Chu Mộng Long
17/2/2022
GS sử học Phạm Hồng Tung, Chủ
biên chương trình lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông, khi nói về dạy
học phần Chiến tranh biên giới năm 1979 đã định hướng:
"Thứ năm, cần tuyệt đối
tránh các ngôn từ, hình ảnh, lối trình bày mang tính gây hấn, biểu cảm, miệt thị.
Các ngôn từ biểu cảm, miệt thị, như “chúng”, “quân địch”, “giặc”, “dã man”,
“tàn bạo”, “khát máu” … không hề giúp cho các lập luận, phân tích, đánh giá gia
tăng tính thuyết phục, trái lại, làm bộc lộ rõ thái độ định kiến, áp đặt, phiến
diện, thiếu khách quan và do đó, thiếu tính thuyết phục" (Nguồn
Vietnamnet).
Cuối bài là định hướng "giải
độc lịch sử" để hướng đến "hoà giải" "hoà hợp",
"hữu nghị", "hợp tác" trong quan hệ Việt - Trung.
Tôi phải tóm tắt hệ thống như vậy
để tránh việc bị quy lỗi cắt xén, xuyên tạc, gay oan sai cho người phát ngôn.
Cả hệ thống lập luận của GS. Tung
với mục đích đi đến hoà hợp, hoà giải, hoà bình, tôi không phản bác, thậm chí đồng
tình. Tôi hiểu GS. Tung muốn nói: không có kẻ thù vĩnh viễn. Cá nhân tôi cũng
không cực đoan, luôn xem nhà cầm quyền lẫn nhân dân Trung Quốc là kẻ thù. Hoà hợp,
hoà giải là chính sách đúng, không chỉ đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam mà
đường lối chung của mọi thời đại, mọi dân tộc yêu hoà bình.
Ở đây, tôi chỉ phản biện định hướng
thứ năm. Một là nó mâu thuẫn với cả bốn định hướng trước đó khi 1) phân tích,
đánh giá thế nào khi sự thật lịch sử chỉ có một: ngày 17/02/1979, 180 nghìn
quân Trung Quốc tràn sang biên giới Việt Nam phá hoại nhà cửa, tàn sát giết hại
hàng vạn dân vô tội? 2) Làm cách nào thể hiện "bản chất nhân văn, nhân bản
của giáo dục lịch sử" khi không gọi đúng tên tội ác của kẻ thù? 3) Kẻ thù
không được gọi đúng tên thì làm sao làm rõ ai là kẻ đã "gây chia rẽ, xung
đột trái với truyền thống đoàn kết, hữu nghị, tương thân tương ái giữa hai dân
tộc Việt Nam và Trung Quốc, trái với lợi ích cơ bản, lâu dài của hai quốc gia,
hai dân tộc? 4) không làm rõ sự thật lịch sử như vậy thì làm sao "tránh
che giấu sự thật, xuyên tạc và bóp méo sự thật lịch sử", và như vậy, 5)
không gọi “chúng”, “quân địch”, “giặc”, “dã man”, “tàn bạo”, “khát máu” thì gọi
bằng gì?
Không chừng dạy lịch sử mà lập lờ
như vậy, con cháu ta sẽ lập lờ theo, bất phân ta/địch, dẫn đến biến địch thành
ta, ta thành địch và có ngày đem cả giang sơn gấm vóc của cha ông giao cho giặc.
Đành rằng, chiến tranh kích động
bản năng hoang dã của con người. Bản chất của chiến tranh là tội ác gây đau
thương cho cả hai phía. Cá nhân tôi không chỉ đau cho mất mát của đồng bào tôi
mà đau cho vạn dân Trung Quốc. Nhưng phải sòng phẳng với quá khứ mới có hoà giải
trong hiện tại và tương lai.
Lịch sử là quá khứ. Quá khứ anh
là giặc thì phải gọi anh khi ấy là giặc, không thể là bạn. Quá khứ anh tàn bạo,
dã man thì phải gọi anh tàn bạo, dã man chứ không thể nói anh nhân văn, nhân đạo.
Nhà tu khi quỳ trước Chúa, Phật cũng phải biết tội, xưng tội để sám hối. Lập lờ
là gian dối, tội ác còn leo thang hơn.
"Sự thật khách quan" là
sự thật gọi đúng bằng tên và bản chất sự thật, thể diện đúng thái độ với sự thật
chứ không có chuyện đánh tráo ngôn từ, biến ghét thành yêu, biến yêu thành
ghét.
Mách cho GS sử học cố tình hoặc
đã quên mất kién thức lịch sử. Trong suốt ngàn năm phong kiến, mặc dù sau mỗi lần
đánh đuổi giặc Tàu, vua ta dù cầu hoà, thậm chí nhận sắc phong của thiên triều,
nhưng các trang sử vẫn gọi giặc là giặc, tội ác vẫn ghi thành tội ác bằng đúng
ngôn từ đã có. Không tin ông mở lại tất cả các sách sử ra xem? Lý Thường Kiệt
đánh xong quân Tống vẫn cho dân lưu truyền bài thơ thần, gọi quân Tống là
"nghịch lỗ". Hưng Đạo Vương vẫn không cho đốt bài Hịch tướng sĩ xem
quân giặc là bọn "lang sói", "cú diều". Nguyễn Trãi cho
Vương Thông rời khỏi thành Đông Quan trong danh dự bằng lễ cầu hoà, nhưng Bình
Ngô đại cáo vẫn gọi quân Minh là "cuồng Minh", gọi thiên tử nhà Minh
là "thằng nhãi ranh Tuyên Đức" (Toại linh Tuyên Đức chi giảo đồng),
còn tội ác thì "Trúc Nam Sơn không ghi hết tội/ Biển Đông Hải không rửa sạch
tanh hôi". Và thưa GS. Tung, Quang Trung đánh xong quân Thanh, không chỉ cầu
hoà, nhận sắc phong của Càn Long, có nhận Càn Long làm cha như sử Thanh viết,
nhưng Quang Trung có cho đốt bài Hịch xuất quân từng miệt thị quân Thanh không?
"Đánh cho để dài tóc/Đánh cho để đen răng/Đánh cho chúng chích luân bất phản/Đánh
cho chúng phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ!".
Lẽ nào giáo sư sử học mà chưa từng
học những trang sử phổ thông của dân tộc mình?
Có khi nào, với tư duy hoà hợp,
hoà giải để "giải độc lịch sử", GS. Tung đề nghị nên đốt sạch các văn
kiện lịch sử trên để ông và nhóm làm sách giáo khoa lịch sử viết lại từ đầu?
Và đã nói thì nói cho trót. Cụ Hồ
đánh Pháp, đuổi Nhật xong thì cũng thiết lập quan hệ ngoại giao, hoà giải, hoà
hợp, nhưng cụ có chỉ thị đốt và hoặc sửa đổi ngôn từ trong Bản án chế độ thực
dân Pháp, Tuyên ngôn độc lập không? Hai văn kiện lịch sử đó tràn ngập ngôn từ
miệt thị, mỉa mai, gọi đúng tên "chúng", "lang sói",
"dã man", "khát máu",... lẽ nào GS. Tung chưa từng đọc một
lần? Hay là GS. Tung dám ném các văn kiện đó vào sọt rác, đốt sạch hoặc sửa lại
toàn bộ hệ thống ngôn từ mà chính miệng các ông gọi là các áng "thiên cổ
hùng văn"?
Đường lối của Đảng Cộng sản Việt
Nam đâu chỉ hoà hợp, hoà giải với Trung Quốc mà còn hoà hợp, hoà giải với Pháp,
Mỹ, Nhật đã từng gây chiến với Việt Nam, tại sao GS. Tung không định hướng giải
quyết luôn những ngôn từ miệt thị, sặc mùi thù hận đến "Thù muôn đời muôn
kiếp không tan" trên các trang sử và văn bia mà chính các ông làm ra? Sự
phiến diện và thiên vị đó là do đâu?
Trong hiện tại, nhà cầm quyền
Pháp, Nhật, Mỹ so với nhà cầm quyền Trung Cộng, ai thiện chí hoà giải, hoà hợp
với Việt Nam hơn? Nếu Trung Cộng thiện chí hoà giải, hoà hợp với Việt Nam, sao
họ không trả Hoàng Sa và Gạc Ma khi họ đã đánh chiếm trong biển máu và tới nay
vẫn tiếp tục gây hấn trên Biển Đông, phá bao nhiêu tàu cá, sát hại bao nhiêu
dân lành khi ra khơi đánh cá?
GS. Tung dẫn ra các dân tộc lớn,
sau chiến tranh đều hoà giải, hoà hợp, như người Pháp, người Đức chẳng hạn. Ông
không thấy rằng, đó là thiện chí từ cả hai phía chứ có giống quan hệ đơn phương
và giả tạo như quan hệ Việt - Trung? Ông không thấy trên báo chí, mạng xã hội của
Trung Cộng những ngôn từ miệt thị, phỉ báng, đầy gây hấn, thù địch với Việt Nam
sao? Ngay cả đối với Nhật, một dân tộc hiện tại văn minh, cao cả, đã có Tuyên
ngôn nhân gian với lời sám hối tội ác chiến tranh, nhưng Trung Quốc có tha thứ
cho vụ thảm sát Nam Kinh mà người Nhật đã gây ra trên đất nước họ không? Tha thứ
thì sao có đến hàng trăm bộ phim Trung Quốc khoét đi khoét lại cái tội ác đó và
gọi Nhật là bọn "quỷ lùn khát máu"?
Mách cho GS. Tung biết, trừ nhóm
nhỏ những con bò ngứa sừng bạ đâu húc đó, không dân tộc nào nhân ái, cao cả hơn
dân tộc Việt Nam. Nhân dân Việt Nam thấm thía nỗi đau của chiến tranh, đã giải
độc lịch sử ngay từ sau chiến tranh chứ không cần ông và các sử gia giải độc.
Ngay cả những người có thân nhân bị giết hại trong chiến tranh cũng hoàn toàn
tha thứ cho giặc. Ông chống mắt lên mà xem những gia đình ấy tiếp đón các cựu
binh Pháp, Mỹ ra sao?
Tôi hình dung, GS. Tung, đại diện
cho sử gia thời nay, với cái nhìn lịch sử lập lờ, đầy thiên vị, đúng ra là phi
lịch sử - về sự thật, thiếu hiểu biết, phủ nhận lịch sử; về thài độ, bạc nhược,
ươn hèn với giặc và thiếu lương tri đối với máu xương của đồng bào mình - đã cố
tình hạ độc lịch sử hơn là "giải độc lịch sử" như ông đã nhân danh!
Nguyên văn bài trả lời báo chí của
GS. Phạm Hồng Tung
https://bit.ly/3HVgN0W
◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét