Trong lịch sử thông luật, thời hạn thuê 99 năm được xem là
thời hạn cho thuê bất động sản dài nhất có thể.
Nền tảng lý thuyết để lý giải cho thời hạn này không rõ ràng
lắm. Một số cho rằng đây là một thời hạn an toàn để người thuê đất có thể an
tâm đầu tư, khai thác và sử dụng đất, vì 99 năm thuê đủ để vượt qua kỳ
vọng tuổi thọ của người thuê. Trong khi đó, nó cũng bảo đảm quyền sở hữu
trong tương lai của người cho thuê và những người thừa kế của mình đối với mảnh
đất.
Vương Quốc Anh đã phổ biến thời hạn 99 năm trở thành biểu tượng
của chủ nghĩa đế quốc bằng việc cưỡng ép nhiều quốc gia yếu thế hơn tham gia
vào các hiệp định hình thành tô giới (hay territorial concession) với chính
sách ngoại giao pháo hạm khét tiếng (gunboat
diplomacy). Ví dụ điển hình nhất của chính sách này là thoả
thuận thuê Hong Kong mà Anh quốc ký với triều đình nhà Thanh của Trung
Quốc vào năm 1898.
Còn hiện nay, Trung Quốc, với sự lớn mạnh kinh tế và bành
trướng quân sự của mình đang ‘trả thù đời’ với thời hạn thuê 99 năm tương tự tại
nhiều quốc gia, được nhiều nhà quan sát gọi là chủ nghĩa đế quốc chủ nợ Trung
Hoa.
Tháng 12 năm ngoái, Sri Lanka chính thức bàn giao cảng Hambantota cho
chính quyền Trung Quốc. Hambantota, nằm tại đường biển phía Nam Sri Lanka, là cảng
biển có vị thế địa chính trị đặc biệt quan trọng, cho phép Trung Quốc tiếp cận
nhiều cung đường biển giao thoa ở Ấn Độ Dương.
Đây là chiến thắng quan trọng của chính quyền Bắc Kinh trong
việc hiện thực hóa chiến lược Vành đai và Cung đường (Belt and Road
Initiative), được Chủ tịch Tập Cận Bình ca ngợi là ‘“dự án
thế kỷ” – và chứng tỏ chính sách ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc hiệu
quả đến thế nào trong việc kiểm soát các chính phủ tại nhiều quốc gia đang phát
triển.
Theo thông báo chính thức của chính phủ Sri Lanka, việc giao
quyền kiểm soát cảng biển này cho Trung Quốc trong thời hạn 99 năm trị
giá 1,12 tỉ USD, dưới hình thức bán lại 85% cổ phần trong công ty quản lý
Hambantota.
Tuy nhiên, phần lớn khoản tiền cho thuê này không vào túi
chính phủ Sri Lanka, mà được dùng để trả khoản tiền mà Sri Lanka đang nợ chính
phủ Trung Quốc cho chính việc xây dựng cảng biển này. Công ty China Merchants
Port Holdings, cùng với Cơ quan Quản lý Cảng Quốc gia Sri Lanka, là các đại diện
sở hữu vốn góp trong hai công ty chiếm hữu, sử dụng và quản lý cảng –
Hambantota International Port Group (HIPG) và Hambantota International Port
Services (HIPS).
Giới quan sát cho đây là hành vi hy sinh chủ quyền của chính
phủ Sri Lanka nhằm khỏa lấp cho thất bại điều hành quốc gia của mình, và cho thấy
giới chức Sri Lanka đang khuất phục trước thứ gọi là chủ
nghĩa đế quốc chủ nợ, thuật ngữ do nhà phân tích Ấn Độ Brahma Chellaney
tiên phong sử dụng.
Có vay có trả, tại sao gọi việc cho vay nợ này là chủ nghĩa
đế quốc? Theo người viết, có ba lý do chính.
Trước tiên, Chính phủ Trung Quốc chủ động thực hiện chính
sách phá giá cho vay và khuyến khích vay. Các dự án cho vay của các tổ chức
phương Tây như OECD, USAID, UKAID hay các ngân hàng thế giới thường kèm theo
các yêu cầu về cải thiện tình trạng dân chủ, cải cách thượng tầng hệ thống pháp
luật, bảo đảm quyền con người, minh bạch hóa, kèm theo các chính sách không
phân biệt đối xử hay yêu cầu bảo vệ môi trường, v.v.
Người Trung Quốc không yêu
cầu bất kỳ điều gì được liệt
kê ở trên. Họ cực kỳ thành công khi áp dụng phương án cho vay ‘không
vướng bận’ này tại châu Phi và đang củng cố vị thế của mình tại đây.
Hiển nhiên, chúng không khác gì mua chuộc và làm mục ruỗng
giới cầm quyền. Con nợ, nắm nguồn tư bản lớn để thực hiện các dự án quốc gia mà
không phải thông qua người dân, các nhà lãnh đạo được giải thoát khỏi trách nhiệm
giải trình, trách nhiệm minh bạch hóa hay trách nhiệm hoàn thiện hóa bộ máy nhà
nước để sử dụng ngân sách một cách hiệu quả. Tham nhũng và tiêu cực là câu chuyện
một sớm một chiều. Nhưng cũng vì vậy, nó giúp chính quyền Bắc Kinh dễ kiểm soát
nền chính trị quốc gia của con nợ hơn.
Với hơn hai nghìn tỉ USD trong ngân khố quốc gia và nhiều quỹ
đầu tư nước ngoài chuyên biệt sở hữu hàng chục tỉ USD, không quá khó để chính
quyền Trung Quốc thực hiện những chiến dịch cho vay vô điều kiện, miễn là họ kiểm
soát được những thứ họ muốn. Tại châu Phi, đó có thể là nguyên liệu thô. Tại những
quốc gia biển như Sri Lanka hay một số quốc gia khác, là những vị trí cảng, đất
đai chiến lược.
Điểm nhấn thứ hai chứng tỏ Trung Quốc đang theo đuổi chủ
nghĩa đế quốc chủ nợ là họ không kỳ vọng con nợ có thể trả được nợ. Sri Lanka
cũng là một ví dụ kinh điển cho cách mà hệ thống hạ tầng xây bằng nợ của Trung
Quốc vận hành. Cần tái thiết đất nước sau cuộc nội chiến đẫm máu, thủ đô
Colombo đã nhận gần 15 tỷ USD trong giai đoạn 2005 – 2017 từ Bắc Kinh để xây dựng
lại hệ thống đường xá, hạ tầng cùng nhiều dự án tham vọng như cảng biển chiến
lược, sân bay quốc tế và cả một khu đô thị mới có tên gọi Colombo Port City.
Tuy nhiên, do thiếu giải trình, thiếu phản biện và lại được
Bắc Kinh ngầm khuyến khích tham nhũng, thành quả của hàng tỉ USD đầu tư được
tóm tắt rõ ràng nhất trong lời than vãn của Ravi Karunanayake – Bộ trưởng Bộ Tài chính Sri Lanka khi trả lời
phỏng vấn CNN: “Họ xây cầu những nơi không có sông… Đó là thứ tiêu cực đang
diễn ra hằng ngày trên đất nước tôi”.
Sự thất bại của hàng loạt dự án trọng điểm tiêu tốn đến hàng
tỉ USD đều được báo trước. Sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa là một sân
bay ma,
nơi mà những người đến đó chỉ là khách du lịch địa phương muốn chiêm ngưỡng sân
bay hoành tráng nhất nhì quốc gia, hiện đại chuẩn quốc tế giữa một khu rừng
già. Cảng Hambantota là một thất
bại thương mại thảm hại với tổng giá trị đầu tư lên đến 1,5 tỉ USD,
nhưng gần như không tiếp đón được con tàu nào.
Song như đã nói, thất bại thương mại hay thất thu ngân sách
là vấn đề của chính phủ và người dân Sri Lanka, Bắc Kinh không quan tâm. Khi các
công trình do các công ty Trung Quốc thi công bằng tiền vay không tạo ra đủ
doanh thu để chi trả nợ và chi phí duy trì, chúng ta đến với bước thứ ba của
chủ nghĩa đế quốc chủ nợ Trung Quốc – thu hồi nợ bằng chủ quyền quốc gia.
“Nếu chúng tôi [Chính phủ Sri Lanka] tiếp quản cảng, doanh
thu từ cảng thậm chí không đủ để duy trì hoạt động và chi trả các chi phí thường
xuyên khác. Vậy nên chúng tôi từ lâu đã đàm phán với chính phủ Trung Quốc rằng
[…] một bản đồ quy hoạch công nghiệp hóa tỉnh Hambantota đang được hình thành,
bao gồm 50 km vuông đất mặt bằng dùng cho sản xuất công nghiệp dành riêng cho
các doanh nghiệp Trung Quốc”.
Vào tháng 12 năm 2016, Thủ tướng Sri Lanka Ranil
Wickremesinghe lạc quan khẳng
định mình có thể khiến cảng Hambatota hoạt động đúng kỳ vọng như trên,
mặc cho sự thật là Hambatota sẽ không đạt được bất cứ kỳ vọng nào nếu không có
những nhượng bộ lãnh thổ cho doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng và chính quyền
Trung Quốc nói chung.
Một năm sau, Hambatota (và có thể một phần lớn diện tích đất
đai xung quanh cảng trong tương lai gần) trở thành tô giới của Trung Quốc như
chúng ta đã biết.
Sri Lanka chắc chắn không đơn độc trong việc đối phó với chủ
nghĩa đế quốc chủ nợ Trung Hoa. Hầu hết các quốc gia giàu tài nguyên thô ở châu
Phi, các quốc gia láng giềng Đông Nam Á, gã
khổng lồ Pakistan, những tiểu quốc vùng Nam Á hay cả kể thánh
địa du lịch Maldives đều đã rơi vào bẫy nợ của Bắc Kinh.
Tô giới một khi đã hình thành, sẽ trở thành gánh nặng chính
trị, rủi ro quốc phòng cũng như bãi nước bọt nhổ vào niềm tự hào dân tộc – thứ
mà mỉa mai thay chỉ cách đây trăm năm chính người Trung Quốc đã phải đay nghiến
chịu đựng và gọi nó là “thế
kỷ ô nhục” – giờ họ đang áp đặt chúng lên những quốc gia yếu thế khác.
99 năm thuê đất không làm nên cái gọi là đặc khu kinh tế.
Tên gọi đúng của chúng là tô giới, là sản phẩm của chủ nghĩa thực dân đang được
một kẻ tân thực dân vận dụng. Và như thứ thuốc phiện người Anh xuất khẩu cho
nhân dân Trung Hoa sử dụng, những khoản vay dễ dàng của Bắc Kinh ngày nay cũng
gây nghiện như thế.
Một quyết tâm chính trị cao để tự thân vận động, sửa đổi từ
bên trong mô hình kinh tế – chính trị – xã hội Việt Nam, thay vì tìm kiếm câu
trả lời bằng vay nợ và khuất phục chủ quyền, đang rất cần được đánh thức bên
trong thâm tâm các đại biểu của Quốc hội Việt Nam.
Nice, Keep it up.
Trả lờiXóaRealistic One