Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




"HỌ" SẼ TIẾP TỤC VIẾT

Huỳnh Công Đương
Luật Khoa
14 Dec 2021

Chính quyền không chỉ bỏ tù nhà báo, họ đang tuyên chiến với niềm tin của nghề viết nói chung.

Chỉ tính trong giai đoạn 2020 - 2021, đã có đến ba nhóm nhà báo khác nhau bị bắt và bị lôi ra tòa hình luật.

Nhóm đầu tiên là những nhà báo bị gọi là “phản động” rõ nhất, bị chửi bới to nhất: những nhà báo độc lập không hoạt động theo khuôn khổ của pháp luật báo chí Việt Nam.

Từ Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập với Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn cho đến Phạm Đoan Trang -  họ là những ngòi bút tài năng không chỉ quen thuộc trong nước mà còn được cộng đồng quốc tế biết đến.

Nhóm thứ hai là những cái tên lớn trong giới nhà báo chính thống. Bạn có thể chưa từng nghe đến tên họ, nhưng những người này được xem là có tiếng nói (và thành tích) nhất định trong hệ thống báo chí chính thống do chính quyền quản lý, như ông Mai Phan Lợi hay ông Nguyễn Hoài Nam. [1] [2]

Nhóm cuối cùng gồm những nhà báo hoạt động đâu đó ở giữa hai nhóm trên, không nghiêng hẳn về phía bị cho là “phản động” nhưng cũng không nằm trong hệ thống báo chí chính thống. Tuy nhiên, cách tiếp cận, tư duy và niềm tin của họ về vai trò - nghĩa vụ của báo chí thì không quá giống với những điều được cho phép.

Với hàng loạt những lần lên tiếng trong vụ án của tử tù Hồ Duy Hải, chống lại một số sai phạm ở địa phương lẫn phát hiện các khuất tất có khả năng tham nhũng, nhóm Báo Sạch cùng những thành viên bao gồm Trung Bảo, Hữu Danh, Thế Thắng, Kiên Giang và Thanh Nhã là một ví dụ điển hình của nhóm này. [3] Tôi không hẳn đồng tình với tất cả những gì họ nói hay làm; nhưng tôi phải thừa nhận vai trò của rất lớn của Báo Sạch trong việc khuấy động lại không gian báo chí điều tra Việt Nam.

Họ khác nhau ở điểm nào? Có lẽ rõ nhất là quan điểm chính trị của họ.

Phạm Đoan Trang có thể đưa ra những quan điểm chính trị cụ thể về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Song những nhà báo như Trung Bảo, Hữu Danh hay Thế Thắng gần như chưa bao giờ thách thức hay động chạm đến câu hỏi trên. Dù họ có thể đấu tranh trong một vấn đề tư pháp A, có thể tham gia đưa tin về một vụ tham nhũng tại địa phương B, nhưng tựu trung lại, không ai trong số này thuộc về nhóm mà nhà nước gọi là mượn danh nghĩa ngọn cờ “nhân quyền” hay “dân chủ” để chống phá chế độ.

Điều này lại càng đúng với Mai Phan Lợi hay Nguyễn Hoài Nam. Dù không hẳn là những lá cờ đầu trong phong trào thi đua yêu nước kiểu Việt Nam, họ đều là những cái tên thành danh trong giới báo chí nước nhà, và dường như họ thật tâm tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.


Nhà báo chuyên điều tra tham nhũng Nguyễn Hoài Nam (trái) bị bắt vào tháng 4/2021, sau đó bị truy tố vì tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ". Trước đó, ông từng nhận được bằng khen của Ban Nội chính Trung ương về thành tích chống tiêu cực. Ảnh: Facebook Nguyễn Hoài Nam.

Những người nói trên giống nhau ở chỗ họ đều viết, đều là những nhà báo nghĩ rằng mình nên làm gì đó cho xã hội, và cũng đáng tiếc là, đều bị trừng phạt vì theo đuổi lý tưởng đó.

Đoan Trang bị khởi tố vì những nghiên cứu và báo cáo vô cùng chi tiết, có tính khoa học và có bằng chứng rõ ràng. Các sản phẩm của cô được dùng làm tư liệu cho hàng loạt các tổ chức nhân quyền cũng như ngoại giao quốc tế.

Sản phẩm phóng sự điều tra của Báo Sạch thì được rất nhiều khán, thính giả trên mạng xã hội chào đón vì những thông tin và phương pháp truyền đạt hiếm thấy ở làng báo trong nước.

Hay Nguyễn Hoài Nam, một nhà báo từng được khen thưởng vì các loạt phóng sự điều tra của mình khi còn ở báo Thanh Niên, nay cũng vì làm “chướng tai gai mắt” một số cá nhân quyền thế mà rơi vào vòng lao lý.

***

Khác với nhiều người, tôi không cho rằng các nhà báo có một nghĩa vụ thiêng liêng về dân chủ, nhân quyền, minh bạch hay trong sạch xã hội gì cả.

Các nhà báo chọn viết, đơn thuần bởi vì họ giỏi làm việc đó.

Giống như một người quyết định mở quán phở vì họ nghĩ rằng họ nấu phở ngon hơn trung bình khả năng nấu phở của toàn xã hội, một người theo nghề báo vì họ cảm nhận được năng lực viết, năng lực đọc, năng lực săn tin tức và năng lực điều tra của họ tốt hơn trung bình của toàn xã hội.

Đó có thể là một bài toán “bàn tay vô hình” không hơn không kém.

Và cũng giống như chủ quán phở tâm huyết với sản phẩm của mình và không thể sử dụng nguyên liệu hư hỏng hay phụ gia có hại cho sức khỏe, một nhà báo tâm huyết với các bài viết của mình không thể chỉ viết theo chủ trương, theo định hướng, viết về người tốt việc tốt như thể nền báo chí quốc gia chỉ là nguyệt san mỹ thuật của con trẻ cấp hai.

Họ cần sự mới mẻ, cần sự can đảm và quan trọng nhất, họ cần sự thật - những sự thật cốt lõi mà họ nghĩ rằng một nhóm độc giả, một cộng đồng, hay toàn bộ quốc dân đang bị giấu giếm.

Đó là một thứ mong muốn phi chính trị, không “chống phá” mà cũng không “phản động”.

Sẽ có người muốn nghe, sẽ có người không muốn nghe. Xã hội luôn là thế.

Kể từ khi thấy người ta từ chối tiêm vaccine để phòng chống COVID-19, tôi tin rằng mọi thứ quan điểm đều sẽ có một nhóm ủng hộ viên nhất định - dù quan điểm đó có ngu ngốc đến thế nào, như việc cho rằng Hitler đã đúng hay Stalin là một lãnh đạo có tâm chẳng hạn.

Song vấn đề ở chỗ, mọi câu chuyện đều cần được kể.

Đó là cách chúng ta biết điều gì đang xảy ra trong xã hội mà chúng ta có thể đã bỏ lỡ.

Đó là cách chúng ta hiểu nguồn cơn của những cơn thịnh nộ xã hội.

Đó là cách chúng ta học trò chuyện, học cảm thông và học tiếp nhận những điều khác biệt.

Thông qua các nhà báo, chúng ta học những điều đó cùng nhau.

Và theo tôi, đó là những bài học sống còn.

Không ăn được một tô phở ngon trong một thời gian dài, người ta có lẽ chỉ bức bối. Nhưng nếu cộng đồng quá lâu không được học cách trò chuyện, cách chấp nhận khác biệt thì có trời mới biết điều gì có thể xảy ra khi quốc dân đối mặt trước những thử thách và khủng hoảng trong tương lai.

***

Khi tôi nói rằng “họ” sẽ tiếp tục viết, tôi không nói về những nhà hoạt động dân chủ danh tiếng, tôi không nói về những “KOL” ngàn like đã và đang tiếp tục “hoành hành” mạng xã hội, và tôi cũng không đòi hỏi những nhà báo đã chịu tù đày lại phải tiếp tục dấn thân vào con đường sẽ lấy đi hàng chục năm tạm bợ ở nhân gian của họ.

Khi mà một chính quyền tuyên chiến với cái tâm của các nhà báo nói riêng, tuyên chiến với niềm tin của cái nghề viết nói chung, họ sẽ còn bắt bỏ tù nhiều cây bút đã, đang, và sẽ tiếp tục đổ tấm lòng của mình vào con chữ. Danh sách đó có thể bao gồm tôi và các bạn.

Tin hay không tin vào chủ nghĩa cộng sản, lúc ấy, không còn quan trọng nữa.


Chú thích

1.  BBC News Tiếng Việt. (2021, July 2). Nhà báo Mai Phan Lợi bị khởi tố, bắt tạm giam về “tội trốn thuế.” https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57699975

2.  Phạm Dũng. (2021, September 6). Công an TP HCM đề nghị truy tố cựu phóng viên Nguyễn Hoài Nam. https://nld.com.vn. https://nld.com.vn/phap-luat/cong-an-tp-hcm-de-nghi-truy-to-cuu-phong-vien-nguyen-hoai-nam-20210906143321674.htm

3.  Trà Vang. (2021, October 28). Kết thúc phiên tòa xét xử nhóm “Báo sạch”: 5 bị cáo nhận hơn 14 năm tù. Tin tức mới nhất 24h - Đọc Báo Lao Động online - Laodong.vn. https://laodong.vn/phap-luat/ket-thuc-phien-toa-xet-xu-nhom-bao-sach-5-bi-cao-nhan-hon-14-nam-tu-968381.ldo


Trí Nhân Media


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét