(Trần Đức Anh Sơn)
15-7-2018
MỘT STATUS BUỒN, RẤT BUỒN…
1. Mấy ngày sau khi cuốn sách “Gạc Ma. Vòng tròn bất tử” (do First News chủ biên và hợp tác với Nxb Văn học xuất bản) được phát hành, thì trên mạng xã hội và trên các phương tiện truyền thông chính thống do nhà nước kiểm soát xuất hiện một làn sóng chỉ trích cuốn sách này vì những “sai sót” trong nội dung cuốn sách.
Tôi đã đọc bản đính chính những chỗ sai sót của cuốn sách, do anh Nguyễn Văn Phước (Giám đốc First News) gửi qua messenger cho tôi, và đã post lên FB bản đính chính đó để mọi người được biết.
Theo tôi, sách viết không chính xác một số chi tiết thì phải xin lỗi những người liên quan trong nội dung cuốn sách, xin lỗi độc giả và phải đính chính, thậm chí phải thu hồi để sách cũ và “đền” sách mới cho những ai đã mua.
Đó là việc xưa nay những nhà xuất bản tử tế trên thế giới đều phải làm, đã làm và sẽ tiếp tục làm. First News vì uy tín và sự sống còn của mình, thì cũng phải làm thôi.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ: đây không phải là cuốn sách bình thường như bao cuốn sách khác, mà là cuốn sách công bố những điều mà những kẻ có quyền lực, vì một lý do nào đó, không muốn công bố và không muốn cho phép người khác công bố những điều mà cuốn sách này đã công bố.
Vì thế, với những sai sót cụ thể như trong bản đính chính đã được First News công bố, thì người ta không quan tâm nhiều lắm. Chủ yếu là họ quan tâm đến việc CÓ hay KHÔNG “lệnh cấm nổ súng” hay “lệnh cấm nổ súng TRƯỚC” mà thôi.
Một nhân chứng trong cuộc chiến này là hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh, đã cung cấp thông tin cho nhóm làm sách một chi tiết, được in trong sách: “Tôi tính lượm khẩu súng của tên chỉ huy (Trung Quốc - TĐAS chú thêm) để bắn chết nó nhưng vì có lệnh KHÔNG ĐƯỢC NỔ SÚNG (TĐAS nhấn mạnh) nên thôi. Nếu cho thì tôi đã bắn chết nó rồi, rốt cuộc tôi bị nó đâm lê vào người và bị đạn bắn ngã ngửa” (tr. 43, xem ảnh 2).
Một nhân chứng khác là Thuyền trưởng tàu HQ 505 Vũ Huy Lễ, người đã ra lệnh lái chiếc tàu này lao lên bãi đá Cô Lin trong sáng ngày 14/3/1988, trở thành “công sự khổng lồ dài tới 100 m, rộng 18 m án ngữ lối lên bãi Cô Lin” để bảo vệ Cô Lin, và chỉ với 10 người, với trang bị là súng bộ binh, nhưng dựa vào “công sự” HQ 505 này, họ đã quyết tâm bảo vệ đá Cô Lin đến cùng đã thành công, khiến cho Trung Quốc thấy “tàu của Việt Nam đã lên bãi cạn, không thể chìm nữa, phía Trung Quốc bắn thêm 1 đợt nữa rồi lùi ra xa” (tr. 79, xem ảnh số 5).
Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã cùng với 9 đồng đội đã kiên trì bám trụ trên “bệ pháo HQ 505” ở Cô Lin suốt 2 tháng. Đó là những ngày tháng cực kỳ căng thẳng khi hàng ngày phải đối phó với sự uy hiếp, đe dọa của tàu Trung Quốc (xem nội dung ở các ảnh 5, 6, 7). Ông kể: “Có lúc tàu Trung Quốc đến rất gần, nghĩ đến anh em trên tàu HQ 604 đã hy sinh, những người bảo vệ Cô Lin trên tàu HQ 505 rất căm phẫn, muốn sử dụng DKZ, B40, B41 bắn chìm tàu đối phương. Nhưng khi báo cáo về quyết tâm bắn để báo thù cho tàu HQ 604, Sở chỉ huy trả lời: “Nắm vững đối sách trên biển, chỉ nổ súng khi đối phương đổ quân lên tàu, lên đảo…” (tr. 80, xem ảnh 7).
Như vậy là sau khi Trung Quốc đã nổ súng sát hại 64 chiến sĩ hải quân và công binh Việt Nam rồi, thì những người bảo vệ Cô Lin vẫn chưa được phép nổ súng, mà phải đợi quân xâm lược Trung Quốc nổ súng trước (lần thứ n) thì mới được chống trả.
Nhiều người, sĩ quan cao cấp có, đám DLV có và những kẻ chửi thuê trên mạng cũng có, đã cho rằng đây là “cuốn sách phản động”. Họ chửi rửa Thiếu tướng Lê Mã Lương với những ngôn từ bẩn thỉu, chụp mũ chính trị ông ấy và đề nghị xem xét kỷ luật những người viết sách, khi chưa đọc cuốn sách này, cũng chỉ vì chi tiết “không được nổ súng” hay “không được nổ súng TRƯỚC” này.
Tuy nhiên, tôi tin những người lính trực tiếp chiến đấu ở Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao. Họ bị quân thù bắn xối xả, muốn phản kháng lại, dù bằng vũ khí yếu hơn, nhưng họ đã không làm vì “có lệnh của trên”. Lệnh đó tôi tin không bao giờ có bằng văn bản, mà chỉ phổ biến tới những người lính. Người trực tiếp ra lệnh cho họ ở trận tiền thì đã hy sinh. Người còn sống kể lại lý do vì sao anh không nổ súng cho những người làm sách thì thấp cổ bé họng, nói ra thì bị cho là nói sai sự thật. Tôi nghĩ: giữa phút sinh tử ấy, không ai nói dối làm gì, trừ khi ai đó ép buộc họ phải nói dối.
2. Trong những ngày này, tôi đang miệt mài lập hồ sơ tên đường cho đề tài “Ngân hàng tên đường tỉnh Khánh Hòa”. Tôi đã lập hồ sơ của 21 thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đang quản lý, và hơn 10 tên của các thể địa lý khác trước đây Việt Nam đã kiểm soát nhưng nay bị Trung Quốc, Philippines, Đài Loan và Malaysia chiếm đóng để đưa vào “ngân hàng tên đường”. Tôi cũng chọn lọc tên của 10 liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma để lập hồ sơ, đưa vào “ngân hàng tên đường” (đợt 1) và tiếp tục lập hồ sơ của những liệt sĩ khác để đưa vào “ngân hàng tên đường” (đợt 2).
Vì công việc này, tôi tìm đọc nhiều tài liệu có liên quan về quần đảo Trường Sa, về Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao và trận chiến ngày 14/3/1988. Trong số đó có cuốn sách “Những điều cần biết về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực thềm lục địa phía Nam (DK1)”, do Bộ Tư lệnh Hải quân - Cục Chính trị chủ biên, Nxb Thông tin và Truyền thông xuất bản năm 2015.
Và, khi viết hồ sơ cho đá Cô Lin và đá Len Đao, tôi thấy trong phần viết về đá Cô Lin trong cuốn sách này không có dòng nào viết về trận chiến ngày 14/3/1988, về việc Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho tàu HQ 505 lao lên bãi đá Cô Lin, biến chiếc tàu này thành công sự và bảo vệ thành công chủ quyền của Việt Nam tại đá Cô Lin trước sự tấn công xâm lược của Trung Quốc (xem các ảnh 9 và 10), không hề nhắc đến cuộc chiến đấu bảo vệ Cô Lin đầy quả cảm của các anh trong phần viết về địa danh bi tráng này.
Tuy nhiên, trong phần viết về đá Len Đao ở trang kế tiếp thì sách này có ghi mấy dòng ít ỏi như sau: “Sự kiện ngày 14/3/1988 còn mãi in đậm trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam khi Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Trường Sa. Trong sự kiện này 64 cán bộ, chiến sĩ cùng 3 tàu đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển cả. Các anh đã anh dũng ngã xuống khi tuổi đời còn tươi đẹp nhất…” (tr. 101, xem ảnh 11).
Tên của cuốn sách là “Những điều cần biết về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực thềm lục địa phía Nam (DK1)”. Cái mà độc giả cần biết nhất thì không viết, hoặc viết 1 cách cảm tính “Sự kiện ngày 14/3/1988 còn mãi in đậm trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam…”, khi mà thông tin về sự kiện Trung Quốc thảm sát các chiến sĩ hải quân và công binh Việt Nam ở Gạc Ma ngày 14/8/1988 thì mãi đến những năm gần đây mới được công bố trên một số phương tiện truyền thông của nhà nước. Và rất nhiều người dân còn không biết ngày 14/3 là ngày gì?, những người dân tự phát tổ chức kỷ niệm ở Hà Nội, Sài Gòn… còn bị quấy phá, ngăn cản, thì lấy đâu ra chuyện “còn mãi in đậm trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam” như cuốn sách chính thống này viết.
Vậy nên, khi đọc và so sánh nội dung hai cuốn sách: “Gạc Ma. Vòng tròn bất tử” và “Những điều cần biết về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực thềm lục địa phía Nam (DK1)”, thì tôi đã rõ vì sao cuốn “Gạc Ma. Vòng tròn bất tử” bị “lên bờ, xuống ruộng” cả trước, trong và sau khi xuất bản.
Và, tôi cũng đã rõ ai là người nói thật, ai là người nói dối, và VÌ SAO LẠI THẾ?
Tôi nghĩ: bạn bè tôi ai đọc bài này trên FB của tôi, chắc cũng có suy nghĩ như tôi. Để rồi, tôi, các bạn, những người đã chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc ở Gạc Ma may mắn còn sống sót và thân nhân của những liệt sĩ Gạc Ma sẽ phải lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong tâm can mà thôi.
Quá buồn phải không các bạn?
TRẦN ĐỨC ANH SƠN (@ Đà thành, Quảng Nam quốc)
*******
Góp ý từ:
Võ Văn Tạo
1. Ngày 20/12/2008, nghe tin ngư dân Quảng Ngãi tình cờ lặn tìm sắt vụ trên tàu HQ604, phát hiện hài cốt liệt sĩ ta, tôi xác minh qua Vùng 4 HQ, Bộ Tư lệnh HQ, Bộ Ngoại giao... để soạn bản tin "Phát hiện hài cốt liệt sĩ ở Gạc Ma" và gửi Báo Tuổi Trẻ. BTV Tuổi Trẻ điện hồi âm sau 40 phút: Tòa soạn đánh giá tin hay đặc biệt, nhưng quyết định không đăng, vì lo ngại bạn đọc bức xúc, trách Nhà nước thiếu trách nhiệm hơn 20 năm...
Tôi chia bản tin cho phóng viên Nguyễn Đình Quân, thường trú tại Nha Trang (cậu ấy mách tôi manh mối thông tin này). Ngày 21/12/2008, Tiền Phong đăng tin. Tôi gửi đường link của Tiền Phong cho Tuổi Trẻ. Ngày 22/12/2008, Tuổi Trẻ đăng tin trên báo in, trong 1 BOX màu đỏ, ghi tác giả V.T (bút danh các bản tin tôi cộng tác với Tuổi Trẻ), giữa phóng sự Phát hiện hố chôn tập thể bộ đội ở Phú Quốc, và cập nhật lên Tuổi Trẻ onlines.
Khuya 22/12/2008, các bản tin onlines nói trên trên Tuổi Trẻ, Tiền Phong bị bóc, không có lời giải thích, xin lỗi bạn đọc.
2. Đầu 2016, được biết cuốn sách "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử" gặp trở ngại khâu giấy phép xuất bản, tôi điện trao đổi cùng nhà báo Lê Xuân Trung ở Tuổi Trẻ. Trung nói, do chất lượng biên tập yếu, không phải do "nhạy cảm". Tôi không đồng ý, và đáp: chuyện của NXB, họ lo chẳng lo thì thôi (sách dở thì bán ế), cơ quan quản lý xuất bản không có lý do gì lo hộ.
Điện hỏi anh Lê Mã Lương, anh bức xúc kể nỗi trần ai khâu giấy phép, và cho biết: các cơ quan quản lý cứ đẩy hết cơ quan này, đến cấp kia, và còn lập cả Hội đồng thẩm định Quốc gia với cuốn sách... Bản thảo đã được trao cho Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khá lâu (khi tại chức), và tướng Thanh hứa sẽ sớm có ý kiến, nhưng đến nay vẫn bặt tăm.
Tôi bèn nhắn tin cho tân Trưởng Ban Tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng, đề nghị lưu tâm tháo gỡ. Anh Thưởng có nhắn hồi âm cảm ơn tin nhắn. Tuy vậy, 2 năm rưỡi sau, cuốn sách mới được ra mắt công chúng một cách chẳng suôn sẻ, do vài người, đặc biệt là thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Công binh, định kiến với tướng Lê Mã Lương, lên tiếng mạt sát anh Lương hoàn toàn vô lối, đòi thu hồi sách, xử lý NXB và tướng Lương... trong khi tướng Kiền chưa hề cầm cuốn sách trên tay.
Hai chuyện trên cho thấy: nỗi khiếp nhược khi nói đến vụ thảm sát Gạc Ma ám ảnh rất nặng nề quan chức quản lý truyền thông, xuất bản và lãnh đạo các báo quốc doanh. Hầu như ai cũng trọng cái ghế dưới đít họ hơn Tổ quốc, đồng bào, máu xương chiến sĩ.
(Face Book)
Trí Nhân Media
*******
Góp ý từ:
Võ Văn Tạo
Xin kể thêm vài tình tiết liên quan Gạc Ma và sách "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử":
1. Ngày 20/12/2008, nghe tin ngư dân Quảng Ngãi tình cờ lặn tìm sắt vụ trên tàu HQ604, phát hiện hài cốt liệt sĩ ta, tôi xác minh qua Vùng 4 HQ, Bộ Tư lệnh HQ, Bộ Ngoại giao... để soạn bản tin "Phát hiện hài cốt liệt sĩ ở Gạc Ma" và gửi Báo Tuổi Trẻ. BTV Tuổi Trẻ điện hồi âm sau 40 phút: Tòa soạn đánh giá tin hay đặc biệt, nhưng quyết định không đăng, vì lo ngại bạn đọc bức xúc, trách Nhà nước thiếu trách nhiệm hơn 20 năm...
Tôi chia bản tin cho phóng viên Nguyễn Đình Quân, thường trú tại Nha Trang (cậu ấy mách tôi manh mối thông tin này). Ngày 21/12/2008, Tiền Phong đăng tin. Tôi gửi đường link của Tiền Phong cho Tuổi Trẻ. Ngày 22/12/2008, Tuổi Trẻ đăng tin trên báo in, trong 1 BOX màu đỏ, ghi tác giả V.T (bút danh các bản tin tôi cộng tác với Tuổi Trẻ), giữa phóng sự Phát hiện hố chôn tập thể bộ đội ở Phú Quốc, và cập nhật lên Tuổi Trẻ onlines.
Khuya 22/12/2008, các bản tin onlines nói trên trên Tuổi Trẻ, Tiền Phong bị bóc, không có lời giải thích, xin lỗi bạn đọc.
2. Đầu 2016, được biết cuốn sách "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử" gặp trở ngại khâu giấy phép xuất bản, tôi điện trao đổi cùng nhà báo Lê Xuân Trung ở Tuổi Trẻ. Trung nói, do chất lượng biên tập yếu, không phải do "nhạy cảm". Tôi không đồng ý, và đáp: chuyện của NXB, họ lo chẳng lo thì thôi (sách dở thì bán ế), cơ quan quản lý xuất bản không có lý do gì lo hộ.
Điện hỏi anh Lê Mã Lương, anh bức xúc kể nỗi trần ai khâu giấy phép, và cho biết: các cơ quan quản lý cứ đẩy hết cơ quan này, đến cấp kia, và còn lập cả Hội đồng thẩm định Quốc gia với cuốn sách... Bản thảo đã được trao cho Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khá lâu (khi tại chức), và tướng Thanh hứa sẽ sớm có ý kiến, nhưng đến nay vẫn bặt tăm.
Tôi bèn nhắn tin cho tân Trưởng Ban Tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng, đề nghị lưu tâm tháo gỡ. Anh Thưởng có nhắn hồi âm cảm ơn tin nhắn. Tuy vậy, 2 năm rưỡi sau, cuốn sách mới được ra mắt công chúng một cách chẳng suôn sẻ, do vài người, đặc biệt là thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Công binh, định kiến với tướng Lê Mã Lương, lên tiếng mạt sát anh Lương hoàn toàn vô lối, đòi thu hồi sách, xử lý NXB và tướng Lương... trong khi tướng Kiền chưa hề cầm cuốn sách trên tay.
Hai chuyện trên cho thấy: nỗi khiếp nhược khi nói đến vụ thảm sát Gạc Ma ám ảnh rất nặng nề quan chức quản lý truyền thông, xuất bản và lãnh đạo các báo quốc doanh. Hầu như ai cũng trọng cái ghế dưới đít họ hơn Tổ quốc, đồng bào, máu xương chiến sĩ.
Trí Nhân Media
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét