Tri Nhân Media

PHẦN MỀM GIÁN ĐIỆP PEGASUS VÀ TRÒ CHƠI HAI MẶT CỦA ISRAEL

Lê Tây Sơn
24/3/2022

Hình: Một cuộc biểu tình ở Ấn Độ phản đối chính phủ Narendra Modi sử dụng phần mềm Pegasus để theo dõi những nhà hoạt động nhân quyền; Kolkata, ngày 2 Tháng Hai 2022 (ảnh: Indranil Aditya/NurPhoto via Getty Images)

Israel, do lo sợ phản ứng của Nga, đã không dám bán phần mềm gián điệp nổi tiếng nhưng cũng tai tiếng Pegasus cho Ukraine và Estonia.

Một phần mềm đáng sợ

Trong những năm gần đây, Chính phủ Israel liên tục từ chối yêu cầu từ hai chính phủ Ukraine và Estonia về việc mua và sử dụng Pegasus, một phần mềm gián điệp mạnh mẽ dùng để “hack” điện thoại di động của Nga. Đó là tiết lộ mới từ những người am hiểu về các cuộc thảo luận liên quan đến thương vụ không thành này. “Lý do, Israel lo ngại việc bán ‘vũ khí mạng’ cho đối thủ của Nga sẽ làm tổn thương mối quan hệ của nó với Điện Kremlin” – một người nói.

Trước khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine, cả Ukraine và Estonia đều hy vọng mua Pegasus để lấy quyền truy cập vào điện thoại của Nga, như một phần của hoạt động tình báo nhắm vào nước láng giềng khổng lồ ngày càng đe dọa sự tồn vong của họ. Nhưng Bộ Quốc phòng Israel đã từ chối “bật đèn xanh” cho NSO Group, công ty sản xuất Pegasus, bán cho Estonia và Ukraine, nêu lý do hai quốc gia này muốn sử dụng nó chống lại Nga. Quyết định chặn thương vụ được đưa ra bất chấp nhiều năm trước đó Bộ Quốc phòng Israel từng cấp phép cho một số chính phủ nước ngoài sử dụng phần mềm gián điệp Pegasus làm công cụ đàn áp người dân trong nước.

Pegasus là một công cụ hack “zero-click” (không cần nhấp chuột), có nghĩa là nó có thể lén lút và từ xa trích xuất mọi thứ có trong điện thoại di động của mục tiêu bị do thám, gồm cả ảnh, danh bạ, tin nhắn và video mà không cần người dùng ứng dụng hay chủ nhân điện thoại phải nhấp vào đường link lừa đảo để cho Pegasus quyền truy cập từ xa. Nó cũng có thể biến điện thoại di động của mục tiêu thành thiết bị theo dõi và ghi âm bí mật mọi hành vi của chủ điện thoại. Trong trường hợp của Ukraine, việc đề nghị Israel bán Pegasus cho Kyiv bắt đầu từ vài năm trước khi Nga chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và Moscow biến Ukraine thành mục tiêu xâm lược và gián điệp hàng đầu.

Các quan chức Ukraine cố gắng mua Pegasus để chống lại mối đe dọa tiềm tàng từ Nga. Tuy nhiên, Israel đã áp đặt lệnh cấm vận gần như hoàn toàn hoạt động bán vũ khí cho Ukraine, bao gồm cả phần mềm gián điệp Pegasus. Trong trường hợp của Estonia, các cuộc đàm phán để mua Pegasus được xúc tiến từ năm 2018. Lúc đầu Israel đồng ý để Estonia sở hữu hệ thống này vì không biết Estonia đã lên kế hoạch sử dụng nó để tấn công điện thoại di động của Nga. Chính phủ Estonia đã thanh toán số tiền lớn $30 triệu để có được Pegasus. Tuy nhiên, năm 2019, một quan chức quốc phòng cấp cao của Nga liên lạc với cơ quan an ninh Israel để thông báo Nga đã biết kế hoạch Estonia sử dụng Pegasus để chống lại mình. Sau một cuộc tranh luận gay gắt giữa các quan chức, Bộ Quốc phòng Israel quyết định hủy cam kết, không bán Pegasus cho Estonia nữa.

Không được phép vì chống Nga

Mối quan hệ của Israel với Nga đang được lật trở lại và xăm soi kể từ ngày Nga đưa quân vào Ukraine (24 Tháng Hai 2022) dẫn đến việc chính phủ Ukraine công khai chê trách chính phủ Israel chỉ hỗ trợ hạn chế cho Ukraine nhưng cúi đầu trước áp lực của Nga. Trong bài phát biểu trực tuyến trước Knesset (Quốc hội Israel) vào Chủ Nhật tuần trước, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã chỉ trích Israel không cung cấp cho đất nước ông hệ thống chống tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome) và các vũ khí phòng thủ khác, cũng như không tham gia cùng các quốc gia phương Tây trừng phạt kinh tế Nga.

Nhắc đến diệt chủng Quốc Xã Holocaust nhắm vào người Do Thái, ông Zelensky nhấn mạnh: “Cuộc chiến của Nga nhằm tiêu diệt người dân Ukraine chúng tôi cũng giống như Đức Quốc xã muốn tiêu diệt người Do Thái”. Ông Zelensky, gốc Do Thái, khẳng định: “Hòa giải chỉ có thể có giữa các quốc gia, chứ không thể giữa cái thiện và cái ác”. Tháng trước, tờ The New York Times đưa tin “Phía Israel đã từ chối yêu cầu mua Pegasus của Ukraine vào thời điểm quân đội Nga đang tập trung đông đảo ở biên giới Ukraine”.

Ngày 23 Tháng Ba, tờ The Washington Post và The Guardian (thuộc tập đoàn các tổ chức tin tức có tên The Pegasus Project-Dự án Pegasus), tiết lộ: “Các cuộc thảo luận mua Pegasus đã có từ năm 2019” và hai tờ báo cũng tiết lộ lần đầu việc Israel quyết định chặn các nỗ lực của Estonia để có được Pegasus. Một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết: “Các quan chức tình báo Ukraine rất thất vọng khi Israel từ chối đề nghi mua phần mềm gián điệp Pegasus, được xem là rất quan trọng để giám sát các kế hoạch quân sự bí mật của Nga và hiểu các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của nước nay.

Quan điểm của phía Ukraine là Israel, khi đưa ra quyết định không cung cấp Pegasus, đã xem trọng mối quan hệ với Điện Kremlin hơn là hồ sơ nhân quyền tệ hại của họ. Đại diện của đại sứ quán Ukraine tại Mỹ và Bộ Ngoại giao Estonia từ chối trả lời câu hỏi của The New York Times. Trong một tuyên bố, NSO khẳng định: “Chúng tôi không thể trả lời những tin đồn hoặc mang màu sắc chính trị”. Cả Ukraine và Estonia đều từng thuộc Liên Xô và đều phải sống trong cái bóng của quân đội Nga một thời gian dài. Nhưng chỉ có Estonia là thành viên NATO.

Nga đóng vai trò quan trọng trên khắp Trung Đông, đặc biệt ở Syria, nhưng Moscow thả lỏng cho Israel khi nhà nước Do Thái tiến hành các hành động an ninh quốc phòng. Ví dụ, Nga cho phép Israel tấn công các mục tiêu của Iran và Lebanon bên trong Syria mà Israel xem là cần thiết để chặn dòng vũ khí Iran gửi cho các lực lượng ủy nhiệm thân Iran đóng quân gần biên giới phía Bắc Israel.

Tính hai mặt


Từ lâu, Chính phủ Israel luôn xem Pegasus là một công cụ quan trọng cho chính sách đối ngoại của mình. Một bài báo trên New York Times Magazine số ra năm nay tiết lộ: “Trong hơn một thập niên qua, Israel đã đưa ra các quyết định dựa vào tính toán chiến lược về việc quốc gia nào được phép có Pegasus như Ấn Độ, Hungary, Mexico, Panama (và cả Ả-rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất-UAE để theo dõi những người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo đối lập) và quốc gia nào không được phép có.

Israel đã sử dụng phần mềm gián điệp như một “lá bài mặc cả” trong các cuộc đàm phán ngoại giao, đáng chú ý nhất là trong cuộc đàm phán bí mật dẫn đến cái gọi là Hiệp định Abraham (Abraham Accords) bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số đối thủ Ả-rập truyền thống. “Trong các quyết định về chính sách xuất khẩu, chúng tôi có tính đến chiến lược và an ninh, gồm cả việc tuân thủ các cam kết quốc tế – Bộ Quốc phòng Israel nhấn mạnh trong một tuyên bố phản hồi câu hỏi của The New York Times – Về mặt chính sách, Nhà nước Israel chỉ chấp thuận xuất khẩu các sản phẩm mạng cho các chính phủ nào cam kết sử dụng hợp pháp vào mục đích ngăn chặn, điều tra tội phạm và chống khủng bố”.

Kể từ lần đầu tiên NSO bán Pegasus cách nay hơn một thập niên cho chính phủ Mexico, phần mềm gián điệp này đã được hàng chục quốc gia sử dụng để theo dõi tội phạm, khủng bố và buôn ma túy. Nhưng việc lạm dụng nó cũng diễn ra rộng rãi, từ việc Ả-rập Saudi dùng Pegasus để hỗ trợ các cuộc đàn áp tàn bạo đối với những người bất đồng chính kiến ​​đến việc Thủ tướng Viktor Orban của Hungary ủy quyền cho cơ quan tình báo và cảnh sát dùng phần mềm gián điệp này chống lại đối thủ chính trị của ông ta. Tháng Mười Một năm ngoái, chính quyền Biden đã đưa NSO và một công ty mạng khác của Israel vào “danh sách đen” bị cấm làm ăn với các công ty Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ giải thích: “Các công cụ của những công ty bị cấm này đã cho phép các chính phủ độc tài đàn áp xuyên quốc gia những người bất đồng chính kiến, nhà báo và nhà hoạt động bên ngoài biên giới chủ quyền của họ để bịt miệng”.

(Sài Gòn Nhỏ)
◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét