Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




OAN DÂN ??? CÂU HỎI, SẼ ĐAY NGHIẾN BẤT KỲ AI CÓ LƯƠNG TRI !

Hình bên: Ông Bùi Hữu Tuân tự thiêu ngày 2-7-2018 trước trụ sở tiếp dân của thanh tra chính phủ. Ảnh: Võ Văn Tạo

Người đàn ông tên B.H.T tự thiêu trước cửa trụ sở Thanh tra Chính phủ vì một vụ án. Tôi không biết là đúng sai như thế nào, chỉ thấy một nỗi cô độc đến nghiệt ngã. Có nỗi đau đớn nào hơn là không thể bày tỏ sự phẫn uất của mình? Bi lụy nào hơn đến phủ kêu oan cũng không tìm thấy trống?

Oan dân, cũng là khái niệm báo chí nước ngoài gọi những người đi khiếu kiện đất đai. Tôi không thấy có khái niệm nào hay hơn thế. Bởi nói gì đi nữa, họ cũng từng là người dân bình thường, rắp mượn điền viên. Bàn tay lấm lem cào xới tìm mạch sống. Bao khát khao vun đắp gầy dựng. Thế rồi lệnh thu hồi xuống, có người được đền bù xứng đáng, có người không.

Một liếp nhà mồ hôi nước mắt, đâu chỉ là tiền, mà còn là mạch nguồn cội rễ, tình yêu thiết tha truyền đời tiếp nối. Phải dứt áo ra đi đã là một mất mát. Ra đi với giá rẻ mạt, với một lệnh thu hồi thô bạo, là một nỗi oan trái, đánh gục niềm tin cuộc sống.

Không ai hiểu hết nỗi đoạn trường của người đi khiếu kiện. Cô đơn, xơ xác, trầm luân và nghiệt ngã. Như những người sắp chết đuối giữa thời cuộc, họ kêu gào bấu víu vào bất kỳ ai, một quan chức, một dân biểu, một nhà báo… Nơi nào được nói, nước mắt phủ nhòe gương mặt của họ. Có bà má mấy chục năm co quắp ở vỉa hè Hà Nội. Có những gia đình, cha nằm xuống con lại cầm đơn ra đi…

Làm sao không cay đắng, khi liếp nhà hôm qua của mình có giá rẻ mạt, hôm nay là cao ốc của họ với giá siêu sang? Làm sao không uất hận khi có những cuộc cưỡng chế xé tọac đêm khuya giấc ngủ thanh bình. Làm sao không đay nghiến khi bị cô lập, đối xử như những kẻ ngoài rìa xã hội?

Oan dân, là khu biệt của những người thấp cổ bé họng. Không phải phổ quát, vì không tìm thấy quan chức hoặc cựu quan chức nào trong dòng người đau khổ ấy.

Chọn cách tự thiêu, nghĩa là chút niềm tin le lói sau cùng đã tắt lịm. Nghĩa là nỗi thống khổ của dân đã không được ai nghe, hoặc không còn kịp đến nữa rồi. Đến mức chọn cái chết để truyền thông điệp, thì ai oán nào bằng.

Chọn xung đột với chính quyền hoặc tự hủy hoại bản thân để phản kháng, nghĩa là họ đã không còn cách khác. Cách khác, phải nằm ở những con người có nghĩa vụ thực thi, ngay từ đầu.

Nhìn thân thể lấm lem, đẫn đờ, dở sống dở chết này, những người đã bút phê có ngủ an lành không, bữa cơm có ngon không? Khi thấm vào nệm êm canh ngọt là máu và cả mạng người.

Nhìn lớp lớp oan dân lay lắt trên hè phố hôm nay, lãnh đạo liệu có an vui hay không. Khi thấm vào thời cuộc là lấm lem nước mắt những thân phận cùng đường thống khổ ngày một nhiều lên?

Câu hỏi, sẽ đay nghiến bất kỳ ai có lương tri !

(FaceBook)
-----------------------
Đọc thêm:
VÌ SAO ÔNG BÙI HỮU TUÂN TỰ THIÊU ?


Ngày mai là ông Tuân phải thi hành án tù 3 năm, (trước đó sơ thẩm ông bị tuyên 5 năm tù). Mặc dù đã kêu oan khắp nơi nhưng tiếng kêu của ông lọt thỏm giữa những quan chức địa phương cố tình bỏ tù ông.



Ông Tuân là người luôn hết lòng với người dân trong thôn nên đã được bầu làm trưởng thôn liền 3 khoá. Khi thôn ông thực hiện dồn điền đổi thửa đã thừa ra một số mảnh đất cao và xấu, người dân muốn xin nó để xây lăng thờ của dòng tộc. Ông Tuân đã nhiệt tình nhận đơn và trình lên xã. Sau đó địa chính xã đo đất chia cho dân. 

Một người làng từng bị ông tố cáo tiêu cực vẫn thù ông nên đã kiện việc này, cùng với bí thư xã cũng có mối thù ông vì cho rằng trước đó ông xúi bẩy dân ko bỏ phiếu khiến ông bí thư này bị trượt ghế hội đồng nhân dân, nên vụ việc bị đẩy lên. Khi đưa ra thì địa chính và các bên liên quan nhất định chối việc chính họ đã đo và chia đất, đổ hết cho ông Tuân. 

Họ đưa ông ra toà, kết án 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn khi thi hành công vụ”. Ông Tuân kháng cáo, phúc thẩm xử kín ông ko cho gia đình và mọi người đến dự, tuyên án ông 3 năm tù giam.


Thấy mình quá oan ức, ông Tuân kêu kiện khắp nơi nhưng đều bị khước từ. Uất ức và cùng quẫn, hôm nay 2/7, một ngày trước khi phải thi hành án, ông Tuân đã tự thiêu ngay trước cổng trụ sở tiếp dân của thanh tra chính phủ.

Hoàn cảnh ông Tuân rất khó khăn, ông có 2 người con thì con lớn đã kết hôn và ra ở riêng, ông đang ở với người con út bị tâm thần.

(Theo lời kể của con trai lớn ông Tuân là cháu Lê). 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét