Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




HIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ CỦA QUỐC GIA ?

Thái Hạo
9/3/2022

Câu này trích trong “Văn bia tiến sĩ: Đại Bảo tam niên Nhâm Tuất khoa tiến sĩ đề danh ký, Hồng Đức thập bát niên Đinh Mùi khoa tiến sĩ đề danh ký” của tiến sĩ Thân Nhân Trung, thế kỷ 15. Và được giảng dạy trong sách giáo khoa Ngữ văn 10. Đầy đủ là: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”.

Ngày nay, nó đã trở thành một câu “khẩu hiệu”, một slogan được treo tại khắp các trường học trên cả nước, đặc biệt là hệ thống các trường chuyên.

Thế nhưng, trong khoảng 5 năm tôi trực tiếp giảng dạy tại một trường chuyên, chỉ riêng tổ văn thôi đã có khoảng chục người ra đi, hoặc rời bỏ hẳn giáo dục, hoặc chuyển sang một trường tư, hoặc kiếm một nơi “tối ngày đầy công”, đặng yên ổn. Điều đáng nói là, những người ra đi ấy, hầu hết là cá tính, sắc sảo, giỏi chuyên và cương trực thẳng thắn, chí ít cũng là kẻ trăn trở với đời và với nghề. Một hai người “có chất” còn ở lại thì chọn im lặng và “sáng cắp cặp đi, tôi cắp về”, “mặc kệ thiên hạ” vì “đấu tranh thì tránh đâu”.

Sự “sàng lọc” ấy trong giáo dục là một mất mát lớn, không gì đo đếm được. Tại sao họ ra đi và ở lại theo cách như thế? Cái Khác không được chấp nhận, sự thẳng thắn không được chấp nhận, lòng chính trực không thể được chấp nhận, thậm chí một tiếng thở dài vì những bất công hay vì tình thương học trò mà bất lực cũng cần phải “kiểm điểm”. Cứ thế, môi trường giáo dục trở nên một nơi căng thẳng mà “người này và kẻ kia đều ngó theo sức mạnh”.

Tự tay tôi đã đưa ít nhất 4 người về tổ mình, những người tôi đã cất công tìm kiếm, và vui mừng vì tìm thấy, vì họ không chỉ giỏi mà còn có nhân cách tử tế. Thế nhưng, tất cả họ cũng đã lần lượt rời đi, rồi tôi cũng rời đi. Chua chát và buồn đau vì bất lực với hiện tình giáo dục đất nước vì không có cơ hội để được làm chút việc cho công cuộc hệ trọng ấy. “Ai cho tao lương thiện”, câu hỏi của Chí Phèo cứ văng vẳng vang lên trong chúng tôi.

Nhìn dài và nhìn rộng, “trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ” còn bàng bạc khắp nơi, và ám ảnh tất cả.

Tài nguyên lớn nhất của một đất nước là con người, đặc biệt là những người mà tiền nhân gọi là “hiền tài”. Ngày nay, những người ấy là văn nghệ sĩ trí thức. Chính họ sẽ làm rường cột cho văn hóa nước nhà, xây dựng nền móng tinh thần cho dân tộc. Nhưng ở khắp nơi, họ không được “dung thứ” nếu dám làm mất lòng quyền lực.

Trí thức là kẻ yếu nhất trong xã hội, vì họ không những nghèo tiền bạc, không có địa vị, mà tài sản của họ chỉ là tri thức và lương tâm. Họ không có bè phái, không có liên minh, mỗi người lao động trong thế giới tinh thần của chính mình để âm thầm tạo ra giá trị. Vì thế, sự o ép và đàn áp, chỉ cần nhẹ thôi, cũng đủ để đập bẹp và hủy hoại tan hoang.

Không ai muốn đất nước phát triển mà không nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển trí thức. Nếu không làm việc ấy thì mọi sự hô hào chỉ là những lời nói suông, là những lời nói dối.

Đưa “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” vào dạy cho học sinh với những lời đẹp đẽ rằng ”Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết” nhưng lại khiến các em luôn phải nhìn thấy những thầy cô mà chúng kính trọng và yêu mến nhất phải cay đắng ra đi. Đó là đang trực tiếp làm ra những tấm gương xấu về việc nói một đằng làm một nẻo, về bất công ngang trái, về sự chiến thắng của quyền lực trước lương tri, về sự thất bại của lòng chính trực… Những học sinh ấy sẽ lớn lên để thành gì?

Mục tiêu giáo dục không nằm trong sách giáo khoa, nó ở trong môi trường sư phạm, ở trong ứng xử của người làm giáo dục, ở trong tư cách của người lớn… Một chương trình viết hay, một bộ sách viết đẹp với toàn những lời có cánh, nhưng đem thả vào một bầu không khí vẩn đục và đầy bệnh tật, thì mãi mãi, nó vẫn chỉ nằm trên giấy mà thôi.

Kiến tạo một môi trường giáo dục và xã hội văn minh, lấy lẽ phải và luật pháp làm tiêu chuẩn, lấy nhân văn làm lối sống, lấy cái đẹp làm linh hồn, chỉ có như thế mới chứng tỏ được rằng, những người chủ trương đổi mới đang thật lòng đổi mới.

Và cuối cùng, nói về giáo dục cũng chỉ là nhân một ví dụ để nói về tất cả, chứ không phải chỉ là giáo dục.

◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét