Anh Vũ
2/2/2022
Hình: Cờ NATO trong cuộc tập trận quân sự Mũi tên Bạc ngày 05/10/2019 ở Adazi, Latvia. REUTERS - INTS KALNINS
Đang trong khủng hoảng tổ chức, bất
hòa nội bộ liên tiếp và vẫn còn chưa hết bàng hoàng trước thất bại ở
Afghanistan, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) bất ngờ được đặt trở lại trung
tâm của cuộc tranh giành địa chính trị quốc tế: đối mặt với nước Nga của tổng
thống Vladimir Putin. NATO đang trong mối lo tồn tại hay không tồn tại giờ như
tìm lại sinh khí mới cho cuộc đọ sức mới.
Là một tổ chức liên minh quân sự của phương Tây ra đời từ cách nay hơn 70 năm với mục tiêu chủ yếu bảo vệ an ninh cho phần Tây Âu trước mối đe dọa của khối Xô Viết, NATO đã tưởng như đã hết sứ mệnh sau khi Liên Xô sụp đổ cùng sự tan rã của tổ chức Hiệp Ước Vacxava đầu thập kỷ 1990. Tuy nhiên, Liên Minh quân sự phương Tây vẫn còn thể hiện được vai trò của mình trong một số chiến dịch quân sự sau đó ở Nam Tư cũ, Trung Cận Đông.
Thất bại lớn nhất của NATO là
trên chiến trường Afghanistan đã làm lung lay hệ thống của Liên Minh. Trên thực
tế, từ 2017 đến 2020 đã đánh dấu giai đoạn khó khăn nhất của khối với những
tranh cãi, lủng củng nội bộ, đòi hỏi các thành viên chia sẻ gánh nặng đóng góp
tài chính. NATO đã bị tổng thống Mỹ Donald Trump coi là một tổ chức « lỗi
thời », dọa bỏ rơi. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì đánh giá là đang «chết não » đồng thời kêu gọi châu Âu hiệp lực tìm con đường tự chủ quốc
phòng riêng.
Cùng lúc, Liên Minh lại phải đau
đầu đối phó với thành viên ngỗ ngược Thổ Nhĩ Kỳ, một mực mua sắm tên lửa S 400
của Nga hay đơn phương hành động theo tính toán lợi ích riêng trên mặt trận
Syria, gây căng thẳng với Hy Lạp trong tranh chấp chủ quyền trên Địa Trung
Hải. Có thể nói liên minh quân sự của phương Tây rơi vào tình trạng chia rẽ và
mất phương hướng chưa từng có kể từ khi thành lập năm 1949. Thế nhưng thời thế
đã bất ngờ thay đổi khi mối đe dọa của nước Nga trở nên cụ thể và có thực. Mọi
chuyện bắt đầu từ khi Ukraina, quốc gia thuộc Liên Xô cũ có nhiều hiềm
khích thâm thù với Nga này manh nha ý đồ gia nhập NATO. Tổng thống Vladimir
Putin không bao giờ chấp nhận liên minh quân sự phương Tây mở rộng ảnh hưởng đến
sát sườn nước Nga.
Một cuộc đọ sức giữa Nga và NATO
đã mở ra với mức độ căng thẳng leo thang dần những tuần qua. Mọi nỗ lực ngoại
giao, đối thoại đều không có kết quả. Tổng thư ký Liên Minh, Jens Stoltenberg đã
nhìn nhận nguy cơ một cuộc xung đột quân sự tại châu Âu giờ là có thực. Kremlin
khăng khăng đòi NATO phải lùi lại đến đường biên giới cũ của năm 1997 và từ bỏ
ý đồ kết nạp thêm bất kỳ thành viên là các nước Đông Âu. Thế nhưng, gây áp lực
quân sự ở biên giới Ukraina, Nga đã đánh thức NATO trong vai trò của một liên
minh quân sự bảo vệ lợi ích của phương Tây. Vốn dĩ vẫn chia rẽ trong cách ứng xử
với Nga, lần này các nước phương Tây có vẻ tương đối đoàn kết để đối phó với
Vladimir Putin. Một loạt các nước cùng Mỹ thông báo sẵn sàng điều quân đến
các nước đồng minh ở phía Đông Âu. Một số nước như Mỹ, Anh, Canada, Đan Mạch,
Tây Ban Nha, liên tiếp hứa bán vũ khí cho Ukraina.
Liên Minh bắc Đại Tây Dương bỗng
nhiên trở nên nhộn nhịp, hối hả với các hoạt động đối phó với những đe dọa của
Nga đối với Ukraina. Ở khía cạnh khác, những đe dọa của Nga nhắm vào Ukraina đã
làm dấy lên các cuộc tranh luận gia nhập NATO tại Thụy Điển và Phần Lan, hai quốc
gia đã ra khỏi quy chế trung lập từ năm 1995 để gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.
Mục tiêu của tổng thống Nga
Vladimir Putin dường như là bằng mọi giá không để NATO mở rộng vùng ảnh hưởng đến
sát sườn nước Nga, đó là lẽ tự nhiên, nhưng cách hành động của ông có thể gây
hiệu ứng ngược. Viện đến sức mạnh quân sự, vô hình chung tổng thống Nga đã
làm cho NATO trở nên gắn kết hơn trước đe dọa, cho dù sự đoàn kết trong Liên
Minh lúc này cũng chỉ là hình thức và mang tính tình thế.
Giới quan sát nhận thấy rõ một điều :
Nếu như tổng thống Putin không đe dọa Ukraina, không đưa ra những đòi
hỏi mang tính áp đặt về vùng ảnh hưởng riêng cho nước Nga thì NATO sẽ còn mất
phương hướng, chia rẽ và nguy cơ tan rã không phải là không thể. Thay vì làm
suy yếu và chia rẽ NATO thì chiến lược của Kremlin hiện nay đã đánh thức Liên
Minh quân sự của phương Tây trở lại với lý do tồn tại ban đầu.
◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét