Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




THÁNG HAI, KHÔNG AI QUÊN!


Hình bên: Chiến tranh biên giới Việt Trung 17/2/1979

Tháng hai thường là tháng Giêng âm lịch, xuân đã về nhưng giá rét ngày đông chưa bớt. Trên vùng cao đào mận bắt đầu nhú lộc xanh non giữa sương mù bên những hàng rào đá dọc con đường cheo leo ngoằn nghèo dốc đứng. Năm nào cũng vậy, tháng hai đến những ký ức nóng bỏng của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 lại tràn về trong trái tim trong trí óc mỗi chúng ta...

Những năm 1977 - 1978 chúng tôi đang học đại học. Khi cả nước còn đang ngổn ngang khó khăn sau cuộc chiến 30 năm thì ở phía nam đã có nhiều đợt nhập ngũ cho chiến trường biên giới Tây Nam. Bất ngờ, ngày 17/2/1979 một “sự phản bội ghê tởm nhất lịch sử” đã xảy ra: Trung quốc tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Mượn bàn tay kẻ khác dùng dao rựa dùng cán cuốc gậy gộc giết người Việt chưa thỏa, TQ đã trực tiếp gây chiến giết hại hàng trăm ngàn thường dân Việt Nam, hàng chục ngàn người lính Việt đã ngã xuống trong cuộc chiến anh dũng bảo vệ biên cương... Máu đã đổ trong những ngày tháng hai 79 và kéo dài nhiều năm sau đó...

Và từ đó, là người Việt không ai quên tháng Hai. Cũng từ đó người Việt đã biết về Hoàng Sa tháng 1.1974 và Gạc Ma tháng 3.1988 và cũng sẽ không bao giờ quên!

Cuối năm 2011 tôi nhận được tin nhắn từ gia đình bạn học cùng thời phổ thông đã hy sinh vào tháng hai 1979 “đơn vị của nó đã cùng về nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang), con có dịp ra Bắc thì lên thăm nó... ”. Đúng ngày 17 tháng Hai 2012 tôi đã đến đây. Nghĩa trang vắng lạnh, chỉ có vài vòng hoa đã không còn tươi, nhang khói lơ thơ vài ngôi mộ. Từ rất nhiều năm trước không hiểu vì sao vào ngày này đến một vòng hoa một nén nhang cho nơi đây cũng không thể! Nước mắt tôi tràn ra... Chúng tôi cùng vài người khách viếng nghĩa trang lặng lẽ đi đến từng ngôi mộ thắp một nén nhang tạ lỗi với các anh...

Chỉ một, hai năm gần đây một số nghĩa trang của chiến tranh biên giới phía Bắc mới được ấm áp khói nhang vào ngày 17.2, ngày 27.7, lễ tết, quốc khánh... Và đến hôm nay 17.2.2018 ba mươi chín năm cuộc chiến này nhưng nhân dân không quên những người đã hy sinh, đã đổ máu xương. Trên mạng xã hội là hình ảnh những bông hoa sim, những chuyến xe chở những gương mặt trẻ măng lên biên giới phía Bắc, và bài hát “tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” và nhiều bài hát khác lại vang lên...

Gần bốn mươi năm đã qua và mãi mãi về sau những người đã ngã xuống sẽ luôn cảm thấy ấm áp rất nhiều vì họ mãi sống trong trái tim trong tấm lòng người dân... Còn hơn những ai nằm trong cái nghĩa trang ngàn tỷ mà lạnh lẽo muôn kiếp vì không bao giờ được ai nhớ đến.

Trí Nhân Media

---------------------------
Ý kiến:
Nguyễn Duy Minh Không chỉ mùa Xuân năm đó Chị à.
Những mùa hè đỏ lửa 83-84 em nằm 105 Sơn Tây.
Thương binh về ngùn ngụt - chủ yếu từ Vị Xuyên. Toàn lính trẻ măng 18-19 tuổi.
Có những người huấn luyện 3 tháng ở Thái Nguyên lên chốt; chưa kịp nhìn mặt kẻ thù đã bị pháo dập về tuyến sau luôn. Bệnh viện không đủ giường phải mượn giát giường nhà dân. Hai người một giát.
Có những người về đến đấy rồi mới chết. Em từng ôm một người chết trong tay em.
Thường là về 109 rồi 105; rồi sau đó chuyển 103, 108... để lấy chỗ cho thương binh mới về.
Máu Xương Thịt và Tuổi xuân mất mát quá nhiều Chị ơi.
Đang gõ những dòng này mà em khóc không cầm được.
Lâu lắm rồi em mới lại nhớ về họ và khóc được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét