Phạm Đình Trọng
(Đàn Chim Việt)
18/12/2021
- Ngày 14.12.2021 tòa án Hà Nội xử nhà báo Phạm Đoan Trang
9 năm tù.
- Ngày 15.12.2021 tòa án Hà Nội xử hai nông dân ngoại thành
Hà Nội, ông Trịnh Bá Phương 10 năm tù. Bà Nguyễn Thị Tâm 6 năm tù.
- Ngày 16.12.2021 tòa án tỉnh Nam Định xử người thợ Đỗ Nam
Trung 10 năm tù.
- Ngày 24.12.2021 tòa án cấp cao sẽ xử phúc thẩm hai mẹ con nông dân Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư. Án sơ thẩm đã xử bà mẹ nông dân Cấn Thị Thêu 8 năm tù và con trai Trịnh Bá Tư 8 năm tù.
- Ngày 31.12.2021 chính quyền Hà Nội sẽ dẫn giải thầy giáo
Lê Trọng Hùng ra toà xử.
Tất cả những công dân phải nhận những án tù đằng đẵng từ sáu đến mười năm trời đều là người dân lương thiện, không hề có bất kì tội hình sự cỏn con nào.
Không có tội với dân. Họ chỉ nói những mong muốn, những
đòi hỏi chính đáng, khẩn thiết của người dân. Tự do, Dân chủ đang là khát khao
của cả trăm triệu người dân Việt Nam. Nói tiếng nói chính đáng của cả xã hội
đòi tự do dân chủ thì không có tội. Mảnh đất sống của người dân, tài sản thiêng
liêng thấm đẫm mồ hôi và cả máu của dân bị quyền lực đồng tiền núp bóng quyền lực
chính quyền cướp đoạt trắng trợn. Người dân phải phẫn nộ gào thét, tập hợp đấu
tranh, sẵn sàng đổ máu để bảo vệ tài sản chính đáng, bảo vệ cả lẽ phải, bảo vệ
cả đạo lí xã hội thì không có tội. Pháp luật nghiêm minh phải trị tội bạo quyền,
bảo vệ tài sản chính đáng của dân chứ không thể buộc tội dân.
Không có tội với nước. Không chỉ sẵn sàng mang cả tính mạng
ra bảo vệ Tổ quốc, công dân còn phải có trách nhiệm bảo vệ những giá trị của
nhân phẩm con người, những giá trị của xã hội công bằng, văn minh. Những giá trị
làm nên vẻ đẹp, làm nên sự giầu có đời sống văn hoá, tinh thần của đất nước
cũng làm nên sức sống vững bền của dân tộc của quốc gia. Quốc gia hưng vong, thất
phu hữu trách là vậy. Nói tiếng nói trách nhiệm công dân thì không có tội.
Không có tội với pháp luật. Người dân thực hiện quyền tự
do ngôn luận được Hiến pháp bảo đảm thì không thể bị buộc tội. Hiến pháp là văn
bản pháp luật cơ bản của nhà nước, là bộ luật nền móng để từ đó dựng lên những
tầng lầu, xây lên những gian phòng là các bộ luật chuyên biệt của từng lĩnh vực
đời sống xã hội, tạo lên toà nhà pháp luật nghiêm minh và bền vững của đất nước.
Luật pháp của bất kì nước nào, của bất kì thể chế chính
trị nào cũng phải tuân theo nguyên tắc tối cao, bất di bất dịch là: Các bộ luật
chuyên biệt không được trái Hiến pháp. Bộ luật nào, điều luật nào trái Hiến
pháp đều vi Hiến, đều không có giá trị pháp lí, đều phản bội ý chí nhà nước và
nhân dân. Luật vi Hiến gây tổn hại, mất mát, đau khổ cho dân, gây bất ồn xã hội
còn là tội ác.
Hiến pháp không những là những lời vàng danh dự, trang
nghiêm của một nhà nước, một thể chế chính trị mà Hiến pháp còn là tiếng nói lịch
sử khắc vào thời gian, là tiếng nói long trọng của một quốc gia với thế giới. Bằng
điều 25, Hiến pháp 2013, Nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nói lời
vàng danh dự với dân, nói lời long trọng với thế giới rằng: Người dân Việt Nam có
quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu
tình.
Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận
thông tin là: Người dân có quyền phát biểu, trao đổi, trả lời phỏng vấn truyền
thông trong nước và thế giới, có quyền viết trên mạng xã hội, viết báo, viết
sách, tạo ra, lưu giữ và phổ biến các văn bản, tài liệu bộc lộ tư tưởng, chính
kiến về mọi vấn đề chính trị, xã hội của đất nước, của thời đại. Chỉ khi tuyên
truyền lối sống đồi truỵ, chỉ những tư tưởng, chính kiến kích động hận thù, bạo
lực, chiến tranh mới không được phép.
Dân trao quyền lực cho chính quyền. Dân đóng thuế nuôi
chính quyền và dành cho chính quyền những ưu đãi cao nhất để chính quyền phục vụ
dân và lo việc nước. Dân là chủ thể đất nước và chính quyền là công bộc của
dân. Với tư thế chủ thể đất nước, với quyền tự do ngôn luận, đương nhiên người
dân có quyền nhận định, đánh giá, phê phán đường lối chính sách hiện hành của
nhà nước, có quyền khen chê, thậm chí chế giễu, lên án những công bộc mà người
dân phiền lòng về năng lực và đạo đức. Đó là điều phổ quát ở mọi xã hội dân chủ
trên thế giới. Không quyền lực nào được phép coi sự đánh giá, phê phán của những
chủ thể đất nước với chính quyền là “tuyên truyền xuyên tạc đường lối chính
sách, chống nhà nước, phỉ báng chính quyền, gây hoang mang trong nhân dân” để
hình sự hoá quyền tự do ngôn luận của công dân.
Bộ Luật Hình sự 2015 có hai điều vi Hiến vô hiệu điều 25
Hiến pháp vu tội người dân khi người dân thực hiện quyền tư do ngôn luận là:
Điều 117. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm
chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến
12 năm:
a. Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin,
tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b. Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin,
tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c. Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin,
tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.
Điều 331. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự
do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự
do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ
chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc
phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Điều 117 và điều 331 Bộ Luật Hình sự 2015 đã ngang nhiên
vô hiệu điều 25 Hiến pháp 2013.
Nhà báo Phạm Đoan Trang, những nông dân Cấn thị Thêu,
Nguyễn Thị Tâm, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, người thợ Đỗ Nam Trung, thầy giáo
Lê Trọng Hùng và hàng trăm công dân trung thực có ý thức trách nhiệm công dân
như thầy giáo Đinh Đăng Định, thầy giáo Đào Quang Thực, nhà văn Phạm Thành, nhà
báo Phạm Chí Dũng, nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ, kĩ sư tin học Lê Hữu Minh Tuấn,
sinh viên Trần Hoàng Phúc, Kĩ sư thuỷ sản Nguyễn Ngọc Ánh, . . . đều phải nhận
những bản án tù cả chục năm trời vì điều luật vi Hiến 117 của bộ Luật hình sự
2015.
Những chữ vàng chói lọi của điều 25 Hiến pháp 2013 nghiêm
trang xác nhận quyền tư do ngôn luận của người dân Việt Nam. Nhưng bộ Luật Hình
sự 2015 với điều 117 và điều 331 vi Hiến đã chống lại điều 25 Hiến pháp, hình sự
hoá quyền tự do ngôn luận.
Hình ảnh nhà báo Phạm Đoan Trang bị công an bắt dẫn giải
đi trong đêm vắng như đêm Trung cổ, trên đường phố hun hút là hình ảnh tội ác của
những điều luật vi Hiến 117 và 331 bộ Luật Hình sự năm 2015 đang được khắc ghi
vào thời gian, đang được khắc ghi vào lịch sử.
Hình ảnh nhà báo Phạm Đoan Trang hai tay bị còng vẫn phải
cầm cây bút viết trong đồn công an là hình ảnh nhức nhối của quyền tự do ngôn
luận bị còng bởi điều luật vi Hiến 117 và 331 trong bộ Luật Hình sự năm 2015.
Tự do ngôn luận với con người như không khí với sự sống.
Sự sống không thể thiếu không khí. Con người không thể thiếu quyền tự do ngôn
luận. Điều 117 và điều 331 vi Hiến trong bộ Luật Hình sự 2015, hình sự hoá quyền
tự do ngôn luận đã biến cả trăm triệu dân Việt Nam đều trở thành người có tội,
đều là những người tù dự bị, có thể bị bắt bất cứ lúc nào.
Điều 117 và điều 331 vi Hiến trong bộ Luật Hình sự 2015
đã biến quyền tự do ngôn luận không thể thiếu của con người thành bóng trăng ảo
ảnh xa lắc trên trời cao và người dân Việt Nam chỉ là bấy chó đói hóng bóng
trăng tự do ngôn luận vời vợi trên cao xanh như nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm với tâm
hồn nhạy cảm nghệ sĩ đã thảng thốt kêu lên:
Tất cả chúng ta đều bị theo dõi
Tất cả chúng ta sắp bị bắt rồi
Tất cả chúng ta như bầy chó đói
Ngửa mặt lên trời hóng bóng trăng rơi!
Những ngày đen tối của tháng mười hai, 2021, dồn dập những
phiên Toà vi Hiến tuyên án tù Quyền Tự do Ngôn luận.
**************
Trí Nhân Media
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét