng kế điệu
hổ ly sơn rồi” làm tôi suy nghĩ suốt 40 năm qua, không biết ai là kẻ tung kế
này!?
Trong những năm 1966, 1967, 1968
CSBV mỗi năm đều tung quân ra quấy phá Quân Khu I, chúng đã bị các đơn vị Tổng
Trừ Bị Dù và TQLC từ hậu cứ tại Saigon và Thủ Đức tới Quân Khu I trong thế chủ
động đánh đuổi chúng vào rừng núi, sau chiến thắng Tổng Trừ Bị rút về hậu cứ để
nghỉ và bổ xung quân số và sẵn sàng cho những trận chiến khác.
Năm 1968 (Mậu Thân) chúng đánh lớn
và thua lớn, thiệt hại nặng nề. Theo wikia.org thì trong năm 1968 có 181.149
tên VC và CSBV bị giết, khiến chúng phải dưỡng quân 3 năm, đến năm 1972 CSBV
gom góp đám thanh niên mới lớn tại Miền Bắc rồi nướng trên 100.000 quân trong
trận 1972 Mùa Hè Đỏ Lửa tại Miền Nam.
Tóm lại từ 1966 đến 1972 với chiến
pháp Tổng Trừ Bị sẵn sàng tại hậu cứ chờ quân CSBV xuất đầu lộ diện bất cứ nơi
nào tại Miền Nam VN thì ta mang quân Tổng Trừ Bị khỏe mạnh, trong thế chủ động
đến tiêu diệt quân CSBV đang mệt mỏi, đã lộ diện và ở thế bị động, chiến pháp
này đã thành công, VNCH đã chiến thắng CSBV tại khắp mặt trận. Vì vậy muốn để
CSBV chiếm Miền Nam thì phải “giam giữ” hai Sư Đoàn Dù và TQLC, điều này người
“bạn đồng minh” Mỹ biết rất rõ.
Năm 1971, tên Kissinger bí mật đến
Tầu, dọn đường cho năm 1972, Kissinger và Nixon qua thăm Trung Cộng chính thức,
không biết chúng ăn bả gì của Tầu mà sau đó ngoài mặt Mỹ vẫn là đồng minh của
VNCH nhưng sau lưng họ đã bí mật liên kết với Tầu Cộng và tay sai là CSBV để
triệt hạ Miền Nam VN, sự phản bội này đã dần dần được giải mã. Theo Tiến Sĩ
Nguyễn Tiến Hưng trong chương “Mở Cửa Bắc Kinh, Đóng Cửa Saigon” của cuốn sách
“Tâm Tư Tổng Thống Thiệu” thì từ năm 1971, sau khi qua Trung Cộng tên Kissinger
đã xúi Nixon bán đứng VNCH cho Trung Cộng và tay sai là CSBV, khi Nixon sợ mất
mặt nước Mỹ, tên Kissinger đã hiến kế: “Cứ đổ cho VNCH là bất lực và yếu kém
(incompetence)”, và từ đó chúng đã thực hiện dần dần âm mưu và kế hoạch làm suy
yếu VNCH!.
Bước đầu tiên là “giam” 2 Sư Đoàn
Dù và TQLC tại Quân Khu I, Tổng Trừ Bị VNCH đang ở thế chủ động biến thành bị động
giữ đất trong các cứ điểm đã lộ rõ. Thật vậy, sau chiến thắng của VNCH trong
Mùa Hè Đỏ Lửa, CSBV bị kiệt quệ, chúng đã phải ký Hiệp Định Paris 1973, Quân
Khu I yên tĩnh, vậy thì cớ sao lại phải giữ 2 Sư Đoàn Tổng Trừ Bị tại đây? Tổng
Thống Thiệu, người có thẩm quyền điều động Tổng Trừ Bị và Trung Tướng Ngô Quang
Trưởng (Tư Lệnh Quân Khu I) người nhận và có thể cũng là người đã yêu cầu giữ Tổng
Trừ Bị tại Quân Khu I, là 2 người có liên quan, không biết trong bóng tối Người
Mỹ có dính dáng gì đến quyết định này không?
Sau khi mất Phước Long và Ban Mê
Thuột, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu họp với Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh
Quân Khu I hai lần vào ngày 13/3 và 19/3/1975 tại Saigon để tái phối trí lực lượng.
Không ai biết rõ nội dung hai buổi họp này! Đã có nhiều bài viết về các buổi họp,
nhưng không sát với thực tế, cho nên tôi đã lấy tin tức từ Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ
Thoại, Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải là người gần với Tướng Trưởng nhất và
Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Tổng Trưởng Kế Hoạch và Cố Vấn của Tổng Thống Thiệu,
cả hai đều viết giống nhau, và theo hai nhân chứng này thì Quân Khu I (QKI) đã
được tái phối trí như sau:
1.QKI trả Sư Đoàn Nhẩy Dù lại cho
Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH.
2.QKI giữ lại Sư Đoàn TQLC để cùng với 3 Sư Đoàn Bộ Binh cơ hữu 1, 2, 3 và Biệt
Động Quân- Thiết Kỵ co cụm tử thủ 3 cứ điểm Huế, Đà Nẵng, Chu Lai, nếu vì lý do
gì không giữ được cả 3 cứ điểm trên thì bằng mọi giá phải giữ Đà Nẵng.
Hồi ký của Đại Tướng Cao Văn Viên
TTMT/QL/VNCH viết về phiên họp ngày 19/3/1975 giữa Tổng Thống Thiệu và Trung Tướng
Trưởng như sau:
“Tướng Trưởng trình bày kế hoạch với hai giải pháp:
Kế hoạch thứ nhất:
Nếu Quốc lộ 1 (QL1) còn sử dụng được, quân ông sẽ rút từ Huế về Đà Nẵng và từ
Chu Lai về Đà Nẵng.
Kế hoạch thứ hai:
Nếu QL1 bị cắt, các lực lượng sẽ rút vào ba cứ điểm là Chu Lai, Huế, và Đà Nẵng,
nhưng Huế và Chu Lai chỉ là hai nơi tập trung quân để cuối cùng thì rút về Đà Nẵng
bằng đường biển. Đà Nẵng sẽ là điểm phòng thủ chính do bốn Sư Đoàn Bộ Binh và bốn
Liên Đoàn BĐQ đảm nhận”.
Trong tinh thần trên, Sư Đoàn Nhẩy Dù rời Quân Khu I vào hạ tuần tháng 3/1975.
Ngày 16/3/1975 LĐ369/TQLC rời Quảng
Trị đến Thượng Đức Quảng Nam để thay thế Nhẩy Dù.
Ngày 18/3/1975 LĐ258/TQLC (trong
đó có tôi) rời Mỹ Thủy-Quảng Trị đến Nam Thừa Thiên để bảo vệ Quốc Lộ 1 Huế-Đà
Nẵng.
PHÒNG THỦ CỨ ĐIỂM THỪA THIÊN- HUẾ:
Để viết phần này, tôi dựa vào tài
liệu từ phỏng vấn và hồi ký của:
- Đại Tá TQLC Nguyễn Thành Trí-Lư Lệnh Lực Lượng Tây Bắc Huế.
- Wipekida Sư Đoàn 1 Bộ Binh VNCH.
- Y Sĩ Đại Úy Ngiêm Ngọc Đỉnh Y Sĩ Trưởng Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh.
- Và phỏng vấn những người liên quan khác thuộc SĐ TQLC, LĐ 15 BĐQ, SĐ 1BB.
Lưu ý: Tôi chỉ kể quân chính quy
của 2 bên, không nói đến các lực lượng Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Cảnh Sát của
VNCH, các lực lượng Du Kích, Đặc Công của CSBV.
Lực Lượng VNCH Tại Thừa Thiên-Huế:
1-Tây Bắc: LĐ147/TQLC, LĐT là Đại Tá Nguyễn Thế Lương, gồm 4 Tiểu Đoàn 3,
4, 5, 7/TQLC, 1 Đại Đội Viễn Thám, TĐ 2 Pháo Binh TQLC, Liên Đoàn 14 BĐQ gồm 3
tiểu đoàn và 1 Đại Đội Viễn Thám.
Tất cả các lực lượng trên được chỉ huy bởi Đại Tá TLP/TQLC Nguyễn Thành Trí.
2-Tây Nam: SĐ1BB gồm 4 trung
đoàn và 1 Đại Đội Hắc Báo, 1 Đại Đội Trinh Sát, các thành phần yểm trợ như 3 tiểu
đoàn pháo binh 105 ly, 1 tiểu đoàn pháo binh 155 ly, Thiết Đoàn 7 Kỵ Binh.
3-Yểm Trợ: Yểm trợ cho toàn
mặt trận Thừa Thiên-Huế là Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh gồm Thiết Đoàn 20 Chiến Xa có 51
chiến xa M48 mới tinh, (nên nhớ chiến xa M48 là khắc tinh của chiến xa CSBV
T54), Thiết Đoàn 17 Kỵ Binh gồm khoảng 100 chiếc M113 và M41, các Tiểu Đoàn
Pháo Binh 155 Ly. Về Hải Quân VNCH có Duyên Đoàn 12, Duyên Đoàn 13, Giang Đoàn
60, Giang Đoàn 92, các giang-duyên đoàn này được trang bị các chiến hạm nhỏ với
những dàn hải pháo tự động rất hùng hậu.
Các lực lượng kể trên được gọi là
Quân Đoàn I Tiền Phương và được chỉ huy bởi Trung Tướng Lâm Quang Thi, ông cũng
là Tư Lệnh Phó Quân Đoàn I. Đây là 1 đạo quân thiện chiến hàng đầu của Quân Lực
VNCH, đạo quân này sẽ đánh bại bất cứ lực lượng CSBV nào.
4-Nam Thừa Thiên và Quốc Lộ 1:
-Liên Đoàn 15 BĐQ gồm các Tiểu Đoàn 60, 61, 94 BĐQ. Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 15 BĐQ
đóng tại Phú Bài. Liên đoàn này trải quân sâu về phía Tây-Nam Thừa Thiên cách
Quốc Lộ 1 khoảng 5 cây số.
-Lữ Đoàn 258/TQLC gồm TĐ1 và TĐ8 ém quân ven QL1 từ Bắc Cầu Truồi đến Cầu Đá Bạc-
Phú Lộc. BCH LĐ258 đóng tại phía Bắc Sông Truồi cùng với Đại Đội B Viễn Thám,
Tiểu Đoàn trừ 1 Pháo Binh 105 Ly.
Lực Lượng CSBV Tại Thừa Thiên-Huế:
Lưu ý: Tôi chỉ kể quân chính quy, không kể du kích địa phương, đặc công.
Theo tài liệu Wikipedia CSBV thì lực lượng Chính Quy CSBV tấn công vùng Huế-Thừa
Thiên gồm:
-Sư Đoàn 324 với 3 trung đoàn, Sư Đoàn 325 với 2 trung đoàn, 1 trung đoàn đã
tăng phái cho mặt trận Ban Mê Thuột và yểm trợ cho cả 3 mũi tấn công Huế, Đà Nẵng,
Quảng Nam có Lữ Đoàn Xe Tăng 203 tập trung tại Quảng Trị và Quảng Ngãi, Lữ Đoàn
Pháo 164, Sư Đoàn Phòng Không 673.
TƯƠNG QUAN QUÂN SỐ CỦA HAI BÊN TẠI
CHIẾN TRƯỜNG HUẾ THỪA THIÊN:
Tôi chỉ kể những tiểu đoàn chính
quy tác chiến. Nên nhớ 1 tiểu đoàn Bộ Binh quân số khoảng 500-600 binh sĩ. Tiểu
Đoàn TQLC có quân số khoảng 700. 1 tiểu đoàn CSBV quân số khoảng 300-400 binh
sĩ.
-VNCH:
Tổng cộng 24 tiểu đoàn tác
chiến gồm: .
LĐ147/TQLC (4 tiểu đoàn).
Liên Đoàn 14BĐQ 3 tiểu đoàn.
SĐ1BB gồm 4 trung đoàn mỗi trung đoàn có 3 tiểu đoàn như vậy là 12 tiểu đoàn.
LĐ258/TQLC có 2 tiểu đoàn.
Liên Đoàn 15BĐQ 3 tiểu đoàn.
-CSBV:
Tổng cộng 15 tiểu đoàn gồm
Sư Đoàn 324 có 3 trung đoàn mỗi trung đoàn 3 tiểu đoàn, Sư Đoàn 325 có 2 trung
đoàn, mỗi trung đoàn có 3 tiểu đoàn.
TRẬN ĐÁNH TRÊN QUỐC LỘ 1 HUẾ-ĐÀ NẴNG
NAM THỪA THIÊN.
(Từ phần này đến những đoạn sau,
tôi viết dựa theo kinh nghiệm của chính tôi, phỏng vấn những quân nhân tham dự
trận chiến thuộc Lữ Đoàn 258 TQLC và Liên Đoàn 15 BĐQ, Y Sĩ Đai Úy Nguyễn Trung
Tín Y Sĩ Trưởng LĐ 2 BĐQ, riêng với Thiếu Tá Đỗ Thanh Quang-Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu
Đoàn 61BĐQ và Đại Tá TQLC Nguyễn Năng Bảo-LĐT/LĐ258/TQLC lúc đó. Tôi đã phỏng vấn
họ 10 năm trước, khi tôi viết bài “Những Người Lính Bị Bỏ Rơi”.
Phía CSBV tôi dựa theo hồi ký của
tên Thiếu Tướng Nguyễn Đức Huy lúc đó là Phó Tư Lệnh-Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn
325 CSBV và tài liệu trên Wikipedia CSBV, điều cần phải nêu ra là hồi ký của tất
cả bọn cán binh CSBV đều được viết theo đơn đặt hàng của Ban Chính Huấn CSVN,
nên có nhiều khoác lác bịa đặt, cho nên tôi chỉ lấy ra những phần hợp lý)
Ngày 18/3/1975, LĐ258/TQLC rời Mỹ
Thủy- Quảng Trị, đoàn xe dài đưa chúng tôi ra QL1, khi qua cầu Mỹ Chánh thì “được”
CSBV chào đón bằng mấy trái cối 82 ly, nhưng không có thiệt hại. Chúng tôi qua
Huế mà lòng bồi hồi thương tiếc vì linh cảm rằng đây là lần cuối cùng.
Địa điểm đóng quân mới của LĐ258
tại phía Nam Tỉnh Thừa Thiên, từ phía Bắc Cầu Truồi đến Phú Lộc. Tr/Tá Huỳnh Văn Lượm-Lữ Đoàn Phó cho biết Lữ Doàn có nhiệm vụ:
-Bảo vệ giao thông và tiếp tế trên Quốc Lộ 1 phía Nam Thừa Thiên.
-Làm thành phần cản hậu nếu Quân Đoàn I Tiền Phương rút về Đà Nẵng.
Cùng nhiệm vụ với LĐ258/TQLC có
Liên Đoàn 15BĐQ, bộ chỉ huy đóng tại Phú Bài các tiểu đoàn đóng sâu trong núi
phía Tây còn, TQLC thì ém quân ven Quốc Lộ 1, tuyến phòng thủ từ Bắc Sông Truồi
đến Phú Lộc.
Quân rút thì dân cũng chạy theo,
người dân Quảng Trị-Huế đã có quá nhiều kỷ niệm đau thương với CSBV, năm Mậu
Thân 1968 CSBV đã chôn sống trên 5.000 người dân Huế bao gồm cả đàn bà và học
sinh. Năm 1972 CSBV đã xả súng tàn sát mấy ngàn dân Quảng Trị gồm thường dân,
đàn bà trẻ em khi họ bỏ trốn khỏi vùng giao tranh trên “Đại Lộ Kinh Hoàng”, chiến
pháp của CSBV là “Tam Dân”- dùng dân lành làm bia đỡ đạn, dùng dân để lấy lương
thực, dùng dân để lấy tin tình báo, vì vậy khi dân chạy trốn thì bị chúng khủng
bố và tàn sát dã man.
Từ ngày 18/3/1975 đến ngày
21/3/1975, người dân Quảng Trị-Huế đã bỏ nhà cửa ruộng vườn, theo Quốc Lộ 1 chạy
về Đà Nẵng, họ dùng tất cả phương tiện xe hơi, xe gắn máy, xe đạp và đi bộ để
chạy giặc đầy trên Quốc Lộ 1, bất kể ngày đêm.
CSBV không bỏ lỡ cơ hội này nên
các dàn đại pháo 130 ly của chúng đã xả đạn không thương tiếc vào đoàn người,
nhiều người trúng đạn ngã gục nhưng những người phía sau vẫn hoảng loạn đạp lên
những người xấu số để đi, chính quyền địa phương Quân Đoàn I hầu như bỏ rơi họ,
tôi không thấy các toán y tế săn sóc sức khỏe cho dân, tôi cũng không thấy các
toán an ninh cảnh sát thanh lọc lũ đặc công CSBV đang trà trộn trong dân để lọt
vào Đà Nẵng, những TQLC của Lữ Đoàn 258/TQLC đã tự động làm công tác “dân sự vụ”,
các toán Quân Y săn sóc sức khỏe, cứu thương, cung cấp lương thực cho dân, các
binh sĩ thì mai tang những người xấu số.
TRẬN ĐÁNH TẠI NAM THỪA THIÊN:
Trước khi nói về trận đánh tôi
xin làm một bản so sánh quân đội hai bên tại Mặt Trận Nam Thừa Thiên:
- CSBV: Sư Đoàn 325 có hai
trung đoàn bộ binh bí số 18 và 101, (Trung Đoàn 95 đã tăng phái cho mặt trận
Ban Mê Thuột), như vậy là 6 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn CSBV có quân số từ 300 đến
400 vậy thì tổng cộng CSBV có khoảng 2400 quân bộ binh.
- VNCH: 3 Tiểu Đoàn
BĐQ, mỗi tiểu đoàn quân số khoảng 500, như vậy khoảng 1500 BĐQ, 2 tiểu đoàn
TQLC quân số khoảng 600- 700 mỗi tiểu đoàn như vậy là 1400 TQLC, 1 đại đội viễn
thám khoảng trên 100 TQLC, vậy thì VNCH có khoảng 3000 Quân.
Theo binh thuyết thì lực lượng tấn
công phải có quân số và hỏa lực gấp 3 lực lượng phòng thủ, nhìn bản so sánh
trên ta đã thấy lẽ hơn thua rồi!
Từ ngày 21/3/1975, CSBV nổ súng tấn
công tuyến của Liên Đoàn 15BĐQ phía Tây cách QL1 từ 3-5km, chúng có gây một số
thiệt hại cho BĐQ nhưng không chọc thủng được phòng tuyến này và chúng cũng
không biết đằng sau BĐQ có Lữ Đoàn 258 TQLC ém quân. Riêng tuyến Cầu Đá Bạc-Phú
Lộc có nguyên cả Tiểu Đoàn 8 TQLC bảo vệ, vài nhóm quân CSBV cấp trung đội bị
BĐQ đánh tan tác chạy dạt tới gần Quốc Lộ 1 đã bị TQLC tiêu diệt. Tại Bộ Chỉ
Huy Lữ Đoàn 258 TQLC phía Bắc Sông Truồi, tôi nhận được nhiều thương binh, đa số
thương binh TQLC bị thương vì đạn pháo kích còn BĐQ bị thương do đạn súng bắn
thẳng.
Sáng ngày 24/3/1975, Đại Úy Q…
Trưởng Ban 2 Lữ Đoàn mang đến một tên tù binh CSBV, tên tù binh ốm yếu vàng vọt
bị thương tại chân cần tiểu giải phẫu, khi y tá bầy ra bộ tiểu giải phẫu gồm
dao kéo, kìm kẹp, kim chỉ, thằng CSBV hoảng hốt tưởng là tôi sắp tra khảo, nó
quỳ xuống đất lạy như tế sao miệng lắp bắp: “Lậy quan, xin quan tha cho con,
con xin khai hết”.
Theo lời khai thì hắn là trung úy
đại đội trưởng thuộc Trung Đoàn 101, ngày 23/3/1975, thủ trưởng của hắn cho biết
Phú Lộc đã được giải phóng, sai hắn mang quân đên tiếp thu, khi đến gần vòng
đai Phú Lộc đại đội của hắn bị phục kích (Tiểu Đoàn 8 TQLC) cả đại đội bị tiêu
diệt, hắn bị thương nhưng giả chết nên bị bắt làm tù binh.
Từ ngày 18/3/1975 đến 24/3/1975,
CSBV pháo rất nhiều vào Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 258/TQLC tại ven Quốc Lộ 1, chúng
pháo bằng đại bác tầm xa 130 Ly, không có súng cối, điều này cho chúng tôi biết
chúng đã bị chận từ xa quốc lộ ngoài tầm của súng cối.
Trận chiến tại Quốc Lộ 1 Nam Thừa
Thiên có 3 đặc điểm sau đây:
1. Sáng ngày 23/3/1975 đài phát
thanh CSBV loan tin chúng đã chiếm được Phú Lộc và cắt QL1 tại đây. Hình như có
sự ước hẹn với nhau như một vở kịch nên liền sau đó đài BBC và VOA đồng loan
tin y hệt như vậy. Hai đài này không có ký giả tại đây tại sao chúng lại loan
tin thất thiệt? Chúng tôi liên lạc với Bộ Chi Huy Tiểu Đoàn 8 TQLC tại Phú Lộc
thì được biết quân ta vẫn bình yên. Tin “mất Phú Lộc” tuy không đúng sự thật
nhưng đã gây đau thương cho Quân Đoàn I, vì nếu muốn rút Quân Đoàn I Tiền
Phương về Đà Nẵng trên Quốc Lộ 1 thì phải qua Phú Bài, Cầù Truồi, Cầù Đá Bạc,
Phú Lộc. Cái tin “mất Phú Lộc” không hề được Quân Đoàn I kiểm chứng nhưng đã
khiến Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn I Ngô Quang Trưởng và Trung Tướng Tư Lệnh
Phó Lâm Quang Thi quyết định rút Quân Đoàn I Tiền Phương qua ngả Thuận An để
gây bao đau thương cho đạo quân thiện chiến này.
2. Xin nhắc lại: “Cái tin thất thiệt
CSBV chiếm Phú Lộc làm rung động cả Quân Đoàn I vậy mà Quân Đoàn đã không kiểm
chứng” và đính chính để nâng cao tinh thần quân dân Vùng I Chiến Thuật.
3. Trong suốt trận chiến tại Nam
Thừa Thiên, chúng tôi như một đạo quân bị bỏ rơi, mặc dù đây là một trận đánh cấp
sư đoàn quan trọng đến sự sống còn của cả quân đoàn nhưng không có một cấp chỉ
huy Quân Đoàn I nào đến thăm, không có một máy bay nào bay trên trời, không có
ký giả chiến trường, hoàn toàn không có ai, mặc dù Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 258 TQLC
trên Quốc Lộ 1 chỉ cách Huế có 20km, và cách Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn I tại Đà Nẵng
30 phút trực thăng. Ngay cả khi có tin “vịt” Phú Lộc thất thủ cũng không có cấp
chỉ huy Quân Đoàn nào gọi máy hỏi thăm kiểm chứng, làm như mọi chuyện đã được
an bài.
5 giờ sáng ngày 25/3/1975, Lữ
Đoàn 258 TQLC được lệnh bỏ tuyến phòng thủ Quốc Lộ 1 phía Nam tỉnh Thừa Thiên để
rút về Đà Nẵng, theo Trung Tá Lữ Đoàn Phó Huỳnh Văn Lượm thì lệnh này do đích
thân Tướng Ngô Quang Trưởng ra lệnh. Vì Cầu Truồi đã bị Công Binh Quân Đoàn I
phá trước đó nên quân xa không sử dụng được, chúng tôi được lệnh đi bộ. Chúng
tôi ra đi trong lòng buồn bực vì đang chiến thắng mà phải rút đi, đồng thời
cũng lo lắng cho quân bạn tại Thừa Thiên-Huế vì đoạn đường này là huyết mạch
duy nhất để tiếp tế hoặc rút lui về Đà Nẵng của đạo quân Tiền Phương Quân Đoàn
I. Cùng rút với TQLC có một số BĐQ của Liên Đoàn 15, vì Cầu Truồi bị phá nên tất
cả quân xa và pháo binh TQLC đều bị bỏ lại sau khi phá hủy.
Đến Sông Truồi, chúng tôi thấy Cầu
Truồi đã bị phá, Cầu Truồi gồm 2 cầu, cầu sắt cho xe lửa đổ gục xuống sông, cầu
cho xe hơi bị mìn thủng một lỗ lớn bằng 2 cái bàn. Để tránh pháo của CSBV,
chúng tôi lội qua Sông Truồi nước trong vắt và chỉ sâu đến đầu gối. Cả Lữ Đoàn
258 TQLC đi bộ trên Quốc Lộ 1 qua Cầu Đá Bạc và Phú Lộc mà không thấy một tên
CSBV nào và cũng không có một phát súng của CSBV bắn về phía chúng tôi. Qua khỏi
Phú Lộc cả Lữ Đoàn được xe GMC Quân Vận đón, đoàn xe đưa chúng tôi qua Đèo Hải
Vân rồi về đến Căn Cứ TQLC tại Non Nước Đà Nẵng khoảng 10 giờ tối cùng ngày
25/3/1975.
Viết đến đây chúng tôi lại có một
thắc mắc mà suốt 40 năm không có câu trả lời. Chúng tôi đã giao tranh với Sư
Đoàn 325 CSBV từ 18/3/1975 đến 25/3/1975 tại Nam Thừa Thiên mà không thấy chúng
có chiến xa, có thể vì địa thế núi rừng tại đây nên chúng không mang được chiến
xa đến. Đơn vị chiến xa gần nhất là Lữ Đoàn 1 Thiết Kỵ VNCH gồm 51 chiếc M48 mới
tinh và trên 100 chiếc M41, M113 của Quân Đoàn I Tiền Phương còn đơn vị chiến
xa CSBV lúc đó còn tại Quảng Trị. Như vậy tại sao phải phá Cầu Truồi? Tôi nghĩ
mãi mà chỉ thấy có 2 giả thuyết:
1. Cấp chỉ huy QĐ I quá hoảng hốt
và không nắm vững tình hình chiến trường.
2. Cấp chỉ huy QĐ I vì một lý do gì
không muốn Đoàn Quân Tiền Phương VNCH về Đà Nẵng với đầy đủ khí cụ và chiến xa
vì nếu vậy thì cuộc chiến tại Quân Khu I sẽ kéo dài rất lâu…
Cách đây trên 10 năm, tôi có gặp
Thiếu Tá Đỗ Thanh Quang, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 61BĐQ tại Las Vegas, lúc đó
ông chưa qua đời, ông cho biết:
Tối ngày 25/3/1975, Thiếu Tá
Quang rút Tiểu Đoàn 61 BĐQ từ đồi 500 phía Tây Quốc Lộ 1 về Phú Lộc, từ đấy Tiểu
Đoàn 61BĐQ đi ngược về Phú Bài-Huế rồi ra Thuận An, ông có tả Cầu Truồi bị phá
giống như tôi viết phía trên, ông cho biết từ Phú Lộc đến Huế đường đi an toàn
không gặp CSBV. Khi đến Thuận An thì đơn vị của ông mới gặp Quân CSBV.
Như vậy trong ngày 25/3/1975 từ
Phú Lộc TQLC xuôi Nam về Đà Nẵng, BĐQ từ Phú Lộc lên Bắc tới Huế an toàn. Vậy
thì Quốc Lộ 1 Huế Đà Nẵng trong thời gian từ 18/3/1975 đến tối ngày 25/3/1975
đã không bị CSBV cắt đứt.
Đại Tá TQLC Nguyễn Năng Bảo Lữ
Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 258 TQLC lúc đó cũng đã khẳng định:
- Quốc Lộ 1 Huế-Đà Nẵng cho đến
ngày 25/3/1975 vẫn an toàn để rút Quân Đoàn I Tiền Phương về Đà Nẵng và Lữ Đoàn
258 TQLC có thể giữ đoạn đường này thêm nhiều tuần lễ nữa.
Khi viết các dòng chữ kể trên,
tôi đã tham khảo nhiều tài liệu về Trận Chiến Trên Quốc Lộ 1 Nam Thừa Thiên
tháng 3/1975 của nhiều tác giả không tham chiến trong trận đánh này, hầu hết đều
lấy tài liệu của CSBV hoặc của Mỹ viết rằng Phú Lộc bị CSBV chiếm trong ngày
23/3/1975!
Tôi khẳng định rằng từ ngày
18/3/1975 đến ngày 25/3/1975, Cầu Đá Bạc và Phú Lộc được Tiểu Đoàn 8 TQLC bảo vệ,
không hề lọt vào tay quân CSBV. Nếu mất Phú Lộc trong ngày 23/3/1975 thì Lữ
Đoàn 258 TQLC, trong đó có tôi đã không thể về Đà Nẵng trên Quốc Lộ 1 an toàn
trong ngày 25/3/1975.
Tên tướng Nguyễn Đức Huy tư Lệnh
Phó Sư Đoàn 325 CSBV khi khoác lác viết rằng đã chiếm được Phú Lộc và 10 km Quốc
Lộ 1 Nam Thừa Thiên vào ngày 23/3/1975 đã không biết rằng có 1 Lữ Đoàn 258 TQLC
ém quân tại đây. Hắn còn láo khoét là đã bắt được Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 61
BĐQ (Thiếu Tá Quang) trong ngày 3/23/1975.
SỐ PHẬN CỦA QUÂN ĐOÀN I TIỀN PHƯƠNG.
Để viết đoạn này, tôi đã phỏng vấn
Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải và trước đó Thiếu
Tướng Bùi Thế Lân Tư Lệnh TQLC khi tôi viết hồi ký “Những Người Lính Bị Bỏ
Rơi”, Đại Úy Chánh Văn Phòng Tư Lệnh TQLC. Ngoài ra tôi cũng tham khảo hồi ký của
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Tổng Trưởng Kế Hoạch Và Phát Triển kiêm Cố Vấn của Tổng
Thống Nguyễn Văn Thiệu, hồi ký của Đại Tá TLP/TQLC Nguyễn Thành Trí lúc đó là
Tư Lệnh Mặt Trận Tây Bắc Huế, hồi Ký của Thiếu Tá Phạm Cang Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu
Đoàn 7 TQLC, hồi ký của các TQLC Phan Văn Đuông, Cao Xuân Huy là các quân nhân
tham dự trận đánh…
Nói chung thì tình hình Huế-Quảng
Trị không sôi động, quân CSBV bám sát quân ta nhưng đã không có trận nào lớn
hơn cấp đại đội. Tại tuyến Tiểu Đoàn 7 TQLC có 5 chiếc T54 của CSBV xâm phạm,
liền bị M48 của ta bắn hạ 3 chiếc 2 chiếc còn lại bỏ trốn, ngoài ra có một đoàn
tầu CSBV xâm nhập hải phận của ta, chúng bị M48 bắn và bỏ chạy, quân ta vô sự,
ngoài Huế thì CSBV dùng pháo tầm xa 130 Ly pháo khích.
Theo Đại Tá Nguyễn Thành Trí thì
Tướng Tư Lệnh Lâm Quang Thi nhận thấy khó giữ được Huế và tin rằng Phú Lộc bị
thất thủ do đó không dùng được Quốc Lộ 1 để lui quân về Đà Nẵng cho nên Tướng
Tư Lệnh Lâm Quang Thi triệu tập phiên họp ngày 24/3/1975 tại Căn Cứ Hải Quân
Thuận An lúc 14.30, phiên họp này gồm có:
-Trung Tướng Lâm Quang Thi, Tư Lệnh
QĐI Tiền Phương
-Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Điềm, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh.
-Đại Tá Nguyễn Thành Trí, Tư Lệnh Mặt Trận Tây Bắc Huế.
-Đại Tá Hy, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn I Tiền Phương
-Đại Tá Duệ Tỉnh Trưởng Thừa Thiên.
-Trung Tá Chỉ Huy Căn cứ Thuận An
Buổi họp này kéo dài không lâu và
kết quả là:
1. Bỏ Huế-Quảng Trị.
2. Lực Lượng Tây Bắc Huế bỏ chiến
xa, đại bác, chiến cụ nặng trang bị nhẹ rút về Cù Lao Thuận An rồi xuôi Nam đến
cửa Tư Hiền. Sư Đoàn 1 Bộ Binh cũng bỏ chiến xa, đại bác, chiến cụ nặng trang bị
nhẹ rút về cửa Tư Hiền.
3. Hải Quân và Công Binh Quân Đoàn
I sẽ lập cầu phao tại cửa Tư Hiền để Đạo Quân Tiền Phương băng qua, sau đó xuôi
Nam. Hải Quân sẽ bốc quân từ từ, phần còn lại sẽ quay trở lại Quốc Lộ 1 về Đà Nẵng.
Kế hoạch rút quân này được Chuẩn
Tướng Điềm và Đại Tá Hy mang về Đà Nẵng trình Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, được
chấp thuận và sau đó được mang về Thuận An lúc 17.30 cùng ngày 24/3/1975. Lệnh
rút quân được thi hành lúc 1800 cùng ngày 24/3/1975.
Như vậy chỉ trong mấy tiếng đồng
hồ từ 2.30PM đến 6PM ngày 24/3/1975 số phận của Đạo Quân Tiền Phương Quân Đoàn
I đã “được” định đoạt!
Rút một đạo quân cấp quân đoàn cần
sự điều nghiên tính toán và thiết kế của Bộ Tổng Tham Mưu, Hội Đồng An Ninh Quốc
Gia với sự hợp tác của Tư Lệnh Không Quân và Hải Quân. Lệnh rút quân này đã được
thiết kế bởi 2 ông tướng và mấy ông tá trong vòng vài tiếng đồng hồ nên đã đưa
đến thảm họa cho Đạo Quân Tiền Phương QĐ I.
Vứt súng bỏ chạy ra biển không phải
là một cuộc rút quân, quân ta mạnh hơn địch và đang chiến thắng tại sao phải
rút? Phiên họp ngày 24/3/1975 của Quân Đoàn I Tiền Phương chẳng qua chỉ là màn
kịch để cấp chỉ huy Quân Đoàn I Tiền Phương bước lên tầu về Đà Nẵng một cách hợp
pháp.
Đà Nẵng:
Chiều ngày 24/3/1975,
sau khi họp với Trung Tướng Ngô Quang Trưởng về lệnh rút quân của Quân Đoàn I
Tiền Phương, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải bàn
luận với ban tham mưu của ông gồm 3 vị Hải Quân Đại Tá mưu lược, đó là các Đại
Tá: Nguyễn Xuân Sơn, Phạm Mạnh Khuê và Nguyễn Công Hội, đã nhận ra những điều bất
lợi của lệnh rút quân này, ông vội mời Thiếu Tướng Bùi Thế Lân Tư Lệnh TQLC
cùng đến gặp Trung Tướng Trưởng.
Buổi họp lúc 6 PM ngày 24/3/1975
tại Đà Nẵng, có Thiếu Tướng Hoàng văn Lạc-Tư Lệnh Phó Quân Đoàn I, Thiếu Tướng
Bùi Thế Lân, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại và Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Phó Đề
Đốc Thoại trình bày lên Trung Tướng Trưởng những điều sau đây:
1. Vì thời gian cấp bách chỉ có 12 tiếng, vì Hải Quân đang bận lấy quan tại Chu
Lai, vì thời tiết khí tượng xấu cho nên Hải Quân không thể tổ chức hoàn hảo để
bốc 1 đạo quân trên 20.000 quân vào ngày 25/3/1975, và cũng vì khí tượng xấu và
thời gian cáp bách nên Hải Quân và công binh không thể thực hiện được cầu phao
qua cửa Tư Hiền.
2. Vứt bỏ súng đại bác và chiến xa
để bỏ Huế-Thuận An sẽ có một phản ứng dây truyền làm mất tinh thần binh sĩ
không những tại Đà Nẵng, toàn thể Quân Khu I mà còn lan tới Quân Khu 3 và Quân
Khu 4, hơn nữa khi ta rút bỏ Huế-Thuận An thì CSBV sẽ rảnh tay để mang 2 Sư
Đoàn 324, 325 cùng với súng đạn, chiến cụ chiếm được về đánh Đà Nẵng
Vì vậy Phó Đề Đốc Thoại đề nghị với
Trung Tướng Trưởng:
1. Tử thủ Huế-Thuận An vì quân ta
mạnh hơn CSBV tại đây. (đọc phòng thủ Huế Thừa Thiên phần trên) Hải Quân sẽ lo
phần tiếp tế, yểm trợ vì ta vẫn làm chủ trên biển và bầu trời, như vậy ta sẽ cầm
chân lực lượng phía Bắc QKI của CSBV và có nhiều khả năng sẽ tiêu diệt chúng tại
đây vì lực lượng của chúng không mạnh và đã lộ diện sẽ là mục tiêu cho Hải-Phi
Pháo.
2. Nếu vì lý do gì phải bỏ Huế-Thừa
Thiên thì tập trung quân gồm 4 trung đoàn của SĐ1BB, 2 Liên Đoàn 14,15 BĐQ, Lữ
Đoàn 147 TQLC, Lữ Đoàn 1 Kỵ Kinh với 51 chiếc M48 và hàng trăm chiếc M41, M113
giữ thế chủ động đánh thẳng vào hậu cứ của 2 sư đoàn 325, 324 CSBV đã lộ diện gần
QL1, rồi về Đà Nẵng trong tinh thần quyết chiến quyết thắng
Tướng Bùi Thế Lân cũng nhiệt liệt
đồng ý với Phó Đề Đốc Thoại, Tướng Lân cũng cho biết là ông có 1 Lữ Đoàn 258
TQLC đang ém quân trên Quốc Lộ 1 phía Nam Thừa Thiên sẵn sàng yểm trợ trận
đánh, ông nói tiếp: “Đi phía biển tôi sợ sẽ mất hết”
Trung Tướng Trưởng suy nghĩ một
lúc rồi nói với 2 ông tướng là ông không thể thực hiện được kế hoạch này mà
không cho biết lý do. Phó Đô Đốc Thoại kết luận: “Có thể Trung Tướng Trưởng biết
những điều chúng tôi không biết”!
6 PM ngày 24/3/1975, Đạo Quân Tiền
Phương được lệnh bỏ vị trí chiến đấu, bỏ vũ khí nặng, bỏ chiến xa đại bác, bỏ
lương thực, trang bị nhẹ để đến điểm hẹn là Cù Lao Thuận An, họ tin rằng khi
lên tầu thì họ sẽ có lương thực, nước uống và đạn dược. Dọc đường họ thấy chiến
xa, xe cộ và đại bác vứt đầy đường,
Ngày 25/3/1975 là một ngày dài nhất
của Quân Khu I nên tôi viết lại những diễn biến tình hình xẩy ra trong cùng một
thời gian tại 3 nơi khác nhau: Thuận An-Huế, Đà Nẵng-Bộ Tư Lệnh TQLC,
Saigon-Dinh Độc Lập:
● Sáng 25/3/1975 tại Thuận An-Huế:
- 8:00 AM ngày 25/3/1975, cả đạo quân
đã có mặt tại Thuận An,
- 9:30 AM ngày 25/3/1975 họ được lệnh chờ tại chỗ vì
không có cầu phao tại Cửa Tư Hiền.
● Sáng 25/3/1975 tại Đà Nẵng-Bộ Tư
Lệnh TQLC,
Trước khi viết đoạn này tôi đã
bàn luận rất nhiều lần với Thiếu Tướng Tư Lệnh TQLC Bùi Thế Lân, ông cho biết lệnh
rút Quân Đoàn I Tiền Phương có nhiều khuyết điểm có thể mang đến thất bại hoàn
toàn mà ông đã trình bầy với Trung Tướng Trưởng vào chiều ngày 24/3/1975, rất
không may là Tướng Trưởng đã không nghe lời, Tướng Lân còn cho biết Ông là Tư Lệnh
của một sư đoàn tăng phái cho QKI nên không có quyền điều động TQLC nếu không
được sự chấp thuận của Tư Lệnh QKI và trong cuộc rút quân này Ông đã không được
lệnh điều động TQLC của Ông.
Sáng 25/3/1975, Thiếu Tướng TQLC
Bùi Thế Lân ra lệnh cho Đại Úy Nguyễn Quang Đan, Chánh Văn Phòng Tư Lệnh dùng
trực thăng của Tướng Lân bay ra Thuận An gặp Đại Tá Nguyễn Thế Lương Lữ Đoàn
Trưởng Lữ Đoàn 147 TQLC để trao cho ông 1 lá thư kèm theo lời dặn: “Tìm ra Quốc
Lộ 1 mà đi”. Đại Úy Đan còn bay đi và về Thuận An-Đà Nẵng thêm 2 lần nữa để tiếp
tế cho Lữ Đoàn 147 TQLC. Trên đường về Đà Nẵng lần thứ 3 ông đã cứu được Tướng
Nguyễn Văn Điềm, Tư Lệnh SĐ1BB khi trực thăng của Tướng Điềm trục trặc máy trên
đường về Đà Nẵng bị rơi trên Quốc Lộ 1.
● Sáng 25/3/1975 tại Dinh Độc Lập-Saigon:
- 9:30 AM ngày 25/3/1975, tại Dinh
Độc Lập, Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Tổng Trưởng Kế Hoạch kiêm Cố Vấn Tổng Thống
họp Nội Các và Hội Đồng An Ninh Quốc Gia với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Sau
khi Tướng Khuyên trình bày tình hình QKI và QKII, trước mặt mọi người, Tổng Thống
Thiệu nhấc máy gọi cho Trung Tướng Trưởng tại Đà Nẵng. Sau đây là nguyên văn cuộc
đối thoại:
Tổng Thống Thiệu hỏi Tướng Trưởng:
-“Có giữ được Huế hay không?”. (Rồi
ông nhắc lại câu trả lời từ đầu giây bên kia):
Trung Tướng Trưởng: “Nếu có lệnh,
thì giữ.”
Tổng Thống Thiệu: “Liệu giữ được
bao lâu?”
Trung Tướng Trưởng: “Ngày một
ngày hai.”
Tổng Thống Thiệu: “Vậy nếu không
giữ được, phải quyết định ngay, và nếu quyết định (bỏ Huế) thì phải làm cho lẹ.”
Trở lại Thuận An: Vào cùng thời điểm của phiên họp nội các tại Dinh Độc Lập,
lúc 9.30 AM ngày 25/3/1975, Đội Quân Tiền Phương được lệnh chờ tại chỗ để tầu Hải
Quân vào đón vì không có cầu phao tại cửa Tư Hiền.
Theo hồi ký của những Mũ
Xanh Lữ Đoàn 147 TQLC thì trước mặt họ có rất nhiều tầu Hải Quân nhưng không có
chiếc tầu nào vào đón, giải thích lý do tầu không vào lấy quân được, Phó Đô Đốc
Thoại cho biết: “Vì sương mù, vì biển động, vì sóng ngầm”!
Chiều ngày 25/3/1975, quân Việt Cộng
bắt đầu truy kích, từ những bụi cây, mô cát, chúng tác xạ vào đoàn quân trên
bãi cát trống trải, với số lượng đạn ít ỏi mang theo Đạo Quân Mũ Xanh vẫn anh
dũng chiến đấu.
Sáng ngày 26/3/1975, có 1 chiếc
LCU liều mạng vào cứu được thương binh, Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 147 TQLC và khoảng
vài trăm binh sĩ, chiếc LCU này cũng bị trúng 1 hỏa tiễn tầm nhiệt AT3 làm Đại
Tá Lữ Đoàn Trưởng Nguyễn Thế Lương bị thương, chiếc LCU thứ hai bị mắc cạn và từ
đó không có tầu nào vào đón, các chiến sĩ Mũ Xanh tiếp tục chiến đấu cho đến rạng
sáng ngày 27/3/1975 sau khi uống những giọt nước cuối cùng, bắn những viên đạn
cuối cùng và ném quả lựu đạn cuối họ mới chợt nhớ là phải dành cho riêng họ 1
quả lựu đạn.
Đây là tâm sự của một MX thuộc LĐ147. MX Đoàn Văn Tuấn viết:
- "Một mùa đại giỗ nữa của gia đình anh em Mũ Xanh lại đến. Đã trên bao
năm trôi qua mà sao vẫn nhớ mãi cái cảnh những người lớn chơi trò trẻ con! Họ
ngồi quây quần bên nhau, úp lá khoai môn lên trái mãng cầu. Những lời bình thản:“Ê,
từ từ đã mày, chờ thằng Toàn đang chạy đến tham gia kia kìa.”. Rồi sau đó...
“bùm”!!!
Trời ơi! Đó là thực tế của bạn bè
anh em chúng tôi, những người lính Mũ Xanh kiêu hùng nhưng họ đã phải đi nhặt
những viên đạn để chống trả với quân thù! Dùng hàm răng làm vũ khí và sau cùng
thì đành trở về với tuổi thơ, ngồi xúm lại trên bãi cát trắng bờ biển Thuận An
miền Trung thơ mộng. Trời vẫn xanh, biển vẫn rì rào lời mời gọi. Đường về! Ôi
quá xa. “Bùm” những thân người đổ vật ra! Anh em ta đã về nhà, về với đất mẹ
thân yêu. Một thực tế mà trên thế giới ít một nước nào có. Sự tự sát tập thể
không khác gì với những huyền thoại của những người võ sĩ đạo của xứ Phù-Tang.
Tinh thần bất khuất ấy vẫn sống mãi trong ký ức những người còn lại."
Hôm nay ngồi đây, tôi viết những
dòng này gửi đến các anh, đến bạn bè, những người lính MX năm xưa để chúng ta
cùng cúi đầu dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ những người đã nằm xuống tháng
3, tháng gió lớn của gia đình Mũ Xanh.
Còn đây là tâm sự của MX Cao Xuân Huy trong Tháng Ba Gẫy Súng:
-“Ngày 26 Tháng Ba là ngày Người
Cày Có Ruộng.
Ngày 26 Tháng Ba là ngày cả một Lữ
Đoàn Thủy Quân Lục Chiến bị khoảng một đại đội du kích Việt Cộng bắt sống.
Chuyện không bao giờ tin được đã xảy ra.”.
Như vậy thì rạng sáng ngày
27/3/1975 toàn thể Đạo Quân Tiền Phương Quân Đoàn I đã tan rã trên bãi biển Thuận
An.
Đặc điểm của cuộc rút quân của Quân Đoàn I Tiền Phương:
1. Quân ta đang chiến thắng tại
sao phải vội vã rút quân? Theo Đại Tá TQLC Nguyễn Thành Trí, Tư Lệnh Mặt Trận
Tây Bắc Huế thì: “Chưa có một vị trí nào đã bị mất trên hành lang Sông Bồ hay
Hiền Sĩ, Cổ Bi…Địch chưa hề thực hiện nổi mộng cắt ngang An Lỗ để ngăn đôi Quảng
Trị-Huế”.
Và hồi ký tôi đã viết ở phần trên tại mặt trận Nam Thừa Thiên quân ta đã đang
toàn thắng!
2. Kế hoạch rút quân được thiết kế
vội vã, thiếu sót, khiến Hải Quân và Công Binh không kịp chuẩn bị.
3. Các cấp chỉ huy cao cấp của Đạo
Quân Tiền Phương đã bỏ rơi quân lính để về Đà Nẵng: Trung Tướng Lâm Quang Thi
và Bộ Tham Mưu Tiền Phương bỏ về Đà Nẵng ngày 25/3/1975 bằng tàu Hải Quân. Chuẩn
Tướng Điềm, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh cũng bỏ về Đà Nẵng trong ngày 25/3/1975 bằng
trực thăng.
4. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đã
được Thiếu Tướng Bùi Thế Lân và Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại báo trước là Hải
Quân và Công Binh sẽ gặp khó khăn, và rút quân theo ngả Thuận An có thể sẽ mất
hết, còn rút quân bằng đường bộ sau khi đánh tan hậu cứ của 2 sư đoàn CSBV-đã lộ
diện gần QL1- là khả thi, mà Tướng Trưởng không nghe.
5. Trong lúc Đạo Quân Tiền Phương
bị vây hãm tại Thuận An chỉ có Đại Tá TQLC Nguyễn Thành Trí còn ở lại ngoài
khơi Thuận An, ngoài ra đã không có một cấp chỉ huy cao cấp của Quân Đoàn I
nào, từ Trung Tướng Trưởng đến Trung Tướng Thi, hay Đại Tá Tham Mưu Trưởng Quân
Đoàn I bay thị sát mặt trận để trực tíếp tìm phương cách cứu nguy cho Đạo Quân
Tiền Phương.
6. Không Quân, Hải Quân của Quân
Đoàn I còn nguyên vẹn nhưng đã không can thiệp cứu nguy. Theo Phó Đề Đốc Thoại
thì vào thời điểm 24/3/1975 đến 27/3/1975, Hải Quân có sẵn 12 chiến hạm tại
ngoài khơi Thuận An sẵn sàng yểm trợ hỏa lực nhưng không được lệnh và cũng theo
Phó Đề Đốc Thoại thì tại Đà Nẵng Không Quân có trên 40 oanh tạc cơ A.37 còn tốt
khiển dụng, nhưng đã không được lệnh can thiệp để cứu Đạo Quân Tiền Phương, tóm
lại đạo quân này đã bị bỏ rơi.
7. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã
không biết về lệnh rút bỏ Huế lúc 6:00PM ngày 24/3/1975?, mãi đến 9:00 AM ngày
25/3/1975 trong phiên họp Nội Các và Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, khi Tổng Thống
Thiệu gọi Trung Tướng Trưởng thì ông vẫn chưa biết. Tổng Thống Thiệu còn hỏi Tướng
Trưởng: “Có giữ được Huế không?”. Tuy nhiên, đây là sự thật hay chỉ là màn dàn cảnh cho lịch sử thì không ai biết.
8- Nếu rút quân theo Quốc Lộ 1,
chúng ta sẽ có thể mang về Đà Nẵng toàn thể Quân Đoàn 1 Tiền Phương gồm lính,
chiến xa, đại bác, nếu quân CSBV chặn đường thì với địa thế trống trải, Hải,
Không Quân VNCH còn nguyên vẹn, quân ta thiện chiến và đông hơn địch, chúng ta
sẽ tiêu diệt bất cứ đạo quân nào chặn đường, tất cả đạo quân Tiền Phương sẽ về
để giữ Đà Nẵng một thời gian dài. Rút quân bằng Hải Quân thì, nếu may lắm, cũng
chỉ mang về Đà Nẵng quân lính và vũ khí cá nhân, còn chiến cụ nặng phải bỏ lại.
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THẤT THỦ:
Lực lượng chính quy hai bên tại
chiến tuyến Đà Nẵng:
● VNCH:
- Bắc: Lữ Đoàn 468TQLC tại Đèo Hải Vân.
- Tây: Lữ Đoàn 369TQLC tại Đại Lộc- Thượng Đức.
Lữ Đoàn 258TQLC làm trừ bị tại Căn Cứ Non Nước-Đà Nẵng.
- Tây Nam: Sư Đoàn 3 Bộ Binh với 14.000 quân.
- Nam: Sư Đoàn 2 Bộ Binh và Liên Đoàn 12 BĐQ.
● CSBV:
- Bắc: Sư Đoàn 324, 325. Hai sư đoàn này sau khi tiến vào Huế đã bị bỏ ngỏ, chúng
tịch thu được một số lượng vũ khí đạn dược khổng lồ của Đạo Quân Tiền Phương gồm
Đại Bác 105, 155 ly, 51 Chiến Xa M48 còn mới và hàng trăm Chiến Xa M41, M113,
chúng đã trở thành một lực lượng quân sự hùng mạnh.
- Tây: Sư Đoàn 304. Tháng 8/1974, sư đoàn này cùng với Sư Đoàn 324B CSBV và các
thành phần tăng phái yểm trợ của Quân Đoàn 5 và Quân Đoàn 2 CSBV chiếm Quận Thường
Đức, chúng đã bị Lữ Đoàn 1 và Lữ Đoàn 3 Nhẩy Dù đẩy lui, trận chiến kéo dài đến
đầu năm 1975, kết quả CSBV bị thiệt hại 2,000 quân chết và 5,000 quân bị
thương, CSBV giấu xác chết rất giỏi, nếu Nhảy Dù đếm được 2000 xác địch thì con
số thực tế phải cao hơn nhiều, như vậy thì SĐ 304 CSBV chỉ còn cái tên thôi.
Khi Lữ Đoàn 369 TQLC đến thay Nhẩy Dù từ ngày 16/3/1975 đến 29/3/1975, theo Đại
Úy Kiều Công Cự Trưởng Ban 3 Tiểu Đoàn 2 TQLC thì không có hoạt động nào của
CSBV tại vùng này.
- Nam: Sư Đoàn 2 CSBV và 1 trung đoàn của SĐ 3 CSBV.
Diễn Tiến Tình Hình:
Phần này tôi viết theo chi tiết từ
phỏng vấn Phó Đô Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, phỏng vấn Thiếu Tướng Bùi Thế Lân lúc tôi
thực hiện hồi ký: “Trình Tổng Thống Tôi Quyết Định Theo Tình Hình”, Y Sĩ Đại Úy
Nguyễn Trung Tín - Y Sĩ Trưởng LĐ 2 BĐQ, các MX Nguyễn Bác Ái, MX Nguyễn Thế Thụy
là những người có mặt cùng với Thiếu Tướng Lân và từ kinh nghiệm của người viết.
- Ngày 25/3/75: LĐ 258 TQLC về đến đỉnh Đèo Hải
Vân vào 7:00 pm, tôi được lệnh mang thương binh về Tổng Y Viện Duy
Tân. Tại đây tôi gặp Niên Trưởng Phạm Văn Lương, ông hứa sẽ săn sóc thương binh
của tôi, và cho tôi biết tình hình phía Nam Đà Nẵng bắt đầu rối loạn. Sau đó
khoảng 10:00PM ngày 25/3/1975, tôi được lệnh trình diện Y Sĩ Trung Tá Nguyễn Văn
Thế tại Bệnh Viện Dã Chiến Sư Đoàn TQLC tại căn cứ Non Nước Đà Nẵng, trên đường
đi tôi thấy thành phố Đà Nẵng rất hỗn loạn, đầy dân tỵ nạn, quân nhân rã ngũ và
có thể rất nhiều đặc công VC trà trộn.
- Trưa ngày 26/3/75, tôi được lệnh
ra bến Thương Cảng Đà Nẵng đón tàn quân của Lữ Đoàn 147 TQLC. Cả 1 Lữ Đoàn gần
4000 TQLC về Đà Nẵng chỉ trên 1 chiếc LCU duy nhất, gồm Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn,
trên 1 trăm thương binh và khoảng vài trăm binh sĩ. Ông Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn
147 TQLC Đại tá Nguyễn Thế Lương bị thương tại đầu gối do hỏa tiễn tầm nhiệt của
VC bắn lúc di tản khỏi bãi Thuận An và tôi đã được lệnh săn sóc ông từ đây.
- Ngày 27/3/75, toàn là tin xấu, Quảng Ngãi thất thủ, ½ Sư Đoàn 2 Bộ Binh được tầu Hải Quân cứu mang về Cù Lao Ré, BĐQ tan hàng phần còn lại rút về Đà Nẵng. Thiếu Tá Trần Vệ ban 3 SĐ/TQLC có việc phải lên Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I thì không thấy ai, như vậy sĩ quan và binh sĩ trong Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn đã bỏ đi nhiều, dân chúng tranh nhau ra phi trường Đà Nẵng để về Saigon, các bến tầu đông đúc hỗn loạn.
- Ngày 28/3/75 buổi sáng chúng tôi
nhận được lệnh tử thủ Đà Nẵng, trên trời máy bay L19 phát thanh kêu gọi các
quân nhân bộ binh và BĐQ rã ngũ về trình diện đơn vị, và bây giờ tôi mới được
biết Trung Tướng Trưởng đang ở Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC tại Căn Cứ Non Nươc.
Tại Bệnh Viện Dã Chiến Sư Đoàn
TQLC, tôi và Bác Sĩ TQLC Nguyễn Quang Khoa, với tinh thần tử thủ, đã thong thả
đốt từng lá thư tình và từng hình ảnh của các “em gái hậu phương”, để nếu chúng
tôi có hy sinh thì lũ “cán ngố” sẽ không xem đọc được.
- Buổi Trưa 28/3/1975, có một khách
không mời là Tổng Lảnh Sự Mỹ tại Đà Nẵng AL Francis cùng 2 người da trắng tự nhận
là nhà báo ngoại quốc, chúng trang bị vũ khí cùng mình, đến Căn Cứ Non Nước để
xin gặp Trung Tướng Trưởng, không biết tên Al Francis này đã nói gì với Trung
Tướng Trưởng để ông đổi ý định tử thủ Đà Nẵng, theo hồi ký của Phó Đề Đốc Hồ
Văn Ký Thoại thì sau khi gặp Al Francis vào buổi chiều 28/3/1975 Tướng Trưởng
đã quyết định bỏ Đà Nẵng và không còn nghe lệnh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
nữa, tên Al Francis sau đó dùng trực thăng đi về căn cứ Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải
tại Tiên Sa- Đà Nẵng, Chúng tôi cũng nhận được tin tình báo là CSBV sẽ pháo
kích căn cứ Hải Quân và phi trường Đà Nẵng lúc 11:00pm đêm ngày 28/3/1975.
- Chiều ngày 28/3/1975, tôi được lệnh
mang Đại Tá Nguyễn Thế Lương đến căn cứ Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải để tìm thêm
phương tiện về Bệnh Viện Cam Ranh điều trị cho ông, chúng tôi quá giang trực
thăng của Thiếu Tướng Bùi Thế Lân đến Căn Cứ Hải Quân vì Tướng Lân cũng đến đó
để họp Quân Đoàn.
Chúng tôi đến căn cứ Hải Quân lúc
7pm, Đại Tá Lương được khiêng vào 1 căn hầm nổi kiên cố xây bằng nhiều bao cát,
căn hầm này là Trung Tâm Chỉ Huy Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải. Trong hầm có Trung
Tướng Trưởng, tôi đã xúc động vì đây là lần đầu tiên được gặp vị tướng huyền
thoại này. Tuy nhiên, chưa kịp chào kính ông thì tôi đã phải săn sóc Đại Tá
Lương đang kêu đau, vết thương rỉ máu. Trong căn hầm này còn có Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại Tư Lệnh Hải Quân, Thiếu Tướng Bùi Thế Lân Tư Lệnh TQLC.
Đại Tá Lương ngồi bệt xuống đất,
dựa trên chiếc bàn có điện thoại viễn liên và tôi, bác sĩ của Đại Tá Lương,
đang băng bó cho ông, tôi thấy Trung Tướng Trưởng gọi điện thoại cho Tổng Thống
Thiệu. Tướng Trưởng muốn cho 2 ông tướng kia cùng nghe nên không áp sát điện
thoại. Tướng Trưởng xin bỏ Đà Nẵng, Tổng Thống Thiệu không chấp nhận và lệnh
cho ông phải tử thủ Đà Nẵng*.
(*sau này tôi có hỏi Thiếu Tướng
Lân và Phó Đề Đốc Thoại về cuộc điện đàm này và cả hai đều xác nhận những điều
tôi vô tình nghe là đúng).
Trung Tướng Trưởng trả lời: “Trình
Tổng Thống, tôi quyết định theo tình hình”, rồi cúp máy. Sau đó ông nói với Thiếu
Tướng Lân: “Mình rút đêm nay”.
Trong bài hồi ký trước, tôi đã viết
về phiên họp này nhưng vì không liên quan, nên tôi đã không đề cập đến chi tiết
cuộc điện đàm này.
Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại cho biết:
Trong cuộc họp Quân Đoàn I sáng ngày 28/3/1975 các đơn vị trưởng đã được lệnh
giữ Đà Nẵng bằng mọi giá, chỉ sau khi gặp tên Al Francis chiều ngày 28/3/1975
Trung Tướng Trưởng không còn nghe lời Tổng Thống Thiệu nữa, quyết định bỏ Đà Nẵng
là của Trung Tướng Trưởng, thậm chí sáng ngày 29/3/1975 khi Trung Tướng Trưởng
đang ở trên Tầu HQ 404 trên đường rời Đà Nẵng, Tổng Thống Thiệu còn gửi Trung
Tướng Trưởng một công điện xác nhận lệnh tử thủ Đà Nẵng vẫn còn hiệu lực.
- 7:30 PM ngày 28/3/1975, Trung Tướng
Lâm Quang Thi, Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh và một số
sĩ quan cấp tá đến họp, trong phiên họp Trung Tướng Trưởng ra lệnh bỏ Đà Nẵng
đêm nay. Thiếu Tướng Hinh xin 3 ngày để rút quân, Trung Tướng Trưởng không chấp
nhận. Trong lúc 2 ông đang thảo luận về thời gian rút quân, tôi bỏ ra ngoài
phòng họp, đi tìm tầu Hải Quân để gửi Đại Tá Lương về Cam Ranh thì biết lúc chiều
vì có tin CSBV sẽ pháo kích căn cứ Hải Quân lúc 11pm, nên Phó Đề Đốc Thoại đã ra
lệnh cho tầu Hải Quân ra khơi để tránh pháo kích, còn 1 chiếc tầu riêng của Phó
Đề Đốc Thoại thì đã bị tên Al Francis mượn để ra tầu HQ5, sau đó tầu không trở
về.
Theo nhận xét của Thiếu Tướng Bùi
Thế Lân thì: “Trung Tướng Trưởng chỉ họp các đơn vị trưởng tối ngày 28/3/75 tại
Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải để ra lệnh rút quân ngay lập tức trong
đêm, không có bàn thảo kế hoạch và phương cách rút quân”. Như vậy thì chỉ có những
người có mặt tại buổi họp rút được nếu may mắn, còn binh sĩ trong các cộng sự
phòng thủ xung quanh Đà Nẵng không thể nào rút ngay lập tức được, cuộc rút quân
khỏi Đà Nẵng sáng ngày 29/3/1975 đã đẫm máu và hỗn loạn.
- 9:00pm ngày 28/3/1975, trong khi Thiếu
Tướng Hinh đang xin Trung Tướng Trưởng thêm thời gian rút quân cho Sư Đoàn 3 Bộ
Binh thì CSBV bắt đầu pháo kích vào Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải bằng đại
bác 130 ly. Chúng pháo kích rất chính xác và nhắm vào hầm chỉ huy nơi các ông
tướng đang họp.
- Khoảng 10:30pm, người nhái Hải
Quân và TQLC bắt được mấy tên tiền sát viên VC nên chúng pháo kích rời rặc và
không còn chính xác. Trận pháo kích này đã phá hủy 2 trực thăng của Tướng Trưởng
và Tướng Lân.
- Lúc 10:30pm ngày 28/3/1975, buổi
họp kết thúc, Tướng Lâm Quang Thi dùng trực thăng bay ra Soái Hạm HQ5, Tướng
Trưởng được 1 trực thăng khác đến đón.
Vì trực thăng của TQLC bị phá hủy
nên Tướng Lân và chúng tôi phải theo Phó Đề Đốc Thoại và cận vệ của ông.
- Lúc 11:00pm CSBV pháo kích căn cứ Hải
Quân rất nặng nề, chúng tôi phải bỏ căn cứ di chuyển bộ quanh chân núi Sơn Trà
và mãi đến sáng ngày 29/3/1975 mới đến một bãi biển hoang vắng, lúc đó Tướng
Thoại mới gọi được một tầu nhỏ vào đón và đưa ra Chiến Hạm 802.
Theo các TQLC tại Trung Tâm Hành Quân tại căn cứ Non Nước thì lúc 12am ngày 29/3/1975 Trung Tướng Trưởng đã bay đến Bộ Chỉ Huy TQLC để qua đêm,
- 6:00am ngày 29/3/1975, khi có tầu HQ vào bờ biển
căn cứ Non Nước đón TQLC, Tướng Trưởng cùng những quân nhân TQLC thuộc Trung
Tâm Hành Quân TQLC lội ra tàu.
Cũng từ giờ phút này, Quân Dân
Quân Khu I như rắn mất đầu tìm đường “tự thoát” và lũ cán binh CSBV trước đó một
tuần đã bị chúng tôi đánh chạy “vắt giò lên cổ” trốn trong lùm rừng khe núi, giờ
thì ngoi ra, chỉ trời vạch đất huênh hoang khoác lác.
Vì lệnh rút quân quá bất chợt và
gấp rút nên quân sĩ trong các vị trí phòng thủ quanh Đà Nẵng không thể đến các
bến tầu được và nhất là không có cấp chỉ huy cao cấp nên cuộc rút những đơn vị
còn lại của Quân Đoàn I trong ngày 29/3/1975 tại các bến tầu Đà Nẵng đã diễn ra
trong hỗn loạn và đẫm máu.
Riêng Sư Đoàn TQLC, quân số lúc ra Vùng I Chiến Thuật là trên 12 ngàn người về đến Vũng Tầu chỉ còn 4 ngàn TQLC. Tính từ lúc CSBV bắt đầu nổ súng trên Quốc Lộ 1 Nam Thừa Thiên ngày 21/3/1975 đến lúc Đà Nẵng thất thủ ngày 29/3/1975 thì Quân Đoàn I đã tan rã chỉ trong 8 ngày..
Đặc Điểm Của Cuộc Rút Bỏ Đà Nẵng:
1. Chưa có một trận đánh lớn nào
quanh Đà Nẵng mà cấp chỉ huy Quân Đoàn I đã quyết định rút.
2. Theo Phó Đề Đốc Thoại thì sáng
ngày 28/3/1975, trong cuộc họp Quân Đoàn, Trung Tướng Trưởng cương quyết bảo vệ
Đà Nẵng, chỉ sau khi họp với tên Al Francis với vỏ bọc là Tổng Lãnh Sự Mỹ, trưa
ngày 28/3/1975 tại căn cứ TQLC Non Nước- Đà Nẵng, ông mới đổi ý và quyết định
rút bỏ Đà Nẵng khẩn cấp.
3. Bỏ Đà Nẵng là quyết định của
Trung Tướng Trưởng, Tổng Thống Thiệu hoàn toàn bị bất ngờ. Tôi viết câu này dựa
theo phỏng vấn Thiếu Tướng TQLC Bùi Thế Lân, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại và Hồi
Ký của ông Nguyễn Tiến Hưng Cố Vấn Tổng Thống Thiệu.
4. Lệnh bỏ Đà Nẵng quá đột ngột,
thời gian rút quân quá vội vã cho nên các đơn vị trưởng bị bất ngờ không kịp
chuẩn bị, không kịp về với đơn vị, hơn nữa binh sĩ trong các tuyến phòng thủ
quanh Đà Nẵng thì quá xa không thể về các bến tầu kịp thời,cho nên cuộc rút
quân ngày 29/3/1975 đã hỗn loạn và đẫm máu.
5. Trung Tướng Trưởng đã quá cô
đơn, theo hồi ký của Phó Đề Đốc Thoại trang 263 thì Quân Khu I có 2 vị Tư Lệnh
Phó là Trung Tướng Lâm Quang Thi và Thiếu Tướng Hoàng Văn Lạc, Trung Tướng Lâm
Quang Thi và Ban Tham Mưu Tiền Phương từ hôm 25/3/1975 sau khi bỏ Huế về Đà Nẵng,
đã không phụ giúp Tướng Trưởng gì hết cho đến tối ngày 28/3/1975, khi Tướng Trưởng
quyết định bỏ Đà Nẵng, Tướng Thi đã bay ra Soái Hạm HQ5, nói là để điều hành
rút quân, nhưng sau đó ông đã im lặng vô tuyến. Còn Thiếu Tướng Hoàng Văn Lạc
thì ngày 26/3/1975 đã xin phép về Saigon và không trở lại.
Trung Tướng Trưởng đã phải giải
quyết mọi chuyện của Quân Đoàn I một mình, gây ra những quyết định vội vã, đáng
lẽ Dinh Đôc Lập và Bộ Tổng Tham Mưu phải gửi một phái đoàn tướng lãnh cao cấp đến
phụ giúp ông, đây là một lỗi lầm lớn của Tổng Thống Thiệu.
6. Chiếm được Quân Khu I mà không
phải đánh vì các cứ điểm Huế, Đà Nẵng, Chu Lai đều bị bỏ ngỏ trước khi giặc đến.
CSBV đã thu được rất nhiều vũ khí đạn dược, nhiên liệu, chiến xa đại pháo,
chúng không còn sợ Quân VNCH đánh ngang hông hay cản hậu cắt đường tiếp tế tại
lãnh thổ Quân Khu I nữa, nên chúng đã ngang nhiên dùng Quốc Lộ 1 tiến đánh
Saigon, còn quân dân VNCH thì tinh thần suy sụp, chính trị bất ổn, lũ chính
khách thân cộng quậy phá đưa đến việc từ chức của Tổng Thống Thiệu từ đó kế hoạch
rút về Quân Khu 4 để tiếp tục chiến đấu cũng chết theo.
*****
CÂU CHUYỆN TRỌNG THỦY MỴ NƯƠNG
TÂN THỜI:
Người Mỹ đã tính toán và âm mưu
bán VNCH cho khối Cộng Sản Tầu-Việt từ 1971 sau khi tên Kissinger qua Tầu Cộng,
nhất là sau khi cưỡng ép VNCH ký Hiệp Định Paris, nhưng họ sẽ không bao giờ dám
bạch hóa âm mưu này, có rất nhiều bí mật chúng ta không biết cho nên tôi phải dựa
vào các sự kiện lịch sử để suy đoán ra.
Hiệp Định Paris được ký ngày
27/1/1973 giữa Mỹ, VNCH, CSBV và VC, trong hiệp định này có 1 điều khoản các nước
ký kết không được xâm phạm vào nội tình nhau, nhưng chính nước Mỹ đã can thiệp
thô bạo vào nội tình Miền Nam VN, với mục tiêu làm suy yếu VNCH.
Từ năm 1974, Người Mỹ đã vi phạm
những cam kết của Hiệp Định Paris bằng cách cắt giảm viện trợ quân sự cho VNCH,
không còn Cam Kết Một Đổi Một nữa, và đến năm 1975 họ bỏ tất cả những cam kết,
đồng thời trong bóng tối họ vẫn đi đêm với CSBV với dã tâm làm suy yếu VNCH.
Như trên chúng ta đã thấy đài
BBC-VOA loan tin thất thiệt là Quốc Lộ 1 bị CSBV chiếm ngày 23/3/1975, làm xuống
tinh thần quân dân Quân Đoàn I và đã gây ra cuộc rút bỏ Huế, sau đó là sự can
thiệp cùa Al Francis vào kế hoạch phòng thủ của Quân Đoàn I tại Đà Nẵng. Không
ai biết Al Francis có ảnh hưởng gì đến Trung Tướng Trưởng trong việc bỏ ngỏ Huế
và phá Cầu Truồi trên Quốc Lộ 1.
Theo nhà báo Nguyễn Đức Nam, 1 sĩ
quan VNCH được qua Mỹ tu nghiệp năm 1975 thì gần đến tháng 3/1975, Ông được người
Mỹ chỉ định lập trại tị nạn tại Arkansas để sửa soạn đón người VN.
Trong hải chiến Hoàng Sa ngày
19/1/1974, Thiếu Tá Phạm Văn Hồng và đoàn tùy tùng ra Hoàng Sa để nghiên cứu
xây phi trường, có 1 người Mỹ với vỏ bọc là Nhân Viên Tòa Lãnh Sự Mỹ tên là
Gerald Kosh, nguyên trung úy L/L Đặc Biệt Mỹ xin đi theo để “thăm cho biết” Đảo
Hoàng Sa, hắn mang đầy đủ dụng cụ mưu sinh thoát hiểm, máy truyền tin tối tân,
đặc biệt hắn biết trước sẽ có hải chiến nên đã yêu cầu HQ 16 cho hắn lên bờ hôm
trước, không ai biết nếu hắn đã báo cho Hải Quân Trung Cộng biết về Lực Lượng Hải
Quân của ta, tên này bị Trung Cộng bắt và trả về ngay lập tức.
Trận chiến Phan Rang 3/4/1975 đến
16/4/1975, tại Bộ Tham Mưu Tiền Phương Quân Đoàn 3, tướng Times của Tòa Đại Sứ
Mỹ đả cử một nhân viên với vỏ bọc là nhân viên truyền tin tên Lewis, hắn đã
theo sát 2 Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Phạm Ngọc Sang, kết quả là khi phi trường
Phan Rang thất thủ 2 ông Tướng VNCH trong khi đào thoát đã bị CSBV biết trước lối
thoát, đón đường chờ sẵn và bị bắt.
Theo ông Hoàng Đức Nhã, Bí Thư
Kiêm Tham Vụ Báo Chí của Tổng Thống Thiệu thì từ đầu năm 1975, người Mỹ đã nối
giáo cho giặc bằng cách cắt bỏ hết các viện trợ quân sự và đã can thiệp vào nội
tình chính trị của VNCH bằng cách Người Mỹ ép Tổng Thống Thiệu từ chức, chuyển
giao quyền lực cho một chính phủ bồ câu để dễ thương thuyết với CSBV, họ cũng
yêu cầu TT Lý Quang Diệu của Singapore khuyên răn TT Thiệu nên từ chức, cuối
cùng dưới áp lực của người Mỹ, TT Thiệu phải nhường chức cho Cụ Trần Văn Hương
sau đó là Dương Văn Minh vì vậy đã không có chuyện về Vùng 4 tử thủ, và kết quả
là mất nước ngày 30/4/1975.
Tháng 4-1975 khi thấy QLVNCH vẫn
còn anh dũng chiến đấu bảo vệ Saigon tên Kissinger đã nói “tại sao chúng nó
không chết phứt đi cho rồi!” trích “Khi Đồng Minh Tháo Chạy”-Nguyễn Tiến Hưng.
Trung Đội Trưởng Quân Y Tiểu Đoàn 9 TQLC.
Y Sỹ Điều Trị Lữ Đoàn 258 TQLC.
Y Sỹ Điều Trị Bệnh Viện Dã Chiến Sư Đoàn TQLC.
Đại Đội Trưởng Quân Y Lữ Đoàn 147 TQLC.
Viết cho Mùa Đại Tang VNCH 30/4/2020
*****
Phụ Lục- Tài Liệu Tham Khảo
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-39480825
● Wikipedia Sư Đoàn 1 Bộ Binh VNCH:
https://vi.wikipedia.org/wiki/Sư_đoàn_1_Bộ_binh_Quân_lực_Việt_Nam_Cộng_hòa
● Sư Đoàn 304 gần bị tan rã tại Thượng Đức: http://batkhuat.net/tl-tran-thuongduc-1974.htm
● Cộng Sản Bắc Việt quấy phá QK1 1966-1967:
https://hocday.com/trng-dng-mt-cnh-hoa-d-hi-k-hi-k-mt-cnh-hoa-d.html?page=7
http://tqlcvn.org/thovan/van-mothoi-denho.htm
http://nhaydu.com/index_83hg_files/left_files/T-Chien/1967-LamSon54VungPhiQuanSu.pdf
● Tài liệu wikia.org 181.149 VC-CSBV bị giết trong năm 1968:
https://military.wikia.org/wiki/Tet_Offensive
● CSBV tổn thất 100.000 quân trong năm 1972:
https://en.wikipedia.org/wiki/Easter_Offensive
● Phiên họp 3/13/1975 và 3/19/1975, và 3/25/1975 của TT Thiệu:
https://www.youtube.com/watch?v=AYgNsu6WH-I
● Lực Lượng CSBV tại QL1 Huế-Đà Nẵng https://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Loi-ke-cua-Thieu-tuong-Nguyen-Duc-Huy-ve-tran-chien-giai-phong-Da-Nang-post166464.gd
● Lực lượng CSBV trên toàn thể QKI kể cả du kích địa phương
http://123doc.org/document/1665098-chien-dich-hue-da-nang.htm
https://www.facebook.com/notes/hon-viet/40năm-ngày-tháng-không-quên-tango-nguyễn-thành-trí-đại-tá-tư-lệnh-phó-sđtqlc/647402328739131/
● Tài liệu CSBV tấn công Nam Thừa Thiên: SD 325 gồm 2 trung đoàn 18,101, trung đoàn pháo 84, trung đoàn 95 đã tăng viện cho BMT, Tướng CSBV nói láo là bắt được TĐT Tiểu Đoàn 61 BĐQ và Chiếm Phú Lộc trong ngày 3-23-1975 mà không biết có TĐ 8 TQLC tại đây.
https://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Loi-ke-cua-Thieu-tuong-Nguyen-Duc-Huy-ve-tran-chien-giai-phong-Da-Nang-post166464.gd
● Tháng 3 Gẫy Súng-MX Cao Xuân Huy: https://www.vinadia.org/thang-ba-gay-sung-cao-xuan-huy/
● Hồi ký của Nguyễn Đức Nam: Mỹ đã sửa sọan Trại Ti Nạn cho dân VN từ 1975. https://www.youtube.com/watch?v=4nBb0y4FxkU
● Hồi ký của Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang, Tướng Times gửi nhân viên Lewis theo Tướng Nghiêm Vĩnh Nghi:
https://dongsongxua.wordpress.com/2017/10/07/tran-phan-rang-hoi-uc-cua-chuan-tuong-pham-ngoc-sang/
● Hồi ký TT Phạm Văn Hồng và CIA Gerald Kosh: https://www.youtube.com/watch?v=qtgdUdjGUgA
● Thư của MX Phạm Vũ Bằng gửi Trung Tướng Lâm Quang Thi: http://www.conongviet.com/Philo-To/webmar2710-thu tra loi cua bangphong.htm
http://chepsuvietblog.blogspot.com/2014/10/tam-tu-tong-thong-nguyen-van-thieu.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét