Phuong Tran
30/1/2022
(Theo Nguyễn T Tâm từ Paris)
Chị Hà, 47 tuổi, chủ cửa hàng
buôn bán nhỏ tại Paris, kể cho tôi nghe câu chuyện xung quanh chuyến bay
"giải cứu" về Việt Nam của mình.
Đầu năm 2020, sống giữa tâm dịch
Covid-19 ở châu Âu, hàng ngày phải đối đầu với bệnh tật, chết chóc xảy ra xung
quanh, Hà bị stress kinh khủng. Nhưng mỗi khi gọi điện về Việt Nam cho người
thân, được biết quê nhà vẫn là "ốc đảo an toàn, miễn nhiễm với
Covid-19" như báo đài nhà nước nói, chị lại thấy tâm mình dịu lại, bớt đi
sự lo lắng.
Khi ở châu Âu, số ca nhiễm mới Covid-19 vượt 300 nghìn/ngày, và số ca tử vong vì con virus quái ác sắp chạm ngưỡng 10 nghìn/ngày thì chị bắt đầu hoang mang.
Lúc đó, Hà đã nảy sinh ý định về
Việt Nam, vừa tránh dịch, vừa chăm mẹ già.
Hà kể với tôi chị đem suy nghĩ
này bày tỏ với Lê, bạn thân đang sống ở Mỹ, cùng hoàn cảnh.
"Cũng hay đấy! Nhưng để bay
được về không hề dễ đâu. Có người ở Mỹ đây phải chi 7.000 USD, thậm chí hơn
10.000 USD mới leo lên được máy bay 'giải cứu' của chính phủ VN," Lê cho
biết.
Hoài nghi lời Lê, Hà phản bác:
"Sao thấy truyền hình Việt Nam suốt ngày chạy hàng chữ ghi lời Thủ tướng
'Không để ai bị bỏ lại ở phía sau không phải là lời nói suông' cơ mà?"
Theo Hà kể thì khi ấy Lê cũng tỏ
ra băn khoăn, "không biết thực hư thế nào".
1/Quy trình tìm đường để được
"giải cứu" giá cao bắt đầu từ đâu?
Gọi điện lên Phòng Lãnh sự Đại sứ
quán Việt Nam, Hà được hướng dẫn đăng ký nguyện vọng trên trang website.
Chờ một tháng, rồi hai tháng
không thấy phản hồi, Hà lại gọi đến số phone của Phòng Lãnh sự để hỏi thì nghe
một giọng buông thõng: "Phải chờ thôi, chị ạ!" Hà hỏi lại: "Phải
chờ đến bao giờ?" thì nghe đầu bên kia chỉ còn nghe một tiếng 'kịch' khô
khốc.
Trong một lần đến nhà người bạn ở
ngoại ô thủ đô Paris mừng tân gia, Hà đem ẩn ức này kể giữa bàn tiệc. Chủ nhà bảo:
"Sao lại có người ngây thơ thế nhỉ. Bạn muốn về, tôi cho số phone này, gọi
đến là OK ngay. Nhưng không thể nói suông được đâu. Phải trả phí dịch vụ 800
euro đấy."
Làm theo hướng dẫn của người bạn,
chỉ một tuần sau Hà nhận được email từ Đại Sứ quán Việt Nam thông báo nguyện vọng
về nước của chị đã được "ở nhà phê duyệt".
Giờ thì Hà mới biết, cơ quan phê
duyệt danh sách người Việt Nam được bay 'giải cứu' về nước chính là Cục Lãnh sự,
Bộ Ngoại giao. Email đó cũng hướng dẫn Hà phải mua vé máy bay ở đại lý bán vé độc
quyền của Vietnam Airlines với giá 1500 euro/một chiều về Việt Nam, đắt gấp bốn
lần trước đại dịch.
Nghe Hà ấm ức kể về việc phải mua
vé máy bay với giá quá cao, bạn bè an ủi: "Không phải mình cậu bị Hãng
hàng không Vietnam Airlines móc túi thế đâu, mà bà con Việt Nam ở cả châu Âu,
châu Mỹ, châu Úc, hay Nhật Bản, Hàn Quốc... đều thế cả. Cục Hàng không, Bộ Giao
thông Vận tải chỉ cấp phép độc quyền bay 'giải cứu' cho mỗi Vietnam Airlines,
không có cạnh tranh thì hãng hàng không này muốn bán giá nào chẳng được."
2/ Về VN là chi thêm tiền
Vào gần cuối năm 2020, một tuần
sau khi bay, chị Hà đăng status trên Facebook khoe được cách ly tại một doanh
trại quân đội ở Sơn Tây, rằng chị khá hài lòng với chỗ ở và suất ăn hàng ngày,
lại còn được các anh bộ đội chăm lo rất chu đáo... Tổng chi phí chỉ khoảng 1,6
triệu đồng cho 14 ngày, tính cả hai lần 'ngoáy mũi'.
Trong khi đó, một số 'đại gia'
bay cùng chuyến máy bay 'giải cứu' với Hà, vì có quen trước nên có liên lạc hẹn
nhau ở VN thì nhắn tin họ bị 'chặt chém' ở một khâu khác: cách ly tại khách sạn
5 sao do ủy ban nhân dân thành phố một tỉnh miền Bắc chỉ định.
Các bạn này phải trả 2,5 triệu đồng
mỗi ngày, 14 ngày cách ly tổng cộng phải chi hơn 35 triệu đồng, mà chăn ga gối
nệm phải tự thay, phòng ngủ và toilet phải tự quét lau, và suất ăn hàng ngày
thì thua xa suất ăn của Hà ở doanh trại quân đội.
3/ Những người 'ở lại' vì không
thể chi thêm
Thời gian tránh dịch ở Việt Nam,
Hà được cho là 'may mắn' về được và nhiều người bạn xin số phone dịch vụ liên
quan tới Lãnh sự quán ở Pháp để người nhà được lọt vào danh sách các chuyến bay
"giải cứu".
Trong số đó có Trang, cô bạn học
cùng phổ thông với Hà kể lại trong nước mắt, chuyện con gái mình sang châu Âu
du học tự túc. Nhà không đủ chu cấp, cháu phải vừa học vừa làm để trang trải
chi phí.
Hai năm dịch Covid-19, cháu được
trường cho học online. Không thể về được Việt Nam sống với gia đình để học trực
tuyến từ xa, cháu cũng không tìm được việc làm thêm như trước.
Nửa năm nay, gia đình Trang không
thể liên lạc được với cháu. Sau một tuần lần mò tìm được số phone của bạn thân
cùng du học với cháu, Trang gọi điện hỏi thăm thì tá hỏa khi biết, con gái mình
cạn tiền sinh hoạt phải sống vật vờ, nương nhờ một 'đại gia' như thân phận gái
bao. Hiện nay cháu đang mang thai 6 tháng.
"Những mảnh đời sinh viên,
và lao động mất việc phải sống chui lủi, tủi hổ, cực nhọc như cháu ở châu Âu
trong đại dịch Covid-19, em biết nhiều lắm," Hà hạ giọng.
4/ Những 'cái khôn' lẽ ra không
nên có
Nhưng "cái khó ló cái
khôn".
Nhiều sinh viên du học, cũng như
lao động Việt Nam xuất khẩu trên khắp thế giới từ cuối năm 2020 bắt đầu chia sẻ
cho nhau trên mạng xã hội cách thức về được Việt Nam mà chi phí chỉ bằng 1/3
qua con đường "chặt chém" của đường dây lãnh sự trong và ngoài nước với
những chuyến bay độc quyền "giải cứu" của hãng hàng không Vietnam
Airlines.
Họ chọn cách bay tới Campuchia hợp
pháp, rồi từ đó về Việt Nam bằng đường bộ hoặc đường hàng không, cũng hợp pháp.
Cạnh đó, còn có rất nhiều người
vì những lý do khác nhau phải tìm cách từ Campuchia nhập cảnh chui, bất hợp
pháp về Việt Nam.
Câu chuyện đã nhanh chóng thành
vấn đề của quan hệ hai nước.
Ngày 06/12/2021, trong lễ khai
trương Quốc lộ 11 của Campuchia, Thủ tướng Campuchia Hun Sen lên tiếng đòi Thượng
tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng của
Việt Nam phải xin lỗi Campuchia, vì trong một hội nghị chuyên ngành hồi 3/2020,
tướng Chiến từng công khai khẳng định rằng: "Covid-19 tràn từ Campuchia
sang Việt Nam như nước sông Mekong".
Thực ra nỗi lo lắng của Thượng tướng
Hoàng Xuân Chiến không hề sai. Trong mùa xuân năm 2021, Campuchia bùng dịch
Covid-19 dữ dội. Giới chức VN nói "phải kiểm soát đường biên giới với
Campuchia chặt chẽ hơn nữa trước nguy cơ virus Sar-Cov-2 xâm nhập Việt Nam theo
ngả này".
Ngày 24/04/2021 trong chuyến công
tác cứu trợ cộng đồng gốc người Việt bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Đại sứ Việt Nam
tại Campuchia Vũ Quang Minh bày tỏ sự lo lắng:
"Chúng tôi rất thông cảm với
những khó khăn hiện nay của bà con gốc Việt, đặc biệt tình trạng mất việc làm,
không có thu nhập, và bị cách ly, phong tỏa... Sứ quán đề nghị bà con gốc Việt
và công dân Việt Nam không cố gắng di chuyển sang Việt Nam theo các đường dây
đưa người trái phép."
Trong tháng 4/2021 rất nhiều người
Việt Nam (trong đó có nhiều người Hải Phòng, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc) đã
nhập cảnh chui từ Campuchia để đi taxi về Thành phố Hồ Chí Minh.
Vấn đề là nhu cầu về nước rất
cao, và người ta buộc phải tìm mọi cách có thể, dù là hợp pháp hay bất hợp
pháp. Thảm họa Covid-19 tràn vào Việt Nam rất có thể từ con đường này, trong
khi các ngả khác đều bị các nhóm làm ăn 'ngành giải cứu' bịt lại.
Bây giờ nhìn lại, cũng như vụ kit
xét nghiệm Covid-19 của công ty Việt Á, các chuyến bay 'giải cứu' người Việt ở
nước ngoài thực chất cũng do sự lũng đoạn chính sách nhà nước của một nhóm
quan chức tha hóa lợi dụng nỗi thống khổ cùng cực của bà con trong cơn đại dịch
nhằm thủ lợi.
Họ đã bị bắt, khởi tố trong vụ án
hình sự nhưng câu hỏi tôi nghe được ở các cộng đồng mạng tại châu Âu, Mỹ là,
các cá nhân và các cơ quan quản lý nhà nước như: Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, đại
sứ quán Việt Nam tại các nước, Cục Hàng không - Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế,
ủy ban nhân dân các tỉnh, thành... cùng các doanh nghiệp như Vietnam Airlines,
các đại lý bán vé máy bay, các khách sạn được chỉ định cách ly... có tham gia
vào tập đoàn làm ăn trong 'hoạt động tội phạm hình sự đội lốt giải cứu' đồng
bào Việt Nam ở nước ngoài trong đại dịch Covid-19 hay không?
Để trả lời câu hỏi này, Cơ quan Cảnh
sát Điều tra của Bộ Công an cần làm rõ để đưa các thủ phạm ra trước vành móng
ngựa, trừng trị theo quy định của pháp luật.
◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét