Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




TIN CẬP NHẬT - THỨ BA 13/6/2017

Cảng Cam Ranh, biểu tượng cho quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt
Tin Thế Giới

1.
Trump sẽ tiếp tân Tổng thống Hàn Quốc ở Washington --- Mỹ 'lo ngại nhất về Bắc Hàn'

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ tiếp đón ông Moon Jae-in, tổng thống tân cử Hàn Quốc, vào cuối tháng này, theo thông báo của Tòa Bạch Ốc hôm 13/6.

Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề tăng cường liên minh hai nước và thúc đẩy hợp tác về các vấn đề kinh tế toàn cầu, cũng như phối hợp để chống các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, Hàn Quốc đã tuyên bố sẽ đình chỉ tiến trình triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) của Hoa Kỳ, cho đến khi hoàn tất đánh giá tác động môi trường theo lệnh của tân Tổng thống Moon Jae-In. - VOA

***
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis nói Bắc Hàn là "đe dọa gấp rút và nguy hiểm nhất" cho hòa bình và an ninh.

Trong tài liệu gửi cho Quốc hội trước hôm ra điều trần hôm 12/6, ông Mattis nói chương trình hạt nhân của Bắc Hàn là "nguy hiểm rõ rệt và hiện hữu".

Ông Mattis cũng nói thế giới đang quay lại sự cạnh tranh của các "đại cường", thể hiện qua Nga và Trung Quốc.

Nga và Trung Quốc "phản đối những khía cạnh chính của trật tự thế giới" từ sau Thế chiến Hai, theo bộ trưởng Mỹ.

Nội dung buổi điều trần trước Ủy ban Quân lực Hạ viện nhằm đề nghị tăng ngân sách cho quân đội Mỹ.

Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953, ba năm sau khi xung đột nổ ra làm chết khoảng 36.000 lính Mỹ, cùng một triệu thường dân.

Đầu tháng này, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mở rộng lệnh trừng phạt chống Bắc Hàn sau các vụ thử tên lửa.

Từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức tháng Giêng, Washington đã gia tăng quan tâm tình hình bán đảo Triều Tiên. - BBC
|
|

2.
Nhiều nghị sĩ Mỹ đòi tăng biện pháp trừng phạt Nga

Một nhóm Thượng nghị sĩ Mỹ hôm 12/6 đồng ý về dự luật tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga, kể cả điều khoản đòi hỏi Quốc hội tái xét nếu Tòa Bạch Ốc nới lỏng, đình chỉ hoặc chấm dứt các biện pháp trừng phạt đã có.

Thỏa thuận lưỡng đảng được đưa ra dưới hình thức là bản tu chính một dự luật mà Thượng viện đang xem xét về việc trừng phạt Iran. Dự luật này dự kiến sẽ được ủng hộ mạnh mẽ khi trình ra toàn thể Thượng viện. Dự luật sau đó còn phải được Hạ viện thông qua và Tổng thống Donald Trump ký thành luật.

Một thông báo của giới lãnh đạo Đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Ủy ban Ngân hàng Thượng viện nói rằng bản tu chính "mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với chính phủ Nga để đáp lại hành động vi phạm quyền toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và Crimea, các cuộc tấn công mạng trắng trợn, và hành động can thiệp bầu cử, cũng như hành động hiếu chiến đang tiếp diễn ở Syria".

Dự luật sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt hiện hữu nhắm vào các dự án năng lượng của Nga, trong khi áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với những cá nhân có dính líu vào các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, cung cấp vũ khí cho chính phủ Syria, tiến hành các hoạt động tấn công trên mạng và làm ăn với giới tình báo và quốc phòng Nga. - VOA
|
|

3.
Panama bỏ Đài Loan, lập quan hệ với Trung Quốc

Tổng thống Panama Juan Carlos Varela tuyên bố vào tối 12/6 rằng nước ông sẽ chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc. Một nhà phân tích cho rằng đây là một thành công lớn của Bắc Kinh trong việc cô lập hóa đảo quốc tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm 12/6, ông Varela nói Panama sẽ nâng cấp quan hệ thương mại với Bắc Kinh và thiết lập các quan hệ ngoại giao đầy đủ.

Quyết định của Panama đột ngột cắt đứt quan hệ với Đài Loan đã khiến nước này càng cương quyết hơn trong thái độ thách thức Trung Quốc. Phản ứng của Đài Loan là cắt đứt quan hệ chính thức với Panama và đồng thời, cắt tất cả các khoản viện trợ.

Trung Quốc, với sức mạnh của nền kinh tế trị giá 11,2 nghìn tỷ đôla và hơn 170 đồng minh ngoại giao, trong năm qua đã tiến hành một loạt biện pháp để ép Tổng thống ĐàiLoan Thái Anh Văn đàm phán và chấp nhận điều kiện tiên quyết, là hai bên đều coi mình là thành phần của cùng một quốc gia.

Bà Thái bác bỏ các điều kiện đối thoại của Trung Quốc và các quan chức ở Đài Bắc tin rằng Bắc Kinh trả đũa bằng cách lập quan hệ với các đồng minh của Đài Loan trước đây, là Sao Tome và Principe vào tháng 12/2016.

Nhưng giới phân tích cho rằng Trung Quốc chỉ muốn cảnh báo Đài Loan mà tránh làm bùng lên sự phẫn nộ, trong khi vẫn mở cánh cửa trong trường hợp bà Thái thay đổi và có chính sách thân thiện hơn với Bắc Kinh. 

Công chúng Đài Loan phẫn nộ được coi là có nhiều khả năng bầu cho các nhân vật có lập trường cứng rắn chống Bắc Kinh.

Theo Alex Chiang, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Bắc, Trung Quốc sẽ thận trọng tỉa dần 20 đồng minh ngoại giao còn lại của Đài Loan, phần lớn là các nước nghèo ở Châu Phi, Trung Mỹ, Caribê và Nam Thái Bình Dương.

Đài Loan có thể tồn tại với chưa đến 10 đồng minh nếu cần thiết, theo nhận định của các nhà khoa học chính trị. Chính phủ Đài Loan chủ yếu trông cậy vào tiếng nói của các đồng minh này tại Liên Hiệp Quốc. Đài Loan đã rời tổ chức này năm 1971 khi LHQ kết nạp Trung Quốc.

Đài Loan vẫn giữ mối quan hệ không chính thức nhưng chặt chẽ với Nhật Bản và Hoa Kỳ. Shane Lee, nhà khoa học chính trị của Đại học Thiên Chúa giáo Chang Jung ở Đài Loan, nói hai nước này có thể hỗ trợ Đài Loan nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng. - VOA
|
|

4.
Trung Quốc muốn thông qua COC mà không có bên ngoài can thiệp

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Hai kêu gọi đẩy nhanh tiến trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở biển Đông mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.

Ông Vương đưa ra lời kêu gọi này tại một cuộc họp báo chung với người đồng cấp từ phía Singapore Vivian Balakrishman ở Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Vương nói Trung Quốc và các nước ASEAN đã đồng ý về một hiệp định khung cho Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông hôm 18/5 trước thời hạn được ấn định. Việc tư vấn về những điều kiện tiên quyết cho một môi trường an toàn và loại bỏ sự can thiệp từ mọi phía đã diễn ra thuận lợi, theo ghi nhận của Reuters.

Người đứng đầu Bộ ngoại giao Trung Quốc nói vào tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc và các thành viên ASEAN đã ra một tuyên bố chung về việc tiến hành đầy đủ và hiệu quả của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Tuyên bố này quy định rằng những tranh cãi về các đảo Vĩnh Viễn (tiếng Anh là Nanshan) cần được giải quyết một cách ôn hòa bằng thương lượng giữa các bên có liên quan trực tiếp.

Kể từ đó, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đã trở nên nồng ấm hơn và Philippines cũng đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán song phương về vấn đề biển Đông với Trung Quốc. Với những nỗ lực có phối hợp của Trung Quốc và các bên liên quan, tình hình biển Đông đã trở nên ổn định hơn. Tất cả những điều này đã tạo nên các tiền đề cần thiết cho việc đàm phán COC, theo Reuters.

Trong khi đó, ông Vương nhấn mạnh rằng việc thảo luận và lập COC được quy định trong DOC, và đó là điều mà Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đã cam kết.

Vị ngoại trưởng này nói “Trung Quốc và các nước ASEAN, thông qua những nỗ lực chung của chúng ta, có đủ khả năng để lập nên những điều lệ mang tính khu vực cho hòa bình và sự ổn định trên biển Đông bằng một phương thức độc lập.”

Người đứng đầu bộ Ngoại giao Trung Quốc được Reuters trích lời nói tiếp rằng “Tôi nghĩ chừng nào chúng ta tiếp tục tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, cùng làm sâu sắc thêm sự hợp tác và loại bỏ sự can thiệp từ bên trong và bên ngoài khu vực, có thể sự can thiệp từ bên ngoài là nhiều hơn, và sau khi có được những sự chuẩn bị cần thiết từ các bên, chúng ta sẽ có thể tổ chức các cuộc thảo luận trọng yếu về các văn bản COC tại một thời điểm thích hợp cho tới khi chúng ta đạt được những điều luật mang tính khu vực. Chúng tôi tự tin vào điều này.” - VOA
|
|

5.
Nga bắt lãnh tụ đối lập ngay trước biểu tình --- Nga bắt hơn 1.500 người biểu tình chống Putin

Cảnh sát Nga đã bắt giữ thủ lãnh của phe đối lập Alexei Navalny bên ngoài ngôi nhà của ông ở Moscow hôm thứ Hai, ngay trước một cuộc biểu tình không được nhà nước cho phép.

Trên trang Twitter của ông Navalny, vợ ông cho biết ông bị bắt giam khoảng 30 phút trước khi cuộc biểu tình bắt đầu. Nhưng bà nói ông đã yêu cầu cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra như dự định.

Tin cho hay văn phòng của ông Navalny cũng bị cắt điện hôm thứ Hai.
Các giới chức cảnh báo người biểu tình tránh “khiêu khích và hành động bất hợp pháp”.

Ông Navalny là một nhân vật chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin, cáo buộc ông và các giới chức khác về tội tham nhũng.

***
Đông đảo người dân Nga lại xuống đường biểu tình rầm rộ phản đối chính quyền và tình trạng tham nhũng ngày 12/06/2017 theo lời kêu gọi của nhà đối lập Alexei Navalny. Khoảng 1.500 người tham gia đã bị cảnh sát bắt giữ và đưa ra xét xử ngày hôm nay. Trước đó, nhà đối lập Navalny bị bắt tại nhà riêng và bị kết án tù 30 ngày vì kêu gọi tập hợp mà không được chính quyền cho phép.

Đông đảo người biểu tình là giới trẻ. Đó là những học sinh và sinh viên, từ khi sinh ra đến nay, chỉ biết đến một tổng thống, Vladimir Putin.

Theo thông tín viên RFI Muriel Pomponne, có mặt trong cuộc biểu tình tại Matxcơva, bất chấp các biện pháp trấn áp của cảnh sát, giới trẻ vẫn xuống đường thể hiện sự bất bình của mình :

""Chúng tôi đến đây vì muốn chính quyền thay đổi. Điều đó chắc sẽ giúp dẹp được tình trạng tham thũng ». Kirill, một thanh niên 29 tuổi, mặc chiếc áo ghi dòng chữ : « Tôi yêu nước Nga, nhưng tôi chán chế độ ». 

Rất nhiều người biểu tình tự nhận là « yêu nước » nhưng phản đối chế độ hiện tại, như trường hợp của Artiom với lời tuyên bố : « Ủng hộ Tổ Quốc và chống những gì đang diễn ra tại đây, tham nhũng, bất công xã hội, ám sát mang động cơ chính trị. Tôi ủng hộ chính trị gia Alexei Navalny ».

Tuy nhiên, phần lớn người biểu tình không hẳn là ủng hộ Navalny. Họ còn trẻ, họ chỉ biết mỗi Putin là tổng thống và họ muốn điều này thay đổi. Họ đồng thanh hô vang « Một, hai, ba, Putin, hãy ra đi ! ». Khẩu hiệu này không hề được nghe thấy trong cuộc tuần hành ngày 26/03. Sau đó, người biểu tình chuyển hướng sang tố cáo thủ tướng Nga và hô vang « Chúng ta mới là người nắm quyền ».

Dường như không có gì khiến những thanh niên này sợ. Họ tìm cách ngăn chận cảnh sát khi một số người biểu bị bắt đi và tiếp tục hét hô vang : Chúng tôi chán lắm rồi, ngay trước mặt cảnh sát". - RFI
|
|

6.
Thủ tướng Anh trình làng nội các mới --- Nước Anh tan nát sau cơn bão chính trị

Thủ tướng Anh Theresa May vừa ra mắt nội các chính phủ mới của bà, đặt trọng tâm vào các vấn đề xã hội và “thực hiện Brexit thành công”.

Nội các được cải tổ chính thức ra mắt hôm Chủ nhật, giữa lúc có những kêu gọi ngay trong đảng Bảo thủ của bà May đòi bà từ chức, vì đã kêu gọi một cuộc bầu cử sớm mà kết quả là thế đa số của đảng Bảo thủ trong Quốc hội bị xóa sạch trong cuộc đầu phiếu hôm thứ Năm tuần rồi.

Bà Theresa May phát biểu:

“Đây là một chính phủ đang tiếp tục sắn tay vào làm việc để thực hiện những gì cần làm hầu đảm bảo đây là một chính phủ cho tất cả mọi người, đảm bảo cơ hội cho tất cả trên khắp nước, và đảm bảo mọi người có thể tận hưởng tối đa cuộc sống của mình. Chính phủ này đang tiếp tục làm việc”.

Đảng Bảo thủ giành được 318 ghế trong Hạ viện Anh, thiếu 8 phiếu để duy trì thế đa số, trong khi đảng đối lập chính, Đảng Lao động, giành được 262 ghế.

Thủ tướng May đang vận động để đạt thỏa thuận với Đảng Liên minh Dân chủ Bắc Ireland, đảng đã giành được 10 ghế, để thành lập chính phủ.

Thỏa thuận này cần được đưa ra trước ngày 19 tháng 6, khi Nữ hoàng Elizabeth có bài diễn văn về chương trình của chính phủ.

Đàm phán Brexit với Liên minh châu Âu cũng sẽ bắt đầu trong vòng chưa đầy 10 ngày. Bà May xác nhận với Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng Anh sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán theo đúng kế hoạch đã định. - VOA

***
Gần một tuần từ sau ngày bầu cử đầy chấn động, những cơn sóng ngầm vẫn tiếp tục làm chao đảo chính trường Luân Đôn trong bối cảnh tuần sau Anh Quốc chính thức bắt đầu đàm phán với Liên Hiệp Châu Âu về thủ tục Brexit.

Hầu như tất cả các báo Anh, từ những tờ bình dân như Metro cho đến những tờ cao cấp như Financial Times đều gọi nữ thủ tướng Theresa May là "xác chết biết đi". Phóng viên nào cứ hễ gặp nghị sĩ của đảng Bảo Thủ đều hỏi xem họ có còn tin tưởng lãnh đạo của mình hay không. Thủ tướng Anh đã phải xin lỗi các đảng viên đã tổ chức bầu cử trước thời hạn, khiến họ mất ghế. Bà May tuyên bố chỉ ngồi ghế chủ tịch đảng khi nào các đảng viên còn tín nhiệm mà thôi.

Lẽ ra tuần sau là nữ hoàng Anh phải có bài phát biểu khai mạc Quốc Hội theo thông lệ, nhưng cho tới giờ này, nhiều tin tức cho rằng việc đó có thể bị hoãn lại. Đây là một dấu hiệu cho thấy những bất ổn bên trong nội bộ của đảng cầm quyền.

Dù rằng bộ trưởng Ngoại Giao Boris Johnson phủ nhận các tin đồn, nhưng theo báo chí ông có thể là người chuẩn bị thay thế vị trí lãnh đạo của bà Theresa May. Nhưng bất kể ai sẽ làm thủ tướng thì đảng Bảo thủ cầm quyền đều sẽ gặp khó khăn khi phải đối mặt với phe đối lập đang được giới trẻ ủng hộ.

Lãnh đạo Công Đảng Jeremy Corbyn, theo báo chí, đang đầy tự tin sau thắng lợi chủ yếu nhờ vào số cử tri trẻ tuổi, hăng hái tham gia làm tăng tỷ lệ người đi bỏ phiếu lần này. Cứ theo đà này thì chính phủ nhiệm kỳ sau sẽ thuộc về Công Đảng. Trong bối cảnh như vậy, bất kỳ ai ngồi vào ghế lãnh đạo nước Anh hiện nay đều sẽ rất bất an và luôn trong tâm bão chính trị.

Anh yếu thế trước hai đầu tàu Liên Hiệp Châu Âu là Pháp và Đức 

Thứ Hai tuần sau, 19/06/2017 nước Anh bắt đầu đàm phán để rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu, đúng thời điểm kết quả cuộc bầu cử Quốc Hội Pháp đem lại chiến thắng áp đảo cho lực lượng mới của tổng thống Macron. Tân lãnh đạo Pháp thì đang kiên quyết bảo vệ mô hình liên minh, vốn là ý tưởng của nước Pháp. Sau nước Đức giờ lại tới nước Pháp lạnh lùng không thương xót quyết sẽ "không để lại gì" cho nước Anh đã trót ra quyết định rời bỏ con tàu châu Âu. Bên kia bờ Đại Tây Dương, bàn tay của tổng thống Hoa Kỳ mới ngày nào trấn an thủ tướng Anh nay lại ngỏ ý sẽ không sang Anh vào tháng 7/2017 để tránh những cuộc biểu tình rầm rộ của dân chúng.

Thủ tướng May hôm nay phải bay sang Bắc Ai Len để gặp lãnh đạo Đảng Dân Chủ Liên Hiệp- DUP nhỏ bé với chỉ vỏn vẹn 10 nghị sĩ trong Quốc Hội. Đảng này có lẽ là người bạn duy nhất của chính phủ Anh trong hoàn cảnh này. DUP không hoàn toàn vô tư mà kèm theo là rất nhiều điều kiện về quyền lợi kinh tế.

Trong khi đó, đầu tàu kinh tế là Luân Đôn thì hầu như đều nằm trong tay của phe Công Đảng bên đối lập. Thị trưởng Luân Đôn cũng đòi một qui chế riêng cho thành phố này trong cuộc đàm phán Brexit. Có thể thấy rất rõ ràng là nước Anh đang có nguy cơ tan rã thành nhiều mảnh ngay khi mới chỉ chuẩn bị bước ra khỏi mối quan hệ liên kết với Liên Hiệp Châu Âu. Thủ tướng Anh vận động tranh cử với khẩu hiệu muốn nước Anh "vững mạnh và ổn định", nhưng rõ ràng là cử tri không mặn mà gì lắm với hướng đi đó.

Kịch bản Brexit "cứng" hay "mềm" ? 

Như vậy, cuộc sống của công dân châu Âu đang làm việc ở Anh sẽ ra sao ? Bất kể đảng nào cầm quyền thì Luân Đôn đều đã khởi động điều khoản 50 và sẽ phải đàm phán từ tuần sau để ra khỏi Liên Hiệp.

Vấn đề là người dân bỏ phiếu Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý, nhưng không ai định nghĩa rõ ràng Brexit nghĩa là như thế nào. Bản thân mỗi nước thành viên châu Âu đều có điều kiện khác nhau trong mối liên kết, ví dụ như Hungary và Ba Lan vẫn dùng tiền riêng, còn nước Anh không hề mở cửa biên giới như hiệp ước Schengen. Bây giờ là lúc nước Anh đưa ra các điều kiện cụ thể xem muốn rút chân ra khỏi hiệp ước cụ thể nào, và thủ tướng Theresa May trước đây muốn ngưng việc phải tuân thủ theo phán quyết của tòa châu Âu, nhưng vẫn giữ nguyên tư cách trong khối thị trường chung châu Âu, quyết tâm không nhân nhượng với các đòi hỏi của Bruxelles.

Bây giờ bước tường châu Âu cao thêm rất nhiều sau kết quả bầu cử Pháp. Còn vị thế của thủ tướng Anh kém đi rất nhiều sau thất bại chính trị vừa qua. Chính phủ mới sẽ khó dám đưa ra đòi hỏi gì quá đáng.

Lãnh đạo Công Đảng đã tuyên bố ngay sau ngày thắng cử là sẽ bảo đảm cuộc sống cho những công dân châu Âu hiện đang làm việc ở Anh, theo hiệp ước tự do cư trú của Liên Hiệp Châu Âu. Chính điều này là một trong số các tâm điểm tạo ra tranh cãi trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, vì người ta cho rằng công dân từ châu Âu sang Anh làm việc tạo ra gánh nặng cho hệ thống y tế và an sinh xã hội.

Trong bối cảnh tình hình chính trị nội bộ phân rã có thể nói là tối đa, nước Anh sẽ khó đàm phán rời Liên Hiệp Châu Âu theo kiểu trọn gói, mà cũng sẽ rã rời theo từng mảnh một.

Ví dụ như đảng Dân Chủ Liên Hiệp trong liên minh cầm quyền muốn vẫn duy trì đường biên giới mềm với Ai Len, tức là một nước trong khối Liên Hiệp Châu Âu, cho nên chắc chắn sẽ đòi một ngoại lệ.

Mà nhìn quanh nước Anh thì ai cũng muốn được ngoại lệ như vậy và có thế mạnh riêng để đòi, như là thái độ thân Âu của xứ Scotland và quyền lợi kinh tế hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào châu Âu như thủ đô Luân Đôn. Cho nên, có vẻ như nước Anh sẽ bước vào bàn đàm phán bằng một bản kế hoạch rời vụn, chắp vá và hoàn toàn yếu thế từ đủ mọi phía.

Dư luận Anh "bừng tỉnh" sau khi bỏ phiếu Brexit

Cuối tháng 6/2017, các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh mà không có mặt nước Anh, để bàn về các vấn đề như di dân, an ninh, việc làm và đặc biệt nhất là kế hoạch đàm phán để đối phó với đồng minh cũ là nước Anh. Đây là một hình ảnh rõ ràng nhất để dân chúng người Anh thấy là họ không còn ở trong khối nữa.

Tính ra đã gần đúng một năm kể từ tháng 6/2016 khi nước Anh bỏ phiếu và ra quyết định rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, nhưng có vẻ như là người dân và kể cả báo chí Anh vẫn còn "ngủ nướng" trong giấc mơ tranh cãi xem có nên Brexit hay không, chứ chưa chịu thức giấc để đặt chân xuống mảnh đất mà giờ đây đã bắt đầu tách khỏi gia đình châu Âu vì thủ tướng đã chính thức khởi động điều 50 để bắt đầu qui trình đó.

Nhiều người Anh có lẽ bây giờ đang ngơ ngác tự hỏi vậy thì họ sẽ làm gì nếu không có Liên Hiệp Châu Âu bên cạnh nữa. Có lẽ đó cũng chính là điều khiến giới trẻ nước Anh thức giấc và bỏ phiếu cho bên phía đối lập. Chính họ sẽ là người phải trả cái giá sau này cho những sai lầm hiện nay, mà gánh nặng kinh tế sẽ khiến họ bất lợi so với bạn bè bên châu Âu.

Sinh viên Anh bây giờ phải trả tiền học, trợ cấp và an sinh xã hội không còn dễ dàng thoải mái như trước, mà tương lai thì có nguy cơ phải thắt lưng buộc bụng để trả phí cho những sai lầm của đảng cầm quyền.

Với lá phiếu cho phe đối lập vào giờ chót như vừa qua, ít nhất họ hi vọng có được tiếng nói trong giai đoạn khó khăn này. Hiện tượng này cho phép nhìn nhận rằng xã hội nước Anh đã có một thay đổi rất lớn ở bên trong và xu hướng này có thể cứu vãn được phần nào mối quan hệ đã tan rã giữa nước Anh và Liên Hiệp Châu Âu. - RFI
|
|

7.
Miến Điện: Người đứng đầu LHQ ở Miến Điện rời vị trí

Liên Hiệp Quốc (LHQ) vừa khẳng định viên chức cao cấp nhất của họ tại Miến Điện đang được yêu cầu rời khỏi chức vụ của mình. 

Nguồn tin ngoại giao và giới làm công tác viện trợ tại Yangon nói với BBC rằng quyết định này có liên quan tới việc bà Renata Lok-Dessallien đã không làm được việc đặt nhân quyền là ưu tiên hàng đầu.

Cụ thể là nó liên quan tới người thiểu số Hồi giáo Rohingya bị đàn áp.

Tài liệu nội bộ LHQ mà BBC được xem nói rằng tổ chức này đã trở nên "bất lực rõ rệt", và bị tàn phá vì những căng thẳng nội bộ. 

Một phát ngôn viên của LHQ khẳng định bà Lok-Dessallien, một công dân Canada, đang được "chuyển công tác", và nói rằng nó không có liên quan gì tới công việc của bà mà phát ngôn viên này nói rằng những gì bà làm được luôn "được đánh giá cao".

Hồi cuối năm ngoái, khi hàng chục ngàn người Rohingya bỏ chạy trước tình trạng bị binh lính Miến Điện hãm hiếp và lạm dụng, nhóm LHQ làm việc tại Miến Điện đã im lặng một cách kỳ lạ. 

Bà Lok-Dessallien và phát ngôn viên của bà từ chối các yêu cầu cung cấp thông tin đơn giản; và có lần khá kỳ cục, trở về sau khi tới thăm khu vực có xung đột, bà đã từ chối không cho phép phóng viên quay phim hay ghi âm những gì bà nói tại một cuộc họp báo. 

Đài BBC được biết là nhiều lần nhân viên cứu trợ chú trọng về nhân quyền đã bị loại có chủ ý không được dự các cuộc họp quan trọng. 

Các trường hợp đó phản ánh những chỉ trích đối với bà Lok-Dessallien và nhóm nhân viên LHQ tại đây và nêu rõ ưu tiên của họ là xây dựng các chương trình phát triển và một mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ Miến Điện chứ không phải là quảng bá cho quyền của những người thiểu số bị đàn áp, như người Rohingya, phải được tôn trọng.

Trong một tài liệu nội bộ chuẩn bị cho Tổng thư ký LHQ mới, nhóm LHQ tại Miến Điện được miêu tả là "bất lực rõ rệt" với "những căng thẳng cao" giữa các bộ phận khác nhau trong hệ thống LHQ.

Bà Lok-Dessallien hiện đang nghỉ phép nhưng được báo là vị trí của bà đang được nâng cấp và như vậy vị trí cũ của bà cũng kết thúc sau ba năm rưỡi thay vì một nhiệm kỳ năm năm. - BBC
|
|

8.
Khả năng có đa số áp đảo tại Quốc Hội Pháp: Macron sẽ "bá quyền"?

Dư chấn kết quả vòng một bầu cử Quốc Hội vẫn còn lan mạnh. Hiện đang dẫn đầu tại 451 đơn vị bầu cử, đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Pháp Emmanuel Macron có khả năng lớn chiếm đa số áp đảo ở Quốc Hội. « Liệu có nên lo sợ ‘sự bá quyền’ của ông Macron hay không ? » đang là câu hỏi được báo chí Pháp ngày 13/06/2017 đề cập đến nhiều nhất.

Trên trang nhất, Le Monde ghi nhận: « Macron không đối lập, một tỷ lệ vắng mặt kỷ lục ». Với 32,3% phiếu bầu, các ứng viên đảng Cộng Hòa Tiến Bước LREM rõ ràng đã thắng lớn trong vòng một bầu cử Quốc Hội ngày Chủ Nhật 11/6. Theo dự phóng của các viện thăm dò, LREM sẽ có được một đa số áp đảo với từ 400-450 dân biểu.

Chiếc bẫy của đa số áp đảo

Nhiều chính đảng khác khai thác hiện tượng này làm chủ đề vận động tranh cử vòng hai và nhấn mạnh đến nguy cơ « bá quyền » của đảng Cộng Hòa Tiến Bước tại Quốc Hội. Báo Le Monde có bài xã luận « Macron và những thách thức bá quyền ».

Trước vòng một cuộc bầu cử Quốc Hội, những người ủng hộ Emmanuel Macron đồng thanh kêu gọi hãy để cho tân tổng thống có cơ may, hàm ý có được đa số tại Quốc Hội để thực hiện các cam kết đưa ra lúc tranh cử. Lời kêu gọi này đã được lắng nghe. Đảng Cộng Hòa Tiến Bước đã được toại nguyện, vượt quá cả mong đợi và đang trở thành chính đảng lớn nhất tại Pháp, ít ra là ở Quốc Hội.

Bởi vì, đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa chỉ còn khoảng một nửa số ghế so với nhiệm kỳ trước, Đảng Xã Hội cánh tả đang hấp hối, đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia và đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất có số cử tri ủng hộ giảm mạnh so với cuộc bầu cử tổng thống cách nay hơn một tháng.

Tuy nhiên, báo Le Monde lưu ý, không nên nhầm lẫn giữa thành công nhanh chóng (đảng Cộng Hòa Tiến Bước mới được thành lập cách nay 16 tháng) và đà tiến bước năng động với sự ủng hộ của toàn dân. Lần đầu tiên trong Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp, tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu lên tới mức kỷ lục, 51,29 %. Do vậy, đảng Cộng Hòa Tiến Bước, tuy về đầu, nhưng chỉ đạt có 15,39% tính theo tổng số cử tri đăng ký.

Nếu như Emmanuel Macron đã thành công với một loạt các hoạt động mang tính biểu tượng cao, vốn thiếu vắng trong các nhiệm kỳ tổng thống trước, thì cuộc bầu cử Quốc Hội lần này có nguy cơ đào sâu thêm sự thiếu hụt trong hệ thống chính trị Pháp : đó là tính đại diện.

Báo Le Monde thừa nhận là việc các chính đảng lớn truyền thống khác đã tỏ ra không hảo tâm, thiếu trung thực, khi nêu ra nguy cơ bá quyền của đảng Cộng Hòa Tiến Bước tại Quốc Hội vì trong quá khứ, các đảng này cũng đã từng có đa số tuyệt đối. Tuy nhiên, điểm khác biệt lần này là đảng của tổng thống Macron chỉ có số phiếu thuận khá thấp, hơn 15% một chút, nhưng lại có rất nhiều đại diện ở Quốc Hội.

Trong bối cảnh đó, Le Monde nêu ra một loạt thách thức đối với đảng Cộng Hòa Tiến Bước : Làm thế nào để tôn trọng được các tranh luận thực sự tại Quốc Hội khi mà với đa số áp đảo, đảng của tổng thống có nguy cơ không lắng nghe các tiếng nói đối lập ?

Liệu đảng Cộng Hòa Tiến Bước có thể áp đặt được một sự thay đổi sâu sắc trong đời sống chính trị Pháp, cụ thể là thay đổi các tập quán vốn có từ lâu đời, chứ không phải chỉ thay đổi con người ? Việc « quản lý » một đa số tại Quốc Hội rất đa dạng, đến từ những môi trường, ngành nghề khác nhau, sẽ ra sao ?

Làm thế nào mà các dân biểu của đảng Cộng Hòa Tiến Bước, mà đa số là « tân binh » trong hoạt động chính trị và rất phụ thuộc tổng thống Macron, lại có thể thực hiện được chức năng « kiểm soát » hành pháp, tức chính phủ của tổng thống ? Làm thế nào để những tiếng nói đối lập được thể hiện tại Quốc Hội chứ không phải ở nơi khác, tức là qua các cuộc biểu tình tuần hành ?…

Le Monde kết luận, chưa phải là quá muộn để các cử tri đặt những câu hỏi đó cho các ứng viên của đảng Cộng Hòa Tiến Bước, trước vòng hai cuộc bầu cử Quốc Hội, được tổ chức vào ngày 18/06 tới đây.

Siêu đa số : Một rủi ro lớn

Cùng về chủ đề này, báo kinh tế Les Echos có bài « Bầu cử Quốc Hội : Macron trước những cạm bẫy của một thắng lợi áp đảo », bày tỏ sự lo lắng trước việc đảng Cộng Hòa Tiến Bước có đa số áp đảo, làm át đi mọi tiếng nói đối lập.

Tờ báo cho rằng, do số ghế của các đảng đối lập khác quá ít, việc cải cách hệ thống bầu cử, áp dụng phương thức bầu dân biểu theo tỷ lệ phiếu, trở thành một vấn đề đáng quan tâm. Ông Macron đã hứa xem xét khả năng này khi vận động tranh cử tổng thống, nhưng không nêu ra lịch trình cụ thể.

Về phần mình, nhật báo công giáo La Croix chạy trên trang nhất lời cảnh báo : « Những rủi ro của một siêu đa số » tại Quốc Hội. Xã luận của tờ báo nói đến « Nghịch lý của một thắng lợi » : sự thống trị của đảng Cộng Hòa Tiến Bước tại Quốc Hội càng trở nên áp đảo trong bối cảnh phe đối lập bị phân chia thành những cực nhỏ không thể đồng thuận được với nhau.

Do vậy, tổng thống Macron cũng như chính phủ của ông cần phải rất thông minh để lãnh đạo đất nước trong tình hình này. Nhất thiết phải chú ý tới sự thờ ơ của người dân (được thể hiện qua tỷ lệ không đi bầu rất cao), sự thất vọng, bất mãn, cũng như sự cay đắng của những cử tri không đi bầu. Tân chính quyền có thể rộng tay hành động nhưng không vững chắc. Do vậy, tuyệt đối tránh tư tưởng đắc thắng.

Đảng Xã Hội « chết lâm sàng » : Lỗi tại ai ?

Một hệ quả khác cũng không kém phần quan trọng trước làn sóng Tiến Bước, mà báo chí Pháp từ hai ngày qua không ngần ngại ví đấy như là một « trận sóng thần » : sự tan nát của các đảng chính trị truyền thống. Chưa có một cuộc bầu cử nào gây ra nhiều nạn nhân chính trị như lần này.

Trên trang nhất, Le Figaro chạy tít lớn : « Sau làn sóng Tiến Bước !, tả, hữu và cực hữu Mặt Trận Quốc Gia dưới cú sốc». Nhật báo thiên hữu dành đến 11 trang để đánh giá tác động kết quả vòng một vừa qua. Từ việc « Tiến Bước ! đối mặt với chiến thắng của mình » ra sao, cho đến « Sự chia rẽ trong cánh hữu », « Cánh tả chìm trong khủng hoảng » như thế nào và « thanh toán nội bộ trong đảng Mặt Trận Quốc Gia ».

Đặc biệt, nhật báo thiên hữu này lại quan tâm cho số phận của Đảng Xã Hội (Parti Socialiste -PS). Trận sóng thần ngày 11/6 như đẩy đảng chính trị cánh tả này vào trạng thái « chết lâm sàng » sau đúng 46 năm tồn tại. Đến mức, tờ báo cảm thấy « bầu không khí tang tóc bao trùm lên phố Solferino thật là ấn tượng » (10 đường Solferino là trụ sở Đảng Xã Hội ở quận 7, Paris)

Ấn tượng là vì trong vòng 5 năm nhiệm kỳ tổng thống François Hollande thuộc Đảng Xã Hội, đảng chính trị lớn này đã lao xuống địa ngục với một tốc độ đến chóng mặt. Trong giai đoạn 2012-2017, PS lần lượt thua trên các mặt trận bầu cử: Từ địa phương, cho đến cấp tỉnh rồi qua cả vùng.

Ấn tượng là vì sự lao dốc đó đã được báo trước nhưng chẳng ai làm gì để tránh cả. Lỗi tại ai ? Đầu tiên là tổng thống mãn nhiệm François Hollande, vì đã không có đủ can đảm cũng như sức tưởng tượng để thực hiện các cải cách.

Lỗi tại một số các dân biểu trong đa số mãn nhiệm, mà tờ báo không ngần ngại nêu đích danh ông Benoit Hamon, ứng viên xấu số của PS trong bầu cử tổng thống. Những người này đã cản trở chính các bộ trưởng của phe mình, vốn dĩ muốn thực hiện những thay đổi trong kinh tế - xã hội.

Do đó, việc những người này hay người khác lần lượt bị đánh bại trong ngày 11/6 cũng là lẽ đương nhiên. Cuối cùng Le Figaro kết luận đây cũng là lời cảnh báo cho đa số sắp tới, rằng nếu không biết tránh những bất đồng, thì cái giá phải trả sẽ là rất đắt.

Cánh tả trên đà tuyệt chủng ?

Libétion dành đến 10 trang báo để phân tích những tác động của đợt sóng thần « Tiến Bước » lên các đảng truyền thống. Tuy nhiên điều làm cho tờ báo thiên tả này lo lắng nhất là sự tan rã của cánh tả Pháp. Không chút ảo tưởng, cộng với chút vị cay đắng, trên nền ảnh sa mạc mênh mông, không bóng người chỉ là toàn cát, Libération chua chát chạy tựa : « Cánh tả : Chẳng còn gì hết ».

Nếu theo dự phóng của các viện thăm dò, sau vòng hai bầu cử, cánh tả Pháp, bao gồm Đảng Xã hội, Nước Pháp Bất Khuất, Đảng Cộng Sản, đảng Môi Sinh… chỉ có chưa tới 50 ghế dân biểu tại Quốc Hội. Trong khi đó, trong nhiệm kỳ 2012-2017 chỉ riêng Đảng Xã Hội của tổng thống mãn nhiệm Hollande đã chiếm đến hơn 300 ghế.

Cánh tả đã chết ? Libération đặt câu hỏi. Ngày 11/6 vừa qua đã cho thấy toàn quanh cảnh một cánh tả vỡ vụn, bị nghiền nát, bị thu nhỏ đến mức tờ báo gọi phe này là cánh tả « nano » và đang trên đà tuyệt chủng, tờ báo chua chát mỉa mai trong bài xã luận.

Tuy nhiên trong tình cảnh bi đát đó, nhật báo thiên tả này vẫn còn thấy chút tia hy vọng cho cánh tả. Chủ trương tự do toàn cầu hóa trong quá trình thực hiện sẽ luôn làm dấy lên một sự đối lập cơ bản. Chính trong sự gian khó này sẽ làm nảy sinh những tia hy vọng muốn xây dựng một xã hội « ít bất bình đẳng hơn, công bằng hơn. »

Để có được điều này, Libération cho rằng « cánh tả phải có một dự án dài hạn, một chương trình hành động thực tế và thỏa hiệp. Một cánh tả đoàn kết vượt lên trên những tranh cãi nhất thời. Một cánh tả không quên đi lịch sử lâu dài của mình, cũng như những tuyên cáo của chủ nghĩa xã hội về tự do, để làm chủ hiện tại và vạch ra tương lai của chính mình". - RFI
|
|

9.
Khủng hoảng vùng Vịnh: Pháp kẹt giữa Qatar và Ả Rập Xê Út

Paris đang lúng túng vì khủng hoảng ngoại giao giữa Doha và nhiều nước trong vùng Vịnh. Cả Ả Rập Xê Út lẫn Qatar cùng là những đối tác kinh tế quan trọng của Pháp. Ngày 05/06/2017, Riyad và nhiều nước đồng minh trong khu vực cùng với Ai Cập quyết định cắt đứt bang giao với vương quốc nhỏ bé nhưng lại giàu khí đốt này. Lý do đưa ra : chính quyền Doha “dung túng quân khủng bố”. 

Tạp chí kinh tế hôm nay xin điểm lại những mối liên hệ giữa Paris với một bên là ông khổng lồ Ả Rập Xê Út và bên kia là một đất nước tí hon với vỏn vẹn 2 triệu 400 ngàn dân, mà 90 % là người nhập cư nước ngoài, nhưng ở đó Pháp là đối tác thương mại lớn thứ nhì, chỉ sau có Mỹ.

Nhà đầu tư ngoại hạng

Theo nghiên cứu công bố vào tháng 3/2016 của Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Chiến Lược –IRIS, trong thời gian ngắn kỷ lục, Qatar trở thành một đối tác “không thể thiếu” của các nhà sản xuất ở Pháp. Kim ngạch xuất khẩu của Pháp sang thị trường này tăng 31 % năm 2014 và 25 % trong tài khóa 2015. Các hãng lớn của Pháp từ ngành xây dựng đến dầu khí, từ công nghệ cao đến khu vực sản xuất trang thiết bị quân sự, đều đã nhắm tới thị trường Qatar.

Với thu nhập bình quân đầu người 138.500 đô la một năm, theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới, Qatar được xếp vào một trong những quốc gia giàu nhất trên toàn cầu. Trong hơn chục năm trở lại đây, chính quyền Doha theo đuổi chiến lược đa dạng hóa guồng máy kinh tế, dùng các quỹ đầu tư như Qatar Investment Authority (QIA), Qatar International Bank hay những tập đoàn lớn (Qatar Aiwways, Katara Hospitality …) để "chen chân" vào các tập đoàn tên tuổi của phương Tây, từ hãng xe Đức Volkswagen đến dây chuyền phân phối cao cấp Harrods của Anh, và ngay cả việc bỏ vốn mua 10 % cổ phần của tòa nhà cao tầng Empire State Building, biểu tượng của thành phố New York.

Riêng với Pháp, quan hệ song phương đã được mở rộng từ 2008, dưới thời cựu tổng thống Sarkozy. Người kế nhiệm ông là François Hollande đã tiếp tục theo đuổi chính sách này. Từ 2011 câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng của Paris là PSG đã thuộc về Quỹ đầu tư Qatar QIA được đặt dưới quyền của nhà tỷ phú Nasser Ghanim Al-Khelaïfi. Kế tiếp là hãng truyền hình tư nhân chuyên phát các chương trình thể thao BeIn Sport đã ra đời và chinh phục khán giả Pháp.

Trong lĩnh vực hàng cao cấp de luxe, quốc gia tí hon vùng Vịnh này đã mua lại từ những khách sạn 5 sao ở Paris như Condorde Lafayette, khách sạn Louvre hay Peninsula đến những khách sạn đẹp nhất của thành phố Cannes như Majestic Barrière hay Gray Albion. Đó là chưa kể vô số những cơ ngơi riêng, thuộc về các lãnh đạo ở Doha. 

Nhu cầu về cơ sở hạ tầng và quân sự.

Đang chuẩn bị ráo riết cho Cúp bóng đá 2022, Qatar rót vào đến 220 tỷ đô la cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Hướng về tương lai, để chuẩn bị cho bước phát triển kế tiếp, chủ yếu trông chờ vào công nghiệp khai thác khí đốt, Doha mới vừa chi ra bạc tỷ để nâng cấp và mở rộng các hải cảng … Trong tất cả các lĩnh vực này, Pháp là một đối tác đáng tin cậy của Qatar.

Cuối tháng 4/2015 phủ tổng thống Pháp thông báo bán 24 chiến đấu cơ Rafale cho Qatar trị giá hợp đồng lên tới hơn 6 tỷ euro. Paris nhân cơ hội này ký thêm hợp đồng đào tạo cho 36 phi công và khoảng 100 thợ máy Qatar … Theo bà Agnès Levallois, phó chủ tịch Viện Nghiên Cứu Vùng Địa Duyên Hải và Trung Đông IREMMO, trên thực tế Paris và Doha là một mối thâm giao. Thỏa quốc phòng sự đầu tiên giữa hai nước được ký kết từ những năm 1980 khi Pháp cung cấp chiến đấu cơ Mirage cho Qatar, bảo đảm đến 80 % trang thiết bị quân sự cho vùng lãnh thổ này. Văn bản hợp tác về an ninh và phòng thủ được đôi bên ký kết năm 1994 đến nay vẫn là trụ cột trong liên hệ song phương.

Pháp và ông "khổng lồ" Ả Rập Xê Út 

Thế nhưng Riyad mới là đối tác thương mại quan trọng nhất của Pháp trong vùng Vịnh. Trong cán cân thương mại của Pháp, Ả Rập Xê Út nặng gấp 100 lần so với Qatar, như nhận định của phó giám đốc viện nghiên cứu IREMMO, Agnès Levallois.

Cuối 2013, quốc vương Ả Rập Xê Út hứa đầu tư 15 tỷ đô la vào Pháp, tài trợ cho Liban đến 3 tỷ đề mua vũ khí của các nhà sản xuất trên xứ gà trống Gaulois. Một năm sau, Ai Cập ký hợp đồng mua 24 chiến đấu cơ Rafale của tập đoàn Dassault nhờ có được tín dụng của Ả Rập Xê Út. Cùng năm tổng thống Hollande công du vương quốc dầu hỏa này và chứng kiến hàng loạt lễ ký kết các hợp đồng trị giá hàng chục tỷ đô la, trong đủ mọi lĩnh vực từ vũ khí đến y tế, cơ sở hạ tầng, và giao thông. Năm 2015 thủ tướng Valls dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu đến Riyad trong khuôn khổ thượng đỉnh song phương.

Có điều, như ghi nhận của Sliman Zeghidour – phóng viên đài truyền hình Pháp TV5 Monde đặc trách về khu vực vùng Vịnh, Ả Rập Xê Út đang trải qua một cuộc "khủng hoảng" kinh tế vô tiền khoán hậu vì dầu hỏa mất giá. Hậu quả trực tiếp là Riyad sẽ trở nên kém hất dẫn trong mắt các tập đoàn Pháp :

" Đành là không có người ngủ dưới gầm cầu, Nhà nước còn đóng một vai trò rất lớn về mặt xã hội. Giá xăng dầu còn rất rẻ : đổ đầy bình xăng xe hơi mà giá chưa tới 5 euro. Nhưng với một phần lớn dân chúng tại Ả Rập Xê Út, thời kỳ vàng son này đang sắp đi qua. Vật giá bắt đầu leo thang. Chính phủ phải cắt bớt trợ cấp xã hội, giảm trợ giá điện, nước. Riyad phải hoãn nhiều dự án đầu tư, sa thải một phần lực lượng lao động nước ngoài. Nhân viên bị trả lương trễ. Tình hình chưa đến nỗi nguy ngập, nhưng thực sự là kinh tế Ả Rập Xê Út đang trong giai đoạn đình đốn".

François Heisbourg, giám đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS – trụ sở tại Luân Đôn gắn liền khó khăn tài chính với hiểm họa bạo động xã hội tại vương quốc rộng lớn gấp 4 lần nước Pháp này :

"Với đà này, chỉ trong từ bốn đến năm năm nữa, Ả Rập Xê Út sẽ không còn dự trữ ngoại tệ. Chiến tranh tại Yemen gây nhiều tốn kém, chính sách hỗ trợ Ai Cập cũng vậy. Về mặt đối nội, chính quyền lại không có những biện pháp hỗ trợ cho thanh niên bước vào thị trường lao động. Tôi nghĩ đây là mầm mống gây ra bạo động trong xã hội- điều này không liên quan gì tới yếu tố tôn giáo cả. Tình thế sẽ rất khó kiểm soát trong tương lai".

Ả Rập Xê Út, tường thành kiên cố đối với công nghệ vũ khí Pháp ? 

Dù vậy trước mắt, khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và Ả Rập Xê Út đặt Pháp trong thế khó xử, khi biết rằng Riyad là khách hàng lớn vào bậc nhất của ngành công nghiệp chế tạo vũ khí "made in France". Vincent Jauvert, chuyên gia về Vùng Vịnh của tuần báo L'Obs nhắc lại không có Ả Rập Xê Út thì Liban và Ai Cập không thể ký hợp đồng hàng tỷ đô la mua vũ khí của Pháp.

"Ả Rập Xê Út không thanh toán trực tiếp, nhưng đã cấp tín dụng, một khoản tiền rất lớn cho chính quyền của tướng al Sissi ở Cairo để Ai Cập mua chiến đấu cơ Rafale và tàu đa năng Mistral của Pháp. Ai Cập là quốc gia đầu tiên, nhờ có vốn của Riyad, đã mua chiến đấu cơ Rafale và mua luôn hai chiếc Mistral vào lúc mà Paris không biết xử lý thế nào sau khi đã không bán được cho Nga. Đâu đó Ả Rập Xê Út đã cứu ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Pháp".

Tuy nhiên theo Nhà báo Jean Guisnel, chuyên theo dõi hồ sơ quốc phòng trên nhật báo Le Point, trên thị trường vũ khí, Pháp không thể cạnh tranh với Hoa Kỳ để tranh thủ hợp đồng của Ả Rập Xê Út :

"Bán chiến đấu cơ Pháp cho Ả Rập Xê Út là điều không tưởng. Phía Pháp tới nay vẫn áp dụng chính sách đà điểu, phủ nhận thực tế đó. Nhưng theo tôi, chúng ta cần nhìn vào sự thật : từ sau Thế Chiến Thứ Hai, Ả Rập Xê Út chỉ độc quyền mua chiến đấu cơ của Mỹ. Họa hoằn lắm thì mới đoái hoài đến trang thiết bị quân sự của Anh. Pháp không có chỗ đứng trên thị trường này. Thế nhưng trong một thời gian gần đây Riyad chiếu cố đến các loại trang thiết bị quân sự của Pháp cho bộ binh, hải quân. Mới đây Pháp đang mở rộng địa bàn đến lĩnh vực trang thiết bị theo dõi không gian". 

Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Agnès Levallois, viện IREMMO, trong cuộc đọ sức về phương diện ngoại giao giữa Ả Rập Xê Út và Qatar, tốt hơn hết là Paris nên giữ thế trung lập vì nhiều lẽ : trong ngắn hạn, khủng hoảng nói trên ít ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế của Pháp với Qatar và kể cả với Ả Rập Xê Út. Hơn nữa, cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược, ảnh hưởng của Paris với Riyad không thể sánh bằng so với Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề sẽ phức tạp hơn nhiều nếu như Ả Rập Xê Út dùng lá bài hợp tác và thương mại để gây sức ép với các đối tác kinh tế hòng "siết chặt vòng vây chung quanh Qatar". - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

10.
Chính phủ nước ngoài trả tiền cho khách sạn Trump có vi hiến?

Tổng chưởng lý bang Maryland và thủ đô Washington D.C. hôm thứ Hai đệ đơn kiện, cáo buộc rằng những khoản tiền do chính phủ trả cho các doanh nghiệp của Tổng thống Donald Trump vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ, theo tin của Reuters hôm 12/6.

Các khoản tiền do chính phủ Mỹ và các chính phủ nước ngoài chi trả cho các cơ sở làm ăn của ông Trump như hệ thống khách sạn của ông, đã khiến các doanh nghiệp ở bang Maryland và thủ đô Washington DC bị mất khách, đồng thời gây sức ép đối với các chính quyền địa phương phải đối xử đặc biệt với các doanh nghiệp do Tổng thống Trump sở hữu, theo hồ sơ khiếu kiện.

Tổng thống Trump đã từng đối mặt với một vụ kiện tương tự hồi tháng Giêng, bên nguyên đơn gồm một tổ chức bất vụ lợi chuyên về đạo đức.

Tuy nhiên, vụ kiện của hai vị Tổng chưởng lý của đảng Dân chủ có nhiều cơ may hơn tại tòa án vì đây là hành động đầu tiên của chính phủ về các cáo buộc cho rằng ông Trump, một đảng viên Cộng hòa, đã vi phạm điều khoản về tiền thu nhập trong hiến pháp.

Các Tổng chưởng lý thuộc Đảng Dân chủ dẫn đầu các vụ kiện tụng chống lại các chính sách của ông Trump, và đã thành công trong việc ngăn chặn lệnh cấm du hành áp dụng đối với một số nước nơi người Hồi giáo chiếm đa số.

Các chưởng lý cũng đang cưỡng lại các nỗ lực lật ngược các quy định về môi trường và bảo hiểm y tế theo Đạo luật chăm sóc sức khỏe giá phải chăng, còn gọi là Obamacare.

Trong hồ sơ kiện đệ nạp lên tòa án liên bang Manhattan hồi tháng Giêng, các nguyên đơn cáo buộc ông Trump vi phạm điều khoản của Hiến pháp về vấn đề thu nhập khi tiếp tục duy trì quyền sở hữu đối với các doanh nghiệp, cho dù ông đã chuyển quyền điều hành hàng ngày cho hai người con trai.

Theo điều khoản về tiền thù lao trong Hiến pháp, ông Trump không được nhận quà tặng từ chính phủ các nước ngoài nếu không được sự chấp thuận của Quốc hội.

Hôm thứ Sáu, Bộ Tư pháp lập luận rằng các nguyên đơn không đủ tư cách pháp lý để kiện vì họ không chứng minh được cụ thể mức tổn hại do các doanh nghiệp của ông Trump gây ra. Chính phủ của ông Trump nói rằng doanh thu từ khách sạn Trump không thể được xem như những “khoản thanh toán không phù hợp” theo tinh thần Hiến pháp. - VOA
|
|

11.
Thêm một phán quyết chống lệnh cấm du hành mới của Trump

Một tòa kháng án Mỹ thứ nhì hôm thứ Hai ra phán quyết chống lệnh cấm du hành tạm thời của Tổng thống Trump áp dụng cho người đến Hoa Kỳ từ 6 nước có đa số dân theo Hồi giáo, và về phần lớn duy trì phán quyết của tòa cấp thấp hơn.

Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 của Hoa Kỳ ở San Francisco đã tái xét phán quyết của một thẩm phán liên bang ở Hawaii hồi tháng Ba, ngăn chặn nhiều phần trong lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump.

Phán quyết này được đưa ra sau khi một tòa án khác ở Richmond, là Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 4 của Hoa Kỳ đặt trụ sở ở bang Virginia, duy trì phán quyết của một thẩm phán liên bang ở Maryland, chặn lại một phần lệnh cấm.

Chính phủ của ông Trump hôm 1/6 yêu cầu Tòa án Tối cao Hoa Kỳ chặn phán quyết của hai tòa án ở Hawaii và Richmond, để hồi sinh lệnh cấm du hành của Tổng thống Trump.

Phán quyết của tòa Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 đưa ra rộng hơn phán quyết của Tòa Phúc thẩm Khu vực số 4 và tập trung vào Đạo luật Di Trú và Quốc Tịch năm 1952 và điều mà các thẩm phán cho là chưa đủ cơ sở biện minh để hỗ trợ cho lệnh cấm du hành.

Các thẩm phán viết trong phán quyết mới rằng "Trong việc đình chỉ nhập cảnh của hơn 180 triệu người từ 6 quốc gia, đình chỉ việc nhập cảnh của tất cả những người tị nạn, và giảm nhận người tị nạn từ 110.000 xuống 50.000 cho năm tài chính 2017, tổng thống đã không đáp ứng được điều kiện tiên quyết cần thiết để thực hiện quyền hạn được uỷ nhiệm của mình: Tổng thống phải đưa ra một kết luận đầy đủ rằng việc những người này vào Mỹ sẽ ‘gây tổn hại cho lợi ích của Hoa Kỳ’.”

An ninh Hoa Kỳ

Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch cho phép Tổng thống quyền hạn chế nhập cảnh của người nước ngoài khi họ "gây phương hại đến lợi ích của Hoa Kỳ", theo các thẩm phán trong phán quyết mới. Nhưng họ nói rằng không có minh chứng nào trong sắc lệnh cấm du hành cho thấy những người đến từ Somalia, Sudan, Iran, Yemen, Syria và Libya sẽ gây tổn hại cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ

"Lệnh này không cho thấy sự kết nối của các công dân này dưới bất kỳ hình thức nào với các tổ chức khủng bố trong 6 quốc gia được chỉ định và không xác định được các quốc gia này là những thành phần đóng góp vào cuộc xung đột đang xảy ra hoặc những người chịu trách nhiệm về những điều kiện không an toàn của quốc gia. Nó cũng không cho thấy bất kỳ sự sự kết nối nào giữa quốc tịch của một cá nhân với xu hướng tham gia chủ nghĩa khủng bố hoặc sự nguy hiểm vốn có của họ. "

Người tị nạn

Tương tự, các thẩm phán đã không tìm thấy giải thích đầy đủ cho việc hạn chế nhập cư người tị nạn xuống 50.000 người cho năm tài khóa 2017. Lưu ý rằng chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đã thiết lập một mức cho phép 110.000 người tị nạn và biện minh cho nó trên cơ sở nhân đạo, các thẩm phán cho biết lệnh "không giải thích lý do tại sao người thứ 50,001 tới người thứ 110.000 sẽ gây hại cho lợi ích quốc gia. Họ nói lệnh cấm du hành cũng không thể chỉ ra bất kỳ mối đe dọa nào khác đối với an ninh quốc gia."

Tuần trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cơ quan giám sát một phần giai đoạn đầu của việc nhập cư của người tị nạn vào Hoa Kỳ, cho biết họ sẽ xử lý các đơn xin tị nạn theo số tiền ban đầu cho năm tài chính, thay vì theo số lượng được giảm đáng kể do sắc lệnh của Tổng thống Trump. Thông báo này được đưa ra sau khi Quốc hội thông qua một ngân sách liên bang trong tháng 5 cho những tháng còn lại của năm tài chính. Nó cũng được đưa ra sau khi Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 4 giữ nguyên một phần của sắc lệnh hành chính liên quan đến du hành của tổng thống.

Chỉ có hơn 47.000 người tị nạn đã định cư tại Hoa Kỳ từ tháng 10, với tốc độ giảm đáng kể kể từ khi lệnh cấm đi du hành đầu tiên được ký vào ngày 27/1. Trong những tuần gần đây, số người tị nạn đến Mỹ định cư khoảng 800-900 người/tuần. Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng họ không thể ước đoán con số cuối cùng về lượng người tị nạn đến cuối Hoa Kỳ vào cuối tháng 9. Với tốc độ hiện nay, điều đó có nghĩa là tổng số khoảng 60.700 người tị nạn đến Mỹ trong năm.

Sắc lệnh đi du hành – chủ đề của phán quyết hôm thứ 2 – là một nỗ lực thứ hai của chính quyền Trump. Sắc lệnh ban đầu đã bị thu hồi sau khi cũng bị phủ quyết bởi một tòa phúc thẩm khu vực. Tòa phúc thẩm khu vực 9 tiếp tục duy trì phán quyết đó. - VOA
|
|

12.
Ivanka Trump bị liên lụy vì vấn đề người lao động TQ

Ba nhà hoạt động vì quyền lao động bị bắt ở Trung Quốc vì tìm cách điều tra một nhà máy sản xuất giày hàng hiệu Ivanka Trump. Vụ này làm nổi bật vấn đề bóc lột người lao động cũng như việc chính quyền thực thi luật một cách lỏng lẻo.

Các nhà hoạt động nói Ivanka Trump, con gái và cũng là phụ tá của Tổng thống Donald Trump, có thể góp phần tạo ra sự khác biệt nếu bà lên tiếng về trường hợp này.

Thương hiệu Ivanka Trump chưa bình luận gì về số phận của các nhà hoạt động, nhưng xác nhận giày mang thương hiệu đã được sản xuất tại nhà máy. Công ty cho biết đơn đặt hàng gần đây nhất là vào tháng 3.

Đến nay, chính phủ Trung Quốc vẫn không thả các nhà hoạt động, và còn cáo buộc họ sử dụng "các thiết bị theo dõi bất hợp pháp" và "can thiệp vào hoạt động sản xuất và vận hành bình thường của công ty".

3 nhà hoạt động bị bắt là người của Tổ chức Lao động Trung Quốc (CLW), tổ chức này đã tiến hành các cuộc điều tra tương tự tại các nhà máy Trung Quốc trong nhiều năm qua.

Người sáng lập kiêm giám đốc điều hành CLW, ông Lý Cường, nói rằng tổ chức phi lợi nhuận đặt ở New York của ông có bằng chứng cụ thể là những bức ảnh và video cho thấy giày mang nhãn hiệu Ivanka Trump đã được sản xuất tại các nhà máy của Tập đoàn Hoa Kiện trong bốn năm qua, là nơi được cho là có những vụ bóc lột lao động đã bị phát hiện.

Cuộc điều tra do các nhà hoạt động Hoa Hải Phong, Lý Triệu và Sử Hoành thực hiện. Họ bí mật đóng vai nhân viên tạm thời tại các nhà máy của Hoa Kiện từ tháng 3 đến tháng 5, nhưng sau đó bị cảnh sát Trung Quốc bắt giam.

Ông Lý cho biết theo đánh giá của ông, công lao động Trung Quốc chỉ chiếm 1% giá trị đôi giày mang thương hiệu Ivanka Trump. Tại các cửa hàng ở Mỹ, giá mỗi đôi là hơn 100 đôla.

Tuần trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi trả tự do cho các nhà hoạt động, hoặc nhà chức trách Trung Quốc phải đảm bảo họ "được xét xử công bằng và hợp pháp, được hưởng sự bảo vệ đúng theo các quyền của họ".

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nêu bật vai trò quan trọng của các nhà hoạt động bảo vệ người lao động trong việc giúp các công ty Hoa Kỳ hiểu về tình trạng trong chuỗi cung của họ ở Trung Quốc. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

13.
Hà Nội khởi tố vụ án bắt 38 cán bộ ở Đồng Tâm [LMN: Đừng nghe những gì CS hứa, văn bản hứa hẹn bằng chính bút tự của ông Nguyễn Đức Chung chỉ là một tờ giấy rác. Đàn áp nguội là chính sách của họ hiện nay]

Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội vào hôm 13/6 đã ra quyết định khởi tố điều tra vụ án hình sự vụ việc xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngày 15/4.

Các báo Việt Nam đồng loạt tường thuật việc khởi tố vụ án "nhằm điều tra làm rõ các hành vi bắt giữ người trái pháp luật theo Điều 123 và hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 Bộ luật Hình sự".

Hôm 15/4, người dân Đồng Tâm đã bắt giữ hơn 30 người gồm cán bộ, cảnh sát cơ động để đòi giới chức thả chín người dân bị công an bắt, đồng thời xử lý các khiếu nại đất đai.

Hôm 22/4, khi đến Đồng Tâm để đối thoại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung được truyền thông dẫn lời:

"Tôi từng làm điều tra, từng làm thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, giám đốc công an thành phố, hôm nay tôi về với tư cách chủ tịch TP. Tôi ghi nhận việc làm của bà con là từ bức xúc đất đai, từ việc bắt giữ người không công bố lệnh, không mặc trang phục, bắt đưa lên ô tô.

"Tôi tin đất nước ta có truyền thống đánh kẻ chạy đi không đánh kẻ chạy lại. Luật pháp có quy định thành khẩn, khắc phục hậu quả, tôi tin bà con sẽ được giảm nhẹ."

Ông Chung cũng đã viết bản cam kết gồm 3 điều với người dân xã Đồng Tâm.

Thứ nhất, ông cam kết trực tiếp kiểm tra đoàn thanh tra về đất đai.

Thứ hai, cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm.

Thứ ba, ông cam kết chỉ đạo điều tra, xác minh việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình (83 tuổi, ở xã Đồng Tâm). - BBC
|
|

14.
Blogger Mẹ Nấm bị truy tố cả 3 hành vi theo điều 88 

Tòa án tỉnh Khánh Hòa đã cấp giấy chứng nhận cho hai luật sư để bào chữa cho Blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Trong khi đó, hai luật sư khác đang chờ giấy chứng nhận bào chữa.

Từ Hà Nội, luật sư Nguyễn Hà Luân xác nhận với Đài VOA - Việt ngữ rằng ông và luật sư Lê Văn Luân thuộc Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long đã nhận giấy chứng nhận bào chữa hôm 12/6.

“Chúng tôi mới nhận được cách đây một ngày. Chúng tôi chưa có thời gian để tiếp xúc với cô Quỳnh và chưa tiếp cận với hồ sơ. Có thể là trong một vài ngày tới chúng tôi sẽ sắp xếp việc đó.”

Luật sư Hà Luân cho biết là trong giấy chứng nhận bào chữa do Tòa án tỉnh Khánh Hòa cấp hôm 8/6, chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chính thức bị truy tố về ba hành vi, theo khoản 1 Điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Ba hành vi này được quy định trong Bộ luật Hình sự như sau: “Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền”; “Tuyên truyền … phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân”; “Làm ra, tàng trữ, lưu hành tài liệu…có nội dung chống nhà nước.”

Luật sư Nguyễn Hà Luân:

“Hiện nay đang truy tố cô Quỳnh theo khoản 1 Điều 88. Đây là điều khoản có khung hình phạt chênh lệch rất là dài, từ 3 đến 12 năm.”

Theo giấy chứng nhận bào chữa, hồ sơ vụ án hình sự sơ thẩm được thụ lý vào ngày 1/6/2017, tức thời gian điều tra đã kéo dài hơn 7 tháng, kể từ ngày blogger Mẹ Nấm bị bắt vào ngày 10/10/2016.

Từ khi bị bắt đến nay, cả luật sư và gia đình đều không được tiếp xúc với Như Quỳnh.

Luật sư Võ An Đôn viết trên Facebook hôm 11/06 rằng ông cũng đã nhận được thư mời bào chữa của Như Quỳnh. Vị luật sư nhân quyền ở Phú Yên cũng đã làm các thủ tục cần thiết nhưng ông không biết liệu Tòa án tỉnh Khánh Hòa có cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho ông hay không, bởi vì tòa này “nổi tiếng gây khó khăn cho luật sư tham gia bào chữa các vụ án liên quan đến dân chủ, nhân quyền.”

Tương tự, Luật sư Nguyễn Khả Thành thuộc đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên cũng nhận thư đề nghị bào chữa từ Như Quỳnh nhưng ông cũng không chắc có được cấp giấy chứng nhận bào chữa hay không, luật sư Thành chia sẻ trên Facebook.

Theo bức thư đề ngày 2/6 của Như Quỳnh gửi cho luật sư Võ An Đôn, vụ án của cô đã kết thúc giai đoạn điều tra và truy tố, và Viện Kiểm soát tỉnh Khánh Hòa đã tống đạt cáo trạng đối với cô.

Blogger Mẹ Nấm là một nhà tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận và vì tiến bộ xã hội được biết tiếng cả trong và ngoài nước. Cô đã được tổ chức Civil Rights Defenders của Thụy Điển trao giải thưởng “Người bảo vệ nhân quyền” năm 2015, và mới đây hơn, vào tháng 3 năm nay, được Đệ Nhất Phu nhân Hoa Kỳ Melania Trump trao giải “Phụ nữ quốc tế Dũng cảm năm 2017”.

Nhân dịp này, một thông báo của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết lý do:

“Cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được trao Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vì sự can trường của cô trong cuộc đấu tranh cho các vấn đề xã hội dân sự, vì đã truyền cảm hứng cho những thay đổi ôn hòa, kêu gọi một hệ thống chính quyền minh bạch hơn, cổ vũ cho hoà bình, công lý và quyền con người, và là tiếng nói đại diện cho quyền tự do ngôn luận.”

Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã lên tiếng chỉ trích việc Hoa Kỳ trao giải cho cô Như Quỳnh, nói rằng “việc trao giải cho một người bị điều tra vì vi phạm luật pháp Việt Nam là không phù hợp và không có lợi cho sự phát triển quan hệ hai nước." - VOA
|
|

15.
Hà Nội chỉ trích Hàn Quốc vinh danh cựu quân nhân tham chiến ở Việt Nam --- Hàn Quốc tìm cách hạ nhiệt căng thẳng với Việt Nam

Ngày 12/06/2017, Hà Nội phản đối việc tổng thống Moon Jae In vinh danh các cựu chiến binh Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam, xem việc này “ảnh hưởng tiêu cực” đến quan hệ giữa hai nước.

Trong bài phát biểu nhân Ngày Tưởng Niệm hôm 06/06 vừa qua, tổng thống Moon Jae In đã đặc biệt nhấn mạnh đến “sự tận tụy và hy sinh” của các cựu chiến binh Hàn Quốc từng tham chiến ở Việt Nam, mô tả họ là những người đã đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của nước này.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 12/06/2017 tuyên bố rằng phát biểu nói trên của tổng thống Hàn Quốc “gây tổn thương” cho người dân Việt Nam, và Việt Nam “đề nghị chính phủ Hàn Quốc không có các hành động và phát ngôn gây tổn thương tới tình cảm của nhân dân Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ hợp tác hữu nghị hai nước”.

Bà Lê Thị Thu Hằng cũng cho biết là về vấn đề này, ngày 09/06/2017, đại diện bộ Ngoại Giao Việt Nam đã có trao đổi “nghiêm khắc” với đại diện đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam.

Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, Seoul đã gởi gần 300 000 quân đến tham chiến cùng với quân đội Mỹ. Nhờ tham chiến ở Việt Nam mà Hàn Quốc, lúc đó còn là một trong những nước nghèo nhất thế giới, đã được vay hàng tỷ đôla từ Hoa Kỳ và các định chế tài chính quốc tế và từ đó nước này bắt đầu phát triển thành một trong những nền kinh tế giàu mạnh nhất thế giới như hiện nay.

Nhưng trong thời gian chiến tranh Việt Nam, quân đội Hàn Quốc bị cáo buộc đã tàn sát hàng ngàn thường dân. Cho tới nay, Seoul vẫn không nhìn nhận quân đội Hàn Quốc đã gây ra những vụ thảm sát này. Theo lời một nhà hoạt động Hàn Quốc nói với nhật báo The Korea Times, đây là lần đầu tiên chính phủ Việt Nam có phản ứng chính thức về cáo buộc thảm sát đó, vì cho tới nay, chủ trương của Việt Nam là “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”

Hôm nay, bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã cố làm dịu sự tức giận của phía Việt Nam, khẳng định rằng quan hệ hữu nghị giữa hai nước “rất quan trọng”. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao nước này giải thích rằng tuyên bố của tổng thống Moon Jae In nhằm kêu gọi phải đãi ngộ xứng đáng hơn với những quân nhân đã từng phục vụ đất nước, chứ không nhằm làm tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam.

Hiện giờ, Hàn Quốc là nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, với tổng cộng 50 tỷ đôla tính đến cuối năm 2016, theo số liệu của Cơ Quan Xúc Tiến Đầu Tư - Mậu Dịch Hàn Quốc. - RFI

***
Hàn Quốc hôm 13/6 nói rằng nước này “quý trọng” quan hệ với Việt Nam, sau khi Hà Nội lên tiếng kêu gọi Seoul “không gây tổn thương tới tình cảm của nhân dân Việt Nam”.

Trong buổi họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói rằng kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, Seoul luôn nỗ lực tăng cường mối bang giao với quan điểm “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực củng cố mối quan hệ hữu nghị tiến về phía trước”, ông Cho June-hyuck được hãng tin Yonhap dẫn lời nói.

Giới quan sát cho rằng phía Hàn Quốc đang tìm cách làm giảm bớt căng thẳng ngoại giao với Việt Nam, ít ngày sau khi Hà Nội bất ngờ mạnh mẽ chỉ trích phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, trong đó ông tôn vinh các cựu binh sĩ nước này từng tham chiến ở Việt Nam.

Hôm 6/6, ông Jae-in nói rằng “đóng góp của các binh sĩ Hàn Quốc trong Chiến tranh Việt Nam giúp phát triển kinh tế đất nước”, theo Yonhap.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng sau đó cho biết rằng đại diện của Bộ này đã bày tỏ sự phản đối với Đại sứ quán Hàn Quốc ở Hà Nội.

Bà Hằng nói: "Việt Nam mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, trong đó có Hàn Quốc. Lãnh đạo hai nước đã đạt được nhận thức chung về việc gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Chúng tôi đề nghị chính phủ Hàn Quốc không có các hành động và phát ngôn gây tổn thương tới tình cảm của nhân dân Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ hợp tác hữu nghị hai nước”.

Trong khi đó, báo chí Hàn Quốc dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói rằng phát biểu của tổng thống nước này chỉ nhằm mục đích gợi nhắc sự cần thiết phải hỗ trợ những người đã hy sinh mạng sống vì tổ quốc.

Ước tính có hàng trăm nghìn binh sĩ Hàn Quốc cùng với lực lượng Mỹ tham chiến ở Việt Nam, và đó vẫn được coi là một chủ đề nhạy cảm trong quan hệ Hà Nội – Seoul, dù bang giao song phương đã phát triển không ngừng hơn hai thập kỷ qua kể từ khi thiết lập quan hệ.

Thời gian qua, nhiều thành viên Hàn Quốc thuộc phong trào “Xin lỗi Việt Nam” đã tới các tỉnh miền Trung để tạ lỗi những người dân được coi là nạn nhân của lính Hàn Quốc trong Chiến tranh Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Ty, một người tự nhận là con lai Hàn Quốc sinh ra sau khi mẹ ông “bị lính Hàn Quốc hãm hiếp”, nói với VOA Việt Ngữ rằng ông vẫn chờ chính quyền Seoul chính thức xin lỗi thân mẫu ông và nhiều phụ nữ Việt khác.

“Tôi chỉ mong có một việc duy nhất đó là họ làm, họ phải đích thân làm, phải có những lời nói như thế nào đó đối với những người mẹ. Tùy vào tấm lòng của họ. Và tùy vào việc họ có thể lựa lời họ nói như thế nào đó, bởi vì trong cuộc chiến chúng tôi cũng không thể nào bắt bẻ họ được bởi vì đó là chiến tranh. Nếu bên này không bắn bên kia, thì bên kia cũng bắn bên này", ông Ty nói.

"Vấn đề hãm hiếp phụ nữ đó, sau cuộc chiến, chính phủ Hàn họ phải biết rằng đấy là một cái việc làm sai. Họ phải có động thái nào đó để họ bày tỏ. Đằng này họ không nói bất cứ cái gì hết. Họ cũng không thừa nhận và không có một lời nào để an ủi tinh thần của những người mẹ”.

Tranh cãi ngoại giao giữa Hà Nội và Seoul xảy ra trong bối cảnh Hàn Quốc chính thức trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam, với số vốn lên tới 50 tỷ đôla tính tới cuối năm 2016, theo Cơ quan Thúc đẩy Đầu tư Thương mại Hàn Quốc.

Tổ chức này cho biết rằng trong vòng hơn hai thập kỷ qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ, Hàn Quốc đã đổ vốn đầu tư vào gần 6 nghìn dự án khắp Việt Nam. - VOA
|
|

16.
Chính quyền An Giang dựng chốt chặn khách đến Quang Minh Tự

Công an tỉnh An Giang lập 4 chốt an ninh, chặn không cho các tín hữu vào Quang Minh Tự để làm lễ nhân kỷ niệm ngày khai sáng Phật giáo Hòa Hảo hôm 12/6, theo vị trụ trì chùa.

Từ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, ông Võ Văn Thanh Liêm, trụ trì Quang Minh Tự, cho VOA – Việt ngữ biết chính quyền địa phương đã cản trở, không cho nhiều khách vào chùa, một ngày trước khi diễn ra lễ chính.

Ông Thanh Liêm nói khách ở xa đến thì chính quyền tìm cách ngăn chặn, khách ở gần thì bị đe dọa, và ngay cả ông Nguyễn Văn Lía, một tu sĩ có tầm ảnh hưởng lớn của khối Phật giáo Hoà Hảo Truyền thống, cũng bị chặn:

“Họ đóng 4 chốt, mỗi chốt có 5-10 người ở ngoài đường. Khi xe của khách đến đó không thể nào vô được. Có một khách ở Trà Vinh lên phải cởi quần áo, chỉ để quần cụt mới vào được chùa. Khi vào được thì khách này cho biết họ hăm he, ‘sẽ cho cơ động bắt’. Khách ở gần thì không dám vô chùa. Họ hăm từng nhà. Ông Ba Lía cũng bị chặn, bị đuổi về. Tất cả những ai lên tiếng bảo vệ cho đạo mà khác với ý của họ, thì họ không cho đến Quang Minh Tự.”

Ông Thanh Liêm, một tu sĩ 77 tuổi, từng bị giam cầm 6,5 năm tù cộng với 3 năm quản chế về cáo trạng “chống người thi hành công vụ” vì đã lên tiếng bênh vực cho tự do tôn giáo, cho VOA biết thêm:

“Tín đồ các nơi họ muốn tới, nhưng còn sợ lắm. Nếu không sợ, họ đến đây khoảng vài chục xe. Cách nửa cây số họ đã chặn trước rồi. Những người nào thường ghé đây - họ đuổi trước, chứ không dễ dàng gì mà tới được.”

Theo ông Thanh Liêm, từ ngày hôm trước đã có khoảng 60 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tề tựu về Quang Minh Tự để dự buổi cầu nguyện cho Quốc thái Dân an.

Dù ít người tới được Quang Minh Tự, nhưng buổi lễ chính đã được tổ chức trang nghiêm và kết thúc lúc 15 giờ ngày 18 tháng 5 âm lịch, đánh dấu 78 năm ngày Khai sáng Phật giáo Hòa Hảo, do Huỳnh Giáo chủ - tức ông Huỳnh Phú Sổ, sáng lập vào năm 1939.

Tu sĩ Thanh Liêm cho biết năm nay chính quyền dường như “lui lại một chút” vì năm ngoái ông quyết đòi tự thiêu để bảo vệ các tín đồ khi họ đến chùa làm lễ, hành đạo, trước sự ngăn cản của chính quyền:

“Năm ngoái, họ có trên 300 người, đánh đập, giựt giấy tờ xe, trong đó có gần 100 người cầm cây. Họ đánh nhiều người bị thương. Vào tháng năm, năm ngoái, họ chặn đường, đánh người, làm những người vô đây bị thương, bị bể đồ, lật gọng. Tôi cầm bình xăng ra, chế lên đầu tôi. Khi đó, họ mới sợ và dừng. Họ không chặn nữa. Vì vậy, năm nay họ lui một chút vậy thôi.”

Ông Thanh Liêm còn tố cáo chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã bắt giam và gây ra cái chết của tín đồ Hòa Hảo Nguyễn Hữu Tấn hồi đầu tháng 5/2017.

“Tố cáo chính quyền trong trường hợp của tín đồ Nguyễn Hữu Tấn. Cộng sản thực hiện cuộc điều tra rất ác độc. Từ xưa tới giờ, chưa có ai bị cắt gần lìa cổ như vậy. Cộng sản có lúc nào buông tha tôn giáo đâu.”

Cùng ngày 12/6, một nhóm tu sĩ Hòa Hảo không được công nhận ở tỉnh Đồng Tháp cũng bị chính quyền ngăn chặn khi làm lễ Khai sáng. Ông Nguyễn Văn Điền, Hội trưởng Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy viết trên Facebook như sau:

“Cũng như những kỳ lễ trước, các cấp công an Đồng Tháp lập trạm ngăn cản trên các nẻo đường đi vào điểm Lễ nhằm hạn chế tối đa số đông đồng đạo đến đây tham dự. Với tinh thần ‘Ưu sư Trọng pháp’, quý đồng đạo hiếm hoi nơi đây, vẫn nhiệt tình tổ chức mùa Đại lễ, bất chấp mọi thử thách gian nguy đang chực chờ phía trước.”

Theo báo Lao Động, cũng trong ngày 12/6, tại An Hòa Tự, Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận và hỗ trợ, đã tổ chức buổi lễ tương tự, nhằm “xây dựng cuộc sống mới”, và “phát huy tốt sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.”

Tại một buổi lễ tương tự do chính quyền huyện Chợ Mới tổ chức, ông Nguyễn Thanh Phong - Bí thư huyện ủy Chợ Mới nói ông rất “mong muốn trong thời gian tới, các tín đồ cần tiếp tục phát huy thành quả hoạt động đạo sự đã đạt được trong những năm qua, chấp hành nghiêm Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo, Hiến chương của Giáo hội, đấu tranh phòng ngăn những biểu hiện sai lệch trong tổ chức, tiếp tục đường hướng đồng hành cùng dân tộc, sống tốt đời đẹp đạo, hết lòng ủng hộ Ðảng và Nhà nước…”, theo trang mạng của tỉnh An Giang. - VOA
|
|

17.
Tàu hải quân Mỹ, Nhật cập cảng Việt Nam --- Cảng Cam Ranh, biểu tượng cho quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt

Các chiến hạm Mỹ và Nhật Bản đang có mặt ở Việt Nam trong các chuyến cập cảng được cho là “mang tính biểu tượng” trong bối cảnh Trung Quốc đang mạnh mẽ củng cố chủ quyền ở Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay rằng tàu USS Coronado thực hiên chuyến thăm để bảo dưỡng tại cảng Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa từ ngày 11 đến 15/6.

Chuẩn Đô đốc Donald Gabrielson, Tư lệnh Nhóm Hậu cần Tây Thái Bình Dương/Lực lượng đặc nhiệm 73, cho biết: "Chuyến thăm kỹ thuật này nâng cao năng lực bảo dưỡng viễn chinh của chúng tôi và tăng cường quan hệ hợp tác của chúng tôi với Việt Nam”.

Quan chức hải quân Mỹ nói thêm rằng “các chuyến thăm kỹ thuật mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia và tăng cường tính linh hoạt về mặt địa lý trong công tác sửa chữa và duy trì trạng thái sẵn sàng cao cho tàu”.

Ông cũng “đánh giá cao cơ hội hợp tác với Việt Nam và mong muốn làm việc cùng nhau để tăng cường sự ổn định và xây dựng các mối quan hệ cùng có lợi”.

USS Coronado tới Việt Nam ít ngày sau chuyến cập cảng Cam Ranh của tàu khu trục đươc trang bị tên lửa dẫn đường USS John S. McCain. Thượng nghị sĩ John McCain đã lên tàu được đặt tên theo cha và ông của ông khi nó có mặt ở cảng chiến lược của Việt Nam nhằm thể hiện “sự hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam, cũng như nhắc nhở các đồng minh và kẻ thù của chúng ta về cam kết lâu dài của Hoa Kỳ tại khu vực”.

Trong khi đó, một con tàu của lực lượng tuần duyên Nhật Bản hôm 13/6 đã cập cảng Đà Nẵng trong chuyến thăm kéo dài tới ngày 19/6. Fiji News đưa tin rằng tàu này sẽ tham gia một cuộc huấn luyện chung với cảnh sát biển Việt Nam.

Trang tin này dẫn lời các nguồn tin nói rằng chuyến thăm đầu tiên của tàu tuần duyên Nhật nhằm tăng cường hợp tác an ninh biển giữa hai nước giữa lúc Trung Quốc mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. - VOA

***
Ngày 12/06/2017, Hải Quân Hoa Kỳ thông báo một chiến hạm của Mỹ đang ghé cảng Cam Ranh của Việt Nam để được bảo trì. Đây là hoạt động mới nhất trong một loạt những động thái cho thấy sự tiến triển trong quan hệ quốc phòng Mỹ - Việt, trong bối cảnh chưa ai nắm rõ về chính sách của tổng thống Donald Trump về châu Á nói chung. Trang The Diplomat ấn bản ngày 13/06/2017 có một bài nhận định về sự kiện này.

Quan hệ quốc phòng giữa Washington và Hà Nội đã phát triển mạnh trong những năm qua trong khuôn khổ đối tác toàn diện, được ký kết vào năm 2013 dưới thời tổng thống Barack Obama. Mối quan hệ này được thể hiện qua các cuộc trao đổi, tập huấn chung và trợ giúp nâng cao khả năng bảo vệ an ninh của cảnh sát biển Việt Nam trước những hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Từng là căn cứ quân sự của Mỹ trong thời gian chiến tranh Việt Nam, Cam Ranh nay được gọi là Cảng Quốc Tế, mà trên nguyên tắc sẵn sàng tiếp nhận các chiến hạm từ mọi nước đến để sửa chữa, bảo trì. Ngoài tàu chiến Hoa Kỳ, cảng này đã tiếp đón rất nhiều chiến hạm đến từ các nước Nhật, Pháp, Trung Quốc, Philippines và Singapore.

Riêng các chiến hạm của Mỹ đã bắt đầu ghé cảng Cam Ranh để bảo dưỡng từ tháng 9/2016. Vào đầu tháng 6 vừa qua, khu trục hạm USS John S. McCain đã ghé Cảng Quốc Tế Cam Ranh trong một “chặng dừng kỹ thuật thông thường”. Trong thời gian đi thăm Việt Nam, cùng với một phái đoàn nghị sĩ Quốc Hội Mỹ, thượng nghị sĩ John McCain đã lên thăm chiến hạm mang tên người bố và người ông của ông, hai người đã tham chiến ở Thái Bình Dương trong thời gian Thế Chiến Thứ Hai. Phái đoàn nghị sĩ Mỹ lúc đó cũng đã gặp gỡ các lãnh đạo Việt Nam gồm chủ tịch nước Trần Đại Quang, bộ trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch, chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Sự hiện diện của tàu John S. McCain ở Cam Ranh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh quan hệ hai nước đang tiến triển tốt, không chỉ bởi vì vai trò của thượng nghị sĩ McCain trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, mà còn bởi vì vào năm 2016, chiến hạm John S. McCain cùng với chiến hạm USS Frank Cable là những tàu đầu tiên của Hải Quân Mỹ ghé thăm Cảng Quốc Tế Cam Ranh kể từ khi cảng này mở cửa trở lại vào tháng 3/2016.

Hôm qua, Hải Quân Mỹ xác nhận là một chiến hạm khác của Mỹ, USS Coronada, tàu tác chiến ven biển, cũng đang ghé cảng Cam Ranh từ ngày 11 đến 15/06 để được bảo trì. Chuyến “thăm kỹ thuật” của tàu này ở Cam Ranh là minh chứng đầu tiên cho khả năng bảo trì cho các tàu tác chiến ven biển (LCS) được triển khai luân phiên, thuộc lực lượng đặc nhiệm Task Force 73 của Hạm Đội 7, lực lượng hiện đang phối hợp các cuộc thao dượt ở Đông Nam Á.

Mặc dù nơi bảo trì và tiếp tế chính của các tàu LCS là ở Singapore, Hải Quân Mỹ đang cần có thêm những cảng như Cam Ranh để tăng cường hỗ trợ các chiến hạm của Hoa Kỳ trong khu vực. - RFI
|
|

18.
Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội từ chức 'vì tự trọng'

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội vừa tuyên bố từ chức hôm 13/6 vì "lòng tự trọng và trách nhiệm". 

Trả lời BBC Tiếng Việt qua điện thoại từ Hà Nội, ông Nguyên cho hay nguyên nhân chính là do "lãnh đạo thành phố Hà Nội không muốn tôi tiếp tục làm chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, không muốn tôi tiếp tục tham gia ban lãnh đạo Hội Nhà văn Hà Nội nữa". 

Ông khẳng định ông không gửi đơn xin từ chức mà là tuyên bố từ chức đơn phương. "Tôi cảm thấy là "game over" - cuộc chơi đã kết thúc," ông Nguyên nói.

Ông được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội khóa 11 (2011-2015). Do việc tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 12 của Hội Nhà Văn Hà Nội bị trì hoãn từ năm 2015, nên ông Nguyên vẫn tiếp tục giữ chức chủ tịch cho tới giờ. 

Ông Nguyên cho rằng lý do Đại hội Hội Nhà văn Hà nội đến nay vẫn chưa tổ chức được là vì "Thành phố Hà Nội chưa tìm được phương án nào tốt nhất để loại trừ tôi".

'Chia rẽ sâu sắc'

Ông Nguyên cho BBC hay trong Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội có sự chia rẽ sâu sắc. 

"Trong ban chấp hành có 5 người thì đều hoàn toàn không ủng hộ tôi. Không biết họ có nhận được chỉ đạo của cấp trên không, nhưng gần như là họ xổ toẹt tất cả công lao hoạt động của tôi với cương vị chủ tịch hội trong 5 năm." 

Theo ông Nguyên, trong ban chấp hành đã có sự đấu tranh quan điểm rất gay gắt nhưng cũng không đạt được sự đồng thuận. "Và tôi thấy cái sự bất đồng quan điểm sâu sắc như vậy nó cũng phản ánh ý muốn của lãnh đạo thành phố," ông Nguyên nhận định. 

"Lòng tự trọng của tôi, vì trách nhiệm của tôi, tôi thấy tốt nhất là nên rút khỏi cuộc chơi này."

Bình luận về việc Đại hội của Hội Nhà Văn Hà Nội đã bị chậm tổ chức 1 năm rưỡi nay, ông Nguyên nói: "Các hội khác làm hồ sơ lên, kể cả vấn đề chuẩn bị dân sự đều được thông qua một cách đơn giản và dễ dàng. Nhưng riêng với Hội Nhà văn Hà Nội thì bị nâng lên đặt xuống". 

Vì sao không ủng hộ? 

Trả lời câu hỏi vì sao lãnh đạo thành phố lại không ủng hộ ông, ông Nguyên nói "từ trước đến nay tôi vẫn là một đối tượng bị họ e ngại và dè chừng, mặc dù tôi vẫn là công dân tự do tôi vẫn là Đảng viên với 35 tuổi Đảng và là cán bộ của Viện Văn học." 

"Trong 5 năm tôi làm Chủ tịch hội, không hề có một văn bản nào bắt tôi phải giải trình bất kỳ một hoạt động nào, cũng không hề có một sự kiểm điểm nào. Nhưng tôi có thể là đối tượng người ta nghi kỵ, dè chừng vì quan điểm học thuật của tôi, sự dấn thân của tôi ví dụ như xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc gây rối ở Biển Đông. 

"Những chuyện ấy lãnh đạo họ không ưa, nhất là ở một người ở vị trí lãnh đạo Hội Nhà văn như tôi," ông Nguyên nói. 

"Khi tôi được bầu làm chủ tịch Hội Nhà Văn khóa VI, nhiều người cũng nói đó là sự 'để xổng' của họ, chứ một người như tôi mà lên vị trí ấy là không được. Nên bây giờ tôi hết nhiệm kỳ, họ tìm cách loại trừ tôi. Và họ biết rằng tín nhiệm của tôi trong hội viên là cao, nên họ lo ngại khi ra đại hội là có thể tôi được số phiếu cao." 

Ông Nguyên cho biết sau khi từ chức, ông sẽ không tham gia các hoạt động của Hội Nhà Văn Hà Nội, Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Hà Nội và Ban chấp hành hai Hội. 

Tuy nhiên ông sẽ vẫn tiếp tục hoạt động văn học vì ông là nhà lý luận phê bình và dịch thuật. 

"Tôi sẽ vẫn tham gia đời sống văn học vì đó là nghề của tôi," nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết. - BBC
|
|

19.
Hàn Quốc ‘đầu tư lớn nhất’ ở Việt Nam từ khi Đổi mới

Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, tính cả giai đoạn từ 1988 đến 2016, theo số liệu của Cục Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc.

71% tổng số vốn đầu tư được rót vào lĩnh vực chế tạo, tiếp theo là điều hành bất động sản và xây dựng.

Cơ quan này nói trong 28 năm qua, Hàn Quốc đầu tư 50 tỷ đôla vào Việt Nam, vượt qua Nhật Bản (42 tỷ) và Singapore (38 tỷ). Tiếp theo là Đài Loan (31 tỷ) và Quần đảo Virgin thuộc Anh (20 tỷ). 

Số liệu từ Bộ Công thương Việt Nam cũng nói từ 2014, Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam cả về dự án đầu tư lẫn tổng số vốn đầu tư.

Trước đó, bà Trần Kim Oanh, Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam, được dẫn lời nói từ 2014, Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam cả về dự án đầu tư lẫn tổng số vốn đầu tư. - BBC
|
|

20.
Hội đoàn dân sự gửi thư đến Thủ tướng Phúc vụ sân bay-sân golf

Cựu phó tổng biên tập một tờ báo Đảng nói với BBC rằng ông ký vào thư ngỏ gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vụ sân bay-sân golf Tân Sơn Nhất vì "bất bình chuyện quân đội làm kinh tế từ lâu."

Hôm 13/6, báo Điện tử Chính phủ cho hay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, thuê tư vấn nước ngoài tiến hành làm việc độc lập để nghiên cứu, đánh giá, khảo sát theo hướng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất "với cách làm phải khách quan, trung thực nhất về hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đất."

"Thủ tướng chỉ đạo dừng hoạt động xây dựng tất cả các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf, như trường đào tạo năng khiếu golf, khu biệt thự, chung cư cao cấp cho thuê… để chờ các cơ quan tư vấn và các nhà khoa học xem xét trước khi quyết định," báo này viết.

Cùng thời điểm, các hội đoàn dân sự, giới nhân sĩ trí thức Việt Nam trong và ngoài nước ký thư ngỏ gửi thủ tướng về vụ việc với những nội dung chính: Phản đối Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa "ngụy biện phản khoa học và vô trách nhiệm tại diễn đàn Quốc hội" khi bác yêu cầu chính phủ sớm thu hồi đất sân golf; Bày tỏ sự phẫn nộ trước "thái độ tham lam bất chấp kỷ cương phép nước, quyền dân của nhóm lợi ích và một số thế lực trong quân đội"; Yêu cầu tổ chức hội thảo thẩm định khách quan và khoa học những vấn đề được đặt ra; Yêu cầu chính phủ khẩn trương thu hồi toàn bộ đất sử dụng không đúng mục đích để phục vụ công ích.

Trong danh sách ký vào thư ngỏ có các nhân vật: Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Nhà giáo Nguyễn Khắc Mai, Nhà thơ Hoàng Hưng, cựu Giám đốc Sở Tư pháp TP. HCM Võ Văn Thôn, cựu Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Huỳnh Sơn Phước...

'Áp lực mạnh'

Hôm 13/6, trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh, ông Kha Lương Ngãi, cựu Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, một trong những người ký vào thư ngỏ, nói: "Tôi ký vào thư vì đã bất bình chuyện quân đội làm kinh tế từ lâu."

"Thử hỏi đất của sân bay mà họ còn lấy được thì đất của người dân thì thế nào?"

"Việc quân đội lấy đất sân bay làm sân golf là sai trái, bất hợp pháp, gây nhiều hệ lụy cho người dân."

"Và lẽ ra với việc Bộ Giao thông Vận tải bỏ qua trách nhiệm của họ trong vụ này thì người đứng đầu bộ phải từ chức chứ không chỉ trả lại đất rồi thôi."

Thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng - Sài Gòn nói thêm: "Tôi hy vọng là với áp lực mạnh từ phía công luận, Thủ tướng Phúc sẽ buộc quân đội phải thực hiện việc trả lại đất làm sân golf chứ không chỉ dừng lại ở những chỉ đạo ban đầu." 

"Nhưng nói thật là trong vụ này, tôi chỉ biết hy vọng chứ chưa biết kết cục ngã ngũ ra sao vì chưa tin tưởng hoàn toàn." 

"Trọng trách của Bộ Quốc phòng là bảo vệ tổ quốc, lãnh thổ, nhưng có thể do đường lối, chủ trương của Đảng những năm trước tạo điều kiện cho những người nhân dân quân đội thực hiện lợi ích nhóm." 

"Theo như tôi biết, trên thế giới không có nước nào cho quân đội làm kinh tế, ngoại trừ Trung Quốc và Việt Nam." 

"Nhưng Trung Quốc đã thấy nguy cơ và bỏ rồi, còn Việt Nam cách đây hai, ba năm có nghị quyết về việc này nhưng rồi tình trạng này vẫn tiếp tục."

Nhà báo Kha Lương Ngãi là một trong những người tuyên bố công khai bỏ Đảng và tham gia các hoạt động chống Trung Quốc. 

Cùng thời điểm, nhà báo Huy Đức lên tiếng trên mạng xã hội: "Sân golf xây trong Tân Sơn Nhất cho công luận một cơ hội lớn để lên tiếng."

"Không chỉ là mở rộng Tân Sơn Nhất hay không mà vấn đề chính là cần buộc các cơ quan quyền lực phải tuân thủ quyền lực nhà nước."

"Quân đội cần bao nhiêu đất để phục vụ cho mục đích quốc phòng thì dân sẵn sàng và nhà nước phải đáp ứng liền. Phần đất nào không còn phục vụ cho mục đích quốc phòng thì phải trả lại."

"Nếu muốn sân golf không còn xây trong sân bay, cao ốc không còn mọc ra sau các bức tường quân sự, Chính phủ nên căn cứ Điều 65 của Luật Đất đai & Nghị định số 09/CP (Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ngày 12-2-1996) để tuyên vô hiệu một số hợp đồng chuyển mục đích và chuyển nhượng đất trái thẩm quyền của một số đơn vị quân đội cũng như của các cơ quan quyền lực khác. Và, từ nay phải nghiêm cấm các đơn vị công an, quân đội, các cơ quan công quyền khác chuyển quyền sử dụng đất hay tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất (từ doanh trại, trận địa, trụ sở... sang đất phục vụ cho các nhu cầu dân sự)."

"Các đại biểu Quốc hội không chỉ lên tiếng mà nên ngồi lại soạn thảo một nghị quyết nhằm ngăn chặn tiến trình "dân sự hóa" một cách khuất tất đất quân đội và các loại đất chuyên dùng khác." - BBC
|
|

21.
Thương mại EU-VN tăng trong 5 tháng qua

Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) tăng 16,2% trong năm tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Đó là số liệu được Bộ công thương đưa ra trong ngày 13 tháng 6.

Xuất khẩu của Việt Nam vào cộng đồng châu Âu tăng 4,2%, với các mặt hàng là giày dép, sản phẩm nông nghiệp thủy hải sản, máy tính. Bên cạnh đó nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng 14%, chủ yếu là máy móc, dược phẩm, và các sản phẩm làm từ sữa.

Các quốc gia châu Âu nhập khẩu nhiều hàng Việt Nam là Đức, Anh, Pháp, Ý, Hà Lan, và Tây Ban Nha.

Các nhà xuất khẩu Việt Nam hy vọng rằng khi thỏa thuận tự do thương mại Việt Nam và EU có hiệu lực vào năm tới 2018, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này sẽ tăng lên 50% vào năm 2020.

Nhưng Bộ công thương cũng lưu ý là các công ty Việt Nam phải vượt qua những rào cản về kỹ thuật để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường châu Âu về an toàn thực phẩm, vệ sinh và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. - RFA
|
|

22.
Sau lún, rung lắc, lại thêm sạt lở đe dọa Sài Gòn

Sài Gòn hiện có 40 khu vực bị đe dọa bởi sạt lở. Theo Sở Giao Thông-Vận Tải của thành phố này thì 23/40 khu vực đó thuộc diện đặc biệt nguy hiểm, 16/40 thuộc diện nguy hiểm.

Tờ Tuổi Trẻ vừa cho biết, việc di tản khẩn cấp tám gia đình cư trú cạnh bờ sông Rạch Tôm, thuộc xã Nhơn Ðức, huyện Nhà Bè, Sài Gòn, đã hoàn tất. Một số gia đình đang tạm trú trong trường học phía bên kia sông, một số tá túc tại nhà thân nhân.

Hôm 30 Tháng Năm, khu vực vừa kể xuất hiện một vết nứt dài, kết quả khảo sát địa chất xác định đó là tác động của một hố xoáy. Ngoài việc di tản dân, giới hữu trách cho biết đã cắt cử một nhóm theo dõi các diễn biến tại khu vực này và sẽ cố gắng “xử lý” hố xoáy trong vòng một tuần.

Theo các chuyên gia, sạt lở xảy ra do dòng chảy biến đổi. Sự biến đổi này hoặc do khai thác tài nguyên quá mức, hoặc vì tác động của các công trình xây dựng.

Tuy có 23 khu vực thuộc diện đặc biệt nguy hiểm vì sạt lở, chính quyền thành phố Sài Gòn chỉ mới tổ chức di tản dân ra khỏi một trong 23 khu vực nguy hiểm.

Một báo cáo của Sở Giao Thông-Vận Tải thành phố Sài Gòn về sạt lở ở thành phố này xác định, huyện Nhà Bè dẫn đầu về số điểm sạt lở (16 điểm), kế đó là huyện Cần Giờ, quận Thủ Ðức và quận 2 (mỗi nơi có 5 điểm). Song song với việc dựng biển cảnh báo và theo dõi sạt lở, sở này đề nghị cấp thêm tiền để hoàn tất việc xây dựng các bờ kè.

Nhìn một cách tổng quát thì cả địa hình lẫn địa chất của Sài Gòn tiếp tục biến dạng.

Hồi hạ tuần Tháng Tư, Ðại Học Bách Khoa Sài Gòn công bố kết quả một cuộc khảo sát về bề mặt của Sài Gòn. Theo đó, bề mặt nhiều khu vực của thành phố này (các quận: 2, 7, 8, 12, Thủ Ðức, Bình Tân; các huyện: Nhà Bè, Bình Chánh) tiếp tục lún nặng. Ðộ lún trung bình từ 5 mm đến 10 mm/năm.

Lúc đó, ông Lê Văn Trung, người đứng đầu nhóm khảo sát, cho biết, bề mặt Sài Gòn lún nhanh và nhiều vẫn vì khai thác nước ngầm quá mức, hoạt động xây dựng trong quá trình đô thị hóa tăng đè nén bề mặt những khu vực có nền đất yếu và rung động do hoạt động giao thông.

Ông Trung lưu ý thêm rằng, việc khai thác nước ngầm quá mức ở những khu vực gần biển còn khiến nước mặn xâm nhập vào các tầng nước ngầm, tác động tiêu cực đến các loại cây trồng, nguy hại cho nông nghiệp.

Cũng vào thời điểm vừa kể, một số khu vực khác tại Sài Gòn (quận 1, quận Thủ Ðức) liên tục bị rung lắc không rõ nguyên nhân. Trung Tâm Cảnh Báo Ðộng Ðất và Sóng Thần của Việt Nam khẳng định những đợt rung lắc đó không phải do động đất. Theo một số chuyên gia như ông Ðỗ Văn Lĩnh, liên đoàn phó Liên Ðoàn Bản Ðồ-Ðịa Chất Miền Nam, thuộc Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, rung lắc bất thường đã xuất hiện cách nay hơn một thập kỷ ở các quận 3 (ga Sài Gòn), 5 (bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình). Có những đợt rung lắc mà cường độ mạnh đến mức làm tường bị nứt, vỡ. Theo tờ Thanh Niên thì từ đầu năm đến tháng 4, rung lắc đã xảy ra trên một phạm vi rất rộng (quận 7, Bình Thạnh, Nhà Bè, Bình Chánh…).

Dẫu rung lắc xuất hiện càng ngày càng nhiều nhưng chính quyền thành phố Sài Gòn vẫn chưa thực hiện một cuộc khảo sát chính thức nào để xác định nguyên nhân thật và đặt định những giải pháp có thể ngăn chặn các hậu quả đáng tiếc. Các chuyên gia chỉ tạm nhận định, những đợt rung lắc có liên quan đến sự biến dạng của địa tầng, xảy ra do hoạt động xây dựng vừa thái quá, vừa không đúng nguyên tắc.

Ðịa hình, địa chất đã bị biến dạng thì không thể sửa. - nguoiviet



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét