27-8-2018
Hơn bất kỳ ai khác trên chính trường Mỹ hiện nay, John
McCain có một mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam.
Ông được chính quyền Việt Nam coi như một người bạn lớn, người
có công thúc đẩy quá trình bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ, là cầu nối giữa
hai đất nước. Việc ông từng là “giặc lái Mỹ” bị bắt sống và bị giam giữ như một
tù nhân chiến tranh từ năm 1967 đến năm 1973 cũng là một chi tiết thường xuyên
xuất hiện trên báo chí chính thống.
Tuy nhiên, có ít nhất ba điều chính quyền và báo chí chính
thống nước ta sẽ không muốn nói tới.
Tù binh John McCain được bác sĩ Việt Nam chữa bệnh
trong thời
gian ông bị giam giữ ở Hà Nội. Ảnh: Getty Images.
Trong hồi
ký của mình, John McCain mô tả chi tiết quá trình ông bị bắt giữ và tra tấn
như thế nào ở Hà Nội trong 5 năm rưỡi ở nhà tù Hoả Lò, Hà Nội. Thời gian thực tế
ông bị tra tấn nằm trong khoảng hai năm đầu tiên.
Khi được người dân Hà Nội vớt lên từ hồ Trúc Bạch, hai tay
và một chân của ông đã bị gãy hoặc chấn thương nặng. Cán bộ giam giữ không cho
ông chạy chữa trong nhiều ngày do ông kiên quyết từ chối hợp tác. “Ông sẽ không
được điều trị y tế cho đến khi ông chịu nói”, một cán bộ nhắc đi nhắc lại với
ông.
John McCain chỉ được đi điều trị sau khi một cán bộ cho biết:
“Bố ông là một tướng to, giờ chúng tôi sẽ đưa ông đi bệnh viện”.
Có những giai đoạn, suốt bốn ngày liền, ông bị cán bộ đánh đập
mỗi hai hay ba giờ, khiến tay trái của ông và xương sườn bị gãy.
“Họ muốn tôi xin lỗi vì những tội ác tôi đã gây ra với người
dân Bắc Việt và rằng tôi biết ơn họ đã điều trị cho tôi”, McCain viết.
Ông sau cùng quyết định viết tuyên
bố nhận tội.
“Tôi cảm thấy thật kinh khủng về điều đó. Tôi tự nói với bản
thân rằng, ‘Chúa ơi, tôi thực sự không có lựa chọn nào’. Tôi đã học được một điều
mà tất cả chúng tôi đều học được ở đó: Ai cũng có một ngưỡng chịu đựng của
mình. Tôi đã chạm tới cái ngưỡng của tôi”.
Trường hợp của John McCain có thể được coi là một ví dụ cho
thấy, khi bị tra tấn đến một mức độ nào đó, con người sẵn sàng nhận những tội
mà họ cho rằng họ không hề phạm phải.
Sau khi nhận tội, McCain day dứt vì ý nghĩ cho rằng mình đã
phản bội nước Mỹ. Ông tự tử không thành do cán bộ quản giáo phát hiện và chạy
chữa kịp thời.
Chính quyền Việt Nam chưa bao giờ thừa nhận họ tra tấn John
McCain. Cho đến nay, tất cả những gì người ta biết là qua lời kể của ông. Điều
đáng nói là những lời kể này chưa bao giờ xuất hiện trên báo chí Việt Nam và
quan chức Việt Nam cũng chưa bao giờ bị báo chí chất vấn về nghi án tra tấn tù
binh này.
2. John McCain bảo trợ cho một chương trình tị nạn cho người
Việt Nam
Cái tên John McCain gắn liền với một đạo luật quan trọng đối
với cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ: McCain Amendment.
Đạo luật này cho phép con cái đã trưởng thành của những cựu
sĩ quan Việt Nam Cộng hoà bị đi học tập cải tạo sau năm 1975 được đi định cư ở
Mỹ.
Để hiểu rõ đạo luật này ta cần quay về với một chương trình
tái định cư nổi tiếng có tên “Ra đi có trật tự” (Orderly
Departure Program), một chương trình quốc tế do Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về Người
tị nạn điều phối, ra đời năm 1979 và kéo dài tới năm 1997. Đây là một phản ứng
của cộng đồng quốc tế trước làn sóng vượt biên ồ ạt của người Việt Nam sau năm
1975 nhằm trốn tránh sự đàn áp của “bên thắng cuộc”. Chương trình này đã đưa
hơn 600 nghìn người Việt Nam đi định cư ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có
đến hơn 450 nghìn người tới Mỹ.
Theo chương trình ODP, con cái chưa kết hôn của các cựu sĩ
quan Việt Nam Cộng hoà đã từng bị đi học tập cải tạo đều được đi định cư Mỹ
theo diện tị nạn phụ thuộc. Điều kiện là họ phải được cha mẹ đã đi tị nạn bảo
lãnh hoặc đi cùng cha mẹ là người tị nạn. Tuy nhiên, kể từ tháng 4/1995, Bộ Ngoại
giao Mỹ thay đổi chính sách và từ chối đơn của những người thuộc diện này.
Năm 1997, John McCain đã đề xuất một dự luật phục hồi quy chế
tị nạn phụ thuộc cho những người thuộc diện này mà đã trên 21 tuổi và chưa kết
hôn tại thời điểm hồ sơ tị nạn của cha mẹ họ được chấp thuận. Dự luật này được
Quốc hội Mỹ thông qua và được Tổng thống Bill Clinton ký ban hành ngày
1/5/1998, có hiệu lực đến 30/9/1999. Nó tiếp tục được Tổng thống kế nhiệm
George W. Bush gia hạn hiệu lực từ 30/5/2002 đến 30/9/2003.
McCain Amendement đã là cánh cửa mở ra vào lúc con cái của
nhiều cựu sĩ quan Việt Nam Cộng hoà đã hết hy vọng được đi định cư ở Mỹ.
Bản chất của đạo luật này, cũng như các chương trình tái định
cư cho người tị nạn Việt Nam nói chung, là mở ra một lối thoát cho những người
bị chính quyền Việt Nam trả thù sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975. Hoạt động
trả thù đó diễn ra dưới nhiều hình thức: đưa đi học tập cải tạo (một hình thức
giam giữ không có án) trong nhiều năm, tịch thu tài sản, đưa đi các vùng kinh tế
mới, phân biệt đối xử một cách có hệ thống, v.v. Kết quả là hàng triệu người đã
vượt biên ra đi, hàng trăm nghìn đã chết trên biển trong hai mươi năm sau chiến
tranh.
Những điều này, dĩ nhiên, cũng không có cơ hội xuất hiện
trên mặt báo chính thống Việt Nam.
3. John McCain thường xuyên gặp các nhà hoạt động dân chủ Việt
Nam
Thượng nghị sĩ John McCain gặp gỡ với các nhà hoạt động dân
chủ
Nguyễn Văn Đài, Phạm Hồng Sơn và Lê Quốc Quân trong một chuyến thăm tới Việt
Nam.
Ảnh: FB Lê Quốc Quân.
Năm 1985, John McCain trở lại Việt Nam lần đầu tiên sau khi
được trả tự do. Lúc này, ông đang là dân biểu của Hạ viện Hoa Kỳ.
Kể từ đó, ông là vị khách thường xuyên của Việt Nam. Các
chuyến thăm của ông bao gồm nhiều cuộc tiếp xúc với chính giới, cộng đồng doanh
nghiệp, và… các nhà hoạt động dân chủ.
Là một người nhiệt thành ủng hộ các giá trị tự do, McCain luôn có thái độ
cứng rắn với các chế độ độc tài. Đối với Việt Nam, thái độ cứng rắn đó của ông
không thường xuyên được thể hiện rõ bằng lời nói, mà bằng các cuộc gặp gỡ với
giới bất đồng chính kiến, vốn luôn nằm trong tầm ngắm của chính quyền.
Các cuộc gặp gỡ này không được nhắc đến trên báo chí chính
thống Việt Nam như các hoạt động khác của ông. Thường diễn ra ở Đại sứ quán,
Lãnh sự quán Mỹ hoặc một khách sạn nào đó, ông lắng nghe các nhà hoạt động nói
về tình hình nhân quyền Việt Nam và những gì mà họ muốn ông giúp.
Nhân ngày John McCain qua đời, luật sư Lê Quốc Quân, một nhà
bất đồng chính kiến nổi tiếng, viết
trên Facebook: “Lần cuối gặp ông là năm tháng 6 năm ngoái (2017) khi ông
sang Việt Nam. Lần này tôi quyết định đến gặp ông dù được chính quyền khuyến
cáo là không được gặp. Tuy nhiên, tôi đã để lại một tin nhắn cho các nhân viên
an ninh rằng: ‘Ông ấy là một người bạn trung nghĩa, của tôi và của Việt nam, dù
các ông có ngăn cản thì tôi vẫn cứ đi’”.
Chính McCain là người đã ký
vào thư gửi Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết đề nghị trả tự do
cho luật sư Lê Quốc Quân khi ông bị bắt giữ vào năm 2007. Luật sư Quân được trả
tự do sau vài tháng giam giữ mà không có bản án nào.
Danh sách những người mà John McCain gặp gỡ còn có nhà báo
Phạm Đoan Trang, luật sư Nguyễn Văn Đài, các nhà hoạt động Phạm Hồng Sơn, Nguyễn
Chí Tuyến, Vũ Quốc Ngữ, và nhiều người khác.
Chính quyền Việt Nam có mọi lý do để không hài lòng về những
cuộc gặp gỡ này và không cho phép báo chí chính thống nhắc tới.
Với tất cả những điều cấm kị đó, người Việt Nam không có được
một bức tranh đầy đủ hơn về mối quan hệ đặc biệt giữa đất nước mình với John
McCain.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét