Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




TRUNG QUỐC BẮT ĐẦU ĐÀN ÁP CÁC NHÓM SINH VIÊN MÁC XÍT

JavierC. HernándezTrần Hà Linh lược dịch
28-9-2018

Một chuyện nghe có vẻ trớ trêu mới xảy ra ở Trung Quốc: chính quyền trấn áp hàng chục sinh viên và thanh niên thuộc các nhóm theo chủ nghĩa Mác và tư tưởng Mao Trạch Đông.

Những sinh viên và thanh niên này lập ra các nhóm để đọc các tác phẩm của Mác, Lê-nin và Mao Trạch Đông; thảo luận về những khía cạnh tiến bộ của chủ nghĩa xã hội.

Họ treo hình Mao Trạch Đông, hát các bài hát cách mạng và gọi nhau là “đồng chí”. Họ ủng hộ Chủ tịch Tập Cận Bình và còn được truyền cảm hứng từ chiến dịch chống tham nhũng của ông.

Họ cổ xuý cho những lý tưởng cộng sản mà chính quyền ép họ học trong nhiều năm qua. Họ lập ra các nhóm thảo luận trên mạng về những lý tưởng này.

Mọi chuyện xuôi chèo mát mái, cho đến khi họ trực tiếp thực hành lý tưởng đó bằng cách lên tiếng về những vấn đề cốt lõi mà chủ nghĩa cộng sản luôn tỏ ra quan tâm: đói nghèo, quyền của giai cấp công nhân và bình đẳng giới.

Các nhóm sinh viên đã tổ chức điều tra về cách nhà trường đối xử với các thành phần vô sản trong trường, bao gồm cả nhân viên gác cổng, nhân viên nhà bếp và công nhân xây dựng.

Zhang Shengye, 21 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh hồi tháng 6 vừa qua, đã cùng với khoảng 60 sinh viên khác lập ra Hội Nghiên cứu Mác-xít và xuất bản một báo cáo về tình trạng vi phạm quyền lao động ở trường mình.

Sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều sinh viên tìm cách tổ chức công đoàn gần các nhà máy và biểu tình đòi cải thiện chế độ làm việc cho công nhân. Chuyện này mới xảy ra ở thành phố Huệ Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông hồi tháng 8 vừa qua.

Số là nhiều công dân ở đây bị một nhà máy ngăn cản thành lập công đoàn độc lập và phàn nàn về việc bị đối xử tồi tệ cũng như chỉ nhận được đồng lương bèo bọt. Công nhân liền tổ chức ký kiến nghị và bị cảnh sát can thiệp, một số người bị bắt giữ.

Các nhóm sinh viên Mác-xít biết được việc này qua Internet và quyết định phải hành động.

Yue Xin, một sinh viên vừa tốt nghiệp từ Đại học Bắc Kinh, ngành ngoại ngữ, nói “Tôi không thể ngồi yên được. Tôi không thể chỉ thuần tuý chém gió trên mạng. Tôi phải đứng lên”.

Họ quyết định lên đường vào Quảng Đông.

Họ mặc áo có khẩu hiệu “Đoàn kết là sức mạnh” và biểu tình bên cạnh các nhóm công nhân. Họ hô khẩu hiệu “Các bạn là xương sống của giai cấp công nhân” và giương cao biểu ngữ “Thành lập công đoàn không phải là tội”.

“Chúng tôi chia sẻ với nhau niềm cảm thông dành cho công nhân và khát khao về một tương lai tốt đẹp hơn của chủ nghĩa cộng sản”, Zhang Shengye nói.

Dù theo chủ nghĩa cộng sản, các nhóm sinh viên này rất quyết đoán trong việc khước từ các phương pháp đấu tranh bạo động.

Chen Kexin, sinh viên năm cuối của Đại học Renmin ở Bắc Kinh, một trong những người tham dự cuộc biểu tình nói trên, cho biết: “Những gì chúng tôi đang làm là hoàn toàn hợp pháp và hợp lý. Chúng tôi là những người Mác-xít. Chúng tôi ngợi ca chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi bênh vực công nhân. Chính quyền không thể nhắm vào chúng tôi được”.

Nhưng họ đã lầm.

Sáng ngày 24/8, cảnh sát bố ráp căn phòng trọ của họ ở Quảng Đông, bắt đi 50 người. Khi bị bắt, họ đồng thanh hát vang bài “Quốc tế ca”, bài hát truyền thống của những người theo chủ nghĩa cộng sản trên thế giới.

Cho đến nay, cảnh sát vẫn còn giam giữ 14 người và cáo buộc họ làm việc cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Trước khi bị bắt, cô Yue, một người biểu tình, viết một bức thư ngỏ cho Chủ tịch Tập Cận Bình, nói rằng cô được truyền cảm hứng từ chiến dịch chống tham nhũng của ông và thời gian ông lao động ở nông thôn trong thời kỳ Cách mạng Văn hoá. Cô cũng nói rằng chiến dịch biểu tình ở Quảng Đông không bắt nguồn từ tư tưởng nước ngoài, mà từ Phong trào Ngũ Tứ năm 1919, vốn là một cuộc nổi dậy của sinh viên Trung Quốc mà Đảng Cộng sản vẫn coi là đêm trước của cuộc cách mạng vô sản.

Cũng trong tuần này, khoảng năm trường đại học đã phải tìm cách ngăn cản các nhóm sinh viên Mác-xít tụ tập. Còn năm ngoái, cảnh sát Quảng Đông đã bắt giữ Zhang Yunfan, lãnh đạo của một nhóm đọc sách Mao Trạch Đông và cáo buộc anh về tội “tập trung đông người gây mất trật tự công cộng”.

Khi năm học mới bắt đầu, nhiều nhà hoạt động sinh viên thề sẽ thúc đẩy chiến dịch của họ. Zhang và bạn bè đã biểu tình ở thành phố Thiều Sơn, tỉnh Hồ Nam, quê của Mao Trạch Đông, và kêu gọi chính quyền trả tự do cho bạn bè của anh.

Thanh niên Trung Quốc thường bị cho là thờ ơ, ích kỷ và bị ám ảnh về tiền bạc. Nhưng Eric Fish, một nhà báo đã từng nghiên cứu về thế hệ trẻ Trung Quốc, cho rằng, thế hệ sinh sau cuộc thảm sát Thiên An Môn không có nỗi sợ hãi mang tính bản năng với chính quyền như các thế hệ trước đó.

“Họ dám liều mạng xông ra đường hơn. Họ không dễ dàng bỏ qua những gì sai trái như trước”, ông nói.

(Luật Khoa)



**************
Bình Luận
Nhóm sinh viên này mắc phải một lỗi rất nặng là đã không xin phép Nhà nước Trung Cộng trước khi hoạt động. Họ nghĩ một cách đơn giản rằng họ hoạt động theo cùng chí hướng với ĐCSTQ thì tất nhiên sẽ được ĐCSTQ đối xử như đồng chí. Vấn đề ở đây không phải là nhóm sinh viên này có theo chủ nghĩa Marx và tư tưởng Mao hay không, mà là chính quyền Trung Cộng có cho phép họ hoạt động hay không. Nếu có phép, thì tức là họ chấp nhận sự lãnh đạo của ĐCS; còn nếu không phép, thì có nghĩa là họ ngầm (hoặc công khai) thách thức (hoặc xem thường) độc quyền lãnh đạo của ĐCSTQ. Nhóm sinh viên đã quên bài học lịch sử liên quan đến mối quan hệ giữa Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ. Lưu chỉ muốn tranh quyền lãnh đạo của cá nhân Mao, nhưng tuyệt đối tôn trọng độc quyền lãnh đạo của ĐCSTQ. Ấy vậy mà Mao đã dồn Lưu đến cái chết cực kỳ bi thảm, còn tên tuổi bị bôi nhọ như một kẻ phản quốc.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét