Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




THỜI SỰ - THỨ TƯ 5/7/2017

Lê Minh Nguyên
5-7-2017

Thi thể của hai thủy thủ Việt Nam bị chặt đầu đã được dân địa phương phát hiện hôm 5/7 trên đảo Basilan, miền nam Philippines,  Phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf bị nghi là thủ phạm trong hành động bạo lực này.


Tin Thế Giới

1.
Thủ Tướng Iraq khen ngợi binh sĩ chiến thắng Mosul --- Lực lượng do Mỹ hậu thuẫn vào được phố cổ Raqqa

Thủ Tướng Haider al-Abadi ca ngợi các binh sĩ Iraq về điều mà ông mô tả là “chiến thắng lớn ở Mosul”, mặc dù giao tranh chống các phần tử chủ chiến Nhà Nước Hồi giáo vẫn tiếp diễn tại khu phố cổ Mosul.

Ông Abadi lên tiếng hôm thứ Ba 4/7 trong một cuộc họp báo ở Baghdad. Ông nói các nỗ lực nhằm đảm bảo ổn định và giúp những người dời cư trở về nhà cửa của họ sẽ được tăng cường trong những ngày sắp tới. Thông tín viên Zlatica Hoke của Đài VOA có thêm các chi tiết sau đây.

Các lực lượng Iraq đi qua các đống đổ nát của bệnh viện chính của Mosul hôm thứ Ba sau khi chiếm quyền kiểm soát khu phố này ngày hôm trước.

Trung sĩ Mortada Yasser thuộc Đơn vị Phản ứng Nhanh nói:

“Đây là nơi mới nhất được chúng tôi giải phóng trong khu vực Shifa, tất cả các phần tử chủ chiến đều bị tiêu diệt. Nhờ ơn Thượng Đế, Đơn vị Phản ứng Nhanh của chúng tôi đang trong tư thế sẵn sàng để giải phóng toàn cõi Iraq, từ Nam chí Bắc.”

Tại Baghdad, Thủ Tướng Iraq Haider al-Abadi khen ngợi các binh sĩ dưới quyền ông.

“Tôi xin ca ngợi các chiến binh dũng cảm và gia đình Iraq, dù là ở trong các khu vực đã được giải phóng, hoặc ở những nơi còn lại của Iraq, vì đã thực hiện được chiến thắng lớn này ơ Mosul, và vì đã giật sập được nhóm tự xưng là Nhà Nước Hồi giáo.”

Trong khi Thủ Tướng Iraq Haider al-Abadi lên tiếng, các phần tử chủ chiến IS tiếp tục cố thủ tại khu phố cổ Mosul, nơi mà các con đường chật hẹp ngăn cản sự di chuyển của các quân xa lớn.

Chính phủ Iraq đã khởi sự chiến dịch tái chiếm Mosul, thành phố lớn thứ nhì tại Iraq, từ tháng 10 năm ngoái. Nhiều thường dân đã bị giết chết giữa hai lằn đạn, và hiện còn 750,000 người còn lại trong thành phố.

Ông Ammar Ahmed, một cư dân tại phố cổ Mosul nói:

“Chúng tôi đã chịu đói, khát. Chúng tôi sống trong sợ hãi và lo âu. Chúng tôi phải khóa trái cửa, không thể nhìn ra ngoài. Chúng tôi bị nhốt trong nhà trong gần 2 tháng nay, không được cả nhìn ra bên ngoài.”

Ông Abadi nói giúp người dân trở về nhà của họ là một trong các ưu tiên của chính phủ Iraq.

Thủ Tướng Abadi:

“Chúng tôi đã ra chỉ thị tăng cường mọi nỗ lực để tái vãn tình trạng ổn định tại các khu vực vừa được giải phóng. Chúng ta có các đơn vị toàn quốc và địa phương làm việc ngay ở Mosul, và một số quốc gia đang cung cấp những hỗ trợ để tái thiết, và giúp những người bị buộc phải dời cư.”

Mosul đã nằm dưới quyền kiểm soát của Nhà Nước Hồi giáo từ năm 2014. Thủ Tướng Abadi lên tiếng trong ngày đánh dấu năm thứ 3 một bài phát biểu của thủ lãnh Abu Sayyaf, Bakr al-Baghdadi, đọc trước Ngôi đền lớn của Mosul khi tuyên bố thành lập một ‘vương quốc Hồi giáo.’ - VOA

***
Các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn ở Syria đã xuyên thủng bức tường bao quanh khu Phố Cổ của thành phố Raqqa, quân đội Mỹ cho biết hôm thứ Ba, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong trận chiến kéo dài hàng tuần nhằm đánh đuổi những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo ra khỏi thủ đô tự xưng này.

Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ cho hay liên minh đã không kích hai “phần nhỏ” của Bức tường Rafiqah, cho phép Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd lãnh đạo “tiến vào khu vực được phòng thủ dày đặc nhất” của thành phố, vượt qua bẫy mìn và những tay súng bắn tỉa. Bộ Tư lệnh nói phần lớn bức tường dài 2.500 mét vẫn nguyên vẹn sau các cuộc không kích.

Người đứng đầu Đài Quan sát Nhân quyền Syria ở Anh, Rami Abdurrahman, nói rằng việc xuyên thủng bức tường là diễn biến quan trọng nhất tới giờ trong trận chiến giành lại Raqqa. Ông cho biết ba đơn vị của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) tiến về phía bức tường dưới sự yểm trợ của máy bay chiến đấu, phá vỡ hàng phòng ngự của Nhà nước Hồi giáo (IS), và rằng những vụ đụng độ ác liệt đang diễn ra.

Đoạn video do SDF cung cấp cho thấy các chiến binh đi lại trong Qasr al-Banat, một khu di tích lịch sử bên trong Phố Cổ của Raqqa. Một đơn vị khác đi qua cổng được gọi là Cổng Baghdad, mở ra mặt trận thứ hai bên trong Phố Cổ.

Brett McGurk, đặc sứ Mỹ cho liên minh quốc tế chiến đấu chống IS, ca ngợi vụ xâm nhập này, nói rằng đây là "cột mốc quan trọng" trong chiến dịch chiếm giữ thành trì của IS.

Quân đội Mỹ nói rằng những kẻ chủ chiến IS đang sử dụng bức tường lịch sử như một vị trí chiến đấu, và cài chất nổ tại một số lỗ hổng. Quân đội cho biết lực lượng liên quân đang cố gắng hết sức để bảo vệ thường dân và các địa điểm lịch sử.

Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd lãnh đạo mở một cuộc tấn công nhiều mũi nhọn nhắm vào Raqqa vào đầu tháng 6, sau khi chiếm giữ vùng nông thôn xung quanh. Hôm Chủ nhật, những chiến binh được Mỹ yểm trợ đã vượt sông Euphrates ở rìa phía nam của thành phố, hoàn tất việc bao vây nó.

Nhà nước Hồi giáo chiếm Raqqa, thành phố cứ địa đầu tiên của họ tại Syria, vào tháng 1 năm 2014. Thành phố này sau đó trở thành thủ đô trên thực tế của lãnh địa “caliphate” mà IS tự tuyên bố, trải dài trên những lãnh thổ do nhóm chủ chiến này kiểm soát ở Syria và Iraq.

Các quan chức Liên Hiệp Quốc nói từ 50.000 đến 100.000 thường dân vẫn còn ở lại trong thành phố giữa tình trạng "nguy khốn." Những người tìm cách thoát thân có nguy cơ bị những kẻ chủ chiến IS tấn công hoặc bị buộc tuyển mộ làm lá chắn sống. - VOA
|
|

2.
TT Trump đọc diễn văn đầu tiên trước công chúng Ba Lan --- Thủ tướng Đức tiếp chủ tịch Trung Quốc trước thượng đỉnh G20 --- Đức: Chúng ta không thể lệ thuộc hoàn toàn vào Mỹ

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trông đợi sẽ được đón tiếp nồng nhiệt khi ông đáp máy bay đến thủ đô Warsaw của Ba Lan hôm thứ Tư 5/7, chặng dừng đầu tiên của ông trong chuyến công du châu Âu 4 ngày.

Nhưng nhà lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ đối diện với những lo ngại kéo dài trên khắp châu Âu trước những tuyên bố về chính sách của ông, trong đó có cam kết của Mỹ với NATO, quyết định rút Mỹ ra khỏi hiệp ước khí hậu Paris, và việc ông ca tụng Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó.

Ông Trump sẽ đọc bài diễn văn quan trọng trước công chúng châu Âu lần đầu tiên tại tại Quảng trường Krasinski ở thủ đô Warsaw, nơi mà nhiều người dân Ba Lan khắc sâu dấu ấn chống chế độ độc tài.

Tòa Bạch Ốc cho hay Tổng thống Trump sẽ lập lại cam kết về nguyên tắc phòng thủ chung của NATO, nhưng ông cũng sẽ lập lại yêu cầu của ông là các thành viên phải đóng góp thêm để chia sẻ gánh nặng tài chánh của liên minh. Ông Trump hy vọng củng cố lại hình ảnh sau chuyến công du châu Âu hồi tháng 5 vừa qua của ông vốn bị xem là khá vụng về, khi ông chỉ trích lãnh đạo của các nước thành viên NATO không đóng góp đủ cho các lực lượng vũ trang của liên minh, và ông không ủng hộ Điều 5 của hiến chươngNATO về kêu gọi tất cả các nước thành viên trong liên minh cùng phản ứng khi một thành viên bị tấn công.

Hơn 3.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Ba Lan, trong khuôn khổ triển khai lực lượng của NATO để chống lại hành động gây hấn của Nga tại Ukraine.

Giáo sư Zbigniew Lewicki của Đại học Warsaw, một nhà phân tích chính trị, nhận định rằng Ba Lan đang mưu tìm một sự bảo đảm chắc chắn.

Ông Lewicki nói: “Theo tôi thì đa số mọi người muốn nghe Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì quân đội tại Ba Lan, sẽ tôn trọng Điều 5 của hiến chương (NATO) Washington – có nghĩa là sẽ hỗ trợ cho chúng tôi nếu cần.”

Tổng thống Trump sẽ phát biểu tại một địa điểm mang tính lịch sử

Ông Trump sẽ đứng trước đài tưởng niệm Cuộc khởi nghĩa Warsaw năm 1944 ở Quảng trường Krasinski, nơi tôn vinh hàng trăm binh sĩ và thường dân Ba Lan đã bỏ mạng trong cuộc nổi dậy bất thành dài hai tháng chống Đức Quốc xã xâm chiến Warsaw.

Ông Adam Kedziorek, một cư dân Warsaw nói với đài VOA: “Chúng tôi rất phấn khởi đón Tổng thống Mỹ đến thăm Ba Lan. Và nhất là tại địa điểm lịch sử này, nơi có ý nghĩa quan trọng đối với người dân Ba Lan và người dân thành phố Warsaw.”

Ông Marcin Zaborowski của báo Visegrad, một tạp chí chính trị và văn hóa Trung Âu, nói rằng nhiều người Ba Lan hoan nghênh quan hệ gắn bó với Hoa Kỳ. Ông nói: “Warsaw, nơi bị tàn phá hoàn toàn trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, nhận thức về sự mất an toàn rất cao. Và chúng tôi ở ngay cạnh nước Nga đang gây hấn. Do đó dư luận trông mong rằng Điều 5 sẽ được đề cập đến. Và mối hiểm họa Nga sẽ được công khai nói đến.

Người Ba Lan mưu tìm bảo đảm kinh tế

Bảo đảm kinh tế nằm cao trong nghị trình. Trước khi đọc diễn văn, ông Trump sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh Sáng kiến Ba Hải dương của các nước quanh biển Adriatic, biển Blakan và biển Đen, được thành lập để tăng cường khả năng độc lập về năng lượng ở Đông Âu. Ba Lan hy vọng sẽ trở thành điểm trung chuyển chính nhập khẩu khí đốt hóa lỏng của Mỹ.

Giáo sư Lewicki của Đại học Warsaw nhận định: “Hiện tại chúng tôi mua rất nhiều khí đốt từ hãng Gazprom của Nga. Họ dùng đó để tống tiền chúng tôi và Ukraine. Hợp đồng khí đốt của chúng tôi với Gazprom còn hai năm nữa. Và tôi nghĩ đây là lúc quyết định không ký tiếp hợp đồng với Gazprom nữa, đơn giản là sẽ nhập khí đốt từ Na Uy và Mỹ.”

Những người ủng hộ nói quan điểm của ông Trump về các vấn đề toàn cầu, như khí hậu và di dân, tương đồng với nhiều nhà lãnh đạo quan trọng trong chính phủ hiện nay của Ba Lan. Tuy nhiên, nhiều người lo rằng chuyến thăm của Tổng thống Trump có thể đào sâu thêm rạn nứt giữa Đông Âu và Tây Âu.

Giáo sư Zaborowski nhận định: “Nếu Tổng thống Trump dùng dịp này để gây chia rẽ người châu Âu và nói rằng những người châu Âu như người Ba Lan tốt hơn những người châu Âu khác, như Pháp và Đức, tức là những người không hợp với ông lắm, thì điều đó không có ích.”

Các nhóm đối lập theo dự trù sẽ bày tỏ phản đối ông Trump. Bà Marcelina Zawisla của Đảng Razem, là đảng đã tổ chức những cuộc biểu tình chống chính phủ lớn hồi gần đây, nói với các phóng viên báo chí bên ngoài Ðại sứ quán Mỹ hôm thứ Ba: “Chúng tôi không đồng ý với thái độ sô-vanh của ông Trump hoặc quyết định rút Mỹ ra khỏi hiệp ước khí hậu vốn được lập ra để bảo vệ hành tinh của chúng ta.”

Các cuộc biểu tình phản đối có phần chắc sẽ bị giữ cách xa Quảng trường Krasinski, và rõ ràng là chính phủ Ba Lan kiên quyết dành sự chào đón nồng nhiệt cho Tổng thống Trump. - VOA

***
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến viếng thăm cấp Nhà nước tại Đức, ngày hôm qua, 04/07/2015. Hôm nay, thủ tướng Đức Angela Merkel đón tiếp nguyên thủ Trung Quốc, trước khi diễn ra thượng đỉnh G20 được tiên đoán đầy khó khăn.

Theo tin Reuters, trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh là quan hệ hai bên "đang đi vào một giai đoạn mới, cần những đột phá mới". Ông hy vọng Berlin và Bắc Kinh có chương trình hành động mới cho công cuộc hợp tác.

Trong kế hoạch hợp tác Đức-Trung, hai bên chủ trương làm việc chặt chẽ hơn trên vấn đề khí hậu, thương mại, không gian, tiến tới một thỏa thuận tự do mậu dịch và cùng hợp tác phát triển ở châu Phi và Afghanistan.

Về đầu tư, bà Merkel cũng nêu vấn đề giới đầu tư Đức muốn được đối xử "bình đẳng" ở Trung Quốc, tiếp cận thị trường dễ dàng hơn. Đây là điều rất quan trọng đối với các doanh nghiệp Đức. Mặt khác, thủ tướng Đức cho biết sẵn sàng tham gia đề án Con Đường Tơ Lụa Mới, nhưng tiến trình phải minh bạch.

Ngoài các vấn đề trên, theo bà Merkel, lãnh đạo hai nước đã trao đổi về xã hội dân sự, nhân quyền, đồng thời nhấn mạnh cần tiếp tục đối thoại về nhân quyền.

Theo chương trình, thứ Năm, hai lãnh đạo sẽ đến thăm sở thú Berlin, nơi có hai con gấu trúc mà Bắc Kinh cho mượn, từ ngày 24/06/2017. Ông Tập Cận Bình hy vọng đây sẽ là "hai đại sứ mới của tình hữu nghị Đức -Trung". - RFI

***
Thủ tướng Đức Angela Merkel giữ vững lập trường rằng Châu Âu không thể tiếp tục phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ trong lúc bà Merkel đang chuẩn bị đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thượng đỉnh G20.

Quan điểm này lần đầu tiên được bà Merkel nhắc tới hồi cuối tháng 5 vừa qua, không bao lâu sau thượng đỉnh G7 tại Italy, và nay được lặp lại trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Đức ngày 5/7.

Thủ tướng Đức tái khẳng định rằng quyết định của ông Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu là ‘hết sức đáng tiếc’ dù một số tiểu bang và thành phố của Mỹ vẫn tiếp tục tham gia.

“Chúng ta phải phản ứng ngay bây giờ để phòng hậu họa lâu dài,” Thủ tướng Merkel kêu gọi.

Bà Merkel cũng chỉ ra các khác biệt giữa Đức và chính quyền mới tại Mỹ trong vấn đề toàn cầu hóa rằng trong khi Đức tìm kiếm cơ hội hợp tác vì xem toàn cầu hóa là nhịp cầu mang đến lợi ích cho tất cả các bên thì chính quyền Mỹ xem toàn cầu hóa là nguyên nhân tạo ra tình thế kẻ thắng-người thua. - VOA
|
|

3.
Hiệp định thương mại tự do: ‘thỏa thuận lịch sử’ Nhật-EU

Liên hiệp Âu châu và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận về một hiệp định thương mại tự do khổng lồ, chỉ hai ngày trước hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức.

Thỏa thuận này sẽ có ảnh hưởng tới phần lớn các hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế khổng lồ này.

Là cao điểm của 4 năm thương thuyết, thỏa thuận Nhật-EU sẽ được chính thức xác nhận hôm thứ Năm 6/7, khi Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk gặp nhau bên lề hội nghị G20, để bắt tay nhau về thỏa thuận lịch sử này.

Nền kinh tế Nhật Bản và kinh tế EU cộng lại chiếm tới 27% sản lượng kinh tế toàn cầu, tạo ra một trong các hiệp định thương mại lớn nhất từng được đề xuất.

Ủy viên Thương mại châu Âu, bà Cecilia Malmstrom, viết trên Twitter:

“Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận chính trị ở cấp bộ trưởng về một thỏa thuận thương mại EU-Nhật, và giờ đây đề nghị với các lãnh đạo để xác nhận thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh.”

Bà Malmstrong cũng cho biết trên trang Twitter, rằng hai bên “đã san bằng những sự khác biệt còn lại”, tuy nhiên dự kiến sẽ cần nhiều tháng để giải quyết những vấn đề liên quan tới dịch thuật và pháp lý.

Một giới chức cấp cao của EU nói thực phẩm và thức uống của EU dần dà sẽ được tiếp cận các thị trường Nhật miễn thuế, trong khi các nhà sản xuất xe hơi Châu Âu có thể chứng kiến việc hủy bỏ thuế quan đánh trên xe nhập khẩu từ Nhật Bản. Cả hai bên như vậy đều hài lòng vì các đòi hỏi chủ yếu của họ đã được đáp ứng.

Một trọng tâm khác tại Hội nghị G20 kéo dài 2 ngày khởi sự từ ngày thứ Sáu 7/7, là nghị trình về chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Dự kiến ông Trump sẽ lên tiếng bênh vực cho nghị trình này.

Hiệp định thương mại Nhật-EU có thể được coi như một hành động khích bác đối với ông Trump, người mà mới đây đã rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. - VOA
|
|

4.
Mỹ sẵn sàng dùng võ lực với Bắc Triều Tiên --- Kim Jong Un: 'Quà tên lửa' chắc làm Mỹ khó chịu --- Bắc Hàn 'dùng xe tải Trung Quốc' phóng phi đạn --- Mỹ-Hàn tập trận tên lửa đáp lại vụ bắn hỏa tiễn liên lục địa của BTT

Hoa Kỳ ngày 5/7 cảnh báo đã sẵn sàng dùng võ lực, nếu cần, để ngăn chương trình phi đạn hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, Washington nhấn mạnh vẫn ưu tiên cho giải pháp ngoại giao toàn cầu chống lại việc Bình Nhưỡng thách thức các cường quốc, thử nghiệm phi đạn đạn đạo hôm 4/7 có thể vươn tới tận tiểu bang Alaska của Mỹ.

Phát biểu trước cuộc họp của Hội đồng Bảo An, đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc, Nikki Haley, nói hành động của Bắc Triều Tiên đã nhanh chóng khép lại khả năng của một giải pháp ngoại giao và Hoa Kỳ đã sẵn sàng tự vệ và bảo vệ các đồng minh.

“Chúng tôi sẽ dùng ‘võ lực’ nếu cần, nhưng chúng tôi không muốn phải đi theo hướng đó,” bà Haley nhấn mạnh. Đại sứ Haley thúc giục Trung Quốc, đồng minh chính của Bắc Triều Tiên, nỗ lực hơn nữa để kìm chế Bình Nhưỡng.

Bắc Triều Tiêm hôm 4/7 phóng thử phi đạn đạn đạo xuyên lục địa mà một số chuyên gia tin rằng có tầm ngắm vươn tới các tiểu bang như Alaska, Hawaii, và thậm chí có thể là các vùng đất của Hoa Kỳ ở Tây Bắc Thái Bình Dương.

Bình Nhưỡng nói phi đạn vừa thử có thể mang đầu đạn hạt nhân cỡ lớn.

Vụ thử này là thách thức trực tiếp với Tổng thống Donald Trump, người cam kết ngăn chặn Bình Nhưỡng bắn phi đạn hạt nhân tới Mỹ.

Đại sứ Haley cho hay trong vài ngày tới, Mỹ sẽ đề nghị Liên hiệp quốc ban hành các biện pháp chế tài mới đối với Bắc Triều Tiên, đồng thời cảnh cáo rằng Washington sẵn sàng cắt đứt mậu dịch với bất kỳ nước nào làm ăn với Bình Nhưỡng vi phạm các nghị quyết của Liên hiệp quốc.

Giới ngoại giao cho rằng Bắc Kinh chưa thực thi đầy đủ các biện pháp chế tài quốc tế đối với Bình Nhưỡng mà thay vào đó còn chống đối các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn.

Các giới chức Hoa Kỳ cho biết Mỹ có thể có hành động đơn phương và trừng phạt thêm các công ty Trung Quốc làm ăn với Bắc Triều Tiên, đặc biệt là các ngân hàng.

Tòa Bạch Ốc ngày 5/7 loan báo đang điều nghiên các biện pháp đối với Bắc Triều Tiên.

Phó đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc cùng ngày kêu gọi chớ nên dùng võ lực với Bình Nhưỡng và yêu cầu ngưng triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn của Mỹ tại Hàn Quốc. - VOA

***
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tự hào với vụ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên hôm thứ Ba 4/7.

Theo hãng thông tấn Trung ương Bắc Hàn (KCNA), ông Kim nói với các nhà khoa học và kỹ sư rằng Hoa Kỳ sẽ “khó chịu” lắm khi nhận được “quà” mừng Lễ Độc lập hàng năm của họ.

Bình Nhưỡng hôm thứ Ba đã phóng tên lửa Hwasong-14 tại một phi trường gần biên giới Trung Quốc. Viện Khoa học Quốc phòng Bắc Triều Tiên nói rằng tên lửa Hwasong-14 bay 933 kilômét và đạt đến độ cao 2.802 kilômét. Tên lửa đã rớt xuống Biển Nhật Bản sau khi bay được 39 phút.

Dựa trên phân tích về thông số kỹ thuật quỹ đạo của tên lửa Hwasong-14, các chuyên gia Mỹ nói rằng tên lửa này dường như có thể bay đến bang Alaska.

KCNA nói rằng ông Kim Jong Un, với nụ cười rạng rỡ, “hối thúc các nhà khoa học của ông thường xuyên gởi những món quà lớn, nhỏ cho Mỹ.”

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói vụ phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng “là một sự leo thang mới của mối đe dọa đối với Mỹ, với các đồng minh và đối tác của chúng tôi, và với thế giới."

Ngoại trưởng Tillerson nói cần phải có một hành động toàn cầu để ngăn chặn mối đe dọa Bắc Hàn. Ông nói bất cứ quốc gia nào chứa chấp công nhân Bắc Hàn, cung cấp lợi ích kinh tế và quân sự cho Bắc Hàn, hay không chấp hành các nghị quyết của Liên hiệp quốc chống lại Bình Nhưỡng “là tiếp tay và xúi giục chế độ nguy hiểm này.”

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc họp khẩn

Phát ngôn viên Dana White của Ngũ giác đài ra một tuyên bố nói rằng vụ phóng thử tên lửa hôm thứ Ba “tiếp tục cho thấy Bắc Hàn đe dọa Mỹ và các các đồng minh của Mỹ.”

Một người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres ra tuyên bố lên án Bình Nhưỡng, và nói rằng vụ phóng thử tên lửa của Bắc Hàn “một lần nữa vi phạm trắng trợn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và cấu thành hành động leo thang căng thẳng nguy hiểm.”

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sẽ họp kín về vụ khủng hoảng Bắc Hàn vào chiều thứ Tư. Ngoại trưởng Tillerson nói cần phải có những biện pháp mạnh hơn đối với Bắc Triều Tiên.

Tại Nam Triều Tiên, các lực lượng quân sự của Mỹ và Nam Hàn loan báo đã thao dượt chống phi đạn vài giờ sau khi miền Bắc phóng tên lửa Hwasong-14, với mục tiêu chống lại hành động “gây bất ổn và vô luật pháp của Bắc Triều Tiên.”

Một thông cáo chung nói: “Hoa Kỳ kiên quyết với cam kết bảo vệ Nam Triều Tiên.”

Địa điểm tên lửa Hwasong-14 rơi xuống trên Biển Nhật Bản nằm trong đặc khu kinh tế của Nhật Bản. Điều này không chỉ khiến Tokyo căm phẫn, mà cả Trung Quốc, nước dường như không khống chế được đồng minh của mình.

Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên kiềm chế

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Bắc Kinh “không ngừng nỗ lực” để giải quyết những thách thức trên Bán đảo Triều Tiên. Ông nói vai trò của Trung Quốc là “không thể thiếu được,” và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, đừng ngay lập tức đẩy tình hình căng thẳng leo thang.

Ông Cảnh Sảng nói: “Trung Quốc yêu cầu Bắc Hàn kiềm chế những hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và thay vào đó hãy tạo điều kiện cần thiết để nối lại đối thoại và đàm phán.”

Tổng thống Donald Trump có lẽ sẽ tăng áp lực đòi Trung Quốc phải phải có biện pháp mạnh hơn để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn. Tổng thống Trump nói rằng mặc dù ông “thực sự công nhận chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có nhiều nỗ lực trong việc kiềm chế Bắc Hàn, nhưng không đạt hiệu quả. Ít nhất tôi biết rằng Trung Quốc đã cố gắng.”

Tổng thống Trump viết trên Twitter hôm thứ Ba: “Có lẽ Trung Quốc sẽ có một biện pháp nặng đối với Bắc Hàn để chấm dứt trò vô nghĩa này một lần và chấm dứt luôn.”

Giáo sư môn khoa học chính trị Cheng Xiaohe của Đại học Renmin ở Bắc Kinh nói còn quá sớm để đoán Trung Quốc sẽ đi theo phương án nào, hay Liên hiệp quốc sẽ phản ứng như thế nào, hoặc là chỉ đơn thuần lên án vụ phóng tên lửa, hay sẽ thực thi một vòng trừng phạt mới.

Giáo sư Cheng nói: “Nếu thực thi một vòng trừng phạt mới, thì các biện pháp mới có thể bao gồm những việc chẳng hạn như cấm du lịch đến Bắc Hàn, cấm sản phẩm hóa dầu của Bắc Hàn. Đó là những biện pháp mà Hội đồng Bảo an có thể sẽ thảo luận.”

Trung Quốc không muốn cắt mọi nguồn xuất khẩu thiết yếu sang Bắc Hàn, như dầu hỏa, vì họ sợ sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Kim Jong Un với những hậu quả chưa thể lường được, hoặc Bắc Hàn, trong thế chẳng có gì để mất, có thể tấn công quân sự Seoul. - VOA

***
Bắc Triều Tiên dường như đã dùng một chiếc xe tải do Trung Quốc sản xuất để vận chuyển và kê dựng một phi đạn đạn đạo mà nước này đã phóng thành công hôm thứ Ba, hãng tin Reuters cho biết. Chiếc xe tải này nguyên thủy được dùng để chở gỗ.

Đài truyền hình nhà nước Bắc Triều Tiên chiếu cảnh một chiếc xe tải lớn sơn kiểu ngụy trang quân sự chở theo phi đạn này. Nó giống hệt với chiếc xe tải mà một ban chế tài của Liên Hiệp Quốc nói là "có nhiều phần chắc" đã được chuyển đổi từ một chiếc xe tải chở gỗ của Trung Quốc.

Kể từ năm 2006, các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc đã cấm việc vận chuyển trang thiết bị quân sự cho Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, việc kiểm soát những thiết bị và xe cộ có ứng dụng quân sự và dân sự "lưỡng dụng" kém nghiêm ngặt hơn.

Chiếc xe này được nhập khẩu từ Trung Quốc và Bộ ngoại giao Bắc Triều Tiên tuyên bố chúng được sử dụng cho mục đích dân sự, theo một báo cáo năm 2013 của ban chế tài Liên Hiệp Quốc. Vụ phóng hôm thứ Ba là lần đầu tiên xe tải này được nhìn thấy trong một hoạt động quân sự ngoài trời trong những bức hình được truyền thông nhà nước đăng tải, Reuters cho hay.

Chiếc xe tải này trước đây đã được đem ra phô bày tại các cuộc diễu hành quân sự vào năm 2012 và năm 2013, chở theo thứ mà các chuyên gia nói dường như là những mô hình phát triển hoặc mẫu mô phỏng của những phi đạn đạn đạo xuyên lục địa của Bắc Triều Tiên.

Trong báo cáo năm 2013, ban chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cho biết các tính năng của xe này trong cuộc diễu hành năm 2012 hoàn toàn giống hệt với các tính năng của một loại xe được bán bởi Công ty Xe Đặc chủng Vạn Sơn Không gian Tam Giang Hồ Bắc của Trung Quốc.

Công ty này là một công ty con của Tập đoàn Khoa học Công nghệ Không gian Trung Quốc, một công ty nhà nước sản xuất phi thuyền Thần Châu cũng như phi đạn.

Reuters cho biết một người quản lý công ty được hãng tin này liên lạc bằng điện thoại từ chối bình luận vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Trung Quốc đã nộp cho ban chuyên gia của Liên Hiệp Quốc bản sao giấy chứng nhận người dùng cuối được cung cấp bởi miền Bắc nêu rằng sáu chiếc xe được nhập khẩu cho mục đích vận chuyển gỗ.

Ban chuyên gia nói họ "xem là có nhiều phần chắc Bắc Triều Tiên đã cố tình vi phạm" giấy chứng nhận và chuyển đổi những xe tải này thành thiết bị vận chuyển-kê dựng-phóng.

Năm nay, Bắc Triều Tiên đã sử dụng một mô hình xe tải khác do Trung Quốc sản xuất để kéo các phi đạn đạn đạo phóng từ tàu ngầm trong một cuộc diễu hành quân sự vào dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh của lãnh tụ lập quốc Kim Il Sung.

Năm ngoái, truyền thông nhà nước đăng những bức ảnh cho thấy xe tải do Trung Quốc chế tạo đang được sử dụng trong một hệ thống tên lửa di động mới của Bắc Triều Tiên.

Cả hai chiếc xe đều mang logo hoặc có các dấu hiệu đặc trưng của công ty Trung Quốc Sinotruk. - VOA

***
Theo hãng tin Yonhap, hôm nay, 05/07/2017, quân đội Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã bắn các tên lửa đạn đạo trong một cuộc tập trận, với kịch bản là một cuộc tấn công vào Bắc Triều Tiên. Cuộc thao dược này nhằm đáp lại vụ bắn thử tên lửa liên lục địa của Bắc Triều Tiên hôm qua. Bình Nhưỡng hôm nay khẳng định là tên lửa này có mang « một đầu đạn hạt nhân rất lớn ». Phía Hoa Kỳ xác nhận đây đúng là một tên lửa liên lục địa.

Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias tường trình về phản ứng của Seoul và Washington :

« Vụ bắn thử thành công tên lửa liên lục địa là một « món quà » tặng cho những « tên Mỹ khốn kiếp » nhân ngày Quốc khánh của chúng. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un đã tuyên bố như trên. Quyết định khiêu khích tới cùng, ông hứa sẽ có những « món quà » khác trong tương lai.

Trong phản ứng đầu tiên, quân đội Hàn Quốc và Mỹ sáng nay đã bắn các tên lửa đạn đạo « với độ chính xác rất cao » ở vùng bờ biển phía đông của Bắc Triều Tiên. Nhưng hành động biểu dương sức mạnh này chắc là sẽ không làm nhụt chí Bình Nhưỡng.

Washington cũng đã yêu cầu triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Tại Hoa Kỳ, ngày càng có nhiều người kêu gọi ban hành các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn đối với chế độ Bắc Triều Tiên, ví dụ như trừng phạt những ngân hàng và những công ty giao thương với Bình Nhưỡng.

Trên thực tế, cả Hoa Kỳ và các đồng minh đều không có phương án nào khác. Mở một cuộc tấn công ngăn ngừa thì có nguy cơ gây nên một cuộc chiến tranh. Thay đổi chế độ, như yêu cầu của một số người, thì rất khó mà làm được. Về giải pháp ngoại giao, kể từ nay rõ ràng là Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ chấp nhận phi hạt nhân hóa. Ngay cả việc tạm đình chỉ chương trình tên lửa đạn đạo cũng ngày càng khó mà xảy ra. »

Mỹ xác nhận hỏa tiễn Bắc Triều Tiên thuộc loại « tầm xa »

Trong cuộc họp ngay sau vụ bắn thử hôm qua, Lầu Năm Góc đã nói đấy chỉ là hỏa tiễn tầm trung, nhưng sau đó ngay trong ngày đã xác nhận rằng hỏa tiễn mà Bắc Triều Tiên thử nghiệm « thành công » đúng là loại tầm xa. Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cũng xác nhận và nói đến « mối đe dọa gia tăng ».

Thông tín viên RFI tại Washington, Anne Capomaccio, cho biết chi tiết :

« Thông cáo đầu tiên của Lầu Năm Góc, sáng hôm qua, nói đến một hỏa tiễn tầm trung được Bắc Triều Tiên thử nghiệm thành công. Hỏa tiễn đã bay trong thời gian 37 phút trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản.

Nhưng đánh giá của các chuyên gia đã thay đổi trong ngày. Theo phân tích đường đạn đạo thì đó là một hỏa tiễn tầm xa chứ không phải tầm trung.

Đây là bằng chứng tiến bộ của Bắc Triều Tiên… cho dù tổng thống Mỹ Donald Trump phủ nhận. Loại hỏa tiễn này có thể bắn tới Alaska, tức là lãnh thổ Mỹ.

« Tất cả các giải pháp đều đặt trên bàn ». Từ nhiều tuần qua, Lầu Năm Góc đã nói đi nói lại như thế… Nhưng vấn đề không đơn giản. Rõ ràng Trung Quốc, mà ông Trump muốn dựa vào, đã không thể, hay không muốn, gây sức ép hơn nữa lên Bình Nhưỡng.

Washington chỉ còn có cách đưa ra những biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Bắc Triều Tiên và nhất là những ngân hàng Trung Quốc giao dịch với quốc gia này.

Cuối cùng còn lại biện pháp quân sự, mà Lầu Năm Góc gọi là giải pháp cuối cùng. Hoạt động ngoại giao trực tiếp giữa Washington và Bình Nhưỡng là điều hoàn toàn không thể tiến hành ».

Đề xuất dùng THAAD bắn tên lửa Bắc Triều Tiên

Nhìn chung các đối sách mà Mỹ và quốc tế áp dụng nhằm ngăn cản tiến trình trang bị tên lửa hạt nhân của Bắc Triều Tiên đều thất bại. Trong bối cảnh đó, một chuyên gia Pháp đã gợi đến một biện pháp táo bạo, nhưng có thể có hiệu quả, đó là dùng hệ thống THAAD đặt tại Hàn Quốc để bắn rơi tên lửa Bắc Triều Tiên trong lần thử nghiệm tới đây.

Trả lời Ban Pháp Ngữ RFI, chuyên gia Mathieu Duchatel phân tích :

« Bắc Triều Tiên đang có những bước tiến nhanh chóng và đang càng lúc càng chứng tỏ được là những lời nói của họ rất đáng tin. Các biện pháp trừng phạt, áp lực ngoại giao, đối thoại, đều thất bại, và tôi cho rằng sẽ đến lúc mà Hoa Kỳ phải tính đến vấn đề sử dụng võ lực.

Vấn đề là dùng sức mạnh đánh cụ thể vào cái gì ? Đối với Bình Nhưỡng, họ đang càng lúc càng chạy theo logic là phải tăng cường các công cụ răn đe hạt nhân để đối phó với nguy cơ Bắc Triều Tiên bị « chặt đầu ». Nhưng điều đó chỉ có nghĩa là chế độ bị triệt tiêu, chứ không phải là các đầu đạn hạt nhân hay tên lửa, vì phá hủy những thứ đó là điều không thể làm được.

Đối với Mỹ, tuy nhiên còn một giải pháp nữa, dù nhiều rủi ro, nhưng không thể loại trừ trong trung hạn : Đó là nhân một cuộc thử nghiệm tên lửa sắp tới của Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ sử dụng hệ thống chống tên lửa đạn đạo THAAD của họ để đánh chặn hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên trên không trung.

Điều đó cho phép Mỹ bắn đi thông điệp là hệ thống lá chắn chống tên lửa mạnh hơn các hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Triều Tiên". - RFI
|
|

5.
Ông Trump nghi ngờ khả năng hợp tác của Trung Quốc --- Trump chỉ trích TQ về quan hệ thương mại với Bắc Hàn

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/7 lên án mậu dịch giữa Trung Quốc với Bắc Triều Tiên, đồng thời tỏ ý nghi ngờ về khả năng Bắc Kinh sẽ hợp tác với Washington đối phó với đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng.

“Thương mại giữa Trung Quốc với Bắc Triều Tiên tăng gần 40% trong quý đầu năm nay. Trung Quốc hợp tác với chúng ta nhiều thế đấy – nhưng chúng ta cũng phải thử xem,” ông Trump viết trên Twitter.

Thậm chí trước khi Bình Nhưỡng tuyên bố hôm 4/7 rằng thử nghiệm thành công phi đạn đạn đạo xuyên lục địa, Tổng thống Trump đã tỏ ý hết kiên nhẫn với các bước tiến hết sức ‘khiêm tốn’ của Bắc Kinh trong việc áp lực Bình Nhưỡng và tính tới chuyện xúc tiến các hành động trừng phạt thương mại.

Các nhà phân tích cho rằng phi đạn vừa thử của Bình Nhưỡng có thể đặt toàn bộ tiểu bang Alaska của Mỹ trong tầm ngắm của Bắc Triều Tiên.

Vụ phóng thử phi đạn của Bắc Triều Tiên hôm 4/7 vực dậy những lời kêu gọi phải có biện pháp mạnh tay hơn với Bình Nhưỡng.

Tin nhắn của Tổng thống Trump trên Twitter xuất hiện trước khi ông lên đường dự thượng đỉnh G20 tại Đức vào cuối tuần này.

Tòa Bạch Ốc cho biết ông Trump đã nói chuyện với cả lãnh đạo Trung Quốc lẫn Nhật Bản về mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên. - VOA

***
Ông Donald Trump đã chỉ trích Trung Quốc sau vụ thử tên lửa tầm xa của Bắc Hàn, và lên án Bắc Kinh về việc tăng hoạt động thương mại với Bình Nhưỡng.

"Để Trung Quốc hợp tác với chúng ta tức là đã cho họ quá nhiều," tổng thống Hoa Kỳ viết trên Twitter.

Hoa Kỳ và Nam Hàn đã tiến hành cuộc tập trận bắn tên lửa đạn đạo trên Biển Nhật Bản nhằm đáp trả Bắc Hàn.

Trung Quốc và Nga cùng thúc giục hai bên hãy chấm dứt việc phô trương sức mạnh quân sự của mình, và nói sẽ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm thay đổi thể chế ở Bắc Hàn.

"Với Nga và Trung Quốc thì điều hoàn toàn rõ ràng là bất kỳ nỗ lực nào nhằm tạo cớ cho việc sử dụng vũ lực qua việc dẫn chiếu tới các nghị quyết của Hội đồng Bảo an [Liên hợp quốc] là không thể chấp nhận được, và điều đó sẽ dẫn tới các hậu quả không thể lường trước trong khu vực này, nơi có biên giới với cả Liên bang Nga và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa," Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói.

"Các nỗ lực nhằm bóp nghẹt Bắc Hàn về mặt kinh tế cũng là không thể chấp nhận được," ông nói thêm.

Vụ phóng tên lửa, là lần thử mới nhất trong loạt các vụ thử, đã được thực hiện bất chấp lệnh cấm của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. 

Hoa Kỳ đã yêu cầu có cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an để thảo luận vấn đề. Một phiên họp kín giữa 15 thành viên Hội đồng sẽ diễn ra vào cuối ngày thứ Tư.

Tổng thống Hoa Kỳ đã có các cuộc thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng của ông ở Mar-a-Lago, Florida hồi tháng Tư. Ông Trump khi đó đã ca ngợi "những tiến triển to lớn" với Trung Quốc sau các cuộc gặp này.

Các số liệu thương mại cho thấy đã có sự gia tăng trong quan hệ thương mại Trung Quốc - Bắc Hàn trong thời gian trước khi có cuộc gặp mặt hồi tháng Tư.

Tổng thống Mỹ hiện đang trên đường tới Ba Lan và Đức, nơi ông sẽ gặp ông Tập lần thứ hai.

Trung Quốc, đồng minh kinh tế chính của Bình Nhưỡng, và Nga đã kêu gọi Bắc Hàn ngưng chương trình tên lửa đạn đạo để đổi lấy việc ngưng các hoạt động tập trận quy mô lớn giữa Mỹ và Nam Hàn.

Ông Tập và Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng "các bên đối đầu cần bắt đầu đàm phán".

Nhật Bản hôm thứ Ba nói "những khiêu khích lặp đi lặp lại như thế này là hoàn toàn không thể chấp nhận được" và đã lên tiếng phản đối.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) là gì?

Là tên lửa tầm xa, thường được thiết kế để mang theo đầu đạn hạt nhân

Tầm di chuyển tối thiểu là 5.500km, nhưng hầu hết đều bay từ 10.000km trở lên

Bình Nhưỡng trước đây từng trưng bày hai loại ICBM là KN-08, tầm bay 11.500km, và KN-14, tầm bay 10.000km, nhưng cho tới trước ngày 4/7vẫn chưa hề tuyên bố thử nghiệm ICBM. 

Bắc Hàn hiện thực sự đã có vũ khí tầm xa chưa?

Một số chuyên gia tin rằng cuộc thử nghiệm hôm thứ Ba cho thấy Bắc Hàn đã có một tên lửa có thể đi tới tận Alaska.

Tuy nhiên, tên lửa đó có mang được đầu đạn hạt nhân hay không vẫn là vấn đề chưa rõ.

Bình Nhưỡng nói tên lửa mang theo một "đầu đạn hạng nặng", có khả năng nhắm trúng điích dưới nước mà không làm vỡ kết cấu của mục tiêu.

Nam Hàn nói không có bằng chứng nào cho thấy tên lửa này có thể chịu được nhiệt độ cao và quay trở lại khí quyển một cách thành công, theo hãng tin Yonhap.

Các chuyên gia tin rằng Bình Nhưỡng chưa có khả năng làm đầu đạt hạt nhân cỡ nhỏ, vừa để gắn được vào hỏa tiễn tầm xa và giữ được nó an toàn cho tới khi trúng mục tiêu.

Họ nói rằng các tên lửa của Bắc Hàn không thể nhắm bắn chính xác, trúng được mục tiêu.

Tuy nhiên, một số người khác tin rằng với tốc độ hiện nay, Bình Nhưỡng có thể vượt qua được các trở ngại này và phát triển được vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công Mỹ trong vòng từ 5 đến 10 năm. - RFI
|
|

6.
Trung Quốc mời chuyên gia Mỹ, Đức giúp chữa trị Lưu Hiểu Ba

Một bệnh viện Trung Quốc đã mời các chuyên gia về ung thư đến từ Hoa Kỳ và Đức giúp điều trị nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Trung Quốc và cũng là khôi nguyên giải Nobel Hòa bình, ông Lưu Hiểu Ba.

Phòng Tư pháp thành phố Thẩm Dương, nơi ông Lưu đang được chữa trị, hôm thứ Tư nói rằng bệnh viện đã đưa ra lời mời đó sau khi có yêu cầu của gia đình ông Lưu, và sau khi tham khảo ý kiến của toán y tế điều trị cho nhà bất đồng chính kiến này.

Ông Lưu, 61 tuổi, được phóng thích khỏi nhà giam vì lý do sức khỏe vào tháng Năm vừa qua sau khi được chẩn đoán mắc ung thư gan giai đoạn cuối.

Nhà chức trách Trung Quốc quyết định mời chuyên gia nước ngoài đến giúp điều trị ông Lưu sau khi Berlin hối thúc Bắc Kinh hãy cho phép ông Lưu ra nước ngoài để trị bệnh. Bắc Kinh nói tình trạng sức khỏe của ông Lưu quá suy yếu để có thể rời Trung Quốc, nhưng ông Hồ Giai, bạn của ông Lưu và cũng là một nhà bất đồng chính kiến, nói rằng một băng video xuất hiện trên YouTube hồi cuối tuần rồi, dường như cho thấy ông Lưu đang trong tình trạng ổn định.

Nhiều chính quyền nước ngoài và các tổ chức bênh vực nhân quyền đều hối thúc Trung Quốc hãy cho phép ông Lưu ra nước ngoài để chữa trị ở bất cứ nơi nào ông chọn.

Ông Lưu là một nhà thơ và nhà tranh đấu cho nhân quyền, ông bị bắt sau khi soạn thảo Hiến chương 08, một tuyên ngôn kêu gọi cải cách dân chủ ở Trung Quốc. Ông được trao Giải Nobel Hoà bình năm 2010 vì đã đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền. Ông bị kết án 11 năm tù về tội “xúi giục lật đổ chính quyền”, một điều khoản vẫn được nhà chức trách Trung Quốc sử dụng để bịt miệng những nhà bất đồng.

Rất khó có được thông tin đáng tin cậy và độc lập về tình trạng của ông Lưu Hiểu Ba, cũng như ước nguyện của ông được ra nước ngoài, trong bối cảnh cả ông Lưu lẫn vợ ông, bà Lưu Hà, bị nhà cầm quyền cô lập.

Tuần trước, 154 khôi nguyên Giải Nobel thuộc đủ mọi lĩnh vực đã ký và gửi một thư ngỏ cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hối thúc Bắc Kinh hãy “vì lý do nhân đạo, đáp ứng nguyện vọng của ông Lưu Hiểu Ba và vợ ông, bà Lưu Hà, cho họ sang Hoa Kỳ chữa trị.”

Tin của đài CNN hôm 5/7/2017 trích lời Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Terry Branstad, nói với các nhà báo trong phát biểu đầu tiên của ông trước công chúng hôm thứ Tư tuần trước, rằng ông hy vọng hai bên có thể làm việc cùng nhau để giải quyết tình trạng ông Lưu Hiểu Ba.

Đại sứ Bransatd:

“Tình trạng của ông Lưu rất nghiêm trọng. Rõ rệt chúng tôi cảm thương tình cảnh của vợ chồng ông, và mong muốn làm tất cả những gì có thể làm được. Người Mỹ chúng tôi muốn thấy ông được có cơ hội để trị bệnh ở một nơi khác, nếu điều đó có thể giúp được.”

Ông Liu cũng trở thành một đề tài tập họp đối với các nhà hoạt động ở Hồng Kông vào cuối tuần rồi, khi ông Tập tham gia các lễ lạc đánh dấu 20 năm từ khi Hồng Kông, cựu thuộc địa Anh, được trao trả lại cho Trung Quốc.

Chính quyền Trung Quốc tiếp tục kiểm duyệt tin tức liên quan tới ông Lưu Hiểu Ba ở trong nước, và trong mấy ngày qua đã phát động một chiến dịch phản công trước phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế về tình cảnh nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba. - VOA
|
|

7.
Pháp: Đa số Quốc Hội tín nhiệm thủ tướng Philippe

Thủ tướng Pháp vào hôm qua, 04/07/2017, đã được Quốc Hội mới tín nhiệm với đa số tuyệt đối : 370 phiếu thuận, 67 phiếu chống và 129 dân biểu không bỏ phiếu. Trước đó, ông đã đọc diễn văn trình bày đường lối chung, với nhiều thông báo về giáo dục, y tế và nhất là ngân sách.

Sau diễn văn của tổng thống trước Quốc Hội lưỡng viện ở Versailles hôm thứ Hai, 03/07, vạch ra những phương hướng tổng quát, thì thủ tướng chính phủ đã đi vào những thông báo cụ thể như vaccin bắt buộc đối với tất cả trẻ em, cải cách lại cuộc thi Tú Tài, hay tăng dần giá thuốc lá để lên mức 10 euro một gói, hoặc bãi bỏ một số chi phí về mắt kính hay chữa răng…

Về ngân sách, thủ tướng Pháp nêu những biện pháp cụ thể để giới hạn thâm thủng ở mức 3% GDP, ngay trong năm 2017 này.

Còn Thượng Viện Pháp vào hôm qua, 04/07, đã thông qua quyết định triển hạn tình trạng khẩn cấp ban hành sau vụ khủng bố 13/11/2015, tại Paris. Ngày mai, 06/07, đến lượt Hạ Viện bỏ phiếu.

Vào mùa thu tới, chính quyền muốn thay thế tình trạng khẩn cấp bằng một đạo luật chống khủng bố. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

8.
Đa số cử tri Mỹ ủng hộ lệnh cấm du hành của ông Trump

Đa số cử tri Mỹ tán thành lệnh cấm du hành của Tổng thống Donald Trump, áp dụng đối với 6 nước có đa số dân theo Hồi giáo, theo một cuộc thăm dò mới do tạp chí POLITICO và tổ chức thăm dò Morning Consult thực hiện.

Lệnh cấm không cho phép cấp visa mới cho khách đến từ Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen trong 90 ngày, đồng thời tạm ngưng chương trình tái định cư trong 120 ngày.

Kết quả thăm dò cho thấy 60% cử tri tán thành lệnh cấm du hành, trong khi chỉ có 28% chống đối lệnh này.

Đại đa số cử tri Đảng Cộng hoà, lên tới 84%, ủng hộ lệnh cấm, chỉ có 9% chống lệnh này.

Lệnh cấm du hành cũng được sự ủng hộ rộng rãi trong giới cử tri độc lập. 56% trong thành phần này ủng hộ lệnh cấm, so với 30% chống.

Trong giới cử tri Đảng Dân chủ, hơn 40% người được thăm dò tán thành lệnh cấm, trong khi 46% chống đối lệnh này.

Cuộc thăm dò không đề cập tới Tổng thống Trump hoặc các sắc lệnh của ông về vấn đề di trú. Đó là khác biệt giữa cuộc thăm dò mới nhất với các cuộc thăm dò công luận khác, mà đa số đều kết luận là có nhiều người chống đối hơn, so với những người ủng hộ.

Một cuộc thăm dò do hãng tin AP và Trung tâm thăm dò NORC thực hiện vào tháng trước cho thấy 60% cử tri Mỹ ủng hộ các phán quyết của nhiều tòa án, chặn lệnh cấm du hành của ông Trump.

Cuộc khảo sát này đã được hoàn tất trước khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ra phán quyết hồi tuần trước, cho phép thực thi một số khía cạnh của chính sách trong khi lệnh cấm chờ được tòa án tối cao xem xét vào mùa thu tới.

Phán quyết của Tối Cao Pháp viện nói rằng chính quyền phải tự chế trong việc ngăn chặn khách du hành sang Mỹ có “quan hệ mật thiết sẵn có” với một người, hoặc thực thể, đã có mặt ở Hoa Kỳ. - VOA
|
|

9.
Oregon thành tiểu bang đầu tiên cho phép không xác định giới tính trên thẻ nhận dạng

Oregon trở thành tiểu bang đầu tiên trên đất Mỹ cho phép cư dân không phải xác định giới tính nam hay nữ, với ô “không xác định” khi điền đơn xin giấy phép lái xe hay các loại thẻ nhận dạng nói chung.

Luật này có hiệu lực kể từ ngày Thứ Hai, 3 Tháng Bảy.

Vào cuối tháng trước, thị trưởng Washington, DC cho hay nơi đây là đơn vị hành chánh đầu tiên ở Mỹ cho cư dân có sự lựa chọn này.

Nha Lộ Vận Oregon cho hay luật mới được đưa ra sau khi một chánh án hồi năm ngoái cho phép một cư dân ở thành phố Portland thay đổi phần xác định giới tính của mình để không phải lựa chọn “nam” hoặc “nữ.”

Cơ quan này cho hay họ phải nghiên cứu luật tiểu bang Oregon, có các thay đổi trong hệ thống điện toán, họp hành với các cơ quan công lực cũng như tòa án, đồng thời phải thay đổi luật lệ hành chánh để đáp ứng đòi hỏi của phán quyết này.

Các nhà lập pháp tiểu bang California hiện cũng đang xét tới việc đưa thêm sự chọn lựa thứ ba về giới tính trong các thẻ nhận dạng của tiểu bang. - nguoiviet
|
|

10.
Tòa liên bang cấm cơ quan bảo vệ môi trường thay đổi luật lệ về khí hậu

Một tòa kháng án liên bang Mỹ hôm Thứ Hai ra phán quyết ngăn chặn việc cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) đang tìm cách hủy bỏ một số luật lệ liên quan đến vấn đề khí hậu ấm dần.

Tòa Kháng Án Liên Bang ở Washington, DC ra phán quyết là cơ quan EPA không có quyền ra lệnh tạm ngưng thi hành trong hai năm một quy định theo đó giới hạn việc xả hơi methane và các chất gây ô nhiễm khác, theo bản tin của hãng thông tấn UPI.

Tòa nói chính phủ của Tổng Thống Donald Trump có quyền duyệt xét lại các quy định đưa ra năm 2016, nhưng không được hoãn thi hành hai năm trong khi chờ viết lại luật.

“Chúng tôi đi đến kết luận rằng EPA không có thẩm quyền, theo đạo luật Không Khí Trong Sạch, để hoãn thi hành,” tòa cho hay trong quyết định dài 8 trang, theo bản tin UPI.

Các quy định chính phủ Trump muốn bỏ đã được chính phủ Obama đưa ra trong kế hoạch đối phó với tình trạng khí hậu ấm dần.

Khi Tổng Thống Donald Trump lên cầm quyền, ông cho hay sẽ giảm bớt các luật lệ do chính phủ trước đưa ra để tạo thêm việc làm và gia tăng việc sản xuất năng lượng, cũng theo UPI. - nguoiviet
|
|

11.
Lượng cần sa bán ở Nevada vượt xa mức dự trù của các cửa tiệm

Số lượng cần sa bán cho khách hàng mua hút giải trí vượt xa mức dự trù của các cửa tiệm ở Las Vegas, khi hàng người chờ đợi từ 20 đến 45 phút trước khi đến lượt mua, kể từ hôm Thứ Bảy tuần qua, khi Nevada trở thành tiểu bang thứ năm ở Mỹ cho phép bán cần sa cho công chúng.

Hiện có những dự đoán cho rằng lượng cần sa bán nơi đây sẽ là con số khổng lồ do có hàng chục triệu du khách đến thăm Las Vegas mỗi năm.

Khách hàng hôm Thứ Hai lại tiếp tục sắp hàng trước các cửa tiệm cần sa, từ trước khi những nơi này mở cửa.

Đối với một số người, đây sẽ là lần đầu tiên họ mua từ khi luật bắt đầu có hiệu lực hôm Thứ Bảy.

Cũng có những người khác quay trở lại cho lần thứ nhì. Cả du khách và dân địa phương đều cùng hài lòng trước việc thi hành luật cần sa mới ở tiểu bang.

“Tôi rất vui mừng trước số bán mạnh mẽ của cần sa, nhất là khi việc này không được loan báo rộng rãi trước đó,” theo lời ông Andrew Jolley, chủ tịch hiệp hội các nhà bán cần sa ở Nevada và cũng là một chủ tiệm. “Công chúng chỉ được biết trước khoảng hai tuần, trong khi Colorado chuẩn bị cả năm trời.”

Cử tri Nevada bỏ phiếu chấp thuận việc bán cần sa cho công chúng hút giải trí hồi Tháng Mười Một năm ngoái. Tuy nhiên, các quy định về việc bán không được chấp thuận cho tới khoảng 2 tuần trước đây.

Nhu cầu mua cần sa hồi cuối tuần qua cao đến nỗi một số tiệm không đủ lượng bán, trong khi có tiệm phải kéo dài giờ mở cửa.

Tiệm Euphoria Wellness có 50 người đứng đợi đến phiên mua vào lúc giữa trưa ngày Thứ Hai.

Một trong những người điều hành tiệm, ông Jim Ferrence, cho hay có ít nhất 1,000 khách hàng vào mua nơi đây trong hai ngày đầu tiên.

Bất cứ ai từ 21 tuổi trở lên và có giấy tờ chứng thực đều có thể mua tới một ounce (28.34 gram) cần sa.

Tính tới ngày Thứ Sáu, tiểu bang Nevada cấp giấy phép cho  44 tiệm bán cần sa, trong đó có 39 tiệm ở Las Vegas.

Khách hàng đến mua mà không muốn đợi, có thể trả tiền lên xe buýt đi tour đến các tiệm đã có thỏa thuận trước để họ ưu tiên vào mua.

Hiện chỉ có Nevada cùng Colorado, Oregon, Washington, và Alaska là cho phép người từ 21 tuổi trở lên được mua cần sa, hiện vẫn còn bị chính quyền liên bang Mỹ coi là ma túy.

Thị trường ở Nevada được coi là lớn nhất nước Mỹ, ít ra là cho tới khi California được phép bán. - nguoiviet
|
|

12.
Quốc Hội Mỹ chuẩn bị đưa luật ngăn IRS phạt dân vì không có bảo hiểm y tế

Quốc Hội Mỹ hiện đang chuẩn bị luật để ngăn không cho Sở Thuế IRS thi hành một trong những điều khoản bị nhiều người ghét bỏ nhất trong Obamacare, đó là buộc phần lớn người dân Mỹ phải có bảo hiểm sức khỏe nếu không sẽ bị phạt tiền thuế.

Kế hoạch này không nằm trong nỗ lực của các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa nhằm thay thế Obamacare và nhiều phần sẽ được thông qua vì đưa vào ngân sách điều hành của Bộ Tài Chánh và IRS, theo bản tin của tờ New York Times.

Tuy nhiên, luật này cũng có cùng một mục đích là làm suy yếu bộ luật y tế mà Tổng Thống Donald Trump và phía Cộng Hòa tại Quốc Hội Mỹ muốn gỡ bỏ.

Trong trường hợp các nỗ lực hủy bỏ và thay thế Obamacare thất bại hay bị trì trệ, phía Cộng Hòa cũng có một giải pháp dự phòng là ngăn không cho IRS thi hành lệnh buộc mọi người phải có bảo hiểm.

“Không phần tiền nào trong đạo luật ngân sách cho Bộ Tài Chánh được phép dùng để thi hành điều khoản 5000A của luật thuế,” theo quy định của đạo luật ngân sách.

Điều khoản 5000A phạt tiền thuế những ai không có bảo hiểm y tế.

Đạo luật ngân sách cũng cấm IRS thi hành đòi hỏi giới chủ nhân cùng các công ty bảo hiểm phải cung cấp cho chính phủ Mỹ tên và số An Sinh Xã Hội của những ai họ cung cấp bảo hiểm.

Chính phủ Mỹ hiện đang dùng những dữ kiện này để tiến hành việc bắt buộc có bảo hiểm.

Người điều hành cơ quan IRS, ông John A. Koskinen, cho hay có khoảng 6.5 triệu người trả thuế ở Mỹ đã phải trả số tiền phạt khoảng $3 tỷ trong năm 2015 vì không có bảo hiểm sức khỏe.

Bên cạnh đó có 12.7 triệu người xin được miễn trừ vì hoàn cảnh khó khăn hay vì các lý do khác. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

13.
Hai Tàu Hải quân Mỹ thăm cảng Cam Ranh

Hai tàu hải quân Hoa Kỳ gồm chiếm hạm USS Coronado (LCS 4) và tàu cứu hộ USNS Salvor (T-ARS-52) đang thăm cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 7. Trọng tâm của chuyến thăm 5 ngày là để trao đổi kỹ năng quân y, tìm kiếm và cứu nạn, an ninh hàng hải, và dự các hội thảo về luật biển…

Trong thông báo của Hạm đội 7, Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ cho biết hai tàu Hải quân với gần 120 thủy thủ Mỹ có mặt ở Cam Ranh sẽ bắt đầu chương trình Hợp tác Hải quân (NEA) thường niên lần thứ 8 vào ngày 5/7.

Chuẩn Đô đốc Don Gabrielson, Tư lệnh Nhóm Hậu cần Tây Thái Bình Dương/Lực lượng đặc nhiệm 73 nói:

“Hoa Kỳ đánh giá cao mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam, và chúng tôi mong muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa nhân dân với nhân dân thông qua các cuộc tiếp xúc như chương trình NEA. Bằng cách cùng làm việc và tương tác với nhau, chúng ta thường xuyên thúc đẩy các mối quan hệ và sự tin tưởng có ý nghĩa, góp phần vào hòa bình và thịnh vượng của khu vực."

Báo Thanh Niên nói trong thời gian ở Việt Nam, hai tàu Hải quân Mỹ sẽ tham gia huấn luyện đào tạo lặn trục vớt, cứu hộ trên biển, kiểm soát các thiệt hại khi xảy ra sự cố…

Báo Đất Việt cho biết chuyến cập cảng Cam Ranh ngày 5/7 của tàu USS Coronado là “khá bất ngờ bởi cũng chính con tàu này đã thực hiện chuyến thăm Cam Ranh trong các ngày 11-15/6 vừa qua.”

Trước đó, theo thông tin của sứ quán Mỹ tại Hà Nội, Chuẩn Đô đốc Donald Gabrielson nói chuyến thăm kỹ thuật đến Cam Ranh vào tháng trước đánh dấu lần đầu tiên hoạt động bảo dưỡng viễn chinh được thực hiện cho phiên bản tàu tác chiến ven bờ thuộc lớp Independence triển khai luân phiên.

Được biết, USS Coronado là chiếc tàu LCS đầu tiên Hải quân Mỹ tích hợp thành công tên lửa chống hạm Harpoon Block IC. Cùng với việc tích hợp tên lửa Harpoon, nền tảng quan trọng nhất của gói nâng cấp này là hệ thống kiểm soát vũ khí mở rộng (AHWCS) dành riêng cho loại tên lửa chống hạm.

USS Coronado có chiều dài 127 m, rộng 32 m, giãn nước đầy tải 3.100 tấn. Tàu được trang bị hai động cơ tuabin khí, tốc độ tối đa 87 km/h và tầm hoạt động 8.000 km.

Tàu được thiết kế để đối phó với các mối đe doạ trên vùng biển gần bờ, thực hiện nhiệm vụ quét mìn, chống ngầm và chống tàu mặt nước.

Tàu USNS Salvor dài 78 m, giãn nước đầy tải 3.300 tấn, có tốc độ đố tối đa 28 km/h. Tàu Salvor được thiết kế phù hợp với các hoạt động cứu nạn và cứu hộ trên biển, toàn thế giới.

NEA Vietnam là hoạt động thường niên, được thiết kế nhằm tăng cường hiểu biết, xây dựng niềm tin trên biển và củng cố quan hệ giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Việt Nam. - VOA
|
|

14.
Hai thủy thủ Việt Nam bị chặt đầu ở Philippines

Thi thể của hai thủy thủ Việt Nam bị chặt đầu đã được dân địa phương phát hiện hôm 5/7 trên đảo Basilan, miền nam Philippines, theo tin AP và một số báo quốc tế dẫn lời quân đội Philippines cho hay. Phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf bị nghi là thủ phạm trong hành động bạo lực này.

Theo Bộ Tư lệnh Tây Mindanao, hai người xấu số có tên Hoàng Trung Thông và Hoàng Văn Hải. Dân làng đã tìm thấy thi thể của họ ở thị trấn Sumisip vào sáng sớm.

Tin trên báo chí chính thống Việt Nam nói bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết trong cùng ngày 5/7 rằng Bộ Ngoại giao và đại sứ quán Việt Nam ở Manila đã “đề nghị các cơ quan chức năng của Philippines xác minh những thông tin nói trên và có hỗ trợ cần thiết trong thời gian sớm nhất”. 

Nữ phát ngôn viên Thu Hằng nói thêm: “Việt Nam lên án mạnh mẽ mọi hành vi bắt cóc và sát hại dã man, vô nhân tính và cho rằng các hành vi này phải bị trừng trị đích đáng”.

Hai thủy thủ vừa bị sát hại thuộc nhóm 6 thuyền viên đã bị Abu Sayyaf bắt cóc hồi đầu tháng 11 năm ngoái. Vào thời điểm vụ bắt cóc xảy ra, có tổng cộng 19 thuyền viên đang trên một con tàu của Việt Nam chở xi măng từ tỉnh Quảng Ninh đi đến Indonesia.

Danh tính của 6 người được xác định là ông Phạm Minh Tuấn, thuyền trưởng, quê Hải Phòng; Đỗ Trung Hiếu, thuyền phó 2, cũng quê Hải Phòng; Hoàng Võ, thuyền phó 3, quê Nghệ An; Trần Khắc Dũng, quê Đắc Lắc; Hoàng Trung Thông, thủy thủ trưởng, quê Quảng Bình; và Hoàng Văn Hải, thủy thủ, quê Thanh Hóa.

Tin tức trên báo chí Việt Nam cho hay ngay sau khi vụ bắt cóc xảy ra Công ty Cổ phần Hàng hải Hoàng Gia ở Hải Phòng, đơn vị khai thác con tàu, đã cử người sang Philippines để phối hợp với nhà chức trách tìm cách giải quyết vụ việc.

Từ đó đến nay, không có thêm thông tin về việc công ty và nhà chức trách hai nước Việt Nam, Philippines có thương lượng gì hay không với những kẻ bắt cóc.

Hy vọng nhen lên khi chỉ nửa tháng trước, quân đội Philippines đã giải cứu được ông Hoàng Võ.

Nhưng thông tin chấn động về vụ chặt đầu vừa xảy ra làm tiêu tan hy vọng, đồng thời dấy lên những lo lắng về số phận 3 con tin còn lại.

Ông Võ Thiên Lăng, chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa, cho rằng cần có những khuyến cáo về tình hình nguy hiểm trên tuyến đường biển gần những vùng bất ổn của Philippines. Ông nói với VOA:

“Từ trước đến nay chưa bao giờ có hiện tượng này [bắt cóc và giết thuyền viên Việt Nam]. Đây là thuyền viên trên tàu vận tải, chứ không phải ngư dân mình vào đánh cá ở khu vực của Philippines rồi bị băng đảng chống đối của Philippines bắt. Về phía của Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, là Cục Hàng hải họ phải có khuyến cáo. Còn phía của Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn, Tổng cục Thủy sản thì đã khuyến cáo tất cả các tàu của ngư dân không được vi phạm vào vùng biển của các nước, đặc biệt là của khối ASEAN này”. 

Trung tướng Carlito Galvez Jr., chỉ huy quân đội vùng Tây Mindanao, Philippines, đã chuyển lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân. Ông cũng nói “chúng tôi đau buồn, đồng thời mạnh mẽ lên án hành động chặt đầu man rợ”.

Ông cho biết thêm quân đội và cảnh sát nước ông đã và đang cố gắng hết sức để cứu các con tin.

Các quan chức Philippines nói tử thi của hai nạn nhân sẽ được khám nghiệm pháp y, có sự phối hợp với đại sứ quán Việt Nam ở Manila.

Abu Sayyaf là nhóm các phần tử Hồi giáo vũ trang thành lập vào những năm 1990. Trước đây chúng liên kết với al-Qaeda, sau đó đã thề trung thành với thủ lĩnh của Nhà nước Hồi giáo là Abu Bakr al-Baghdadi.

Hồi tháng 2 năm nay, Abu Sayyaf chặt đầu một công dân Đức vì không đòi được số tiền chuộc 600.000 đôla. Hai năm trước, chúng cũng làm điều tương tự với 2 con tin Canada.

Những vụ hành quyết của nhóm Abu Sayyaf đang gia tăng, tương ứng với số con tin mà chúng cầm giữ. Theo nữ phát ngôn viên quân đội Philippines, đại úy Jo-Ann Petinglay, hiện nhóm này đang giữ 22 con tin, trong đó có 16 người nước ngoài. - VOA
|
|

15.
Việt Nam khoan dầu ở nơi Trung Quốc cấp phép cho một công ty Hồng Kông

Các thông tin rò rỉ trong những ngày qua về việc Việt Nam đã tiến hành khoan dò dầu khí tại một lô trong vùng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền vừa được giới công nghiệp dầu khí tại Singapore xác nhận. Trang mạng BBC Anh ngữ ngày 05/07/2017 trích dẫn nhiều nguồn tin tiết lộ rằng khu vực liên can cách bờ biển đông nam Việt Nam khoảng 250 hải lý.

Theo chuyên gia Ian Cross, thuộc hãng Moyes & Co tại Singapore, tàu khoan dò Deepsea Metro I đã bắt đầu hoạt động tại lô mang ký hiệu 136-03 từ ngày 21/06. Đây là một chiếc tàu được hãng Talisman-Việt Nam – công ty con của tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol - thuê mướn để thực hiện công việc khoan dò.

Khu vực mà Hà Nội cho hãng Talisman thăm dò nằm trong một vùng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền. Trung Quốc gọi khu vực đó là lô Vạn An Bắc 21 (Wan-an Bei), và đã từng cấp phép khai thác cho hãng Brightoil, trụ sở tại Hồng Kông. Hai trong số lãnh đạo của Brightoil lại là đảng viên cao cấp của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Theo giới quan sát, có lẽ việc Việt Nam khởi sự thăm dò tại lô 136-06 là nguyên nhân khiến quan hệ Việt Nam-Trung Quốc căng thẳng trở lại, và dường như có liên quan đến sự kiện tướng Trung Quốc Phạm Trường Long (Fan Chang Long), phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc, rút ngắn chuyến thăm Việt Nam hồi tháng Sáu, và hai nước hủy bỏ chương trình giao lưu quốc phòng biên giới vào giờ chót.

Theo các nguồn tin từ ngành công nghiệp dầu khí, trong ba năm qua, chính quyền Việt Nam luôn luôn từ chối bật đèn xanh cho hãng Talisman-Việt Nam khoan dò tại lô 136-06 để tránh làm phật ý Trung Quốc. Việc Hà Nội lần này cấp phép có lẽ phản ánh thái độ bớt quan ngại của Việt Nam.

Giới phân tích cũng tự hỏi là nhân dịp ghé Tây Ban Nha trước lúc đến Việt Nam vào tháng Sáu vừa qua, phải chăng tướng Trung Quốc Phạm Trường Long cũng đã gây sức ép lên chính quyền Madrid và tập đoàn Repsol về dự án khai thác lô 136-06. - RFI
|
|

16.
VN: Quân đội làm kinh tế là 'nhiệm vụ chính trị'

Kết hợp kinh tế với quốc phòng là nhiệm vụ chính trị, không phải vì kinh tế đơn thuần, báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam hôm 04/7/2017 dẫn lời một cựu Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng cho hay.

"Tôi đồng tình với nội dung các bài viết về vấn đề kết hợp kinh tế với quốc phòng của Báo Quân đội nhân dân nêu lên gần đây. Cách đây ít lâu, khi thực hiện cuốn hồi ký "Đời chiến sĩ", tôi cũng dành nhiều tâm sức tổng kết vấn đề này," Đại tướng Phạm Văn Trà được dẫn lời nói trong bài báo 'Kết hợp kinh tế với quốc phòng - nhiệm vụ chiến lược lâu dài: chủ trương lớn vẫn nguyên giá trị'.

"Tôi cho rằng, kết hợp kinh tế-quốc phòng (KTQP) với các cơ sở công nghiệp quốc phòng là ngoài sản xuất hàng quốc phòng, cần phải sản xuất hàng tiêu dùng, phát huy tính năng lưỡng dụng của cơ sở.

"Với các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) thì tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống cho bộ đội và tăng cường thế trận hậu cần nhân dân. Lực lượng khoa học kỹ thuật của quân đội có thể kết hợp phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Nếu thực hiện tốt, quân đội sẽ trở thành một trường học lớn của thế hệ trẻ."

'Là nhiệm vụ chính trị'

Tướng Trà nhấn mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng là một nhiệm vụ chính trị được nhận thức qua thời gian, ông nói:

"Ngay từ những ngày đầu làm lãnh đạo Bộ Quốc phòng, tôi đã đưa vấn đề ra bàn bạc trong tập thể lãnh đạo bộ nhưng không phải ngay từ đầu đã có sự thống nhất. Có một số anh không đồng tình, cho rằng làm kinh tế là đi buôn. Nhưng dần dà, các anh ấy cũng nhận ra quân đội kết hợp kinh tế với quốc phòng là vì nhiệm vụ chính trị, chứ không phải là kinh tế đơn thuần."

Tướng Trà cho rằng kết hợp kinh tế - quốc phòng là cách thức giúp 'nuôi dưỡng tiềm lực quốc phòng', nêu ra ba ví dụ về ba cơ sở công nghiệp và kinh tế quốc phòng mà theo ông là những ví dụ về thành công, thậm chí 'có thương hiệu, uy tín quốc tế', ông nói:

"Hiện nay, nhiều cơ sở công nghiệp quốc phòng của ta được trang bị máy móc tương đối hiện đại, nhưng nhu cầu sản xuất hàng quốc phòng chỉ 20-30%, không kết hợp sản xuất hàng dân dụng thì lấy gì để tồn tại, nuôi dưỡng tiềm lực quốc phòng? 

"Nhà máy Z76 là một ví dụ, nhờ sản xuất hàng dân dụng mà doanh thu hàng nghìn tỷ, trở thành một thương hiệu có uy tín quốc tế đồng thời có tiềm lực đầu tư trang thiết bị hiện đại cho nhiệm vụ quân sự. Tổng công ty trực thăng Việt Nam, bằng vốn tự tích lũy qua sản xuất kinh doanh đã trang bị cho mình hàng chục chiếc máy bay trực thăng thuộc loại hiện đại nhất nhì thế giới. 

"Tập đoàn Viễn thông Quân đội khi ra đời cũng còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng qua thực tiễn hoạt động đã chứng minh là một mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước hiệu quả, xây dựng và nhân lên tiềm lực KTQP không chỉ trong lĩnh vực viễn thông," cựu Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam được dẫn lời nói.

Hồi tháng 10/2015, báo chí Việt Nam giới thiệu một nghị định mới về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh được Chính phủ Việt Nam ban hành, viết rằng:

"Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất đối với diện tích đất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được giao quản lý và sử dụng phù hợp với quy định tại Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn."

'Thực hiện chủ trương Đảng'

Hôm thứ Tư, chuyên trang Tuần Việt Nam của VietnamNet đăng bài viết của một Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng nêu quan điểm về sản xuất và xây dựng kinh tế của quân đội.

"Tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân phát triển kinh tế - xã hội là một chức năng cơ bản của Quân đội nhân dân Việt Nam, vừa thể hiện sâu sắc bản chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", vừa cho thấy ý thức, trách nhiệm chính trị của Quân đội trong việc quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế," Thượng tướng Trần Đơn viết.

Tướng Đơn, Ủy viên thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Tư lệnh quân khu 7, nhấn mạnh nhận thức 'chính trị' về quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế, cảnh báo quan điểm 'sai trái' và sự chống phá của 'thế lực thù địch' làm suy yếu quân đội, đồng thời đề nghị đưa các hoạt động sản xuất, kinh tế nói trên 'đi vào chiều sâu', ông viết:

"Toàn quân phải thống nhất nhận thức: tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là một chức năng cơ bản, nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài, thể hiện bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam. 

"Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, là sự tiếp nối, phát huy tư tưởng, truyền thống quý báu "Ngụ binh ư nông", "Tịnh vi nông, động vi binh" của dân tộc trong thời kỳ mới.

"Cùng với đó, chủ động, kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch về vấn đề này, nhằm hạ thấp uy tín của Quân đội, chia rẽ Quân đội và nhân dân, làm phai mờ bản chất cách mạng của Quân đội, cổ súy cho việc xây dựng quân đội theo kiểu quân đội nhà nghề của các nước phương Tây.

"Trên cơ sở thống nhất về nhận thức, các đơn vị, doanh nghiệp Quân đội tiếp tục nêu cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đưa hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội đi vào chiều sâu.

Có khác biệt quan điểm?

Hiện chưa rõ các quan điểm nói trên trong giới chức cao cấp quân đội Việt Nam có gì mâu thuẫn hay khác biệt thế nào và vì sao, với một phát biểu trước đó của một Thứ trưởng Quốc phòng khác của Việt Nam về cùng chủ đề.

Hôm 23/6/2017, Thượng tướng Lê Chiêm, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng, được báo Dân trí dẫn lời trong bài báo có tựa đề 'Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng: Quân đội sẽ thôi làm kinh tế', nói:

"Quân đội tập trung xây dựng quân đội. Tất cả doanh nghiệp quân đội sẽ cổ phần hóa, thoái vốn. Cái nào phục vụ cho quốc phòng thì phục vụ cho quốc phòng. Chứ không để "lăn tăn" các doanh nghiệp làm kinh tế… 

"Đây là quan điểm của Quân ủy Trung ương... Cương quyết làm đúng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ."

Về dự án sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Lê Chiêm được tờ báo dẫn lời nêu quan điểm: 

"Dự án sân golf Tân Sơn Nhất có từ năm 2007, được 8 Bộ và Thủ tướng Chính phủ thời đó phê duyệt. Tuy nhiên, hiện nay, việc giải tỏa áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất là cần thiết. 

"Quan điểm của Bộ Quốc phòng là ưu tiên phát triển hàng không, lấy đất làm sân bay", Thượng tướng Lê Chiêm khẳng định."

"Toàn bộ quỹ đất quốc phòng trên địa bàn TPHCM là rất lớn, có lịch sử để lại từ xa xưa. Theo yêu cầu, sắp tới cầu sẽ thanh tra toàn bộ đất Quốc phòng", phát biểu của Tướng Chiêm được đưa tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh sáng 23/6, theo báo Dân trí của Việt Nam. - BBC
|
|

17.
Tranh cãi việc đổ 1 triệu m3 bùn cát gần Hòn Cau

Hôm 28/6, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Việt Nam Nguyễn Linh Ngọc đã ký giấy phép chấp thuận cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát ra vùng biển Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận.

Việc nhận chìm khối lượng lớn chất nạo vét để xây dựng một nhà máy nhiệt điện than do Trung Quốc đầu tư gây xôn xao dư luận, vì khu vực nhận chìm bùn cát nạo vét gần khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Hôm 4/7, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đã giải thích với báo chí về quyết định cấp phép.

Tuy nhiên tiến sĩ Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam cho rằng những lời giải thích của thứ trưởng là "không khoa học," "không hiểu gì về sự sống ở đại dương."

Địa điểm nhận chìm 'không phù hợp'

Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc lý giải khu vực 30ha được chọn làm nơi nhận chìm vì có độ sâu 36,1m nên "nhận chìm cát, bùn, đá ở đây thì sẽ lan ra ngoài chứ không phải vào trong"

"Thời điểm nạo vét là từ tháng 4 đến tháng 10, mùa gió Tây Nam, thuận lợi cho việc nhận chìm," ông Ngọc nói.

Nhưng chuyên gia Nguyễn Tác An, cũng là nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học Nha Trang, thì cho rằng lời giải thích trên là "không khoa học"

Môi trường biển Bình Thuận là nơi có động lực mạnh nhất Việt Nam và động lực mạnh nhất là từ tháng 6 đến tháng 9, theo ông An. 

Việc lựa chọn thời điểm có động lực mạnh nhất để bồi đắp 3cm bùn xuống thềm biển "chắc chắn sẽ gây ra tác động sinh thái rất dữ dội, đấy mới là thảm họa," chuyên gia nhận định.

'Không có hệ sinh thái chỉ toàn cát'

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Linh cho rằng tại khu vực cấp phép chỉ toàn "cát" và "không có" hệ sinh thái, sinh vật như cỏ biển, san hô.

Chuyên gia Nguyễn Tác An lại phản bác: "Làm gì có một vùng biển chỉ toàn cát, nó phải có sinh vật chứ"

"Ngay cả cát cũng là hệ sinh thái quan trọng. Đây đâu phải vùng đất hoang đâu, đâu phải vùng biển chết mà họ nói như vậy!"

"Nền đáy cực kỳ quan trọng vì luôn có những sự sống này tiếp nối cho sự sống khác. Đó là nơi sinh sống của những loài động vật đáy, thực vật đáy ....vì nó có vai trò kết nối trung gian trong xích thức ăn."

Bộ TNMT "làm là có trách nhiệm" nhưng "chủ đầu tư phải bồi thường"?

Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho biết sẽ ngừng nay việc nạo vét nếu có bất kì vấn đề gì nảy sinh, và "chủ đầu tư chấp nhận chịu bồi thường".

"Vậy nên mọi người yên tâm. Chúng tôi làm là có trách nhiệm, giám sát chặt chẽ, bảo đảm vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường một cách bền vững nhất."

Chuyên gia Nguyễn Tác An thì nhấn mạnh, "Bộ TN&MT phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Nhà nước chứ không phải Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1."

"Công ty đó được cho phép thì họ làm... nếu xảy ra hậu quả thì công ty đó chịu trách nhiệm là không đúng về mặt luật pháp," ông An nói. - BBC
|
|

18.
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Tự diễn biến có cả tốt và xấu

Cụm từ 'tự diễn biến, tự chuyển hóa' vốn thường được truyền thông ở Việt Nam nêu ra để răn đe và yêu cầu ngăn chặn, nhưng một cựu quan chức Đảng cao cấp vừa nêu 'tự diễn biến' có cả hướng tốt và hướng xấu.

Trong một bài trên báo Tuyên Giáo số tháng 6/2017, nguyên phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng CSVN, ông Vũ Ngọc Hoàng đã đặt lại và mở rộng vấn đề này để phê phán 'tự diễn biến, tự chuyển hóa theo hướng xấu' do các lợi ích nhóm gây nên.

Hiện nay ở Việt Nam có hai cách nghĩ, kể cả trong giới lãnh đạo về "tự diễn biến".

Một là niềm tin rằng đây là biểu hiện của "thoái hóa tư tưởng", khiến cán bộ cộng sản thụ động bị "đổi màu".

Hai là ý kiến nói có những thế lực thù địch nào đó đang thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" một cách "thâm độc, nguy hiểm".

Nhưng ông Vũ Ngọc Hoàng, viết bài từ Quảng Nam, cho rằng tự diễn biến, tự chuyển hóa theo hướng tốt "là sự vận động tự nhiên, theo đúng quy luật khách quan".

Đặc biệt, ông bác bỏ một quan điểm khá phổ biến tại Việt Nam từ ngày Đổi Mới là cần ủng hộ cách làm "tham nhũng nhưng được việc".

"Mấy năm trước cũng có một số ý kiến cho rằng có những người tuy có "lợi ích nhóm" nhưng họ có khả năng đổi mới thì nên giao cho họ làm, tham nhũng đủ rồi thì không tham nhũng nữa, còn tốt hơn là không "lợi ích nhóm" nhưng bảo thủ trì trệ?"

Ông cho rằng "chẳng thể nào có thể dẫn dắt xã hội đi theo hướng tốt bằng những động cơ xấu, cá nhân chủ nghĩa và bè phái vụ lợi".

Tuy thế, ông Vũ Ngọc Hoàng cũng phê phán cả phái quan phương, bảo thủ, giáo điều, và mạnh dạn cho rằng cứ như thế cũng sẽ dẫn tới sự tan rã của hệ thống.

"Nếu như chủ quan, bảo thủ, bất chấp khoa học, không đủ nhạy bén và thông minh để nhìn ra lẽ đúng thì cũng có thể sai lầm, dẫn xã hội đi theo hướng xấu, thậm chí là đến bờ vực của sụp đổ, dù không cố tình như vậy."

Ông lên tiếng bảo vệ cho tư duy tự do, và cảnh báo việc quy kết cho những ý tưởng mới là sai trái, dù chưa có hành động.

"Suy nghĩ, tư tưởng của con người là cái tự do. Xã hội không thể không có tự do về tư tưởng. Chỉ có chế độ toàn trị mới quản lý, giám sát tư tưởng của con người."

"Mà toàn trị là thứ chống lại tự do - giá trị thiêng liêng đối với cuộc sống của con người. Toàn trị không phải là chế độ dân chủ và tiến bộ, mà là một chế độ lạc hậu, xa lạ và trái ngược với CNXH."

Đánh chú ý hơn, dù làm việc nhiều năm trong ngành tuyên giáo của Đảng Cộng sản, ông cho rằng "những ý muốn chủ quan, giáo điều, bảo thủ, không đủ cơ sở khoa học, thì chưa phải là căn cứ khoa học, cùng lắm thì đó cũng mới là ý kiến tư biện có lô-gich".

"Nếu diễn biến và chuyển hóa theo hướng tốt thì chẳng có gì đáng phải lo ngại..."

Ám ảnh Liên Xô tan rã

Chủ đề 'tự diễn biến' được bộ máy của Đảng Cộng sản nêu ra ở Việt Nam chủ yếu để phòng ngừa chính các cán bộ từ cao cấp trở xuống bị mất đi ý chí "cách mạng" theo mô hình cũ.

Trang Quân đội Nhân dân hôm 15/06/2017 nêu ra 'Một số giải pháp phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên'.

Bài báo cho rằng cần "thường xuyên tăng cường giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh...nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; về tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội và những hạn chế không thể tránh khỏi trên con đường phát triển".

Dù Việt Nam đang nỗ lực để được công nhận là nền kinh tế thị trường, luồng tư tưởng này vẫn phê phán chủ nghĩa tư bản và khẳng định "loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội", theo trang Quân đội Nhân dân.

Cách đặt vấn đề này vẫn còn bị ảnh hưởng nặng của tư duy "Liên Xô sụp đổ" và cho rằng chính vì nội bộ hệ thống XHCH ở Đông Âu khi đó không "vững vàng" nên nền chính trị của họ bị tan rã. 

Nguyên Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Hà Đăng, viết hôm 16/01/2017 rằng khối Đông Âu tan rã là 'cơn động đất chính trị' của thế kỷ 20.

Trước đó, TS Hà Ngọc Tấn viết trên Quân đội Nhân dân rằng sự sụp đổ của Liên Xô và khối Đông Âu xã hội chủ nghĩa là "bài học đau đớn không chỉ cho những người cộng sản, mà còn cho nhân loại tiến bộ".

Nhưng báo chí chính thống ở Việt Nam không nói đến các số liệu rằng nhiều năm sau khi hệ thống XHCN kiểu cũ tan rã, các nước Đông Âu đều có nền kinh tế phát triển mạnh và thu nhập tiếp tục cao hơn Việt Nam.

Theo Ngân hàng Thế giới, tính đến hết năm 2015, Ba Lan có GDP đạt 545 tỷ đôla trên 38 triệu dân, Slovakia: 87,2 tỷ (5,4 triệu dân), Hungary: 121 tỷ (9,8 triệu dân), Romania: 177 tỷ (19,8 triệu dân), và Bulgaria: 50 tỷ (7,1 triệu dân).

Nước cựu cộng sản Albania nghèo nhất châu Âu cũng có GDP 11,3 tỷ đôla cho 2,8 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người là 4.280 đôla vẫn cao hơn Việt Nam (1.990 đôla). 

Là quan chức tuyên giáo, ông Vũ Ngọc Hoàng thừa nhận tác động của tư duy cũ từ Liên Xô đến bộ máy ở Việt Nam, mà ông cho là có nhiều điều sai tư tưởng của Marx:

"Như tôi hiểu, trong tư duy cũ, từ Liên Xô và Trung Quốc đã tác động vào Việt Nam ta, cách hiểu, cách nghĩ về CNXH có nhiều điều không đúng khoa học, không đúng theo cách tư duy của K.Marx, đến nay qua đổi mới ta đã điều chỉnh khá nhiều..."

Đây không phải là lần đầu tiên ông Vũ Ngọc Hoàng nêu ý kiến rõ rệt về các vấn đề mang tính hệ thống ở Việt Nam.

Hồi đầu năm 2016, khi còn ở cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, ông đã nói trên tờ Tuổi Trẻ rằng "nhà lãnh đạo phải trong sạch và đổi mới". - BBC
|
|

19.
Học viên Pháp Luân Công vẫn bị sách nhiễu

Một số học viên Pháp luân công tại Nha Trang vừa bị lực lượng chức năng tại Nha Trang dùng biện pháp mạnh ngăn cản việc tập luyện của họ.

Công an đánh đập

Vào lúc 5 giờ sáng Chủ Nhật vừa qua, khoảng 40 học viên Pháp Luân Công cùng tập luyện tọa thiền tại khu vực tháp Trầm Hương, bên bờ biển thành phố Nha Trang, một nhóm công an xuất hiện yêu cầu giải tán và mời về phường làm việc.

Một đoạn video lan truyền trên các trang mạng xã hội ghi lại hình ảnh những học viên Pháp Luân Công lên tiếng từ chối lời mời của công an trong lúc họ đang tập luyện. Sau đó, 16 học viên Pháp Luân Công bị những người mặc sắc phục lẫn thường phục dùng vũ lực bắt lên xe và đưa về đồn công an phường Lộc Thọ.

Một học viên Pháp Luân Công tại Nha Trang có mặt hôm sáng Chủ Nhật, cho RFA biết nhóm người bị bắt giữ gồm 9 nam và 7 nữ, trong đó có một người đang mang thai. Học viên này kể lại được nghe những gì đã xảy ra tại đồn công an phường Lộc Thọ:

“Mọi người tường thuật lại thì khi bị bắt vào đồn bị chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm có 4 học viên. Sau đó có người đến hỏi họ và tên, yêu cầu họ cung cấp thông tin, nhưng các học viên nghĩ đã không làm gì sai nên mọi người không đồng ý. Do đó, có người bị đánh bằng dùi cui điện, có người bị xịt hơi cay và bị tạt nước, có người bị đánh bằng giày và vết giày hằn trên mặt. Nói chung là bị đánh rất dã man.”

Theo thông tin Đài Á Châu Tự Do ghi nhận được, nhóm 16 học viên Pháp Luân Công bị giữ cho đến tầm 3 giờ chiều cùng ngày. Công an phường Lộc Thọ thu giữ sách và điện thoại của họ; đồng thời yêu cầu họ ký vào văn bản để xin lấy lại điện thoại cá nhân. Tuy nhiên, những học viên Pháp Luân Công này đã không ký vào biên bản để nhận lại tài sản đã bị tịch thu của mình.

Những học viên Pháp Luân Công tại Nha Trang còn cho biết trong thời gian qua gặp nhiều trở ngại từ phía chính quyền. Thân nhân trong gia đình của các học viên được chính quyền thông báo những thông tin sai lệch về Pháp Luân Công cũng như tuyên truyền người thân tham gia vào các việc làm không đúng. Bên cạnh đó, chính quyền cũng gây áp lực đối với các cơ sở trường học, nơi học viên Pháp Luân Công theo học, bằng hình thức họ bị cho thôi học hoặc bị đánh trượt trong các kỳ thi.

Pháp Luân Công vẫn bị sách nhiễu

Không chỉ học viên Pháp Luân Công ở Nha Trang bị sách nhiễu và bị công an địa phương đánh đập, một học viên Pháp Luân Công ở Sài Gòn nói với RFA nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục quấy nhiễu, cản trở khắp các tỉnh, thành bằng nhiều hình thức ngày càng tinh vi hơn:
  
“Ở Sài Gòn, ví dụ như hiện nay tại quận 9 khi tôi đang luyện công thì công an đến xô đẩy và dội nước. Vừa rồi cách nay 2-3 tuần ở quận Bình Tân cũng giống như vậy. Phần lớn là mặc thường phục, đóng vai côn đồ. Ở Nghệ An, cách nay vài tuần học viên cũng bị đưa về đồn công an đánh kinh lắm.”

Từ Hà Nội, một học viên Pháp Luân Công lên tiếng về sự bức xúc không được tự do tập luyện bộ môn mình yêu thích:

“Nếu nhà nước này cấm thì phải có thông báo bằng văn bản rõ ràng, thông báo cho anh em cấm hẳn hoi. Không có thông báo gì cả, nhưng dùng ọi hình thức để đuổi mọi người. Công viên thì ai muốn tập thì tập. Hàng ngày hàng vạn người ra đấy tập, chứ có phải một đám chúng tôi đâu, đủ các loại tập ở đấy mà.”

Việt Nam không có bất kỳ luật định nào cấm thực tập Pháp Luân Công và những học viên Pháp Luân Công mà chúng tôi tiếp xúc đều khẳng định chính quyền cố gắng bao nhiêu chăng nữa để ngăn cản thì vẫn không thể lung lạc được họ. Điểm tích cực họ nêu ra là chính những hành xử của chính quyền đối với học viên Pháp Luân Công sẽ khiến cho người dân để ý hơn và càng ngày có thêm nhiều người tham gia.

Pháp Luân Công là một môn tập luyện khí công có xuất xứ từ Trung Quốc, được sáng lập vào năm 1992. Bộ môn Pháp Luân Công được phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, chỉ một ít người tập luyện Pháp Luân Công hồi năm 2000 và số lượng người tham gia tăng hơn 1500 học viên vào năm 2011 do ích lợi mang lại sức khỏe tốt của môn tập luyện khí công này. - RFA
|
|

20.
Tranh chấp biển Đông có làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai đảng cộng sản?

Quan hệ Việt Nam Trung Quốc thời gian qua khá căng thẳng  từ những diễn biến liên quan đến tranh chấp biển Đông cũng những động thái mới trong tương quan giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và Nhật Bản mà Trung Quốc từng đưa ra lời cảnh báo.

Thanh Trúc phỏng vấn giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về quan hệ quốc tế đại học George Mason, Hoa Kỳ, về những chuyện mới xảy ra trên Biển Đông:

Thanh Trúc: Thưa giáo sư, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc trong vài tuần qua theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế là đã trở nên căng thẳng sau khi tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch quân ủy trung ương TQ cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam. Nhưng mới đây người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lại nói là hai bên không căng thẳng. Vậy ông nhận định gì về tình hình quan hệ hai nước hiện nay?

Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng: Quan hệ 2 nước khi nóng khi lạnh, một trong những căn nguyên mâu thuẫn là vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông. Tranh chấp lên đỉnh điểm vào khoảng năm 2014 khi Trung Quốc kéo giàn khoan 981 vào Biển Đông mà Việt Nam phản đối dữ dội lắm. Nhưng sau khi họ kéo ra thì quan hệ 2 bên bắt đầu ấm lại cho  đến chuyến thăm của ông Phạm Trường Long thì sự kiện đột nhiên ông bỏ về rõ ràng là có chuyện cơm không lành canh không ngọt rồi. Bởi vì trong chương trình viếng thăm thì ngoài thảo luận và gặp gỡ các ông lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam thì ông sẽ chủ trì cùng ông tướng Ngô Xuân Lịch về việc gọi là giao lưu quân sự 2 bên ở vùng biên giới 2 tỉnh Lạng Sơn và Vân Nam, thì chuyện này bị hủy. 

Có lẽ 2 bên đều không muốn làm cho nóng lên  thành ra  Trung Quốc chỉ nói rằng ông ấy về bởi vì có khó khăn trong việc xếp đặt chương tình, thành  ra mình cũng không lấy làm lạ khi phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao nói rằng không có căng thẳng, nhưng mà trên thực tế có nhiều chỉ dấu căng thẳng. 

Thứ nhất, khi ông tướng Phạm Trường Long đột ngột bỏ về ngày 18 thì chiều hôm đó, đúng lúc Cục Hải Vụ của Trung Quốc tuyên bố đưa giàn khoan Nam Hải đi vào vùng Vịnh Bắc Bộ là vùng 2 bên đang đàm phán để giải quyết vấn đề lãnh hải. Cũng sáng hôm đó, 2 tàu Trung Quốc do những sĩ quan mặc quân phục đã tấn công tàu đánh cá Việt Nam. 

Thứ hai, chính báo Trung Quốc tường thuật lại, khi gặp các nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam chính ông tướng Long đã nói thẳng thừng là tất cả biển và các đảo vùng Biển Đông thuộc về Trung Quốc từ thời thượng cổ rồi. 

Thứ ba, tin của CSIS Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Và Quan Hệ Quốc Tế của Mỹ nói rằng ông tướng Long đến Việt Nam để phản đối việc Việt Nam cho phép công ty của Mỹ khai thác lô 118 Cá Voi Xanh và công ty của Tây Ban Nha khai thác lô 136  nhưng bị Việt Nam bắt khớp nên ông bỏ về. Ba điều đó cho thấy rõ ràng là có sự căng thẳng.

Thanh Trúc : Thưa ông, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc mới đây cảnh báo Việt Nam về ngoại giao đi dây tức là quan hệ với cả Mỹ và Nhật. Những bước tiến nào trong quan hệ của Việt Nam với Nhật và Mỹ gần đây khiến Trung Quốc lo ngại nhất?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Ngược lại giai đoạn ngày xưa người ta từng nói chính phủ do ông Dũng thì thân Mỹ còn đảng thì thân Trung Quốc. Nhưng kể từ 2015 khi ông Trọng thực hiện chuyến đi của ông sang Mỹ và tuyên bố Hoa Kỳ là địa bàn hoạt động tối quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam, từ đó có sự đồng ý cả đảng lẫn nhà nước quan hệ Mỹ Việt Nam tăng cường nhanh chóng, nhất là về phương diện quốc phòng. Gần đây nhất là ông Phúc là người lãnh đạo duy nhất của các nước Đông Nam Á được mời sang Hoa Kỳ hội kiến với ông Trump và ký những hiệp ước thỏa thuận tăng cường hợp tác với nhau.Cùng lúc đó chúng ta thấy Hoa Kỳ cũng giao cho Việt Nam tàu hải giám. Lúc ông Phúc sang đây thì thượng nghĩ sĩ McCain đưa một phái đoàn quốc phòng của thượng viện sang thăm Việt Nam mà đi thăm ngay Cam Ranh. Lúc đó khu trục hạm John McCain có mặt ở đó, cho thấy những dấu hiệu Mỹ và Việt Nam xích lại rất gần. 

Trước klhi thăm Mỹ thì  ông Phúc cũng sang Nhật gặp thủ tướng Shinzo Abe, hai bên thỏa thuận nâng cao tầm hợp tác quân sự và an ninh, Nhật đồng thời lúc  ấy cam kết viện trợ cho Việt Nam 900 triệu Mỹ kim để tăng cường khả năng hải giám của Việt Nam, trao qua Việt Nam 6 tàu hải giám. Cả Việt Nam, Mỹ, Nhật trong thông cáo chung đều nói về Biển Đông theo lập trường của Việt Nam. Khi mà Việt Nam đi gần với 2 nước lớn có khả năng thì dĩ nhiên phải quan tâm.

Thanh Trúc: Liệu rằng sức ép từ phía Trung Quốc có thể khiến Việt Nam phải thay đổi hay điều chỉnh chính sách ngoại giao trong thời gian tới thưa giáo sư?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Mục tiêu một quốc gia theo đuổi trong hoạt động ngoại giao của họ thì tương đối ít thay đổi nhưng chính sách để thi hành mục tiêu đó phải thay đổi tùy theo hoàn cảnh. Vì thế một khi Trung Quốc có sức ép thì Việt Nam phải tìm cách thích ứng, miễn làm sao bảo vệ được  lập trường của mình. Mục tiêu hiện nay của Việt Nam về vấn để  biển đảo là phải bảo vệ được chủ quyền quốc gia, bảo vệ được những vùng biển đảo nào mình còn kiểm soát được, đấy là quan trọng nhất. Sự bảo vệ đó, một bên là sức ép Trung Quốc, một bên là sự đối lại của Việt Nam, tùy thuộc vào điều gọi là cán cân lực lượng giữa 2 bên. Lực lượng này gồm những yếu tố vô hình lẫn yếu tố hữu hình. Những yếu tố hữu hình thí dụ như quân số, khí giới, đồng minh. Còn  yếu tố vô hình là sự khả tín của đồng minh, quyết tâm và tinh thần của quân sĩ, sự đoàn kết quốc gia, phong trào thế giới và công luận quốc tế. Đó là những điều có thể vận dụng để đối phó những áp lực của Trung Quốc. 

Thanh Trúc: Việt Nam và Trung Quốc đều theo chế độ một đảng lãnh đạo mà cụ thể là đảng cộng sản. Theo ông căng thẳng giữa hai nước liên quan đến tranh chấp chủ quyền ngoài biển ảnh hưởng thế nào đến quan hệ giữa hai đảng?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Quan hệ Việt Nam Trung Quốc gồm quan hệ nhà nước và của đảng, thế thì trong trường hợp thông thường vì sự tương đồng ý thức hệ làm cho quan hệ 2 nước, giữa nhà nước với nhà nước, tương đối nó khắn khít hơn. Nhưng trong tình hình bây giờ ở Việt Nam với Trung Quốc thì ý thức hệ không còn quan trọng như xưa nữa. Khi quyền lợi quốc gia có mưu lợi lớn thì thì mâu thuẫn đó ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa các đảng.

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Lô Cá Voi Xanh là lô 118 thì rõ ràng nó ở trên vùng thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc thắc mắc là bởi vì khi khai thác dầu quặng ở đấy thì nó có thể luồn sang nó hút phía bên “đường   lưỡi bò”. Cái đó hoàn toàn nằm ngoài “đường lưỡi bò”. Thế còn khu 136 mà cho công ty Tây Ban Nha khai thác thì nó ở trên đảo  gọi là  bãi Tư Chính, đó là bãi chìm mà hai bên tranh chấp nhiều chục năm nay rồi. Khi Trung Quốc công bố “đường lưỡi bò” thì bãi Tu Chính đó nằm trong đường của Trung Quốc. Việt Nam không nhận “đường lưỡi bò” cho nên có tranh chấp. 

Bây giờ vấn đề đặt ra là Việt Nam sẽ khai thác như thế nào thì cho phép khai thác là quyền của Việt Nam. Nhưng việc quyết định có khai thác không, khai thác lúc nào là sự chọn lựa của các hãng dầu. Trong quá khứ đã có trường hợp Trung Quốc ép quá thì  các hãng dầu nó không khai thác nữa. Sẽ  rất khó khăn bởi vì việc đó sẽ gây sự đụng độ mà Việt Nam không muốn. Phải khéo léo lắm, trên nguyên tắc cứ đòi khai thác nhưng cứ trì hoãn cho đến khi giải quyết được vấn đề chủ quyền thì việc khai thác tương đối dễ dàng hơn.

Thanh Trúc: Trong tuyên bố mới đây giữa Nga và Việt Nam, Việt Nam cam kết tăng cường hoạt động mở rộng thăm dò khai thác dầu khí với các tập đoàn của Nga, theo ông sức ép của Trung Quốc có làm Nga phải quan ngại trong việc mở rộng thăm dò khai thác này?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Các công ty của Nga đã từng cộng tác với Việt Nam để khai thác rồi nhưng ở những vùng không có tranh chấp với Trung Quốc. Trong những vùng đó thì không có vấn đề gì xảy ra cả, nhưng khi đụng đến những vùng mà Trung Quốc đòi hỏi là của họ và họ đưa ra cảnh cáo thì dĩ nhiên là Nga phải ngần ngại.

Thanh Trúc: Ông đánh giá thế nào về khả năng có thể xảy ra đụng độ trên biển giữa hai nước trong thời gian tới khi Việt Nam tiến hành các hoạt động thăm dò khai thác ngoài khơi và Trung Quốc cho giàn khoan tới cửa vịnh Bắc Bộ?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Việc tuyên bố và những hành động trên giấy tờ để tiến hành khai thác là một chuyện, nhưng việc thực sự khai thác lại là chuyện khác, nó là vấn đề thời gian. Đụng độ hay không thì trong tình trạng hiện nay, khi mà tàu chiến Mỹ cứ tiếp tục làm công tác tuần tra để bảo vệ  lưu thông hàng hải thì các quốc gia tranh chấp thường muốn làm áp lực nhưng không gây đến chiến tranh. Tôi nghĩ khả năng có những hành động  gây đụng độ thì có nhưng rất thấp. 

Thanh Trúc: Thưa ông  hôm 30 tháng Sáu Nhóm Sáng kiến Minh Bạch Hàng Hải AMTI thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế (CSIS) tại thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ cho biết trong một báo cáo gần đây là 3 đảo nhân tạo lớn nhất mà Trung Quốc bồi đắp lên tại khu vực Trường Sa đang sẵn sàng để được bố trí các trang thiết bị quân sự như bệ phóng tên lửa, chưa kể những công trình ngầm chứa đạn dược, theo ông những hoạt động này của Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến an ninh khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Trung Quốc muốn có vai trò trọng yếu toàn vùng Á Châu, mục tiêu của họ kiên trì lắm, họ cứ từng bước họ tiến hành. Trước hết họ xây những đảo nhân tạo có tính cách phòng thủ mà Mỹ và các nước khác đều phản đối. Họ thành công trong việc đó vì không có phản ứng mạnh. Chúng ta thấy  ông Tillerson khi ra điều trần để quốc hội chấp thuận cho  ông làm ngoại trưởng Mỹ, đã tuyên bố không cho phép tàu Trung Quốc đến những đảo nhân tạo đó. Ông nói vậy thôi chứ đâu có thực hiện được.

Thanh Trúc: Hoa Kỳ mới đây cho tàu chiến USS Stethem đi qua khu vực 12 hải lý thuộc đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa để thách thức các đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực này.  Đây là một hoạt động thuộc chương trình tự do hàng hải của Mỹ được thực hiện từ thời Tổng thống Obama nhưng bị một số chuyên gia đánh giá là không có hiệu quả, theo ông việc chính quyền Tổng thống Trump cho tàu đi qua đảo Tri Tôn lần này nói lên điều gì trong cách tiếp cận với vấn đề biển Đông của chính quyền Mỹ mới?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Có 2 nhận xét về điều đó. Thứ nhất Fon-Op's tuần tra bảo vệ lưu thông hàng hải thì dưới thời Obama nó có tính cách rón rén hơn nhiều. Dưới thời ông Trump  thì nó mạnh hơn, nó đi vào trong vùng 12 hải lý. Không những thế nó lại còn thi hành gọi là tuần tra chứ không còn gọi là “Innocent transit”nữa, nó khác hẳn trước. Thật ra từ hồi ông Trump lên thì có 2 cuộc  tuần tra kiểu đó. Mỹ muốn chứng tỏ sự hiện diện của mình . Nhận xét thứ hai của tôi là hiệu quả đến đâu thì mình không biết là vì tổng thống Trump  hành động khó tiên đoán lắm, ông thích “make deal” thích kinh tế nhiều lắm và ông làm những quyết định có tính cách tức thời trong khi các cố vấn quân sự của ông thì có tính cách chiến lược. 

Đối với những lãnh đạo Á Châu thì họ rất lo vì một đằng thì ông Trump cứ lơ là, một đằng thì tổng trưởng quốc phòng với mấy ông cố vấn anh an ninh quốc gia đều nói chúng tôi cam kết với các ông. Bây giờ vạch ra là mình cứ dấn thân với Mỹ mà đùng một cái ông tổng thống làm cái “deal” với ông Tập Cận Bình chẳng hạn thì mình ngỡ ngàng bởi vì chính sách tay chân của Mỹ không phối hợp với nhau. 

Xin cảm ơn giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng về bài phỏng vấn này. - RFA
|
|

21.
Hàng loạt ngân hàng ngoại quốc đang rút khỏi Việt Nam

Nhiều ngân hàng ngoại quốc đang rút ra khỏi các liên doanh ngân hàng bằng cách chuyển nhượng cổ phần cho những đối tác là ngân hàng phía Việt Nam.

Báo điện tử BizLive vừa công bố thống kê liên quan đến cuộc rút lui tuy lặng lẽ nhưng rất đáng chú ý này.

Theo đó, cuộc rút lui khởi đầu hồi Tháng Ba với Standard Chartered – một tập đoàn ngân hàng đa quốc gia. Vào thời điểm đó, Standard Chartered đột nhiên rút hai đại diện của họ khỏi Hội Đồng Quản Trị của Ngân Hàng Á Châu (ACB).

Tuy Standard Chartered không giải thích tại sao nhưng các chuyên gia tin rằng, động tác vừa kể là sự chuẩn bị cho chuyện rút vốn khỏi ACB – theo luật pháp Việt Nam, đại diện ngân hàng ngoại quốc trong các liên doanh ngân hàng ở Việt Nam phải rời khỏi Hội Đồng Quản Trị của liên doanh trước khi rút vốn 18 tháng. Gần đây, Standard Chartered đã chính thức xác nhận đang thảo luận với ACB về kế hoạch rút vốn ra khỏi ACB.

Đến tháng, ANZ – một ngân hàng của Úc và New Zealand, loan báo toàn bộ mảng dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam (tám chi nhánh và phòng giao dịch) cho chi nhánh Việt Nam của Shinhan – một ngân hàng Nam Hàn. Các chuyên gia dự đoán, vụ chuyển nhượng này sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.

Tới giữa Tháng Sáu, trên trang web chính thức, ngân hàng Kỹ Thương (Techcombank) gửi thông báo xin ý kiến cổ đông để mua lại khoảng 20% cổ phần mà HSBC – một trong những tổ chức tài chính, ngân hàng lớn nhất thế giới đang nắm giữ. Nói cách khác, HSBC đã quyết định rời Việt Nam sau 12 năm hoạt động tại đó.

Mới đây, tới lượt Commonwealth Bank of Australia (CBA) thông báo sẽ hoàn tất việc chuyển giao mọi thứ có liên quan tới mình tại Việt Nam cho ngân hàng Quốc Tế (VIB) trong quý ba này. CBA mở chi nhánh đầu tiên tại Việt Nam hồi năm 2008 và đến 2010 thì góp khoảng 20% vào VIB. CBA là cổ đông lớn nhất của VIB.

Nói với phóng viên báo điện tử BizLive, ông Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia kinh tế, nhận định đó là những dấu hiệu đáng ngại. Chuyện hàng loạt tổ chức tài chính, ngân hàng ngoại quốc lần lượt rút khỏi Việt Nam cho thấy thị trường tài chính Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro và không mang lại lợi nhuận như thiên hạ mong đợi.

Ông nói rằng điều đó khác hoàn toàn với thời điểm cách nay 20 năm. Lúc ấy, các tổ chức tài chính, ngân hàng ngoại quốc thi nhau mở văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam.

Cũng theo lời ông, chuyện các tổ chức tài chính, ngân hàng ngoại quốc rút khỏi Việt Nam đã manh nha trong năm năm vừa qua thông qua việc nhượng lại cổ phần cho một số tổ chức tài chính, ngân hàng Châu Á như Nhật, Nam Hàn, Singapore và các ngân hàng thương mại của Việt Nam.

Ông phỏng đoán, hiện tượng các tổ chức tài chính, ngân hàng ngoại quốc thi nhau rút khỏi Việt Nam chắc chắn có liên quan đến cung cách quản trị ngân hàng tại Việt Nam có quá nhiều khác biệt với chuẩn mực chung, tỉ lệ nợ xấu (nợ có khả năng mất cả vốn lẫn lãi) quá lớn.

Trước đây, chính phủ liên tục trấn an cả Quốc Hội lẫn dân chúng rằng họ đã kiểm soát được nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng cho vay đã giảm đáng kể.

Các báo cáo chính thức về nợ xấu, tổng hợp từ báo cáo của những tổ chức tín dụng tại Việt Nam, xác định, đến hết năm 2015, các tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã giải quyết được 493,000 tỷ đồng nợ xấu. Tới hết năm 2016, tỉ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 2.46% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay.

Đến Tháng Tư vừa qua, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam mới thú thật là tỉ lệ nợ xấu có thể gấp ba lần báo cáo chính thức. Nếu xét cả nợ xấu mà công ty Quản Lý Tài Sản Các Tổ Chức Tín Dụng Việt Nam (VAMC) đang xử lý và những khoản nợ tiềm ẩn rủi ro trở thành nợ xấu thì tỉ lệ nợ xấu xấp xỉ 8.86% tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay.

Tháng trước, lúc đề nghị Quốc Hội thông qua “Nghị quyết về xử lý nợ xấu” (ấn định các giải pháp hỗ trợ hệ thống ngân hàng, kể cả sử dụng công quỹ để bù đắp những khoản từng cho vay, giờ gần như không thể thu hồi), chính phủ mới tiết lộ tỉ lệ nợ xấu hiện là… 17.21% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay. Tổng nợ xấu chừng… 600,000 tỷ đồng!

Ai cũng biết, nợ xấu càng cao thì khả năng gặp rủi ro, thậm chí sụp đổ của hệ thống ngân hàng càng lớn. - nguoiviet




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét