Vương Hồng Anh
19/3/2005
Việt Báo: Trong tinh thần tưởng niệm "Ngày 30-4-1975", nhìn lại cuộc diện Việt Nam 30 năm về trước, Việt Báo trân trọng giới thiệu loạt bài tổng hợp về một số sự kiện quan trọng xảy ra từ ngày 10/3/1975 đến cuối tháng 4/1975. Loạt bài này được biên soạn dựa theo các tài liệu sau đây:
- hồi ký của cựu Đại tướng Cao Văn Viên do Trung tâm Quân sử
Lục quân Hoa Kỳ phổ biến;
- hồi ký của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, Tổng trưởng
Quốc phòng cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa;
- hồi ký của Trung tướng Ngô Quang
Trưởng,
- một số bài viết của các nhân chứng, từng giữ các chức vụ trọng yếu
trong Chính phủ và Quân Lực VNCH,
- và tài liệu riêng của Việt Báo.
♦♦♦♦♦
Sau 2 cuộc họp mật của Hội đồng An ninh Quốc gia tại Dinh Độc Lập vào các ngày 11 và 13 tháng 3/1975, vào ngày 19 tháng 3/1975, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu lại mở cuộc họp đặc biệt để duyệt xét tình hình Quân khu 1. Cuộc họp bắt đầu 11 giờ, ngoài các nhân vật đã tham dự hai cuộc họp trước (Tổng thống Thiệu, Thủ tướng Khiêm, Đại tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Đặng Văn Quang), còn có Phó Tổng thống Trần Văn Hương tham dự. Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn 1/Quân khu 1, cũng được gọi về Sài Gòn để dự cuộc họp này.
Theo lệnh của Tổng thống được chuyển đến Tư lệnh Quân đoàn 1 trước đó, Tướng Trưởng trình bày về kế hoạch rút quân của Quân khu 1 tập trung về Đà Nẵng để bảo vệ thành phố trọng yếu này.
Theo ghi nhận của Tướng Viên, kế hoạch của Tướng Trưởng rất chu đáo và được tiến hành theo hai phương cách:
- Phương cách thứ nhất sử dụng Quốc lộ 1. Theo đó thì có lực lượng VNCH từ Huế và từ Chu Lai cùng một lúc rút về Đà Nẵng.
- Phương cách thứ hai: nếu địch cắt Quốc lộ 1 thì sẽ rút quân về tập trung tại ba nơi khác nhau: Huế, Đà Nẵng, Chu Lai.
Tuy nhiên Huế và Chu Lai chỉ là nơi tập trung tạm thời để sau đó các đơn vị được hải vận về Đà Nẵng, kết thúc cuộc bố trí giữ Đà Nẵng. Như vậy, Đà Nẵng sẽ trở thành ốc đảo trong lòng địch để cố thủ bằng 4 sư đoàn (Sư đoàn 1, 2, 3 Bộ binh, Sư đoàn Thủy quân Lục chiến) và 4 liên đoàn Biệt động quân.
Sáu giờ chiều ngày 19 tháng Ba, Trung tướng Trưởng trở lại Đà Nẵng. Khi phi cơ
ông vừa hạ cánh, thì ông nhận được báo cáo khẩn cấp của Trung tướng Lâm Quang
Thi, Tư lệnh phó Quân đoàn 1, gọi từ bộ Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 1 ở Huế
vào. Tướng Thi báo rằng đại bác 130 ly của địch đang nã vào bản doanh của ông
và CQ đang tung đợt tấn công quy mô lớn bằng xe tăng để tìm cách vượt qua vòng
đai phòng thủ của lực lượng VNCH tại sông Thạch Hãn.
* Đại tướng Cao Văn Viên phân tích các quyết định của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
về vận mệnh VNCH
Trước khi đưa ra những quyết định trong cuộc họp ngày 19 tháng 3/1975, Tổng thống
Nguyễn Văn Thiệu đã 2 lần họp mật với Hội đồng An ninh Quốc gia để duyệt xét về
tình hình tại Cao nguyên và miền Trung. Sau đây là những ghi nhận và phân tích
của Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH về những cuộc họp
này.
Theo lời của Đại tướng Viên, một ngày sau khi Cộng quân tổng tấn công vào Ban
Mê Thuột, sáng ngày 11 tháng Ba, 1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã mời Thủ
tướng kiêm Tổng trưởng Quốc Phòng Trần Thiện Khiêm, Đại tướng Tổng tham mưu trưởng
QL.VNCH Cao Văn Viên, Trung tướng Đặng Văn Quang, Phụ tá An ninh của Tổng thống,
đến dinh Độc Lập để ăn sáng và họp.
Sau khi ăn và uống cà phê xong, các nhân
viên phục dịch đi hết, Tổng thống đã lấy ra một tấm bản đồ có tỷ lệ nhỏ của Việt
Nam Cộng Hòa và bắt đầu nói đến tình hình quân sự ở mỗi nơi. Sau đó, Tổng thống
nói thật rằng "tính ra thực lực của chúng ta thì không thể nào giữ hết nổi
lãnh thổ như ý chúng ta được. Vì vậy chúng ta cần phối trí lực lượng lại để
phòng thủ những nơi nào đông dân cư mà thôi và tăng cường bảo vệ những nơi nào
hiểm yếu."
Nhắc lại quyết định của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Đại tướng Viên đã ghi lại
trong hồi ký như sau:
"Kết luận này làm chúng tôi ngạc nhiên vì nói như vậy
tức là ông đã cân nhắc rất kỹ lưỡng. Dường như ông chưa muốn công bố quyết định
này nên tỏ ý rằng chỉ cho ba chúng tôi tham dự bữa ăn sáng này biết trước. Tổng
thống Thiệu đã vạch ra một bản đồ ghi những vị trí quan trọng. Đa số các vị trí
này đều nằm quanh Quân khu 3 và 4 cùng với hải phận của hai quân khu này. Chỉ một
vài nơi quan trọng mà hiện lúc ấy đang bị Cộng sản chiếm và như vậy Quân đội
VNCH phải ra sức tái chiếm lấy bằng mọi giá. Sau cùng, lãnh thổ mà Quân đội
VNCH sẽ giữ gồm những nơi vựa lúa, đồn điền cao su, khu kỹ nghệ, v.v. Chính phủ
cần giữ những nơi trù phú và đông dân đó. Thêm nữa, ngoài thềm lục địa vừa mới
khám phá có dầu, và chính phủ xem đó là những vùng yết hầu bất khả xâm phạm,
nơi cần giữ vững nhất là Sài Gòn, các tỉnh phụ cận và vùng châu thổ sông Cửu
Long."
◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét