BBC
3/3/2022
Hình: Các đại sứ và người đứng đầu các
tổ chức nước ngoài đến đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội để thể hiện sự ủng hộ với
chính phủ và người dân nước này
Cuộc xâm lược vũ trang của Nga
vào Ukraine, mở màn ngày 24/2, đã tạo nên tranh luận gay gắt trong cộng đồng
người Việt Nam trên mạng xã hội, cụ thể là Facebook.
Nhưng quan điểm chính thức của lãnh đạo Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam về cuộc khủng hoảng quốc tế này là như thế nào, vẫn là câu hỏi lớn cho nhiều người.
Trong vài ngày qua, bắt đầu có những tín hiệu, thông tin rõ rệt hơn về lập trường của Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam.
Hội nghị của Ban Tuyên giáo
Chiều 2/3 tại Hà Nội, Ban Tuyên
giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực
thuộc Trung ương tháng 3-2022 bằng hình thức trực tuyến.
Báo
cáo viên của Đảng là những cán bộ, đảng viên do các cấp uỷ lựa chọn và
ra quyết định công nhận, thực hiện công tác tuyên truyền miệng trong cán bộ, đảng
viên và nhân dân, trực tiếp chịu sự quản lý và hướng dẫn tổ chức hoạt động của
Ban Tuyên giáo cùng cấp và cấp trên.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã
được nghe ông Phạm Quang Hiệu - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao thông tin chuyên đề Cục
diện thế giới hiện nay - Tác động và chính sách của Việt Nam.
Ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin chuyên đề Một số kết quả bước đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Chủ trì hội nghị là ông Lê Hải
Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Những cuộc họp như vậy mang tính
chất định hướng tuyên truyền của Đảng Cộng sản.
Tại
hội nghị, định hướng công tác tuyên truyền thời gian tới, ông Lê Hải
Bình, đề nghị như sau, theo trích dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum:
"Ban tuyên giáo các tỉnh ủy,
thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đội ngũ báo cáo viên các cấp tập trung
tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về tình hình Nga - Ukraine:
Bám sát quan điểm chính thức của
Việt Nam, các chỉ đạo, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo
công tác thông tin đối ngoại, Bộ Ngoại giao khi thông tin, tuyên truyền về tình
hình Nga - Ukraine;
Nội dung thông tin, tuyên truyền
chú trọng đề cao hoà bình, vai trò của giải pháp chính trị hoà bình, hoà giải
và đàm phán trong giải quyết các tranh chấp; vai trò quan trọng của luật pháp
quốc tế; tinh thần đoàn kết quốc tế, nhân đạo, nhân văn;
Không trích dẫn thông tin thiếu
kiểm chứng, không sử dụng các từ ngữ không phù hợp, các từ ngữ mang tính chỉ
trích, tiêu cực về các bên liên quan, về lãnh đạo các nước; tuyên truyền khẳng
định trong tình hình phức tạp hiện nay tại Ukraine, với mong muốn hòa bình, ổn
định và cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại tại Ukraine, một trong những quan
tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là bảo đảm an
ninh và an toàn cao nhất về tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng
cho công dân và pháp nhân Việt Nam ở Ukraine và các nơi có liên quan;
Khẳng định tính đúng đắn, vai trò
lãnh đạo của Đảng ta trong việc xác định và thực hiện đường lối đối ngoại độc lập
tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá; tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến
chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong việc giữ gìn môi trường hoà
bình, ổn định và phát triển đất nước."
Thông
tin từ hội nghị cho hay các đại biểu được nghe về tình hình xung đột
vũ trang giữa Nga và Ukraine "khiến giá dầu tăng, gia tăng lạm phát, ảnh
hưởng đến sự phát triển kinh tế chung của toàn thế giới; đặc biệt là các biện
pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga khiến kinh tế Nga chịu ảnh hưởng
nặng nề, điều này tác động tiêu cực đến cả thế giới. Xung đột giữa Nga và
Ukraina đã tác động đến nền kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến Việt Nam."
Tường thuật về hội nghị, báo Lâm Đồng cũng có thêm những trích dẫn quan trọng, theo đó, quan điểm của Việt Nam là:
"Đối với Việt Nam, cả Nga và
Ukraine đều là đối tác quan trọng.
Chính sách đối ngoại của Việt Nam
là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị,
hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; bảo đảm
cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tác cơ bản của Hiến
chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; kết
hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc
tế toàn diện, sâu rộng;
Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy
và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Việt Nam giữ vững nguyên tắc 4
không: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống
nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt
Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực
trong quan hệ quốc tế.
Việt Nam kêu gọi Nga và Ukraine giảm
căng thẳng, ngừng bắn, bảo đảm an ninh an toàn, nhu cầu thiết yếu của người
dân, bảo đảm an ninh an toàn cho cộng đồng người nước ngoài đang sống tại
Ukraine; trong đó, có người Việt Nam…"
Việt Nam 'đề cao hòa bình'
Cùng
ngày 2/3, trang của Thành ủy TPHCM đăng bài đáng chú ý của Thiếu tá,
ThS Võ Ngọc Toản (Đại học An ninh Nhân dân - Công an TPHCM).
Bài này nói: "Để thấy rõ được
tính chất sai trái, xuyên tạc trong luận điệu, đồng thời chủ động trong nhận diện,
phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả, thiết nghĩ, cần công tâm, khách quan, thấu
đáo trong nhìn nhận, xem xét từ thực tiễn công tác đối ngoại của Việt Nam, dưới
sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ nói
chung cũng như trước những bất ổn về chính trị xảy ra tại Ukraine thời gian qua
ở mấy vấn đề sau..."
Bài khẳng định: "Đảng,
Nhà nước và Nhân dân Việt Nam không muốn đất nước phải chịu cảnh chiến tranh và
cũng không bao giờ muốn chiến tranh xảy ra với bất kỳ quốc gia nào, như đã và
đang xảy ra tại Ukraine. Điều dễ dàng nhận thấy, trên các phương tiện truyền
thông đại chúng Việt Nam những ngày qua liên tục phát đi "thông điệp"
thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam không ủng hộ xung đột quân sự
xảy ra tại Ukraine, đồng thời tích cực kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm
chế, tránh những động thái gây bất ổn cho tình hình chính trị thế giới, ảnh hưởng
xấu đến hòa bình, ổn định toàn cầu; đe dọa nghiêm trọng đến sinh mệnh của binh
lính và người dân vô tội ở các nơi xảy ra xung đột."
Tác giả còn phân tích: "Cùng
với việc kêu gọi kiềm chế, giảm xung đột leo thang, Đảng, Nhà nước ta bày tỏ
mong muốn Nga và Ukraine nhanh chóng chấm dứt việc dùng vũ lực và đe dọa dùng
vũ lực, thay vào đó là những cái bắt tay, những vòng đàm phán, những phiên đối
thoại, những thỏa thuận, hòa giải nhằm tìm kiếm những giải pháp căn cơ, lâu dài
cho các tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình."
Tác giả chỉ ra: "Đặc biệt,
trong quan hệ đối ngoại, Đảng, Nhà nước ta luôn kiên trì thực hiện chính sách
"năm không": Không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác,
không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước
nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam và
không liên kết nước này để chống nước kia."
"Do đó, đối với vấn đề xung
đột giữa Nga và Ukraine vừa qua, Việt Nam luôn đứng ở vị trí trung lập để xem
xét, nhìn nhận, đánh giá, phát ngôn và hành động."
Dựa vào quan điểm trên, tác giả chỉ ra phát biểu của Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái Đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp quốc ngày 01/3 đều khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là kêu gọi chấm dứt hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng.
"Cho đến thời điểm hiện tại,
chưa có bất kỳ phát ngôn và hành động nào đề cập đến việc ủng hộ việc sử dụng
vũ lực để giải quyết vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine và Việt Nam cũng không
"thiên vị" hay đứng về bất kỳ một bên nào xoay quanh xung đột giữa
Nga và Ukraine," tác giả khẳng định.
Tuyên bố của Việt Nam tại Đại hội đồng LHQ về tình hình Ukraine
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng
phái Đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp quốc ngày 01/3 đã phát biểu khi Đại
hội đồng Liên Hợp Quốc tổ chức phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 để thảo luận về
tình hình Ukraine.
Trong bài này, giới quan sát ghi
nhận nhà ngoại giao Việt Nam có những phát ngôn quan trọng:
"Lịch sử của chính dân tộc
chúng tôi hứng chịu các cuộc chiến tranh đã nhiều lần chỉ ra rằng, các cuộc chiến
tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời
đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để
giải quyết các tranh chấp quốc tế. Một số xung đột vẫn còn gắn liền với những yếu
tố lịch sử, ngộ nhận và hiểu lầm."
"Với trải nghiệm của chính
mình, Việt Nam thấu hiểu rằng chiến tranh và xung đột khi nổ ra chỉ gây ra đau
khổ sâu sắc cho người dân và hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều khía cạnh trong
đời sống của các quốc gia có liên quan trực tiếp cũng như của các quốc gia
khác."
"Mọi tranh chấp quốc tế cần
được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của
luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, bao gồm các nguyên tắc về bình đẳng chủ
quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội
bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tất cả các quốc gia lớn
hay nhỏ đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản này."
Ông Đặng Hoàng Giang nói: "Do
đó, Việt Nam hết sức lo ngại về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine,
một quốc gia thành viên có chủ quyền của Liên Hợp Quốc. Việt Nam và các nước
thành viên ASEAN khác đã ra tuyên bố về vấn đề này vào ngày 26/2. Điều cấp bách
hiện nay là cần kiềm chế tối đa và chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng vũ lực để
tránh thêm thương vong và tổn thất, đặc biệt là đối với dân thường."
"Chúng tôi kêu gọi các bên
liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất
cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan ngại của
tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng
chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Các giải pháp như vậy sẽ chấm
dứt những khổ đau và đóng góp lớn cho hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Âu
và thế giới nói chung."
Việt Nam bỏ phiếu trắng
Đại hội đồng LHQ hôm 2/3 đã thông
qua nghị quyết kêu gọi Nga ngay lập tức rút quân khỏi Ukraine.
Nghị quyết nhận được 141 phiếu
thuận trong tổng số 193 nước thành viên Liên hợp quốc, đạt tỷ lệ đồng thuận
73%.
Nga, và chỉ 4 nước - Bắc Hàn,
Syria, Belarus, và Eritrea - bỏ phiếu chống nghị quyết.
35 nước, trong đó có Ấn Độ, Trung
Quốc, Lào, Việt Nam, bỏ phiếu trắng.
Trong cả khối Asean chỉ có Việt
Nam và Lào bỏ phiếu trắng, còn Campuchia, Myanmar "hòa nhịp" với các
nước còn lại bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án cuộc xâm lăng của Nga.
35 quốc gia đã chọn giữ thái độ
trung lập bao gồm các quốc gia cũng phần lớn đổ lỗi cho phương Tây đã kích động
các điều kiện dẫn đến xung đột và những nước khác đã chọn giữ thái độ trung lập
về vấn đề này.
Các quốc gia này bao gồm Algeria,
Angola, Armenia, Bangladesh, Bolivia, Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Trung Quốc,
Cuba, Cộng hòa Congo, El Salvador, Equatorial Guinea, Ấn Độ, Iran, Iraq,
Kazakhstan, Kyrgyzstan, Lào, Madagascar, Mali, Mông Cổ, Mozambique, Namibia,
Nicaragua, Pakistan, Senegal, Nam Phi, Nam Sudan, Sri Lanka, Sudan, Tajikistan,
Tanzania, Uganda, Việt Nam và Zimbabwe.
Ngày 3/3, tại họp báo thường kỳ,
trả lời báo chí về việc bỏ phiếu của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê
Thị Thu Hằng nói "quan điểm của chúng tôi là Việt Nam luôn theo dõi sát
sao và hết sức quan ngại về tình hình Ukraine".
"Chúng tôi cho rằng, ưu tiên
hiện nay là cần kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực để tránh
gây thương vong và tổn thất đối với dân thường, nối lại đàm phán đối thoại trên
tất cả các kênh để đạt được các giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích chính
đáng của tất cả các bên trên cơ sở phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và các
nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế."
◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét