Huy Đức
5/5/2021
* Mẹ và vợ trong lễ truy điệu cố Thiếu tá Nguyễn Thành Trí, lúc này bà Kim Thanh đang mang thai người con thứ hai được hai tháng rưỡi. Nguồn: Nam Ròm
* Bà quả phụ Nguyễn Thành Trí (Ngô Thị Kim Thanh) chụp vào ngày giỗ lần thứ 40 của chồng (27 Tết 2014). Nguồn: FB Huy Đức
● Bà Quả Phụ Nguyễn Thị Trí
Lúc đó, hai mẹ con bà Ngô Thị Kim
Thanh, vợ đại úy (truy thăng thiếu tá) hạm phó hạm Nhựt Tảo Nguyễn Thành Trí,
đang ở Nha Trang. Bà Thanh kể: "Trước khi đi anh nói hai mẹ con ở nhà ngoại
chờ, khi về anh ghé thăm". Hạm Nhựt Tảo nhận lệnh lên đường gấp, bà Huỳnh
Thị Sinh cũng đâu ngờ đó là cuộc hành quân cuối cùng của chồng, thiếu tá Ngụy
Văn Thà (truy thăng trung tá).
Chiều cuối năm 2013, trên căn hộ
tầng 4, bà Ngô Thị Kim Thanh vừa chỉ tấm hình bà đang khóc nấc trong lễ truy điệu
chồng, một tay cầm khăn, một tay ôm bụng, vừa nói: "Tôi mang thai được hai
tháng rưỡi, cái thai lúc nào cũng như muốn tuột ra". Năm đó bà Thanh 28 tuổi,
họ lấy nhau chưa được 6 năm.
Bà Thanh kể: "Xong tú tài,
tôi muốn học sư phạm nhưng mẹ tôi nói ở nhà lấy chồng". Tôi xin vào làm
nhân viên bán vé ở rạp chiếu bóng Minh Châu, Nha Trang, và ở đó, vào một chiều
thứ Bảy, tôi gặp anh, chàng học viên trường sĩ quan Hải quân. Tháng 9-1968 họ
cưới nhau và sau khi Trí ra trường, Thanh theo chồng vào Sài Gòn. Khi đại úy
Nguyễn Thành Trí mất, cô con gái đầu lòng, Nguyễn Thị Thanh Thảo, chỉ mới lên
năm. Gần sáu tháng sau, bà hạ sinh một người con trai. Giấy khai sinh
ghi: Nguyễn Thanh Triết, tự Hoàng Sa.
Sau khi chồng mất,
Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa thu xếp để hai bà quả phụ có một việc làm
trong ngân hàng Việt Nam Thương tín. Công việc ổn định cho tới ngày 30-4-1975.
Bà Thanh nói: "Chú khỏi hỏi,
khổ lắm". Bà kể: "Hai con còn nhỏ mà tôi cứ bị điều đi tỉnh hoài. Năm
1978, tôi bị đưa ra Nha Trang. Con gửi ông bà nội vì Nha Trang lúc đó còn khổ
hơn Sài Gòn, hai đứa bị thủy đậu, má chồng vất vả quá, ba má tôi cũng khuyên
quay lại Sài Gòn. Năm 1980, tôi về nhưng không thể xin được việc vì hộ khẩu Sài
Gòn đã bị cắt mất".
● Bà Quả Phụ Ngụy Văn Thà
- Bà Quả Phụ Ngụy Văn Thà và các con trong đám tang chồng - Nguồn: Nam Ròm
- Nét mặt đầy xúc động của bà Huỳnh Thị Sinh khi nhắc về người chồng quá cố của mình là thiếu tá Ngụy Văn Thà - Ảnh: Nguyễn Khánh
Bà Sinh nghỉ việc ngân hàng nhưng có vẻ may mắn hơn trong chế độ mới. Bà nói:"Lúc đầu tôi sợ lắm, tất cả những kỷ vật nhà binh như kiếm, mề đay, của anh tôi đều mang bỏ đi hết. Những tấm hình chụp lễ truy điệu có Tư lệnh Hải quân dự tôi cũng không dám giữ. Ít lâu sau, cảnh sát khu vực thấy hoàn cảnh của tôi, giới thiệu tôi vào làm trong hợp tác xã mua bán. Đôi lần khi hội họp cũng có người đề nghị không cho tôi tiếp tục vì tôi là 'vợ Ngụy', may mà ông bí thư nói, 'đừng dồn người ta vào chân tường".
Nhưng một nách 3 con (Ngụy Thị
Thu Trang sinh 1967, Ngụy Thị Thu Thủy sinh 1969, Ngụy Thị Thu Tuyết sinh
1972), bà Sinh xoay xở để sống qua những năm tháng cơ cực đó thật không mấy dễ
dàng. Góa chồng năm 26 tuổi nhưng cũng như bà Thanh, bà Sinh ở vậy nuôi con.
Bên cạnh tình yêu là lòng ngưỡng mộ chồng, cả hai người phụ nữ xinh đẹp và quả
cảm này đã mặc cho thời xuân sắc đi qua lặng lẽ.
Kể từ khi ba người con gái lần lượt
về ở bên nhà chồng, bà quả phụ Ngụy Văn Thà sống một mình trong căn hộ ở chung
cư Nguyễn Kim, thuê của nhà nước Việt Nam Cộng hòa. Do đã ở đây từ năm 1973 nên
lẽ ra bà đã được mua "hóa giá"căn hộ này với một khoản tiền tượng
trưng. Nhưng năm 2009, vì đã xuống cấp, chung cư Nguyễn Kim bị giải tỏa để xây
mới.
Nhà đầu tư đưa ra ba phương án đền
bù, bà quả phụ Ngụy Văn Thà chọn phương án nhận 546 triệu đồng và đăng ký mua một
căn hộ tái định cư. Từ hai năm nay, lô B, chung cư Nguyễn Kim đã xây xong. Giá
căn mới là 1,3 tỷ. Thay vì chỉ còn phải trả 753 triệu, nhà đầu tư yêu cầu người
dân ở đây phải hoàn lại số tiền nhà nước "hỗ trợ" để người dân thuê
trong thời gian chờ nhà xây xong, lên tới hơn 200 triệu đồng, đưa số tiền phải
đóng thêm lên tới 959 triệu (sau khi đã trừ phần đền bù 546 triệu). Các hộ dân ở
đây không đồng tình, nhiều người không có khả năng bỏ ra thêm gần một tỷ đồng để
quay lại chỗ cũ của mình.
Từ năm 2009, bà quả phụ Ngụy Văn
Thà về lại căn nhà mà bố mẹ để lại, nơi 4 gia đình chị em bà đang ở,
"chia" phòng với một người em gái độc thân. Bà nói: "Bạn bè anh ấy
mỗi khi tới thăm cũng muốn thắp một nén nhang cho ảnh mà nhà không còn chỗ để
bày bàn thờ".
Kể từ khi kết hôn, bà quả phụ
Nguyễn Thành Trí về làm dâu trong căn nhà 2B đường Bà Triệu, quận 5. Năm 2000,
nhà chồng bán nhà chia cho 8 anh chị em, bà dùng số tiền này mua được một căn hộ
chung cư 40 mét vuông. Hai người con của bà chưa lập gia đình cùng sống ở đây với
bà.
Kể từ khi báo chí được nhắc trở lại
vụ hải chiến Hoàng Sa, thỉnh thoảng lại có người tìm gặp. Không phải ai cũng đủ
sự tinh tế để không chạm vào niềm kiêu hãnh của thân nhân một người lính quả cảm.
Thanh Thảo, người con gái lớn của thiếu tá Nguyễn Thành Trí, tuy bị bạo bệnh,
đang phải xạ trị, nói: "Chúng tôi tự hào về ba nhưng không muốn sống dựa
vào tên tuổi của ông".
Như muốn đẩy những ngày khốn khó
về quá khứ, bà quả phụ Nguyễn Thành Trí nói: "Chúng tôi được như vầy đã là
hạnh phúc lắm rồi". Điều duy nhất tôi đọc thấy trong ánh mắt của bà là niềm
tin chồng mình đã chết như một người anh hùng.
◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét