Trần Đông A
6/2/2022
Hình: Từ trái sang phải Bà Nguyễn thị Hương Lan - cục trưởng cục Lãnh Sự, ông Đỗ Hoàng Tùng - cục phó cục Lãnh Sự, và các bị can Lê Tuấn Anh và Lưu Tuấn Dũng - Nguồn: công an cung cấp
Vui nhất, đó là chiến thắng đầu tiên của Tuyển Việt Nam ở vòng loại cuối World Cup 2022, với tỷ số 3-1 trên sân Mỹ Đình, đúng mùng 1 Tết! Thủ tướng Phạm Minh Chính xuống sân chúc mừng thầy trò Park Hang Seo sau trận thắng. Ông Chính nói chân tình: “Hôm nay Tuyển Việt Nam đá rất hay. Kết quả 3-0 thì tốt hơn là 3-1…”
Phát ngôn nói trên của ông Phạm Minh Chính sẽ được hậu thế nhắc lại nhiều. Có thể ông diễn, có thể đó là cơn cao hứng thật lòng, lúc ông đứng hẳn dậy trên khán đài A cỗ vũ đội nhà. Ý chí “thắng được Trung Quốc là tốt” thể hiện bản lĩnh của ông Thủ tướng. Nhưng để giữ hòa hiếu, thì 3-1 cũng là OK. Trận túc cầu mồng 1 Tết như gợi lại cuộc “ngoại giao bóng bàn” Trung – Mỹ hồi đầu những năm 1970, từ cuộc tỷ thí giữa hai đội bóng đánh dấu sự ấm lên của quan hệ Bắc Kinh – Washington. Năm qua, quan hệ Việt – Trung có nhiều biểu hiện “cơm không lành canh không ngọt”. Liệu chiến thắng này có mở ra một cơ hội để hâm lại quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” (CSCP) Trung – Việt hay không. Hãy chờ xem! Đúng là niềm vui xen lẫn nỗi lo.
Trước thềm Tết Nguyên đán, ngày
25/01/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận
Bình đã trao đổi thư chức mừng năm mới. TBT Tập Cận Bình đã bày tỏ mong muốn
hai bên củng cố tình hữu nghị truyền thống, tăng cường tin cậy chính trị, xử lý
thỏa đáng bất đồng, thúc đẩy hợp tác khu vực lên tầm cao mới, xây dựng cộng
đồng cùng chung vận mệnh nhân loại” (CPCD). Về vấn đề này, từ năm 2015, ông Tập
đã đề xuất với các nhà lãnh đạo VN, nhưng đáp lại, cho đến nay, kể cả lần này, ông
Trọng chỉ bày tỏ VN “mong muốn tiếp thêm động lực mới cho việc thúc đẩy quan hệ
láng giềng hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (CSCP) Việt
– Trung”. Khái
niệm CPCD vẫn chưa được đưa vào từ điển chính trị VN.
VN thận trọng, vì theo giới quan
sát, ký
CPCD sẽ chẳng khác gì một thỏa ước Thành Đô 2.
Cũng trước Tết Nhâm Dần, lần đầu
tiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của trung ương làm lễ
dâng hương tại khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ chống Trung Quốc xâm lược tại
Pò Hèn. Tên tuổi của các anh hùng, liệt sĩ đã được khắc ghi tại nơi này để
lưu truyền cho đến muôn đời sau, đúng như đôi câu đối ở đấy ghi rõ: “Anh
hùng tuy khuất mảnh gương sử sách vẫn còn nguyên/ Dân tộc dõi truyền bia miệng
công ơn khôn xiết kể”, và “Truyền thống muôn đời tạc tâm can/ Công đức nghìn năm
ghi bia đá”. Tuy nhiên, dịp này vẫn còn đó những băn khăn từ muôn dân: Vậy
tại sao bia tưởng niệm chiến tranh biên giới trước đây bị đục bỏ? Rồi còn biết
bao nhiêu câu chuyện chưa được kể về cuộc
hành trình của tấm bia lịch sử về chiến thắng Khánh Khê? Tiếp nữa, tại sao
có lúc lại bắt báo chí gỡ các loạt bài kỷ niệm chiến tranh biên giới? Tại sao
một số người lại bị tạm giam giữ, bị an ninh gác nhà, chỉ vì dự các đợt tưởng
niệm 17/2. Vậy bước sang năm 2022 này, sau lễ dâng hương của người đứng đầu chính
phủ, liệu cách hành xử vô ơn ấy sẽ còn tái diễn?
Một tin vui khác: Trước thềm năm
mới, Hoa Kỳ và Việt Nam thay đổi Trưởng Cơ quan đại diện (Đại sứ). Động thái này
chỉ là một thủ tục “đến hẹn lại lên”, ít khi là dấu mốc của thay đổi chính sách.
Tuy nhiên, việc Đại sứ Marc Knapper đã sang Việt Nam hôm trước Tết và tân Đại sứ
Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng sẽ sang Washington nay mai để bắt đầu nhiệm kỳ
của mình, dấy lên một số hy vọng. Đại sứ Knapper đã đưa ra lời chúc Tết khá sớm,
từ 21/01, trong một buổi gặp trực tuyến do đương kim Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà
Kim Ngọc tổ chức quy tụ nhiều người Việt tại Mỹ và những người bạn Mỹ của Việt
Nam. Hôm 13/7 trước đó, tại phiên điều trần trước Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện
khi được bổ nhiệm làm Đại sứ, Marc Knapper hứa sẽ thúc đẩy vấn đề “đối tác chiến
lược” Mỹ – Việt và vấn đề nhân quyền cho Việt Nam. Knapper đã từng là Tham
tán Chính trị tại ĐSQ Mỹ ở Hà Nội từ 2004 đến 2007.
Cùng những sự kiện ngoại giao nói
trên là các biến cố nội trị có một không hai thật đáng quan ngại. Mọi so sánh đều
khập khiễng nhưng rõ ràng, đại án kit test Việt Á và vụ án “bay giải cứu” liên
quan đến Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đều có một nguồn gốc chung. Tai họa
gốc đến từ sự quản trị quốc gia trong bối cảnh không có nhà nước pháp quyền và
sự lụi tàn của xã hội dân sự (thiếu hẳn tiếng nói đối lập, phản biện và báo chí
tự do). Thật ra, nếu không có cuộc tranh giành ghế trên thượng tầng, như là
nguyên nhân trực tiếp, thì những vụ như vụ Phan Quốc Việt hay Nguyễn Thị Hương
Lan ở Cục LSBNG người ta hoàn toàn có thể bỏ qua như đã được ém nhẹm bao lâu
nay. Nhưng rồi cũng chỉ tốt và xe bị thí, còn chủ nhân của 80% cổ phần của Công
ty Việt Á là ai, hay quyết định liên Bộ của việc cấm các chuyên bay thương mại,
tất cả tập trung vào các chuyến bay giải cứu, do ai ký. Những chuyện này đâu cần
điều tra viên đặc biệt. Thế nhưng mọi việc dường như có thể chìm xuồng. Bởi vì
nói như cựu Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, nếu
kỷ luật hết thì lấy ai làm việc.
Mới đây, ông Lê Kiến Thành, con
trai của cố Tổng bí thư Lê Duẩn có bài viết. Có thể trích một đoạn từ bài viết “đắng
lòng” ấy: “Những cuộc đốt lò của chúng ta suốt 6 năm qua, nó có thể giảm bớt được
sự bức xúc của xã hội… nhưng hình như không thể giải quyết được tận gốc rễ những
vấn đề thực sự của Đảng. Vì 6 năm qua, những quan tham không vì thế mà ít đi.
Những vụ tiêu cực được vạch trần gần đây không chỉ khiến những người đảng viên…
lạnh lòng vì những quan chức ấy đã không chỉ kiếm tiền không run tay trên xương
máu đồng bào mình, mà còn bởi những vụ án đó liên quan đến nhiều người, nhiều
ngành, ở nhiều cấp khác nhau. Một cá nhân tham nhũng, có thể trừng trị cá nhân đó.
Nhưng khi tham nhũng mang tính hệ thống, chúng
ta phải làm gì với chính hệ thống của mình?” “Nếu bạn hỏi tôi: ‘Thế thì phải
làm gì?’ Tôi quá nhỏ bé và sẽ không trả lời được! Nhưng nếu chúng ta cùng hỏi
nhân dân: ‘Thế thì phải làm gì?’ Tôi tin sẽ nghe thấy câu trả lời thấu đáo, rõ
ràng và vang dội cả non sông”. Có lẽ do kết luận có sức lay động quá lớn này nên
bài viết đã không có báo nào dám đăng.
Cuối cùng là chính sách giảm thuế
cho người mua để kích cầu. Đánh giá về các chính sách hỗ trợ thời gian qua, ông
Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV (Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu
tư và Phát triển Việt Nam), cho rằng với 4 gói hỗ trợ được công bố năm 2020 có
quy mô khoảng 1,1 triệu tỉ đồng thì tổng giá trị thực là chi phí mà Chính phủ và
các ngân hàng cam kết bỏ ra chỉ ước tính khoảng 184.700 tỉ đồng (bằng 2,94%
GDP). Điều đáng chú ý là việc triển khai gói hỗ trợ tài khóa và an sinh xã hội
còn chậm, mới đạt khoảng 46% giá trị gói tài khóa và 63% gói an sinh xã hội, đã
phần nào ảnh hưởng tới hiệu quả hỗ trợ. Nguyên nhân là do các điều kiện đặt ra
chưa phù hợp và rõ ràng, chưa sát thực tiễn, quy trình thủ tục còn phức tạp. Đánh
giá cao các chính sách hỗ trợ người dân của Việt Nam, ông Terence Jones, Đại diện
thường trú của UNDP, cho rằng gói hỗ trợ vừa
không đủ lớn vừa không đủ rộng về phạm vi để bảo vệ các hộ gia đình có hoàn cảnh
khó khăn khỏi bị mất thu nhập do phong tỏa và giãn cách xã hội. Chính sách
kích cầu này có thể chưa hiệu quả, nhưng một khi đại dịch Covid còn kéo dài dài
thì rõ ràng, mọi chủ trương kích cầu kinh tế đều được đánh giá là “méo mó có hơn
không”.
◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét