26-5-2017
Tổ chức Ân xá Quốc tế nói điều kiện giam giữ ông Thức vi phạm
nhiều
điều khoản của Quy tắc Nelson Mandela của Liên Hiệp Quốc. (Ảnh : VOA)
1.
Khủng bố và Bắc Hàn, hai chủ đề tại hội nghị G7
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói khủng bố và Bắc Hàn là
hai chủ đề đứng đầu nghị trình tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm Thất Cường
khai mạc tại Sicily, hòn đảo lớn nhất trong biển Địa Trung Hải.
Ông Trump được Thủ Tướng Ý Paulo Gentiloni nghênh đón vào
lúc chính thức khai mạc hội nghị G7.
Trước hội nghị, nhà lãnh đạo Mỹ nói cuộc họp này sẽ “đặc biệt
tập trung vào vấn đề Bắc Hàn.”
Trong khi chủ nghĩa khủng bố cũng là một ưu tiên hàng đầu đối
với các vị nguyên thủ quốc gia tham gia hai ngày thảo luận trên đảo Sicily của
nước Ý, ông Trump nói các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo của
Bắc Hàn là “một vấn đề lớn” đối với giới lãnh đạo thế giới. Ông tuyên bố vấn đề
này sẽ được giải quyết.
Thương mại là một đề tài quan trọng khác trong tâm trí của
các nhà lãnh đạo khối G7, tụ tập tại thị trấn du lịch Taormina.
Tại một cuộc họp báo khai mạc hội nghị, Chủ tich Hội đồng
Châu Âu Donald Tusk nêu lên cam kết của ông Trump trong cuộc chiến chống khủng
bố.
“Tôi có ấn tượng rất tốt về quyết tâm và sự cương quyết của
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong vấn đề chống khủng bố. Tôi hoàn toàn đồng
ý với ông khi ông nói rằng cộng đồng quốc tế, khối G7, Hoa Kỳ và Châu Âu, phải
cương quyết, ngay cả tàn bạo, đối với khủng bố và nhóm chủ chiến Nhà Nước Hồi
giáo (ISIS). Tổng thống Trump cũng tỏ ra rất cứng rắn đối với Bắc Hàn, và trong
bối cảnh này, ông có thể tin tưởng vào sự hậu thuẫn của chúng ta.”
Ông Trump bất đồng ý kiến với các nhà lãnh đạo khác về biến
đổi khí hậu. Trong cuộc vận động tranh cử, ông thường xuyên cho rằng hiện tượng
tăng nhiệt địa cầu là một sự “lừa đảo.”
Trong hơn một thập niên qua, Khối G7 đã nhiều lần thừa nhận
mối đe dọa của biến đổi khí hậu, nhưng các giới chức Mỹ có thể vận động để xoa
dịu những ngôn từ khi đề cập tới vấn đề biến đổi khí hậu trong thông cáo chung
Taormina. - VOA
|
|
2.
Mỹ điều động máy bay do thám Bắc Triều Tiên, Trung Quốc ---
Trung Quốc tăng cường kiểm soát biên giới với Bắc Triều Tiên
Không lực Mỹ điều động máy bay do thám không người lái
Global Hawk đến căn cứ không quân Yokota phía tây Tokyo để tăng cường do thám Bắc
Triều Tiên và Trung Quốc.
Trung tá Jeremy Fields, chỉ huy trưởng phi đoàn Global Hawk
ngày 24/5 cho báo giới biết căn cứ nằm gần trung tâm Tokyo dễ dàng hơn cho việc
đệ trình kế hoạch các chuyến bay cho Bộ Đất đai, Bộ Hạ tầng Cơ sở, Bộ Giao
thông và Du lịch.
Ông không nói rõ các mục tiêu do thám, chỉ nói là không lực
Mỹ có nhiều nhiệm vụ tại Thái Bình Dương, như là đối phó với khủng bố và hải tặc
cũng như cứu trợ nhân đạo.
Tuy nhiên, rõ ràng là những máy bay này được dùng để hỗ trợ
cho việc do thám trên không và trên biển hiện đang được thực hiện để chống lại
Bắc Triều Tiên. Bắc Triều Tiên đã liên tiếp phóng phi đạn đạn đạo và cũng đang
đẩy mạnh việc chế tạo vũ khí hạt nhân.
Máy bay không người lái Global Hawk đạt đến độ cao khoảng
15.000 mét và bay được khoảng 36 giờ không cần tiếp liệu.
Năm chiếc Global Hawk được điều động đến Căn cứ Không quân
Yokota từ Căn cứ Không quân Andersen ở Guam.
Bốn trong năm chiếc đã đến Yokota và 110 nhân viên đã được
chuyển từ Guam đến căn cứ này.
Việc triển khai đến Yokota chỉ có tính cách tạm thời, từ giữa
tháng 5 cho đến cuối tháng 10 trong khi chờ đợi sửa chữa đường bay của Căn cứ
Không quân Misawa ở Aomori nằm ở cực bắc đảo Honshu.
Kể từ năm 2014, một số máy bay Global Hawk đặt căn cứ tại
Guam được chuyển sang Căn cứ Không quân Misawa trong mùa hè để tránh thời tiết
xấu như các cơn bão có thể ảnh hưởng đến kế hoạch bay.
Tuy nhiên, việc sửa đường bay tại Misawa giữa tháng 5 và
tháng 7 đã đưa đến quyết định điều động Global Hawk đến Yokota lần đầu tiên.
Lực lượng Tự vệ Nhật Bản có kế hoạch mua ba chiếc Global
Hawk theo Chương trình Phòng vệ Trung hạn trong giai đoạn 2014-2018. - VOA
***
Washington được Bắc Kinh thông báo đã gia tăng kiểm soát dọc
theo biên giới Trung Quốc - Bắc Triều Tiên chiếu theo nghị quyết của Liên Hiệp
Quốc trừng phạt Bình Nhưỡng. Tổng thống Donald Trump cam kết « mối đe dọa của Bắc
Triều Tiều Tiên sẽ được giải quyết ».
Theo bản tin của AP ngày 26/05/2017 từ Bắc Kinh, Trợ lý ngoại
trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Susan Thornton cho biết bà được Trung Quốc thông báo
là « đã gia tăng việc giám sát biên giới, tăng cường nhiệm vụ của hải quan và
hoạt động thanh tra cửa khẩu » giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh cũng
cam kết đã « thi hành một số biện pháp khác ». Bà Susan Thornton không cho biết
cụ thể nhưng tuyên bố là đã thấy Bắc Kinh « có thay đổi quan trọng »
trong cách « tiếp cận » với Bình Nhưỡng.
Được AP đặt câu hỏi kiểm chứng, phát ngôn viên bộ ngoại giao
Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố Trung Quốc thi hành nghiêm túc nghị quyết của
Liên Hiệp Quốc, nhưng không nói chi tiết.
Về tình hình Biển Đông, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách
Đông Á cho biết Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên chính sách của chính phủ cũ, củng cố những
cam kết với các nước Đông Á, cũng như đối với các chiến dịch hải quân ở Biển
Đông.
Bắc Triều Tiên không được mời nhưng được nhắc tới tại hội
nghị thượng đỉnh G7 khai mạc vào hôm nay ở Taormina, đảo Sicilia, nước Ý. Tuyên
bố với báo chí trước khi gặp thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, tổng thống Mỹ
Donald Trump cam kết « vấn nạn Bắc Triều Tiên sẽ được giải quyết đúng lúc ».
Về phần Seoul, tân chính phủ cánh tả vừa có hành động làm giảm
căng thẳng với Bình Nhưỡng : cho phép một tổ chức phi chính phủ nối lại đối thoại
với miền bắc để tái lập viện trợ nhân đạo, với điều kiện không vi phạm nghị quyết
của Liên Hiệp Quốc trừng phạt Bắc Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa và hạt
nhân. - RFI
|
|
3.
Mỹ muốn Australia giúp trong vấn đề Biển Đông
Australia sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong kế hoạch về châu
Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Trump để chống lại thái độ hung hăng của Trung
Quốc tại Biển Đông.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo The Australian, Thượng nghị
sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện nói việc tăng cường lực lượng
hải quân sẽ được Hoa Kỳ và Australia thực hiện nhằm mục tiêu “hòa bình bằng sức
mạnh” tại Thái Bình Dương.
Thượng nghị sĩ John McCain, tuần tới sẽ đến Australia để gặp
Thủ tướng Malcolm Turnbull. Ông cho biết Australia sẽ đóng một vai trò lớn hơn
theo chiến lược mới của Hoa Kỳ.
Ngân sách 2018 mà Tổng thống Trump đề nghị kêu gọi gia tăng
chi tiêu quân sự lên thành 574 tỉ đô la, hơn năm ngoái 10%.
Thượng nghị sĩ McCain cũng hoan nghênh việc Thủ tướng
Turnbull quyết định sử dụng 89 tỉ đô la để thay thế và tân trang hạm đội của Hải
quân Hoàng gia Australia. - VOA
|
|
4.
Nghiên cứu Canada vạch trần thủ đoạn tung tin giả của Nga
Một nghiên cứu của Đại học Toronto, Canada, cho biết trong
những năm gần đây Matxcơva tiến hành nhiều chiến dịch « bóp méo thông tin và
gián điệp tin học »,với các đối tượng thuộc 39 quốc gia. Mục tiêu của báo cáo
là cung cấp thông tin để hiểu rõ hơn về các thủ đoạn của Nga, để có cách ngăn
chặn.
Theo AFP, báo cáo mang tên Citizen Lab, được công bố hôm
qua, 25/05/2017, khẳng định Nga đã bắt đầu ít nhất từ năm 2015 « nhiều chiến dịch
bóp méo thông tin và gián điệp tin học nhắm vào hàng trăm mục tiêu thuộc các
chính phủ, giới kinh tế, quân đội và xã hội dân sự ». Trong số các nạn nhân có
một cựu phó tướng Nga, nhiều giới chức cao cấp Mỹ, thành viên các văn phòng
chính phủ ở châu Âu và châu Á, các đại sứ quán, các quân nhân cao cấp, tổng
giám đốc các công ty năng lượng…
Bên cạnh giới quan chức, đối tượng tấn công của tin tặc Nga
còn là các nhà báo, các nhà đối lập, nhà tranh đấu. Vụ tấn công tin học nhắm
vào Đảng Dân Chủ Mỹ và chiến dịch can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ được đánh
giá chỉ là phần nổi của tảng băng.
Theo tác giả chính của bản báo cáo, Ronadl Deibert, Nga đã
có một « kinh nghiệm tuyên truyền bóp méo thông tin lâu đời », từ thời Liên Xô.
Một trong các thủ thuật chính mà Matxcơva sử sử dụng là moi các thông tin cá
nhân của đối tượng, để rồi tung trở lại, trộn lẫn thông tin thật với thông tin
giả, gây ra một không khí hư hư, thực thực.
Một ví dụ cụ thể là trường hợp nhà báo Mỹ David Satter,
chuyên viết về nạn tham nhũng ở Nga. Địa chỉ email của ông bị đột nhập. Tiếp
theo đó, tin tặc tung ra các bức thư giả từ địa chỉ của ông, để gây ấn tượng là
nhà báo nói trên tham gia vào một chiến dịch ngầm của CIA nhằm hạ uy tín của tổng
thống Nga Putin.
Nhà nghiên cứu Ronald Deibert thừa nhận thủ đoạn này thật
khó ngăn chặn, vì « tách biệt được những chuyện bịa đặt trong cả một rừng thông
tin » là chuyện không hề đơn giản. Tác giả bản báo cáo Canada hy vọng « khi
nghiên cứu kỹ càng và công bố chi tiết » về các thủ đoạn này, báo cáo sẽ làm hiểu
rõ hơn thực tế này và giúp cho việc giảm thiểu nguy cơ". - RFI
|
|
6.
FireEye: Tin tặc từ VN 'tấn công Philippines'
Nhóm tin tặc 'có liên hệ với chính quyền Việt Nam' có thể đã
tấn công các cơ quan chính phủ Phillipines nhằm thu thập thông tin mật liên
quan đến tranh chấp ở Biển Đông, theo công ty an ninh mạng FireEye hôm 25/5.
Cùng lúc, một số chuyên gia mạng ở Việt Nam nói với BBC rằng
chính Việt Nam mới là đối tượng của nhiều vụ tấn công của tin tặc.
Theo FireEye, nhóm tin tặc APT32 mà họ phát hiện trước đó đã
tấn công các công ty và tổ chức nước ngoài, các nhà báo và nhà hoạt động tại Việt
Nam.
Bryce Boland, trưởng ban công nghệ Châu Á-Thái Bình Dương
nói trong buổi họp báo hôm 25/5 rằng FireEye phát hiện APT32 còn tấn công các
cơ quan chính phủ Philippines.
"Có thể suy đoán là việc này để lấy thông tin liên quan
đến trang bị quân sự và tìm hiểu các tổ chức trong chính phủ đã hoạt động như
thế nào để phòng khả năng xảy ra xung đột quân sự," hãng tin Reuters dẫn lời
ông Boland tại cuộc họp báo.
Năm 2016, nhóm này đã tấn công một tập đoàn hàng hoá thương
mại và hãng cơ sở hạ tầng công nghệ của Philippine, cùng với một số công ty,
doanh nghiệp ở Việt Nam.
FireEye nói rằng nhóm tin tặc liên tục cập nhật công nghệ đột
nhập khai thác thông tin để chiếm đoạt nhiều thông tin quan trọng hơn.
Ông Boland cảnh báo rằng các cuộc tấn công sẽ diễn ra trong
nhiều năm tới, theo Reuters.
"Có nhiều bất đồng giữa Việt Nam và Philippines về
tuyên bố chủ quyền của một số hòn đảo trong Biển Đông và rất có thể điệp vụ
tình báo mạng này đã được tận dụng," ông Boland nói.
APT là viết tắt cho "Nguy cơ tấn công thường trực,"
một thuật ngữ thường được dùng cho các nhóm tin tặc được chính phủ hậu thuẫn.
"Tôi tin rằng tất cả các hoạt động của APT32 mang hướng
có lợi có chính quyền Việt Nam," ông Boland nói.
Tin tặc Trung Quốc và Việt Nam hưởng lợi?
Trong cuộc họp báo, FireEye cho biết nhóm APT32 cùng nhóm
tin tặc Trung Quốc đã bắt đầu các chiến dịch tình báo công nghệ với Philippines
và các quốc gia Đông Nam Á khác từ năm 2013.
Theo tờ Manila Times, các cuộc tấn công này nhắm vào các cơ
quan chính phủ, công ty tư nhân và thậm chí cả truyền thông.
Ông Travis Reese, chủ tịch FireEye nói rằng các cuộc tấn
công này đem lại lớn ích lớn cho Trung Quốc và Việt Nam.
Ngoài cái lợi ích kinh tế, các cuộc tấn công mạng cũng đem lại
những lợi ích về chính trị và thương mai nhờ khai thác thông tin về các hoạt động
chính trị cũng như giao thương của nhiều quốc gia.
Ông Boland nói rằng các nhóm tin tặc này ngày càng gia tăng
hoạt động để kiếm thêm lợi nhuận hàng năm.
Năm 2015, FireEye công bố nhóm tin tặc APT30, một nhóm tin tặc
Trung Quốc, đã tấn công Việt Nam và các nước trong khu vực trong suốt 10 năm.
Việt Nam mới là nạn nhân?
Trao đổi với BBC hôm 26/5, ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng nhóm
Bảo mật, Ban Công nghệ của tập đoàn FPT cho biết: "Tôi thường nghe thông
tin ngược lại là Việt Nam mới là nạn nhân của các cuộc tấn công."
"FireEye là một hãng rất nổi tiếng nhưng không phải
thông tin nào cũng đáng tin cậy," ông Đức nói.
"Việt Nam luôn nằm trong top các nước bị lây nhiễm mã độc,"
ông Đức nói.
Phó chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc của BKAV, ông Vũ Ngọc
Sơn thì nói: "Hiện có rất nhiều nhóm tin tặc tấn công vào các công ty, tổ
chức ở Việt Nam."
"Các vụ tấn công tập trung cụ thể vào các công ty nước
ngoài thì chúng tôi không ghi nhận được trường hợp nào như vậy, nhưng chủ yếu
là các cơ quan của Việt Nam bị tin tặc tấn công."
"Tình hình bị tấn công mã độc, virus ở Viêt Nam là một
trong những vấn đề lớn."
"Việt Nam là một điểm nóng về an minh mạng vì tỷ lệ sử
dụng Internet cao. Virus hiện nay có thể tấn công vào các lỗ hổng phần mềm, tỷ
lệ lỗ hổng là rất cao."
Khi được hỏi về các cuộc tấn công đối với các nhà báo, nhà
hoạt động, ông Sơn nói:
"Các nhà báo, nhà hoạt động cũng chỉ là một số đối tượng
của các nhóm tin tặc, còn việc các nhóm tin tặc này có hoạt động cho chính phủ
Việt Nam hay không thì tôi không rõ."
Về phía mình, chính phủ Việt Nam, qua lời người phát ngôn
Bộ Ngoại giao Lê Thu Hằng, khẳng định "Chính phủ Việt Nam không cho phép
bất kỳ cuộc tấn công mạng nào chống lại các tổ chức hoặc cá nhân."
Bà Thu Hằng hồi trung tuần tháng Năm vừa qua cũng được báo
chí trích lời nói: "Tất cả những cuộc tấn công trên mạng hoặc đe dọa an
ninh mạng đều cần bị kết án và trừng trị nghiêm khắc theo luật pháp." -
BBC
|
|
8.
Quân đội Philippines cố giành lại Marawi --- Chiến binh nước
ngoài và phiến quân theo IS tại Philippines
Các binh sĩ Philippines hôm thứ Năm tiến vào Marawi, thành
phố bị vây hãm trên đảo Mindanao ở miền nam, và bắt đầu đẩy lùi ra các chiến
binh Hồi giáo đã chiếm quyền kiểm soát nơi này hồi đầu tuần.
Hai máy bay trực thăng quân sự bay trên những mái nhà trong
thành phố trong khi nhiều xe tăng chạy ngang qua các khu dân cư giữa những tiếng
súng và tiếng nổ lẻ tẻ. Nhiều người trong số 200.000 dân của Marawi bỏ nhà cửa
để chạy đến những nơi an toàn.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ tối thứ Ba khi lực lượng an ninh
Philippines tiến hành đột kích nhằm bắt giữ Isnilon Hapilon, thủ lĩnh chủ chiến
được cho là đang dưỡng thương ở Marawi sau một vụ đụng độ trước đó.
Cuộc đột kích thất bại khi các phần tử chủ chiến ồ ạt tràn
vào thành phố. Chúng cướp phá, đốt nhà, đốt một trường đại học và nhiều nhà thờ
Công giáo. Họ còn bắt con tin, trong đó có một linh mục và hơn 10 người khác tại
một nhà thờ lớn.
Quân đội Philippines nói ít nhất 6 binh sĩ chính phủ và 13
phần tử chủ chiến đã chết trong cuộc giao tranh.
Tổng thống Rodrigo Duterte đã tuyên bố tình trạng thiết quân
luật ở miền nam Philippines, và thề sẽ có những biện pháp quyết liệt chống những
kẻ chủ chiến.
Ông Duterte còn cảnh báo ông có thể ban hành thiết quân luật
trên toàn quốc. - VOA
***
Các chiến binh nước ngoài có mặt trong số các tay súng bị giết
chết tại một thành phố phía nam của Philippines trong những ngày qua, giới chức
nói.
Sáu chiến binh thánh chiến, trong đó có các công dân
Indonesia và Malaysia, đã bị giết chết khi quân đội tiếp tục chiến dịch đẩy phiến
quân ra khỏi thành phố Marawi.
Trực thăng tấn công và các lực lượng đặc nhiệm đã được triển
khai.
Đây là sự thừa nhận hiếm thấy từ phía chính quyền về việc
các chiến binh thánh chiến hợp tác với các nhóm quốc tế.
Biến thành một tỉnh của IS
Quan chức cao cấp của Văn phòng Tư pháp Quốc gia Philippines
nói rằng những đối tượng từng là phiến quân địa phương nay đã đi theo ý thức hệ
của nhóm tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS).
"Họ muốn biến Mindanao thành một phần của Vương quốc Hồi
giáo toàn cầu (caliphate)," ông Jose Calida, chánh Văn phòng Tư pháp nói tại
cuộc họp báo.
Việc thừa nhận này khẳng định điều các nhà quan sát coi là
những bước đi của IS trong việc muốn biến khu vực miền nam Philippines có đa số
là người Hồi giáo thành một căn cứ vững chắc của mình tại Đông Nam Á.
Cho đến giữa năm 2015, các nhà quan sát ghi nhận IS tiến dần
vào các vùng trước đây có những nhóm Hồi giáo ủng hộ Al-Qaeda, và tuyên bố
lập các tỉnh hải ngoại, bên ngoài "chính quyền trung ương" ở vùng
thuộc Syria và Iraq.
IS tuyên bố có "lãnh thổ" ở Bắc Phi (Algeria,
Libya), Afghanistan, Bắc Caucasus thuộc Liên bang Nga, Yemen, và Nigeria.
Một số nhóm trung thành với IS tại Indonesia và Philippines
cho đến tháng 6/2015 đã được công nhận là bộ phận của tổ chức này nhưng chưa
"đạt tiêu chuẩn" để coi là tỉnh của Caliphate.
Marawi có đa số dân là người Hồi giáo, là thành phố thuộc tỉnh
Lanao del Sur trên đảo Mindanao, miền nam Philippines.
Tỉnh này hiện là căn cứ của Maute, một nhóm tuyên bố trung
thành với IS.
Báo Jakarta Post gần đây cũng đưa tin nói việc kiểm soát
biên giới vào Philippines không chặt chẽ khiến một số thanh niên theo tư tưởng
Thánh chiến Hồi giáo đã từ Indonesia đến Mindanao để gia nhập IS địa phương.
Tình trạng bạo lực nổ ra sau khi quân đội thất bại trong cuộc
bố ráp nhằm bắt giữ một lãnh đạo của phe phiến quân.
Cuộc giao tranh khiến 11 quân nhân và 31 tay súng thiệt mạng,
phát ngôn viên quân đội cho biết.
Tin tức nói hàng ngàn người đã bỏ chạy khỏi thành phố.
Một số tổ chức quốc tế nói họ ghi nhận cảnh đốt phá nhà thờ
của Công giáo và trường học sau khi các tay súng theo IS tràn vào Marawi.
Tổng thống Rodrigo Duterte hôm thứ Ba đã áp lệnh thiết quân
luật tại Mindanao nhằm đối phó tình hình.
Lệnh thiết quân luật cho phép sử dụng quân đội để đảm bảo trật
tự, và cho phép bắt giữ người dài hạn không cần có cáo buộc. - BBC
|
|
9.
Cô gái liên hệ tới vụ bê bối của cựu Tổng thống Hàn Quốc bị
dẫn độ
Một phụ nữ Hàn quốc bị truy nã để thẩm vấn vì có liên hệ đến
vụ tai tiếng làm Tổng thống Park Geun-hye mất chức vừa rút đơn kháng cáo chống
lại việc dẫn độ về Hàn Quốc, theo nguồn tin từ công tố viên nhà nước Đan Mạch
ngày 24/5.
“Quyết định dẫn độ cô Chung, công dân Hàn Quốc, giờ đây đã
chung quyết. Cô Chung hủy bỏ kháng cáo lên Tòa án Cấp cao,” một phát ngôn nhân
của công tố viên Đan Mạch cho biết và nói rằng thời điểm dẫn độ chưa được ấn định.
Cô Chung Yoo-Ra là con gái của bà Choi Soon-sil, bạn của cựu
Tổng thống Park. Bà Choi bị cáo buộc thông đồng với cựu Tổng thống để làm áp lực
với giới doanh thương đóng góp cho những quỹ bất vụ lợi. Bà Choi và bà Park đều
nói là không làm gì sai trái.
Vào tháng 6 vừa qua, một Tòa án Đan Mạch giữ nguyên quyết định
của công tố viên Đan Mạch, cho phép dẫn độ cô Chung, 20 tuổi, “để bị xét xử tại
quê nhà.” - VOA
|
|
10.
Ngũ Giác Đài bố trí thêm tám hệ thống đánh chặn hỏa tiễn ở
Alaska
Ngũ Giác Đài dự trù sẽ bố trí thêm tám hệ thống đánh chặn hỏa
tiễn ở căn cứ Fort Greeley tại Alaska, theo tin từ Cơ Quan Phòng Thủ Hỏa Tiễn Mỹ
(MDA).
Bản tin của hãng thông tấn UPI cho hay hệ thống truyền hình
Nhật NHK hôm Thứ Ba nói rằng quân đội Mỹ hiện đang tăng cường thêm tám hệ thống
đánh chặn hỏa tiễn và cũng “cải tiến” hệ thống radar dùng băng tần “X-band” đặt
trên một tàu nổi ở biển, giống như một giàn khoan, gọi là SB-X, để đối phó với
mối đe dọa từ Bắc Hàn.
Hệ thống SB-X được coi là lớn nhất và mạnh nhất trong số các
dàn radar dùng băng tần X-Band trên thế giới, được đặt trong một vòm cầu trông
giống như một trái banh đánh golf khổng lồ.
Các máy đẩy bằng điện của giàn tự cơ động này giúp cho hệ thống
radar có thể bố trí bất cứ nơi nào trong vùng biển Thái Bình Dương, theo MDA.
Bản tin UPI cho hay khoảng 44 hệ thống hỏa tiễn đánh chặn sẽ
được đưa tới Alaska để gia tăng khả năng bảo vệ nước Mỹ chống lại mối đe dọa của
hỏa tiễn liên lục địa từ Bắc Hàn và có thể từ Iran.
Một giàn radar loại X-band bố trí ở Nhật cũng sẽ được cải tiến
để gia tăng khả năng phát giác và theo dõi hỏa tiễn liên lục địa.
Bắc Hàn mới đây cho hay các hỏa tiễn tầm trung của họ, như
loại Hwasong-12, có thể bắn tới các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật và đảo Guam.
Giàn radar X-band nổi, hiện bố trí ở Thái Bình Dương chừng
120 ngày mỗi năm, cũng sẽ được cải tiến để có thể hoạt động ngoài biển suốt
năm.
Theo UPI, Ủy Ban Quốc Phòng Hạ Viện vừa chấp thuận gia tăng
$2.1 tỷ cho các chi tiêu quân sự ở vùng Thái Bình Dương, một phần cũng vì sự đe
dọa từ Bắc Hàn.
Trong số này, chừng $1 tỷ dùng để mua đạn dược và $1 tỷ khác
cho việc phòng thủ chống hỏa tiễn, kể cả hệ thống THAAD hiện đang bố trí ở Nam
Hàn. - nguoiviet
|
|
Tin Hoa Kỳ
11.
Lệnh cấm di trú của Trump tiếp tục ‘mắc cạn’
Một tòa phúc thẩm ở Mỹ ngày 25/5 từ chối không cho phục hồi
lệnh cấm di trú tạm thời của Tổng thống Donald Trump nhắm vào 6 nước có đa số
dân theo Hồi giáo, mở màn cho một cuộc chiến pháp lý tại Tòa Tối cao để phân định
thắng-bại.
Thẩm phán Roger Gregory nói sắc lệnh của ông Trump dùng những
lời lẽ mơ hồ về an ninh quốc gia và bộc lộ sự kỳ thị, thù nghịch, và bất dung
tôn giáo.
Tòa Bạch Ốc và Bộ Tư pháp chưa bình luận về diễn tiến này.
Tổng thống Trump nói lệnh cấm tạm thời của ông nhằm ngăn chặn
các cuộc khủng bố tấn công nước Mỹ.
Vụ án này có thể sẽ đưa lên tới Tòa Thượng thẩm, nơi có phán
quyết chung cuộc. Trong tiến trình này, chính phủ của ông Trump có thể đệ đơn
khẩn cấp tìm cách hiệu lực hóa lệnh cấm của Tổng thống.
Thẩm phán Gregory dẫn phát biểu của ông Trump trong chiến dịch
tranh cử 2016 gọi đây là ‘lệnh cấm Hồi giáo.’ Thẩm phán nói một người quan sát
trung lập có thể kết luận rằng mục đích chủ yếu của lệnh cấm này nhằm cấm cửa
người khác căn cứ vào niềm tin tôn giáo của họ.
Chính phủ lập luận rằng tòa không nên xét tới những bình luận
của ông Trump hồi tranh cử vì những phát ngôn đó được đưa ra trước khi ông trở
thành Tổng thống.
Tòa phúc thẩm bác quan điểm này, nói rằng những lời lẽ đó có
thể là tiền đề động cơ hành động của ông Trump.
Chính phủ nói Tổng thống có thẩm quyền rộng ngăn cấm nhập cảnh
Mỹ. Tòa phúc thẩm khẳng định Quốc hội cho Tổng thống quyền hạn rộng tay từ chối
cho người nước ngoài vào Mỹ, nhưng thẩm quyền đó không phải là tuyệt đối. - VOA
|
|
12.
FBI 'để ý' đến con rể Trump vì cuộc điều tra Trump-Nga
Con rể và cố vấn cấp cao của Tổng thống Donald Trump đang nằm
trong tầm ngắm của FBI trong cuộc điều tra liên quan đến Nga.
Các điều tra viên cho rằng ông Jared Kushner có nhiều thông
tin quan trọng liên quan tới cuộc điều tra, các quan chức cho NBC News biết.
FBI đang điều tra về khả năng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu
cử 2016 và cấu kết với chiến dịch tranh cử của Trump. Tổng thống đã phủ nhận bất
kỳ sự cấu kết nào.
Luật sư của ông Kushner nói rằng khách hàng của ông sẽ hợp
tác với các cuộc truy vấn liên quan.
Tổng thống Trump từng mô tả cuộc điều tra này là "sự
truy lùng phù thủy lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ".
Các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng Moscow đã cố gắng can thiệp
theo hướng có lợi cho ứng cử viên Đảng Cộng Hòa, người đánh bại đối thủ Đảng
Dân Chủ, Hillary Clinton.
Các quan chức Hoa Kỳ được dẫn lời bởi NBC, dù không tiết lộ
danh tính, nói rằng việc chú ý đến Kushner, 36 tuổi, không có nghĩa các điều
tra viên nghi ngờ ông ta đã phạm tội hay sẽ khởi tố ông ta.
Nhưng trong một diễn biến khác, Washington Post nói rằng các
điều tra viên đang tập trung vào các cuộc họp giữa ông Kushner với đại sứ Nga tại
Mỹ, Sergei Kislyak và một chủ ngân hàng từ Moscow.
Robert Mueller, một cựu giám đốc FBI, đã được bộ tư pháp tuyên
bố là người giám sát cuộc điều tra liên quan đến Nga.
Quốc hội cũng đang xem xét cáo buộc can thiệp của Nga trong
cuộc bầu cử 2016 và bất cứ liên kết nào với chiến dịch tranh cử của Trump.
Ông Kushner đã đồng ý sẽ trao đổi về các mối liên hệ Nga với
Ủy ban Tình báo Thượng viện.
"Ông Kushner từng tình nguyện chia sẻ thông tin với Quốc
hội về những gì ông biết về các cuộc họp này," luật sự của Kushner Jamie
Gorelick nói với BBC.
"Ông ấy cũng sẽ làm vậy nếu ông ấy được yêu cầu cho các
cuộc điều tra khác," luật sư này nói thêm. - BBC
|
|
13.
Cựu Tổng Thống Obama sang Đức, được đón tiếp nồng nhiệt
Cựu Tổng Thống Barack Obama hôm Thứ Năm được dân chúng Đức
đón tiếp nồng nhiệt như ngôi sao nhạc rock khi ông đến Berlin để xuất hiện
trong một buổi nói chuyện cạnh Thủ Tướng Angela Merkel, người ông gọi là một
trong những đối tác thân thiết nhất trong thời gian còn là tổng thống.
Các biện pháp an ninh được thi hành chặt chẽ tại khu vực
Brandenburg Gate nổi tiếng ở thủ đô Berlin.
Ông Obama và bà Merkel xuất hiện trước đám đông gồm nhiều
ngàn người tụ tập để kỷ niệm 500 năm cuộc Cải Cách Tin Lành (còn gọi là Cải
Cách Kháng Nghị).
Trực thăng cảnh sát bay quần đảo trên trời và các tay súng bắn
tỉa được bố trí trên các nóc cao ốc quan sát kỹ càng nơi đây.
Cũng trong dịp này, ông Obama bênh vực những gì mà chính phủ
ông từng thực hiện cũng như duy trì các giá trị của khuynh hướng dân chủ cấp tiến
mà cả ông lẫn bà Merkel đều theo đuổi.
Nêu lên sự trổi dậy của quốc gia chủ nghĩa và tinh thần bài
ngoại đang thấy ở nhiều nơi trên thế giới, ông Obama nói với đám đông rằng
“chúng ta phải đẩy lui những chiều hướng này vì nó sẽ đưa tới vi phạm nhân quyền
đàn áp dân chủ hay giới hạn quyền tự do cá nhân.”
Với phát biểu ám chỉ ông Donald Trump, ông Obama nêu lên nhu
cầu phải có của viện trợ phát triển và ngoại giao trong chính sách an ninh quốc
gia.
“Chúng ta không thể tự cô lập chính mình. Chúng ta không thể
đứng núp sau bức tường,” ông nói trong sự hoan nghênh nồng nhiệt của đám đông.
Bà Merkel sau đó trong ngày Thứ Năm đến Brussels để gặp các
nhà lãnh đạo trong tổ chức NATO, kể cả Tổng Thống Donald Trump. - nguoiviet
|
|
14.
23 triệu người Mỹ mất bảo hiểm theo dự luật y tế của Cộng
Hòa
Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội Hoa Kỳ (CBO) hôm Thứ Tư cho
hay, dự luật bảo hiểm mới của Cộng Hòa Hạ Viện sẽ khiến số người có được bảo hiểm
ít hơn so với Obamacare đến 23 triệu, tính đến năm 2026.
Theo đài CNN, tiên liệu của CBO sẽ tạo thêm khó khăn cho phe
Cộng Hòa khi họ tìm cách đưa dự luật này đi xa hơn, vốn đã được thông qua ở Hạ
Viện vào đầu tháng này.
Tuy nhiên, CBO cũng nhận thấy dự luật sẽ giúp giảm bớt thâm
thủng ngân sách được $119 tỷ so với Obamacare.
Nếu được Thượng Viện thông qua và được tổng thống ký ban
hành, dự luật sẽ ngưng mở rộng chương trình Medicaid, đồng thời cải tổ toàn diện
chương trình này.
Dự luật cũng bỏ đòi hỏi bắt buộc gần như mọi công dân phải
mua bảo hiểm. Ngoài ra, chủ nhân các công ty có trên 50 công nhân không bị bắt
buộc phải cung cấp bảo hiểm y tế cho nhân viên.
Dự luật cho phép hãng bảo hiểm ở nhiều tiểu bang tính bảo
phí cao hơn đối với người có tiền sử bệnh lý.
Thuế đánh vào người giàu và các hãng bảo hiểm của chương
trình Obamacare không còn được áp dụng, đồng thời, cho phép hãng bảo hiểm tính
giá cao hơn đối với người lớn tuổi mua bảo hiểm.
Khoảng một phần sáu dân số ở những tiểu bang có thay đổi lớn
trong luật bảo hiểm, bảo phí hạ đối với người trẻ và khỏe mạnh, nhưng sẽ khiến
nhiều người bệnh không mua nổi bảo hiểm vì giá cả tiếp tục tăng cao.
Một phần ba người Mỹ sống tại những tiểu bang nơi luật mới
có sự thay đổi ở “mức trung bình,” bảo phí sẽ hạ hơn so với của Obamacare, tính
đến trước năm 2026, nhưng quyền lợi sẽ ít đi.
Người trẻ sẽ được giảm giá nhiều trong khi người lớn tuổi
hơn chỉ được giảm ít.
Tại phân nửa còn lại của Hoa Kỳ, nơi vẫn còn duy trì chương
trình Obamacare, bảo phí có giảm phần nào, nhưng khác biệt tùy theo tuổi tác. -
nguoiviet
|
|
Tin Việt Nam
15.
Luật sư: ‘không đủ căn cứ kết tội’ nhà hoạt động Trần Anh
Kim
Một tòa phúc thẩm hôm 26/5 đã y án, tuyên phạt hai nhà hoạt
động Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng ở Thái Bình tổng cộng 25 năm tù giam, nhưng
một luật sư nói rằng 'không đủ căn cứ kết tội'.
Từ Hà Nội, luật sư Trần Thu Nam, người bào chữa cho ông Trần
Anh Kim, nói với VOA-Việt ngữ:
“Phiên tòa ngày hôm nay vẫn y án phiên sơ thẩm, ông Trần Anh
Kim, 13 năm và ông Lê Thanh Tùng, 12 năm tù.”
Như phiên sơ thẩm vào tháng 12 năm ngoái, ông Trần Anh Kim,
68 tuổi, và ông Lê Thanh Tùng 49 tuổi, bị xử lần lượt 13 năm và 12 năm tù giam
về tội danh bị cáo buộc là “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo
điều 79 của Bộ Luật hình sự.
Ngoài ra, mỗi người còn bị quản chế 4 năm ở địa phương, bị
tước quyền bầu cử và ứng cử trong thời hạn 5 năm tính từ khi chấp hành xong bản
án tù.
Luật sư Nam cho rằng “không có đủ căn cứ kết tội” các bị
cáo:
“Chúng tôi gồm có 3 luật sư, tôi bào chữa cho ông Trần Anh
Kim. Từ quan điểm của luật sư, chúng tôi cho rằng không đủ căn cứ kết tội. Các
đề nghị của luật sư trong phần tranh luận như hủy án và ra quyết định đình chỉ
vì các bị cáo không phạm tội, nhưng hội đồng xét xử không chấp nhận những đề
nghị đó.”
Trước đây, ông Trần Anh Kim bị kết án 5 năm 6 tháng tù sau
khi bị buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, ông Lê Thanh Tùng
bị kết án 4 năm về tội “tuyên truyền chống nhà nước”.
Ông Kim ra tù mới được 8 tháng, ông Tùng ra tù 6 tháng thì bị
bắt lại.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam hôm 19/12/2016 ra thông báo
bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về bản án tổng cộng 25 năm tù giam dành cho hai ông
Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng, mà đại sứ Ted Osisus gọi là “hai nhà hoạt động
ôn hòa”.
Theo cáo trạng, cựu trung tá Trần Anh Kim có ý tưởng thành lập
tổ chức 'Lực lượng quốc dân dựng cờ dân chủ', với thành viên nòng cốt là sĩ
quan và hạ sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân đội Việt Nam Cộng hòa, có
mục đích lật đổ chế độ hiện nay để thành lập một nhà nước dân chủ.
Ông Kim tự xưng là chủ tịch của lực lượng và đề cử ông Lê
Thanh Tùng, cũng là một cựu sĩ quan quân đội, làm phát ngôn viên. Hai ông
chưa kịp cho ra mắt tổ chức này thì bị công an Việt Nam bắt hôm 21/9/2015.
Trong tuyên bố trên trang web sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, đại
sứ Mỹ nói tất cả mọi người cần được hưởng quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội.
Ông chỉ ra rằng “Xu hướng gần đây bắt giữ và kết tội các nhà hoạt động ôn hòa
là “đáng lo ngại: và “đe dọa làm lu mờ sự tiến bộ của Việt Nam về vấn đề nhân
quyền”.
Đại sứ Osius nhấn mạnh: “Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả những
cá nhân này và các tù nhân lương tâm khác, và cho phép tất cả cá nhân tại Việt
Nam thể hiện quan điểm chính trị của mình mà không sợ bị trừng phạt”.
Ông Trần Anh Kim từng phục vụ trong quân đội trong hơn 30
năm. Lần trước ông bị bắt vào năm 2009 vì vai trò của ông trong hai tổ chức bị
nhà cầm quyền Việt Nam cho là “phản động và bất hợp pháp”, là Đảng Dân Chủ Việt
Nam và Khối 8406.
Ông Kim bị tòa án Thái Bình kết án 5 năm 6 tháng tù giam và
3 năm quản chế vào ngày 28/12/2009.Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA- Việt
ngữ sau khi ông Kim bị bắt, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, một nhà hoạt động tranh đấu
cho dân chủ ở Việt Nam, nói ông Trần Anh Kim bị bắt vì đã lập ra một tổ chức
quy tụ một số quân nhân của cả hai miền Nam, Bắc mang tên là “Quân nhân Dựng cờ
Dân chủ”, trong khi làm như vậy không có gì là sai trái.
Các chính phủ và tổ chức quốc tế đã nhiều lần lên án Việt
Nam vì đã dùng các điều khoản 79 và 88 của Bộ Luật Hình sự để kết án những người
bất đồng chính kiến. Cộng đồng quốc tế kêu gọi Hà Nội hủy bỏ những điều luật mà
theo họ, “vi phạm nhân quyền”, không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Hà Nội từ trước tới nay vẫn một mực khẳng định chỉ trừng phạt
những người phạm pháp, chứ không hề bỏ tù ai vì bất đồng chính kiến. - VOA
|
|
16.
Ân xá Quốc tế yêu cầu VN tuân thủ Quy tắc Nelson Mandela
Tổ chức Ân xá Quốc tế vừa gửi thư ngỏ cho Bộ trưởng Công an
Tô Lâm để bày tỏ quan ngại về điều kiện giam giữ “vi phạm Quy tắc Nelson
Mendela” đối với trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức, người đang chịu án tù
16 năm về tội “tuyên truyền chống Nhà nước XHCN Việt Nam” theo Điều 88.
Trong thư, tổ chức Ân xá Quốc tế nêu lên quan ngại về “tình
trạng giam giữ không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế” đối với ông Thức, “làm ảnh hưởng
xấu đến sức khỏe và tinh thần” của ông.
Ân xá Quốc tế nói điều kiện giam giữ ông Thức hiện nay vi phạm
nhiều điều khoản của Quy tắc Nelson Mandela của Liên Hiệp Quốc, quy định về việc
giam giữ tù nhân.
“Tại trại giam hiện nay – trại giam số 6 – ông không được
cung cấp đủ ánh sáng trong buồng giam khi điện bị cắt vào mỗi buổi sáng để ông
có thể đọc và viết thoải mái”, trích từ thư ngỏ.
Ân xá Quốc tế nói điều này vi phạm quy tắc 14(a) và 14(b) của
Quy tắc Nelson Mandela, quy định “Cửa sổ buồng giam phải đủ lớn để tù nhân có
thể đọc và làm việc bằng ánh sáng tự nhiên, và phải được xây dựng để không khí
có thể lưu thông trong điều kiện có hay không có hệ thống thông gió nhân tạo”
và “ánh sáng nhân tạo phải được cung cấp cho tù nhân để có thể đọc và viết mà
không gây tổn thương mắt và thị giác”.
Bà Lê Đinh Kim Thoa, vợ ông Trần Huỳnh Duy Thức, cho VOA biết
trong lần thăm mới nhất, gia đình muốn gửi cho ông Thức một đèn pin bằng nhựa,
sau khi biết ông bị giam trong tình trạng thiếu ánh sáng dẫn tới bị suy giảm thị
lực nghiêm trọng. Nhưng trại giam đã không cho phép ông Thức nhận đèn pin.
Thân nhân ông Thức nói họ bị gây khó dễ đủ kiểu. Em trai ông
Thức, ông Trần Huỳnh Duy Tân, nói với VOA:
“Họ bố trí để gặp anh Thức trong một phòng đặc biệt, cách
ngăn bằng một tấm kiếng, nói chuyện cũng khó, ảnh cũng không thể bắt tay được
người nhà. Họ đối xử rất tàn bạo với gia đình và anh Thức trong chuyện
đó".
"Hồi trước, cái đường mà ảnh đi từ trại giam đi ra, gia
đình đi từ ngoài vô, có một cái cổng làm bằng hàng rào. Gia đình còn tranh thủ
bắt tay được với ảnh. Nhưng đến lần thứ hai thì họ lấy một tấm tôn chắn ngang
luôn. Họ cắt luôn con đường mà chỉ để thọt tay qua hàng rào nắm tay ảnh một
cái, để ảnh nắm tay vợ con một cái, mà họ cũng không cho, họ ngăn luôn”.
Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, việc trại giam không cho phép
ông Thức gửi và nhận thư từ hay tiếp cận các ấn phẩm, tài liệu là vi phạm điều
58(1) và 64 của Quy tắc Nelson Mandela.
Ngoài ra, “trong quá trình thụ án, ông bị chuyển trại nhiều
lần mà không báo trước cho gia đình, khiến họ phải đi quãng đường xa để thăm
ông”, điều này vi phạm điều 59 trong quy tắc của Liên Hiệp Quốc.
Quy tắc Nelson Mandela quy định “tù nhân phải được giam giữ,
trong phạm vi có thể, ở những trại giam gần nhà hay nơi phục hồi xã hội của họ”.
Kể từ khi ông Thức bị chuyển ra trại giam ở Nghệ An, gia
đình không thể đi thăm ông mỗi tháng như trước đây vì nhiều điều kiện trở ngại.
Gia đình ông Thức nói họ rất lo ngại cho tình trạng sức khỏe
của ông, đặc biệt sau khi được cập nhật tin tức từ nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình,
người bị giam chung với ông Thức ở trại Xuyên Mộc, vừa mãn hạn tù 4 năm về Điều
88.
“Thời gian ở Xuyên Mộc, anh Thức cũng bị xỉu vài lần. Có lần
đang nằm trên giường, ảnh xỉu, té xuống đất, may mà có cái thùng đỡ được cái đầu.
Lần thứ 2 là ở trong nhà vệ sinh trong đó, ảnh bị xỉu, té xuống đập bể cái thau
luôn. Gia đình rất lo. Mới cách đây vài ngày gặp Trần Vũ Anh Bình mới biết được
chuyện đó nên gia đình rất lo. Hồi nào tới giờ ảnh có bệnh huyết áp thấp, thêm
điều kiện như thế này thì rất nguy cho sức khỏe của ảnh”.
Tổ chức Ân xá Quốc tế yêu cầu chính quyền Việt Nam tuân thủ
Quy tắc Nelson Mandela, đối xử với ông Thức bằng sự tôn trọng và phẩm giá, đồng
thời “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho ông Thức và các tù nhân lương
tâm khác.
Ngay sau cuộc Đối thoại Nhân quyền Mỹ-Việt tại Hà Nội vào
ngày 23/5, phái đoàn Mỹ do Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề dân chủ,
nhân quyền và lao động, bà Virginia Bennett, đã có cuộc gặp riêng với một số
nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam vào ngày 24/5. Phía Việt Nam đề nghị chính phủ
Hoa Kỳ quan tâm và can thiệp để ông Trần Huỳnh Duy Thức sớm được trả tự do. -
VOA
|
|
17.
Điều trần về ‘khủng hoảng nhân quyền’ Việt Nam
Năm ngày trước khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng
thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc, hôm 25/5, một buổi điều trần về “khủng
hoảng nhân quyền thầm lặng” của Việt Nam được tổ chức tại trụ sở Quốc hội Mỹ để
hối thúc Tổng thống Trump ra điều kiện nhân quyền đối với chính phủ Hà Nội.
Chủ tọa buổi điều trần, dân biểu Chris Smith:
“Trong một thời gian quá dài, vấn đề nhân quyền Việt Nam được
cho qua quá dễ dãi. Các nhà ngoại giao chỉ tập trung vào thực tế rằng Việt Nam
"không phải là Trung Quốc", trong khi nhà nước do công an nắm quyền
áp bức này lại được hưởng các quyền lợi thương mại và an ninh mà không có điều
kiện nào cả. Nhân quyền nên được đưa vào nội dung trong cuộc gặp giữa Tổng Thống
Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào tuần tới.”
“Tổng thống Trump có cơ hội thực sự mang lại cải cách hữu
hình ở Việt Nam nếu liên kết các mối quan hệ tốt hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam với
những cải thiện trông thấy về nhân quyền,” ông Smith nhấn mạnh.
Lưu ý điểm yếu của chính quyền trước, Chủ tịch Tiểu ban Nhân
quyền Toàn cầu ở Hạ viện, cho rằng cựu Tổng thống Obama đã ‘đánh mất một cơ hội’:
“Năm ngoái, ông Obama đã bỏ lỡ một cơ hội rất lớn để phóng
thích cho những tù nhân chính trị Việt Nam. Thay vào đó, ông ấy chỉ như đang đi
nghỉ dưỡng. Tôi đã cảm thấy cực kỳ thất vọng với chuyến đi đó của ông Obama.
Chúng tôi muốn ông ấy đề cập đến những cái tên cụ thể, nhưng ngay khi Tổng thống
Obama rời đi, chính quyền Hà Nội lại bắt còn nhiều người hơn thế.”
Dân biểu Smith nói trong suốt 42 năm qua, người dân Việt Nam
không giàu hơn bao nhiêu, và nhân quyền cũng không khá hơn.
Trong khi đó, dân biểu Alan Lowenthal thuộc đảng Dân chủ cho
rằng “nhân quyền ở Việt Nam đang biến mất.”
“Các giá trị nhân quyền ở Việt Nam đang biến mất. Trong suốt
thời gian tôi làm dân biểu ở Quốc hội, tôi hoàn toàn không thấy sự tiến triển
thật sự nào thông qua cách mà chính quyền đối xử công dân của mình.”
Dân biểu Ed Royce, đại diện bang California, kêu gọi không
thể tách rời nhân quyền ra khỏi mối quan hệ kinh tế, thương mại:
“Mối quan hệ của chúng ta với Việt Nam đang phát triển, đặc
biệt là về an ninh và thương mại, nhưng nhân quyền là giá trị cốt lõi đối với
chúng ta, chúng ta không thể tách rời nhân quyền khi tăng cường mối quan hệ với
chính phủ nước này.”
Chủ tọa buổi điều trần Chris Smith loan báo đã gửi thư cho
Ngoại trưởng Rex Tillerson hối thúc Bộ Ngoại giao ưu tiên vấn đề tự do tôn giáo
ở Việt Nam vì “chính phủ nước này sách nhiễu quá mức đối với các nhóm tôn giáo.”
Các vụ vi phạm nghiêm trọng được nêu lên tại buổi điều trần
bao gồm trường hợp của gia đình mục sư Nguyễn Công Chính và Hòa thượng Thích Quảng
Độ.
Tham gia buổi điều trần, bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng, chị ruột của
anh Nguyễn Hữu Tấn, một tín đồ Hòa Hảo vừa thiệt mạng với các vết cắt trên cổ
trong khi bị tạm giam ở Vĩnh Long, khẩn thiết kêu gọi:
“Gia đình của tôi rất lo sợ khủng hoảng. Tôi không muốn ai
chết nữa hết. Cháu của tôi thấy cha của nó chết như vậy, nó quá khủng hoảng. Mẹ
của nó thì ngồi đâu khóc đó. Cả nhà tôi đều lo sợ.”
Các nhân chứng khác tham gia điều trần như đại diện Tổ chức
Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản, đại diện Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS,
và ông T. Kumar, Giám đốc ban Quốc tế của tổ chức Ân xá Quốc tế đồng thanh thúc
giục hành pháp-lập pháp Hoa Kỳ gây áp lực buộc chính quyền Việt Nam chấm dứt
đàn áp nhân quyền và phóng thích tù nhân lương tâm.
Thông cáo cùng ngày từ văn phòng dân biểu Smith nói Hoa Kỳ
nên “ra điều kiện” là chỉ khi nào Việt Nam có tiến bộ “đáng kể, có thể kiểm chứng,
và có những cải tiến không thể đảo ngược” về tự do tôn giáo, quyền lao động, tự
do Internet và các quyền tự do dân chủ khác, thì Hoa Kỳ mới mở rộng các lợi ích
thương mại cho Việt Nam.
Thông cáo nêu rõ: “Những quyền tự do cơ bản này liên quan trực
tiếp đến các lợi ích của Hoa Kỳ trong một môi trường kinh doanh tốt hơn, thương
mại công bằng, sự tự tin cho nhà đầu tư, mở rộng tự do kinh tế và phát triển xã
hội dân sự.”
“Không gây áp lực để có được tiến bộ thực sự về nhân quyền
thì lực đẩy của Mỹ sẽ kém đi và sẽ làm thất vọng thế hệ trẻ ở Việt Nam. Rõ ràng
là hiện nay Việt Nam đang cần thị trường Hoa Kỳ và các cam kết an ninh của Mỹ
nhiều hơn là Mỹ cần thị trường và sự hợp tác an ninh của Việt Nam,” thông cáo
nhấn mạnh. - VOA
|
|
18.
Việt Nam nghiêng ngả giữa Mỹ và Trung Quốc
Việt Nam khó thể đòi hỏi gì hơn : một chiến hạm Mỹ thách thức
Trung Quốc tại Biển Đông, một cuộc hội kiến tại Nhà Trắng, và sáu chiếc tàu tuần
duyên mới được chuyển giao.
Đó là những dấu hiệu cho sự cam kết của Mỹ, trước một Việt
Nam đang lo ngại rằng dưới thời tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ sẽ không còn ủng
hộ tích cực như trước. Trong khi đó, Việt Nam đang là quốc gia Đông Nam Á dám
đương cự với tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, một trong những
vùng biển quan trọng nhất thế giới.
Do không chắc chắn rằng Mỹ sẽ hỗ trợ một cách bền bỉ, đồng
thời phải thận trọng khi dựa vào bất kỳ đồng minh nào, Việt Nam cũng khéo léo
giữ gìn mối quan hệ với kẻ thù lâu đời là Trung Quốc.
Ông Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới chính phủ,
nhiều năm qua vẫn đấu tranh cho chủ quyền biển đảo nói với Reuters: « Việt Nam
không muốn một sự mất thăng bằng quyền lực trong khu vực, có thể dẫn đến chiến
tranh ».
Cuộc gặp gỡ với tổng thống Mỹ Donald Trump vào thứ Tư tới là
một sự kiện quan trọng đối với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông sẽ là nhà lãnh đạo
Đông Nam Á đầu tiên đến thăm Nhà Trắng dưới thời chính quyền mới của Hoa Kỳ.
Đó là thành công từ những cuộc gọi, thư từ, liên lạc ngoại
giao và các chuyến viếng thăm ở cấp thấp hơn, đã bắt đầu rất sớm trước khi ông
Trump chính thức nắm quyền ở Washington. Tại đây, theo Reuters, Việt Nam vẫn
đang duy trì một nhà vận động hành lang với ngân sách 30.000 đô la một tháng.
Một động thái mang tính biểu tượng quan trọng đối với Việt
Nam trong tuần này, là chiến hạm Mỹ USS Dewey đã tiến sát một đảo nhân tạo do
Trung Quốc xây lên tại Biển Đông nhằm mở rộng chủ quyền tại vùng biển tranh chấp
với Việt Nam và bốn nước khác.
Các viên chức Việt Nam và những phái viên thạo tin nói rằng
đã phải vận động rất mạnh cho việc tuần tra « vì tự do hàng hải ». Để nhấn mạnh
thêm sự yểm trợ của Mỹ, Hoa Kỳ đã chuyển giao cho Việt Nam sáu tàu tuần duyên
trong tuần này.
Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, ông Ted Osius nói : « Sự thịnh vượng của
Việt Nam trong tương lai lệ thuộc vào một môi trường biển ổn định và hòa bình
». Phát biểu này giúp làm giảm bớt quan ngại của Việt Nam, đang là một tiếng
nói đơn độc thách thức tham vọng của Bắc Kinh trên Biển Đông, đặc biệt từ khi tổng
thống Philippines Rodrigo Duterte ngả vào vòng tay của Trung Quồc.
Quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã được tăng cường
dưới thời chính quyền Obama, nhưng hồ sơ quan trọng hơn cả là Hiệp định Đối tác
Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam tỏ ra thất vọng khi ông Trump
từ bỏ hiệp định tự do mậu dịch này, và chú trọng việc giảm bớt thâm hụt thương
mại – Việt Nam xuất siêu vào Mỹ 32 tỉ đô la trong sáu năm gần đây.
Hà Nội lại càng căng thẳng hơn khi sau đó ông Trump xích gần
lại với Tập Cận Bình, do muốn Bắc Kinh gây áp lực lên Bình Nhưỡng về chương
trình nguyên tử. Chuyên gia Carl Thayer, trường đại học New South Wales (Úc),
nhận xét : « Việc hoàn toàn chú tâm vào Bắc Triều Tiên khiến Việt Nam rất lo là
vấn đề Biển Đông sẽ bị gác sang một bên ».
Tại Washington, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Katrina Adams
tuyên bố : « Quan hệ đối tác Mỹ-Việt là yếu tố chủ chốt trong chính sách đối
ngoại của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương ». Nhưng một cựu quan chức
Mỹ nói rằng ông Trump có thể phàn nàn với thủ tướng Việt Nam về tầm mức xuất
siêu. Theo dự toán ngân sách của chính quyền Trump, các viện trợ quân sự Mỹ cho
Hà Nội có thể trở thành các khoản cho vay.
Theo Reuters, trước một Hoa Kỳ với chủ trương không rõ ràng
từ khi Donald Trump lên nắm quyền, mức độ quan tâm của Hà Nội đối với Bắc Kinh
cũng tương tự Washington.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã viếng thăm chính thức Bắc
Kinh, cùng lúc với việc tham dự hội nghị thượng đỉnh về dự án « Một vành đai, một
con đường » của Trung Quốc. Còn tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, được cho là người
quyền lực nhất Việt Nam, đã có mặt tại Bắc Kinh nhiều ngày trước khi Donald
Trump nhậm chức.
Sau hai chuyến viếng thăm trên, đôi bên đã khẳng định sẵn
sàng duy trì hòa bình tại Biển Đông. Đầu tháng này, lần đầu tiên một tàu của tuần
duyên Việt Nam đã sang thăm hữu nghị Trung Quốc.
Ông Trần Công Trục nhận định : « Vừa hợp tác vừa đấu tranh
là một chủ trương rất thực tế. Việt Nam sẽ không bao giờ chịu khuất phục hoặc
quy hàng trước việc Trung Quốc ngang nhiên vi phạm chủ quyền hợp pháp của mình,
nhưng cũng không cho Bắc Kinh cơ hội sử dụng vũ lực để gây ra xung đột". -
RFI
|
|
19.
VN tiếp quan chức Google và yêu cầu gỡ bỏ video xấu
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Eric Schmidt,
chủ tịch điều hành tập đoàn Alpabet tức công ty mẹ của Google vào ngày 26 tháng
5 tại văn phòng chính phủ ở Hà Nội.
Tại cuộc gặp, ông Nguyễn Xuân Phúc phát biểu rằng Việt Nam
hoan nghênh và tạo điều kiện cho Google đầu tư thành công tại Việt Nam, trong
đó có các doanh nghiệp Mỹ.
Tuy nhiên theo như báo chí trong nước thuật lại thì theo ông
Nguyễn Xuân Phúc bên cạnh những mặt tích cực còn có những mặt tiêu cực ví dụ việc
lợi dụng Youtube đề truyền tải những tin tức độc hại , vi phạm pháp luật
Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Google nên phối hợp làm việc chặt
chẽ với Việt Nam nhằm đối phó xử lý các thông tin mà ông cho là xấu và bất lợi.
Trong chuyến đến Việt Nam lần này ông Eric Schmidt cũng dự một
lễ khai trương dự án do Google hỗ trợ cho Hội Nông Dân Việt Nam trong mục đích
đào tạo kiến thức về kỹ thuật số cho nhà nông Việt Nam. Đây là chương trình đào
tạo nhằm nâng cao trính độ sử dụng vi tính và kỹ thuật cao cho nông dân vùng
sâu vùng xa trong lao động sản xuất.
Việt Nam giữ chính sách theo dõi, kiểm soát internet nghiêm
ngặt. Trước đó Hà Nội từng đề nghi Yahoo giúp loại bỏ những kênh thông tin bị
cho là xấu và độc hại cho người truy cập cũng như cho xã hội. - RFA
|
|
20.
Trung Quốc đồng ý mua heo từ Việt Nam
Việt Nam chuẩn bị hoàn tất hồ sơ và thủ tục xuất khẩu
sau khi phía Trung Quốc đồng ý mua lợn cho Việt Nam.
Tin tức trong nước vào ngày 26 tháng 5 cho biết như vừa nêu
và đó là kết quả mà đoàn công tác Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn
đạt được trong chuyến đi Trung Quốc do thứ trưởng Trần Thanh Năm dẫn đầu, sang
làm việc với đối tác trong Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc. Nội dung cuộc nói chuyện
là việc mua lợn chính ngạch của Việt Nam.
Phó cục trưởng Cục Chăn Nuôi Việt Nam, ông Nguyễn Xuân
Dương, cho biết Trung Quốc đã đồng ý mở cửa cho thị trường nhập khẩu lợn từ Việt
Nam. Ông nói Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam giải quyết các vấn đề kỹ thuật liên
quan tới quản lý, kiểm soát dịch bệnh để Trung Quốc theo đó dỡ bỏ lệnh cấm.
Trong thời gian qua, người chăn nuôi Việt Nam điêu đứng, thậm
chí có người phá sản vì giá lợn hơi xuống mức được nói là thấp kỷ lục. Trong
khi đó người chăn nuôi vẫn phải nuôi ăn cho lợn và trả lãi. Các cấp từ chính
quyền Trung ương, bộ - ngành và địa phương có kêu gọi cả nước ‘giải cứu’ thịt lợn
cho người chăn nuôi. - RFA
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét