Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




TIN CẬP NHẬT - THỨ NĂM 1/6/2017

1-6-2017


Hình ảnh chặn đường ở giáo họ Văn Thai vào tối 31/5 (BBC)
Tin Thế Giới

1.
Tổng thống Trump sẽ ra quyết định về Thỏa thuận Khí hậu Paris --- Thỏa thuận Paris: Trung Quốc và EU khước từ Trump

Tổng thống Donald Trump nói rằng vào chiều ngày 1/6 ông sẽ ra quyết định về việc có nên rút Hoa Kỳ ra khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015 hay không.

Vào tối ngày 31/5, ông Trump cho biết trên Twitter rằng ông sẽ đưa ra tuyên bố về vấn đề này tại Vườn Hồng vào lúc 3 giờ chiều ngày 1/6. Cuối đoạn Twitter ông viết khẩu hiệu quen thuộc: "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại."

Trước đó, khi chụp ảnh với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, ông Trump cho biết ông đã lắng nghe ý kiến của "rất nhiều người từ các phía" khi ông cân nhắc lựa chọn của mình.

Người phát ngôn Tòa Bạch Ốc Sean Spicer cho biết những người được hỏi ý kiến bao gồm các nhà lãnh đạo kinh doanh của Mỹ và các nhà lãnh đạo nước ngoài.

Nhiều cơ quan thông tấn hôm 31/5 đưa tin rằng Tổng thống đã quyết định rút khỏi thỏa thuận khí hậu toàn cầu, một thỏa thuận được 195 quốc gia ký kết. quyết định này sẽ đảo ngược chính sách của thời Obama. Việt rút khỏi thỏa thuận này làm hài lòng cương lĩnh của đảng Cộng hòa, nhưng làm tức giận các nhà môi trường và các đồng minh của Mỹ.

Tin tức về việc đang chờ tổng thống ra tuyên bố quyết định gây phẫn nộ trong cộng đồng môi trường, và các thị trưởng của các thành phố lớn nhất của Hoa Kỳ, họ cam kết trung thành với thỏa thuận khí hậu này, bất luận ông Trump ra quyết định như thế nào.

"Nếu Tòa Bạch Ốc rút khỏi Thoả thuận Khí hậu Paris, chúng tôi sẽ chấp nhận thỏa thuận này ở Los Angeles", ông Eric Garcetti, Thị trưởng thành phố Los Angeles cho biết trên Twitter.

Ông Bill de Blasio, Thị trưởng thành phố New York cũng viết trên Twitter rằng: "Chúng tôi sẽ giải quyết những vấn đề này khả năng của chúng tôi và tôi dự định sẽ ký sắc lệnh duy trì cam kết của thành phố New York đối với Thỏa thuận Paris."

Các nhà hoạt động về biến đổi khí hậu đã tức giận, cho rằng quyết định của ông Trump đi ngược lại lợi ích của họ.

Quyết định còn đang chờ tuyên bố cũng gây ra những phản ứng lo lắng từ các nước châu Âu và các đồng minh khác của Hoa Kỳ.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói với hãng tin Sky News: "Tôi tiếp tục vận động Hoa Kỳ ở mọi mức độ để tiếp tục theo đuổi vấn đề biến đổi khí hậu một cách nghiêm túc và để thể hiện vai trò lãnh đạo mà Mỹ đã thể hiện từ trước tới nay."

Liên Hợp Quốc đưa ra thông điệp trên Twitter: "Biến đổi khí hậu là điều không thể phủ nhận. Hành động về khí hậu là không thể ngăn cản được. Các giải pháp về khí hậu mang lại những cơ hội không gì có thể sánh được.”

Ông Gerard Araud, Đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ viết trên Twitter: "Các tập đoàn lớn của Mỹ ủng hộ Thỏa thuận Paris."

Ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu nói rằng Tổng thống Donald Trump không hiểu rõ những điều khoản của Thỏa thuận Paris. Ông Juncker nói các nhà lãnh đạo châu Âu đã cố gắng giải thích quá trình rút khỏi thỏa thuận toàn cầu với ông Trump "bằng những câu đơn giản, rõ ràng" trong các cuộc họp vào tuần trước.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói với các phóng viên hôm thứ Năm rằng Trung Quốc sẽ làm việc với EU để duy trì Thỏa thuận Paris, và nói rằng thay đổi khí hậu là một "thách thức toàn cầu". - VOA

***
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và EU nhất trí thông qua tuyên bố chung về thỏa thuận khí hậu Paris và nói rằng đây là "yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết".

Bản dự thảo của tuyên bố mà BBC được xem, nhấn mạnh "cam kết chính trị cao nhất" để thực hiện thỏa thuận.

Động thái này được xem là sự khước từ Hoa Kỳ khi Tổng thống Trump dự định thông báo hôm 1/6 về khả năng Hoa Kỳ rút khỏi thoản thuận.

Thông báo chung sẽ được công bố hôm 2/6 sau hội nghị thượng đỉnh tại Brussels.

Hơn một năm qua, giới chức Trung Quốc và EU đã làm việc cùng nhau để đưa ra một tuyên bố chung về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch.

Văn bản này nhấn mạnh các mối nguy hiểm vì hiện tượng nóng lên toàn cầu, "như một vấn đề an ninh quốc gia," trong khi chỉ ra rằng việc chuyển sang năng lượng sạch tạo việc làm và phát triển kinh tế.

"EU và Trung Quốc xem thỏa thuận Paris là thành tựu lịch sử nhằm thúc đẩy việc phát thải khí nhà kính thấp", bản dự thảo cho biết.

EU và Trung Quốc nhấn mạnh cam kết chính trị cao nhất của họ về việc thực thi hiệu quả Thỏa thuận Paris. "

Điều đáng kể là cả EU và Trung Quốc đều đồng ý rằng họ sẽ phác thảo chiến lược cắt giảm lượng khí thải carbon trước năm 2020. - BBC
|
|

2.
Mâu thuẫn trong quan hệ thương mại Trung Quốc-Châu Âu

Quan hệ kinh doanh giữa Trung Quốc và châu Âu nẩy sinh một số mâu thuẫn khi Bắc Kinh tìm cách bảo vệ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của họ và các nhà lãnh đạo Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư nước ngoài hứa hẹn mở rộng tự do mậu dịch.

Trong chuyến thăm Berlin ngày 31/5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi nỗ lực chung nhằm thúc đẩy tự do hoá thương mại và tạo thuận lợi cho đầu tư. Cùng ngày, một cơ quan đại diện cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc bày tỏ quan ngại về phân biệt đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài và đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm về tăng trưởng đầu tư của các công ty châu Âu.

Chuyến công du của ông Lý, bao gồm chuyến thăm trụ sở Liên minh châu Âu tại Brussels, diễn ra khi nhu cầu chính trị đang tăng để đảm bảo sự tương hỗ trong giao thương với Trung Quốc. Một số quốc gia châu Âu yêu cầu EU đưa ra luật lệ cho phép họ kiểm soát chặt chẽ các khoản đầu tư của Trung Quốc và loại bỏ các khoản đầu tư không rõ ràng.

Ông Mats Harborn, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu, nói: "Cuộc thảo luận này tự nó cho thấy có rất nhiều điều thất vọng ở châu Âu vì thiếu sự tương hỗ. Chúng ta cởi mở cho các khoản đầu tư của Trung Quốc trong khi chúng ta sang Trung Quốc đầu tư lại là một con đường chông gai, vì vậy điều này đang gây ra những tranh cãi chính trị ở châu Âu.”

Với các điều kiện chính trị như vậy, chương trình nghị sự của ông Lý có vẻ như rất tham vọng trừ khi Trung Quốc chịu nhượng bộ lớn. Ông Lý đang cố gắng thuyết phục các nhà lãnh đạo Châu Âu công nhận qui chế "kinh tế thị trường" cho Trung Quốc, và nới lỏng các trừng phạt về việc bán phá giá hàng hoá Trung Quốc. Ông cũng muốn EU cấp giấy chứng nhận hội đủ tiêu chuẩn cho máy bay C919, một loại máy bay chở khách lớn của Trung Quốc.

Các công ty châu Âu cho biết trong năm qua họ làm ăn khá tốt ở Trung Quốc. Ông Harborn cho biết điều này một phần nhờ vào gói kích thích của chính phủ vào năm 2016 và cũng có những câu hỏi đặt ra cho giả định tăng trưởng cao sẽ tiếp tục trong những tháng tới.

Ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế của Viện Capital Economics, cho biết nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi vào năm 2016 do có nhiều khoản tín dụng được các tổ chức tài chính bơm vào thị trường. Nhưng điều này không thể tiếp tục khi chính phủ đang hạn chế các khoản cho vay rủi ro cao.

Một cuộc khảo sát độ tín nhiệm kinh doanh do Phòng Thương mại châu Âu tiến hành cho thấy hơn 60% các công ty thành viên đánh giá nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc là mối lo ngại hàng đầu. Đây là một thay đổi đáng kể từ những năm qua khi trọng tâm của các khiếu kiện là do việc phân biệt đối xử đối xử với các công ty nước ngoài và kiểm soát doanh nghiệp bằng các qui định hành chính.

Tuy nhiên, một số thành viên của Phòng Thương mại vẫn tiếp tục lo lắng về sự phân biệt đối xử, nói rằng các cơ quan thực thi về môi trường vẫn còn gây nhiều khó khăn hơn với các công ty nước ngoài so với các công ty trong nước.

Một mối lo lắng mới cho các công ty nước ngoài là khả năng cạnh tranh ngày càng tăng của các công ty Trung Quốc, điều này sẽ tăng lên theo thời gian khi Bắc Kinh thực hiện kế hoạch 2025 của Trung Quốc để thúc đẩy ngành công nghiệp địa phương sử dụng công nghệ thế hệ mới.

Ông Denis Depoux, đồng giám đốc khu vực Châu Á công ty Roland Berger nói: "Các công ty châu Âu ở Trung Quốc thừa nhận rằng các công ty Trung Quốc đang ngày càng sáng tạo. Không hẳn đây là một thách thức, mà điều này nên được xem là một cơ hội." - VOA

|
|

3.
Nga tấn công IS bằng tên lửa hành trình

Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng nước này đã phóng bốn tên lửa hành trình từ Địa Trung Hải nhắm vào các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo tại Syria.

Bộ Quốc phòng Nga cho hay tên lửa được phóng lên từ một tàu khu trục nhỏ và một tàu ngầm. Tên lửa rơi xuống gần thành phố Palmyra, rớt trúng các vũ khí hạng nặng và chiến binh Nhà nước Hồi giáo. Các phần tử chủ chiến IS đã sơ tán tới nơi này từ cứ địa Raqqa, được IS coi như thủ đô trên thực tế của họ.

Nga cho biết họ đã thông báo cho Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel trước khi tiến hành bắn tên lửa, nhưng không tiết lộ chính xác thời điểm xảy ra cuộc tấn công.

Trong năm qua, tại khu vực Palmyra đã xảy ra nhiều cuộc giao tranh. Các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo và chính phủ Syria liên tục thay phiên nhau giành quyền kiểm soát thành phố. Các lực lượng Syria đang kiểm soát thành phố, nhưng các vụ đụng độ vẫn tiếp diễn.

Các lực lượng Nga được đưa vào Syria từ cuối năm 2015 để hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad.

Nga bị Hoa Kỳ và các nước khác chỉ trích vì chiến dịch không kích của nước này không tập trung tấn công các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo. - VOA
|
|

4.
Luật bảo vệ dữ liệu của TQ được thắt chặt từ 1/6

Luật an ninh mạng mới được thắt chặt của Trung Quốc buộc mọi công ty kể cả các hãng quốc tế phải lưu trữ dữ liệu cá nhân trong các máy chủ Trung Quốc.

Tuy thế, luật này nhằm bảo vệ người dùng và không nhằm hạn chế hoạt động của các công ty nước ngoài, theo lời giới chức Trung Quốc. 

Luật này, có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, cấm việc thu thập và bán thông tin cá nhân của người dùng mạng.

Cũng theo luật này, các công ty phải lưu trữ dữ liệu trên các máy chủ đặt tại Trung Quốc, và người dân được quyền yêu cầu xóa thông tin về họ. 

BBC Tiếng Trung cho hay luật mới này là nỗ lực mới nhất của chính phủ Trung Quốc để đảm bảo họ theo dõi được ai nói gì trên mạng Internet, nhưng chưa rõ khả năng thực thi của luật này sẽ ra sao. 

Điều luật này có nghĩa đối với những ai muốn kinh doanh ở Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đều có quyền quyết định về những gì họ có thể làm và những gì họ có thể nói.

'Gây mất ổn định'

Trong một bức thư gửi cho Cục Không gian mạng Trung Quốc (CAC) mà hãng tin Reuters được xem, một nhóm đại diện cho các doanh nghiệp Châu Âu cảnh báo luật này có thể dẫn đến "nhiều bất ổn và rủi ro lớn trong thực thi".

Phòng thương mại Liên hiệp Châu Âu tại Trung Quốc nói với CAC điều luật này "đầy những khiếm khuyết" và kêu gọi trì hoãn ngày ban hành luật để "cho phép [dự luật] được bàn một cách đầy đủ."

Nhưng Cục Không gian mạng cho hay luật này vẫn sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6 như đã định. 

"Mục đích của luật này là bảo vệ chủ quyền mạng quốc gia và an ninh quốc gia [của Trung Quốc]... hơn là hạn chế các cơ quan nước ngoài," Cục này nói trong một thông cáo trên trang chủ. 

"Luật này không hạn chế các công ty nước ngoài hay các công nghệ và sản phẩm của họ vào thị trường Trung Quốc, và cũng không hạn chế dòng lưu thông tự do, có trật tự của dữ liệu theo đúng pháp luật."

'Phát triển có trật tự'

Trung Quốc ban hành luật này cùng thời điểm đưa ra các quy định quản lý nội dung tin tức mạng chặt chẽ hơn.

Các công ty phát hành, chia sẻ hay biên tập tin tức sẽ cần có giấy phép của chính phủ để hoạt động, và các nhân viên cấp cao phải được chính phủ phê duyệt. 

Các tổ chức không có giấy phép sẽ không được đưa tin hay bình luận về chính phủ, nền kinh tế, quân đội, ngoại giao và "các lĩnh vực công ích khác".

Khi các biện pháp này được công bố, CAC nói họ sẽ "tăng cường việc phát triển tin tức trên mạng một cách lành mạnh và có trật tự".

Còn trang New York Times cho rằng luật mới này khiến các công ty quốc tế, những tập đoàn đa quốc gia hiện có hoạt động tại Trung Quốc "phải đoán xem" thế nào là thông tin dữ liệu thuộc diện bị quản lý. - BBC
|
|

5.
Chuyên gia Mỹ: Trump không nên chỉ rập khuôn theo Obama về Biển Đông

Vào lúc thủ tướng Việt Nam công du Washington với thông điệp là yêu cầu Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện tại Biển Đông, một chuyên gia Mỹ về khu vực đã không ngần ngại cho rằng tân chính quyền Hoa Kỳ đang phạm phải một sai lầm nghiêm trọng khi phản ứng yếu ớt theo kiểu chính quyền Obama tiền nhiệm, mặc nhiên để yên cho Trung Quốc tự do tung hoành trên Biển Đông.

Trong bài phân tích công bố ngày 31/05/2017 trên trang mạng tập san Anh Quốc The Week, giáo sư Harry J. Kazianis, chuyên gia về quốc phòng tại trung tâm nghiên cứu Mỹ Center for The National Interest, đã nêu bật nguy cơ Biển Đông, tuyến hàng hải chiến lược quan trọng nhất vùng châu Á, trở thành điểm nóng của thế giới. Nguyên nhân là Trung Quốc phô trương uy lực nhằm biến nơi này thành « ao nhà », bất chấp luật lệ quốc tế và phản đối của nước khác.

Vấn đề là Hoa Kỳ, cường quốc duy nhất có khả năng ngăn chặn tham vọng quá đáng của Bắc Kinh lại không có đối sách thích hợp. Mỹ đã từng tìm cách phản ứng dưới thời tổng thống Obama, nhưng thiếu hiệu quả, trong khi tân chính quyền Donald Trump lại có dấu hiệu đặt nặng ưu tiên cho vấn đề Bắc Triều Tiên, mà lơ là Biển Đông. Và đó là một sai lầm lớn.

Theo giáo sư Kazianas, Hoa Kỳ không thể cho phép Trung Quốc thiết lập quyền thống trị trên tuyến đường thủy quan trọng này. Bắc Kinh đã bồi đắp bảy rạn san hô thành đảo nhân tạo để xây dựng bến cảng, sân bay và căn cứ quân sự. Trung Quốc sẽ sớm có khả năng bố trí thường trực một số lượng lớn tàu ngầm, máy bay ném bom và chiến đấu cơ trong khu vực.

Và tình hình đang trở nên tồi tệ hơn: Trung Quốc đang giành quyền kiểm soát phần dưới mặt nước ở Biển Đông bằng cách xây dựng một mạng lưới radar ngầm, có thể phát hiện các tàu ngầm tàng hình của Mỹ hoạt động trong khu vực. Trong khi Washington chỉ du ngoạn trên Biển Đông, Bắc Kinh đã đẩy mạnh cài đặt các thiết bị quân sự cực kỳ tiên tiến - bên trên và dưới nước. Các hòn đảo và thiết bị mới của Bắc Kinh là những cơ sở thường trực trong khi các chuyến du ngoạn hải quân của Mỹ chỉ là tạm thời.

Thế nhưng, khi bị vấn đề Biển Đông khuấy động trở lại, ê kíp của tổng thống Trump lại không biết làm gì khác ngoài việc sử dụng lại phương thức cố hữu của chính quyền Obama: cho chiến hạm Mỹ xâm nhập vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc để biểu lộ thái độ phản đối. Theo ông Kazianis, các chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải đã hoàn toàn vô hiệu vào thời Obama và cũng sẽ vô hiệu ở thời Trump.

Trong tình hình đó, chuyên gia Mỹ Kazianis cho rằng chính quyền Trump đang có cơ hội để xoay chuyển tình thế với chuyến thăm Mỹ của thủ tướng Việt Nam. Hà Nội luôn tìm kiếm hỗ trợ từ Washington để kháng lại Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Do đó, việc tổng thống Trump tuyên bố Biển Đông là một vấn đề quan trọng và yêu cầu Việt Nam cho phép tàu Hải Quân Mỹ ghé cảng một cách thường xuyên hơn sẽ chứng minh Mỹ không lùi bước trước áp lực của Trung Quốc.

Ngoài ra, còn rất nhiều điều mà chính quyền Mỹ có thể làm. Điều hiển nhiên nhất là chính quyền Trump cần phát triển một chiến lược toàn diện để đảm bảo Trung Quốc không thể biến Biển Đông thành ao nhà, điều mà chính quyền Obama đã thất bại.

Để làm thế, Washington có thể nói thẳng thắn với Bắc Kinh rằng Trung Quốc không thể chiếm Scarborough Shoal - một trong những vị trí chiến lược nhất trong khu vực. Thêm vào đó, nếu Bắc Kinh muốn tiếp tục thay đổi hiện trạng, Mỹ có thể nhắc nhở rằng Mỹ cũng có cách thay đổi hiện trạng, chẳng hạn cung cấp một lượng vũ khí quan trọng cho Đài Loan, điều mà Đài Bắc luôn yêu cầu, và quyết định của Mỹ chắc chắn sẽ làm Bắc Kinh chấn động.

Giáo sư Kazianis kết luận : Rõ ràng là Washington có nhiều cách để chống lại các tuyên bố chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh tại Biển Đông, nhưng đó không phải là việc đi thuyền vòng quanh một hòn đảo rồi quay về nhà. - RFI
|
|

6.
Putin tiếp Modi nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế Nga-Ấn Độ

Trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hôm nay 01/06/2017, tham dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg lần thứ 21 tại Nga.

Bên lề diễn đàn, tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp thủ tướng Ấn Độ và đại diện hai nước đã ký nhiều hợp đồng kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.

Theo AFP, sự hiện diện của thủ tướng Ấn Độ, với tư cách là khách mời danh dự của diễn đàn, mang tính biểu tượng cho mối quan hệ mà Nga muốn tăng cường với các nền kinh tế đang trỗi dậy, trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Matxcơva và phương Tây.

Chuyến thăm Nga của thủ tướng Ấn Độ diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Từ Matxcơva, thông tín viên Muriel Pomponne tường trình:

« Kể từ năm 1947, khi Ấn Độ giành được độc lập, hai nước vẫn duy trì quan hệ tốt đẹp. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Ấn Độ là thủ lãnh các nước trong phong trào không liên kết và tự nguyện quay sang thân cận với Liên Xô.

Ngày nay, quan hệ ngoại giao giữa New Delhi và Matxcơva vẫn tốt đẹp. Hai nước đều là thành viên nhóm các nước đang trỗi dậy BRIC và trong năm nay, Ấn Độ sẽ gia nhập Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, hiện bao gồm Trung Quốc, Nga và nhiều nước Trung Á. Ấn Độ và Liên Minh Á-Âu đang đàm phán về hiệp định tự do mậu dịch. 

Trao đổi thương mại giữa Ấn Độ và Nga phát triển, khoảng gần 8 tỷ đô la trong năm 2015. Mục tiêu đề ra là đạt 30 tỷ đô la vào năm 2025. Ấn Độ xuất khẩu nông phẩm, dược phẩm, hóa phẩm và các thiết bị. Trong khi đó, Nga xuất khẩu đá và quặng quý hiếm, dầu khí và hạt nhân dân sự. 

Hợp tác quốc phòng song phương cũng phát triển, đặc biệt là các dự án chung trong lĩnh vực không gian và hệ thống phòng thủ. Tuy nhiên, Nga không nằm trong số các nước cung cấp và khách hàng chủ chốt của Ấn Độ ».

Trước khi tới Nga, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công du Tây Ban Nha, ngày 31/05 và đã có cuộc hội đàm với đồng nhiệm Mariano Rajoy, tại Madrid. Ngoài hồ sơ hợp tác kinh tế song phương, lãnh đạo hai nước đã đề cập đến tình hình Biển Đông và kêu gọi giải quyết các tranh chấp trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển.

Trong chuyến công du Đức ngày 30/05, thủ tướng Modi và đồng nhiệm Angela Merkel cũng nhấn mạnh đến việc bảo đảm quyền tự do lưu thông trên các vùng biển quốc tế, nhưng không nêu cụ thể trường hợp Biển Đông. - RFI
|
|

7.
Châu Âu phải cảm ơn Trump vì đã lạnh nhạt với đồng minh

Sau những màn ngoại giao gây sốc của Donald Trump ở thượng đỉnh NATO tại Bruxelles và G7 ở Sicilia tuần qua, bầu không khí lạnh nhạt đang bao trùm trong quan hệ giữa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu. Hầu hết các tờ báo lớn tại Pháp ngày 01/06/2017 đều khai thác phản ứng của châu Âu trước mối quan hệ đồng minh đang có cơ bị rạn vỡ nhưng cũng là cơ hội để châu Âu thức tỉnh.

Có thể thấy điều này qua tựa lớn trang nhất của Le Figaro : « Trump khơi sâu hố ngăn cách giữa Mỹ và châu Âu ». Trái lại, Libération nhìn thấy hoàn cảnh mới đang khiến châu Âu phải thức tỉnh, thúc đẩy cặp Pháp-Đức phải ra tay củng cố Liên Hiệp vững mạnh để có thể tự quyết vận mệnh của mình.

Trang nhất Libération chạy tựa lớn : « Châu Âu cảm ơn Trump » và tờ báo ghi nhận « Bị dồn đến chân tường, Macron và Merkel đoàn kết ».  Theo Libération, Liên Hiệp Châu Âu đang phải đối mặt với 2 thực tế : Brexit bên kia bờ biển Manche và nước Mỹ của Donald Trump bên kia bờ Đại Tây Dương đang ngày càng xa rời đồng minh.

Thế nhưng, chính hoàn cảnh đó « đang thôi thúc các lãnh đạo châu Âu, bắt đầu là cặp bài Pháp-Đức, phải ý thức được cần tăng cường sức mạnh cho Liên Hiệp Châu Âu ».

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngay từ hôm Chủ Nhật 28/05 đã ý thức được điều đó khi bà đã phát biểu : « Thời kỳ mà chúng ta có thể dựa dẫm vào những người khác đang qua dần. Tôi đã chứng kiến điều này trong những ngày qua…. ». Đề cập đến quan hệ với Mỹ, bà Merkel khẳng định: « Châu Âu vẫn là bạn của Hoa Kỳ và láng giềng tốt của Anh Quốc cũng như nước Nga. Nhưng chúng ta phải biết tự đấu tranh cho tương lai và vận mệnh của chính mình ».

Libération nhận định : « Trên khía cạnh các giá trị, quốc phòng, thương mại và chắc chắn cả về khí hậu, chưa bao giờ hố ngăn cách hai bờ Đại Tây Dương lại lớn như bây giờ ». Tờ báo khẳng định, trước khoảng trống lớn như vậy, không có một quốc gia châu Âu đơn lẻ nào có thể nghĩ là mình đóng được vai trò lớn, chỉ có Liên Hiệp mới có thể làm được điều đó. Nếu châu Âu không đẩy nhanh tốc độ hòa nhập thành một khối thống nhất, Liên Hiệp sẽ là nạn nhân của sự biến động hiện nay.

Để có một Châu Âu vững mạnh, còn khối việc phải làm

Libération nhận thấy, với một châu Âu đang rệu rã và trì trệ như hiện nay sẽ còn rất nhiều việc khẩn cấp phải làm để thiết lập một trật tự mới trong Liên Hiệp. Đó là : phải hoàn thiện khu vực đồng euro, triển khai một nền quốc phòng châu Âu, phải có một chính sách chung về nhập cư, phát triển an ninh nội địa để chống khủng bố, xây dựng lại hoàn toàn cơ chế để Liên Hiệp có một thủ lĩnh thực sự.

Cuối cùng, Libération kết luận, dù gì thì trong bối cảnh được thức tỉnh như vậy, người ta có thể nói :  « Cảm ơn Trump ».

Le Figaro đồng tình với quan điểm của Libération qua bài xã luận mang tiêu đề : « Một cơ hội lịch sử ». Tờ báo thừa nhận trong mối quan hệ đồng minh giữa hai bờ Đại Tây Dương, « sự tan vỡ không phải là ngay ngày mai, nhưng những mối liên hệ chắc chắn sẽ lỏng lẻo hơn. Cơ hội này, người Đức và người Pháp phải biết nắm lấy (...) Brexit, sự trỗi dậy của trào lưu hoài nghi châu Âu và giờ đây là ông Trump chính là tiếng chuông báo thức cho châu Âu. Nếu các lãnh đạo của hai nước (Pháp-Đức) lại vẫn cứ sa lầy trong tệ quan liêu và vẫn theo lối mòn của các cuộc họp thượng đỉnh vô ích, họ sẽ lại bỏ phí cơ hội lịch sử mang đến cho mình ».

Nếu không làm được như vậy thì ông Trump đã đúng khi cho rằng châu Âu chỉ là một khối khoa trương, vô bổ. Còn ngược lại, châu Âu sẽ chứng minh được một điều : Ông Trump nói mạnh đấy nhưng đơn độc.

Nhìn chung, các báo đều nhận thấy tương lai của Liên Hiệp Châu Âu giờ đây trông chờ vào hai đầu tầu Pháp-Đức, cụ thể là lãnh đạo của hai nước. Pháp thì vừa có tân tổng thống Emmanuel Macron, một người chủ trương cải cách sâu rộng châu Âu vì một Liên Hiệp vững vàng, che chở bảo vệ chính mình. Còn với Đức, người ta đang chờ đợi kết quả bầu cử vào mùa thu năm nay. Liệu khi đó, bà Angela Merkel, một lãnh đạo mạnh mẽ ý thức được cần một châu Âu mạnh để tự lực tự cường, có giành thắng lợi hay không?

Ngoại giao kiểu Donald Trump làm suy yếu ảnh hưởng Mỹ

Giới quan sát có chung nhận định là một vị tổng thống Mỹ với tính khí thất thường đang khiến châu Âu chóng mặt. Thế nhưng, quan điểm của lập trường cũng như cách thức ngoại giao của ông Trump trong vòng công du châu Âu vừa qua khiến Washington mất đi ảnh hưởng trên trường quốc tế. Đó cũng là điều khiến dư luận ở đất nước của ông hoang mang không kém.

Trong một bài viết khác, Libération ghi nhận những phản ứng của dư luận chính trị Mỹ về chuyến công du châu Âu của Donald Trump, theo đó rất đông các chuyên gia Mỹ về chính sách đối ngoại đã cảm thấy thất vọng tràn trề vì màn trình diễn ngoại giao vừa rồi của ông Trump tại châu Âu đã khiến cho ảnh hưởng của nước Mỹ xuống thấp chưa từng có.

Tờ báo trích dẫn cựu đại sứ Mỹ tại NATO - Ivo Daalder - nhận định giờ đây người ta có cảm giác như đang ở « hồi kết một kỷ nguyên trong đó Hoa Kỳ lãnh đạo và châu Âu đi theo ». Còn chuyên gia Vali Nasr thuộc Đại học John Hopkins Hoa Kỳ thì đánh giá : « Trong 4 tháng cầm quyền, Trump đã thành công trong việc phá bỏ thành quả của 7 thập kỷ quan hệ xuyên Đại Tây Dương ».

Theo Libération, mối lo ngại sâu sắc Hoa Kỳ bị mất ảnh hưởng nằm ở cách ứng xử của ông Trump, bị đánh giá là « ào ào, ngông nghênh, thậm chí tới mức thô thiển ». Một quan chức bộ Ngoại Giao Mỹ đã đánh giá ngắn gọn trên báo Daily Beast : « Trong ngoại giao, tổng thống Trump như một du khách say sỉn. Ồn ào và dai dẳng, huých đẩy nhau trên sàn nhảy ».

Nhưng ngoài tính cách, thái độ cá nhân, chính sách của Trump mới là điều khiến các đồng minh châu Âu khó chịu.

Chính quyền Trump không hề chỉ định chính thức một đại sứ hay quan chức cao cấp về ngoại giao nào tại châu Âu. Trước khi đến châu Âu, tổng thống Mỹ lại tỏ nhún nhường hơn mức cần thiết với các quốc gia vùng Vịnh. Thế nhưng, ông lại sẵn sàng lên giọng với các lãnh đạo các đồng mình trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.

Về phần chính giới Mỹ, dân biểu đảng Dân Chủ của bang Maryland, Steny Hoyer chia sẻ : « Vị tổng thống này làm suy yếu vai trò của nước Mỹ trên thế giới, khiến an ninh và nhất là kinh tế của người Mỹ bị đặt trong tình trạng nguy hiểm ».

Theo bài báo, phe Cộng Hòa cũng không giấu được mối lo ngại trước cách ngoại giao không giống ai của ông Trump. Điển hình là thượng nghị sĩ John McCain đã chỉ trích chính sách đối ngoại của ông Trump rằng : « Một số động thái và tuyên bố của tổng thống khiến các bạn bè của nước Mỹ choáng váng, đó là điều hiểu được (...) Bè bạn của chúng ta có xu hướng chú tâm vào con người cụ thể tại Nhà Trắng. Nhưng nước Mỹ lớn lao hơn điều đó rất nhiều ».

Châu Âu cũng nên tính chuyện xoay trục sang châu Á ?

Vẫn trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh châu Âu đang xa rời nhau này, một số tờ báo Pháp, như tờ Ouest France gợi nhắc đến « trục châu Á », một chủ trương của cựu tổng thống Obama, cũng có thể sẽ là một chân trời mới cho Liên Hiệp Châu Âu.

Tờ báo ghi nhận, Trung Quốc muốn tôn trọng thỏa thuận khí hậu Paris, vì nước này đầu tư nhiều vào quá trình chuyển đổi năng lượng. Ấn Độ cũng vậy. Hôm nay và ngày mai, tại Bruxelles diễn ra cuộc họp cấp cao giữa thủ tướng Trung Quốc và các lãnh đạo châu Âu. Dù vẫn còn bất đồng về vấn đề nhân quyền hay thương mại, nhưng Bắc Kinh đã có mối quan tâm chung về khi hậu. Tờ báo bình luận: « Đó có thể là dấu hiệu tốt cho một đối tác mới được xây dựng trên đống đổ nát của trận cuồng phong Trump »

Ở chiều ngược lại , nhật báo Le Figaro ghi nhận « Bắc Kinh đang cố gắng khai thác căng thẳng giữa các nước phương Tây ». Theo bài báo, những bất hòa hiện nay giữa châu Âu và Hoa Kỳ là một cơ hội cho Trung Quốc để họ vẫn bảo đảm an toàn quan hệ làm ăn với các đối tác thương mại lớn, đồng thời chứng tỏ vai trò một cường quốc quan trong trọng một thế giới lộn xộn.

Bắc Kinh đang muốn xích lại gần với châu Âu hơn với việc bảo vệ các giá trị chung như tự do thương mại, bảo vệ môi trường. Nhưng bất đồng trong làm ăn giữa Trung Quốc và các nước châu Âu vẫn còn rất nhiều. Như nhận xét của Les Echos : « Trung Quốc bảo vệ toàn cầu hóa nhưng vẫn chậm trễ mở cửa thị trường ». Tờ báo kinh tế cho biết một nửa số doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Trung Quốc phàn nàn là họ luôn bị phân biệt đối xử khiến điều kiện kinh doanh rất khó khăn. Vậy là, « xoay trục sang châu Á » mà lấy trọng tâm là Trung Quốc cũng đâu phải chuyện đơn giản cho Liên Hiệp Châu Âu. - RFI
|
|

8.
Putin bãi bỏ hầu hết biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay 01/06/2017 ký sắc lệnh bãi bỏ hầu hết các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, áp đặt vào cuối năm 2015. Các công ty xây dựng và du lịch Thổ Nhĩ Kỳ lại được làm ăn tại Nga, công dân Thổ lại có quyền sang làm việc.

Từ Istanbul, thông tín viên RFI Alexandre Billette nhận định :

« Đây gần như là hồi kết của cuộc xung đột giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, một năm rưỡi sau khi quân đội Thổ bắn hạ một chiếc máy bay Nga ở vùng biên giới với Syria. 

Từ nay gần như tất cả các biện pháp trừng phạt của Nga đều được dỡ bỏ. Các công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ không còn bị cản trở khi làm ăn tại Nga, tương tự đối với các công ty du lịch Thổ Nhĩ Kỳ. Các công dân Thổ thường xuyên qua lại Nga trong một thời gian ngắn nay lại được miễn visa. 

Tóm lại, sự hòa giải giữa Ankara và Matxcơva đã được khẳng định và chính thức hóa. Quyết định này được đưa ra trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ đang xung đột với châu Âu, và quan hệ với Washington đã trở nên phức tạp. 

Ngược lại, Matxcơva dường như không muốn từ bỏ hoàn toàn mọi phương tiện để gây áp lực lên Ankara. Việc nhập khẩu cà chua vào Nga vẫn còn bị cấm - một biện pháp trừng phạt gây thiệt hại rất nhiều cho lãnh vực nông nghiệp, vốn hàng năm mang lại đến 250 triệu đô la cho các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ ». 

Về hồ sơ Syria, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm qua cho rằng việc Hoa Kỳ vũ trang cho các chiến binh Kurdistan là « hết sức nguy hiểm », kêu gọi Washington « sửa chữa sai lầm này ».

Cũng liên quan đến Syria, Rayan Machaal tức Bara Kadek, một trong những người sáng lập ra Amaq, cơ quan tuyên truyền của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech, IS), đã bị chết trong trận không kích của liên minh chống thánh chiến do Hoa Kỳ lãnh đạo hồi đầu tuần này - theo tin từ các nhóm nổi dậy Syria hôm qua. Amaq là cơ quan chuyên lên tiếng nhận trách nhiệm các vụ khủng bố của Daech, thông qua dịch vụ thông tin mã hóa Telegram. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

9.
NASA đưa tàu thám hiểm mặt trời trong 7 năm

Cơ quan không gian NASA của Hoa Kỳ cho biết họ sẽ bắt đầu sứ mệnh phóng một phi thuyền thám hiểm trực tiếp vào bầu khí quyển của mặt trời vào năm tới.

Phi thuyền Parker Solar Probe sẽ thu thập dữ liệu về hoạt động của mặt trời để cho phép chúng ta hiểu rõ hơn về những chuyển biến của thời tiết và tác động của không gian có thể ảnh hưởng đến cuộc sống ở trái đất như thế nào.

Phi thuyền tàu sẽ bay quanh quỹ đạo cách mặt trời khoảng bốn triệu dặm. Đó là khoảng cách gần mặt trời nhất, gấp 8 lần so với khoảng cách của các tàu vũ trụ trước đây đạt đến. Tại điểm gần nhất với mặt trời, tàu sử dụng một tấm chắn mặt trời dày 12 cm chịu được nhiệt độ lên đến 1300 độ C.

Ông Nicola Fox, Nhà khoa học làm việc cho dự án này nói:

"Những câu hỏi thì thật là đơn giản. Tại sao Thiên Vương tinh lại nóng hơn bề mặt của mặt trời? Điều đó thách thức quy luật tự nhiên, nó giống như nước chảy ngược, việc này không thể xảy ra. Tại sao trong khu vực này, khí quyển mặt trời lại bất ngờ có năng lượng, nó phát ra và bao trùm lên tất cả các hành tinh? Nếu chúng ta không thực sự thám hiểm mặt trời thì chúng ta không thể trả lời những câu hỏi này."

NASA đã công bố kế hoạch tại Đại học Chicago hôm thứ Tư 31/5 trong buổi lễ tôn vinh nhà thiên văn học Eugene Parker, và con tàu vũ trụ được đặt theo tên của ông.

Ông Eugene Parker nói:

"Tôi rất vinh dự được tham gia vào một sứ mệnh khoa học vũ trụ anh hùng như vậy. Dĩ nhiên, anh hùng là khi tôi đề cập đến nhiệt độ cực cao. Bức xạ mặt trời và các biện pháp khắc phục điều kiện khắc nghiệt để phi thuyền tồn tài và thu thập dữ liệu khoa học. Những biện pháp đó được đánh giá rất cao."

Ông Parker là nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu hiện tượng này, một hiện tượng được gọi là gió mặt trời.

Gió mặt trời được hình thành từ khí có tích điện được phát ra từ mặt trời. Những cơn gió sau đó thổi qua trái đất với vận tốc khoảng 1,6 triệu km mỗi giờ và các nhà khoa học tin rằng chúng có khả năng gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho hành tinh của chúng ta.

Phi thuyền thám hiểm theo kế hoạch sẽ được phóng đi vào tháng 8 năm 2018 và chương trình dự kiến kéo dài đến tháng 6 năm 2025. - VOA
|
|

10.
Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ thăm Việt Nam

Ủy ban Quân vụ Thượng Viện Hoa Kỳ do thượng nghị sĩ John Mc Cain dẫn đầu vào ngày 1 tháng 6 có cuộc gặp với chủ tịch Quốc hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Cuộc gặp diễn ra tại Nhà Quốc hội Việt Nam.

Thông tấn xã Việt Nam trích dẫn phát biểu của bà Nguyễn Thị Kim Ngân tại cuộc gặp với thượng nghị sĩ John McCain rằng chuyến thăm của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ vào dịp này góp phần tăng cường quan hệ hai nước trong bối cảnh hợp tác toàn diện giữa đôi bên đang phát triển tốt.

Bà Ngân nhắc lại phát triển nhanh trong lĩnh vực thương mại giữa hai nước từ mức chừng 300 triệu đô la Mỹ năm 1995 khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao cho đến trên 53 tỷ đô la Mỹ vào năm ngoái.

Hiện nay có hơn 21 ngàn sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Hoa Kỳ.

Vào chiều ngày 31 tháng 5, phái đoàn Ủy ban Quân vụ Thượng Viện Hoa Kỳ cũng có cuộc làm việc với Bộ Quốc Phòng Việt Nam.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhắc đến sự hiểu biết về Việt Nam của chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ là ông John McCain, một cựu phi công Mỹ từng bị giam giữ ở Hỏa Lò Hà Nội.

Theo Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam thì chính ông John Mc Cain đóng góp quan trọng trong thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ.

Theo Thông tấn xã Việt Nam thì thượng nghị sĩ John McCain cho biết sau chuyến thăm Việt Nam kỳ này về lại Hoa Kỳ ông sẽ đề xuất với quốc hội và chính phủ của Tổng thống Donald Trump tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án gồm xử lý môi trường ô nhiễm bởi chất da cam/dioxin; khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải…

Tin còn cho hay trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ, thượng nghị sĩ John McCain sẽ đến thăm tàu USS John S. McCain đang được bảo dưỡng, sửa chữa tại Cảng Quốc tế Cam Ranh ở tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. - RFA
|
|

Tin Việt Nam

11.
Thủ tướng Phúc ‘đánh trúng tâm lý’ của ông Trump? --- Ông Trump hoan nghênh các thỏa thuận tỷ đô với VN --- Việt Nam và Mỹ đẩy mạnh hợp tác quốc phòng --- Tuyên bố chung Việt-Mỹ cùng tăng cường đối tác toàn diện

Các thỏa thuận thương mại trị giá hàng tỷ đôla, tạo hàng chục nghìn công ăn việc làm ở Mỹ, đã giúp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc “lấy lòng” được “ông chủ” Nhà Trắng, giới quan sát nhận định.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ứng cử viên Donald Trump từng nhiều lần chỉ trích Hà Nội “đánh cắp” việc làm tại Mỹ, cũng như nói rằng Việt Nam là “một trong những nước trả lương thấp nhất trên thế giới”.

Tuy nhiên, trên cương vị tổng thống, ông Trump hôm 31/5 cho báo giới biết rằng phía Mỹ “đánh giá cao” Việt Nam vì đã ký kết các thỏa thuận thương mại “mang lại công ăn việc làm cho Hoa Kỳ”.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết rằng trong chuyến công du của ông Phúc, Hoa Kỳ đã ký 13 giao dịch mới với Việt Nam trị giá tới 8 tỷ đôla, mang lại ước tính hơn 23 nghìn công ăn việc làm.

Về ý kiến của một số cư dân mạng cho rằng nhà lãnh đạo Việt Nam đã sử dụng chiến thuật “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” để lấy lòng Tổng thống Trump, bạn đọc Soat Bui nhận định với VOA Việt Ngữ rằng “đây là một sự hợp tác sòng phẳng, đôi bên cùng có lợi”.

Trước Thủ tướng Phúc, ông Trump đã có các giao dịch thành công với lãnh đạo một số nước khác mà cựu doanh nhân này luôn nhấn mạnh tới chuyện mang lại việc làm cho người Mỹ.

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Việt – Mỹ hôm 31/5 cũng đánh dấu ngày cuối cùng trong chuyến công du Hoa Kỳ của người đứng đầu chính phủ Việt Nam.

Giáo sư Carl Thayer từ Australia cho VOA Việt Ngữ biết rằng chuyến công du đã “thành công tốt đẹp”, “cho thấy đường lối ngoại giao tích cực và nỗ lực lớn của Việt Nam” và mở ra “một thời kỳ mới” trong quan hệ giữa hai nước cựu thù.

Chuyên gia về tình hình chính trị Việt Nam này cho rằng các thỏa thuận khác nhau trị giá nhiều tỷ đôla “rõ ràng đã tạo ra một bầu không khí thuận lợi và Tổng thống Trump đã phản ứng một cách tích cực”.

Đích thân nguyên thủ Mỹ thông báo rằng thương mại đứng đầu trong nghị trình thảo luận giữa đôi bên. Đây cũng là vấn đề nằm ở top đầu trong bản tuyên bố chung công bố sau đó mà theo giáo sư Thayer đã đề cập một cách “công bằng” quyền lợi của hai bên.

Nhà nghiên cứu này cũng nhận xét rằng phía Việt Nam “tỏ ra linh hoạt và đưa ra những đề xuất về cách thức các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể gia tăng việc xuất khẩu sang Việt Nam”, trong bối cảnh thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đứng ở mức khoảng 30 tỷ đôla.

“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty nước ngoài, bao gồm các công ty Hoa Kỳ kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam”, tuyên bố chung do Nhà Trắng cung cấp có đoạn.

Hồi cuối năm ngoái, ngay sau khi đắc cử tổng thống Mỹ, ông Trump từng nói với ông Tim Cook, Tổng giám đốc điều hành của Apple, rằng ông muốn tập đoàn sản xuất iPhone lập nhà máy ngay tại Hoa Kỳ, thay vì sản xuất sản phẩm ở các nước như Trung Quốc hay Việt Nam.

Theo giáo sư Carl Thayer, “dù dường như có sự hỗn loạn trong Nhà Trắng cũng như sự bất nhất về mặt chiến lược xuất phát từ nhiều tuyên bố trái ngược của Tổng thống Trump, Việt Nam giờ hiểu rõ hơn về đường hướng của mối quan hệ song phương với Mỹ trong những năm tới. Điều này có tính chất trấn an [Hà Nội]”.

Ông nói tiếp: “Việt Nam sẽ vẫn có thể “đa phương hóa và đa dạng hóa” mối quan hệ song phương khi biết rằng Hoa Kỳ duy trì cam kết về mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ vẫn hướng về Đông Nam Á”.

Các bức ảnh trên mạng cho thấy rằng Tổng thống Trump đã ra tận cửa Nhà Trắng để đón lãnh đạo Việt Nam rồi sau đó cả hai tươi cười hướng về ống kính của các phóng viên. Nguyên thủ Mỹ sau đó cũng chủ động chìa tay để bắt tay ông Phúc.

Phát biểu tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng với ông Trump kế bên, Thủ tướng Việt Nam nói rằng “quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong lịch sử đã có những bước thăng trầm nhưng nay là đối tác toàn diện của nhau”.

Ông cũng nói tiếp rằng “cuộc hội đàm sẽ đóng góp vào sự phát triển của hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng lẫn nhau vì hòa bình, phát triển của ASEAN, của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và của thế giới”. - VOA

***
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bàn thảo về thương mại với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Tòa Bạch Ốc hôm 31/5 và hoan nghênh việc ký kết các thỏa thuận kinh doanh trị giá hàng tỷ đôla cũng như những việc làm mà các hợp đồng sẽ tạo ra.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố có 13 giao dịch mới với Việt Nam đạt trị giá 8 tỷ đôla, trong đó có 3 tỷ đôla là hàng Mỹ sản xuất, hỗ trợ cho hơn 23.000 việc làm của Mỹ.

Các thỏa thuận này bao gồm cả những giao dịch của General Electric Co (GE.N) trị giá 5,5 tỷ đôla về máy phát điện, động cơ máy bay và các dịch vụ liên quan, đây là lần bán hàng kết hợp cho Việt Nam lớn nhất từ trước nay của hãng.

Tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump nói với các phóng viên: "Việt Nam đã đặt một đơn hàng rất lớn ở Hoa Kỳ - và chúng tôi đánh giá cao điều đó - với trị giá hàng tỷ đôla, đồng nghĩa nhiều việc làm cho Hoa Kỳ và nhiều thiết bị tuyệt vời cho Việt Nam". 

Bộ Thương mại Mỹ ước tính các thỏa thuận này có giá trị thấp hơn đáng kể so với con số 15 tỷ đôla mà ông Phúc đưa ra trong bài phát biểu tại Quỹ Heritage.

Tuy nhiên, trong khi Hà Nội và Washington tăng cường hợp tác an ninh trong những năm gần đây, thương mại cũng đã trở thành một rắc rối tiềm tàng, với bất cân đối tăng lên nhanh chóng có lợi cho Việt Nam, đạt mức 32 tỷ đôla hồi năm ngoái.

Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross cho rằng giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là việc làm quan trọng, song ông cũng ghi nhận đất nước Đông Nam Á với hơn 90 triệu dân là thị trường phát triển nhanh nhất đối với hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ, tăng 77% kể từ năm 2014 lên mức 4,4 tỷ đôla.

Ông Trump, người đã nói những lời mạnh mẽ về các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ, cho biết ông sẽ thảo luận về thương mại cũng như vấn đề Bắc Triều Tiên với ông Phúc.

Washington đã và đang tìm kiếm sự ủng hộ để gây sức ép buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của họ. Hà Nội cho biết họ chia sẻ mối quan ngại về Bắc Triều Tiên.

Trong bài phát biểu tại Quỹ Heritage, ông Phúc đã hoan nghênh kế hoạch của ông Trump dự hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 ở Việt Nam. Ông gọi đây là dấu hiệu về cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực và là "một dịp quan trọng để Hoa Kỳ khẳng định vai trò tích cực của mình".

Nhắc đến mối quan hệ ấm lên giữa Washington và Bắc Kinh dưới thời ông Trump, ông Phúc nói rằng Việt Nam hoan nghênh mối quan hệ tốt đẹp giữa hai cường quốc, hy vọng điều này cũng sẽ phục vụ cho lợi ích của các quốc gia khác trong khu vực.

Ông kêu gọi Washington và Bắc Kinh "hành động với sự minh bạch và có trách nhiệm để không ảnh hưởng tiêu cực đến khu vực và quan hệ giữa các quốc gia khác".

Trên trang web của mình, chính phủ Việt Nam cho hay ông Trump và ông Phúc đã đồng ý thúc đẩy các quan hệ quốc phòng và thảo luận về khả năng các tàu của Hoa Kỳ, kể cả tàu sân bay, thăm các cảng Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam cho biết hai ông đã bày tỏ quan ngại về Biển Đông, nơi Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan có tranh chấp hàng hải với Trung Quốc, trong khi nước này tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển có các tuyến đường thủy chiến lược.

"Họ nhấn mạnh rằng các bên không được có hành động làm tăng căng thẳng như quân sự hoá các thực thể có tranh chấp", theo trang web của chính phủ Việt Nam, đây là một sự đề cập rõ ràng đến hoạt động xây dựng của Trung Quốc. - VOA

***
Nhân chuyến công du nước Mỹ của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc kết thúc ngày hôm qua, 31/05/2017, Washington và Hà Nội đã nhất trí tăng cường quan hệ quốc phòng và quân sự, đồng thời nhấn mạnh đến nhu cầu tôn trọng quyền tự do hàng không và hàng hải tại Biển Đông, chống mọi hành vi quân sự hóa khu vực.

Dấu hiệu rõ ràng nhất về quyết tâm tăng cường và phát triển quan hệ quốc phòng và quân sự song phương được thể hiện trong Tuyên Bố Chung về Tăng Cường Đối Tác Toàn Diện Việt Nam - Hoa Kỳ, được công bố sau cuộc hội đàm giữa thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc với tổng thống Mỹ Donald Trump, tại Nhà Trắng, Washington.

Trong bản tuyên bố chung, hai lãnh đạo Việt-Mỹ đã nêu nhiều yếu tố cho thấy rõ mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ quốc phòng, quân sự, theo chiều hướng Mỹ giúp Việt Nam nâng cao năng lực kiểm soát vùng biển của mình, còn Việt Nam sẵn sàng mua tàu tuần tra biển của Mỹ. Thông cáo chung nêu rõ : « Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện quan tâm tới việc tiếp nhận thêm trang thiết bị quốc phòng từ Hoa Kỳ, bao gồm các tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển ».

Hai bên cũng đã thảo luận về khả năng tàu sân bay Mỹ ghé thăm cảng Việt Nam và « các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các lực lượng hải quân hai nước ».

Một đề nghị khác từ phía Hoa Kỳ đối với Việt Nam lần này đã được hai bên chính thức thúc đẩy : Đó là việc Việt Nam cho quân đội Mỹ lưu trữ những thiết bị vật tư trên lãnh thổ Việt Nam để có thể sử dụng ngay khi cần thiết, trước mắt là về các thiết bị nhân đạo.

Bản tuyên bố chung nói rõ : « Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc ký Bản Ghi Nhớ thành lập nhóm làm việc về Sáng Kiến Hợp Tác Lưu Trữ vật tư y tế và hợp tác nhân đạo, đồng thời nhất trí khẩn trương triển khai thỏa thuận này ». 

Riêng về Biển Đông, tổng thống Donald Trump nhắc lại cam kết Mỹ sẽ bảo vệ quyền tự do đi lại trên Biển Đông, và phản đối mọi hoạt động nhằm quân sự hóa khu vực.

Hai bên đã nhấn mạnh trở lại « tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác », đồng thời bày tỏ quan ngại về những « tác động bất ổn mà những hạn chế bất hợp pháp đối với tự do trên biển gây ra đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ».

Phần tuyên bố chung liên quan đến Biển Đông tái khẳng định lập trường phản đối các hoạt động quân sự hóa khu vực : « Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh các bên cần kiềm chế, không có các hành động có thể gây gia tăng căng thẳng, như việc quân sự hóa các cấu trúc có tranh chấp. Tổng thống Trump nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay di chuyển và hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép ».

Dù không chỉ đích danh nước nào, nhưng nội dung hai lãnh đạo Mỹ-Việt nêu lên trong bản tuyên bố chung đều ám chỉ các hành vi của Trung Quốc. - RFI

***
Hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ ra tuyên bố chung ngay sau cuộc gặp giữa thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tổng thống Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc, thủ đô Washington DC vào chiều ngày 31 tháng 5.

Tuyên bố chung nêu rõ hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ cam kết tích cực tăng cường quan hệ kinh tế cùng có lợi và ngày càng phát triển. Cả hai phía khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy thương mại song phương và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hai phía; đặc biệt thông qua việc triển khai có hiệu quả Hiệp định Khung về Thương Mại và Đầu tư để xử lý các vấn đề trong quan hệ Việt - Mỹ trên tinh thần xây dựng.

Hai phía hoan nghênh việc công bố các thỏa thuận thương mại mới với tổng trị giá khoảng 10 tỉ đô la.

Trong lĩnh vực quốc phòng, lãnh đạo hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đồng ý tăng cường quan hệ trên cơ sở Bản Ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương năm 2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng năm 2015.

Tuyên bố chung cho biết hai ông Nguyễn Xuân Phúc và Donald Trump trao đổi về khả năng tàu sân bay Hoa Kỳ thăm cảng Việt Nam và các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các lực lượng hải quân hai nước.

Về vấn đề tự do hàng hải, hàng không và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác, hai vị lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong lĩnh vực này. Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ nhấn mạnh là nước ông sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay di chuyển và hoạt động tại bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Cả hai ông Nguyễn Xuân Phúc và Donald Trump bày tỏ hoan nghênh kết quả của những cuộc đối thoại về quyền con người giữa hai phía; đặc biệt là vòng 21 Đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ vừa diễn ra trong tháng 5 này tại Hà Nội. Mục đích được cho biết là để thu hẹp khác biệt và tiếp tục xây dựng lòng tin.

Tuyên bố chung nêu rõ là thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ làm việc tích cực với phía Hoa Kỳ nhằm sớm đưa những người Việt Nam có lệnh phải rời Mỹ trên cơ sở Hiệp định Việt Nam - Hoa Kỳ ký năm 2008 về việc nhận trở lại công dân. - RFA
|
|

12.
Hà Nội hàn cửa, nhốt dân?

Một đoạn video phóng sự về cảnh hai vợ chồng già ở Hà Nội bị chính quyền “giam lỏng” bằng cách hàn kín cánh cửa ra vào duy nhất của họ đang lan truyền nhanh chóng trên mạng, khiến dư luận rất bất bình.

Đoạn video do báo Pháp luật và Xã hội thực hiện đã được gỡ khỏi trang mạng của báo này.

Đoạn video cho thấy ngôi nhà của một cặp vợ chồng lớn tuổi ở phố Hoàng Sâm, phường Nghĩa Đô, Hà Nội, đang bị các lực lượng chức năng, trong đó có công an và lãnh đạo UBND phường Nghĩa Đô, dùng các thanh sắt để lấp kín lối ra vào duy nhất của ngôi nhà họ, trước sự chống đối yếu ớt của người phụ nữ với lý do “không có văn bản gì mà các ông đến làm như thế này là không được rồi. Cơ quan nào cũng không thể chấp nhận như thế được. Các anh làm thế là sai rồi”.

Nhưng những người “đang làm nhiệm vụ” vẫn thản nhiên tiếp tục hàn kín lối thoát hiểm duy nhất của ngôi nhà.  

Kể từ đó (11/5), ông An, người đàn ông được cho biết là đã trên 60 tuổi hiện đang sống trong ngôi nhà, hàng ngày phải leo qua một bức tường cao quá đầu người để đi chợ mua thức ăn. Người vợ sức yếu không leo được, đành chịu bị “giam lỏng” suốt nhiều tuần qua.

Đoạn video đang được lan truyền chóng mặt trên mạng, với hàng chục ngàn lượt xem và bình luận, chủ yếu là bày tỏ sự bất bình, tức giận vì lối hành xử mà theo họ là “không thuộc về một nhà nước pháp quyền”.

Trả lời VOA-Việt ngữ tối 1/6, Luật sư Hà Huy Sơn từ Hà Nội cho biết quyền “có lối đi lại” của công dân đã được quy định trong Bộ Luật dân sự của Việt Nam.

Ông nói: “Bộ Luật Dân sự Việt Nam quy định người dân có quyền có lối đi lại, cũng giống như có quyền thoát nước tự nhiên, thoát nước thải…”

Một nguồn tin từ Hà Nội cho VOA biết ngôi nhà của ông bà An bị cưỡng chế vì xây dựng trên đất trái phép. Tuy nhiên khi VOA kiểm chứng thông tin này với chính quyền Hà Nội thì không nhận được phản hồi.

Theo LS. Hà Huy Sơn, chính quyền nên tìm những cách xử lý khác thay vì buộc hai ông bà cụ phải sống trong ngôi nhà bị bít kín.

“Cái này là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Cũng có thể là phải có can thiệp với những gia đình xung quanh, hoặc tạo điều kiện để gia đình hai cụ già có lối đi để có thể sinh hoạt được”.

Phóng viên báo Pháp luật và Xã hội trong đoạn video cho biết chính quyền né tránh trả lời báo chí về trường hợp này.

Hiện dư luận đang xôn xao nghi vấn liệu có sự thông đồng của chính quyền hay không trong việc để mặc cho người dân lấn chiếm đất, nên bây giờ không thể đối diện với báo chí? - VOA
|
|

13.
Lập pháp Mỹ thúc giục cải thiện nhân quyền Việt Nam --- Dân biểu Hoa Kỳ gửi thư cho Thủ tướng Phúc

Các dân biểu Quốc Hội Hoa Kỳ gửi thư tới lãnh đạo Mỹ-Việt, bày tỏ quan ngại về tình trạng nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam nhân chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ.

Trong thư đề ngày 30/5, sáu dân biểu gồm Chris Smith, Ed Royce, Alan Lowenthal, Barbara Comstock, Tom Garrett, và Ileana Ros-Lehtinen kêu gọi Tổng thống Trump lên tiếng với Thủ tướng Việt Nam về những vi phạm nhân quyền của Hà Nội điển hình qua các trường hợp bắt bớ, giam cầm Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, và Mục sư Nguyễn Công Chính.

Bức thư cũng đề cập đến phúc trình năm 2017 của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế đề cập đến việc những nơi thờ phượng và chùa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị đóng cửa và tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo bị đánh đập và đe dọa, cũng như những người sắc tộc Tây nguyên theo Tin lành bị buộc phải từ bỏ tín ngưỡng của mình nếu không gia nhập giáo hội quốc doanh và một lãnh tụ của họ thiệt mạng vì bị tra tấn.

Thư đề ngày 31/5 do dân biểu Alan Lowenthal và Zoe Lofgren đồng ký tên gửi cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam bày tỏ quan ngại về trường hợp sức khỏe nguy cập của Hòa thượng Thích Quảng Độ và yêu cầu chính quyền Việt Nam chấm dứt mọi sự đàn áp, quản thúc đối với Đức Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cũng như tôn trọng quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Hai bức thư cũng nhắc lại việc chính phủ Việt Nam hứa hẹn cải thiện nhân quyền, tự do tôn giáo v..v… nhưng khi đạt được thỏa thuận hay giúp đỡ của nước ngoài thì không thực hiện lời hứa của mình.

Cả hai bức thư của các nhà lập pháp Mỹ nhấn mạnh rằng chỉ những quốc gia nào tôn trọng quyền của công dân mới là những đối tác đầu tư và thương mại đáng tin cậy của Hoa Kỳ. - VOA

***
Hai dân biểu Alan Lowenthal và Zoe Lofgren cũng gửi cho thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ quan ngại của họ về trường hợp cụ thể của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

Bức thư đề ngày 31 tháng 5 bày tỏ quan ngại của hai vị ký tên về trường hợp tiếp tục quản thúc Đại lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất; cũng như lệnh cấm đi lại đối với huynh trưởng Lê Công Cầu của giáo hội này; không cho ông đến thăm viếng Hòa thượng Thích Quảng Độ.

Hai vị dân biểu Hoa Kỳ nhắc lại Việt Nam đã ký Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự - Chính trị và Hiến pháp của Việt Nam cũng bảo đảm cho người dân quyền tự do lập hội, hội họp, và những quyền cơ bản khác.

Hai vị ký tên yêu cầu chính phủ của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải có hành động cấp thời điều tra những báo cáo về tình trạng cấm huynh trưởng Lê Công Cầu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đi lại; dở bỏ lệnh cấm như thế; ngoài ra cho phép vị Đại lão Hòa Thượng cao niên Thích Quảng Độ được tiếp cận những chăm sóc y tế cần thiết. - RFA
|
|

14.
Nghệ An: Chuyện gì xảy ra ở một giáo xứ?

Trong hai ngày 30-31/5, một số giáo dân thuộc giáo họ Văn Thai, xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An nói có xảy ra sự việc họ bị người lạ "tấn công, gây thương tích và hư hỏng tài sản".

Các vụ việc này, vẫn theo những nguồn tin trên, xảy ra ngay sau khi chính quyền Sơn Hải tổ chức một cuộc diễn tập quân sự (27-28/05) mà theo một số người dân địa phương thì đã có xảy ra xô xát. 

Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu phủ nhận các thông tin trên và khẳng định cuộc diễn tập diễn ra suôn sẻ và cuộc sống người dân ở đây luôn ổn định bình thường.

Trong hai đêm 30- 31/5, sau khi linh mục Nguyễn Đình Thục cùng giáo dân làm lễ tại giáo họ Văn Thai, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, thì xảy ra các vụ việc, linh mục nói với BBC.

Linh mục Nguyễn Đình Thục, người phụ trách giáo họ Văn Thai, thuộc giáo xứ Song Ngọc, nói "có người đến rất đông cầm theo gậy gộc, vũ khí, uy hiếp và ném đá vào nhà giáo dân".

Ông cho biết, gia đình của một giáo dân phải di tản, ba chiếc xe máy, cửa kính, tivi đều bị đập nát và người vợ phải đi bệnh viện điều trị vì bị thương.

Một giáo dân khác sở hữu cửa hàng nhôm kính cơ khí thì tài sản cũng bị đập phá nặng nề. 

Theo linh mục, giáo dân nhận ra một số người trong nhóm tấn công là các "thành phần nghiện hút, ma tuý và cờ bạc trong xã nhưng cũng có một số người là ở xã khác đến."

Có ít nhất 7-8 hộ bị hư hại nặng nề, còn lại bị bể ngói, bể cửa. Một số giáo dân đi di tản vẫn chưa dám quay về, nên vẫn chưa thống kê được thiệt hại, linh mục cho biết. 

Ông nói có rất nhiều cán bộ công an xuất hiện trong hai đêm vừa rồi nhưng họ lại không ngăn cản người dân mà chỉ đứng nhìn.

Trước tình trạng căng thẳng, linh mục nói ông có yêu cầu lực lượng công an can thiệp, 

"Vài cán bộ công an nói tôi nên lên xe họ đưa về vì ở ngoài dân rất đông và rất nguy hiểm. Tôi hỏi vì sao họ không ổn định trật mà cứ muốn đưa tôi về thì họ im lặng," linh mục Thục kể lại.

Xung đột từ cuộc diễn tập?

Chủ nhật tuần trước, hôm 28/5, chính quyền tổ chức một cuộc diễn tập tại xã Sơn Hải mà địa điểm diễn tập lại ngay sát nhà thờ giáo họ Văn Thai. 

Theo sơ Liêm, một nữ tu tại nhà thờ Văn Thai cho biết tầm 9 giờ kém sáng 28/5 "có hơn chục tiếng nổ ở bên sông cạnh nhà thờ". 

"Một người nằm trước nòng súng nói là 'không thà bắn tôi chết, còn hơn đụng đến chỗ linh thiêng này,'" Sơ Liêm thuật lại.

Bà Nguyễn Thị Trà một giáo dân từ giáo xứ Phú Yên đi ngang qua, định quay phim lại vụ việc thì đột nhiên bị tấn công và bị đưa lên UBND xã Sơn Hải.

Bà Trà cũng nói có một thanh niên bị đánh vào đầu chảy máu mũi và tai, trên đường đi bệnh viện thì có hiện tượng nôn mửa.

Trước những thông tin trên, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Huyện Quỳnh Lưu, ông Nguyễn Hữu Viên hoàn toàn phủ nhận các vụ việc tấn công, bất ổn tại xã Sơn Hải.

Linh mục cho biết giáo họ có khoảng 700 giáo dân tuy nhiên nằm tách biệt khỏi giáo xứ, và xung quanh là lương dân.

Diễn tập 'chống biểu tình của giáo dân'

Trước đó, báo Nghệ An nhiều lần mô tả Linh mục Thục và Linh mục Đặng Hữu Nam là những phần tử "gây kích động, phản động trong cộng đồng". 

"Việc diễn tập là hoàn toàn diễn ra theo kế hoạch đầu năm của huyện. Các xã có trách nhiệm báo cáo cho nhân dân về các kế hoạch của xã," ông Viên nói với BBC hôm 1/6.

Khi được hỏi về các vụ tấn công, các vụ bạo động thì ông Viên liên tục nhấn mạnh là "mọi chuyện bình thường, không có vấn đề gì cả."

Về địa điểm của buổi diễn tập, ngay gần nhà thờ Văn Thai, vốn tập trung đông đúc dân cư, ông Viên nói "Nó nằm ở trong kế hoạch nên không có vấn đề gì đâu!"

Ông cũng phủ nhận thông tin sử dụng súng đạn và mìn tại buổi diễn tập. Tuy nhiên các hình ảnh lan tràn trên mạng cho thấy một người đàn ông cầm một khẩu súng trường và có vỏ đạn vương vãi trong khuôn viên nhà thờ. 

"Các xã khác thì tôi không rõ, chứ xã Sơn Hải không vấn đề cả. Mối quan hệ lương dân với giáo dân bình thường. Anh em mới đi lễ dâng hoa Đức mẹ về đây." ông Viên cho biết.

BBC đã cố gắng liên lạc với với chủ tịch và phó chủ tịch huyện Quỳnh Lưu, và chủ tịch xã Sơn Hải nhưng máy bận trong ngày 01/06.

Trang web của Đài Truyền hình Nghệ An viết:

"Trong diễn tập thực binh, trung đội dân quân cơ động xã thực hành tình huống giả định đó là giải tán một cuộc kích động, biểu tình của bà con giáo dân về sự cố gây ô nhiễm môi trường biển của Formosa tại trụ sở UBND xã."

Xã Sơn Hải là đơn vị điểm tổ chức diễn tập chiến đấu phòng thủ năm 2017 của huyện Quỳnh Lưu, theo trang web này.

"Cuộc diễn tập chiến đấu phòng thủ bao gồm các nội dung: chuyển xã vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ thường xuyên lên cao; xử lý A2 theo kế hoạch bắt con tin; điều chỉnh kế hoạch phòng không nhân dân chuyển từ thời bình sang thời chiến; đưa địa phương vào tình trạng khẩn cấp về quốc phòng và điều chỉnh kế hoạch chiến đấu phòng thủ." 

Truyền thông Việt Nam cho hay hồi tháng 4 vừa qua đã có các vụ va chạm giữa giáo dân và lực lượng công an tại Quỳnh Lưu.

Đài truyền hình Nghệ An có phóng sự hôm 26/04 nói Linh mục quản xứ Song Ngọc Nguyễn Đình Thục đã lên loa thông tin cho bà con giáo dân và kéo tới trụ sở công an huyện Quỳnh Lưu để đòi lại số hàng hóa "bị công an đạp đổ". 

Còn theo báo Nghệ An hồi tháng 2/2017, "một số giáo dân ở Quỳnh Lưu bị kích động tụ tập gây mất an ninh trật tự"

Được biết, căng thẳng tại khu vục này đã xảy ra một thời gian qua.

Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại một hội nghị trực tuyến ngày 15/5, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Hữu Cầu nói thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng có sự "câu kết của các thế lực phản động ngoài nước với các đối tượng cực đoan đội lốt tôn giáo", báo Nghệ An viết, đồng thời đề xuất chính phủ cho áp dụng các 'chiến lược nhằm sớm ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn'.

Đáp lại, linh mục Đặng Hữu Nam nói với BBC Tiếng Việt gần đây rằng những 'hành vi sai trái' mà giới chức cáo buộc đã xảy ra tại Nghệ An trong năm tháng đầu năm 2017 đều bắt nguồn từ việc các linh mục sát cánh, dẫn dắt người dân đấu tranh phản đối Formosa. - BBC
|
|

15.
Chỉ số sản xuất của VN xuống thấp nhất trong vòng 14 tháng

Khu vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 5 xuống mức thấp nhất kể từ tháng ba năm ngoái với lý do được các công ty cho biết vì năng xuất sản lượng giảm lại, cũng như ít đơn đặt hàng mới.

Tờ Thời báo Tài chính loan tin này vào ngày 1 tháng 6.

Cũng trong lĩnh vực tài chính, Trưởng phòng Kế hoạch và Quản lý Rủi ro, Cục Quản lý Nơ & Tài chính Đối ngoại thuộc Bộ Tài chính Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Nghĩa vào chiều ngày 31 tháng 5 cho báo giới biết nợ công trong nước có thể đạt đỉnh trong năm nay.

Cụ thể theo ông Nghĩa thì năm 2017-2018 được dự báo sẽ là đỉnh của nợ công Việt Nam với mức có thể tiến sát ngưỡng 65% GDP (Tổng sản phẩm nội địa).

Đến cuối năm ngoái, mức nợ công của Việt Nam là gần 64% GDP, trong đó nợ Chính phủ là trên 52%.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết Bộ Tài chính và Chính phủ Việt Nam sẽ có biện pháp tái cơ cấu ngân sách, nợ công để bảo đảm không vượt quá mức 65% GDP. - VOA
|
|

16.
Hệ thống công quyền Việt Nam ‘mềm mỏng thái quá’ với dân Trung Quốc

Cách hành xử của hệ thống công quyền Việt Nam đối với ba du khách Trung Quốc đại náo phi trường Cam Ranh tối 29 tháng 5 khiến nhiều người Việt bất bình.

Tất cả phản hồi của độc giả tờ Thanh Niên đối với tin tường thuật về sự kiện này đều không tán thành việc giới hữu trách Việt Nam không làm gì ngoài việc sắp xếp cho Huang Shunxiang – 70 tuổi, Huang Lianjun – 37 tuổi và Chen Zexin – 6 tuổi, bay từ phi trường Cam Ranh về Thànmh Đô – Trung Quốc, trên một chuyến bay khác vào tối 30 tháng 5, sau khi cả ba đã đại náo phi trường Cam Ranh vào tối hôm trước.

Tối 29 tháng 5, sau khi gửi hành lý, nhận boarding pass cho chuyến bay từ phi trường Cam Ranh tới phi trường Thành Đô của Trung Quốc và đến quầy làm thủ tục xuất cảnh, ba du khách vừa kể đã quay ra, dứt khoát không lên phi cơ với lý do bị an ninh xuất nhập cảnh Việt Nam “vòi tiền”. Cả ba đòi nói chuyện với đại diện ngoại giao của Trung Quốc tại Việt Nam…

Sở Ngoại vụ Khánh Hòa, Sở Du lịch Khánh Hóa, bộ phận điều hành phi trường Cam Ranh đã phối hợp với Cục An ninh Xuất – Nhập cảnh của Bộ Công an Việt Nam giải quyết vụ này. Cách giải quyết là liên lạc với Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Sài Gòn, trưng dẫn băng ghi hình do camera giám sát an ninh ghi lại, theo đó, ba du khách Trung Quốc chỉ vào quầy làm thủ tục xuất cảnh trong 12 giây rồi quay ra. Không ai tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sĩ quan an ninh phụ trách xuất nhập cảnh Việt Nam “vòi tiền”.

Mới đây, một thượng tá tên là Nguyễn Văn Quân, chỉ huy an ninh xuất nhấp cảnh tại cửa khẩu phi trường Cam Ranh, bảo với phóng viên tờ Thanh Niên rằng, bà Huang Lianjun – người cáo buộc an ninh xuất nhập cảnh Việt Nam “vòi tiền” đã rút lại cáo buộc đó. Bà Huang giải thích, sở dĩ cả ba ăn vạ, không chịu lên bất kỳ phi cơ nào, đòi liên lạc với cơ quan ngoại giao của Trung Quốc tại Việt Nam vì an ninh xuất nhập cảnh Việt Nam không ưu tiên làm thủ tục xuất nhập cảnh cho gia đình bà dù họ có người già và trẻ em.

Ông Nguyễn Quốc Trâm, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa, nói thêm với tờ Thanh Niên, sau khi được giải thích, nhóm du khách Trung Quốc ăn vạ đã “đồng ý lên máy bay về nước” và sở này đã “phối hợp với các cơ quan liên quan tạo điều kiện để ba du khách Trung Quốc về nước”.

Có hàng chục độc giả để lại phản hồi sau khi đọc tin vừa kể trên tờ Thanh Niên. Họ bất bình vì “đất có Thổ công, sông có Hà bá”, Việt Nam có luật pháp mà hệ thống công quyền lại bỏ qua, không làm gì đối với nhóm du khách ngang ngược này. Câu hỏi chung mà tất cả những độc giả đó nêu ra là tại sao không cấm vĩnh viễn cả ba nhập cảnh Việt Nam?

Đây không phải là lần đầu tiên hệ thống công quyền Việt Nam tỏ ra “mềm mỏng” đến mức kỳ quái như thế đối với du khách Trung Quốc. Cách nay khoảng một năm, Vào ngày hôm 2 tháng 5 năm ngoái, một nhóm du khách Trung Quốc khác cáo buộc các nhân viên an ninh hàng không của Việt Nam ăn cắp điện thoại, nhân viên hải quan Việt Nam đòi tiền bồi dưỡng khiến hàng ngàn du khách Trung Quốc khác nữa đứng dậy đồng ca quốc ca Trung Quốc, hô nhiều khẩu hiệu bằng Hoa ngữ ở phi trường Cam Ranh, cũng vô sự. Cho dù giới hữu trách Việt Nam đủ chúng cứ (các băng ghi hình do camera giám sát an ninh ghi lại) bác bỏ những cáo buộc đó.

Hồi giữa năm ngoái, để xoa dịu sự căm phẫn của dân chúng Việt Nam trước sự kiện, sau khi ăn chơi đã đời, một nhóm du khách Trung Quốc gọi tiếp viên một bar tại Đà Nẵng đến xem nhóm này đốt giấy bạc Việt Nam rồi móc nhân dân tệ ra thanh toán… hệ thống công quyền Việt Nam đã phạt hướng dẫn viên và công ty du lịch Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn nhóm khách này.

Tháng 7 năm ngoái, chuyện duy nhất mà hệ thống công quyền Việt Nam thực hiện để xoa dịu sự căm phẫn của dân chúng Việt Nam, sau khi biết nhiều công dân Trung Quốc vào Việt Nam làm hướng dẫn viên du lịch cho các đoàn khách Trung Quốc trong một thời gian dài mà không có giấy phép hành nghề, bi bô với số khách này những nội dung như: Việt Nam vốn thuộc Trung Quốc. Dù tuyên bố độc lập nhưng ý thức được thế phụ thuộc của mình thành ra hàng năm, Việt Nam vẫn triều cống cho Trung Quốc. Các di tích văn hóa ở Việt Nam sao chép văn minh Trung Hoa. Bãi biển này, vùng đất kia thuộc Trung Quốc,… là trục xuất 64 công dân Trung Quốc làm việc cho Silent Bay – công ty của cựu Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Khánh Hòa.

Cần nhớ rằng, hệ thống công quyền Việt Nam chỉ “mềm mỏng” với công dân Trung Quốc. Cho đến lúc này, người dùng mạng xã hội Việt ngữ vẫn còn đang bàn tán về sự kiện ông Phan Châu Thành, một công dân Ba Lan gốc Việt, bị “đẩy, đuổi” khỏi Việt Nam. Hệ thống công quyền Việt Nam không công bố lý do “đẩy, đuổi”, từ chối cho ông Thành về thăm cha đang bị bệnh. Người ta đoán ông Thành bị cấm nhập cảnh vì đã tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, đòi đóng của Formosa, hoặc đã tài trợ cho một số dự án phát triển cộng đồng ở Việt Nam như “Sách hóa nông thôn” (quyên góp – khuyến khích trẻ con và nông dân đọc sách), “Nhà chống lũ”,… - nguoiviet


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét