Lê Minh Nguyên dịch
5-3-2018
Chính trị Trung Quốc đang trải qua một sự tục hậu đáng ngạc
nhiên sau thông báo ngắn gọn của Tân Hoa Xã vào ngày 25/2/2018 rằng việc sửa đổi
sắp tới của hiến pháp nhà nước sẽ hủy bỏ giới hạn nhiệm kỳ cho các chức vụ Chủ
Tịch và Phó Chủ Tịch Nuớc.
Tân Hoa Xã nói rằng Lãnh đạo đảng muốn "loại bỏ
quan điểm Chủ tịch và Phó Chủ tịch...‘sẽ không được vượt quá hai nhiệm kỳ liên
tiếp’ ra khỏi Hiến pháp của đất nước". Điều sửa đổi hiến pháp này, có
nghĩa là để Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo suốt đời, và Trung Quốc trở lại
thời đại của Chủ tịch Mao, khi Người Cầm Lái Vĩ Đại này (the Great Helmsman)
không bị hạn chế nhiệm kỳ, cai trị bằng chiếu chỉ (diktat, dogmatic decree). Âm
mưu chính trị và đấu tranh phe phái bây giờ đã trở thành thuờng nhật khi phát
triển kinh tế và xã hội bị đứng sựng lại.
Kể từ khi Tập trở thành Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng thứ 18
vào tháng 11 năm 2012, một trong những mối quan tâm hàng đầu của ông là việc
tích lũy quyền lực cá nhân. Tập đã bỏ qua những hướng dẫn của Đặng Tiểu Bình là
không một nhà lãnh đạo nào theo đuổi sự sùng bái cá nhân, và rằng Trung Quốc phải
được cai trị bởi một lãnh đạo tập thể, đó là Uỷ ban thường vụ Bộ Chính trị. Sự
thành công trong việc tự đánh bóng bản thân không ngừng của Tập đã trở nên rõ
ràng tại Đại hội Đảng thứ 19 vào tháng 10 năm 2017, nơi mà phe nhóm của Tập,
bao gồm hầu hết các nhân vật tay chân từ Phúc Kiến và Chiết Giang, đã được nâng
lên vị trí cao cấp trong đảng, trong chính phủ và trong quân đội. Tập trở thành
lãnh tụ "cốt lõi của lãnh đạo Đảng" và lãnh tụ tối cao
(Zuigaotongshuai), trong khi "Tư tưởng Tập Cận Bình" được đưa vào Điều
Lệ Đảng (the CCP Constitution) như là nguyên tắc chỉ đạo của đảng và quốc gia.
Tư Tưởng Tập cũng dự kiến sẽ được công nhận trong Hiến pháp Trung Quốc, một
phiên bản sửa đổi sẽ được thông qua trong phiên họp toàn viện của Quốc hội Nhân
dân vào đầu tháng 3.
Như vậy, việc loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước chính
xác là gì? Trong bài xã luận của tờ báo bảo thủ Hoàn Cầu Thời Báo (Global
Times) nói rằng sửa đổi hiến pháp không nhất thiết có nghĩa là "Chủ Tịch
Nước Trung Quốc sẽ có nhiệm kỳ suốt đời". Nhưng tờ Hoàn Cầu trích dẫn các
nhà tuyên giáo đảng nói rằng Trung Quốc cần "lãnh đạo ổn định, mạnh mẽ và
nhất quán" đặc biệt là từ năm 2020 đến năm 2035. Theo bình luận của tờ
Nhân Dân Nhật Báo điện tử, truyền thống tập quyền (sanweiyiti) với ba vị trí
vào trong một người, tức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Ủy ban Quân sự
Trung ương được nằm trong tay một nguời đã chứng tỏ đuợc là nó “có lợi cho việc
duy trì và bảo vệ quyền lực của các cơ quan trung ương và tập trung lãnh đạo".
Cái loa của đảng (báo Nhân Dân) nói rằng sửa đổi hiến pháp sẽ làm dễ dàng cho
việc tiếp tục truyền thống tập quyền sanweiyiti.
Giả sử rằng sức khoẻ ông Tập được vững bền, thì gần như ông
sẽ vẫn giữ chức chủ tịch nuớc cho đến năm 2028, và có thể là năm 2033, khi ông
80 tuổi. Người gốc Thiểm Tây 64 tuổi này cũng sẽ giữ hai vị trí quyền lực - Tổng
bí thư ĐCSTQ và Chủ tịch quân uỷ trung ương - cho đến năm 2027, hoặc có thể đến
năm 2032. Điều lệ ĐCSTQ không có giới hạn về độ tuổi hoặc nhiệm kỳ của Tổng bí
thư hay Chủ tịch quân ủy trung uơng. Nhà sử học có uy tín Chương Lập Phàm
(Zhang Lifan), nói rằng "Tập Cận Bình thậm chí còn có thể giữ vai trò quyết
định (trong việc cai trị) cho đến năm 2049, tức đúng một trăm năm ngày thành lập
nước Cộng hòa Nhân dân TQ khi ông 96 tuổi". Ngoài cái bệnh tưởng mình là
trời (megalomaniacal proclivities) rất hiển nhiên của Tập, còn có một dấu hiệu
khác rõ ràng nhất về việc ông ta muốn mình trở thành "Mao Trạch Đông của
thế kỷ 21" là ông không quan tâm đến việc chọn người kế nhiệm. Theo những
cải cách chính trị mà Đặng Tiểu Bình khởi xướng vào đầu những năm 1980, đảng phải
thiết lập một quy trình kế thừa không đổ máu và định chế hoá nó. Mặc dù có lúc
bị nấc cụt, nhưng quyền lực đã được chuyển giao trong hoà bình và trật tự từ Đặng
sang Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.
Nếu Tập tuân theo chuẩn mực của đảng là chỉ có hai nhiệm kỳ
làm Tổng bí thư và Chủ tịch nước, ông ta đã lo đào tạo tài năng trẻ để chuẩn bị
thay thế ông và ông Lý Khắc Cường. Điều này đòi hỏi phải có ít nhất một hoặc
hai nguời thuộc vào lớp được gọi là "các nhà lãnh đạo thế hệ thứ sáu"
(những người sinh ra từ cuối những năm 1950 đến cuối những năm 1960) vào Ủy ban
Thường vụ Bộ Chính trị (7 ủy viên) trong Đại hội Đảng lần thứ 19. Thay vì vậy thì
chỉ có một vài thành viên của Thế hệ thứ sáu được bổ nhiệm vào Bộ Chính trị
thông thường (25 uỷ viên). Xét cho cùng, nếu Tập cương quyết nắm quyền lực cho
đến năm 2027/2028 hoặc 2032/2033, thì không có lý do gì để ông ta chọn một người
kế nhiệm sớm trong cuộc chơi.
Cùng lúc với việc tăng cường quyền lực của mình, Tập đã dốc
toàn lực để chắc chắn rằng ĐCSTQ kiểm soát chặt chẽ tất cả các khía cạnh của cuộc
sống người dân Trung Quốc. Bộ máy tuyên truyền đã được cho chạy hết tay ga
(overdrive) để nhấn mạnh đến sự gần như toàn năng của đảng - và toàn bộ sự thống
trị của nó đối với tất cả các khu vực của chính thể. Hội nghị Trung ương lần thứ
3 Khóa 19 vừa qua đã thảo luận về vấn đề "cải cách các hệ thống đảng và
nhà nuớc”. Bản tuyên bố của Hội nghị nói rằng lãnh đạo hy vọng những cải cách -
các chi tiết vẫn chưa được công bố - sẽ đảm bảo rằng các tổ chức của đảng và
chính phủ sẽ cho ra "các định chế được trang bị tốt, các quy luật khoa học
và các mô hình, cũng như các hoạt động có hiệu năng cao". Tuy nhiên, cùng
lúc Thông cáo nhấn mạnh rằng mục tiêu cuối cùng của cải cách các định chế đảng
và nhà nước là "cải thiện và duy trì sự lãnh đạo toàn diện của đảng...
cũng cố sự lãnh đạo của đảng đối với công việc của tất cả các lãnh vực (của
chính thể) và chắc chắn rằng sự lãnh đạo của đảng sẽ tăng cuờng và dũng mãnh
hơn.
Thật vậy, một trong những trọng tâm của sự thay đổi hiến
pháp sắp tới là để đưa vào Điều I câu "lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc
là đặc điểm cơ bản nhất của chủ nghĩa xã hội với đặc trưng Trung Quốc." Nó
đi cùng với lời tuyên truyền lặp đi lặp lại của các cán bộ cấp cao rằng tất cả
các đảng viên phải "hết sức một lòng với lãnh tụ 'cốt lõi' Tập Cận Bình
trong suy nghĩ và hành động", để ủng hộ đảng, hàm ý là cam kết trung thành
với Tập.
Ông Tập và các cố vấn của ông rất lo lắng về việc dân chúng
tiếp nhận tiêu cực đối với sự lãnh đạo suốt đời của ông, nó có thể được thấy từ
thực tế là sau khi tuyên bố sửa đổi hiến pháp vào ngày 25 tháng 2, bộ máy tuyên
truyền khổng lồ và cơ quan kiểm soát thông tin internet của ĐCSTQ ngay lập tức
bắt đầu hành động. Tất cả các từ nhạy cảm như "Hoàng đế", "Lên
ngôi", "Mao Trạch Đông", "trị vì suốt đời", "triều
đại", "sự thoái trào" và "di trú" (liên quan đến việc
người Trung Quốc muốn bỏ nước ra đi) bị kiểm duyệt trong trao đổi trên các mạng
truyền thông xã hội. Ngay cả cụm từ "Tôi không đồng ý" cũng bị cấm. Một
từ ngữ bị cấm kỵ khác là “Viên Thế Khải” (Yuan Shikai), một vị tướng phong kiến,
đã cố làm hoàng đế sau cuộc cách mạng năm 1911 do Bác sĩ Tôn Dật Tiên dẫn đầu để
chấm dứt triều đại nhà Thanh.
Mặc dù vậy, bất chấp sự kiểm duyệt của giới truyền thông, một
số trí thức cấp tiến đã can đảm lên tiếng chống lại cái sự rành rành tái lập nền
cai trị độc tài của Mao. Một ví dụ là lời kêu gọi của ông Lý Đại Đồng (Li
Datong), một nhà trí thức nổi tiếng và là cựu chủ bút của nhật báo Tuổi Trẻ
Trung Quốc (China Youth Daily) gởi cho các đại biểu Quốc Hội yêu cầu không chấp
thuận sửa đổi hiến pháp. Ông Lý lưu ý quyết định của Đặng Tiểu Bình về giới hạn
nhiệm kỳ - được ghi trong hiến pháp trước khi bị sửa - đã thể hiện một nỗ lực để
học hỏi từ những bài học cay đắng của sự độc tài và tôn thờ cá nhân của Mao.
Ông viết “Việc bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ của các nhà lãnh đạo quốc gia sẽ trở
thành trò cười cho các quốc gia văn minh trên thế giới". "Sự thụt lùi
lịch sử này mang theo nó những hạt mầm đưa Trung Quốc một lần nữa rơi vào hỗn
loạn".
Trên bình diện thực tế, một số nhà phân tích ở Trung Quốc và
nước ngoài đã trích dẫn sự nguy hiểm trong việc gần như hoàn toàn thiếu vắng hệ
thống kiểm soát và thăng bằng. Với tình trạng ông ta được nâng lên mức độ thánh
Mao, cho dù những cộng sự viên thân cận nhất của ông cũng sẽ không dám thách thức
các quyết định của ông. Theo một nhà bất đồng chính kiến Hồ Bình (Hu Ping) hiện
đang sống ở New York, khát vọng trở thành một Mao Trạch Đông và Stalin thứ hai
của Tập có thể dẫn đến "lãnh đạo suốt đời" sẽ phạm sai lầm này đến
sai lầm khác. Ông Hồ lưu ý rằng trong bối cảnh chính trị Trung Quốc, một nhà
lãnh đạo tối cao (paramount leader) theo định nghĩa là luôn đúng trong đảng và
trong các đường lối chính sách - và ông ta không thể phạm sai lầm. "Để
tránh bị hạ bệ, nhà lãnh đạo tối cao sẽ không bao giờ thừa nhận mình phạm lỗi...
và ông sẽ phạm nhiều sai lầm lớn hơn để che đậy những sai lầm trong quá khứ".
Khát vọng nóng cháy luôn muốn hơn người của ông Tập - cùng với
sự cuơng quyết theo nguyên tắc của Mao là đảng phải khống chế mọi thứ - sẽ mang
đến hậu quả nghiêm trọng cho xã hội và nền kinh tế. Ông Lôi Cường (Wu Qiang), một
cựu giảng viên chính trị học tại Đại học Tsinghua, cho biết rằng các đề xuất của
đảng về việc "cải cách các tổ chức đảng và nhà nước" có thể dẫn đến
việc đảng bành trướng quyền lực ra mọi ngõ ngách của xã hội. Ông nói với báo
chí Hồng Kông rằng "Đảng sẽ kiểm soát các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội,
các công ty nước ngoài... [bao gồm] tất cả các lĩnh vực mà trước đây thuộc thẩm
quyền của nền kinh tế thị trường". Ông Lôi cho biết các tổ đảng (party
cell) sẽ được xây dựng ngay cả trong các doanh nghiệp Trung Quốc cũng như các tổ
chức sinh viên ở nước ngoài để thực hiện việc "quản trị cơ chế bởi đảng".
Việc Tập quyết tâm điều khiển Trung Quốc bằng khuôn mẫu của
mình - và tiêu diệt tất cả các tiếng nói đối lập - đã được xác nhận thêm bằng một
loạt các thay đổi nhân sự trong hai tuần qua. Các thành viên của phe nhóm Tập Cận
Bình tiếp tục được thăng cấp lên các vị trí hàng đầu trong bộ máy an ninh. Các
cá nhân hay phe nhóm liên hệ với cánh đối lập trong đảng Cộng sản Trung Quốc, tức
Đoàn Thanh Niên Cộng Sản từng được cầm đầu bởi cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã bị
cho ra rìa. Và các hoàng tử đảng - con của các cựu đảng viên cao cấp trong quá
khứ - những người không muốn nhìn mặt Tập đã bị trừng phạt. Thí dụ như, Thứ trưởng
Bộ Công an Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong), người đầu tiên làm việc với Tập khi
họ đang phục vụ tại Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến vào những năm 1990. Vuơng, người
cũng kiêm luôn chức vụ cảnh sát trưởng thành phố Bắc Kinh, vào cuối tháng Hai
đã được thăng chức làm Bộ trưởng An ninh Quốc gia, phụ trách bộ máy tình báo của
Trung Quốc. Trong khi Uỷ viên Quốc vụ viện, ông Dương Kính (Yang Jing), cũng là
Tổng thư ký của Quốc vụ viện và là thành viên nồng cốt của Phe Đoàn Thanh Niên
Cộng Sản, thì đã bị giáng chức xuống cấp bộ thông thường vì "những vi phạm
kỷ luật nhỏ" mà không rõ là gì. Và các công ty được hậu thuẫn bởi các
hoàng tử đảng, nhưng những người này thất bại trong việc thuyết phục Tập về
lòng trung thành của họ, đã bị nghiêm cấm bằng các nguyên tắc quy định việc vận
hành. Thí dụ như, công ty bảo hiểm Anbang Insurance, được sự hậu thuẫn của ít
nhất hai trong số các gia đình nổi tiếng nhất của đảng, đã bị cơ quan kiểm soát
bảo hiểm của chính quyền, China Insurance Regulatory Commission, tịch thu tuần
qua.
Theo ông Chuơng Lập Phàm, điều không thể tranh cãi là
"ĐCSTQ đang xuống dốc theo con đường nhân trị (rule of men), và quyền lực của
nguời lãnh đạo cao nhất sẽ được tăng cường." Ông Chương lo lắng rằng đảng
và các cán bộ cao cấp sẽ rơi vào tệ nạn tham nhũng vì "thiếu sự giám sát của
các lực lượng chính trị khác, của giới truyền thông và của công chúng".
Trong bản Báo cáo chính trị của ông Tập cho Đại hội Đảng lần thứ 19 cách đây bốn
tháng, ông đã yêu cầu thế giới nên suy xét và chấp nhận các yếu tố của
"trí tuệ Trung Quốc và nghị trình Trung Quốc", ông cho rằng nó sẽ mở
ra "một cuờng quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại... thịnh vượng, hùng mạnh,
dân chủ, văn hoá tiên tiến, hài hòa và đẹp đẽ ". Tuy nhiên, sự đam mê quyền
lực của chủ tịch nước và sự quyết tâm rõ rệt của ông nhằm mang trở lại những dấu
ấn đầy bệnh hoạn của Chủ tịch Mao đã khiến nhiều người đặt câu hỏi là liệu
mục tiêu quá sức ôm đồm này có thể đạt được dưới thời của tân “hoàng đế suốt đời”
ở Trung Quốc hay không .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét