Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




THỜI SỰ - THỨ BA 4/7/2017

  


Lao động bất hợp pháp bị bắt tại Thái Lan, ảnh minh họa chụp trước đây. (AFP)
Tin Thế Giới

1.
Nga-Trung hợp lực đối đầu với Mỹ 

Trước khi đặt chân đến Matxcơva ngày 03/07/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dành cho thông tấn xã Nga Itar-Tass một cuộc phỏng vấn, trong đó ông tập trung nói về hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD mà Hoa Kỳ triển khai ở Hàn Quốc, vì ông biết đây là hồ sơ mà tổng thống Nga Vladimir Putin cũng rất quan ngại.

Đối với lãnh đạo họ Tập, việc triển khai THAAD đang « làm rối loạn thế cân bằng chiến lược trong khu vực » và « đe dọa đến lợi ích an ninh của toàn bộ các quốc gia trong vùng, trong đó có Trung Quốc và Nga ». Đây cũng là lập luận mà hai lãnh đạo Nga-Trung nhắc lại trong cuộc gặp không chính thức ngày 03/07, theo tin của Tân Hoa Xã.

Trên hồ sơ Bắc Triều Tiên cũng vậy, trái ngược với thái độ cứng rắn của tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Tập Cận Bình và ông Vladimir Putin chủ trương nên « đối thoại và thương lượng » với chế độ Bình Nhưỡng.

Cuộc gặp tại Matxcơva lần này là cuộc gặp thứ ba giữa chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Vladimir Putin chỉ riêng trong năm 2017. Cách đây chưa đầy một tháng, ngày 08/06, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại thủ đô Astana của Kazakhstan, bên lề thượng đỉnh Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải. Trước đó, vào tháng 5, ông Tập Cận Bình đã tiếp ông Vladimir Putin nhân diễn đàn « Một vành đai, Một con đường » tại Bắc Kinh, với sự tham dự của hàng chục nguyên thủ quốc gia. Tính từ khi lãnh đạo họ Tập lên nắm quyền năm 2013, trước cuộc họp thượng đỉnh hôm 04/07, hai ông đã gặp nhau tổng cộng 22 lần.

Thượng đỉnh Nga-Trung lần này diễn ra bối cảnh quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh có phần nào căng thẳng, đặc biệt là do vấn đề Biển Đông sau khi Hoa Kỳ điều một chiến hạm đến gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày 02/07, khiến Trung Quốc tức giận, lên án Mỹ « khiêu khích quân sự và chính trị một cách nghiêm trọng ».

Khi nói chuyện với tổng thống Donald Trump qua điện thoại hôm qua, chủ tịch Tập Cận Bình đã bày tỏ quan ngại là quan hệ Mỹ-Trung đang bị « một số yếu tố tiêu cực »gây cản trở, theo tin của đài truyền hình Trung Quốc CCTV.

Đúng là ngoài Biển Đông, Bắc Kinh còn bực tức về việc chính phủ Mỹ vào tuần trước thông qua hợp đồng bán vũ khí trị giá tổng cộng 1,4 tỷ đôla cho Đài Loan. Ấy là chưa kể việc cuối tháng trước chính quyền Mỹ ban hành trừng phạt đối với hai công dân Trung Quốc và một công ty Trung Quốc, bị xem là đã giúp chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh cũng rất bực mình vì cứ bị tổng thống Trump chỉ trích là đã không có nỗ lực đầy đủ trong việc ngăn chận tham vọng hạt nhân và tên lửa của đồng minh Bình Nhưỡng.

Nhưng không chỉ về mặt địa chính trị, Bắc Kinh và Matxcơva thắt chặt quan hệ cũng là nhằm vào những lợi ích kinh tế. Hai thành viên quan trọng này của nhóm G20 dự trù ký một loạt hợp đồng trị giá nhiều tỷ đôla. Trao đổi mậu dịch của hai nước đã tăng 33% trong 5 tháng đầu năm nay, lên tới 32 tỷ đôla.

Như vậy, đã qua rồi thời kỳ tổng thống Mỹ Richard Nixon cùng với ngoại trưởng Henry Kissinger khai thác thế đối địch Trung Quốc-Liên Xô để dùng nước này chống nước kia. Nay hai cựu đối thủ thời chiến tranh lạnh có vẻ như đang hợp lực với nhau để đối đầu với Hoa Kỳ và việc bày tỏ thái độ chống hệ thống lá chắn chống tên lửa ở Hàn Quốc chỉ là một trong những biểu hiện của sự thay đổi đó trong quan hệ giữa ba cường quốc. - RFI

|

2.
IS bị dồn vào đường cùng ở Mosul, Iraq chuẩn bị mừng chiến thắng --- Syria: Tuyến phòng thủ của Daech tại Raqqa bị chọc thủng

Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo đang chiến đấu để bám víu vào những đường phố cuối cùng còn nằm dưới quyền kiểm soát của họ ở khu Phố Cổ của Mosul hôm thứ Hai, là nỗ lực cuối cùng trước khi sắp sửa bị quân đội Iraq đánh bật khỏi nơi từng là cứ địa của họ.

Trong chiến sự ác liệt, các đơn vị quân đội Iraq đã dồn phiến quân trở lại vào một khu hình chữ nhật đang thu hẹp với kích cỡ không quá 300 nhân 500 mét cạnh sông Tigris, theo một bản đồ được văn phòng truyền thông quân đội công bố.

Khói bao trùm một số nơi trong Phố Cổ, bị rung chuyển bởi các cuộc không kích và những đợt pháo kích nã vào suốt buổi sáng.

Số lượng những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) chiến đấu tại Mosul đã giảm từ mức hàng ngàn người vào lúc khởi sự cuộc tiến công của chính phủ cách đây hơn tám tháng xuống chỉ còn vài trăm người.

Lực lượng Iraq nói họ dự liệu sẽ tới được sông Tigris và giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố trước cuối tuần này. Thủ tướng Haider al-Abadi dự kiến sẽ đến Mosul chính thức tuyên bố chiến thắng, và một tuần lễ ăn mừng trên toàn quốc đã được lên kế hoạch.

Mosul tính tới thời điểm này là thành phố lớn nhất mà IS chiếm cứ. Tại đây gần ba năm trước, IS đã tuyên bố sáng lập lãnh địa "caliphate" của họ trên một số phần lãnh thổ thuộc Iraq và Syria.

Mosul thất thủ, lãnh thổ của IS ở Iraq sẽ chỉ giới hạn trong các khu vực ở phía tây và nam của thành phố nơi hàng chục ngàn thường dân cư trú.

"Chiến thắng đang gần kề, chỉ cách các lực lượng an ninh mỗi 300 mét từ sông Tigris," phát ngôn viên quân đội, Chuẩn tướng Yahya Rasool, nói trên truyền hình nhà nước.

Thủ tướng Abadi tuyên bố sự cáo chung cho "nhà nước của sự giả trá" của Nhà nước Hồi giáo thứ Năm tuần trước, sau khi các lực lượng an ninh chiếm giáo đường Hồi giáo thời trung cổ al-Nuri Lớn.

Chính tại nơi này, thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất xuất hiện trên video, tuyên bố ông ta là "caliph" - người cai trị nhà nước Hồi giáo thần quyền - vào ngày 4 tháng 7 năm 2014.

Với lãnh thổ đang co cụm nhanh chóng, tổ chức khủng bố này đã tăng cường các vụ tấn công tự sát nhắm vào một số nơi ở Mosul do lực lượng Iraq kiểm soát và những nơi khác.

Truyền hình nhà nước Iraq cho biết hàng ngàn người đã tháo chạy khỏi khu Phố Cổ đông dân của Mosul trong 24 giờ qua.

Nhưng hàng ngàn người được cho là vẫn còn đang mắc kẹt trong khu vực này với ít thức ăn, nước uống và thuốc men, và trên thực tế đang bị dùng làm lá chắn sống, theo lời những cư dân đã trốn thoát.

Chiến tranh kéo dài hàng tháng trời trong khu đô thị đã buộc 900.000 người, khoảng phân nửa dân số của thành phố trước chiến tranh, phải tản cư và làm hàng ngàn người thiệt mạng.

Baghdadi đã để lại chiến sự ở Mosul cho các chỉ huy địa phương và được cho là đang lẩn trốn gần biên giới Iraq-Syria, theo các nguồn tin quân đội của Mỹ và Iraq. - VOA

***
Hôm nay 04/07/2017, các chiến binh thuộc lực lượng FDS, bao gồm người Kurdistan và quân nổi dậy, được các oanh tạc cơ của liên quân hậu thuẫn, đã chọc thủng tuyến phòng ngự xung quanh khu phố cổ của Raqqa, thủ phủ của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria.

Bộ Tư Lệnh Quân Đội Mỹ tại Trung Đông (Centcom) cho biết, các đợt không kích đã phá hủy hai đoạn tường thành cổ, dài khoảng 25 mét mỗi đoạn, cho phép bên tấn công lọt được vào trong, với tổn thất sinh mạng ít nhất. Bộ chỉ huy Mỹ cũng cho biết toàn bộ phần còn lại của thành cổ dài tổng cộng 2.500 mét, được xây dựng từ thế kỷ thứ VIII, vẫn được bảo tồn.

Theo liên quân, khoảng 2.500 quân thánh chiến đang cố thủ tại Raqqa. Còn theo Liên Hiệp Quốc, gần 100.000 thường dân bị kẹt lại trong thành phố này.

Chiến dịch giải phóng Raqqa được khởi sự từ tháng 11/2016. Ngày 6/6/2017, FDS lọt được vào thành phố và chiếm được nhiều khu phố đông và tây của Raqqa từ đó đến nay. Theo tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, hôm nay là trận đánh quan trọng nhất kể từ ngày 6/6, và đây là lần đầu tiên lực lượng FDS lọt được vào khu thành cổ, nơi cố thủ của Daech.

Đàm phán lần thứ 5 tại Astana

Tại Astana (Kazakhstan), vòng thương lượng thứ năm về Syria được khai mạc ngày 04/07, với trọng tâm là vấn đề an ninh tại Syria, và được tổ chức với sự bảo trợ của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Mục tiêu của thương lượng lần này là nhằm tìm kiếm các biện pháp để thiết lập « các vùng giảm căng thẳng » tại Syria. Vòng thương lượng dự kiến sẽ kết thúc vào ngày mai, thứ Tư, 05/07.

Trước phiên đàm phán, quân đội Syria tuyên bố đơn phương ngừng bắn từ ngày 2 đến ngày 6/7 tại các tỉnh Deraa, Qouneitra và Soudeia, nơi chiến sự diễn ra ác liệt. Khu vực này là một trong bốn vùng « giảm căng thẳng »dự kiến, cùng với tỉnh Idleb, một phần tỉnh Homs và vùng Gouta, do đối lập kiểm soát, bao quanh thủ đô Damas.

Kế hoạch lập các vùng giảm căng thẳng được nêu ra trong đợt thương lượng lần trước tại Astana hồi tháng 5. Đợt họp lần này diễn ra ngay trước vòng đàm phán tìm giải pháp chính trị cho xung đột Syria lần thứ bảy, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, dự kiến khai mạc ngày 10/07 tại Genève.

Xung đột Syria kéo dài hơn sáu năm nay, khiến hơn 320.000 người thiệt mạng, khoảng một phần ba dân cư của quốc gia 22 triệu dân phải đi lánh nạn, sáu triệu người phải sống dựa vào các cứu trợ nhân đạo quốc tế, chưa kể hàng trăm ngàn người khác bị thương. - RFI
|
|

3.
Bắc Triều Tiên tuyến bố phóng thành công phi đạn đạn đạo liên lục địa

Bắc Triều Tiên cho biết họ đã phóng thành công một phi đạn đạn đạo liên lục địa, một bước ngoặt hệ trọng trong nỗ lực phát triển năng lực vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng bất chấp những cảnh cáo liên tục của cộng đồng quốc tế.

Phi đạn này, được phóng từ sân bay gần biên giới đông bắc của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên vào sáng thứ Ba, đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, khiến giới chính trị ở Tokyo chấn động và một lần nữa cho thấy Bắc Kinh không thể kiểm soát được Bình Nhưỡng.

Vụ phóng phi đạn mà Bắc Triều Tiên tuyên bố là có thể "đánh trúng bất cứ nơi nào trên thế giới" sẽ gây thêm áp lực lên Bắc Kinh áp đặt những chế tài nghiêm khắc hơn đối với Bình Nhưỡng. Chưa rõ Bắc Kinh rốt cục sẽ phản ứng như thế nào.

Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Ba, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Bắc Kinh đã "nỗ lực không ngừng" để giải quyết những thách thức trên bán đảo Triều Tiên. Ông cũng nói rằng vai trò của Trung Quốc là "thiết yếu" và kêu gọi tất cả các bên tự chế để nhanh chóng giảm bớt căng thẳng.

"[Trung Quốc] thúc giục Bắc Triều Tiên kiềm chế không thực hiện những hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và thay vào đó tạo điều kiện cần thiết để nối lại đối thoại và đàm phán," ông Cảnh nói.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang cố gắng thuyết phục Trung Quốc làm nhiều hơn nữa để chấm dứt tham vọng vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nhưng cuối tháng trước ông nói rằng dù ông đánh giá cao nỗ lực giúp đỡ của Chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc, "Nó đã không thành công. Ít ra tôi biết là Trung Quốc đã cố gắng!"

Dù vậy, ông tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh gia tăng áp lực hơn nữa trong một dòng tweet đăng trên Twitter ngay sau vụ phóng, nhưng trước khi Bắc Triều Tiên tuyên bố đó là một phi đạn đạn đạo xuyên lục địa. Ông Trump nói rằng "có lẽ Trung Quốc sẽ có hành động mạnh đối với Bắc Triều Tiên và dứt điểm vụ này!"

Bình luận về nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, ông Trump nói, "Bộ gã này không có chuyện gì hay hơn để làm với cuộc đời của mình hay sao? Khó mà tin là Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ phải chịu đựng điều này lâu hơn nữa."

Hôm thứ Ba, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói vụ thử nghiệm phi đạn mới nhất cho thấy mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên đã gia tăng.

Sau đó trong tuần này, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc họp ba bên bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 Quốc gia ở thành phố Hamburg, Đức.

"Tôi cũng sẽ yêu cầu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin phản ứng một cách có tính xây dựng hơn," ông Trump nói thêm.

Nhà lãnh đạo Mỹ trước đây từng nói rằng mọi lựa chọn, kể cả vũ lực quân sự, đều được cân nhắc nhằm chống lại các mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên.

Tòa Bạch Ốc hôm Chủ nhật cho biết ông Trump và ông Tập trong một cuộc điện đàm đã thảo luận về cam kết của hai nước đối với một "Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân." - VOA
|
|

4.
Mỹ không còn là ‘bạn’ trong chương trình tranh cử của Thủ tướng Đức

Trong chương trình vận động tranh cử cho cuộc bầu cử ở Đức, những thành viên bảo thủ trong Đảng của Thủ tướng Angela Merkel đã bỏ đi từ "bạn" khi họ mô tả mối quan hệ với Mỹ.

Bốn năm trước, chương trình chung của đảng Liên minh Dân chủ Kitô giáo (CDU) và đảng chị em của họ là Liên minh Xã hội Kitô giáo (CSU), nhắc tới Mỹ là "người bạn quan trọng nhất" của Đức ngoài Châu Âu.

Chương trình năm 2013 cũng mô tả "tình bạn" với Washington là "nền tảng" của các mối quan hệ quốc tế của Đức và nói về việc củng cố các mối quan hệ kinh tế xuyên Thái Bình Dương thông qua việc dỡ bỏ các rào cản thương mại.

Tuy nhiên, các từ "bạn" và "tình bạn" đã biến mất khỏi chương trình bầu cử mới nhất - mang tựa đề "Vì một nước Đức nơi chúng ta sống tốt và hạnh phúc." Bà Merkel và ông Horst Seehofer, lãnh đạo đảng CSU, giới thiệu chương trình này hôm thứ Hai trước ngày bầu cử 24 tháng 9.

Thay vào đó, Mỹ được mô tả là "đối tác quan trọng nhất" của Đức ngoài Châu Âu. Các quan chức CDU chưa bình luận gì về sự thay đổi từ ngữ này.

Sự thay đổi từ ngữ cho thấy mối quan hệ giữa Berlin và Washington đã xấu đi tới mức nào khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vào Nhà Trắng vào tháng 1.

Khi còn vận động tranh cử tổng thống, ông Trump nói rằng bà Merkel đang "hủy hoại" nước Đức bằng các chính sách di cư mà ông mô tả là "điên rồ."

Ông đã nhiều lần đả kích thặng dư thương mại của Đức với Mỹ, cáo buộc Berlin và các đối tác Châu Âu khác thiếu NATO "những khoản tiền khổng lồ," và khiến các đối tác phương Tây bất an khi ông quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris vào tháng trước.

Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào tuần trước cho thấy chỉ có 35 phần trăm người Đức có quan điểm tích cực về Mỹ, giảm từ mức 57 phần trăm vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama.

Bà Merkel theo lịch trình sẽ tiếp đón ông Trump và các nhà lãnh đạo khác tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở thành phố Hamburg vào cuối tuần này. - VOA
|
|

5.
Macron hứa đem lại ‘thay đổi sâu sắc’ trong nền chính trị Pháp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ giữ lời hứa lúc tranh cử để đem lại những thay đổi sâu sắc ở Pháp trong một phiên họp chung của Quốc hội Pháp hôm thứ Hai tại Điện Versailles.

Một trong những biện pháp đầu tiên của ông là bãi bỏ tình trạng khẩn cấp đã được áp đặt tại Pháp kể từ năm 2015, nhưng ông hứa sẽ thắt chặt các biện pháp an ninh để chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và các mối đe dọa khác.

Ông Macron nói rằng chính phủ của ông sẽ "làm việc để ngăn chặn bất kỳ vụ tấn công mới nào, và chúng tôi sẽ làm việc để chống lại [những kẻ tấn công] không thương xót, không hối tiếc, không mềm yếu."

Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải "đảm bảo sự tôn trọng hoàn toàn đối với những quyền tự do cá nhân" giữa những lo ngại rằng các biện pháp an ninh nghiêm ngặt hơn sẽ cho cảnh sát quá nhiều quyền lực.

Tổng thống Pháp mới đắc cử gần đây cũng nói về sự hứa hẹn của Châu Âu, rằng ông hiểu vì sao nhiều người vẫn hoài nghi Liên minh Châu Âu, nhưng ông tin tưởng sâu sắc vào tương lai của nó. Ông Macron loan báo những hội nghị công cộng toàn Châu Âu vào một thời điểm sau đó trong năm nay nhằm tiếp thêm sinh lực cho khối, đặc biệt là sau sự kiện Anh quyết định rời bỏ.

Ông Macron cũng nói về hệ thống chính trị của Pháp, đề xuất cắt giảm một phần ba số ghế trong Quốc hội cùng với các biện pháp khác nhằm làm cho quá trình lập pháp có hiệu năng cao hơn.

Ông hứa sẽ thông qua đề xuất cắt giảm ghế quốc hội trong vòng một năm, hoặc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này nếu không thông qua được.

Ba đảng tẩy chay sự kiện này và chỉ trích "chế độ quân chủ tổng thống" của ông Macron.

Đảng tương đối mới của ông Macron giành được đa số áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội với số cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục, dẫn tới nỗi lo sợ rằng ông và đảng "La République en Marche !" (Nền Cộng hòa Tiến Tới!) đang nắm giữ quá nhiều quyền lực ở Paris. Những người chỉ trích cũng nói rằng sự kiện này quá xa hoa và tốn kém. - VOA
|
|

6.
Tòa Án Tối Cao Venezuela xét xử chưởng lý chống chính phủ

Hôm nay, 04/07/2017, Tòa Án Tối Cao Venezuela bắt đầu phiên xử bà chưởng lý ly khai Luisa Ortéga và bà có thể bị bãi nhiệm.

Theo người khởi xướng vụ kiện, dân biểu Pedro Carreno, thuộc đảng Xã Hội cầm quyền, bà Ortega đã phạm phải « những lỗi nghiêm trọng » khi thực thi nhiệm vụ và chức năng của mình. Trong khi chờ đợi ra tòa, chưởng lý Ortéga bị cấm xuất ngoại, toàn bộ tài sản của bà tại Venezuela bị phong tỏa.

Thực ra, theo AFP, việc chưởng lý Ortéga phải ra tòa là do bà đã có những phát biểu phê phán gay gắt nhắm vào tổng thống Nicolas Maduro, cùng phe với bà. Những chỉ trích này làm gia tăng rạn nứt giữa các nhóm trong phe cầm quyền, theo tư tưởng Chavez (làm tổng thống Venezuela từ năm 1999 và qua đời năm 2013).

Nếu bị Tòa Án Tối Cao kết tội, bà chưởng lý có nguy cơ bị bãi nhiệm. Tuy nhiên, kết luận này phải có được sự chấp thuận của Quốc Hội mà phe đối lập chiếm đa số từ đầu năm 2016 và ủng hộ bà Ortega.

Ngày 31/03/2017, lần đầu tiên, chưởng lý Ortega lên tiếng tố cáo hành vi xóa bỏ « trật tự hiến định » sau Tòa Án Tối Cao thân chính quyền, tự tuyên bố đảm trách toàn bộ quyền lực của Quốc Hội do phe đối lập kiểm soát. Hai ngày sau, quyết định này của Tòa Án Tối Cao đã bị hủy bỏ.

Cho dù vẫn còn được quân đội ủng hội, nhưng từ ba tháng nay, tổng thống Maduro phải đối mặt với làn sóng biểu tình mà nòng cốt là phe đối lập, cáo buộc ông phải chịu trách nhiệm về khủng hoảng kinh tế trầm trọng và đòi ông phải từ chức. Cho đến hôm nay, 89 người đã chết trong các cuộc biểu tình phản đối.

Phe đối lập và bà chưởng lý Ortéga cũng phản đối dự án của tổng thống Maduro muốn thành lập một Quốc Hội lập hiến để củng cố quyền lực.

Ngày 03/07, phe đối lập thông báo tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức vào ngày 16/07 để cho thấy rõ là người dân quyết định « chấp nhận hay bác bỏ » dự án Quốc Hội lập hiến của tổng thống Maduro. - RFI
|
|

7.
Lãnh đạo tình báo Đức lo ngại tin tặc Nga tấn công bầu cử

Ít ngày trước thượng đỉnh G20 tại Hambourg, với sự tham dự của tổng thống Nga, bộ Nội Vụ Đức bày tỏ lo ngại có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc bầu cử Quốc Hội Đức, ngày 24/09/2017 sẽ là đối tượng tấn công của tin tặc Nga.

Theo AFP, trả lời báo giới ngày 04/07/2017, lãnh đạo cơ quan tình báo nội địa, Hans-Georg Maassen, khẳng định Nga có thể can thiệp vào cuộc bầu cử. Theo ông Hans-Georg Maassen, có thể tổng thống Nga Putin « sẽ vui mừng với việc một lãnh đạo khác » kế nhiệm thủ tướng Merkel.

Phát biểu nói trên được đưa ra nhân dịp giới thiệu cơ quan phản gián Đức - tên gọi chính thức là Cơ Quan Bảo Vệ Hiến Pháp Đức - công bố báo cáo thường niên. Báo cáo nhấn mạnh đến việc « email cá nhân » có thể bị xâm nhập, « các thông tin nhạy cảm » của các chính trị gia Đức bị đánh cắp và thông tin có thể bị phổ biến « vào bất cứ lúc nào ».

Theo lãnh đạo tình báo Đức, các vụ tấn công tin tặc có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức, trong đó có những hình thức rất « cổ điển như bóp méo thông tin, với các lời lẽ dối trá, những sự thật nửa vời, nhằm tác động đến công luận ». Theo ông Hans-Georg Maassen, cần phải đối phó lại các tấn công này với « thái độ điềm tĩnh, tái lập sự thật ».

Lãnh đạo tình báo Đức nhắc lại các cuộc tấn công tin học trong hai năm 2014 và 2015 nhắm vào Hạ Viện Đức, mà Nga bị nghi là thủ phạm. Vụ này hoàn toàn im ắng kể từ đó đến nay, nhưng theo ông Hans-Georg Maassen, một phần các thông tin bị đánh cắp có thể được công bố trong những tuần tới.

Tình báo Đức nhiều lần cáo buộc Matxcơva đứng sau các vụ tin tặc với mục tiêu lấy cắp thông tin hoặc phá hoại, cụ thể là trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, chống lại ứng cử viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton, hay trong cuộc tranh cử tổng thống Pháp đầu năm 2017, khi hàng nghìn trang tài liệu của ê kíp tranh cử của tổng thống tương lai Emmanuel Macron bị đưa lên mạng ngay trước vòng hai cuộc bầu cử. Nga thường xuyên bác bỏ cáo cuộc này. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

8.
Quan chức Mỹ: Trump không có kế hoạch thăm Anh trong tương lai gần

Tổng thống Mỹ Donald Trump không có kế hoạch thăm nước Anh trong tương lai gần, một quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ cho biết hôm thứ Hai, nhưng ông này nói thêm rằng nhà lãnh đạo Mỹ luôn có thể bất chợt thay đổi ý định của mình.

Phát ngôn viên của Thủ tướng Theresa May cũng nói rằng chính phủ Anh không biết gì về bất cứ kế hoạch nào cho ông Trump tới thăm Anh trong vài tuần tới. Truyền thông Anh loan tin rằng các nguồn tin chính phủ được cảnh báo rằng ông Trump có thể đến thăm sân golf của ông ở Scotland trong hai tuần tới.

Ông Trump dự kiến sẽ đến Châu Âu để dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 Cường quốc (G20) trong tuần này và sẽ tham dự lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh tại Pháp.

"Tôi không biết về bất kỳ kế hoạch nào cho tổng thống tới thăm Vương quốc Anh trong vài tuần tới," phát ngôn viên của bà May nói với các phóng viên. Ông cho biết lời mời ông Trump tới Anh trong chuyến thăm cấp nhà nước đã được chấp nhận và thông tin chi tiết sẽ được đưa ra vào đúng thời điểm.

Một quan chức Anh nói không có kế hoạch chắc chắn nào được ấn định cho chuyến thăm cấp nhà nước của ông Trump tới Anh. Quan chức thứ hai cũng không biết gì về kế hoạch của ông Trump đến thăm Anh trong tương lai gần.

Bà May gửi lời mời tới ông Trump trong chuyến thăm Washington vào tháng 1, nhưng ngày giờ cụ thể chưa được công bố. Truyền thông đã đưa tin rằng chuyến đi đã bị lùi lại vì những lo ngại biểu tình có thể nổ ra. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

10.
Hà Nội chấp thuận kế hoạch cấm xe máy từ năm 2030

Hà Nội hôm thứ Ba đã thông qua kế hoạch cấm xe máy trong nội thành từ năm 2030 nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm, trang web của Ủy ban Nhân dân Thành phố cho biết.

Nhà chức trách thủ đô lần đầu tiên cân nhắc ban hành lệnh cấm xe máy vào năm ngoái vì lo sợ những đường phố chật hẹp sẽ bị quá tải khi dân số tăng mạnh và tầng lớp trung lưu mua xe hơi nhiều kỷ lục.

“Sự gia tăng của phương tiện giao thông đã ở mức báo động, nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng,” Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện được dẫn lời nói khi trình bày dự thảo nghị quyết.

Thống kê của nhà chức trách Hà Nội cho biết trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 5,2 triệu xe máy và gần 486.000 xe hơi, chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông.

Theo kế hoạch, chính quyền thành phố sẽ dần dần hạn chế hoạt động của xe máy ở một số vùng phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, và từ năm 2030 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các quận nội thành.

Nhưng có những lo ngại về tính khả thi của kế hoạch này.

Những người đi xe máy nói rằng việc cấm người dân sử dụng phương tiện giao thông mà họ đã quen thuộc từ lâu là điều không thể, đặc biệt là khi hệ thống vận tải công cộng của thành phố còn kém cỏi.

Một số chuyên gia về giao thông vận tải được VnExpress dẫn lời trước đó đều tỏ ra hoài nghi về kế hoạch này và khuyến nghị nhà chức trách tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông trước rồi tiến tới hạn chế xe máy.

Các chuyên gia này nói rằng khoảng thời gian 13 năm từ đây đến năm 2030 là quá ngắn ngủi để kế hoạch này có thể trở thành hiện thực.

“10 năm các cụ không làm xong nổi 1 tuyến đường sắt trên cao, 10 năm mà có mỗi 1 tuyến bus BRT làm cũng không nên hồn, thế mà đòi cấm xe máy,” một người tên Vũ Khắc Ngọc chia sẻ trên Facebook. - VOA
|
|

11.
Khởi tố 'quan' trong vụ đất đai Đồng Tâm

Hơn 10 cán bộ, quan chức cấp xã và cấp huyện bị khởi tố liên quan tới các sai phạm đất đai ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội.

Tin tức nói 14 người sẽ ra toà trong phiên xử tại Tòa án Nhân dân huyện Mỹ Đức trong tháng Bảy, với tội danh "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Luật sư Lê Văn Luân, thành viên nhóm "luật sư Đồng Tâm" vốn đã viết kiến nghị gửi giới chức trong vụ tranh chấp đất đai ở địa phương này, nói với BBC rằng việc khởi tố vụ án trên đã diễn ra từ lâu, trước khi có vụ đối đầu dài ngày giữa người dân xã Đồng Tâm và giới chức, với đỉnh điểm là việc dân bắt nhốt gần 40 cán bộ, công an.

Trang tin Infonet dẫn lời một lãnh đạo công an huyện Mỹ Đức, theo đó nói các bị can đã có "sai phạm trong đất đai ở Đồng Tâm dẫn đến người dân khiếu kiện sau này".

Luật sư Luân cho biết tính đến thời điểm trước khi xảy ra cuộc đối đầu do tranh chấp đất đai hồi tháng Tư vừa qua, đã có một số người bị khởi tố trong vụ án này, và "đều là người cấp xã, không có cấp cao hơn".

Cơ quan công tố ra cáo trạng rằng các bị can vốn là cán bộ cấp xã vì vụ lợi đã cấp đất, giao đất trái thẩm quyền, hợp thức hóa đất lấn chiếm cho một số hộ dân trong thời gian hơn 10 năm, từ 2002 đến 2013.

Cũng theo cáo trạng, các bị can từng là cán bộ chuyên phụ trách đất đai cấp huyện do thiếu trách nhiệm đã "ký xác nhận không có căn cứ".

Phức tạp Đồng Tâm

Hôm 13/6, cảnh sát điều tra thuộc Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố điều tra vụ án hình sự liên quan tới vụ đối đầu giữa người dân Đồng Tâm với giới chức do tranh chấp đất đai, theo hướng nhằm làm rõ hai tội danh "bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật" và "hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản".

Cho đến nay, chưa có tin tức gì về việc có ai bị khởi tố bị can trong vụ án này hay chưa.

"Người dân Đồng Tâm nói [với nhóm luật sư chúng tôi] là tất cả các vấn đề liên quan pháp lý, kể cả việc bị khởi tố, thì họ sẽ nhờ các luật sư tham gia bảo vệ," luật sư Lê Văn Luân nói với BBC hôm 4/7.

"Cho đến nay, người dân Đồng Tâm chưa có thông tin gì liên quan sau quyết định khởi tố vụ án."

Hôm 26/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi tiếp xúc cử tri tuyên bố "phải xử lý ngay những cán bộ đã lạm dụng, vô trách nhiệm, đã làm sai ở tại xã [Đồng Tâm]". 

Tuy nhiên, thủ tướng cũng nhắc tới việc phải "xử lý người dân sai trái, quá khích".

Mới đây, ông Nguyễn Đức Chung đề nghị thành phố "rút dự án thu hồi đất tái định cư phục vụ di dời các hộ dân sử dụng đất quốc phòng tại sân bay Miếu Môn, Đồng Tâm".

Theo kế hoạch đã được phê duyệt hồi cuối 2016, thành phố đã có quyết định di dời 14 hộ dân khỏi 6 ha "đất do quốc phòng quản lí" nhằm giao lại diện tích đất này cho Viettel. 

Đổi lại, ông Trịnh Xuân Viết, Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức, được báo Tuổi Trẻ dẫn lời, nói rằng giới chức sẽ thu hồi 0,2 ha đất tại xã Đồng Tâm "làm nơi tái định cư" cho các hộ gia đình này.

Người dân địa phương cho đến nay chưa được thông báo cụ thể mà chỉ "nghe đồn" về việc "rút dự án thu hồi đất tái định cư", một cư dân thôn Hoành nói với BBC hôm 4/7. - BBC
|
|

12.
Luật mới của Thái 'ảnh hưởng lao động Việt Nam'

Luật Lao động mới của Thái Lan có thể ảnh hưởng người Việt Nam lao động bất hợp pháp tại quốc gia này. 

Hôm 23/6, Chính phủ Thái Thái Lan đã bắt đầu áp dụng luật lao động mới.

Bộ luật mới này có thể ảnh hưởng đến hơn 50.000 lao động trái phép người Việt Nam tại Thái Lan.

Bốn điều luật mới này đánh mạnh vào chủ lao động, với việc thuê lao động bất hợp pháp, chủ lao động có thể bị phạt từ 400.000 - 800.000 Baht (267 - 534 triệu đồng).

Việc này khiến hàng loạt chủ xưởng, nhà máy, nhà hàng đồng loạt sa thải các lao động không đăng ký người nước ngoài, hầu hết là lao động từ Myanmar, Lào và Campuchia.

Trước tình trạng người lao động ồ ạt vượt biên về nước, tân Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Thái Lan Đại tướng Chalermchai Sittisart nói sẽ tạm ngưng thi hành bốn điều luật mới trong bộ luật lao động đến hết năm nay, theo tờ The Nation hôm 3/7. 

Ông Sittisart nói bộ luật này sẽ đi vào hiệu lực vào 1/1/2018.

Anh "Buchai" Nguyễn, một lao động ở Thái Lan cho biết một số lao động Việt Nam đã về quê, một số khác thì rời Bangkok đến vùng tỉnh lẻ của Thái Lan. 

Tuy luật đã tạm ngưng, nhưng anh "Buchai" cho biết vẫn có trường hợp lao động Việt Nam bị cảnh sát bắt giam và cần gia đình bảo lãnh.

Anh Đỗ Hồng Quân, tiến sỹ ngành tài nguyên nước tại trường Đại Học Khon Kaen cho biết "Hầu hết lao động Việt Nam tại Thái Lan là người nghèo. Chỉ nghèo họ mới qua Thái Lan tìm kiếm việc làm," .
Anh Quân ở trong ban điều hành nhóm công giáo nhỏ ở tỉnh Khon Kaen và đã tiếp xúc và giúp đỡ nhiều lao động Việt Nam tại đây. 

Anh cho biết tại Khon Kaen, hiện có khoảng 1000 lao động bất hợp pháp người Việt Nam. 

"Những người Việt Nam họ chỉ đi làm, họ không biết nhiều thông tin về luật. Tôi có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin hơn nên tôi đăng lên trên mạng giúp đỡ mọi người." 

Hầu hết lao động Việt Nam tại Thái Lan làm việc tại các nhà hàng, hoặc giúp việc gia đình. 

Một số khác bán hàng rong trên đường phố. 

"Ở Việt Nam tỉ lệ thất nghiệp cao, lương thấp, trong khi ở Thái Lan, một người không có trình độ có thể kiếm 15-20 triệu một tháng," anh Quân nói thêm. 

BBC đã tìm cách liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi vào thời điểm đăng bài. 

Cần 1.300 tỷ để xuất khẩu lao động thất nghiệp

Bộ Lao động cho rằng cần khoảng 1.300 tỷ để hỗ trợ 54.000 cừ nhân thất nghiệp đi lao động ở nước ngoài, theo báo VnExpress

Hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài, từ 1,7 tỷ - 2 tỷ đôla. 

Theo báo này, Bộ Lao động đang đưa ra Đề án đưa lao động ra làm việc ở nước ngoài nằm năm 2018-2020.

Trong đó, sẽ đưa 14.700 lao động đi Đức. 1.500 đi Nhật và 1.800 sang Hàn Quốc. 

Đến hết tháng 3/2017, số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 139.00 người, cao đẳng là 104.000 và trung cấp là 83.000 người. - BBC
|
|

13.
Thủ tướng Việt Nam ‘tự thóa mạ’ khi nhận định về kinh tế

Trong cuộc họp giữa chính phủ với giới lãnh đạo chính quyền các địa phương, thủ tướng Việt Nam tự thóa mạ mình dối trá khi đưa ra hàng loạt nhận định mâu thuẫn với nhau.

Theo tờ Tuổi Trẻ hôm Thứ Hai, 3 Tháng Bảy, chính phủ Việt Nam họp suốt ngày để thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội trong sáu tháng đầu năm 2017 và định hướng cho hoạt động của bộ máy công quyền trong sáu tháng sắp tới.

Nếu so sánh các tuyên bố, nhận định của thủ tướng Việt Nam trong cuộc họp này, có thể thấy người đứng đầu chính phủ Việt Nam rất vụng về.

Nhận định về tình hình kinh tế-xã hội trong sáu tháng đầu năm 2017, ông Phúc cho rằng: “Công tác chỉ đạo điều hành đã có nhiều đổi mới, quyết liệt, đã phát huy kết quả bước đầu. Tập thể chính phủ, thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết các vấn đề bức xúc.”

Cũng theo ông Phúc, sáu tháng đầu năm nay là “sáu tháng có thiên thời, địa lợi, nhân hòa” vì “người dân phấn khởi làm ăn, kinh doanh, khởi nghiệp, xu hướng kinh doanh tốt hơn.”

Ông Phúc ví von, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam như một người đi khám sức khỏe mà “các chỉ số cơ bản như huyết áp, mỡ máu, men gan… đều tốt.”

Tóm lại, theo ông Phúc, tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm 2017 có nhiều điểm phấn khởi hơn cùng kỳ năm ngoái: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng hồi phục mạnh. Lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp hồi phục mạnh. Việt Nam là một trong 12 quốc gia dẫn đầu về tăng trưởng du lịch. Vốn đầu tư ngoại quốc tăng mạnh. Trong sáu tháng đầu năm có thêm 61,000 doanh nghiệp. Ngoài kinh tế, Việt Nam còn đạt kết quả khả quan về văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo bền vững…

Tuy nhiên, cũng chính ông Phúc cho rằng phải “thẳng thắn đề cập đến những hạn chế, khó khăn, thách thức” và tự ông nhận diện, liệt kê “những hạn chế, khó khăn, thách thức” đó.

Thủ tướng Việt Nam thú nhận: “Tình trạng tiêu thụ nông sản, gia súc, gia cầm còn khó khăn, giá giảm, ảnh hưởng đến người sản xuất.”

Người ta không rõ với thực tế như thế thì tại sao ông Phúc lại cho rằng nông nghiệp là một trong những lĩnh vực đang “hồi phục mạnh?”

Tương tự, ông Phúc thú nhận: “Tăng trưởng công nghiệp, xây dựng thấp hơn so với cùng kỳ, trong đó khai khoáng giảm sâu, riêng dầu khí giảm hơn 11%. Sản xuất kinh doanh có phát triển nhưng vẫn còn khó khăn, số doanh nghiệp rời thị trường nhiều, doanh nghiệp có nguy cơ thua lỗ, phá sản vẫn nhiều,…”

Với tình hình như thế mà dám khẳng định, “người dân phấn khởi làm ăn, kinh doanh, khởi nghiệp, xu hướng kinh doanh tốt hơn” thì thủ tướng Việt Nam quả là… “dũng cảm.”

Thủ tướng Việt Nam thừa nhận thêm: “Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm, đến nửa năm mới bằng 30% kế hoạch.”

Đối với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì hoạt động “thoái vốn” (rút vốn nhà nước ra khỏi các danh nghiệp này) rất chậm.

Ông Phúc cho biết: “Đến nay mới thoái vốn được 11,000 tỷ đồng so với kế hoạch là 60,000 tỷ đồng…”

Ngoài ra, ông cũng thú nhận: “Còn rất nhiều vấn đề xã hội bức xúc như mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ngộ độc tập thể, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em… Ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Nạn chặt phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép, sạt lở bờ sông, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất đáng lo ngại. Trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn diễn biến phức tạp. Đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng.”

Người ta không rõ tại sao khi đã thấy được như vậy mà ông Phúc vẫn cho rằng sáu tháng đầu năm nay là “sáu tháng có thiên thời, địa lợi, nhân hòa,” tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm 2017 có nhiều điểm phấn khởi hơn cùng kỳ năm ngoái?

Nếu tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam như một người đi khám sức khỏe mà có kết luận “các chỉ số cơ bản như huyết áp, mỡ máu, men gan… đều tốt” thì não của người trực tiếp khám, chẩn đoán rõ ràng là… không tốt! - nguoiviet


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét