22-12-2017
Ngày xưa – lúc nhiều bài thơ của Tố Hữu còn là những tác phẩm
mà học sinh trung học buộc phải thuộc lòng, nhiều người rỉ tai nhau mấy câu cải
biên khổ đầu của “Hãy nhớ lấy lời tôi”, từ:
Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người như chân lý sinh ra
…
thành:
Có những phút làm… nhơ lịch sử
Có cái chết… đúng là tắc tử
Có những lời… chua xót lòng ta
Có những người… do vô ý sinh ra
…
Giai đoạn mà thiên hạ chỉ cười ha hả vì sự dí dỏm của những câu thơ cải biên ấy
đã qua. Theo thời gian, những phút làm nhơ lịch sử, những vụ tắc tử, những lời
khiến người ta chua xót về trí tuệ, liêm sỉ càng lúc càng nhiều và cái gánh do
những người dường như do vô ý sinh ra cố tình chất lên vai dân tộc này càng lúc
càng nặng, nếu thiên hạ chưa khóc thì cũng lo bạc mặt.
***
Sau khi Liên Xô và khối quốc gia đeo đuổi việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Đông
Âu sụp đổ, kinh tế kế hoạch (toàn bộ nền kinh tế được đặt dưới sự kiểm soát chặt
chẽ của nhà nước và phải vận động theo kế hoạch do nhà nước ấn định) - nền móng
của các xã hội hướng tới xã hội chủ nghĩa – bị khai tử. Dù muốn hay không thì
thực tế cũng buộc người ta phải thừa nhận, kinh tế kế hoạch là cha đẻ của bất công,
đói nghèo và biến tất cả các xã hội theo con đường đó trở thành phi nhân tính,
trượt dài trên con đường suy thoái về tất cả mọi mặt. Những người khai sinh,
tham gia vào việc thúc đẩy các quốc gia đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã
hội bị xếp vào loại do vô ý sinh ra, phủ nhận tất cả những qui luật mà nhờ đó
giúp nhân loại tiến hóa, các xã hội phát triển.
Trong bối cảnh như thế, Đảng CSVN chỉ còn một đường: Tuyên bố
từ bỏ kinh tế kế hoạch, đưa Việt Nam quay lại với kinh tế thị trường (tự do sản
xuất, kinh doanh, nền kinh tế vận hành dựa trên quy luật cung cầu) – lối đi mà
suốt năm thập niên họ từng khẳng định, chỉ dẫn tới… “giãy chết”.
Ngặt là kinh tế
luôn luôn song hành với chính trị, chấp nhận kinh tế thị trường tất nhiên sẽ phải
chấp nhận đa nguyên, chấp nhận để dân chúng tự do lựa chọn thể chế, tổ chức chính
trị mà họ muốn, vì thế mà “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”
ra đời.
Đã có nhiều người khẳng định “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội
chủ nghĩa” sẽ cho ra đời một thứ… quái thai, bởi làm sao “kinh tế thị trường” và
“định hướng xã hội chủ nghĩa” có thể dung hợp với nhau (?) nhưng Đảng CSVN không
màng. Không có “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” làm sao Đảng
CSVN có thể tiếp tục tồn tại như tổ chức chính trị duy nhất nắm giữ độc quyền lãnh
đạo toàn diện và tuyệt đối tại Việt Nam?
Với “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (vừa
tuyên bố chấp nhận quyền tự do kinh doanh, tôn trọng quy luật cung cầu, vừa tiếp
tục kiểm soát hoạt động của nền kinh tế), suốt từ thập niên 1990 tới nay, gần
như toàn bộ nguồn lực quốc gia đã được bơm hết cho các tập đoàn, tổng công ty
nhà nước bất chấp thảm trạng vì bị đối xử như con hoang, hệ thống doanh nghiệp
tư nhân tại Việt Nam suy kiệt, phá sản hàng loạt, thất nghiệp tràn lan, thất
thu, bội chi, nợ nần càng ngày càng trầm trọng. Cho dù Đảng CSVN kỳ vọng, các tập
đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ trở thành những “anh cả” của kinh tế Việt Nam,
giúp họ khống chế kinh tế Việt Nam và nhờ thế tiếp tục áp đặt sự kiểm soát toàn
diện, tuyệt đối về chính trị nhưng càng ngày, số lượng các “đại dự án” ngốn hàng
chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng song chẳng những không sinh lợi mà
còn tạo ra những khoản nợ khổng lồ, càng nhiều.
Những “anh cả” của kinh tế Việt Nam vừa góp phần đẩy kinh tế
Việt Nam vào tình thế càng ngày càng bi đát, vừa giúp người ta tỏ tường diện mạo
thực của “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Các “đại án”
theo sau những “đại dự án” chứng minh “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội
chủ nghĩa”… ưu việt như thế nào và “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội
chủ nghĩa” có thật sự là “của dân, do dân, vì dân” hay không?
Vào lúc này, cho dù Đảng CSVN đang thu dọn hậu quả mà các “anh
cả” bày ra, bắt đầu mạnh tay thực hiện điều mà nhiều chuyên gia cả trong lẫn
ngoài Việt Nam khuyến cáo từ lậu: Giải tư (ngưng đầu tư, rút vốn khỏi các tập đoàn,
tổng công ty nhà nước, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các “anh cả”) thế nhưng
hậu họa và di hại của giải tư chẳng những không nhỏ mà còn lớn hơn, đáng ngại hơn.
***
Cuối cùng thì đầu tuần này, 54% cổ phần của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải
khát Sài Gòn (Sabeco) cũng đã được bán cho ThaiBev một tập đoàn tư nhân của Thái
Lan. Tuy Sabeco là công ty cổ phần nhưng cho đến trước ngày 18 tháng 12 năm
2017, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn nắm trong tay 90% cổ phần của Sabeco.
Thương vụ mua bán Sabeco giúp Việt Nam thu về khoảng 5 tỉ Mỹ
kim. Giữa lúc nhiều viên chức hữu trách trong hệ thống công quyền tỏ ra hết sức
“hồ hởi, phấn khởi” thì một số người khác như bà Vũ Kim Hạnh công khai bày tỏ sự
lo âu.
Bà Hạnh, cựu Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, một trong những người sáng lập
Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (SBA), Quỹ Hỗ trợ công
nhân (WSF), tham gia soạn thảo và đệ trình đề án “Thúc đẩy thị trường nội địa” để
hỗ trợ những doanh nghiệp Việt Nam làm chủ thị trường Việt Nam (đề án đã được
chấp nhận như một chương trình trọng điểm quốc gia), vừa nêu ra mười câu hỏi
sau sự kiện hệ thống công quyền Việt Nam bán 54% cổ phần của Sabeco cho
ThaiBev.
Mười câu hỏi của bà Hạnh có đáng ngẫm nghĩ hay không, xin lược thuật để
độc giả đọc và ngẫm:
(1) Câu đầu tiên từ miệng một doanh nhân Thái Lan: Sabeco đang
chiếm tới 41% thị phần Việt Nam. Ai làm ăn cũng biết hiếm có doanh nghiệp hàng
tiêu dùng nào mạnh như vậy, sao đành bán? Muốn khai thác cho đáng, sao không bỏ
vài triệu Mỹ kim thuê CEO. Phát triển tiếp sẽ kiếm ra hàng chục lần, thu dài dài
mà tài sản quí vẫn là của mình?
(2) Sau bảy năm vận động “Ưu tiên dùng hàng Việt”, nay lại
muốn đem bán hết những thương hiệu Việt mạnh nhất. Phải chăng vận động cho mạnh
để... bán?
(3) Đi hỏi khắp thế gian, xứ nào cũng cố gầy dựng cho được
những thương hiệu mạnh nổi tiếng để làm hình ảnh tiêu biểu của quốc gia. Một thương
hiệu dám “chơi tay vo” thắng Heineken, Tiger, Sapporo... thì cũng là “thương hiệu
quốc dân” đó chứ, sao giao cho nước ngoài làm chủ?
(4) Thoái vốn nhà nước khỏi tất cả công ty nhà nước. Đúng,
song có nhất thiết phải bán bằng được cho nước khác chứ không phải cho nhà đầu
tư trong nước? Nếu thu ít tiền hơn, liệu có cần cân nhắc bài toán chủ sở hữu thương
hiệu cho quốc gia?
(5) Nhà kia tình cảnh như vầy: Nghèo nhưng nhiều năm, có bao
nhiêu của nả đem nuôi mấy thằng con lớn to xác, làm biếng, ham chơi, ngỗ ngược,
có đứa buồn buồn còn chơi ma túy, rước cướp vào đánh cha, đánh mẹ vỡ đầu. Tụi này
được xài, được phá hết của cải trong nhà, khiến mấy đứa con khác, vốn bị thầy bà
nói là “khắc tuổi” nên bị ghét, bỏ bê, tuy thông minh chịu khó nhưng cứ suy
dinh dưỡng, èo uột lớn hổng nổi. Hiếm hoi có vài đứa lớn kha khá, đem bán, bán
hết, mai mốt tan nhà nát cửa, còn gì?
(6) Khi cần bán vì túng quá, bán, sao không dừng để lấy 49 đồng,
vẫn giữ con mình, là của mình, mà cứ phải lấy tới 54 đồng để “nó” về tay người
ta?
(7) Chợ đời, có bán có mua, con mình có ngon người ta mới gánh
tiền khủng tới mua. Làm cha mẹ, bán con, nói vậy cũng đúng nhưng bán một, ba, năm,
bảy... đứa vào loại khá nhất, ngon nhất rồi liệu có thật sự là có tiền, có lực để
đi mua lại vài ba đứa ngon cỡ vậy của thiên hạ để gọi là có bán có mua?
(8) Đây là bước đi tình cờ hay cái bẫy thâu tóm? Có ai còn
nhớ, tháng 4 năm 2016, chính quyền Thái ráp nối bộ bốn “Bộ Thương Mại, doanh
nghiệp lớn, ngân hàng, doanh nghiệp nhỏ” cùng làm chương trình “Pracha Rath”
(State of People - có nghĩa là Quốc gia của dân), theo đó, chính phủ Thái giúp
doanh nghiệp Thái đầu tư ra nước ngoài. Một trong những mục đích được nêu công
khai là “tính sổ” thiệt gọn thị trường bốn quốc gia yếu kém trong ASEAN là
Campuchia, Lào, Miến Điện, Việt Nam (CLMV – bốn chữ cái từng khiến người Việt
thi nhau tra cứu ngữ nghĩa sau khi nghe Thủ tướng Việt Nam giới thiệu là “Cờ Lờ
Mờ Vờ”), trong đó giao hẳn cho Berli Jucker (BJC) thâu tóm thị trường Việt Nam.
Giàu và giỏi, là hùm lại được chắp thêm vây, BJC bắt đầu mua toàn hệ thống bán
sỉ Metro C&C, bình thản hạ dần rồi tiễn hầu hết hàng Việt Nam ra ngoài, giành
toàn bộ hệ thống cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thái. Giờ “ông” mua tới doanh
nghiệp hàng tiêu dùng mạnh nhất nhì của Việt Nam, rồi… sao nữa khi “ông” đã nắm
cả chợ, lẫn những mặt hàng mạnh nhất?
(9) Ai ngồi đếm số hội chợ Thái đang tổ chức đồng loạt, liên
tục khắp cả ba miền được chính phủ Thái khôn khéo ủng hộ đúng luật quốc tế. Hàng
Thái thay hàng Tàu, nhưng nhờ đâu họ hoạch định và thực thi được tất cả những gì
họ muốn?
(10) Nghĩ từ Sabeco. Liệu có cần cân nhắc giữa hai bài toán:
Những đồng tiền “khủng” thu vội, ăn xổi, với giá trị, tài sản của tương lai bền
vững? Vì sao không nghiên cứu bước đi của các quốc gia ASEAN khác, khi tất cả đều
đang ra sức bồi đắp nội lực, nâng bước cho doanh nghiệp xứ họ có đủ sức ra ngoài
cạnh tranh với thế giới? Bình tĩnh nghĩ lại đi, chính sách của ta đang làm gì
cho doanh nghiệp?
***
Nếu quan sát kỹ diễn biến kinh tế - chính trị - xã hội tại
Việt Nam, ắt ai cũng có thể thấy, những cá nhân trong nhóm mà thiên hạ cho là
do… vô ý sinh ra luôn tìm ra cách nào đó để thu lợi lớn nhất cho mình. Khi rút
hết nguồn lực quốc gia bơm cho các “anh cả” không còn hợp thời thì “giải tư” các
“anh cả” là một cơ hội mới.
Sabeco chỉ là sự kiện mới chứ biến giải tư thành cơ hội thì đã
được ứng dụng từ lâu. Muốn kiểm chứng thì xem lại trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa
vì có rất nhiều thông tin đã được bạch hóa để đối chiếu.
Vào năm 2000, bà Thoa được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công
ty Bóng đèn Điện Quang (DQC) – một doanh nghiệp nhà nước. Năm 2005 khi DQC được
giải tư, bà Thoa kiêm nhiệm thêm vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị của DQC và
bà nhanh chóng thâu tóm 11 triệu 780 ngàn cổ phiếu của DQC cho mình, con cái, mẹ,
em, em dâu. Giá trị số cổ phiếu của DQC mà bà Thoa và thân nhân đang nắm giữ là
718 tỉ đồng Việt Nam.
Năm 2010, bà Thoa được cất nhắc làm Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Ông Hồ Quỳnh Hưng, một người em trai của bà Thoa trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản
trị kiêm Tổng Giám đốc DQC. Một trong hai cô con gái của bà Thoa vừa là thành
viên Hội đồng Quản trị, vừa đảm nhận vai trò Phó Tổng giám đốc DQC.
Ông Hồ Đức Lam, một người em trai khác của bà Thoa tuy không
có cổ phần tại DQC nhưng là thành viên Hội đồng Quản trị của DQC. Ông Lam đang
nắm giữ 65% cổ phiếu của Công ty Nhựa Rạng Đông (RDP) sau khi doanh nghiệp nhà
nước này được cổ phần hóa.
Chẳng hiểu chuyện bà Thoa là Thứ trưởng Bộ Công Thương có liên
quan gì tới việc tháng 9 năm 2014, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước
(SCIC) – nơi giám sát việc sử dụng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp đã rút hết
vốn ra khỏi DQC và tháng 8 năm 2015, SCIC đã thực hiện hành động tương tự với
RDC. Sau khi cổ phẩn hóa hai doanh nghiệp nhà nước thuộc sở hữu toàn dân phần lớn
đã trở thành tài sản của riêng bà Thoa và gia đình bà.
Bà Thoa chỉ lâm nạn khi tương quan lực lượng trong nội bộ Đảng
CSVN thay đổi. Người ta “phát giác” bà dính líu tới việc sắp đặt, bổ nhiệm ông
Trịnh Xuân Thanh sai qui định. Đầu năm nay bà bị “khiển trách”. Báo chí được bật
đèn xanh, dư luận tạo thành sức ép, Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương
Đảng CSVN nhập cuộc và chính thức kết luận bà có nhiều sai phạm trong tiến trình
giải tư. Ngày 1 tháng 8, bà Thoa nộp đơn xin thôi việc, ngày 16 tháng 8, Thủ tướng
Việt Nam chấp nhận cho bà Thoa miễn nhiệm, thôi làm Thứ trưởng Bộ Công Thương
Năm 2010, bà Thoa được cất nhắc làm Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Phần lớn tài sản của DQC và RQP - hai doanh nghiệp nhà nước vốn thuộc sở hữu toàn
dân vẫn là tài sản của riêng bà Thoa và gia đình bà.
***
Những người do vô ý sinh ra chưa bao giờ thất bại. Chỉ có đám
đông nhẫn nại mang vác gánh nặng do họ cố tình chất lên lưng mình đi từ thảm bại
này đến thảm bại khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét