Tưởng Năng Tiến
12/2/2022
Trần Danh San ra đi thanh thản sau khi sống cuộc đời kiệt liệt (Phan Nhật Nam)
Nơi chương 33, trong cuốn Đèn Cù I (Trần
Đĩnh, nxb Người Việt Books 2014) tôi đọc được câu: “Bị đánh đuổi sau Nhân
văn – Giai phẩm, Nguyễn Mạnh Tường đói quá – có lần lả đi ở đường Trần Hưng Đạo…”
Bộ thiệt vậy sao?
Thiệt chớ! Chính người trong cuộc cũng khẳng định vậy mà:
“Chúng tôi có một con chó do bạn
bè cho. Nó rất khôn và chúng tôi yêu nó lắm. Nhưng nó đã già và chúng tôi không
còn khả năng mua cho nó thịt và những thức ăn tăng sức, nó không còn sức đứng
lên trong chuồng, ngẩng đầu nhìn tất cả chúng tôi, với một ánh mắt tin yêu của
loài vật, chắc chắn với những dòng nước mắt và một nỗi buồn sâu thẳm vì đã đến
lúc phải rời chủ. Chúng tôi bật khóc khi nó nấc những hơi thở cuối cùng…”
(Nguyễn Mạnh Tường, Un Excommunié – Hanoi, 1954 -1991: Procès d’un
intellectuel. Trans Nguyễn Quốc Vĩ – Kẻ Bị Mất Phép Thông Công Hà Nội,
1954-1991: Bản Án Cho Một Trí Thức).
Ủa! Sao luật sư ở bên Tây về
(với hai cái bằng tiến sỹ lận) mà đói dữ vậy cà?
Theo nhiều người thì vì
Nguyễn Mạnh Tường có “dây dưa” với nhóm Nhân Văn nên bị trừng trị.
Cũng không ít kẻ nghĩ rằng ông bị chế độ hiện hành “chôn sống” vì
đã trót dại lên tiếng (“Qua Những
Sai Lầm Trong Cải Cách Ruộng Đất – Xây Dựng Quan Điểm Lãnh Đạo”) trong một
phiên họp của Mặt Trận Tổ Quốc, vào hôm 30 Tháng Mười, 1956.
Thực ra, số phận của Nguyễn
Mạnh Tường (nói riêng) và nhóm luật sư miền Bắc (nói chung) đã được
“an bài” trước đó:
“Ngày 17-11-1950, Hồ Chí
Minh ký Sắc lệnh số 158-SL, quyết định việc bổ sung cán bộ công nông vào ngạch
thẩm phán và thăng bổ các thẩm phán toà án nhân dân huyện lên toà án nhân dân tỉnh…
Từ đây, theo ông Vũ Đình Hòe : ‘các thẩm phán huyện, đa số là đảng viên cộng sản,
chỉ qua lớp chính trị và nghiệp vụ’. Quan điểm lựa chọn thẩm phán chủ yếu ‘đứng
trên lập trường nhân dân’ của Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng lâu dài đến nền tư pháp
Việt Nam.” (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập II.
OsinBook, USA: 2012).
Muốn biết cái nền tư
pháp công nông hóa của bác Hồ “ảnh hưởng lâu dài” ra sao, xin xem
qua dáng điệu và cử chỉ của một vị thầy cãi (được “mời bào chữa”
cho ông Hoàng Minh Chính) sau khi nhân vật này bị bắt lại, vào năm
1996:
“Hôm xử Chính tôi không ra
đứng ở cổng toà mà đến Hồng Ngọc tối trước. Đang trò chuyện thì ông luật sư K.
gia đình mời bào chữa cho Chính đi vào. Một cái bóng lúp xúp. Cụp vai, cúi đầu
thì thào dăm ba câu, cái dáng sợ bị nghe trộm, nhòm trộm. Tuy nhớn nhác nhưng
ông trung thực, trước sau chỉ khe khẽ chối (nhưng lại gắt): Tôi không cãi được…
ý gia đình như thế thì không cãi được đâu.
Hà, con gái cả Chính kêu lên: Thế
thì im hả bác? Lúng túng giây lát ông luật sư lại gắt giọng nhưng vẫn thì thào:
Không cãi được mà. Tôi hỏi thế nghĩa là gia đình nhận tội thì cãi được? Ông
nói: Đã nhận thì cần gì cãi. Rồi lúp xúp đi ra. Ông biết trong bóng tối quanh
đây đầy những con mắt lúc này đang theo đõi chặt. Rồi máy ghi âm. Có khi chụp ảnh
nữa. Qua tư thế ọp ẹp, ông cố để lộ rõ ông đầu hàng Nhà nước.” (T. Đĩnh,
s.đ.d., tập II, chương
27).
Giới luật sư ở miền Nam thì
không thế: không “nhớn nhác,” không “lúp xúp,” không “cụp vai,” không
“thì thào” gì sất. Đã thế, họ còn nói rất to (“bằng loa phóng
thanh”) cho cả bàn dân thiên hạ nghe luôn:
Sau sự kiện giới trí thức Tiệp Khắc
ban hành Hiến Chương 77 chống lại nhà cầm quyền Cộng Sản Tiệp Khắc, tại Sài
Gòn, trong vòng đai lửa của chế độ mới, hai Luật Sư Trần Danh San và Triệu Bá
Thiệp không thể im lặng. Cả hai đồng hoàn thành văn bản “Tuyên Ngôn Nhân
Quyền Của Những Người Việt Nam Khốn Cùng”.
Hai anh và nhóm trí thức bất khuất
gồm hơn mười luật sư, giáo sư, kỹ sư trước 1975 hành nghề tại Huế và Sài Gòn đã
hẹn nhau chia làm hai ngã tiến theo hai đường tập trung trước Nhà Thờ Ðức Bà
vào chiều ngày 23 Tháng 4, 1977. Trần Danh San dùng cái loa phóng thanh qua một
máy ghi âm nhỏ đọc lên bản ‘Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Những Người Việt Nam Khốn
Cùng’ đến cùng đồng bào Sài Gòn, cũng của miền Nam lẫn miền Bắc đang mong chờ lần
phục sinh từ bãi lầy cộng sản…
Trong trại giam Phan Đăng Lưu anh
nhận đòn tứ trụ với sức chịu đựng tưởng chừng như không thực: Với thân hình cao
không quá “một thước-sáu” nhận đòn đánh hội đồng từ bốn tên lực lưỡng chuyên
nghiệp tra khảo người.
Sau những trận đòn chạm tới điểm
chết, sau những tháng kiên giam nơi hầm tối của anh, viên cán bộ trưởng trại
Phan Đăng Lưu có câu hỏi: Anh có ngừng chống đối không? Trần Danh San trả lời
chắc chắn: Chống đối là điều tất nhiên! Câu trả lời được nhiều bạn tù nơi Phan
Đăng Lưu năm ấy hiện nay đang cư trú tại vùng Nam Cali nghe rõ. (Phan Nhật
Nam. “Trần
Danh San, Tiếng Hò Khoan Đã Tắt”).
Chưa hết đâu!
Sau đó, khi ở A20 – nơi còn
được A-20 Nguyễn Chí Thiệp mệnh danh là Trại
Kiên Giam – Trần Danh San còn tham gia vào việc làm báo chui (underground
press) nữa kìa:
Anh đã chấp nhận đánh đu với tử thần
để vừa cung cấp cho mọi người những thông tin cập nhật, những bài viết giúp họ
mở mang kiến thức, kiên định lập trường, vừa giữ vai trò điều hợp một số hoạt động
đấu tranh ở trong trại.
Sau khi Vũ Văn Ánh bị cùm trong
xà lim rồi bị tuyên phạt ‘biệt giam vô thời hạn’, tôi được chỉ định làm ‘thư ký
tòa soạn’ cho tờ báo. Nhiệm vụ của tôi là tuyển chọn bài, sửa chữa chút đỉnh
chính tả, văn phạm rồi giao cho Hải Bầu, Ngọc Đen lên khuôn; sau đó tôi kiểm
soát lại lần cuối và phát hành. Trần Danh San kín đáo giao cho tôi một bài viết
rất hay: Vì Sao Chúng Ta Tranh Đấu. Tôi đã giao cho Hải Bầu, Ngọc Đen đăng
trong Hợp Đoàn số 4. Bài viết được nhiều anh em tù, đặc biệt là những anh em tù
chính trị có án, ưa thích. (Phạm Đức Nhì. “Nén
Nhang Cho Một Anh Hùng”).
Đến tờ Hợp Đoàn số 5 thì
cả đám lần lượt … vô cùm. Riêng Vũ Ánh, Trần Danh San, Nguyễn Chí
Thiệp thì bị cùm hơi lâu khiến A-20 Nguyễn
Thanh Khiết đâm ra sốt ruột và xót ruột:
Sáu năm biệt giam
ba muỗng nước, ba muỗng cơm
chưa lần lung lay ý chí
một đời anh - một đời sĩ khí
bước thấp, bước cao cắn nhục mà
đi
ngọn bút hiên ngang
thay làn tên mũi đạn
giữa trại thù nét mực chưa phai
Dù thế, dù “sáu năm biệt giam/
ba muỗng nước/ ba muỗng cơm” nhưng Trần Danh San vẫn không hề nao núng:
“Tôi nhớ trại trưởng phân
trại E của A-20, Lê Đồng Vũ mà chúng ta gọi là Tư Nhừ vì hắn mang lon thiếu tá
công an, giọng lúc nào cũng nhừa nhựa như thằng say rượu, không biết nó sẽ rút
cây K-54 ra bắn mình lúc nào, hỏi khích…: ‘Thế nào, anh San còn bẻ gậy chống trời
nữa không’. Trần Danh San đáp tỉnh bơ: ‘Tất nhiên, cán bộ.’ Câu chuyện về
bạn có thể viết được một cuốn tiểu sử rất dày về đời tư, đời công
và đời tù của một nhà tranh đấu.” (Vũ Ánh. “Bài
Điếu Văn Cho Trần Danh San Một A-20 Vừa Ra Đi Vĩnh Viễn”).
Sao Trần Danh San lại có thể
sống quyết liệt và ngang tàng đến thế?
Câu trả lời có thể tìm được
qua câu tâm sự của
chính ông với một người bạn đồng tù: “Phải cho thế hệ sau biết
để các em, các cháu có thêm nghị lực, dũng khí đi tiếp con đường chúng ta đi.”
Với ít nhiều chủ quan, tôi
tin rằng không ít quí vị luật sư của thế hệ đến sau (Đặng Đình
Bách, Nguyễn Văn Ðài, Lê Công Ðịnh, Võ An Đôn, Lê Trần Luật, Lê Thị Công
Nhân, Lê Quốc Quân, Nguyễn Bắc Truyển …) đều đã được thừa hưởng cái
“dũng khí” từ những người đi trước như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Danh
San...
◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét