VOA
08/2/2022
Mỗi khi đề cập đến đồng bằng sông
Cửu Long nói riêng và những khu vực khác ở miền Nam nói chung, hệ thống chính
trị, hệ thống công quyền Việt Nam đều gọi đó là những vùng... “kinh tế trọng điểm”,
rồi vì giao thông là... “huyết mạch” nên phải đầu tư để hỗ trợ phát triển...
Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Việt
Nam vừa ghé thăm công trình xây dựng cao tốc khúc từ Mỹ Thuận tới Cần Thơ và cầu
Mỹ Thuận 2.
Cao tốc từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ là một phần của đoạn cao tốc từ Trung Lương đến Cần Thơ.
Đoạn cao tốc từ Trung Lương đến Cần
Thơ là một phần của tuyến cao tốc Bắc Nam chạy dọc phía Đông Việt Nam. Tuyến
cao tốc dài hơn 2.000 km chạy từ Lạng Sơn đến Cà Mau này được chia thành 18 đoạn
và những đoạn thiếu tiền, thi công ì ạch, chưa đâu vào đâu đều nằm ở miền Nam,
tệ nhất là những đoạn chạy xuyên qua đồng bằng sông Cửu Long!
Đoạn đầu tiên của tuyến cao tốc Bắc
Nam chạy dọc phía Đông là Pháp Vân – Cầu Giẽ hoàn thành từ 2002, còn đoạn cao tốc
Trung Lương – Cần Thơ thì đến nay... chưa xong!
Đoạn cao tốc Trung Lương – Cần Thơ
được tách làm đôi. Khúc đầu từ Trung Lương đến Mỹ Thuận (dài 51 km), khúc sau từ
Mỹ Thuận tới Cần Thơ (dài 23 km).
Do thiếu tiền, thời gian thi công
khúc từ Trung Lương đến Mỹ Thuận mất... 12 năm. mãi tới trung tuần tháng trước
mới tạm đưa vào sử dụng vì Tết Âm lịch để giảm thiểu tắc nghẽn giao thông. Thực
tế cho thấy, có khúc cao tốc này, lưu thông ở đồng bằng sông Cửu Long hỗn loạn
hơn.
Khúc cao tốc từ Trung Lương đến Mỹ
Thuận rộng khoảng 16 mét, với bốn làn xe cho hai chiều. Tuy là cao tốc nhưng không
có làn dành cho trường hợp khẩn cấp. Ngoài chuyện hướng dẫn thiếu khoa học gây
nhầm lẫn, khiến tài xế bối rối, còn có những tình huống mà mười người biết chuyện
có lẽ tới chín người... văng tục!
Hôm 30/1/2022, người sử dụng mạng
xã hội chuyển cho nhau xem video clip ghi lại cảnh một phụ nữ ăn mặc lam lũ, thất
thểu bước tới, vái lạy những tài xế đang bị kẹt trên... cao tốc Trung Lương - Mỹ
Thuận xin chỉ đường thoát khỏi cao tốc song tài xế chỉ có thể ráng cho xe dạt vào
lề để vài chiếc xe cứu thương theo sau bà nhích về phía trước (1)...
Đó mới chỉ là một khía cạnh của
việc thiếu tiền nên thi công cao tốc nhưng không xây dựng làn dành cho trường hợp
khẩn cấp (2). Ngày 3/2/2022, khúc cao tốc từ Trung Lương đến Mỹ Thuận thêm một
lẩn kẹt cứng từ trưa đến chiều vì xe tải chở rau củ bị nổ vỏ rồi lật ngang
(3)...
Khúc cao tốc còn lại từ Mỹ Thuận
tới Cần Thơ, trong đoạn cao tốc từ Trung Lương đến Cần Thơ mà ông Chính vừa ghé
thăm cũng y như vậy. Dự án xây dựng khúc cao tốc này được duyệt từ năm 2017. Lúc
đó, chính quyền Việt Nam dự tính giao cho nhà thầu nào đó đầu tư theo hình thức
BOT, có nghĩa là nơi nào bỏ tiền ra làm khúc này thì sẽ được thu phí từ dân chúng
đồng bằng sông Cửu Long khi họ đi qua khúc đó. Tuy nhiên do đầu tư vào các công
trình giao thông theo hình thức BOT không còn dễ... xơi như trước nên không có
nhà đầu tư nào muốn nhận gánh này, thành ra đến năm 2020, chính quyền Việt Nam
mới quyết định dùng ngân sách để thực hiện (4).
Theo tường thuật của báo chí Việt
Nam thì ông Chính vừa chỉ đạo các bên có liên quan đến việc thực hiện khúc cao
tốc từ Mỹ Thuận tới Cần Thơ “tăng tiến độ, rút ngắn lại một quý và nâng chất
lượng lên” (5). Nếu chỉ đạo đó không giống như những chỉ đạo khác thì khoảng cuối
tháng 3 năm tới (2023), khúc cao tốc từ Mỹ Thuận tới Cần Thơ có thể đưa vào sử
dụng nhưng... chắc chắc khúc cao tốc này cũng sẽ không có... làn dừng khẩn cấp
như khúc cao tốc từ Trung Lương đến Mỹ Thuận vì chiều rộng cao tốc cũng y hệt
như thế và hai bên cũng chỉ có... bốn làn xe. Chẳng lẽ sau khi thông xe, khúc cao
tốc từ Trung Lương đến Mỹ Thuận cũng sẽ bị đóng lại để tiếp tục hoàn chỉnh?
***
Mỗi khi đề cập đến đồng bằng sông
Cửu Long nói riêng và những khu vực khác ở miền Nam nói chung, các viên chức hữu
trách đứng đầu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đều gọi đó là
những vùng... “kinh tế trọng điểm”, rồi vì giao thông là... “huyết mạch” nên phải
đầu tư để hỗ trợ phát triển...
Những tuyên bố, cam kết kiểu đó dẫu
nhiều nhưng chưa ai thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền... “nhón tay làm
phúc”, thành ra chưa biết đến lúc nào mới thay đổi được thực tế như đã biết và đang
thấy. Trước mắt, chỉ thấy tâm lực, tài lực của hệ thống chính trị, hệ thống công
quyền đổ vào những chỗ như khúc cao tốc từ Bắc Giang đến Lạng Sơn – một trong
ba khúc cấu thành đoạn cao tốc từ Đồng Đăng đến Pháp Vân (còn gọi là cao tốc Hà
Nội - Lạng Sơn). Khúc cao tốc từ Bắc Giang đến Lạng Sơn khởi công năm 2015, hoàn
thành năm 2019, ngốn khoảng 12.000 tỉ đồng nhưng nổi tiếng vì... vắng xe và phương
tiện qua lại chủ yếu là các phương tiện chở người, không chở hàng hóa (6).
Cho dù đó là “mắt thấy, tai nghe”
nhưng không nên so sánh, cũng đừng thắc mắc. So sánh hay thắc mắc về phân biệt đối
xử chắc chắn sẽ bị xem là âm mưu, thậm chí là kích động... chia rẽ, nếu không
phải là thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động thì cũng là nhẹ dạ
nên bị tác động bởi... diễn biến hòa bình!
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=2014504062045895&id=100004589620972
(2) https://vnexpress.net/cao-toc-trung-luong-my-thuan-thong-xe-4417979.html
(4) https://tuoitre.vn/4-827-ty-dong-xay-dung-cao-toc-my-thuan-can-tho-20200605103736651.htm
(6) https://vnexpress.net/cao-toc-hon-12-000-ty-dong-vang-bong-xe-4270527.html
◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét