3-7-2017
Hình bên: Một
chiếc tàu cảnh sát biển Trung Quốc (phải) đi qua giàn khoan HD-981 (trái) ở Biển
Đông, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Ảnh chụp ngày 13/06/2014(REUTERS/Nguyen
Minh)
Ngày 20/06/2017, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc đột ngột loan báo
hủy bỏ vào giờ chót cuộc Giao Lưu Hữu Nghị Quốc Phòng Biên Giới với Việt Nam được
dự kiến mở ra cùng ngày. Thông báo được đưa ra sau khi tướng Phạm Trường Long
(Fan Chanlong), phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc, rút ngắn chuyến
công du Việt Nam. Ngày 29/06, trên tập san Nhật Bản The Diplomat, giáo sư Carl
Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc tự hỏi : « Phải chăng một cuộc khủng
hoảng mới về Biển Đông đang âm ỉ giữa Trung Quốc và Việt Nam ? - Is a New
China-Vietnam Maritime Crisis Brewing in the South China Sea? », nêu lên tác động
có thể có của sự kiện này.
Sự cố mới với Việt Nam cho thấy Bắc Kinh quyết đoán hơn
Kết luận của giáo sư Thayer rất rõ ràng : Sự cố Việt-Trung
là một thực tế, và đây là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang trở nên quyết
đoán hơn, trong việc chống lại các hoạt động thăm dò dầu khí tiềm tàng của
Philippines và thực tế của Việt Nam.
Thế nhưng cũng có những diễn biến khác, khi gắn lại với
nhau, sẽ giải thích được hành động bất thường của tướng Phạm Trường Long.
Những diễn biến đó bao gồm : việc chính quyền Trump vào ngày
24/05 tái lập chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải của tại quần đảo Trường Sa
; việc Trung Quốc đánh chặn một chiếc máy bay tuần tra hàng hải của Hoa Kỳ P-3C
Orion tuần tra trên vùng biển gần đảo Hải Nam, cũng vào ngày 24 tháng 5 ; chuyến
thăm cuối tháng 5 và đầu tháng 6 của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc qua Washington
và Tokyo, nơi mà các quan hệ quốc phòng và an ninh hàng hải đã được thảo luận ;
các cuộc tập trận hải quân chung Mỹ-Nhật ngoài khơi Hàn Quốc đầu tháng 6 ; và
những lời chỉ trích mạnh mẽ hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông do thủ tướng
Úc và các bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Úc và Nhật Bản tại Đối Thoại Shangri-La,
cũng vào đầu tháng Sáu.
Bằng chứng về mối liên hệ giữa việc tướng Phạm Trường Long hủy
bỏ các hoạt động Giao Lưu Biên Giới Việt-Trung với các hành động của Hoa Kỳ và
các đồng minh, có thể được thấy chính trong các bài viết trên tờ báo Trung Quốc
Global Times (Hoàn Cầu Thời Báo) về chuyến thăm Việt Nam của ông Phạm Trường
Long : « Mong muốn của các cường quốc ngoài khu vực như Hoa Kỳ và Nhật Bản
không phải là giảm căng thẳng ở Biển Đông. Họ muốn biến Biển Đông thành nơi cạnh
tranh về địa chính trị. Họ sẵn sàng nhìn thấy Việt Nam và Philippines gặp rắc rối
với Trung Quốc, tạo cơ hội cho họ can thiệp. Giờ đây họ đã coi trọng Hà Nội hơn
sau khi Manila thay đổi thái độ. »
Đã có những suy đoán cho rằng tướng Phạm Trường Long đã làm
theo ý riêng của mình. Trong trường hợp đó, hành động của ông rất vụng về vì
công việc phản đối như vậy thường do bộ Ngoại Giao Trung Quốc thực hiện, nhận
xét của ông Phạm Trường Long, một vị tướng cấp cao, có thể hàm ý đe dọa sử dụng
quân đội. Những lời lẽ đó cũng phản tác dụng vì không có khả năng đe dọa các
lãnh đạo Việt Nam. Trong thực tế, các nguồn tin Việt Nam cho biết là « các lãnh
đạo Việt Nam đã phản đối tướng Phạm Trường Long, khiến ông ta bực tức và quyết
định trở về Trung Quốc ngay trong đêm. »
Bước lùi quan trọng nhất trong quan hệ Việt-Trung từ sau vụ
HD-981
Đối với giáo sư Thayer, việc đột ngột hủy bỏ cuộc Giao Lưu
Biên Giới Việt-Trung đã tác hại đến lòng tin chiến lược giữa Hà Nội và Bắc
Kinh, và là bước lùi quan trọng nhất trong quan hệ song phương kể từ vụ giàn
khoan HD-981 vào giữa năm 2014.
Câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh có sẽ tăng áp lực lên Việt
Nam hay không, để chứng minh rằng Tập Cận Bình là một lãnh đạo mạnh trước Đại Hội
Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19.
Các nguồn tin từ Việt Nam đã cho rằng việc Trung Quốc triển
khai giàn khoan cỡ lớn HD-981 ở vùng biển gần Hoàng Sa vài ngày trước chuyến
thăm của ông Phạm Trường Long có thể báo hiệu cho một cuộc khủng hoảng mới. Những
nguồn tin này cũng tiết lộ những thông tin chưa được xác nhận, theo đó Trung Quốc
đã triển khai 40 tàu thuyền đủ loại xuống Biển Đông.
Diễn tiến vụ Bắc Kinh hủy bỏ Giao Lưu Quốc Phòng Biên Giới
Về phía Trung Quốc, ngay từ ngày 12 tháng 6, Bắc Kinh đã
loan báo thông tin về chuyến công du Tây Ban Nha, Phần Lan rồi Việt Nam của Tướng
Phạm Trường Long (Fan Changlong), phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, đã rời Bắc
Kinh đến thăm Tây Ban Nha, Phần Lan và Việt Nam. Tháp tùng theo ông là một phái
đoàn rất cao cấp bao gồm Thiệu Nguyên Minh (Shao Yuanming), phó tham mưu trưởng
Bộ Tham Mưu Liên Hợp Quân Ủy Trung Ương ; Lưu Chấn Lập (Liu Zhenli), tham mưu
trưởng Quân Đội Trung Quốc ; Lưu Nghị (Liu Yi), phó tư lệnh Hải Quân ; Tống Côn
(Song Kun), phó chính ủy Không Quân ; và Viên Dự Bách (Yuan Yubai), tư lệnh Bộ
Tư Lệnh Miền Nam.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc xác nhận rằng tướng
Phạm Trường Long « cũng sẽ tham dự cuộc họp biên giới cấp cao lần thứ 4 giữa
quân đội Trung Quốc và Việt Nam » nhân dịp ghé Việt Nam.
Về phía Việt Nam, chương trình chuyến thăm của ông Phạm Trường
Long cũng được thông báo chính thức, đặc biệt là cuộc giao lưu hữu nghị quốc
phòng biên giới lần thứ tư (20-22/06), tổ chức đồng thời tại tỉnh Lai Châu của
Việt Nam và Vân Nam của Trung Quốc, do đích thân bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam
Ngô Xuân Lịch và tướng Trung Quốc Phạm Trường Long đồng chủ trì.
Về mặt chính thức thì mọi sự đều tích cực, quan hệ quốc
phòng Việt-Trung đang chuyển biến tốt đẹp... Truyền thông của cả Việt Nam lẫn
Trung Quốc thoạt đầu đều đưa tin lạc quan về các cuộc thảo luận ngày 18 tháng 6
giữa tướng Phạm Trường Long với bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, tổng
bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước Trần Đại Quang và
thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc...
Bình luận của các phương tiện truyền thông từ cả hai bên đều
lạc quan và tích cực về tình hữu nghị, quan hệ hợp tác song phương, kể cả trong
lãnh vực quốc phòng...
Biển Đông vẫn là đầu mối bất đồng được nêu lên
Riêng về Biển Đông, các phương tiện truyền thông Việt Nam và
Trung Quốc đều ghi nhận việc vấn đề này đã được nêu ra trong các cuộc thảo luận
giữa tướng Phạm Trường Long với giới lãnh đạo Việt Nam. Tân Hoa Xã chẳng hạn đã
trích dẫn thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng « Việt Nam sẵn sàng hợp tác với
Trung Quốc để thực thi Tuyên Bố về Ứng Xử của các Bên ở Biển Đông và đạt được
thỏa thuận về một bộ Quy Tắc Ứng Xử thông qua những cuộc tham vấn sẽ sớm được mở
ra. »
Điểm đáng chú ý là việc Tân Hoa Xã Trung Quốc trích dẫn
tuyên bố của tướng Phạm Trường Long theo đó : « các hòn đảo ở Biển Đông đã là
lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ xưa... và tình hình hiện nay ở Biển Nam Hải
(tên Trung Quốc gọi Biển Đông) đã ổn định và đang trở nên tích cực... ». Ông
cũng kêu gọi « cả hai bên tuân thủ đồng thuận quan trọng mà lãnh đạo hai nước
đã đạt được. Hai bên phải tăng cường liên lạc chiến lược, quản lý đúng đắn và
kiểm soát những bất đồng để duy trì mối quan hệ tổng thể cũng như hoà bình và ổn
định ở Biển Đông ».
Báo Nhân Dân của Việt Nam, khi tường trình về cuộc họp giữa
hai ông Phạm Trường Long và Ngô Xuân Lịch, thì lưu ý rằng « cả chủ nhà và khách
đều đồng ý không cho phép các vấn đề liên quan đến biển ảnh hưởng đến quan hệ
hai nước. »
Trung Quốc phản đối hoạt động dầu khí của Việt Nam ở Biển
Đông
Tuy nhiên, theo giáo sư Thayer, ngay sau đó, rõ ràng là mâu
thuẫn đã xuất hiện giữa hai bên với việc Việt Nam cho khoan dầu trở lại ở Biển
Đông, và những bất đồng đó đã dẫn tới việc hủy bỏ các hoạt động giao lưu quốc
phòng biên giới.
Một vấn đề chưa được sáng tỏ là tướng Trung Quốc đã nói
chung chung về các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam trong vùng biển đang
tranh chấp, hay nêu cụ thể một khu vực nào đó.
Một nguồn tin Việt Nam qua thư điện tử cá nhân, cho biết rằng
ông Phạm Trường Long đã « nêu câu hỏi với các nhà lãnh đạo Việt Nam, trong đó
có thủ tướng [Nguyễn Xuân Phúc], và yêu cầu Việt Nam dừng khoan dầu tại lô
136/03. » Lô 136/03 nằm ở Bãi Tư Chính (Vanguard Bank). Một số nhà phân tích
khác thì nói rằng ông Phạm Trường Long đã đề cập đến lô 118, còn được gọi là Cá
Voi Xanh, ngoài khơi miền Trung Việt Nam, nơi mà tập đoàn Mỹ Exxon Mobile đang
hoạt động.
Các nguồn tin của Việt Nam nói rằng nhà lãnh đạo Việt Nam
(mà họ không nêu đích danh) bị tướng Phạm Trường Long nêu câu hỏi, đã trả lời bằng
cách bảo vệ mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam. Chính lời lẽ này đã khiến ông Phạm
Trường Long hủy bỏ sự tham gia của Trung Quốc vào cuộc Giao Lưu Hữu Nghị Quốc
Phòng Biên Giới lần thứ 4 và trở về Trung Quốc một cách đột ngột.
Cũng không rõ là tướng Phạm Trường Long rời khỏi Hà Nội ngay
vào đêm 18 tháng 6 hay sáng ngày hôm sau. Cuộc Giao Lưu Biên Giới năm 2017 dự
kiến bắt đầu vào ngày 20 tháng 6.
Việt Nam bất bình vì tướng Trung Quốc khẳng định lại đường
lưỡi bò
Đối với giáo sư Thayer, có thể là những tuyên bố của tướng
Phạm Trường Long khẳng định giá trị của đường lưỡi bò Trung Quốc đã gây nên bất
bình nơi lãnh đạo Việt Nam.
Cần lưu ý rằng năm 2016, Tòa Trọng Tài La Haye đã phán quyết
rằng đường chín đoạn của Trung Quốc đòi Biển Đông không có cơ sở trong luật quốc
tế. Toà cũng phán quyết rằng yêu sách của Bắc Kinh về chủ quyền dựa trên các
quyền lịch sử đã bị triệt tiêu khi Trung Quốc phê chuẩn Công Ước Liên Hiệp Quốc
về Luật Biển (UNCLOS).
Những nhận xét được báo chí nêu lên của tướng Phạm Trường
Long về Biển Đông, có thể được hiểu là nhằm nhấn mạnh rằng Việt Nam không tuân
thủ « đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo hai nước và hai đảng ».
Tuyên bố của
ông, mà báo chí tiết lộ, có thể đã làm cho các lãnh đạo của Việt Nam cảm thấy
khó chịu vì hai lý do : Thứ nhất, bởi vì nó do một viên tướng quân đội đưa ra,
chứ không phải là một người thuộc bộ Ngoại Giao, và thứ hai, là vì nó thể hiện
việc tái khẳng định đường chín đoạn của Trung Quốc và tuyên bố của Trung Quốc về
« chủ quyền không thể tranh cãi » của họ đối với các vùng biển trong vùng đặc
quyền kinh tế của Việt Nam, mà Hà Nội có quyền chủ quyền.
Vào ngày 22/06, tờ Global Times của Trung Quốc loan tin Việt
Nam đã tiến hành thăm dò dầu khí trở lại ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa
trong năm nay, và gián tiếp gắn điều này với việc tướng Phạm Trường Long hủy bỏ
cuộc Giao Lưu Hữu Nghị Quốc Phòng Biên Giới năm nay.
Hoàn Cầu Thời Báo không trích dẫn nguồn tin chính thức, mà
nhưng trích lời nhà phân tích dân sự Lưu Phong (Liu Feng) : « Việt Nam đơn
phương phá vỡ sự đồng thuận của mình với Trung Quốc, trong đó có việc gác tranh
chấp để đồng phát triển, và động thái của Việt Nam là nhằm củng cố yêu sách
lãnh thổ của mình đối với khu vực... Hành động đó tác hại đến sự ổn định của Biển
Đông, và vi phạm chủ quyền và quyền hàng hải của Trung Quốc. »
Tuy nhiên, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã xác nhận việc tướng Phạm
Trường Long « đột ngột cắt ngắn chuyến đi Việt Nam », và trích dẫn Bộ Quốc
phòng Trung Quốc giải thích rằng đó là vì vấn đề « sắp xếp công việc ». Global
Times cũng gắn liền việc hủy bỏ cuộc Giao Lưu Biên Giới với bất đồng giữa hai
nước về Biển Đông bằng cách trích dẫn « truyền thông nước ngoài ». Global Times
tiếp tục lưu ý rằng « không có tuyên bố chính thức nào được đưa ra từ phía Việt
Nam."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét