12-4-2018
trích từ "Nhân Vật Ngô Đình Diệm trong phim The Vietnam War"
"Năm 1972, trong cuộc tiếp đón Tổng thống Nixon viếng thăm Bắc
Kinh. Chủ tịch Mao Trạch Đông đã thân mật nói với Nixon rằng “Các ông đã
phạm sai lầm lớn khi quyết định loại bỏ Ngô Đình Diệm” ( Hồi ký của Nixon ).
Ngày đó cũng như ngày nay ít có người phân tích được câu nói của Mao.
Thực ra ý của ông Mao muốn nói việc giết Tổng thống Diệm
không chỉ đơn thuần đưa tới hậu quả là nhân dân Việt Nam không có minh chủ,
lòng dân ly tán; mà còn đưa tới viễn ảnh chỉ còn Hồ Chí Minh là minh chủ
duy nhất của dân tộc Việt Nam, nhất là đối với người dân quê. Tự nhiên
người dân cả hai miền đều thấy Hồ Chí Minh có lý và người Mỹ vô cùng phi
lý.
Trong khi đó cây súng của các quân nhân VNCH cũng tự nhiên chùn lại trước cái chết bi thảm của người minh chủ của họ. Từ nay họ không biết chiến đấu cho ai, phải chăng chỉ còn chiến đấu cho ông chủ Mỹ? Dĩ nhiên là Hà Nội thấy ngay điều này và họ không dại gì bỏ lỡ cơ hội."
Sự nghiệp chính trị của Ngô Đình Diệm
*( Trích sách “Bối Cảnh Lịch Sử Chính Trị Việt Nam” của Bùi
Anh Trinh ).
Ngô Đình Diệm có khởi điểm chính trị thuận lợi là nhờ đứng
trên vai của hai nhân vật ái quốc nổi tiếng là thân phụ Ngô Đình Khả và nghĩa
phụ Nguyễn Hữu Bài. Ông Khả là người giúp vua Thành Thái chống Pháp và
xúi vua Duy Tân chống Pháp. Pháp đưa Thành Thái, Duy Tân đi đày thì ông vận
động chống lại. Cuộc vận động không thành công, ông từ quan về hưu.
Ông Nguyễn Hữu Bài làm quan đứng đầu triều đình nhà Nguyễn
nhưng tham gia Duy Tân hội, là một hội kín chống pháp của Phan Bội Châu và Cường
Để. Khi vua Thành Thái bị đi đày thì ông Bài đề nghị đưa Hàm Nghi đang bị
đi đày về làm vua trở lại. Pháp không chịu thì ông đề nghị đưa con của
Thành Thái lên làm vua. Mới lên ngôi lúc 7 tuổi, nhà vua lấy đế hiệu
là Duy Tân, tức là tên hội kín chống Pháp của Cường Để. Đến 16 tuổi nhà
vua tổ chức làm binh biến lật đổ người Pháp. Cuộc binh biến thất bại nhà
vua bị đày sang Châu Phi.
Năm 1933 Bảo Đại chính thức lên làm vua thì Nguyễn Hữu Bài
xin về hưu và đề cử Ngô Đình Diệm thay thế ông làm Thượng thư bộ Lại kiêm Chủ tịch
hội đồng canh tân, chỉ huy tất cả các quan Việt và Pháp. Lúc đó NĐD mới
33 tuổi.
Được 3 tháng thì NĐD trả chức cho Bảo Đại vì lý do
Pháp coi Việt Nam như một xứ thuộc địa chứ không phải là xứ bảo hộ theo như hiệp
ước mà vua Kiến Phước đã ký với chính phủ Pháp. ( Xứ thuộc địa là đất sở hữu của
nước Pháp. Còn xứ bảo hộ là đất tự trị nhưng được nước Pháp đỡ đầu về ngoại
giao, quân sự và tài chánh )
Tháng 3 năm 1945 Nhật trao trả độc lập cho Việt Nam, Bảo Đại
nhờ Ngô Đình Diệm lập chính phủ cách mạng nhưng ông từ chối với lý do bị bệnh,
nhưng thực ra ông cùng với 2 con trai Cường Để đang tính rước Cường Để từ
Nhật về làm quốc trưởng thay Bảo Đại.
Năm 1948 Pháp muốn thương lượng trao trả độc lập cho Bảo Đại,
Bảo Đại lại nhờ NĐD làm thủ tướng nhưng ông từ chối vì ông cho rằng độc lập mà
nằm trong thể chế Liên Hiệp Pháp thì chỉ mới là độc lập nửa vời, ông xúi Bảo Đại
phải tranh đấu độc lập hoàn toàn.
Năm 1954, Hội nghị Geneve đang còn nhóm họp thì Bảo Đại bàn
với Ngoại trưởng Mỹ mời NĐD làm thủ tướng. Theo như Bảo Đại viết trong hồi
ký thì ông nói với Ngô Đình Diệm : “Trong tình hình như thế này thì ông không
được từ chối”. NĐD nhận lời.
Năm 1955 các đoàn thể chính trị Việt Nam nhóm họp tại Dinh Độc
Lập tuyên bố truất phế Bảo Đại, thành lập chế độ dân chủ, mời Ngô Đình Diệm làm
Quốc trưởng lâm thời. Sau đó trưng cầu dân ý, toàn dân quyết định truất
phế Bảo Đại, thành lập chế độ Cọng Hòa, bầu Ngô Đình Diệm làm Tổng thống đầu
tiên.
Tài liệu được giải mật của CIA cho thấy từ 1955 đến 1960 đã
nhiều lần CIA đòi Washington cách chức Ngô Đình Diệm vì ông ta không nghe lời đại
sứ Mỹ. CIA cho rằng :
* Diệm không chấp nhận đổ máu giữa người Việt với người Việt.
Ông ta chủ trương dùng chính sách chiêu hồi thay cho Luật 10/59 là luật đặt
CSVN ra ngoài vòng pháp luật ( Đây là luật mà Mỹ ép buộc các nước chống cộng phải
áp dụng ).
* Diệm chủ trương tự túc tự cường ( Học thuyết “Tam túc tam
giác” ).
* Diệm tự cho là người Quốc gia ( Nationalist ), chính phủ Quốc
gia. Nghĩa là nếu bắt buộc phải chọn lựa giữa “bắt tay với CS Hà Nội” hoặc “lệ
thuộc ngoại bang Mỹ” thì NĐD thà chọn Hà Nội.
Đạo đức của Ngô Đình Diệm
Xuất thân trong một gia đình Nho học, ông quan niệm một nhà
lãnh đạo trước tiên phải là một người quân tử, ông không hề có một lời khiếm
nhã đối với những người đối nghịch với ông và ông cũng không muốn ra tay tàn nhẫn,
ngay cả đối với người cán bộ Cao Đài đã giết hụt ông tại Ban Mê Thuột.
Ông cũng không muốn được người ta tôn vinh quá đáng, ngày
5-10-1956 ông đã ra thông tư và thông cáo cấm gọi ông bằng chữ “Cụ”, nói với
ông hay viết về ông cũng không được dùng chữ “cụ”. Thông tư cũng cấm gọi
ông bằng tiếng Ngài và chữ Ngài cũng không được dùng để nói với các viên chức của
chính phủ. (Thông tư số 103/TTP/ĐL, sưu tập báo chí của Đoàn Thêm, Hai Mươi Năm
Qua, trang 202).
Sau hiệp định Genève bà mẹ của ông Phạm Văn Đồng đã già vẫn ở
lại miền Nam và sinh sống tại Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Mặc dầu nơi sinh sống của
bà cụ rất xa xôi, đi lại khó khăn nhưng ông Ngô Đình Diệm vẫn chỉ thị Tỉnh trưởng
Quảng Ngãi phải thay mặt ông mà thăm viếng bà cụ cũng như hằng tháng phải chở
bác sĩ đến khám sức khỏe cho bà cụ.
Không phải là ông muốn lấy lòng ông Phạm Văn Đồng, nhưng
theo ông thì cái đạo quân tử bắt con người ta phải đối xử như vậy. Tuy
nhiên việc làm này về sau đã trở thành một mối nghi ngờ của người Mỹ khi họ thấy
ông Ngô Đình Diệm có ý định hiệp thương với Bắc Việt.
Các nhà ngoại giao và các phóng viên báo chí Mỹ rất thất vọng
về nhân vật Ngô Đình Diệm Trong khi người Mỹ có một tập quán xã giao rất cởi mở,
họ luôn luôn chào và hỏi thăm sức khỏe người khác một cách chân thành, ngay cả
đối với người mà họ không ưa. Nhưng đối với ông Ngô Đình Diệm thì như vậy
là giả dối. Đã là người quân tử thì tuyệt đối không được nghiến răng
trong lòng mà ngoài mặt vẫn tươi cười.
Ngoài nhược điểm không cởi mở, ông Ngô Đình Diệm còn một nhược
điểm lớn khác là ông quan niệm làm chính trị tức là cai trị. Trong con người của
ông thì Tổng thống tức là ông Vua, là chủ tể của nhân dân, riêng đối với ông
thì ông tự hứa sẽ là người cai trị giỏi, đem lại bình yên và phát triển cho đất
nước.
Tuy nhiên vì thời đại lúc bấy giờ một ông Vua và triều đình
của ông ta không thể nào điều hành nổi một quốc gia cho nên ông phải lệ thuộc
vào một người trợ tá thân thiết của ông là ông Ngô Đình Nhu. Ông đã xem cố
vấn Ngô Đình Nhu như là một quân sư giống như quân sư Gia Cát Lượng của Lưu Bị.
Vì vậy mà ông không thể chia tay với ông Ngô Đình Nhu theo
như đòi hỏi của các áp lực của Mỹ trong những ngày cuối cùng bởi vì ông không
thể nào tìm ra một người trợ thủ khác có thể đồng lòng với ông cũng như có thể
không đồng lòng với ông một cách quyết liệt như ông Ngô Đình Nhu. Chỉ có
ông Ngô Đình Nhu mới có thể cãi nhau tay đôi với ông Ngô Đình Diệm mà không sợ
bị mích lòng.
Nếu không có các cuộc biểu tình vận động của vợ chồng ông
Ngô Đình Nhu tại Sài Gòn vào những năm 1953-1954 thì người Mỹ đã không chú ý tới
ông Diệm. Ngoài ra sự nghiệp điều hành đất nước là một hoài bảo của ông
Nhu mà ông Diệm thấy cần phải tôn trọng.
Ngoài ra ông Ngô Đình Diệm cũng không nghĩ tới chuyện một
ông Tổng Thống phải làm việc với các vị dân cử trong Quốc hội bởi vì theo ông
thì Quốc hội là đối lập của Tổng thống. Ông cũng cho rằng trong tam quyền
phân lập thì đã có Dân biểu là đối lập của Tổng thống rồi; cho nên ông
không chấp nhận các đảng phái đối lập, và vì vậy mà vô tình ông đã triệt tiêu
dân chủ.
Ông cho rằng chức cố vấn là người thanh tra, giám sát và
khuyến cáo Tổng thống. Vì vậy khi người Mỹ đề nghị ông Ngô Đình Diệm nên
lấy thêm những người quen thuộc với chính trị Hoa Kỳ cũng như quen thuộc với
chính trị thế giới để làm cố vấn cho Tổng thống thì ông Diệm từ chối bởi vì ông
cho rằng như vậy là Hoa Kỳ đưa người bao quanh và có ý định lèo lái ông.
Có một cách biệt lớn nhất khiến đưa tới rạn nứt trong quan hệ
của hai quốc gia, đó là danh từ “cố vấn” dành cho các chuyên viên của Mỹ.
Trong khi người Mỹ hiểu nghĩa chữ “cố vấn” (adviser) là một nhân viên tham mưu,
phụ giúp cho vị chỉ huy; nhưng ông Ngô Đình Diệm và người Việt Nam lại hiểu
nghĩa chữ cố vấn là người đứng ngoài nhưng bên trên vị chỉ huy.
Chính vì vậy mà khi Chính phủ Mỹ đề nghị đưa “cố vấn”
(chuyên viên) Hoa Kỳ xuống tận các Quận để theo dõi việc phân phối vật liệu của
chương trình Quốc sách Ấp chiến lược thì ông Ngô Đình Diệm đã gay gắt phản đối,
ông cho rằng như vậy là Hoa Kỳ muốn “làm cha” tại các quận huyện của Việt Nam.
Ngoài ra còn có một cách biệt quan trọng khác nữa, đó là
danh từ “người Quốc gia” luôn luôn được dịch là “Nationalist” ( Dân tộc chủ
nghĩa ). Trong khi người Việt Nam lại dùng chữ “người Quốc gia” để nói về
những người chống Cộng ( Anti Communist ); người ta luôn nói ông Diệm là
người Nationalist khiến cho người Mỹ đinh ninh rằng một khi phải đứng trước
quyết định giữa “chống cộng” và “chống ngoại bang” thì ông Diệm sẽ chọn chống
ngoại bang.
Cũng với lối dịch thuật như trên mà quân đội “Quốc gia” của
ông Diệm được coi như là một quân đội Nationalist, quân đội này sẽ không bao giờ
nổ súng vào một người Cọng sản Việt Nam nhưng sẳn sàng quay lại nổ súng vào ngoại
bang (sic). Do đó người Mỹ không dám trang bị vũ khí tối tân cho quân đội
VNCH và cũng không dám giao cho quân đội VNCH chống quân CSVN, họ sợ lính VNCH
sẽ không nổ súng vào người anh em của mình. *( Điều này cũng đúng nếu như
người anh em đừng chỉa súng vào họ ).
(Quán Văn)
(Quán Văn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét