Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




QUÊ HƯƠNG CHÌM TRONG BÓNG ĐÊM


Ngô Quốc Sĩ
2-5-2018

Thi ca chống cộng trong lòng chế độ càng ngày càng phổ biến. Từ Nhân Văn Giai Phẩm với Phùng Quán, Trần Dần, Hữu Loan, Hoàng cầm, đến Nguyễn Chí Thiện, rồi Bùi Minh Quốc, Phan Huy, Trương Chi, người ta đã có dịp chứng kiến những viên đạn xuyên thủng lòng địch. 

Nay Nguyễn Trầm Nguyễn, một cô gái chân yếu tay mềm, cũng góp thêm những viên đạn xuyên phá. “Bài Thơ Của Đêm” đã rọi những tia sáng vào bóng tối, phơi bày hiện thực bi đát như một đêm dài lịch sử.

Vào thơ, Nguyễn Trầm Nguyễn đã trần tình về hoàn cảnh của mình như một người trẻ lớn lên trong lòng chế độ, đã bị đầu độc nhồi nhét những tư tưởng ngoại lai phản tiến hóa, đưa dân tộc vào vào vũng lầy tăm tối:

Con viết cho Ba bài thơ của Đêm
Vắng bóng trăng hiền soi hàng hiên lặng
Bên cạnh con, sách triết Marx-Lénine
Nhưng trước mặt, sau lưng là tối tăm vây hãm

Tuổi trẻ Việt đã được nuôi dưỡng học tập không phải để “ngày mai giúp đời”, hay để “phụng sự Tổ Quốc”, mà chỉ để yêu Bác yêu Đảng, những con quái vật đầy huyền thoại giả trá, khí cụ đàn áp và hủy diệt dân tộc:

Con trưởng thành bằng nhọc nhằn của Mẹ
Để đến trường ca ngợi “Bác kính yêu”
Mẹ vẫn già đi, vẫn cực khổ sớm chiều
Nuôi con lớn, để kéo cày
đền đáp “ơn dưỡng nuôi của Đảng”

Không biết ơn Bác Đảng lớn lao thế nào mà từ ngày gọi là độc lập thống nhất, kiếp sống người dân càng ngày càng khốn khổ thê lương. Cha thì tù tội. Mẹ già phải còng lưng tần tảo ngày đêm vẫn không đủ chén cơm manh áo:

Ba ơi,
Nước mắt không rơi, con chỉ khóc trong lòng
Thương Mẹ già nua, bán buôn lao nhọc
Mưa trút, nắng thiêu ngồi chắt góp từng đồng

Còn em thơ, cũng phải chịu cảnh lạnh lẽo đêm thu, không bao giờ dám mơ tưởng đến giường êm nệm ấm:

Ba ơi
Thu sang đêm nay mưa rơi lạnh
Tội em con, áo mỏng ngủ không giường
Nhưng thương cho em nỗi buồn vẫn nhỏ 

Mẹ và em đều chung cảnh đói rét cực khổ, nhưng bi đát hơn, cả một dân tộc đang bị đọa đày trên chính quê hương mình, kéo lê kiếp sống đắng cay trong mùa đông lạnh giá:

Nghĩ đến Quê hương uất nghẹn đến vạn lần
Biết có bao giờ tìm lại được mùa Xuân, hở Ba
Cho dân tộc đã trăm cay nghìn đắng ?

Nói chung, tất cả mọi con dân đất Việt đều là nạn nhân của chế độ, từ cha mẹ già đến em bé thơ, ngoại trừ bọn “con cha cháu ông” đang dựa thế cậy quyền, sống phè phỡn trên xuơng máu đồng bào:

Những mẹ già ngồi im như thạch tượng
Nhìn người dạo qua, nhìn tháng ngày qua
Những bé thơ chưa một ngày vui sướng
Hạnh phúc bỏ quên em, chỉ đến với uy quyền

Nguyên nhân gây gieo rắc tai họa oan khiên lên đầu dân Việt đâu còn ai khác ngoài bọn con hoang đao phủ đã đem cờ đỏ búa liềm về đóng đinh dân tộc, độc quyền rao giảng chân lý cộng sản dối lừa:

Họ có quyền, Ba ạ, kể cả quyền chém giết
Không bằng súng gươm, nhưng với … Búa và Liềm!
Chân Lý
Nằm trong tay kẻ có chức, có tiền 

Hiện tại bi đát, còn tương lai thì mờ mịt. Bóng tối phủ trùm lịch sử, che khuất mọi tia sáng hy vọng. Dân Việt sống như mò mẫm trong bóng đêm như Vũ Thư Hiên đã viết là “Đêm Giữa Ban Ngày” và Dương Thu Hương đã gọi là “Thiên Đường Mù”:

Tương lai, hở Ba?
Con xin Ba đừng hỏi
Sống hôm nay, làm sao con có thể trả lời
Những đôi tay, dù đen sạm rã rời
Vẫn chưa đủ tô thắm màu cờ đỏ
Và vẫn trắng, nỗi xót xa nghèo khổ

Kéo lê kiếp sống đọa đày, dân Việt điêu đứng, vất vưởng như mù như câm như điếc, mò mẫm trong bóng tối vô vọng. Trần dần đã nhoà lệ, thấy mưa sa trên màu cờ đỏ, thì Nguyễn Trầm Nguyễn cũng đã khóc đến khô nước mắt, chỉ thấy mưa bay nghiêng trên sách vở Mác- Lê, như chứng tích của sai lầm và tội ác:

Ba ơi,
con không còn biết khóc!
Mưa bay nghiêng vào đậu trên sách học
Nhưng không làm ướt được triết Mác-Lê
Đêm đang qua nhưng ánh sáng không về
Con sống tựa kẻ mù, và câm, và điếc.

Điều đáng phấn khởi là Nguyễn Trầm Nguyễn đã kiên cường giữ vững bản lãnh, không bị cùm đỏ làm nhụt chí. Cô gái mang dòng máu Triệu Trưng đã hiên ngang chỗi dậy từ cõi chết, tiếp tục sống và hy vọng ở một ngày mai tươi sáng:

Giải băng đỏ ngày một thêm vòng xiết
Nhưng không bao giờ trói được óc tim con!
Nhưng không bao giờ diệt được sức sống còn
Con đã sống, Ba ạ
Và sẽ sống, vươn lên từ nỗi chết!

Chỗi dậy, vươn lên từ cõi chết, cô gái chân tay yếu mềm đã cảm thấy tự hào với ý chí sắt thép, với con tim bừng cháy tình yêu quê hương dân tộc:

Những ngày tháng qua, mỗi khi nhìn lại
Con xót xa nhưng cũng rất tự hào
Con buồn nhiều nhưng hãnh diện biết bao
Con gái Ba đã cứng cỏi hơn ngày xưa nhiều lắm

Từ niềm hãnh diện và tự hào đó, Nguyễn Trầm Nguyễn đã cảm thấy như thể sống lại trong niềm vui phục sinh. Đó cũng chính là niềm vui cho Ba và cho cả dân tộc, quyết đứng lên, siết chặt tay nhau dựng lại quê hương:

Và Dân tộc, vui đi Ba! Vẫn sống!
Vẫn lớn như rừng chân đạp chông gai
Đan chặt tay nhau vững bước đường dài
Chung bước chân, xẻ chia từng lao nhọc..

Một khi tìm lại được sức sống, tác giả cũng như toàn thể dân Việt đã tìm thấy hạnh phúc thực sự. Đó niềm hạnh phúc từ cõi chết sống lại, từ bóng tối nhìn thấy ánh sáng. 

Viết cho Ba, đêm nay con trọn thức
Bài thơ của Đêm, mưa lạnh ngoài trời
Quanh đây bao người cầu mong chút ấm vui
Ba! Ba ạ,
Con thế này, đã là vô cùng hạnh phúc
Giờ đây con đang hạnh phúc
Vì cùng Ba con nói thật được lòng mình

Nói thật được lòng mình, trần tình tất cả tư duy của mình về bản chất và thực tại của chế độ, đó chẳng phải là giải tỏa được những u uất, chia sẻ được những trăn trở, và tìm lại được sức sống và niềm tin hay sao?

Trí Nhân Media



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét