Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




THÁO NGÒI NỔ XUNG ĐỘT UKRAINE

Hiếu Chân - Người Việt
11/1/2022

Hình bên: Ông Jens Stoltenberg (phải), tổng thư ký NATO, nói chuyện trong cuộc họp báo chung với bà Olga Stefanishyna, phó thủ tướng Ukraine, sau cuộc họp song phương tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, hôm 10 Tháng Giêng. Trước đó, tại hội nghị Geneve, Thụy Sĩ, ngày 9 Tháng Giêng, lập trường của Nga vẫn giữ nguyên: NATO phải chấm dứt tiến trình mở rộng về phía Đông, không kết nạp làm thành viên NATO Ukraine. (Hình minh họa: John Thys/AFP via Getty Images)

Những cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ và Châu Âu nhằm tháo ngòi nổ cuộc xung đột ở Ukraine và tái lập quan hệ an ninh ở Châu Âu đã bắt đầu, và sẽ kéo dài trong tuần này. Sự kiện gợi nhớ lại cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đầu thập niên 1960, với nỗi lo âu và hy vọng một lần nữa, các bên sẽ tìm được một giải pháp hạ nhiệt.

Cuộc hội đàm đầu tiên giữa thứ trưởng ngoại giao hai nước Nga và Mỹ đã diễn ra tại Geneve (Thụy Sĩ) trong hai ngày 9 và 10 Tháng Giêng. Vào ngày 12 Tháng Giêng, đại diện của Nga sẽ đàm phán với đại diện Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại trụ sở NATO ở Brussels và một cuộc họp nhiều bên của Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu (OSCE) trong đó cả Nga và Mỹ đều là thành viên sẽ được tổ chức tại Vienna (Áo) vào ngày 13 Tháng Giêng.

Để đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán này, ngày 30 Tháng Mười Hai năm ngoái, Tổng Thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm dài 50 phút với Tổng Thống Nga Vladimir Putin. Đây là cuộc trò chuyện thứ ba của hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi cuối Tháng Giêng năm ngoái, và tập trung vào vấn đề Ukraine cũng như quan hệ an ninh giữa Nga và phương Tây.

Nguồn gốc một xung đột

Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang hết sức tồi tệ, có thể nói là tệ nhất kể từ ngày Liên Xô tan rã năm 1991, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới xung đột vũ trang.

Nguồn gốc của mối xung đột là sự va chạm giữa tiến trình mở rộng NATO và Liên Minh Châu Âu (EU) về phía Đông và chiến lược của Nga duy trì một “vùng đệm” an ninh quanh lãnh thổ để bảo vệ các lợi ích sinh tử của họ. Nằm giữa Nga và EU, Ukraine đang là điểm va chạm này, là “lằn ranh đỏ” giữa Nga và EU mà bên nào vượt qua cũng có thể kích hoạt phản ứng mạnh của bên kia. Ukraine đang là điểm nóng có thể khơi mào một cuộc chiến tranh với sức tàn phá khủng khiếp ở Châu Âu.

Nhìn về lịch sử, Nga và Ukraine là hai nước Cộng Hòa lớn nhất trong Liên Bang Xô Viết cũ – một cực quyền lực của thế giới. Quan hệ giữa Nga và Ukraine là một mối quan hệ đặc biệt, giữa hai nước có một lịch sử gắn bó lâu dài về văn hóa, ngôn ngữ và dân tộc, khoảng một phần ba người Ukraine có gia đình ở Nga và nhiều vùng phía Đông Ukraine có đa số dân là người Nga. Do sự gắn bó này, hầu như toàn bộ người Nga không chấp nhận một nước Ukraine rời khỏi vùng ảnh hưởng của Nga. Kinh nghiệm lịch sử của Nga cho thấy, các đội quân xâm lược thường tiến vào đất Nga từ phương Tây, từ quân đội của Napoleon đầu thế kỷ 19 đến quân phát xít Đức những năm 1940 của thế kỷ trước. Nga lo sợ một khi Ukraine trở thành thành viên của EU và của NATO thì quân đội và vũ khí tân tiến của Mỹ và NATO có thể áp sát biên giới Nga, đe dọa an ninh và sự sinh tồn của nước này.

Trong khi đó, từ khi Liên Xô tan rã và Hiệp Ước An Ninh Warsaw bị giải tán năm 1991, EU và NATO liên tục mở rộng về phía Đông, kết nạp các nước Cộng Sản cũ và tiến dần tới biên giới của Nga. Năm 1999 NATO kết nạp Ba Lan, Cộng Hòa Czech và Hungary; năm 2004 NATO kết nạp ba nước vùng Baltic (Latvia, Lithuania và Estonia), sau đó kết nạp Bulgaria, Croatia, Romania, Slovakia và Slovenia; gần nhất là kết nạp Macedonia năm 2020. Nước Nga yếu về kinh tế và chính trị đành ngậm đắng nuốt cay nhìn các quốc gia đồng minh cũ rơi vào vòng ảnh hưởng của phương Tây; nỗi thù hận phương Tây hình thành và ngày càng chi phối các chính sách, chiến lược của Moscow. Tổng Thống Putin được người dân Nga ủng hộ một phần vì ông tỏ ra là một nhà lãnh đạo cứng rắn quyết phục hồi vị thế cường quốc của Nga.

Ông Putin đã nhiều lần vận động NATO ngừng tiến trình mở rộng vào các vùng lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ, đặc biệt là bài diễn văn của ông tại hội nghị an ninh quốc tế Munich năm 2007. Nhưng phương Tây, dẫn đầu là Hoa Kỳ, vẫn tin một ngày nào đó sẽ thu phục được nước Nga, bằng cách sử dụng cây gậy là sức ép ngày càng mạnh về an ninh và củ cà rốt là tiến trình hội nhập kinh tế Nga vào kinh tế Châu Âu. Họ hy vọng sẽ biến Nga thành một thành viên của Châu Âu, chấp nhận mô hình tự do dân chủ và kinh tế thị trường phương Tây. Hy vọng đó đã trở thành ảo vọng; sức ép của phương Tây đã giúp ông Putin củng cố được sự ủng hộ của dân chúng và càng ngày càng trở nên chuyên chế.

Biến cố Maidan ở Ukraine cuối năm 2013 đầu 2014 là giọt nước làm tràn ly, đẩy quan hệ Nga-phương Tây xuống đáy vực. Trong sự kiện được gọi là Euromaidan hoặc Cách Mạng Ukraine hàng trăm ngàn người dân đã biểu tình liên tục tại Maidan Nezalezhnosti (quảng trường Độc Lập) giữa thủ đô Kiev phản đối quyết định của chính phủ trì hoãn việc ký kết thỏa thuận gia nhập EU, thay vì vậy lại chọn quan hệ mật thiết với Nga và Liên Minh Kinh Tế Á-Âu EEU (tổ chức hợp tác kinh tế của các nước Cộng Hòa thuộc Liên Xô cũ). Phong trào biểu tình lên tới đỉnh cao vào đầu năm 2014, lật đổ chính phủ thân Nga của Tổng Thống Viktor Yanukovych vào ngày 21 Tháng Hai (ông này phải chạy sang Nga tị nạn) và đưa các chính khách thân phương Tây lên nắm quyền. Nhìn từ phương Tây, Cách Mạng Ukraine là thắng lợi của các lực lượng dân chủ nhưng nhìn từ Moscow đó là một cuộc đảo chính được các thế lực nước ngoài kích động.

Phản ứng của Nga là ngay lập tức xâm chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea vốn thuộc Ukraine vào lãnh thổ Nga vào Tháng Ba, 2014, viện cớ đây là vùng đất của nước Nga cũ và có đa số dân là người Nga. Nga cũng ủng hộ các lực lượng ly khai người Nga ở các tỉnh Donbass và Lugansk phía Đông đòi độc lập khỏi chính quyền trung ương ở Kiev, gây nên cuộc nội chiến Ukraine kéo dài mấy năm qua. Một “nạn nhân” của cuộc chiến được cả thế giới biết tới là vụ chiếc phi cơ hành khách MH-77 của hàng không Malaysia bị bắn hạ ngày 17 Tháng Bảy, 2014, khi bay qua vùng chiến sự, 283 hành khách và 15 nhân viên phi hành đoàn thiệt mạng, được cho là bị hỏa tiễn của Nga do quân ly khai bắn lên. Hoa Kỳ và EU đáp trả bằng những biện pháp cấm vận kinh tế kéo dài đến tận bây giờ, đẩy nền kinh tế dựa vào dầu khí và tài nguyên thiên nhiên của Nga vào chỗ suy sụp.

Một số biến cố khác như vụ điệp viên Nga đầu độc những người bất đồng chính kiến ngay trên lãnh thổ Anh và Đức, vụ đầu độc không thành nhà đấu tranh đối lập Alexei Navalny, những vụ đàn áp báo chí tự do và xã hội dân sự, hoặc sự can thiệp lén lút của Moscow vào sinh hoạt chính trị các nước phương Tây như tấn công mạng Internet, ủng hộ các đảng cựu hữu dân túy… đã khiến quan hệ Nga và phương Tây rơi xuống mức tệ hại, khó mà cứu vãn nổi.

Ukraine trở thành “lằn ranh đỏ”

Ngày nay, đại bộ phận người dân Ukraine ủng hộ việc nước này gia nhập EU và NATO bởi vì họ muốn được sống yên bình dưới cái ô an ninh của NATO và được tự do làm ăn trong khuôn khổ EU. Một khi đã trở thành thành viên NATO, Ukraine sẽ được bảo vệ trước mọi cuộc tấn công của Nga theo Điều 5 của hiệp ước NATO. Nhưng nước Nga không thể chấp nhận điều đó.

Từ cuối năm ngoái, Nga điều động hàng trăm ngàn quân đến áp sát biên giới Nga-Ukraine cùng với vô số vũ khí tân tiến ngầm ý đe dọa sẽ phát động chiến tranh nếu NATO quyết kết nạp Ukraine làm thành viên. Việc động binh của Moscow đã gây lo ngại sâu sắc cho Hoa Kỳ và EU; quân đội NATO được đặt vào tình trạng báo động dù Nga liên tục phủ nhận cáo buộc rằng Moscow có kế hoạch xâm lược Ukraine.

Trước viễn cảnh chiến tranh nóng ở Châu Âu, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cảnh báo Nga sẽ phải hứng chịu những “hậu quả thảm khốc” nếu xâm lược Ukraine – một lời cảnh báo mà Moscow cho là gây hấn. Tổng thư ký NATO hôm 10 Tháng Giêng cũng cảnh báo Nga sẽ “trả giá đắt” cho hành động quân sự chống lại Ukraine. “Chúng tôi cần gửi thông điệp rõ ràng tới Nga rằng chúng tôi đoàn kết và họ sẽ trả giá đắt cả về kinh tế và chính trị, nếu họ sử dụng sức mạnh quân sự chống lại Ukraine,” ông Stoltenberg nói, theo hãng tin AFP.

Trong bối cảnh đó, ông Putin gọi điện thoại cho ông Biden đề nghị hai bên đàm phán.

Tại hội nghị Geneve ngày 9 Tháng Giêng, lập trường của Nga vẫn giữ nguyên: NATO phải chấm dứt tiến trình mở rộng về phía Đông, không kết nạp làm thành viên NATO Ukraine và Georgia – một nước Cộng Hòa khác trong Liên Bang Xô Viết cũ; và không bố trí vũ khí hạng nặng tại các nước Đông Âu lân cận với Nga. Truyền thông quốc tế đưa tin từ cuộc đàm phán Nga-Mỹ cho biết, trưởng đoàn Nga, Thứ Trưởng Ngoại Giao Sergei Ryabkov nói rằng cuộc đàm phán phức tạp nhưng nghiêm túc và Moscow sẽ “không nhượng bộ.” Ông Ryabkov muốn phương Tây đưa ra những lời bảo đảm chắc chắn (ironclad), có tính ràng buộc về pháp lý rằng cả hai nước Ukraine và Georgia sẽ không bao giờ trở thành thành viên của NATO.

Trong khi đó trưởng đoàn Hoa Kỳ, Thứ Trưởng Ngoại Giao Wendy Sherman ra thông cáo báo chí “nhấn mạnh hậu thuẫn của Hoa Kỳ đối với các nguyên tắc quốc tế về chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và quyền của các nước có chủ quyền được tự do lựa chọn liên minh của riêng mình.” Hoa Kỳ và các đồng minh Châu Âu cho rằng, việc Ukraine có gia nhập NATO và EU hay không là tùy thuộc vào ý chí chính trị của người dân nước này chứ không tùy thuộc vào ý muốn của Nga.

Lập trường của Hoa Kỳ và EU có căn bản từ Hiến chương Paris ký kết ngày 21 Tháng Mười Một, 1990, tại cung điện Elysee giữa lãnh tụ Liên Xô Mikhail Gorbachev, Tổng Thống Hoa Kỳ George H.W. Bush và nguyên thủ quốc gia các nước Châu Âu, trong đó quy định một Châu Âu chung sống hòa bình, giữ nguyên các đường biên giới quốc gia và  bất kỳ quốc gia nào cũng có thể lựa chọn liên minh cho mình. Về điều này, Nga cho rằng an ninh của nước này không thể gây hại cho an ninh của nước khác.

Tìm tiếng nói chung

Cho đến nay, xem ra lập trường của Nga và phương Tây còn cách biệt khá xa và không hy vọng hai bên sẽ đạt được đồng thuận trong các cuộc đàm phán diễn ra tuần này ở Châu Âu. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng leo thang có thể dẫn tới xung đột bất cứ lúc nào, việc mở được đối thoại giữa hai phía đã là một tín hiệu tích cực.

Quan hệ giữa Nga với Hoa Kỳ và EU đang rất xấu nhưng khó có thể phủ nhận các bên vẫn cần có nhau. Tây Âu cần nguồn năng lượng của Nga, Nga cần vốn đầu tư và công nghệ của EU và Hoa Kỳ cần Nga tách ra khỏi liên minh chuyên chế với Trung Quốc. Vì lẽ đó, các bên cần tìm được tiếng nói chung trong vấn đề an ninh của Châu Âu nói chung, vị thế của Ukraine nói riêng; một cuộc xung đột nóng tại đây chẳng những không mang lại lợi ích cho ai mà còn gây ra những hậu quả thảm khốc cho thế giới.

Thực ra, từ hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest, thủ đô Romania năm 2008 nhiều nhà lãnh đạo EU đã không ủng hộ việc NATO kết nạp Ukraine vì không muốn đối đầu với một cường quốc hạt nhân là Nga. Pháp và Đức luôn tuyên bố phản đối Ukraine gia nhập NATO bất chấp sự ủng hộ của chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống George W. Bush.

Từ khi ông Joe Biden lên làm tổng thống Hoa Kỳ, tình hình có thay đổi: các kênh liên lạc song phương Nga-Mỹ đã được nối lại. Là người từng lãnh đạo bộ máy đối ngoại của Quốc Hội Mỹ trong thời Chiến Tranh Lạnh, ông Biden là chính trị gia thực tế và thực dụng; có thể ông sẽ chọn giải pháp tránh đối đầu với Nga để tập trung đối phó Trung Quốc. Quan điểm đó đã hé lộ một phần trong cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên của ông Biden, trong cương vị tổng thống, với ông Putin tại Geneve ngày 16 Tháng Sáu năm ngoái. Từ đó, thái độ của Washington với Moscow đã có những nét tích cực, chẳng hạn như Hoa Kỳ đã chấm dứt sự phản đối dự án Nord Stream II, dẫn khí đốt từ Nga sang Tây Âu mà không đi qua lãnh thổ Ukraine. Nhiều nhà phân tích đánh giá, so với ông Donald Trump trước đây, ông Biden tỏ ra cứng rắn với Bắc Kinh hơn nhưng cũng hòa dịu với Moscow hơn dù ông vẫn duy trì những biện pháp cấm vận Moscow mà các tổng thống tiền nhiệm đã ban hành.

Trong ngắn hạn, việc Ukraine gia nhập NATO gần như là không thể xảy ra, cho nên mối lo Nga xâm lược Ukraine cũng có thể được gác lại trong thời gian các bên tìm cách gây dựng lòng tin cậy lẫn nhau. Sau  cuộc điện đàm tối 30 Tháng Mười Hai, 2021, điện Kremlin cho biết ông Biden dường như đồng ý với quan điểm của ông Putin rằng Moscow cần một số bảo đảm về an ninh từ phương Tây và ông Biden cũng nói rằng Mỹ không có ý định triển khai vũ khí tấn công ở Ukraine, đổi lại Mỹ yêu cầu Nga rút quân khỏi vùng biên giới Nga-Ukraine và chấm dứt hỗ trợ các lực lượng ly khai ở nước này. Các cuộc đàm phán trong tuần này có thể sẽ cụ thể hóa những ý tưởng “tháo ngòi nổ” như vậy.

NATO với 30 quốc gia thành viên, sẽ chẳng mạnh thêm chút nào nếu kết nạp Ukraine. Và ngay từ năm 1997, nhà ngoại giao kỳ cựu George Kennan – cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Moscow, nhà sử học đề ra khái niệm “kiềm chế” (containment) làm căn bản cho chính sách đối với Liên Xô thời Chiến Tranh Lạnh – đã nhận định: “Mở rộng NATO có thể là sai lầm có tính định mệnh (fateful error) của Hoa Kỳ trong thời hậu chiến tranh lạnh. Một quyết định như thế có thể thôi thúc chính sách đối ngoại của Nga đi theo những hướng không đúng như Hoa Kỳ mong muốn,” ông Kennan viết trong bài bình luận trên báo The New York Times.

Và có lẽ đã đến lúc nên nhìn nhận ý tưởng của ông Kennan một cách nghiêm chỉnh.

◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét