Lê Hùng
4/3/2015
trích từ "Những ngày cuối cùng của Huế và Đà Nẵng"
Tầu Trường Thành đưa 12,000 ngưòi di tản giờ chót ra khơi
Đà Nẵng hỗn loạn
Trước cảnh hỗn loạn ngoài đường phố Đà Nẵng vì hàng trăm ngàn người đang hớt hải tìm đường lánh nạn thì trong thành phố cũng có khá nhiều đám đông, cả thường dân lẫn binh sĩ ào vào các cửa tiệm tại chợ Cồn, chợ Vườn Hoa, chợ Hàn trong những ngày 26, 27 và 28 tháng 3 năm 1975 để hôi của.
Xác chết của một số người nằm rải rác trên một vài con đường. Thành phố như chỗ không người, không luật pháp. Ai muốn làm gì thì làm. Lúc đầu còn có một vài chiếc Commando Car của Quân Trấn đi giữ an ninh nhưng rồi cũng không làm được gì trước sự hỗn loạn đó nên đành rút lui.
Tại bến tàu, những người tìm đường ra đi đã nóng vội bơi nhào ra sông khi tàu chưa kịp cập bến nên chết đuối khá nhiều.
Tàu lớn của Hải Quân thì lại đậu ngoài khơi nên muốn ra phải thuê ghe, gọ. Một chiếc gọ (ghe có gắn máy) chở một chuyến từ bờ ra tàu phải từ 20 ngàn đến 200 ngàn đồng. Có những chiếc chở ra gần đến tàu lại bị những người lính trên tàu bắn xuống bị thương và chết, lại chở trở vô bờ. Có những gia đình chồng đi được thì vợ bị kẹt lại với mấy đứa con hoặc có gia đình có 5 đứa con mới đưa lên tàu 3 đứa thì tàu chạy, còn mẹ và 2 con ở lại…
Tại phi trường Đà Nẵng, máy bay vừa đáp xuống, mặc dù chưa biết sẽ bay hay không, mọi người đã xô, đạp lên nhau, bắn nhau để tràn lên tàu. Máy bay bay không nổi, những người dân thường lại bị lôi xuống. Trong khi đó máy bay chạy trên phi đạo giữa hàng ngàn người khiến cho hàng chục người khác bị chết.
Có những người giàu mua vé máy bay Hàng Không VN với giá 100 ngàn rồi 200 ngàn hoặc một lạng vàng một vé, đến ngày lên phi trường thì máy bay lại không dám đáp xuống vì cảnh hỗn loạn bên dưới và vì VC đang pháo kích vào phi trường. Rốt cuộc tiền mất mà vẫn không đi được.
7 giờ 30 sáng ngày 28 tháng 3 một Đ/Úy chở gia đình trên một chiếc jeep vào phi trường. Quân Cảnh tại cổng chận lại xét hỏi. Vị Đ/Úy bèn cự nự và hai bên cãi nhau. Cuối cùng vị Đ/Úy kia bèn bắn chết một sĩ quan QC/KQ. Thế là phi trường đóng cửa từ đó và không một chiếc xe nào vào được sân bay.
Chiều ngày 28-3 tình hình tại BTL/QĐ1/QK1 số gia đình binh sĩ và sĩ quan nằm la liệt trong doanh trại Nguyễn Tri Phương để chờ đợi phương tiện đi vào Sài Gòn mà trước đó BTL/QĐ đã cho lập danh sách nhưng chờ đợi đã mấy ngày qua mà vẫn không có.
Cũng chiều ngày 28-3 tình hình tại BTL/SĐ3BB (đóng tại Hoà Mỹ) vẫn “tỏ ra bình thường” nhưng vào nữa đêm, lúc 12 giờ 30 thì một chiếc trực thăng đáp xuống ngay tư dinh của Th/Tướng Nguyễn Duy Hinh, Tư Lệnh SĐ, và một lát sau bay vút lên không. Vì tư dinh cửa Th/Tướng Hinh nằm trên đồi cao và tiếng trực thăng lại nghe rất lớn trong đêm khuya nên mọi quân nhân có mặt trong đêm đó đều đoán biết được chuyện gì đang xãy ra nên chỉ một lát sau là hàng đoàn xe đủ loại bật đèn pha chạy ra khỏi căn cứ. Lúc đó không ai bảo ai, không lệnh lạc gì, mạnh ai nấy ra đi (như một cành cây đã có quá nhiều trái trĩu nặng, chỉ cần một cơn gió nhẹ là tất cả đều rơi hàng loạt xuống). Ai có phương tiện gì thi dùng phương tiện đó. Không có thì quá giang. Chỉ trong một lát, cả căn cứ Hoà Khánh bỗng vắng hoe! Cổng chính của Sư Đoàn hàng ngày quân cảnh soát rất kỹ nhưng lúc đó mở toang và không một người đứng gác.
Sáng ngày 29-3, hàng ngàn người đủ mọi thành phần chen nhau qua cầu Trịnh Minh Thế để qua Tiên Sa, Sơn Trà hay Non Nước. Tất cả đều đổ xô ra biển nên mọi nẻo đường đều đông nghẹt, tắc nghẽn.
Tại kho An Hải, hàng trăm người dành nhau lấy đồ hộp, gạo sấy, mùng mền…Đã có nhiều người chết vì bị đồ hộp đè.
Trong khi đó những chiếc xe nhà binh chạy ngược chạy xuôi như bầy kiến lạc đàn và tông cả vào những người đang chạy bộ trên đường. Tại ngã Năm An Hải, 2 chiếc xe jeep tranh đường đã cán một người ngay giữa 2 xe. Trên đoạn đường gần nhà thờ Mân Quang, một chiếc M113 chạy từ hướng Tiên Sa xuống đã tông mạnh vào hông một cụ già đang đi cùng chiều khiến ông lão ngã lăn trên đường và bất động. Chiếc M113 vẫn chạy và mọi người vẫn đi qua ông lão như không có chuyện gì xảy ra.
Vào lúc này, không còn ai nghĩ đến ai nữa! Trước làn sóng đỏ của CS ai cũng cố tìm cho mình một con đường để thoát thân. Cũng tại An Hải (Quận 3) dân chúng đã ùa vào kho hàng Quân Tiếp Vụ để dành nhau lấy thuốc và thực phẩm. Cả trăm người dành nhau, chen nhau và đè lên nhau. Một người lính đứng bên ngoài không làm sao vào được bèn thụt một qủa M79 ngay vào đám đông khiến đám đông văng ra tan tác. Số người chết và bị thương khá nhiều. Máu, dầu, sữa hoà với nhau lai láng. Thế mà một lát sau đám đông khác lại ùa vào và tiếp tục tranh dành!
Tại khu bến tàu Đà Nẵng, dân chúng ngồi chờ tàu đói khát cũng đã ùa vào kho đồ hộp gần đó rồi dành giựt nhau hỗn loạn. Tại hãng nước ngọt BGI cũng xảy ra cảnh giành bia, nước ngọt. Tại kho gạo an toàn ở ngã 3 Cai Lang, lúc 10 giờ sáng ngày 29-3, một số người đã dùng súng bắn ổ khoá kho. Sau đó từng đoàn người ùa vào bên trong khuân, vác gạo ra và gạo cũng đã đè lên làm cho nhiều người chết.
Những người có súng vào lúc này cứ bắn loạn xạ. Họ bắn bất cứ ai làm cản trở đường họ đi và trái với lệnh của họ.
Trước chùa Thạc Gián (Quận 2) một người chĩa súng vào những người vừa lấy gạo trong kho ra trên đường trở về nhà. Y lấy hết gạo lại và chất đầy một đống trước mặt rồi đứng bán sang tay lấy tiền mà không tốn một giọt mồ hôi!
Còn nhiều cảnh hỗn loạn, bắn nhau, tranh giành nhau thực phẩm tại Trung Tâm bán lẻ QTV Đà Nẵng, tại xưởng bánh kẹo ở Thanh Khê…Tất cả đều nói lên một tình trạng vô chính phủ, vô luật pháp mà có lẽ chẳng bao giờ những người đã chứng kiến quên được.
Rất nhiều người dân, rất nhiều quân nhân trong chiến tranh, trong chiến đấu đã không chết trước súng đạn của quân thù nhưng đến giờ phút này đã chết một cách oan uổng, tức tưởi và phi lý chỉ vì những sai lầm đáng trách của những người có trách nhiệm đối với vận mệnh của đất nước lúc bấy giờ!
(RFA)
◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét