Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




TIN CẬP NHẬT - THỨ NĂM 8/6/2017

8-6-2017
Hàng loạt tàu vỏ thép ở Bình Định vừa đóng mới đã 
hư hỏng phải nằm bờ trong thời gian dài. (Ảnh NguoiVietInfo)

Tin Thế Giới

1.
a. James Comey điều trần – Địa chấn chính trị Washington

Cuộc điều trần từ 1h chiều, giờ Washington, diễn ra trong phòng họp kín. 

Chủ tịch Hạ Viện, Paul Ryan, bảo vệ tổng thống Trump, nói rằng những cuộc gặp mà Tổng Thống thực hiện, phía Dân Chủ mô tả là “không phù hợp”, “gây choáng váng”, thật ra chỉ vì ông Trump còn quá mới mẻ với công việc tổng thống.

Dân biểu Ryan: “Tổng thống mới vào việc, còn chưa quen với chính quyền, vì vậy ông chắc chắn không thể rành rẽ các nguyên tắc phức tạp thiết lập nên mối quan hệ giữa Bộ Tư Pháp, FBI, và Tòa Bạch Ốc.”

NBC trích website tự điển Merriam-Webster, cho biết phiên bản online của tự điển này dẫn nhiều chữ ông Comey dùng trong buổi điều trần, và các chữ ấy nằm trong tình trạng “trending now” – đang phổ biến. Các chữ ấy gồm: probative, fuzz, Lordy, recuse, dais, và contemporaneous.

Về “buổi ăn tối và lòng trung thành,” Ken Dilanian của NBC giải thích:

Khi nói tổng thống Donald Trump mời mình ăn tối 27 tháng Giêng vào trưa cùng ngày, các chi tiết của cựu Giám Đốc FBI đặt lời mời ấy vào thời điểm chỉ một ngày sau khi cựu Bộ Trưởng Tư Pháp Sally Yates thông báo cho Tòa Bạch Ốc biết về quan ngại của bà về Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Michael Flynn.

Điều này nghĩa là gì? Là ông Trump mời ông Comey ăn tối là có mục đích. Và cũng chính trong buổi ăn tối ấy, ông Trump yêu cầu lòng trung thành của Comey; điều này khiến Comey có cảm giác công việc của mình như chỉ treo mình. - VOA

***
b. Cựu Giám đốc FBI: Chính quyền Trump gian dối, bôi nhọ tôi

Cựu Giám đốc FBI James Comey ngày 8/6 tuyên bố trước Quốc hội rằng ông bị cản trở bởi Tổng thống Donald Trump tìm cách buộc ông phải ngưng cuộc điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn nhưng ông Comey không khẳng định liệu ông cho có là Tổng thống tìm cách cản trở công lý hay không.

Phát biểu trước Ủy ban Tình báo Thượng viện tại một trong những buổi điều trần được công chúng nóng lòng trông đợi nhất trong nhiều năm nay, cựu Giám đốc FBI nói chính quyền của Tổng thống Trump đã gian dối và bôi nhọ hình ảnh của ông lẫn Cục Điều tra Liên bang FBI khi sa thải ông hôm 9/5.

Trong văn bản điều trần công bố một ngày trước khi tới Quốc hội, ông Comey nêu rõ Tổng thống Trump hồi tháng hai đã yêu cầu ông ngưng cuộc điều tra của FBI nhắm vào cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn trong khuôn khổ cuộc điều tra về cáo giác Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

“Tôi nghĩ bản thân tôi không thể nói những trao đổi giữa Tổng thống với tôi có là một nỗ lực của Tổng thống nhằm cản trở hay không. Đối với tôi, hành động đó hết sức trở ngại, hết sức đáng quan ngại,” ông Comey tuyên bố trước các nhà lập pháp.

Buổi điều trần này có thể dẫn tới những ‘hậu quả’ đáng kể đối với nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump trong lúc cố vấn đặc biệt Robert Mueller và một số ủy ban của Quốc hội đang điều tra cáo giác Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016 và liệu chiến dịch tranh cử của ông Trump có thông đồng với Nga hay không.

Nga bác tố cáo này và Tòa Bạch Ốc cũng khẳng định không hề có hành động đồng lõa nào.

Ông Trump đã gây ra một cơn lốc chính trị khi bất ngờ sa thải ông Comey.

Cựu Giám đốc FBI nói chính quyền Trump đã hạ thấp uy tín của ông trong các bình luận đưa ra sau vụ sa thải.

“Dù luật không yêu cầu phải đưa ra lý do khi sa thải Giám đốc FBI, nhưng chính quyền đã chọn cách bôi nhọ hình ảnh của tôi mà quan trọng hơn cả là hình ảnh của FBI khi nói rằng có lộn xộn trong Cục Điều tra Liên bang và rằng đội ngũ nhân lực ở đây đã mất niềm tin vào người lãnh đạo,” ông Comey nói.

“Những điều đó là dối trá, không hơn không kém,” cựu Giám đốc FBI nhấn mạnh.

Vấn đề Nga đã làm đau đầu Tổng thống Trump ngay những tháng đầu nhậm chức. Những người chỉ trích cho rằng bất kỳ nỗ lực nào của ông Trump nhằm cản trở cuộc điều tra của FBI đều có thể là một hành động cản trở công lý.

Nếu có đề nghị tại Quốc hội muốn luận tội Tổng thống để truất phế dựa trên cáo buộc cản trở công lý thì cuộc điều trần của ông Comey hôm nay có thể củng cố thêm cho nỗ lực đó, theo một số chuyên gia pháp lý.

Ông Comey trình bày rằng ông ghi chú sau các cuộc gặp với Tổng thống Trump vì ‘Tôi thật lòng lo là ông ấy có thể bịa đặt về bản chất cuộc gặp, nên tôi nghĩ rất cần phải ghi chép lưu lại.’ - VOA

***
c. Điều tra nghi án Nga: Cựu giám đốc FBI khẳng định bị tổng thống Mỹ gây sức ép

Cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI James Comey, hôm nay, 08/06/2017, ra điều trần trước Quốc Hội. Sự kiện này rất được chú ý và được coi như một bước ngoặt trong cuộc điều tra về khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái, cũng như mối liên hệ giữa nhóm cộng sự thân cận của Donald Trump với Matxcơva.

Trước cuộc điều trần, Quốc Hội Mỹ đã cho công bố tuyên bố sơ khởi của James Comey, trong đó, cựu giám đốc FBI khẳng định Donald Trump có ý định gây áp lực trong tiến trình điều tra.

Từ Washington, thông tín viên Anne Marie Capomaccio tường trình :

"Có các sự việc mới ? Không hẳn là như vậy… bởi vì báo chí đã đăng tải khá nhiều tiết lộ và những thông tin này giờ đây được khẳng định qua tuyên bố sơ khởi của James Comey.

Trước tiên, đó là việc tổng thống Mỹ yêu cầu giám đốc FBI tuyệt đối trung thành với ông. Về đề nghị này, James Comey đáp trả là sẽ trung thực… Giữa trung thành và trung thực có một sự khác nhau quan trọng.

Về các áp lực của tổng thống liên quan đến tướng Flynn, Donald Trump đã nói với James Comey : tôi muốn là ông cho qua việc này. Nói một cách khác, hãy cho chìm xuồng vụ này.

Ngược lại, điều gây ngạc nhiên nhất là bối cảnh và việc James Comey tỏ ra nghi ngại ngay lập tức tổng thống Mỹ. Ngay trong cuộc gặp đầu tiên với Donald Trump, James Comey cảm thấy khó chịu, không thoải mái. Chính vì thế, ông đã quyết định viết lại mọi việc, kiểu như nhật ký. Mọi gặp gỡ, trao đổi với tổng thống đều được nguyên giám đốc FBI ghi lại chi tiết, rồi thông báo cho các cấp phó và các ghi chép này được lưu hồ sơ". - RFI

***
d. Comey: Trump sa thải tôi để làm suy yếu cuộc điều tra về Nga 

Cựu Giám đốc FBI James Comey hôm thứ Năm cáo buộc Tổng thống Donald Trump sa thải ông nhằm tìm cách làm suy yếu cuộc điều tra của FBI về sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động tranh cử Tổng thống năm 2016 của ông Trump với Nga.

Trong buổi điều trần được nhiều người nóng lòng chờ đợi nhất trong nhiều năm qua, ông Comey nói với các nhà lập pháp rằng chính quyền Trump đã nói dối và bôi nhọ ông và FBI sau khi Tổng thống sa thải ông vào ngày 9 tháng 5.

Suốt hơn hai giờ khai chứng, ông Comey nói với Ủy ban Tình báo Thượng viện rằng ông tin rằng ông Trump đã chỉ thị ông chấm dứt cuộc điều tra của FBI nhắm vào cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn như một phần trong cuộc điều tra rộng lớn hơn về Nga.

Tuy nhiên ông Comey không tiết lộ bất kỳ thông tin mới quan trọng nào về mối liên hệ giữa ông Trump và các cộng sự của ông với Nga, một vấn đề đã bao trùm những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump và làm sao lãng khỏi các mục tiêu chính sách của ông như đại tu hệ thống y tế của Mỹ và cắt giảm thuế.

Qua những câu trả lời ngắn gọn và được cân nhắc cẩn thận, ông Comey vẽ nên một bức tranh về một vị Tổng thống hống hách mà ông không tin tưởng và ép ông chấm dứt cuộc điều tra của FBI nhắm vào ông Flynn.

Sau khi ông Trump sa thải ông Comey, chính quyền đã đưa ra những lý do khác nhau về việc này. Ông Trump sau đó mâu thuẫn với nhân viên của chính mình và thừa nhận vào ngày 11 tháng 5, rằng ông đã sa thải ông Comey vì cuộc điều tra về Nga.

Khi được hỏi tại sao ông nghĩ là ông Trump sa thải mình, ông Comey nói ông không rõ. Nhưng ông nói thêm: "Một lần nữa, tôi căn cứ trên lời của Tổng thống. Tôi biết tôi bị sa thải về điều gì đó liên quan đến cách mà tôi khi đó đang tiến hành cuộc điều tra về Nga vốn đặt áp lực lên ông ấy trong một chừng mực nào đó, khiến ông ấy khó chịu, và ông ấy quyết định sa thải tôi vì điều đó."

Nhưng ông Comey không nói liệu ông có nghĩ rằng Tổng thống đã tìm cách cản trở công lý hay không nhưng có nói rằng ông Flynn "gặp nguy về pháp lý" với cuộc điều tra của FBI.

"Tôi không nghĩ rằng ở địa vị của tôi tôi có thể nói rằng cuộc trò chuyện với Tổng thống có phải là một nỗ lực cản trở hay không. Tôi cho đó là một điều rất đáng lo ngại," ông Comey nói với Ủy ban.

Những người chỉ trích ông Trump nói rằng bất kỳ nỗ lực nào của Tổng thống nhằm cản trở cuộc điều tra của FBI đều có thể là cản trở công lý. Một hành vi phạm tội như vậy có thể dẫn đến việc ông Trump bị Quốc hội luận tội, dù các nghị sĩ Đảng Cộng hòa kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện cho thấy họ không mặn mà với hành động này. - VOA

***
e. Tổng thống Trump cam kết không ‘đầu hàng’ 

Tổng thống Donald Trump ngày 8/6 tuyên bố với những người ủng hộ ‘Chúng ta đang bị vây hãm’ và thề quyết sẽ tiếp tục tranh đấu.'

Phát biểu được đưa ra ngay trong ngày diễn ra cuộc điều trần của cựu Giám đốc FBI James Comey tại Quốc hội Mỹ về vụ Tổng thống Trump bất ngờ sa thải ông Comey hồi tháng trước sau các cuộc gặp riêng mà, theo ghi chú của ông Comey, qua đó ông Trump đã nhiều lần căn vặn ông Comey về lòng trung thành đối với Tổng thống và yêu cầu ông Comey ngưng điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.

Tổng thống Trump nhấn mạnh “Chúng ta đang bị vây hãm..nhưng chúng ta sẽ vực dậy lớn mạnh hơn bao giờ hết.”

“Chúng ta không lùi bước trước những gì chúng ta làm đúng…chúng ta biết cách tranh đấu và chúng ta sẽ không bao giờ chịu thua,” ông Trump nói. - VOA

***
f. Chuyên gia: Lời chứng của Comey củng cố lập luận Trump cản trở công lý

Lời khai chứng của Cựu giám đốc FBI James Comey nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trông đợi sự trung thành và hy vọng ông Comey sẽ chấm dứt cuộc điều tra nhắm vào một cựu trợ lý hàng đầu có thể củng cố cáo buộc ông Trump đã cản trở công lý, theo nhận định của một số chuyên gia pháp lý.

Một số nhà phân tích nói rằng những cáo buộc như vậy có thể được dùng làm cơ sở cho các thủ tục luận tội. Tuy nhiên, bất kỳ diễn tiến nào như vậy sẽ vấp phải một trở ngại lớn vì sẽ cần phải có sự chấp thuận của Hạ viện Hoa Kỳ, hiện đang được kiểm soát bởi các nghị sĩ Cộng hòa đồng đảng với ông Trump.

Theo lời khai chứng viết được đăng trên website của Ủy ban Tình báo Thượng viện hôm thứ Tư, ông Comey cho biết ông Trump đã nói với ông trong một cuộc trò chuyện chỉ có hai người vào ngày 14 tháng 2 rằng cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn là một "người tốt" và hy vọng ông Comey có thể "thấy thuận tiện" để chấm dứt cuộc điều tra nhắm vào mối quan hệ giữa ông Flynn và Nga.

Ông Trump một ngày trước đã sa thải ông Flynn trong vụ tranh cãi liên quan tới những lần tiếp xúc giữa vị tướng hồi hưu này và đại sứ Nga tại Mỹ.

Tường thuật của ông Comey, được công bố trước khi ông xuất hiện trước Ủy ban hôm thứ Năm, có thể cho thấy ông Trump dự định cản trở cuộc điều tra nhắm vào ông Flynn, theo lời giáo sư luật hiến pháp Michael Gerhardt tại Trường Luật Đại học North Carolina.

"Cuộc thảo luận rõ ràng về sự trung thành là điều đáng lo ngại," và có thể khơi lên những đồn đoán rằng "tổng thống đang cố gắng gây áp lực hoặc ít nhất gây ảnh hưởng lên cuộc điều tra liên quan tới Nga," ông Gerhardt nói.

Ông Comey, người bị ông Trump sa thải vào ngày 9 tháng 5, khi đó đang dẫn dắt cuộc điều tra của FBI nhắm vào ông Flynn về những cáo buộc về những mối liên hệ giữa Nga và chiến dịch vận động tranh cử của Tổng thống Trump vào năm 2016. Moscow và ông Trump phủ nhận bất cứ sự thông đồng nào.

Luật sư của ông Trump, Marc Kasowitz, không ngay lập tức trả lời câu hỏi của Reuters về việc liệu lời khai chứng của ông Comey có củng cố lập luận cản trở công lý hay không. Nhưng ông nói trong một thông cáo rằng ông Trump đã cảm thấy "được chứng minh là đúng" bằng lời khẳng định của Comey rằng ông không bị điều tra trong bất kỳ cuộc điều tra nào của Nga.

Để tạo cơ sở cho vụ án cản trở công lý mang tính hình sự, luật liên bang buộc công tố viên phải chỉ ra rằng một người đã hành động với ý định "gian dối." Bất kể là liệu người đó có thành công trong việc cản trở cuộc điều tra hay không.

Dù tổng thống tại nhiệm khó có khả năng bị truy tố hình sự, cản trở công lý có thể là cơ sở để luận tội.

Bruce Green, giáo sư tại Trường Luật Đại học Fordham, cho biết sẽ rất khó để cho thấy ông Trump có ý định cản trở cuộc điều tra ông Flynn. Ông nói ông Trump có thể nói rằng ông chỉ đơn thuần nói tốt cho ông Flynn và bày tỏ lo ngại về việc cuộc điều tra đang can thiệp ra sao vào khả năng điều hành của ông Trump trong cương vị tổng thống.

Alan Dershowitz, giáo sư danh dự tại Trường Luật Harvard và luật sư bào chữa nổi tiếng, nói thêm rằng những phát biểu của ông Trump với ông Comey là "những phát biểu không rõ ràng" và "thậm chí khó có thể nói là cản trở công lý."

Tuy nhiên các chuyên gia pháp lý khác nói rằng những chi tiết xung quanh cuộc trò chuyện ngày 14 tháng 2 có thể cho thấy rằng ông Trump có ý định can thiệp vào cuộc điều tra ông Flynn.

Theo ông Comey, ông Trump đã yêu cầu các cố vấn thân cận, bao gồm cả Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions và con rể Jared Kushner rằng, rời khỏi phòng để ông có thể nói chuyện riêng với ông Comey.

"Yêu cầu những người khác rời phòng có thể gợi ý rằng Tổng thống biết có điều gì đó không đúng về điều mà ông ấy đang làm," Andrew Wright, giáo sư luật hiến pháp của Trường Luật Savannah, nói.

Ông Wright nói rằng có những chi tiết gây tổn hại khác trong lời khai chứng của ông Comey, bao gồm việc ông Comey không ghi chép lại các cuộc nói chuyện của ông với cựu Tổng thống Barack Obama nhưng "cảm thấy buộc" phải làm như vậy sau cuộc trò chuyện đầu tiên của ông với ông Trump.

Lời khai chứng của ông Comey "gây thiệt hại tối đa" cho ông Trump, theo lời ông Wright.

Ông Gerhardt đồng lời khai chứng này là một cú giáng nhắm vào ông Trump, nói rằng: "Một số người không trước đây không lo ngại bây giờ nên lo ngại." - VOA
|
|

2.
Bầu cử ở Anh: Đảng Bảo Thủ đương quyền dẫn đầu

Cử tri Anh đang đi đầu phiếu để bầu đại biểu Hạ viện, trong một cuộc bầu cử sớm mà Thủ tướng Anh Theresa May yêu cầu tổ chức hồi tháng Tư, giữa lúc bà tìm cách củng cố sự ủng hộ của cử tri trước các cuộc đàm phán để thực thi quyết định của Anh, rút ra khỏi Liên hiệp Âu châu.

Thủ Tướng May đã đi bỏ phiếu vào sáng sớm ngày thứ Năm, cũng như ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo Đảng Lao động.

Kết quả cuộc bầu cử để chọn người vào 650 ghế trong Hạ viện Anh, theo dự kiến sẽ được công bố vào sáng sớm thứ Sáu 9/6.

Khi bà May yêu cầu tổ chức bầu cử, Đảng Bảo thủ do bà lãnh đạo dẫn đầu một khoảng cách xa đảng đối lập trong các cuộc thăm dò ý kiến công chúng, đồng thời nắm giữ một đa số mỏng manh trong Thượng viện. Tuy nhiên mức độ ủng hộ cho đảng bảo thủ đã sụt giảm trong vài tháng qua, tuy nhiên các cuộc thăm dò ngay trước bầu cử hôm thứ Ba, vẫn cho thấy đảng Bảo thủ dẫn trước đảng đối lập chính, là Đảng Lao động.

Vấn đề an ninh đã nổi cộm trong những tuần lễ dẫn tới bầu cử, sau khi các cuộc tấn công ở London và Manchester giết chết 30 người. - RFI
|
|

3.
Biển Đông: lá bài của ông Trump để thương lượng với Trung Quốc?

Chính phủ Hoa Kỳ đang thách thức vị trí thống lĩnh của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở châu Á, tuy nhiên những động thái của Mỹ, sau nhiều tháng giữ im lặng, được xem là nhằm trấn an các nước Đông Nam Á đang lo âu, hơn là một sự xoay trục, quay lưng lại với Bắc Kinh.

Trong hầu hết thời gian gần nửa năm trong nhiệm kỳ của ông, Tổng thống Donald Trump đã gác sang một bên vấn đề biển Đông giữa lúc ông tìm cách xây dựng mối quan hệ thân thiện với Bắc Kinh, và đặc biệt là vận động Trung Quốc kiềm chế chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên.

Nhưng hôm 24 tháng 5, một tàu khu trục của Hải quân Hoa Kỳ đi ngang qua vùng biển gần một đảo nhân tạo do Trung Quốc kiểm soát tại quần đảo Trường Sa. Phát biểu tại cuộc đối thoại Shangri-la, cuộc đối thoại thường niên về an ninh Châu Á hôm thứ bảy, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis nói việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo và triển khai quân sự đã tác động tới sự ổn định trong khu vực.

Ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ, nói:

"Các đối tác của Hoa Kỳ trong nhiều tháng qua nóng lòng mong đợi cuộc đối thoại Shangri-la như một cơ hội để ông Mattis trấn an mọi người, rằng chính sách châu Á của Mỹ không bị bỏ mặc như các dấu hiệu bề ngoài cho thấy, kể cả vấn đề Biển Đông."

Ông Poling nói:

"Diễn giải lạc quan nhất bây giờ là bài phát biểu của ông Mattis và những động thái của Mỹ như điều tàu khu trục đi ngang qua Biển Đông, cho thấy ông Mattis và Ngũ Giác Đài nắm được vấn đề, và do đó khía cạnh an ninh của chính sách của Hoa Kỳ muốn duy trì sự hiện diện ở châu Á, kể cả ở Biển Đông, sẽ tương đối ổn định".

Trong thập niên qua, Trung Quốc đã thực hiện nhiều công trình lắp đất xây đảo và quân sự hóa một vùng biển nhiệt đới rộng tới 3,5 triệu cây số vuông để khẳng định chủ quyền trên 95% diện tích Biển Đông, một tuyên bố gây nhiều tranh cãi, và chồng lấn với tuyên bố chủ quyền của các nước nhỏ, trang bị vũ khí sơ sài hơn, như Brunei, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam và Philippines.

Dưới quyền cựu Tổng thống Barack Obama, quân đội Mỹ điều tàu qua Biển Đông thường xuyên hơn, bất chấp sự giận dữ của Bắc Kinh. Ông Obama cũng đã giúp Việt Nam và Philippines tăng cường khả năng quân sự.

Dù không có tranh chấp chủ quyền tại vùng biển này nhưng Washington muốn duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không trên vùng biển giàu trữ lượng nhiên liệu hóa thạch, một tuyến hàng hải thiết yếu mà Hoa Kỳ muốn phải mở rộng cho các nước qua lại, chứ không muốn Trung Quốc độc chiếm.

Giáo sư Oh Ei Sun, giảng dạy môn Quan hệ Quốc tế tại trường Đại học Nanyang của Singapore, nói các nước Đông Nam Á tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh mấy lâu nay vẫn thắc mắc liệu ông Trump có chấp nhận nguy cơ bị Trung Quốc từ chối giúp giải quyết vấn đề Bắc Hàn, nếu ông thách thức chính sách bành trướng của Bắc Kinh trong Biển Đông?

Giáo sư Oh mô tả cách tiếp cận của chính phủ Trump đối với vấn đề Biển Đông cho tới nay là "tùy trường hợp" và theo "ngẫu hứng".

Ông nói:

"Rất nhiều quốc gia trong khu vực háo hức trông đợi một động thái của Mỹ, như một tuyên bố về chính sách rõ rệt hơn ở đây, nhưng cho đến nay chúng ta chưa thấy điều đó diễn ra".

Ông Oh nói: "Theo tôi, các hoạt động để khẳng định tự do hàng hải trên Biển Đông bây giờ thua xa cả về độ thường xuyên lẫn cường độ, so với các hoạt động đó dưới thời chính quyền Obama."

​Không có hành động phô trương lực lượng của Hoa Kỳ để răn đe Trung Quốc, cường quốc quân sự thứ ba thế giới, các nước Đông Nam Á sẽ xoay chiều chính sách đối ngoại của họ, ngả về hướng Bắc Kinh thay vì về hướng Washington.

Các nhà phân tích nói Trung Quốc rất hăng hái muốn thảo luận và sẵn sàng cấp viện trợ, để đánh đổi lại, nước nhận viện trợ sẽ ngăn cản, không để diễn ra các cuộc biểu tình gay gắt chống lại chính sách bành trướng quân sự của họ trên Biển Đông. 

Năm ngoái, Trung Quốc cung cấp cho Philippines 24 tỷ USD tiền viện trợ và đầu tư. Trung Quốc cũng đẩy mạnh kinh tế Việt Nam bằng cách tăng số lượng du khách sang thăm Việt Nam, và đồng thời, thảo luận vấn đề hợp tác hàng hải với Việt Nam.

Trong một hành động nhằm tăng sức ép đối với Trung Quốc, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson hồi tháng trước nói với các bộ trưởng ASEAN rằng, phải chấm dứt các hành động quân sự hóa và xây đảo trên biển trong khi các tranh chấp chủ quyền chưa ngã ngũ.

Tiến sĩ Carl Thayer, Giáo sư danh dự trường Đại học New South Wales, Úc, nói:

“Chính phủ Hoa Kỳ sẽ phải làm rất nhiều việc cùng lúc nếu muốn duy trì sự hợp tác của Bắc Kinh về chương trình hạt nhân Bắc Hàn.”

Giáo sư Thayer nói:

"Tại một thời điểm nào đó, hy vọng là trong năm nay, một chiến lược an ninh quốc gia sẽ xuất hiện trở lại, để từ đó một chiến lược an ninh hàng hải được đưa ra, rồi sau đó những chi tiết sẽ được điền thêm. Có lẽ những lời bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis và Ngoại Trưởng Tillerson là một chỉ dấu của những yếu tố có thể nằm trong một chiến lược an ninh quốc gia."

Ông nói thêm: "Điều cần được đánh giá, là mức độ Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ như thế nào.

Là đồng minh chính của Bắc Hàn, Trung Quốc qua trung gian truyền thông của Đảng Cộng sản, cho biết sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt có thể dẫn tới việc cắt giảm lượng xăng dầu xuất khẩu sang Bắc Hàn. Nước này tùy thuộc vào Trung Quốc để cung ứng 90% lượng dầu nhập khẩu. Bắc Kinh cũng chỉ ra rằng họ sẽ hạn chế nhập khẩu than từ Bắc Hàn.

Trung Quốc chống đối việc Hoa Kỳ điều tàu khu trục tới quần đảo Trường Sa bằng cách đòi Mỹ giải thích động thái mà họ miêu tả là "xâm nhập" lãnh hải của Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, phản ứng của Trung Quốc về vị thế của chính quyền Tổng thống Trump đối với Biển Đông có vẻ hòa dịu hơn so với thời Tổng thống Obama.

Ông Huang Kwei-bo, giáo sư môn ngoại giao tại Đại học Quốc gia Chengchi của Đài Loan, nói ông Trump biết rằng ông có thể gây áp lực khi cần thiết để có được những nhượng bộ từ Trung Quốc.

Ông Huang nói:

“Biển Đông chắc chắn là một trong những lá bài để ông Trump mang ra thương lượng”. "Vấn đề này sẽ gắn liền với các quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.” - VOA
|
|

4.
Myanmar: Tìm thấy 10 thi thể và mảnh vỡ máy bay quân sự gặp nạn

Quân đội Myanmar hôm thứ Năm 8/6 cho biết những người tìm kiếm đã tìm thấy 10 thi thể và mảnh vỡ máy bay được cho là của chiếc máy bay quân sự chở 122 hành khách bị mất tích hôm thứ Tư.

Một thông báo cho biết trong số các thi thể tìm thấy, có sáu người lớn và bốn trẻ em. Nhiều mảnh hành lý, áo phao cứu sinh và một bánh xe máy bay được tìm thấy trong vùng biển cách thành phố Launglon 35 km, ở miền nam Myanmar.

9 tàu hải quân và một nhóm máy bay, kể cả máy bay trực thăng, đã được điều động hôm thứ Năm để tìm chiếc máy bay Y-8-200F do Trung Quốc chế tạo, mà Myanmar đã mua vào tháng 3 năm ngoái. Quân đội cho biết chiếc máy bay có tổng cộng 809 giờ bay.

Máy bay Y-8-200F, mà hành khách về phần lớn là gia đình các quân nhân, khởi hành từ thành phố Myeik, còn gọi là Mergui, trên bờ biển Andaman ở đông nam Myanmar, trực chỉ thủ đô Yangon.

"Chúng tôi tìm thấy các mảnh vỡ xung quanh vịnh Horseshoe", Vụ Biên giới phụ trách khu vực Tanintharyi và Đại tá Kyaw Zeya, Bộ trưởng Bộ An ninh, nói với Đài VOA rằng nhóm của họ đã tới địa điểm phát hiện mảnh vỡ ngay sau khi người dân địa phương báo tin.

Ông Zeya cho biết:

“Nhóm cứu hộ của chúng tôi gồm cảnh sát, một đội cứu hỏa và những người Samaritan bản địa.

Các nhóm sơ cứu và nhân viên cấp cứu y tế cũng đã thiết lập một bệnh viện tạm thời ở bãi biển gần nhất để chăm sóc những người sống sót.” - VOA
|
|

5.
Al-Shabab tấn công căn cứ quân sự Somalia, 50 người chết

Ít nhất 50 người, trong đó có 3 sĩ quan cao cấp, bị giết hôm thứ Năm 8/6, khi phiến quân al-Shabab tấn công một căn cứ quân sự ở vùng bán tự trị Puntland, quân đội và nhân chứng xác nhận với VOA.

Các nguồn tin này nói trong số những người thiệt mạng, có ít nhất 45 binh sĩ Puntland và 5 phiến quân al-Shabab.

Tuy nhiên, ông Abdi Hirsi Ali, Bộ trưởng An ninh Puntland, bác bỏ tin về tổn thất nhân mạng lớn về phía quân đội. Ông nói với các phóng viên rằng hầu hết số thương vong là thường dân.

Theo các nhân chứng ở làng Af-Urur thuộc vùng Bari, cuộc tấn công bắt đầu với một loạt tiếng súng kéo dài hơn hai giờ.

Các tay súng Al-Shabab tuyên bố đã chiếm được căn cứ, giết chết hơn 61 binh sĩ Puntland.

Các giới chức an ninh ở Somalia tin rằng khu vực xảy ra vụ tấn công được coi là một địa điểm chiến lược để phiến quân al-Shabab nơi các phần tử chủ chiến ở miền nam Somali kết nối với các phần tử chủ chiến al-Qaeda ở Yemen. - VOA
|
|

6.
Biển Đông: san hô bị TQ phá hủy khi xây đảo

Hệ sinh thái biển ở một khu vực tại Biển Đông đang bị Trung Quốc tàn phá trầm trọng để xây dựng các đảo nhân tạo nhằm lập căn cứ quân sự, ông Greg Rushford, chủ biên Rushford Report nói với BBC hôm 5/6.

Ông Rushford nói, tình trạng hệ sinh thái biển bị tàn phá này "không phải là một cáo buộc" mà là một trong những thảm hoạ môi trường được báo cáo, ghi nhận chi tiết. 

Ông Rushford, người đã có hàng chục năm nghiên cứu, theo dõi tình hình mậu dịch quốc tế và chính trị trong khu vực châu Á cho biết, Trung Quốc nạo vét lòng biển, tàn phá 3000 acre, tức 12,14 km2 rặng san hô để xây dựng các phi đạo cho phi cơ ném bom, loại "có thể bay đến Hà Nội hoặc Manila".

Tuy nhiên, các tổ chức hoạt động môi trường có vẻ lại 'im lặng' trước tình trạng này, theo như bài báo mới nhất của ông Rushford trên tờ Wall Street Journal. 

Tình trạng nạo vét lòng biển phá rặng san hô đã diễn ra trong nhiều năm qua. 

Cuối năm 2015, phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes đã đi từ phía Philippines đến thăm một số đảo tại Biển Đông và phát hiện các ngư dân Trung Quốc cố tình tàn phá các dải san hô và săn bắt trai biển khổng lồ.

Hồi tháng 7/2016, Tòa Trọng tài Quốc tế nói trong phán quyết về đơn của Philippines cũng nói "Trung Quốc hủy hoại nghiêm trọng môi trường tại rặng san hô" khi xây cất các đảo nhân tạo.

Nhưng nhà báo Rushford trong bài trên Wall Street Journal (29/05/2017) lần đầu tiên trích lời các chuyên gia Philippines và Hoa Kỳ nêu ra con số cụ thể về diện tích san hô bị phá hủy. - BBC
|
|

7.
Iran 'ghê tởm' vì bình luận của Donald Trump

Ngoại trưởng Iran dùng từ "ghê tởm" để chỉ bình luận của Nhà Trắng sau khi xảy ra vụ tấn công tại Tehran hôm thứ Tư.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông nguyện cầu cho các nạn nhân nhưng thêm rằng "các nhà nước tài trợ khủng bố có nguy cơ là nạn nhân của kẻ xấu mà chúng cổ vũ".

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif bác bỏ tuyên bố này và nói thủ phạm từ Nhà nước Hồi giáo được "ủng hộ của các khách hàng của Mỹ".

13 người thiệt mạng trong các vụ tấn công vào nhà quốc hội và lăng mộ người sáng lập Cộng hòa Hồi giáo Ayatollah Khomeini.

Đây là biến cố chấn động tại Iran.

Iran nói các thủ phạm, đã bị giết, là người Iran gia nhập IS.

Biến cố mới nhất làm tăng lo ngại về căng thẳng khu vực giữa hai đối thủ, Iran và Ả Rập Saudi.

Ả Rập Saudi, đồng minh của Mỹ, và Iran ủng hộ các phe khác nhau trong các xung đột khu vực.

Ả Rập Saudi cho tiền và vũ khí cho các nhóm Hồi giáo muốn lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, vốn là đồng minh của Iran. 

Trong hai thập niên qua, các cá nhân và tổ chức từ thiện đặt tại Saudi cũng bị tố cáo tài trợ các nhóm cực đoan người Sunni trong vùng.

Tháng trước Tổng thống Trump thăm Ả Rập Saudi, có diễn văn lên án Iran.

Phân tích của BBC Monitoring

Năm nay IS đã công bố nhiều bài tuyên truyền nhằm kích động tấn công bên trong Iran.

Một video của IS hồi tháng Ba chiếu cảnh dân quân được giới thiệu là tay súng Iran chiến đấu cho IS ở Iraq.

Nói tiếng Farsi, họ lên án chính phủ Iran và giới lãnh đạo tôn giáo kể cả lãnh tụ tinh thần Ayatollah Ali Khamenei.

Khi tấn công thành công, IS có thể tự nhận đã thành công lớn trước kẻ thù truyền thống trong khi các nhóm Sunni khác như đối thủ al-Qaeda đều đã thất bại.

Jenny Norton, BBC

Đây là bạo lực khủng bố tồi tệ nhất tại Tehran kể từ những năm đầu bất an sau Cách mạng Hồi giáo 1979.

Mặc dù Iran tham gia tích cực đánh IS cả ở Iraq và Syria, nhóm Sunni này cho tới nay không có cuộc tấn công nào trong Iran, và có vẻ ít được ủng hộ ở đất nước có đa số dân Shia.

Nhưng những tháng gần đây, IS đã gia tăng tuyên truyền bằng tiếng Farsi, nhắm vào thiểu số người Sunni ở Iran. - BBC
|
|

8.
Bắc Triều Tiên tiếp tục bắn thử tên lửa

Dường như là một sự thách thức với cộng đồng quốc tế, hôm nay, 08/06/2017, Bắc Triều Tiên lại bắn thử một loạt tên lửa hành trình, loại địa đối hải tầm ngắn. Các tên lửa này rớt xuống vùng biển Nhật Bản.

Từ Seoul, thông tín viên Frederic Ojardias cho biết thêm thông tin :

« Bộ tham mưu quân đội Hàn Quốc cho biết, các tên lửa hành trình của Bắc Triều Tiên được bắn đi từ cảng Wonsan, đối diện với Nhật Bản và bay được khoảng 200 cây số, đạt độ cao 2 km. Tuy nhiên, Seoul không cho biết số lượng tên lửa bắn thử.

Các hỏa tiễn này được dùng để tấn công tàu chiến. Như vậy, rõ ràng là qua vụ bắn thử này, Bắc Triều Tiên muốn đưa ra một thông điệp cho Hoa Kỳ trong lúc hai hàng không mẫu hạm Mỹ vừa mới rời khỏi vùng này.

Tại Seoul, một số nhà phân tích cho rằng Bắc Triều Tiên đang tìm cách chuẩn bị cho khả năng đối thoại mà Hàn Quốc đã công khai bày tỏ mong muốn, thậm chí tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã từng nêu ra. Cụ thể là Bình Nhưỡng cố gắng phát triển chương trình tên lửa đạn đạo càng nhanh càng tốt, để tạo thế mạnh nếu có mở ra các cuộc đàm phán. 

Từ một tháng qua, tính trung bình, mỗi tuần, Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử tên lửa. Việc Bắc Triều Tiên gia tăng cường độ bắn thử tên lửa không hề gây hoảng sợ tại Hàn Quốc. Thậm chí, tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jea In vừa mới thông báo là kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD, vốn gây nhiều tranh cãi, sẽ bị chậm lại nhiều tháng". - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

9.
Một số bang, thành phố Mỹ sẽ thi hành Hiệp định Khí Hậu Paris, bất chấp TT Trump

Nhiều tiểu bang, thành phố và doanh nghiệp Mỹ tuyên bố sẽ giữ cam kết của Hoa Kỳ đối với Hiệp định Khí hậu Paris, bất chấp Tổng thống Donald Trump đã rút ra khỏi hiệp định này. Họ cho biết là vẫn muốn thực hiện cam kết mà chính phủ Tổng thống Obama đã đưa ra, là giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 26% tới 28% dưới mức năm 2005, và thực hiện chỉ tiêu này trước năm 2025.

Hình ảnh về thành phố Los Angeles với hàng vạn chiếc xe nối đuôi nhau, làm tắc nghẽn các xa lộ, gây ra nạn khói mù, đã hối thúc chính quyền bang California áp dụng các luật môi trường gắt gao nhất tại Hoa Kỳ.

Giáo sư Horowitz thuộc Đại học California ở Los Angeles nói lĩnh vực công nghệ sạch đang bùng nổ tại California.

Giáo sư Horowitz nói tiểu bang này muốn chứng minh rằng một chính sách môi trường gắt gao có thể thúc đẩy kinh tế. Ông nói:

"Trên thực tế, nền kinh tế California phát triển vượt trội so với nhiều tiểu bang khác ở Hoa Kỳ trong khi California áp dụng những chính sách đầy tham vọng về khí hậu".

California nằm trong số các tiểu bang, thành phố, trường đại học và doanh nghiệp Mỹ cam kết tiếp tục ủng hộ hiệp định khí hậu Paris sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ không thực thi hiệp định này.

Cựu Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg:

"Chính phủ Mỹ có thể rút ra khỏi Hiệp định Paris, nhưng người Mỹ chúng tôi vẫn duy trì cam kết đối với thỏa thuận đó, và chúng tôi sẽ đạt chỉ tiêu của mình."

Chỉ vài ngày sau thông báo của Tổng thống Trump, Thống đốc bang California Jerry Brown và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký một thỏa thuận hợp tác để giảm lượng khi thải. (Nguồn:CGTN)

Thống đốc Brown nói:

"Việc Thống đốc bang California có thể gặp Chủ tịch nước Trung Quốc để bàn về những vấn đề rất cụ thể, về thách thức hàng đầu của thời đại chúng ta, là biến đổi khí hậu, và cam kết thực hiện những bước cần thiết để đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi năng lượng, là điều rất có ý nghĩa".

Giáo sư Cara Horowitz thuộc Trường Đại học California ở Los Angeles:

"Chính quyền cấp tiểu bang có trong tay nhiều quyền lực lớn trong phạm vi tài phán của mình để sử dụng các công cụ và quyết định về các nguồn phát khí thải nhà kính, và nếu họ sẵn sàng sử dụng quyền lực ấy một cách có quyết tâm để thực hiện mục tiêu đầy cao vọng của mình, thì trên thực tế, họ không cần tới chính phủ liên bang để thực hiện mục tiêu đó. "

Tuy nhiên các luật môi trường gắt gao hơn áp dụng cho tiểu bang và địa phương, có cái giá của nó về mặt kinh tế.

Giáo sư Shon Hiatt thuộc trường đại học Nam California: 

"California đứng thứ hai sau Hawaii, về giá điện cao nhất nước, và tất nhiên, giá xăng cao thứ nhì, sau Hawaii."

Giáo sư Hiatt nói rằng một rào cản khác là nhu cầu phát triển một đội ngũ lao động để phục vụ lĩnh vực năng lượng sạch:

"Chúng ta cần đào tạo lại đội ngũ lao động, và thứ nhì, có nhiều khả năng họ sẽ phải di chuyển đi nơi khác."

Giáo sư Hiatt nói thách thức đối với những tiểu bang hay công ty ủng hộ Hiệp định Paris là thuyết phục nhiều bang khác, và cử tri của các bang ấy về những lợi ích kinh tế cho các thế hệ tương lai, và đồng ý đầu tư tiền bạc vào việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngay bây giờ. - VOA
|
|

10.
Giá nhà ở Mỹ có chiều hướng giảm

Hiện nay, những căn nhà quá đắt đối với nhu cầu trong vùng đều không bán được. Điều đó đang trở thành phổ biến tại nhiều khu dân cư, và đây có thể là lý do cho thấy những căn nhà có giá đắt đang bắt đầu giảm lại.

Theo một phúc trình mới của CoreLogic, trị giá nhà đã tăng một tỉ lệ lành mạnh là 6.9% trong Tháng Tư, so với Tháng Tư, 2016, nhưng tỉ lệ đó sụt giảm so với mức tăng hằng năm 7.1% trong Tháng Ba và 7% trong Tháng Hai.

CoreLogic cũng đang hạ thấp những tiên đoán của họ về mức tăng giá hằng năm, còn 5.1% trong Tháng Tư, 2018.

Theo ông Frank Nothaft, kinh tế gia trưởng của CoreLogic, điều đó đang bắt đầu xuất hiện trong một số thị trường. Người ta không thể để cho giá nhà tăng ở mức 7% một năm trong khi lợi tức chỉ tăng từ 2% đến 3% một năm.

Bằng chứng rõ rệt nhất trong những thị trường nóng nhất, như San Francisco, nơi những vụ mua bán nhà trong Tháng Tư ở nhịp độ chậm nhất trong sáu năm nay. Giá ở giữa (median price) đạt tới một kỷ lục mới khác, nhưng mức tăng hằng năm đang teo lại. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh theo mức lạm phát, giá nhà tại San Francisco vẫn thấp hơn 7% so với mức cao nhất của nó trong Tháng Sáu, 2006.

Loại nhà đắt tiền của thị trường đang chứng kiến những vụ tăng giá giảm bớt nhiều nhất, bởi vì số cung về loại nhà này cao hơn. Cả Manhattan ở New York lẫn Miami ở Florida đều có những số cung khổng lồ về những condo mới được xây dựng, và những vụ mua bán chậm hơn đang ảnh hưởng tới giá cả. Ngay cả trong những vùng ngoại ô sang trọng hơn, những căn nhà giá từ một triệu trở lên đang nằm trên thị trường lâu hơn và được giảm giá nhiều hơn.

Trên toàn quốc, giá nhà đang phản ứng với sự thiếu hụt nhà bán trầm trọng, nhất là đối với loại nhà có giá thấp nhất của thị trường. Nhu cầu đang mạnh, nhưng có một giới hạn đang dần dần đạt tới trong một số thị trường và ngay cả trong một số khu dân cư.

Tại tiểu bang Washington, nơi số nhà bán ở mức thấp nhất được ghi nhận từ trước tới nay, giá nhà tăng hằng năm 12%. Tại Connecticut, nơi việc tuyển dụng đang yếu đi và các công ty lớn đã chuyển sang các tiểu bang khác, số cung nhà bán ở mức cao và giá nhà trên căn bản không thay đổi.

Đó là những trường hợp cực đoan. Trở lại trường hợp bình thường, vấn đề nổi bật vẫn là số cung thiếu hụt và nhu cầu cao. Nếu lãi suất thế chấp cuối cùng tăng lên, như vài người đã tiên đoán, khả năng mua nhà sẽ yếu thêm. Nhu cầu sẽ giảm bớt.

Giá thuê nhà cũng tăng nhưng không bắt kịp nhịp độ tăng của giá nhà, khiến những người Mỹ trẻ tuổi không có động cơ thúc đẩy để trở thành các chủ nhà. Nếu giới trẻ Mỹ không đủ sức để mua, khi đó những chủ nhà hiện hữu sẽ không thể bán được nhà để mua nhà tốt hơn. Những chủ nhà hiện hữu cũng không có động cơ thúc đẩy để bán nhà nếu lãi suất thế chấp tăng sau thời gian thấp kỷ lục trong vài năm qua.

Khả năng mua nhà yếu đi sẽ dần dần làm cho giá nhà nguội bớt, nhưng dù sự tăng giá chậm lại còn 5% một năm, nó vẫn cao hơn các tiêu chuẩn trong lịch sử và vẫn cao hơn mức tăng lợi tức. Giới xây dựng nhà hiện giờ không cung cấp thêm nhiều nhà mới, nhất là loại nhà hợp với túi tiền của đa số, vì vậy điều đó có thể sẽ không giúp ích trong ngắn hạn. Có thể phải mất vài năm trước khi giới xây dựng nhà trở lại mức sản xuất bình thường trong lịch sử. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

11.
Giữa ‘bão’ ngoại giao, Việt Nam ngưng đưa người sang Qatar

Chính quyền trong nước mới yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tạm ngưng đưa công nhân Việt sang Qatar, đồng thời tuyên bố sẽ “ưu tiên đảm bảo tính mạng của người Việt”, sau khi quốc gia nhỏ bé nhưng nhiều dầu mỏ bị các cường quốc trong khu vực cô lập, gây ra nhiều xáo trộn.

Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đi tới quyết định như vậy hôm 8/6, ba ngày sau khi Ảrập Xêút, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất và Bahrain đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc quốc gia phụ thuộc nhiều vào các lao động nước ngoài này hậu thuẫn các chiến binh Hồi giáo cực đoan và Iran.

Ông Nguyễn Ngọc Đỏ, trưởng ban liên lạc cộng đồng người Việt ở Qatar, nói với VOA Việt Ngữ rằng Việt Nam làm vậy “để tránh những điều không hay xảy ra”.

Ông nói thêm: “Bây giờ tình hình nó lộn xộn về mặt ngoại giao. Nó hơi phức tạp. Hai nữa là, vấn đề về hàng không chưa thuận tiện lắm. Đường bay đến và đi từ Qatar nó khó khăn. Cho nên, một số nước tạm ngưng việc đưa lao động sang Qatar. Philippines họ cũng tạm ngưng. Việt Nam, để tránh những tình huống không hay xảy ra, họ cũng tạm ngưng”. 

Ông Đỏ cho biết thêm rằng hiện có khoảng gần hai nghìn người Việt đang làm việc ở Qatar, chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng và giúp việc.

Trang web của Bộ trên dẫn lời bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin, Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết, “lao động Việt Nam tại Qatar chưa bị ảnh hưởng vì chủ sử dụng lao động Việt Nam chủ yếu là các nhà thầu châu Âu đến từ Hà Lan, Hy Lạp...”

Quan chức này được trích lời nói “đang theo dõi sát sao tình hình và sẽ chỉ đạo xử lý kịp thời khi có vấn đề phát sinh”.

Từ Qatar, trưởng ban liên lạc cộng đồng người Việt cũng cho hay rằng vụ khủng hoảng ngoại giao giữa các nước Vùng Vịnh “mới xảy ra vài ngày nên chưa thấy ảnh hưởng gì mấy”.

Ông nói tiếp: “Mọi người vẫn đi làm bình thường. Siêu thị, mọi thứ vẫn bình thường. Nói chung không vấn đề gì cả. Chỉ có một số công ty xây dựng thì vật tư hơi khó mua. Hầu hết vật tư xây dựng bên đây mua từ Dubai [Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất] về, mà đường biên giới họ đang tạm đóng. Hơi khó khăn về mặt vật tư thôi, còn mọi chuyện vẫn bình thường”.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, các công nhân xuất khẩu của Việt Nam hiện chủ yếu đang làm việc “cho các nhà thầu có nguồn gốc Châu Âu” tại các công trường xây dựng phục vụ World Cup 2022 tại Qatar.

Thông tin trên trang web của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dẫn lời Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết đã yêu cầu tuỳ viên về lao động của Bộ này tại Các tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất và Ảrập Xêút [hai nước tẩy chay Qatar] tăng cường theo dõi thông tin và khi cần sang tận nơi để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, đảm bảo tính mạng công dân Việt Nam là ưu tiên số một”.

Nhiều năm trước, Qatar là một trong các thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam ở Trung Đông, nhưng nước này nay đang mất dần sức hút, theo ông Đỏ.

Ông nói: “Lương của họ trả cũng bình thường thôi, không phải là cao. Cái điều kiện làm việc nó khắc nghiệt lắm. Bây giờ nếu nói là đi Qatar thì hầu hết người Việt Nam sẽ không đi đâu. Người ta sợ lắm. Chứ không phải thị trường gọi là đẹp đâu. Những năm trước, khoảng 2008, 2009, Việt Nam mình có chừng 10 nghìn, giờ có ngàn mấy thôi”. 

Trước những diễn biến dồn dập mấy ngày qua, Việt Nam đã yêu cầu các doanh nghiệp đưa người sang Qatar “theo dõi sát tình hình và động viên tinh thần người lao động” cũng như thiết lập đường dây nóng, kêu gọi họ “giữ liên lạc thường xuyên với Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar, tuyệt đối tuân thủ pháp luật nước sở tại và nội quy của công ty sử dụng lao động”. - VOA
|
|

12.
Thương mại song phương Việt-Ấn dự kiến đạt 7,4 tỉ USD

Thương mại song phương Việt Nam - Ấn độ tăng đáng kể trong 4 tháng đầu năm 2017, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2,47 tỉ USD, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu thống kê do Tổng cục hải quan, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ công bố hôm thứ năm, 8 tháng 6.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Ấn Độ, đạt 171,97 triệu USD, sau đó là điện thoại và linh kiện đạt 158,43 triệu USD.

Cũng theo Tổng cục hải quan, nhập khẩu từ Ấn Độ sang Việt Nam trong vòng 4 tháng đầu năm năm 2017 đạt 1,42 tỉ USD, tăng 64,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhập khẩu thép tăng mạnh bất thường so với các năm trước. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2017, số lượng thép nhập khẩu là 733.985 tấn, tăng 2631,4% trị giá so với cùng kỳ năm 2016. - RFA
|
|

13.
Báo chí không được dự buổi đánh giá tàu cá vỏ thép

UBND tỉnh Bình Định vừa họp với đoàn công tác Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn về vấn đề tàu cá vỏ thép nhưng không cho báo chí tham dự.

Báo trong nước ngày 8/6 cho biết theo kế hoạch đây sẽ là cuộc họp liên quan chất lượng một số tàu cá vỏ thép được đóng mới và đưa vào sử dụng. Cuộc họp được thông báo trước có sự tham gia của cơ quan liên quan, địa phương và các cơ quan báo chí.

Tuy nhiên khi cuộc họp bắt đầu, các phóng viên bất kể có giấy mời hay không đều bị từ chối, không cho tham dự. UBND tỉnh Bình Định cho biết đây là ý kiến của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp.

Xin nhắc lại, gần đây báo chí đưa tin hàng loạt các tàu cá vỏ thép trị giá hàng 20 tỷ đồng ở Bình Định vừa hạ thủy đã hư hỏng, khiến nhiều chủ tàu lâm vào cảnh khốn khổ vì thua lỗ, nợ nần ngân hàng. - RFA


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét