Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




LẶNG LẼ XÁC AI TRÔI ...

Chim Tóc Trắng
30-6-2018

Hình bên: Xả lũ tại Lai Châu ngày 23 đến ngày 26 tháng 6 khiến 17 người chết, 11 người mất tích và 12 người bị thương

"BUỒN GỤC ĐẦU NGHẸN NGÀO,
NGHE NON NƯỚC TÔI TRĂM NGÀN U SẦU…" *

Trong tuần lễ này, giữa rừng thông tin về bóng đá quốc tế, về cuộc thi tốt nghiệp phổ thông, về vụ án Đinh La Thăng, về hội nghị Ban Thường Vụ Đảng, về bóng đá Việt Nam dự ASIAD 2018, … người ta đọc được những hàng thông tin lẻ loi, hờ hững, về trận lụt tại vùng núi và trung du Bắc Bộ.

“… Từ đêm 23 đến ngày 25 tháng 6, trên khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ đã xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng, khu vực mưa to nhất tập trung ở các tỉnh vùng núi biên giới từ Cao Bằng đến Lai Châu. Lũ ống, lũ quét và sạt lở đã diễn ra ở nhiều nơi như huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ (Lai Châu), Sa Pa (Lào Cai), Quản Bạ (Hà Giang). Tính đến trưa 26 tháng 6, mưa lũ làm chết 17 người (5 người ở Hà Giang, 12 người ở Lai Châu), 11 người mất tích, 12 người bị thương. 

Mưa lũ cũng làm 124 nhà bị đổ, cuốn trôi; 579 nhà bị hư hỏng, thiệt hại và di dời khẩn cấp; 1.500 ngôi nhà bị ngập nước. Về nông nghiệp, 717 ha lúa bị ngập úng; 486 ha hoa màu bị thiệt hại; 251 con gia súc, gần 6.000 con gia cầm bị chết; 46 ha ao nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính 440 tỷ đồng…" 
...

"Theo thông tin từ cộng tác viên Tuổi Trẻ Online tại Lai Châu, từ chiều 25.6.2018, Nhà Máy Thủy Điện Lai Châu đã tiến hành mở 5 cửa xả mặt để xả lũ với lưu lượng 4.443m3/s và lưu lượng qua 3 tổ máy là 1.611m3/s.”

Lẻ loi và hờ hững cũng phải thôi vì năm nào chả lụt, năm nào chả chết, năm nào chả thống kê thiêt hại, thậm chí chưa lụt đã thống kê ra con số rồi. Lướt trên Facebook sáng sớm hôm nay (27 tháng 6) đã thấy giữa đêm khuya tịch mịch của giấc ngủ, ai đó đã viết lên tường nhà họ “Argentina 2–1 Messsssssi”. Không cần ra cũng biết ngoài đường sáng nay các quán cà phê sẽ sôi nổi chuyện bóng đá, chiều nay các quán nhậu vẫn vang tiếng “một, hai, ba… dzzzô!” Lặng lẽ xác ai trôi lẫn giữa bùn lầy, cảm xúc dâng trào nâng ống kính ghi hình cảnh lũ lụt khủng khiếp với lời bình… “hùng vĩ” !

Than thở mãi cũng vậy, hai chữ vô cảm ăn sâu vào nhiều tầng lớp dân chúng, chẳng vậy mà hình ảnh và lời chứng tiết lộ dần từ những cuộc bắt bớ Chúa Nhật 10 tháng 6 ở Sàigòn vừa qua đã cho thấy những người “thi hành công vụ” quá hồ đồ, lạnh lùng, không biết xót thương đồng loại. Hơn cả vô cảm, hai tiếng dã man không biết có lột tả hết những gì chúng ta được chứng kiến, được nghe? 

Một đất nước tan hoang như Nhật Bản sau chiến tranh người ta có thể gầy dựng lại chỉ trong vòng vài chục năm, nhưng lương tâm con người, lòng quý trọng nhân phẩm bị tan hoang thì bao nhiêu thế hệ mới có thể gầy dựng lại? Những câu hỏi như thế này có xuất hiện trong đầu những ai có trách nhiệm về luân lý, đạo đức và nhân bản không?

Năm nào cũng lũ lụt, năm nào cũng chết, năm nào cũng thiệt hại hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, nhưng chưa bao giờ có một công bố nghiên cứu về thảm họa, chưa bao giờ có kết luận về nguyên nhân, chưa bao giờ có phương án chữa trị, và chưa bao giờ có ai chịu trách nhiệm về những đau thương mà dân lành phải chịu! Lại trên mạng toàn cầu, người ta mỉa mai chua cay rằng “gỗ về nhà quan, lũ về nhà dân”, đến trẻ con cũng biết điều ấy nhưng hàng lãnh đạo vẫn không biết.

Chúa Nhật 24 tháng 6, sinh nhật của Thánh Gioan Tẩy Giả, đứng trước sai trái của nhà vua, cho dù sai trái ấy là chuyện riêng của bản thân nhà vua, nhưng với tư cách là “người của công chúng”, việc sai trái của vua có tầm ảnh hưởng đến luân thường đạo lý của xã hội, Gioan Tẩy Giả đã không ấp úng theo kiểu “tôi chẳng biết nói gì”, không hề lý luận vòng vo tránh né, chẳng một chút biện minh lấy lý do cần phải khôn ngoan để được rao giảng, nhưng cứ mạnh dạn lên tiếng và lên án sự sai trái, cái sai thì nói sai, đó là phong cách của người nói sự thật, bản lĩnh của người tin vào Chúa, việc làm thiết thực của người nói Lời Chúa.

Hôm nay, hình ảnh những thây người chìm lẫn trong bùn đất, trôi giạt vất vưởng ở đâu đó trong cơn lũ, tôi không nói thì ai sẽ nói? Tôi không lên tiếng thì ai sẽ lên tiếng? Sứ mạng nói sự thật khi nào tôi thi hành? Thật xót xa! “Buồn gục đầu nghẹn ngào, nghe non nước tôi trăm ngàn u sầu”!

(Lm. VĨNH SANG,
DCCT, 28.6.2018)

* (Lời hát trong tác phẩm "Đêm nguyện cầu" của nhạc sĩ Lê Minh Bằng)

(FaceBook)

Trí Nhân Media



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét