Hình bên: Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại lễ
tang của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Bởi các đại hội 5 năm một lần của đảng Cộng sản Việt Nam
luôn đặt lên đầu nhiệm vụ ‘làm nhân sự’ và sắp ghế, đặc biệt là 4 cái ghế trong
‘tứ trụ’, và sống còn hơn cả là ghế tổng bí thư, có thể cho rằng ‘đại hội 13’ vừa
xảy đến ngay sau tấm màn Hội nghị trung ương 8 nhóm họp vào tháng Chín năm
2018.
Nguyễn Phú Trọng đã đặt một chân vào giấc mơ ‘lưu truyền sử xanh’ của ông bằng
cách ngồi ngay, và có thể ngồi luôn, vào cái ghế chủ tịch nước bị bỏ trống sau
cái chết đầy nghi vấn của Trần Đại Quang - quan chức ‘xấu số’ mà đã từng một thời
được Tổng bí thư Trọng sủng ái và giao cho nhiệm vụ đi tiền trạm ở Hoa Kỳ trước
chuyến công du chính thức đến Nhà Trắng vào tháng Bảy năm 2015 của ông Trọng.
Sau cuộc họp bất thường của Bộ Chính trị vào buổi chiều ngày 30/9 với kết quả
‘thống nhất cao’ để ‘Bộ Chính trị trình Ban chấp hành trung ương xem xét và quyết
định nhân sự chủ tịch nước’, cái tên duy nhất được giới thiệu ấy không phải là
những phương án ‘chân gỗ’ mà đã khiến dư luận nội bộ rôm rả bàn tán trước đó
như Nguyễn Thiện Nhân, Trần Quốc Vượng, Tòng Thị Phóng, Ngô Xuân Lịch…, mà té
ra chỉ là Nguyễn Phú Trọng.
Vài ngày sau, Hội nghị trung ương 8 khai mạc. Và chỉ 24 giờ đồng hồ sau đó là một
kết quả mà có thể khiến rất nhiều người kinh ngạc: báo đảng hào hứng công bố
100% Ban chấp hành trung ương đã thống nhất giới thiệu ứng cử viên duy nhất
Nguyễn Phú Trọng ra kỳ họp quốc hội cùng khai mạc vào tháng Mười năm 2018 để bầu
chức danh chủ tịch nước.
Có thể khác nhiều với động tác rút mù xoa lau nước mắt - bất lực trước một Nguyễn
Tấn Dũng cười khẩy ngạo nghễ tại Hội nghị trung ương 6 năm 2012 - mà đã dẫn đến
xúc cảm ‘tôi bất ngờ…’ bởi 100% phiếu thuận cho ứng cử viên duy nhất là Nguyễn
Phú Trọng làm tổng bí thư tại đại hội 12 vào đầu năm 2016, gần 3 năm sau ông Trọng
đã có thể tự hào rằng ‘tôi không bất ngờ’ khi nhiệm vụ làm nhân sự ‘bất cứ ai
trừ Dũng’ khốn khó đến mất ăn mất ngủ đã biến vào dĩ vãng, còn hiện tại người sắp
thừa kế ghế trống do viên cựu bộ trưởng công an để lại không còn đối thủ chính
trị xứng đáng nào, tính cả kẻ đã chết và những quan chức còn sống.
Ba kỳ tích của ‘giáo làng’
Ít nhất từ thời điểm năm 1975 đến nay, lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn
chứng tỏ một triết lý rất đặc thù: dù chẳng hề chứng tỏ được năng lực điều hành
kinh tế - xã hội và chăm sóc cho nhân dân cả về an sinh xã hội lẫn trấn dẹp nạn
cường hào ác bá hoành hành từ cấp trung ương xuống các địa phương, giới chóp bu
trong đảng lại ngày càng vươn lên gần bằng với mặt bằng thủ đoạn chính trị cùng
độ rung chấn của các màn xung đột nội bộ của ‘đảng anh’ Trung Quốc.
Nguyễn Phú Trọng đã vụt nổi lên như một ‘ngôi sao’ trong số đó, trong bầu không
khí vằn vện tia kích nổ đó. Chẵn một chục năm sau từ thời điểm bị ví như ‘ông
giáo làng’ hay mang tư duy của một thày đồ tụng kinh triết học Mác - Lê và chủ
nghĩa xã hội hơn là một nhà chính trị, Nguyễn Phú Trọng đã khiến không chỉ một
Nguyễn Tấn Dũng lọc lõi thủ đoạn và thế lực nghiêng thành phải bị đo ván, không
chỉ một tướng công an ‘ai chết chứ Quang không thể chết’ phải bất đắc kỳ tử, mà
có thể là tuyệt đại đa số giới quan chức và cả trí thức lẫn người dân - trước
đó vẫn chỉ hình dung Trọng như một ông già gần đất xa trời - há hốc miệng ngỡ
ngàng bởi năng lực ‘vượt khó’ của ông ta.
Quả thực, Nguyễn Phú Trọng đã thực sự tạo nên một kỳ tích đảo thua thành thắng
kể từ đầu năm 2015, sau cái Hội nghị trung ương 10 mà theo rất nhiều nguồn tin
không chính thức, ông ta chỉ đứng thứ 8 trong bảng tổng sắp ‘thăm dò uy tín tổng
bí thư’, trong khi Nguyễn Tấn Dũng vọt lên đầu bảng. Thế nhưng chỉ trong vòng một
năm sau, điều khó ngờ là bằng vào 3 chiến dịch ‘luân chuyển cán bộ’ với kiến
trúc sư của nó là Tô Huy Rứa - Trưởng ban Tổ chức trung ương và là một cận thần
khi đó của Nguyễn Phú Trọng - đã tước đi đến 40% nhân sự ủy viên trung ương mà
trước đó đã ủng hộ hoặc có thiện cảm với ‘đồng chí X’.
Kỳ tích thứ hai chắc chắn là tại đại hội 12, chính vào lúc Nguyễn Tấn Dũng bị một
cú knock-out trong khi có tin trước đó quan chức này còn chuẩn bị sẵn tiệc ăn mừng
cho chức tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng không biết làm cách nào đã khiến phần lớn
Bộ Chính trị và sau đó 100% Ban chấp hành trung ương bỏ phiếu để ông ta ngồi ở
đầu bàn tiệc - một suất ăn mà lẽ ra Nguyễn Tấn Dũng được hưởng vai trò thực
khách.
Gần 3 năm sau kỳ tích trên, Nguyễn Phú Trọng đã lập một kỳ tích chói lọi hơn cả:
nghe nói cả Bộ Chính trị, không một ai phản đối, kéo theo 100% ủy viên trung
ương đã thuần phục, và hầu như chắc chắn là 100% hoặc sát nút đó giới ‘nghị gật’
trong Quốc hội sẽ thuần phục một cách vô điều kiện để ông ta ngồi thêm vào cái
ghế chủ tịch nước.
Những kỳ tích như vậy có thể so sánh với lộ trình trở nên uy quyền tuyệt đối của
Tập Cận Bình ở Trung Hoa đại lục.
‘Ai ngồi đâu ngồi đó’ và ‘ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi’
Bây giờ thì không ngờ hoài nghi gì nữa: đại hội 13 của đảng cầm quyền - dự định
tổ chức tận năm 2021 - vừa được đốt cháy giai đoạn ngay tại Hội nghị trung ương
8 vào tháng Chín năm 2018 với cái ghế chủ tịch nước dành thêm cho Tổng bí thư
Trọng, để hình ảnh ‘choàng hai vai’ sáng chói của ông ta sẽ lướt qua năm 2021
mang tính thủ tục và kéo đến tận năm 2024 hoặc 2026 - tùy vào mức độ thay đổi
hiến pháp.
Cũng không còn nghi ngờ gì về việc Quyền chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chỉ
là phương án ‘nghi binh’, và cả những phương án Nguyễn Thiện Nhân, Trần Quốc Vượng,
Tòng Thị Phóng, Ngô Xuân Lịch… cũng chỉ là một thủ thuật ‘chân gỗ’ theo truyền
thống thủ đoạn ‘làm nhân sự’ - điều được thực hiện tương tự như cái cách ‘đưa
ra nhiều ứng cử viên cho chức tổng bí thư nhưng đến giờ chót chỉ chọn một người’
ngay trước đại hội 12 của đảng cầm quyền, và ứng cử viên ở vào thế ‘độc cô cầu
bại’ đó, chẳng phải ai khác, chính là ‘chân thật’ Nguyễn Phú Trọng.
Chẳng bao lâu nữa, Nguyễn Phú Trọng sẽ chính thức trở thành bản sao của Tập Cận
Bình - nhân vật chủ tịch nước kiêm tổng bí thư của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Và cũng chẳng bao lâu nữa, ‘đại hội 13’ sẽ chính thức kết thúc với một ông vua
của nền chính trị hiện đại mà blogger Huy Đức trong bài ‘Nhất thể hóa’ trên
facebook của mình trùng thời điểm ngày 30/9 khi Bộ Chính trị họp, đã định hướng:
"Nhất thể hoá tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối
cao ở Việt Nam” và "Đừng sợ tập trung quyền lực vào một người’.
Nhưng nhiều người vẫn nhớ như in một lời răn dạy của chính Nguyễn Phú Trọng vào
tháng Chín năm 2013 khi tiếp xúc cử tri các quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm (Hà Nội)
trước kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khi trả lời vấn đề được cử tri Nông Quang Lộc
nêu ra là nên ghi vào Hiến pháp “Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước và Chủ tịch nước
làm chủ tịch Hội đồng Hiến pháp”:
“Cơ chế Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước
đã có nhiều ý kiến nêu ra từ mấy nhiệm kỳ rồi. Trung Quốc và Lào cũng có cơ chế
như vậy. Ở nước ta, vấn đề này do Đảng phân công, còn Chủ tịch nước thiết chế bộ
máy nhà nước không phải cá nhân con người cụ thể. Tùy từng giai đoạn có thể
kiêm hay không kiêm là do trung ương phân công Tổng bí thư sang làm Chủ tịch nước,
đó là việc nội bộ không nên ghi “cứng” vào Hiến pháp. Cũng phải nói thật, đề
phòng trường hợp quyền lực quá tập trung vào một người, xảy ra cái gì nếu tốt
là phúc cho dân tộc, nhưng chẳng may nếu tính toán không kỹ thì để lại hậu quả.
Bây giờ Chủ tịch nước lại là chủ tịch Hội đồng Hiến pháp nữa thì quyền to quá.
Ta là cơ chế lãnh đạo tập thể. Bác Hồ nói rồi, nguyên tắc là lãnh đạo tập thể,
phân công trách nhiệm cá nhân. Phát huy được dân chủ thì tốt hơn”.
Đó là câu chuyện của quá khứ, vào lúc Nguyễn Phú Trọng tỏ ra thúc thủ trước một
Nguyễn Tấn Dũng tung hoành ngang dọc trong các kỳ họp hội nghị trung ương.
Còn giờ đây, dĩ vãng đã không còn là nỗi ám ảnh đối với ‘Sỹ phu Bắc Hà’, ‘Minh
Quân’, Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và ‘Người đốt lò vĩ đại’…
Một khi không còn đại hội 13 vào năm 2021 theo đúng nghĩa đen của nó, toàn bộ
những quan chức đầu sỏ hiện thời, trừ Trọng, sẽ ‘ai ngồi đâu ngồi đó’. Sẽ không
thể cục cựa gì nữa. Sẽ không còn màn chạy đua quyết liệt và quá nhiều cảm xúc
vào chức tổng bí thư hay chủ tịch nước như những đại hội trước đây. Tất cả đều
bị triệt tiêu ‘động lực cống hiến’, bởi tương lai sự nghiệp chính trị của tất cả
đều đã ‘đụng trần’.
Thậm chí vào năm 2021, nếu Nguyễn Phú Trọng muốn và còn giữ được quyền lực độc
tôn trước ‘đàn cừu’ của mình, ông ta hoàn toàn có thể làm như Tập Cận Bình đã
làm tại đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2019: không biết
làm cách nào mà Tập đã khiến cả Ban chấp hành trung ương lẫn Quốc hội chấp thuận
bỏ thẳng điều khoản ‘chủ tịch nước làm không quá hai nhiệm kỳ’ trong hiến pháp,
để từ đó hướng đến tương lai ‘ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi’.
Có lẽ nhân vật ‘đau khổ’ nhất sau vụ ‘ngồi mãi’ trên là Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc. Trong vòng một năn qua, ông Phúc đã có những cố gắng đầu tiên đầy tính
khuếch trương để tự vận động cho mình cái ghế tổng bí thư tại đại hội 13. Nhưng
cũng như các ủy viên bộ chính trị đã ‘đụng trần’, Nguyễn Xuân Phúc rất có thể sẽ
phải thúc thủ ở cái ghế thủ tướng mà không thể mơ mộng hơn cho tương lai ‘liêm
chính, kiến tạo và hành động’ của ông ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét