Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




TIN CẬP NHẬT - THỨ SÁU 5/5/2017

TS Lê Minh Nguyên tổng hợp
5-5-2017

Một tín đồ PG Hòa Hảo, ông Nguyễn Hữu Tấn bị công an cắt cổ vì nghi treo cờ vàng trong nhà. Nguyễn Hữu Tấn và con trai được che mặt. (Hình: Viễn Đông Daily)


Tin Thế Giới

1.
Mỹ họp với ASEAN, bàn chuyện Biển Đông --- Việt Nam nhấn mạnh vai trò của Mỹ tại Đông Nam Á

Ngoại trưởng Mỹ ngày 4/5 chủ trì cuộc họp đặc biệt với Ngoại trưởng các nước ASEAN tại thủ đô Washington, củng cố Đối tác Chiến lược và đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ đôi bên, theo thông cáo báo chí từ Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tại cuộc họp, ông Rex Tillerson đã nhấn mạnh rằng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump và rằng ASEAN là đối tác quan trọng, thông cáo nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Heather Nauert, cho biết Ngoại trưởng 10 nước Đông Nam Á hoan nghênh cam kết của Mỹ đối với ASEAN.

Một ngày trước, trong cuộc Đối thoại Mỹ-ASEAN hôm 3/5, các giới chức cấp cao của Mỹ, 10 nước ASEAN, và Thư ký ASEAN đã thảo luận hợp tác trong các vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế và nhấn mạnh cam kết chung về thăng tiến hòa bình, an ninh, thịnh vượng khu vực.

Tại cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mỹ và ASEAN hôm nay, các bên thảo luận về căng thẳng bán đảo Triều Tiên do các vụ thử nghiệm hạt nhân và phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên và mối đe dọa lớn từ hoạt động này đối với ổn định khu vực. Các Ngoại trưởng cũng thừa nhận cần phải thực thi đầy đủ tất cả các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, thông cáo viết.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói Ngoại trưởng Tillerson và giới chức tương nhiệm từ 10 nước ASEAN cũng tái khẳng định tuân thủ trật tự dựa trên luật lệ ở Châu Á Thái Bình Dương và các nguyên tắc chung đã nêu rõ trong Thông cáo chung của Thượng đỉnh Đặc biệt giữa Lãnh đạo Mỹ-ASEAN 2016, bao gồm giải pháp ôn hòa cho tranh chấp, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, và tuân thủ luật quốc tế.

Vẫn theo người phát ngôn Nauert, Ngoại trưởng Tillerson cũng lưu ý những quan ngại chung của các nước trong khu vực về các hoạt động quân sự hóa và bồi đắp đất ở Biển Đông.

Thông cáo từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm rằng tại cuộc họp đặc biệt này, Ngoại trưởng Mỹ-ASEAN đã nhấn mạnh rằng các nước Đông Nam Á và Trung Quốc cần phải bảo đảm thực thi trọn vẹn, hiệu quả Tuyên bố Ứng xử Các bên ở Biển Đông và đề cập tới các nỗ lực hướng tới việc sớm chung quyết một Bộ Quy tắc Ứng xử ý nghĩa. 

Ngoài vấn đề Bắc Triều Tiên và Biển Đông, Mỹ-ASEAN cũng bàn về đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư.

Thông cáo từ Bộ Ngoại giao nói Ngoại trưởng Tillerson trong cuộc gặp cũng bày tỏ ý định đại diện Mỹ tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN, Thượng đỉnh cấp Bộ trưởng Đông Á, và các cuộc họp cấp Bộ trưởng giữa Mỹ với ASEAN vào tháng 8 tới đây tại Philippines. - VOA

***
Đại diện Ngoại giao Việt Nam tại hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN Mỹ diễn ra ngày 4 tháng 5 tại Washington DC lên tiếng khẳng định tầm quan trọng trong quan hệ giữa ASEAN và Hoa Kỳ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao kết quả đạt được trong hợp tác ASEAN và Mỹ thời gian qua, khẳng định tiếp tục các cam kết và đà phát triển quan hệ ASEAN Hoa Kỳ là phù hợp với lợi ích hai bên.

Đại diện Việt Nam nhân dịp này cũng bày tỏ lo ngại trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do tại khu vực này. Ông Nguyễn Quốc Dũng nói rằng đây là mối quan tâm chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực, bao gồm Hoa Kỳ.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cũng đề xuất một số lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa ASEAN và Mỹ trong thời gian tới bao gồm thúc đẩy sáng tạo, kinh tế số, hợp tác biển và ứng phó với khủng bố, an ninh mạng, hợp tác bảo vệ nguồn nước Sông Mekong và đối phó với biến đổi khí hậu. - RFA
|
|

2.
Ngoại Trưởng Tillerson: Không áp đặt giá trị của Mỹ lên các quốc gia khác

Ứng dụng nguyên tắc “Nước Mỹ Trước Hết” vào chính sách ngoại giao, Ngoại Trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm Thứ Tư tuyên bố nước Mỹ từ nay không đặt điều kiện là các quốc gia liên hệ với mình phải chấp nhận các giá trị do Mỹ đưa ra như về nhân quyền.

Ông Tillerson cho hay như trên trong một cuộc họp nội bộ với nhân viên Bộ Ngoại Giao, trả lời các câu hỏi về thay đổi ưu tiên trong chính sách và các cải tổ lớn lao sẽ diễn ra trong cơ quan này.

Ông Tillerson không cho biết chi tiết về dự trù cắt giảm 2,300 công việc nơi đây hay việc ông sẽ cắt khoảng 25% ngân sách Bộ Ngoại Giao sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của cơ quan.

Ông Tillerson cho hay thông cảm về những lo lắng hiện nay, hứa rằng sau thay đổi, các nhà ngoại giao sẽ thấy công việc của họ “hứng thú hơn”.

Điều ông Tillerson đưa ra rõ ràng nhất trong cuộc họp này là làm thế nào ứng dụng quan niệm “Nước Mỹ Trước Hết” của Tổng Thống Donald Trump vào chính sách ngoại giao.

Ông nói trong hai thập niên qua, Washington không còn biết rằng mối quan hệ với các đồng minh cũ sau thời Chiến Tranh Lạnh có còn đáp ứng quyền lợi của Mỹ hay không.

“Đây là những mối quan hệ quan trọng, nhưng chúng ta phải có sự cân bằng,” ông Tillerson nói với các nhân viên Bộ Ngoại Giao, đứng chật cả hội trường.

Vị cựu Tổng Giám Đốc Điều Hành công ty Exxonn Mobil phân biệt rõ ràng giữa “giá trị Mỹ” và “chính sách Mỹ”.

Chính sách của Mỹ có thể thay đổi và sẽ phải thay đổi, ông cho hay, do đó thử thách cho các nhà ngoại giao là làm sao đạt được quyền lợi tốt nhất cho nước Mỹ.

Ông nói thêm rằng, về vấn đề an ninh quốc gia Mỹ, chính sách đưa ra không nhất thiết phải tùy thuộc vào các giá trị Mỹ.

“Trong một số trường hợp, khi cần có nỗ lực về an ninh quốc gia nhưng nếu chúng ta đưa điều kiện là người khác phải chấp nhận các giá trị của mình, chúng ta có thể sẽ không đạt được mục đích về an ninh quốc gia,” ông Tillerson nói. “Điều này thật ra lại còn tạo thêm cản trở.”

Tuy nhiên, ông cũng trấn an rằng nước Mỹ “sẽ không vứt bỏ các giá trị đó bên lề”. - nguoiviet
|
|

3.
Mỹ-Úc tái khẳng định quan hệ thân thiết

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tái khẳng định mối quan hệ thân thiết giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo gặp nhau vào chiều tối Thứ Năm 4/5 ở New York, lần đầu tiên từsau một cuộc điện đàm gay gắt hồi đầu năm nay, khi hai ông tranh cãi một thỏa thuận về người tị nạn gây nhiều tranh cãi. Từ Sydney, Giới quan sát ởAustralia đã thở phào nhẹ nhõm trước dấu hiệu giảm bớt căng thẳng giữa hai đồng minh lâu đời.

Đã có nhiều lời bàn ra tán vào về tâm trạng và giọng điệu của các cuộc thảo luận của hai nhà lãnh đạo Mỹ, Úc ở New York sau cuộc điện đàm không mấy thân thiện hồi đầu năm nay khi ông Trump nặng lời với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull về một thỏa thuận giữa Úc và chính phủ Mỹ tiền nhiệm để gửi sang Mỹ  một nhóm người tị nạn bị Úc cầm giữ ở các trại tạm trú ngoài khơi nước Úc.

Những căng thẳng đó dường như đã hạ giảm, và thỏa thuận gây tranh cãi về số phận người tị nạn hình như vẫn được tiến hành.

Ông Trump nói việc tường trình về cuộc điện đàm đó là thêm một vụ "tin giả", và ông ca ngợi mối quan hệ song phương. Ngỏ lời với Thủ Tướng Úc, Tổng thống Trump nói:

"Mỹ và Úc là hai người bạn cũ và là đối tác tự nhiên của nhau, và với sự giúp đỡ của ông, chúng ta sẽ tiếp tục là bạn của nhau trong thời gian lâu dài."

Ông Brendan Thomas-Noone, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Sydney, nhận định các giới chức ở Canberra sẽ thở phào nhẹ nhõm vì căng thẳng do cú điện đàm gay gắt cách đây ba tháng gây ra, giờ đã giảm.

Ông Thomas Noone nói:

“Tôi nghĩ rằng cú điện thoại ấy đã thực sự gây sốc cho phía Úc, nhưng rõ ràng là sau ba tháng và sự kiện Phó Tổng thống Mike Pence và bây giờ tới lượt Tổng thống Trump, tái xác nhận sẽ tôn trọng thỏa thuận, chắc chắn sẽ xoa dịu một số giới chức trong chính phủ Úc.”

Nhà lãnh đạo đối lập Úc, Bill Shorten, gợi ý rằng Turnbull không được tôn trọng vì bị buộc phải chờ ba tiếng đồng hồ để có một buổi họp ngắn với Tổng thống Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhiều nhà bình luận Úc tin rằng do những nhu cầu chính trị nội địa, có lý do chính đáng khả dĩ có thể giải thích thời gian chờ đợi này. Tổng thống Trump đã hoãn chuyến đi tới New York để dự cuộc gặp kéo dài 30 phút vì ông phải có mặt ở Washington để chờ Hạ viện Mỹ thông qua dự thảo luật về chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, ông Turnbull không bày tỏ bất kỳ quan tâm nào về vụ việc này, ông cho biết Tổng thống Trump đã tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với nền hòa bình và ổn định ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Các nhà phân tích tin rằng mối quan hệ Úc-Mỹ đã được khởi động lại sau cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo ở New York. Trong cuộc gặp, hai bên thảo luận về các quan ngại kinh tế và an ninh quốc gia, cũng như vấn đề di trú.

Liên minh giữa hai quốc gia đã có từ những năm đầu của năm 1950.

Ông Trump đã hứa sẽ chính thức đi thăm nước Úc.

Tổng thống tiền nhiệm, ông Obama, đã tới Úc hai lần. - VOA
|
|

4.
Tòa Tối cao Ấn y án tử hình, khép hồ sơ vụ hãm hiếp tập thể

Bốn năm rưỡi sau khi một phụ nữ 23 tuổi bị hiếp dâm tập thể một cách dã man ở New Dehli, Tòa án Tối cao Ấn Độ ra phán quyết y án, xử tử hình 4 người đàn ông bị kết tội trong vụ tấn công tàn bạo khiến nạn nhân sau đó tử vong.

Phán quyết của Tòa Tối cao khép lại một vụ án đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trong công chúng chưa từng thấy, và khiến thế giới chú ý tới nạn bạo lực tình dục mà nạn nhân là phụ nữ ở Ấn Độ.

Trong suốt nhiều tháng sau khi xảy ra tội ác, những đám đông giận dữ tràn ra đường phố thủ đô New Dehli để đòi thực thi công lý cho nạn nhân.

Nạn nhân, một sinh viên ngành y tế, đã bị 5 người đàn ông và một thiếu niên tấn công dã man trên một chiếc xe buýt đang chạy.  

Trước đó, cô lên xe buýt cùng với một người bạn phái nam. Cô sinh viên qua đời ở Singapore 2 tuần sau vụ tấn công vì những vết thương do bị hãm hiếp tập thể.  

Sau phán quyết của tòa, cha cô, ông Badri Nath Singh, nói:

“Đây là một thắng lợi lớn, không chi cho gia đình chúng tôi, mà cho cả nước.”

Ông nói tiếp:

“Công lý đã được thực thi. Với bất cứ hình phạt nào nhẹ hơn tử hình, chúng tôi sẽ rất đau đớn. Nhưng điều mà chúng tôi muốn thấy, đã xảy ra.”

Miêu tả tội ác này là tàn bạo, xấu xa và dã man, Tòa án Tối cao Ấn Độ nói tội ác này đã làm chấn động lương tâm xã hội.  Tòa án nói tính chất xấu xa của nó đã xếp tội ác này vào “loại tội ác hiếm nhất”, đòi hỏi phải áp đặt án tử hình.

Một trong 6 người đàn ông bị kết tội hãm hiếp tập thể, đã treo cổ tự tử trong tù. Thiếu niên tham gia hành động tội ác được trả tự do sau 3 năm bị giam cầm. Tất cả 6 hung thủ đều là di dân nghèo, cư ngụ trong một khu xóm đông đúc, nghèo khó.

Vụ hãm hiếp tập thể này đã buộc chính quyền phải đẩy nhanh tiến trình tố tụng trong các vụ hãm hiếp, đồng thời tăng mức hình phạt đối với những kẻ phạm tội. - VOA
|
|

5.
Ðài Loan chắc sẽ tôn trọng thỏa thuận Biển Đông do nước khác ký

Ðài Loan theo trông đợi sẽ tôn trọng bất cứ thỏa thuận nào về Biển Đông mà chính phủ của các nước khác có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Ðài Loan ký kết để chứng tỏ thiện chí chiến lược, cho dù Đài Bắc không được tham gia thảo luận mà cũng không được ký kết thỏa thuận.

Trung Quốc và một tổ chức đại diện cho bốn nước Ðông Nam Á có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đang thương thảo một bộ khung quy tắc ứng xử để giúp ngăn tránh những rủi ro cho tàu bè đánh cá, giàn khoan và tàu tuần duyên trong khu vực có tranh chấp. Ngoài ra Trung Quốc cũng đang đàm phán với Việt Nam và Philippines về những thỏa thuận riêng trong vùng lãnh hải mà Ðài Loan tuyên bố chủ quyền.

Ðài Loan thiếu quan hệ ngoại giao chính thức ở châu Á do Bắc Kinh xem đảo quốc này là một phần lãnh thổ của Trung Quốc chứ không phải là một nhà nước có chủ quyền. Bắc Kinh dùng thế mạnh kinh tế để ngăn chặn các nước ký kết các thỏa thuận về kinh tế và an ninh với Đài Bắc.

Ông Alexander Huang, giáo sư khoa nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang ở Ðài Loan, nhận định:

“Phương tiện chúng tôi có được rất hạn hẹp. Nếu Trung Quốc ký kết quy tắc ứng xử, chúng tôi sẽ không có chọn lựa nào khác hơn là sẽ tôn trọng bộ quy tắc đó. Cho dù chúng tôi có tranh cãi đi nữa, theo tôi, chúng tôi sẽ bị cô lập hơn và thậm chí bị trừng phạt.”

Trung Quốc và Ðài Loan là hai chính phủ đòi chủ quyền hơn 90% diện tích Biển Đông.

Các nhà phân tích nói rằng Ðài Loan sẽ tôn trọng các thỏa thuận hải dương theo chính sách ủng hộ chia sẻ nguồn lợi và tôn trọng hòa bình trên vùng biển trải dài từ bờ biển phía nam của đảo quốc này cho tời Singapore.

Ông Denny Roy, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Đông-Tây ở Honolulu, nhận định:

“Tôi luôn có cảm nghĩ rằng chiến lược khôn khéo nhất của Ðài Loan là luôn tỏ ra là một công dân quốc tế gương mẫu. Nếu đó là cách tiếp cận mà Đài Bắc áp dụng, thì có nghĩa là trước tiên họ sẽ kêu nài về vấn đề hiện tại là không được cư xử như một nước có tuyên bố chủ quyền trong vùng biển đó, nhưng rồi họ vẫn tôn trọng bất cứ bộ quy tắc nào do các nước khác đạt được."

Bộ Ngoại giao Ðài Loan hôm thứ Năm tuyên bố trong một thông báo rằng Đài Bắc tin tưởng vào chính sách đặt những tranh chấp sang một bên và hợp tác với nhau để phát triển trên biển. Thông báo không nói sẽ tuân thủ các thỏa thuận mà Ðài Loan không được tham gia ký kết hay không, nhưng có yêu cầu rằng Ðài Loan cần được cử xử “bình đẳng” trong đối thoại về ổn định khu vực hay tự do hàng hải.

Giáo sư Huang nhận định rằng Ðài Loan có thể sẽ chú trọng vào nghiên cứu môi trường biển với những chính sách cổ xúy cho hòa bình và cùng sử dụng chung vùng biển.

Không tôn trọng những thỏa thuận hải dương có thể ảnh hưởng xấu đến chính sách của Ðài Loan di chuyển đầu tư xuống Nam và Ðông Nam châu Á thay vì Trung Quốc, nước có quan hệ chính trị lạnh lùng với Ðài Loan.

Ông Alex Chiang, giáo sư môn quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Bắc, nhận định :

“Vì sự thịnh vượng và cả quan hệ hữu nghị, tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ tôn trọng bất cứ thỏa thuận nào có được. Nhất là chính phủ Ðài Loan hiện nay đang tìm cách gia tăng tiếp xúc với các nước Ðông Nam Á, do đó tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ không tìm cách gây hiềm khích với các nước Ðông Nam Á. - VOA
|
|

6.
Dân Pháp ‘không ưa’ Tổng thống Trump

Tổng thống Donald Trump chưa được yêu thích mấy ở Mỹ, và tại Pháp, ông còn bị ‘ghét’ nhiều hơn, theo kết quả một cuộc thăm dò vừa công bố ngày 4/5.

Khoảng 82% dân Pháp ‘ghét’ ông Trump hơn bất kỳ chính trị gia nào khác có tên trong cuộc khảo sát của Đại học Suffolk.

Khoảng 13% số người được hỏi thích ông Trump và 5% không có ý kiến.

Trong số 1094 người tham gia khảo sát, có 3 người chưa hề nghe biết gì về ông Donald Trump.

Ông Trump bị ‘ghét’ hơn cả Tổng thống Nga, Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Cứ 10 người Pháp được hỏi thì có đến 7 người không thích ông Putin. 43% không có thiện cảm với ông Tập. 

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, vào cuối nhiệm kỳ của mình, được đa số dân Pháp yêu chuộng.

Cuộc thăm dò của Suffolk được thực hiện với 1094 cử tri Pháp từ ngày 28/4 tới ngày 2/5. - VOA
|
|

7.
EU yêu cầu Trung Quốc giúp chặn di dân

Liên hiệp Châu Âu yêu cầu Trung Quốc ngưng mua bán những chiếc xuồng hơi do Trung Quốc sản xuất để giúp ngăn chặn di dân và người tị nạn dùng các sản phẩm này vượt biển tới EU, Ủy viên châu Âu về di trú cho biết ngày 4 tháng 5.

Ông Dimitris Avramopoulos nói với các phóng viên tại Bắc Kinh sau khi gặp Bộ trưởng Công an Trung Quốc Guo Shengkun rằng các xuồng hơi mà những tay chuyển lậu người sử dụng là do Trung Quốc chế tạo.

Ông Avramopoulos cho biết “Tôi đã yêu cầu sự hỗ trợ và hợp tác của nhà cầm quyền Trung Quốc để dẹp các vụ mua bán, vì những gì Trung Quốc sản xuất không phục vụ cho nước này. Đây là công cụ nguy hiểm trong tay của những kẻ buôn người tàn bạo.”

Ông không đưa thêm chi tiết nhưng cho biết ông và ông Guo không thảo luận về khả năng Trung Quốc nhận người tị nạn hay di dân.

Các tay chuyển lậu người thường dùng các xuồng hơi trị giá khoảng vài trăm đô la mua qua trang mạng Alibaba.com của Trung Quốc.

Sản phẩm được quảng cáo là ‘xuồng nạn’ có thể mua với giá 300 đô la và chuyển đến Libya qua ngã Malta và Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc này được xác nhận vào năm ngoái theo một phúc trình bị rò rĩ của người đứng đầu hoạt động tình báo chính của EU nhằm triệt hạ các hoạt động chuyển lậu người tại Libya. Phúc trình này được Wikileaks tiết lộ vào tháng Hai năm 2016 cho thấy giới hữu trách hải quan đảo Malta đã chặn một container với một lô hàng gồm có 20 kiện xuồng hơi tương tự như những chiếc được dùng để chở người từ Libya đến châu Âu. 

Phúc trình cũng cho biết là hai phần ba những chuyến đi từ Libya bằng các xuồng hơi, vì các tay chuyển lậu người thường không có các thuyền gỗ lớn hơn và vững chắc hơn.

Xuồng hơi chiếm từ 15% đến 20% sản phẩm hàng hải các nước châu Âu nhập khẩu từ Trung Quốc. Chỉ riêng năm 2012, Trung Quốc xuất khẩu sang châu Âu mặt hàng này lên đến 233 triệu đô la.

Trong năm nay, có 36.703 người đến châu Âu qua con đường Địa Trung Hải, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2015. Theo Tổ chức Di dân Quốc tế, có 989 người thiệt mạng trong nỗ lực đến châu Âu bằng con đường này từ 1/1 đến 19/4 năm nay. - VOA
|
|

8.
Ông Hun Sen đang nằm viện tại Singapore

Thủ tướng Campuchia, người cầm quyền thuộc hàng lâu nhất thế giới, đã tự thông báo trên Facebook rằng ông nằm viện ở Singapore.

Năm nay 64 tuổi, ông Hun Sen viết cho đông đảo người theo dõi ông trên mạng xã hội hôm 04/05 rằng ông "ngã bệnh và cần điều trị gấp".

Ông nhập viện một hôm trước đó và sẽ quay về nước vào Chủ Nhật tới để làm việc bình thường.

Trên trang Facebook có trên 7,6 triệu người "like", ông đăng cả ảnh mình đang nằm trên giường bệnh viện có con cháu ngồi xung quanh.

Nhưng tất cả đều có nét mặt vui vẻ, cho thấy có vẻ như ông Hun Sen chỉ vào viện để kiểm tra sức khoẻ.

Hãng Reuters nói năm ngoái, ông Hun Sen cũng đã vào bệnh viện ở Singapore một lần.

Lên từ 1985, ông Hun Sen, cựu cán bộ Khmer Đỏ nhưng chạy sang theo Việt Nam, đã nắm quyền "với bàn tay sắt".

Dù kinh tế Campuchia tăng trưởng nhanh kể từ sau thời Diệt chủng, chế độ của ông Hun Sen bị những phái đối lập lại cáo buộc dung túng cho các vụ vi phạm nhân quyền.

Cũng trong hôm thứ Năm, Liên hiệp châu Âu lên tiếng yêu cầu chính phủ của ông Hun Sen tôn trọng quyền của năm nhà hoạt động nhân quyền bị bắt giam đã hơn một năm mà không được đem ra xử.

Tháng 6 năm nay, Campuchia sẽ có bầu cử địa phương, và sang năm có tổng tuyển cử.

Giới chỉ trích nói chính quyền của ông Hun Sen dùng các thủ thuật để làm suy yếu những ứng viên đối lập với họ. 

Về mặt quốc tế, ông Hun Sen cũng đem Campuchia lại gần hơn với Trung Quốc về cả kinh tế và quân sự cũng như trong vấn đề Biển Đông. - BBC
|
|

9.
Bắc Hàn cáo buộc CIA âm mưu sát hại ông Kim Jong-un

Truyền thông Bắc Hàn đưa tin các điệp viên Hoa Kỳ và Nam Hàn âm mưu sát hại nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un. 

Một thông cáo của Bộ An ninh Bắc Hàn nói một nhóm khủng bố do CIA và cơ quan tình báo Nam Hàn thâm nhập vào Bắc Hàn để tấn công bằng chất độc sinh hóa. 

Thông cáo này cho hay Bắc Hàn sẽ tìm và "tiêu diệt không thương tiếc" những kẻ khủng bố. Hoa Kỳ và Seoul chưa có bình luận gì.

Những thông tin này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên ngày càng dâng cao. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cam kết sẽ "giải quyết" Bắc Hàn và ngăn chặn nước này phát triển vũ khí hạt nhân. 

Thông cáo, do cơ quan ngôn luận Bắc Hàn KCNA phát hành, còn nói rằng âm mưu này có sử dụng "chất độc sinh hóa bao gồm chất phóng xạ và chất độc nano"

"Vị lãnh tụ" đáng lẽ ra đã bị tấn công tại lễ duyệt binh và diễu hành, và phải 6 đến 12 tháng sau mới thấy hậu quả, thông cáo viết.

Thông cáo này cáo buộc một người Bắc Hàn, mang họ "Kim", đã bị lực lượng tình báo Nam Hàn "mua chuộc và hối lộ" khi ông ta đang làm việc ở Nga. 

Bài viết còn liệt kê một số khoản tiền trả cho ông này, và viết rằng khi ông ta quay lại Bình Nhưỡng, ông nhận chỉ thị phải cung cấp thông tin về địa điểm tổ chức các sự kiện và xem xét các biện pháp tấn công có thể. 

"Cuộc tấn công chống khủng bố kiểu Triều Tiên sẽ bắt đầu từ giây phút này nhằm tiêu diệt các tổ chức tình báo và âm mưu của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai," thông cáo nói. 

Cuộc "khẩu chiến" giữa phương Tây và Bình Nhưỡng leo thang trong những tuần qua, với phía Bắc Hàn đe dọa sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu. 

Hôm thứ Bảy 29/4, Bắc Hàn lại có cuộc thử tên lửa đạn đạo không thành, lần thứ hai liên tiếp trong vòng hai tuần. 

Mỹ đã điều một tàu chiến đến khu vực bán đảo Triều Tiên và lắp đặt hệ thống phòng vệ chống tên lửa gây tranh cãi ở Nam Hàn. - BBC
|
|

10.
Máy bay dân dụng đầu tiên của Trung Quốc cất cánh

Chiếc máy bay C919 chở khách cỡ lớn đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất vừa có chuyến bay đầu tiên thành công ngày 5/5, tạo thách thức đáng kể cho Boeing và Airbus.

Chiếc máy bay này là biểu tượng quan trọng cho tham vọng của Bắc Kinh gia nhập thị trường hàng không toàn cầu.

Chiếc máy bay của Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) được lên kế hoạch từ năm 2008.

Chiếc C919 được đặt tham vọng cạnh tranh trực tiếp với mẫu Boeing 737 và Airbus A320.

Niềm tự hào mới của Trung Quốc trên bầu trời

C919 là máy bay cánh đơn có hai động cơ, khoang có sức chứa 168 hành khách.

Nó có thể bay hành trình từ 4.075 đến 5.555km.

Theo truyền thông Trung Quốc, trị giá chiếc máy bay này khoảng 50 triệu đôla, chưa bằng một nửa giá chiếc Boeing 737 hoặc Airbus A320.

Chiếc C919 hạ cánh an toàn trở về sân bay quốc tế Phố Đông, Thượng Hải sau chuyến bay dài 90 phút. 

Tuy là sản phẩm nội địa nhưng động cơ máy bay được hãng sản xuất linh kiện máy bay Pháp-Mỹ CFM International cung cấp.

Các quan chức cho hay hiện đã có đơn đặt hàng 500 máy bay này từ 23 khách hàng, chủ yếu là các hãng hàng không Trung Quốc. Khách hàng chính là hãng China Eastern Airlines.

Cơ quan An toàn hàng không Châu Âu bắt đầu quá trình chứng nhận cho C919 - một bước tiến quan trọng để chiếc máy bay này đạt được thành công trên thị trường quốc tế.

Trung Quốc có tham vọng hình thành ngành công nghiệp máy bay dân dụng riêng từ thập niên 1970, khi bà Giang Thanh, vợ Mao Trạch Đông, lên tiếng ủng hộ một dự án.

Tuy nhiên, chiếc máy bay Y-10 được chế tạo vào cuối thập niên 1970, không thực tế do trọng lượng nặng nề và chỉ có ba chiếc máy bay loại này được chế tạo. - BBC
|
|

11.
Chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp kết thúc trong căng thẳng

Chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp 2017 kết thúc hôm nay, 05/05/2016 trong một bầu không khí căng thẳng, sau một cuộc tranh luận truyền hình dữ dội chưa từng có giữa hai ứng cử viên lọt vào vòng hai ngày 07/05 tới.

Hôm qua, cả hai ứng viên, Emmanuel Macron và Marine Le Pen, đều đã mở các cuộc mít tinh cuối cùng. Bà Le Pen đã chọn một ngôi làng nhỏ ở miền bắc nước Pháp để tập hợp những người ủng hộ. Trước đó, khi đi vận động tranh cử ở miền tây nước Pháp, bà đã bị những người biểu tình chống cực hữu ném trứng vào người. Trả lời phỏng vấn một nhật báo địa phương, tờ La Provence, ứng viên cực hữu tuyên bố là, nếu đắc cử tổng thống, bà « sẽ tìm những người tài giỏi ở mọi nơi », gián tiếp nhắn gửi đến các chính khách đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa.

Về phần ứng cử viên Macron, ông đã mở cuộc mít tính cuối cùng ở thành phố Albi, miền tây nam nước Pháp. Khi đến thành phố này, cựu bộ trưởng Kinh Tế Pháp đã bị khoảng 50 nhà hoạt động công đoàn phản đối về đạo luật lao động gây tranh cãi, đạo luật mà ông Macron vẫn từ chối sẽ xóa bỏ, nếu đắc cử tổng thống.

Ông Macron nay lại còn phải chống đỡ với một tin đồn được lan truyền nhanh chóng trên các mạng xã hội rằng ông có tài khoản bí mật ở thiên đường thuế Bahamas. Ứng cử viên cánh trung đã đệ đơn kiện về vụ này và viện Công tố Paris đã mở điều tra sơ bộ.

Sau cuộc tranh luận truyền hình ngày 03/05, mà ông Macron được đánh giá là có sức thuyết phục hơn bà Le Pen, viện Elabe đã thực hiện một cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu của cử tri. Theo kết quả được công bố hôm nay, số người có ý định bỏ phiếu cho ứng cử viên cánh trung đã tăng trở lại, cụ thể tăng lên 62%, so với 38% của bà Le Pen, thêm 3 điểm so với cuộc thăm dò cũng do viện Elabe thực hiện trước khi diễn ra tranh luận truyền hình.

Cũng theo cuộc thăm dò nói trên, ông Macron sẽ nhận được nhiều phiếu hơn bà Le Pen từ những cử tri đã bầu cho các ứng cử thất cử ở vòng đầu, chẳng hạn như có đến 45% cử tri của ông François Fillon cho biết sẽ bầu cho ứng cử viên cánh trung và chỉ có 32% bầu cho ứng cử viên cực hữu ( 23% không cho biết ý định bỏ phiếu). Thế nhưng cho tới nay vẫn chỉ có 68% số người được hỏi tuyên bố chắc chắn sẽ đi bầu, tức là tỷ lệ cử tri tham gia năm nay có thể sẽ thấp hơn so với các cuộc bầu cử tổng thống trước.

Kể từ giữa đêm nay, khi chiến dịch tranh cử chính thức kết thúc, báo chí Pháp sẽ không được quyền đăng hoặc phát bất cứ kết quả thăm dò nào cũng như bất cứ tuyên bố nào của các ứng cử viên cho đến 8 giờ tối ngày 07/05, khi các kết quả đầu tiên được công bố. - RFI
|
|

12.
Venezuela: Đụng độ giữa cảnh sát và sinh viên, một lãnh tụ bị ám sát

Nhiều vụ xung đột đã xảy ra giữa sinh viên Venezuela và cảnh sát trong suốt ngày thứ Năm 04/05/2017. Áp lực đòi tổng thống cánh tả Nicolas Maduro từ chức không giảm cho dù đã có 35 người chết và hơn 700 người bị thương từ ba tuần nay. Nhiều đại học bắt đầu tham gia phong trào phản kháng. Một lãnh tụ sinh viên ở Anzoategui bị kẻ lạ mặt bắn chết ngay trong trường. Tại thủ đô, sinh viên xuống đường.

Từ Caracas, thông tín viên Julien Gonzalez tường thuật :

Hàng trăm sinh viên dự định tuần hành từ Đại Học Trung Ương Venezuela đến bộ Nội Vụ. Vô ích. Từ ngay trước cổng trường, họ đã bị lực lượng cảnh sát án ngữ tấn công bằng lựu đạn cay. Maria Alexandra Rivas, một nữ sinh viên nha khoa cho biết:

«Tôi rất bất bình. Vì sao những người Venezuela khác có thể đàn áp dân mình như thế ? Cuộc trấn áp rất thô bạo. Sinh viên bị cảnh sát đánh đập như kẻ tội phạm. Chống lại bom cay, tôi chỉ có thuốc chống nôn mửa, nước lã, và tinh thần kiên trì. Tôi không vắng mặt trong một cuộc biểu tình phản kháng nào, tôi không sợ mất một năm học. Tôi chỉ sợ mất nước ».

Động cơ thúc đẩy giới trẻ Venezuela dấn thân xuống đường rất nhiều : người thì phản đối tình trạng thiếu an ninh nhưng hầu hết vì điều kiện kinh tế càng ngày càng bấp bênh. Miguel Rodriguez, sinh viên văn khoa giải thích : 

«Hiện nay tôi vừa đi học, vừa đi làm thêm trong một tiệm bán sách. Thu nhập một tháng chỉ đủ để ăn trong một tuần. Tôi còn phải dè sẻn trợ giúp nuôi mẹ, nuôi em. Tình hình kinh tế rất kinh hoàng. Điều tôi muốn không phải là thoát chết mà là muốn sống ».

Bà hiệu trưởng trường đại học lên án hành động đàn áp của cảnh sát Venezuela là không thể chấp nhận. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

13.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật bỏ Obamacare

Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự luật hủy bỏ các phần chính của chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare và thay thế bằng một kế hoạch chăm sóc sức khỏe của đảng Cộng hòa. Đây là thắng lợi pháp lý lớn nhất đối với Tổng thống Donald Trump tính tới nay và hứa hẹn một cuộc ‘chiến’ gay gắt khi dự luật này đi lên tới Thượng viện.

Với tỷ lệ 217-213 phiếu, phe Cộng hòa đạt vừa đủ sự ủng hộ để đẩy dự luật này đi qua Hạ viện, và bước kế tiếp là đưa lên Thượng viện. Dự luật không được một phiếu ủng hộ nào từ các dân biểu đảng Dân chủ.

Diễn tiến này là một bước quan trọng hoàn tất một trong những cam kết của ông Trump thời tranh cử và cũng hoàn thành nguyện vọng 7 năm qua của phe Cộng hòa muốn dỡ bỏ luật chăm sóc sức khỏe mang dấu ấn của Tổng thống Obama.

Chặng đường tiếp theo tại Thượng viện hứa hẹn còn nhiều cam go.

Khoảng 20 triệu người Mỹ được bảo hiểm sức khỏe dưới Luật Chăm sóc Sức khỏe Giá phải chăng 2010. Các nghị sĩ Cộng hòa phản đối, dẫn lý do luật này đẩy chi phí chăm sóc sức khỏe lên cao. 

Dự luật của phe Cộng hòa đưa ra vừa được Hạ viện thông qua có tên gọi là Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Mỹ, nhắm hủy bỏ hầu hết các nội dung chính của Obamacare kể cả việc phạt những ai không mua bảo hiểm sức khỏe. Dự luật mới cũng cắt bớt quỹ tài trợ cho Medicaid, chương trình cung cấp bảo hiểm cho người nghèo, và rút lại phần lớn những khoản mở rộng của Medicaid. - VOA
|
|

14.
Thượng viện Mỹ ‘cứu’ chính phủ khỏi đóng cửa

Thượng viện Mỹ ngày 4/5 thông qua dự luật chi tiêu trị giá 1,2 ngàn tỷ đô la để giữ cho chính phủ vẫn mở cửa hoạt động cho tới hết tháng 9 năm nay. Tổng thống Donald Trump dự kiến ký thành luật trước thời hạn chót tối thứ sáu tuần này.

Các thượng nghị sĩ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ biểu quyết ủng hộ dự luật với tỷ lệ 79-18.

Trước đó, dự luật này được Hạ viện thông qua với số phiếu 309-118 hôm 3/5.

Giờ đây, dự luật đang được chuyển tới Tổng thống để ký ban hành. Dù dự luật không bao gồm số một mục mà ông Trump đề nghị, nhưng dự kiến sẽ ký trước 12 giờ khuya đêm thứ sáu, vì nếu không, chính phủ sẽ phải đóng cửa ngưng hoạt động vì không có ngân sách chi tiêu.

Sau khi văn kiện này chính thức thành luật, hành pháp và lập pháp phải ngay lập tức tập trung vào thời hạn chót kế tiếp là ngày 1/10.

Các nhà lập pháp hy vọng sẽ thông qua các dự luật chi tiêu thông thường nhưng tiến trình dường như bị phức tạp hóa bởi các nỗ lực của phe Cộng hòa muốn hủy bỏ Obamacare, viết lại mã thuế và cần phải đạt thỏa thuận nâng mức trần nợ vì dự kiến mùa thu này sẽ chạm mức trần nợ hiện nay.

Theo dự luật vừa được Thượng-Hạ viện thông qua, ngân quỹ dành cho Ngũ Giác Đài gia tăng, vốn là một ưu tiên của Tổng thống và đảng Cộng hòa.

“Dự luật chưa hoàn hảo nhưng khá hơn cách chúng ta đang chi tiêu ngân quỹ hiện nay và cách đây 1 năm,” thượng nghị sĩ Cộng hòa, Roy Blunt, tuyên bố tại Thượng viện.

Phe Dân chủ cũng xem việc thông qua dự luật vừa kể là một thắng lợi vì luật chi tiêu này sẽ không tài trợ cho các ưu tiên Tổng thống Trump đề ra, kể cả một ngân khoản để xây tường biên giới với Mexico.

Dự luật chi tiêu ngân sách lần này không bao gồm các khoản cắt giảm chi tiêu trong các chương trình nội địa mà ông Trump đề nghị, đồng thời tăng thêm 2 tỷ đô la cho Viện Y tế Quốc gia, 407 triệu đô chống hỏa hoạn cho các bang miền Tây, 295 triệu đô cho chương trình chăm sóc sức khỏe Medicaid trong vùng Puerto Rico.

Dự luật bổ sung 12,5 tỷ đô la cho chi tiêu quốc phòng và thêm 2,5 tỷ đô la nữa sau khi ông Trump vạch ra chi tiết kế hoạch chống Nhà nước Hồi giáo. - VOA
|
|

15.
Mỹ sắp ‘siết’ khâu phỏng vấn cấp visa

Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị xét hỏi khó khăn hơn đối với các ứng viên xin visa nhập cảnh Mỹ thuộc diện cần phải rà soát thêm, theo một văn kiện vừa được công bố ngày 4/5, một nỗ lực đẩy mạnh công tác ‘thanh lọc kỹ’ mà Tổng thống Donald Trump khẳng định là cần thiết để ngăn ngừa tấn công khủng bố.

Các biện pháp tăng cường bao gồm cả những câu hỏi về những tài khoản trên các trang mạng xã hội. Các biện pháp này sẽ được áp dụng đối với 65 ngàn người mỗi năm, tức khoảng 0.5% các ứng viên trên toàn cầu xin thị thực nhập cảnh Mỹ, không nhắm vào nguồn gốc quốc tịch cụ thể của các ứng viên.

Một bộ câu hỏi mới sẽ được áp dụng cho những người xin visa Mỹ, những đối tượng bị xem là cần phải được tăng cường rà soát vì có liên hệ với chủ nghĩa khủng bố hay không đủ tiêu chuẩn an ninh để xin visa. 

Những ứng viên này, khi xin visa Mỹ, phải cung cấp tất cả số hộ chiếu trước đây, thông tin hoạt động trên mạng xã hội trong 5 năm gần đây, địa chỉ email và số phone, cùng với thông tin lý lịch trong vòng 15 nă. Tuy nhiên, các giới chức lãnh sự Mỹ sẽ không yêu cầu ứng viên cung cấp mật khẩu của các tài khoản trên mạng xã hội.

Đề nghị của Bộ Ngoại giao cũng nêu rõ ứng viên có thể bị yêu cầu phải khai báo ngày giờ của các chuyến du hành nếu viên chức lãnh sự xác minh rằng họ đã có mặt trong vùng ‘chịu sự kiểm soát của một tổ chức khủng bố.’

Các thay đổi đề nghị phải đưa ra lấy ý kiến công chúng trước khi bị bác hay được chấp thuận bởi Văn phòng Ngân sách và Quản lý trước ngày 18/5. - VOA
|
|

16.
Kế hoạch xây Thư viện & Viện Bảo tàng Tổng thống Obama

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và phu nhân Michelle hôm thứ Tư 4/5 trình làng kế hoạch xây thư viện và viện bảo tàng tổng thống Obama ở Khu Nam thành phố Chicago, bang Illinois.

Các thiết kế cho thấy một khu phức hợp các tòa nhà hiện đại, với một thư viện, bảo tàng viện và trung tâm tổ chức sự kiện, cùng với một khu vườn cộng đồng. Viện bảo tàng, tọa lạc trong tòa nhà cao nhất trong ba tòa nhà, sẽ có không gian triển lãm, không gian công cộng, các văn phòng, các lớp học và phòng họp.

Ông Barack Obama chia sẻ:

"Chúng tôi muốn nơi này trở thành một địa điểm có đẳng cấp quốc tế để đào tạo giới trẻ và lãnh đạo trẻ, để tạo ra sự khác biệt trong cộng đồng của họ, ở đất nước họ và cả trên thế giới. Đó là mục tiêu của chúng tôi.”

Nhiều địa điểm ở ba tiểu bang - Illinois, New York và bang Hawaii, nơi sinh quán của Tổng thống Obama – đã được đề xuất là nơi xây cất thư viện của Tổng thống Obama. Nhưng ông Obama đã bác các đề xuất đó, và chọn Khu Nam Chicago.

Ông Obama nói:

"Những điều tốt đẹp nhất từng xảy ra trong đời tôi đều xảy ra trong cộng đồng này. Những người bạn thân thiết nhất của tôi, nơi tôi bắt đầu sự nghiệp phục vụ hệ thống công quyền. Những giá trị mà tôi đã học được ở thành phố Chicago và giờ đã truyền lại cho các con của chúng tôi - Tất cả những mọi thứ đó, tôi mang ơn cộng đồng này."

Ông Obama ước tính cơ sở này sẽ hoàn thành trong 4 năm nữa, nhưng ông cho biết sẽ khởi sự lập chương trình ngay trong năm nay.

Dịp này, ông Obama loan báo ông và phu nhân sẽ đóng góp 2 triệu đô la để tài trợ một chương trình tạo việc làm mùa hè cho giới trẻ ở thành phố Chicago. - VOA
|
|

17.
Gia đình nạn nhân gốc Việt kiện Facebook, Google, Twitter

Gia đình 3 nạn nhân trong vụ xả súng hàng loạt ở San Bernardino (bang California) hồi tháng 12/2015 đâm đơn kiện Facebook, Google và Twitter, tố cáo ba đại công ty này để cho Nhà nước Hồi giáo ‘phát triển’ trên truyền thông xã hội.

Trong 32 trang đơn kiện gửi tới Tòa Khu vực ở Los Angeles ngày 3/4, người thân của các nạn nhân Sierra Clayborn, Tín Nguyễn, và Nicholas Thalasinos nêu rõ không có Facebook, Google và Twitter thì đã không thể có sự phát triển bùng nổ của IS trong vài năm qua trở thành một nhóm khủng bố đáng sợ nhất trên thế giới.

Các đương đơn nói qua việc để cho các phần tử Nhà nước Hồi giáo lan tải tuyên truyền tự do trên truyền thông xã hội, ba công ty này đã cung cấp ‘hỗ trợ vật chất’ cho Nhà nước Hồi giáo và tạo điều kiện dẫn tới các cuộc tấn công như vụ ở  San Bernardino.

Ba đại công ty công nghệ bị kiện chưa phản hồi về vụ việc.

Syed Rizwan Farook cùng vợ Tashfeen Malik đã xả súng vào một buổi liên hoan tại sở của các đồng nghiệp của Farook tại San Bernardino hôm 2/12/2015, khiến 14 người thiệt mạng và 22 người bị thương. Trong số nạn nhân thiệt mạng có cô Tín Nguyễn, gốc Việt.

Trong những năm gần đây có một số vụ kiện tìm cách bắt các công ty truyền thông xã hội chịu trách nhiệm liên can trong các vụ tấn công của khủng bố, nhưng chưa vụ kiện nào đi xa hơn các giai đoạn sơ khởi. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

18.
Thủ tướng Phúc đi Mỹ mua vũ khí vào cuối tháng 5?

Tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều ngày 4/5, một phóng viên đã đề nghị người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng xác nhận thông tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đi thăm Mỹ vào cuối tháng 5 năm nay, cũng như trọng tâm của chuyến thăm, khả năng thoả thuận hợp tác nào trong lĩnh vực quân sự đặc biệt là việc mua sắm vũ khí.

Báo Thanh Niên và Tiền Phong trích lời bà Lê Thị Thu Hằng:

“Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có thư mời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Mỹ. Nội dung cụ thể của chuyến thăm đang được hai bên thu xếp.”

Tuy bà Hằng không xác nhận ý định của Việt Nam muốn mua vũ khí Mỹ, cũng như tin liệu Thủ tướng Phúc có chính thức đi thăm Mỹ vào cuối tháng này hay không, nhưng việc báo chí trong nước “đánh tiếng” trước cho thấy Việt Nam đang muốn gây ấn tượng với Mỹ.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Đại học George Mason, bang Virginia, cho rằng nếu có một thỏa thuận mua bán vũ khí trong chuyến thăm này thì đây là thông điệp cho thấy Việt Nam “muốn thuyết phục Mỹ về tầm quan trọng chiến lược của mình, bằng cách tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ.”

“Muốn có ấn tượng thì người ta nói đến việc mua vũ khí. Bây giờ thì việc mua vũ khí có thể là món quà, hay có thể gọi là món hối lộ để có được sự ủng hộ của ông Trump. Đằng sau cái đó là gì? Tuy không nói ra, nhưng họ rất cần một đối trọng với Trung Quốc.”

Với “món quà ra mắt gây ấn tượng này”, liệu Việt Nam có thật sự đạt được một thỏa thuận mua vũ khí từ Mỹ hay không? Giáo sư Hùng phân tích các khía cạnh có khả năng xảy ra như sau:

“Quan trọng đằng sau việc mua súng thì người ta muốn biết ổng muốn mua cái gì? Để làm gì? Và mua như vậy thì có cần huấn luyện của Mỹ không? Nếu có huấn luyện thì ở Việt Nam hay ở Mỹ? Nếu ở Việt Nam thì dính dáng đến việc sự của quân nhân Mỹ tại Việt Nam. Đằng sau việc mua bán này là cả vấn đề chiến lược. Không biết Việt Nam có chiến lược rõ rệt về việc này hay không?”

Tháng 5 năm ngoái, trước chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến Việt Nam, Hoa Kỳ đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam. Khi đó báo chí Việt Nam cho rằng việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí “không chỉ mang ý nghĩa biểu trưng rất lớn, mà nó có giá trị thực tế, giúp chúng ta nâng cao sức mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh trên biển.”

Phản ứng trước quyết định của Mỹ xóa cấm vận vũ khí, Trung Quốc đã có phản ứng dè dặt. Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói: “Là một nước láng giềng thân cận với Việt Nam, chúng tôi hoan nghênh mối quan hệ hợp tác bình thường giữa Việt Nam và các nước khác, và chúng tôi hy vọng chắc rằng một diễn biến như thế trong bang giao song phương là thuận lợi cho hòa bình và an ninh trong khu vực.”

Báo An Ninh Thủ đô nói “mua sắm trang bị tiên tiến để tiến thẳng lên hiện đại, có thể nói rằng, hướng đi này là rất đúng đắn.”

Bài viết trên tờ báo này nói trong bối cảnh ngân sách quốc phòng còn eo hẹp, Việt Nam nên ưu tiên cho một số quân, binh chủng như hải quân, phòng không-không quân, thông tin liên lạc.

Báo Sputnik dẫn lời nhà phân tích quốc phòng Konstantin Sivkov nói rằng Việt Nam không phải là quốc gia giàu có nên khó có khả năng mua vũ khí từ nhiều nước khác nhau. Tờ báo nhận định:

“Có phần chắc họ sẽ tiếp tục duy trì chiến lược mua sắm đồng bộ. Ví dụ, nếu Việt Nam quyết định chuyển sang sử dụng máy bay của Hoa Kỳ, thì sẽ phải đầu tư vào đào tạo bổ sung, trang thiết bị, kinh phí, v.v…”

Theo ông Sivkov thì “có nhiều khả năng Hà Nội sẽ mua một số thiết bị khác nhau của Hoa Kỳ “để làm quen” với vũ khí và thiết bị quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, theo giới phân tích, sẽ không có chuyện mua bán với số lượng lớn.”

Trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã mua vũ khí của Nga và còn hợp tác để phát triển vũ khí với nước này. Trả lời phỏng vấn của hãng tin Sputnik hồi đầu năm nay, Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, Quân đoàn 2, nhấn mạnh “vũ khí Nga có lợi thế cạnh tranh nhất định so với các nước tương tự.

Tuy rằng Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Hà Nội từ lâu, vị thế đó sẽ dần dà bị xói mòn khi thị trường mở và các thương nhân vũ khí Mỹ bắt đầu nắm bắt cơ hội. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) hôm 20/2/2017 công bố phúc trình mới nhất về tình hình mua sắm quốc phòng trên thế giới, Việt Nam xếp hạng 10, chiếm khoảng 3% thị phần vũ khí thế giới, giá trị nhập khẩu ước đạt gần 5 tỷ USD.

Đáng chú ý là so với giai đoạn 2007 - 2011, Việt Nam đã nhảy vọt từ vị trí 29 lên thứ hạng nằm trong top 10, giá trị nhập khẩu vũ khí tăng tới 202%.

Vào tháng trước, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết, Mỹ đã đồng ý chuyển giao tàu tuần duyên Morgenthau cho Việt Nam, sau khi tàu này bị loại biên. Tàu tuần duyên USCGC Morgenthau của Hoa Kỳ sẽ sớm có mặt trong biên chế lực lượng vũ trang Việt Nam. Phía Việt Nam yêu cầu mua lại 3 chiếc, nhưng Mỹ chỉ đồng ý bán lại một chiếc. - VOA
|
|

19.
Việt Nam nghi ngờ kho nhôm khổng lồ của tỷ phú Trung Quốc

Hơn nửa năm sau khi tờ Wall Street Journal (WSJ) đăng loạt bài điều tra về kho nhôm lớn nhất thế giới của 1 tỷ phú Trung Quốc được chuyển tới Bà Rịa-Vũng Tàu từ Mexico, chính phủ Việt Nam đã quyết định điều tra nghi vấn này.

Hôm 3/5, đồng loạt các báo mạng trong nước đăng tin một đoàn kiểm tra của 3 bộ – Công thương, Tài chính và Kế hoạch & Đầu tư – sẽ tiến hành kiểm tra tại Công ty Nhôm Toàn cầu Việt Nam có trụ sở tại thành phố cảng phía nam trong tháng này. Theo chỉ đạo của phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, nhiệm vụ của đoàn kiểm tra là tìm hiểu việc vận chuyển nhôm có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam.

Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam là một dự án do 2 người Trung Quốc quốc tịch Úc góp vốn làm chủ đầu tư, ông Jacky Cheung và ông Wang Ton. Theo Dân Trí, công ty này đang gấp rút được xây dựng với mục tiêu đầu tư nhà máy sản xuất nhôm định hình.

Theo điều tra của WSJ vào năm ngoái, kho nhôm của Mexico đang nằm phủ bạt ở Bà Rịa-Vũng Tàu được cho là có liên quan đến người giàu nhất Trung Quốc, ông Lưu Trung Thiên (Liu Zhongtian).

Bình luận với VOA Việt Ngữ về động thái này của chính phủ Việt Nam, tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh nói “việc kiểm tra này là cần thiết để tránh bị đối mặt với các kiện cáo khác đối với Việt Nam.”

Ông Doanh giải thích rằng "bởi vì hiện nay ở một số nước, người ta đang quan tâm đến việc liệu Việt Nam sẽ là một nơi để xuất khẩu hộ Trung Quốc và nhôm Trung Quốc sang Việt Nam sẽ đội lốt nhôm Việt Nam để được hưởng các ưu đãi thuế mà các hàng hóa Việt Nam được hưởng. Nếu như điều ấy mà thành sự thật thì sẽ rất tai hại bởi vì người ta sẽ có sự nghi ngờ và việc kiểm soát các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ trở nên rất ngặt nghèo."

Theo tổ chức GTIS chuyên theo dõi các hoạt động thương mại toàn cầu, Việt Nam là đích đến của 91% lượng xuất khẩu phôi nhôm. Công ty này cho rằng đây là một tuyến thương mại nhôm không phổ biến trong những năm gần đây.

Loạt phóng sự điều tra của WSJ năm ngoái cho biết hành trình của kho nhôm từ Mexico sang Việt Nam tình cờ trùng với thời điểm nhôm xuất vào Việt Nam từ Trung Quốc tăng đột biến qua các cảng có mối quan hệ mật thiết với nhà tỷ phú họ Lưu, chủ tịch tập đoàn nhôm khổng lồ China Zhongwang. Nhà tỷ phú này bị các nhà quản lý thương mại nhôm cáo buộc có hành vi xuất khẩu nhôm sang các nước thứ 3 như Mexico hay Việt Nam để tái xuất sang Mỹ hay các thị trường bị áp thuế.

Mỹ áp thuế đối với các mặt hàng nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc tới hơn 370% trong khi nhôm Việt Nam xuất vào Mỹ chỉ phại chịu thuế 5%. Việc áp thuế cao lên các mặt hàng nhôm của Trung Quốc được áp dụng vào năm 2010 sau khi các cơ quan chức năng Mỹ nghi ngờ về dọc dịch chuyển nhôm bất thường. Năm 2009, lượng nhôm Trung Quốc xuất sang Mỹ tăng đột biến lên mức 192.000 tấn, gấp đôi so với 1 năm trước đó. Theo số liệu của GTIS, giá nhôm nhập khẩu tại Mỹ giảm tới 30% vào thời điểm đó.

Cựu viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh nói quyết định điều tra của 3 bộ cho thấy Việt Nam “ nhận thức đầy đủ nguy cơ đó và có biện pháp kiên quyết để ngăn chặn.” Ông nhận định rằng "nếu nhôm Trung Quốc đội lốt nhôm Việt Nam thí đấy là một tín hiệu hết sức xấu và nguy hiểm. Có thể dùng khái niệm “con sâu bỏ dầu nồi canh”. Đây có thể là một sản phẩm của 1 doanh nghiệp nào đấy, nếu như gian lận, thì có thể làm hại đến cả nền kinh tế. Và điều ấy thì không thể nào chấp nhận."

Công ty Nhôm Toàn cầu Việt Nam có nhà máy sản xuất nhôm lớn nhất Việt Nam và một trong những nhà máy lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á – theo giới thiệu trên trang web chủ của công ty này. Đây là công ty được cho rằng duy nhất ở Việt Nam có khả năng quản lý kho hàng khổng lồ như vậy, theo người sáng lập Habor Aluminum Intelligence LLC, tổ chức chuyên nghiên cứu thị trường nhôm toàn cầu trong đó có Việt Nam, nói với WSJ.

Theo WSJ, tỷ phú Lưu – với tài sản được Forbes định giá 3.2 tỷ đô la, và tập đoàn China Zhongwang đã phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến kho nhôm 500.000 tấn biến mất bí ẩn ở Mexico rồi sau đó xuất hiện ở Việt Nam. - VOA
|
|

20.
Lãnh đạo Việt Nam quản lý sai nên kinh tế không như ý

Nếu lãnh đạo và quản lý đúng, phù hợp quy luật khách quan, thì mới có nền kinh tế thị trường trong Chủ nghĩa Xã hội, một cựu phó trưởng ban Tuyên giáo TW Đảng CSVN nói khi Hội nghị Trung ương 5 nhóm họp.

"Sự lãnh đạo và quản lý chưa thể là một đặc điểm của nền kinh tế. Đặc điểm của nền kinh tế sẽ hình thành trong thực tế một cách khách quan, nó không phải là sự lãnh đạo và quản lý của ai, mà là kết quả của sự lãnh đạo và quản lý ấy thế nào," Tiến sỹ Vũ Ngọc Hoàngviết trong bài Cần hiểu đúng để không làm sai" trên VietnamNet hôm 05/5/2017.

Theo nhà lý luận này của Đảng CSVN thì chính sách của nhà nước phải phù hợp với kinh tế thị trường, dựa vào các quy luật của thị trường để điều tiết chính nó, ông viết tiếp:

"Nhà nước không kinh doanh, không để các cơ quan hành chính đi kinh doanh, các cơ quan chuyên chính càng phải thế. 

"Việc chính của nhà nước là tạo điều kiện cho mọi chủ thể trong xã hội được kinh doanh thuận lợi, bình đẳng thật sư, không bị thị trường ngầm, không có buôn gian bán lậu, càng không để cho cán bộ của nhà nước tham gia hoạt động trong và cho các "nhóm lợi ích".

Cần kinh tế thị trường đầy đủ 

Theo ông Vũ Ngọc Hoàng, Đại hội XII của Đảng CSVN đã khẳng định sự cần thiết của một nền 'kinh tế thị trường đầy đủ', ông nhận định:

"Đó là quan điểm đúng đắn nhằm bảo đảm cho kinh tế thị trường không bị biến dạng bởi sự chủ quan duy ý chí. Tiếp đến, nếu phân loại sâu hơn thì, kinh tế thị trường trong CNXH sẽ là một nền kinh tế thị trường xã hội."

"Trong đó, có vai trò đáng kể của nhà nước đối với việc điều tiết nền kinh tế vì mục tiêu xã hội. Nhà nước điều tiết một cách khoa học chứ không phải can thiệp thô bạo vào thị trường, càng không làm thay hoặc chống lại thị trường."

Bình luận với BBC hôm thứ Sáu, một nhà quan sát không muốn tiết lộ danh tính từ Hội khoa học kinh tế cho rằng bài viết của tác giả Vũ Ngọc Hoàng đã: "nêu ra được một số điểm đáng lưu ý, như nhà nước không nên kinh doanh, và không để các cơ quan hành chính, công quyền và lực lượng vũ trang làm kinh tế, doanh nghiệp.

"Ông Hoàng cũng đã 'khéo léo' nhấn mạnh Việt Nam cần đến một 'nền kinh tế thị trường đầy đủ' trong lúc nhà nước cần điều tiết 'khoa học' chứ không nên can thiệp thô bạo, tuy nhiên ông vẫn chưa dám nói mạnh, nói trực diện về đâu là lực cản, là 'thủ phạm' của cản trở đổi mới, cải tổ, mà vẫn phải mượn các lời lẽ, trích dẫn kinh điển của chủ nghĩa Marx vì có lẽ là để thận trọng," vẫn ý kiến này bình phẩm.

Ai cấp tiến, ai bảo thủ?

Trong Tọa đàm Trực tuyến của BBC Việt ngữ trên Facebook Live và YouTube tuần này về Hội nghị Trung ương 5 nhóm họp, một số ý kiến bàn về kinh tế và đường lối của Đảng trong lĩnh vực này đã được chia sẻ và bàn bạc.

Từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PGS. TS. Phạm Quý Thọnêu quan điểm khá thẳng thắn về đường lối đã được cam kết của cải tổ kinh tế Việt Nam và đâu, cũng như ai là lực cản, ông nói:

"Chúng ta (Việt Nam) đã cam kết chuyển sang hay là đổi mới thể chế kinh tế sang kinh tế thị trường, đấy là một cam kết rất mạnh mẽ và cứu Việt Nam khỏi khủng hoảng trong những năm 1980 và 1990, điều đó tuy là cam kết rồi, nhưng phải hành động như thế nào, đó là những cái mà chúng ta thấy luôn luôn không có một đường lối một cách nhất quán và cụ thể.

"Tôi lấy thí dụ, như Tiến sỹ Nguyễn Quang A (khách mời cùng tại Bàn tròn của BBC) nói về kinh tế tư nhân, đáng lẽ chúng ta phải làm cái này sớm hơn, thí dụ như chúng ta chuyển sang kinh tế thị trường thì chúng ta phải tôn trọng những nguyên tắc của kinh tế thị trường, trong đó có kinh tế tư nhân, trong đó có sở hữu tư nhân.

"Cũng như chúng ta chỉ nói về kinh tế tư nhân mà không nói gì về sở hữu tư nhân một cách mạnh mẽ, được xác lập một cách đảm bảo lâu dài cũng như các hợp đồng có tính chất tự nguyện của các công ty tư nhân và một cách kiểm soát chủ nghĩa cơ hội, thì không thể tiến được.

"Như vậy những người theo cam kết ban đầu của chúng ta (Việt Nam) về chuyển đổi (sang) kinh tế thị trường một cách chi tiết, cụ thể và có đường lối rõ ràng, thì đấy là những người cấp tiến, thế còn những người chống lại hoặc tìm cách này, cách kia với lý do để ổn định xã hội, ổn định này, ổn định kia, dưới chiêu bài này, chiêu bài kia, thì đều là những cái có tính chất giáo điều, mà không phù hợp với quá trình đổi mới này," chuyên gia về chính sách công từ Học viện Chính sách & Phát triển nói với Bàn tròn.

Ném chuột sợ vỡ bình?

Trong một bài viết tuần này được đặc trên trang điểm báo của Viet-studies, chuyên mục kinh tế, một nhà quan sát chính trị-xã hội Việt Nam, ông Nguyễn Quang Dy nêu quan điểm:

"Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước 3 nguy cơ có thể cản đường đổi mới: Thứ nhất, đồng tiền Việt Nam có thể bị mất giá từ 4% đến 5% trong năm 2017. Thứ hai, tăng trưởng thương mại và đầu tư toàn cầu tiếp tục sụt giảm, ảnh hưởng đến thương mại và thu hút FDI của Việt Nam. Thứ ba, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế với các FTA mới đang gặp nhiều khó khăn, có thể làm suy giảm động lực cải cách thể chế của Việt Nam.

"Tăng trưởng thực sự của Việt Nam hiện nay chỉ bằng 5% (theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh). Thảm hoạ môi trường biển do nhà máy Formosa Vũng Áng gây ra từ tháng 4/2016 đến nay làm cho hàng trăm ngàn ngư dân phá sản. Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của cả nước, bị hạn hán và ngập mặn nặng nề, làm sản xuất lúa gạo bị tổn hại nghiêm trọng. Về chăn nuôi, giá heo giảm xuống mức kỷ lục hiện nay, đang làm nông dân điêu đứng."

Tác giả cũng đề cập tới một khủng hoảng kép ở Việt Nam mà ông coi là 'nguy cơ', đồng thời chia sẻ quan điểm làm thế nào để chống tham nhũng hiệu quả bên cạnh bài toán về sở hữu, mà ông nhấn mạnh nhu cầu cần phải 'tư hữu hóa đất đai' và 'tài sản công', ông Nguyễn Quang Dy viết trong phần kết của bài viết:

"Việt Nam đang đứng trước nguy cơ cả khủng hoảng kinh tế lẫn xã hội và chính trị. Không phải chỉ có dân chúng mất niềm tin, doanh nghiệp hoang mang, mà cả cán bộ cao cấp cũng nhấp nhổm chuồn ra nước ngoài (mỗi khi bị truy cứu trách nhiệm). Hội nghị TW5 sẽ mở màn cho một đợt thanh trừng mới, đẩy tranh giành quyền lực lên một tầm cao mới. Nhưng nếu không cải cách thể chế (chính trị) thì không thể tránh được khủng hoảng chính trị.

"Muốn chống tham nhũng, trước hết phải kiểm soát quyền lực (bằng tam quyền phân lập). Thứ hai là phải tư hữu hoá đất đai và tài sản công. "Đánh chuột sợ vỡ bình" là một nghịch lý chết người do thể chế hiện nay đang làm hệ thống phân liệt. Bắt xong sâu này sẽ có sâu khác, nếu cái lồng ấp sâu vẫn còn nguyên. Diệt xong hổ này sẽ có hổ khác nếu nguyên nhân sinh ra và nuôi dưỡng hổ báo vẫn còn. 

"Đã đến lúc phải dũng cảm thay đổi thể chế (thậm chí phải thay bình mới) thì may ra mới giải được nghiệp chướng hiện nay để thoát hiểm. Xét cho cùng, nguy cơ của dân tộc Việt Nam không phải chỉ là "thù trong" mà còn là "giặc ngoài". Vì vậy, nếu không sớm dẹp được "thù trong", thì làm sao có thể chống được "giặc ngoài", tác giả bài viết có tựa đề 'Đấu đá giữa kỳ & vận mệnh quốc gia' kết luận.

Dám làm hay không?

Hội nghi Trung ương 5 khóa 12 của BCHTƯ đảng CSVN đang nhóm họp có hai nội dung chính là bàn về đường lối kinh tế và vấn đề tổ chức của Đảng, theo truyền thông chính thống Việt Nam, trả lời Bàn tròn thứ Năm của BBC về việc liệu ban lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước Việt Nam có dám đẩy mạnh tới cùng các cải tổ và đặc biệt là chống tham nhũng một cách căn cơ, triệt để và công tâm hay không, Tiến sỹ Nguyễn Quang A đáp:

"Trong lúc xã hội đang rất ngổn ngang, Việt Nam đang gặp những vấn đề rất đau đầu, lẽ ra giới lãnh đạo cần phải đoàn kết lại, để đưa ra những chính sách thật là phù hợp với Việt Nam để đẩy sự nền kinh tế và sự phát triển xã hội lên.

"Rất đáng tiếc tôi có thể nói rằng chuyện mà người ta làm, tôi nhắc lại đây là cuộc đấu tranh giữa các phe phái trong nội bộ đảng với nhau, việc chính thì không làm, mà đi làm những việc nội bộ và thực sự đó là một điều rất đáng tiếc.

"Có dám làm hay không? Ở đây có hai ý, tức là thanh trừng lẫn nhau, thì tôi nghĩ chắc chắn là ông Nguyễn Phú Trọng rất kiên quyết để làm việc đó, vấn đề là ông ấy có thể làm được hay không là tùy vào tương quan lực lượng giữa phe của ông ấy và phe nghịch với ông ấy.

"Còn chuyện có dám làm hay không về vấn đề đổi mới đường lối kinh tế, xã hội, chính trị, thì tôi có thể nói rằng chắc chắn là không, chừng nào mà ông Nguyễn Phú Trọng còn nắm chức Tổng Bí thư.

"Bởi vì ông ấy là người kiên quyết nhất giữ đường lối kinh tế, xã hội rất là bảo thủ từ trước đến nay, và chừng nào ông còn ở đó, và nếu ông ấy thành công trong việc 'thanh trừng' ông (Đinh La) Thăng và một vài người nữa thuộc phe của ông (Nguyễn Tấn) Dũng cũ, thì nó càng củng cố sức mạnh của ông ấy, 

"Và như thế càng không có một sự thay đổi gì trong đường lối và chính sách cả, đấy là về cái có dám hay không dám là như vậy," Tiến sỹ Quang A nói với BBC Tiếng Việt. - BBC
|
|

21.
Dân lại bắt giữ viên chức để phản đối lấy đất

Một nhóm công nhân, kỹ thuật viên bị người dân huyện Lục Nam, Bắc Giang bắt giữ khi chuẩn bị thực hiện đo đạc xác định ranh giới xây dựng dự án công viên nghĩa trang An Phúc Viên.

Chủ tich UBND huyện Lục Nam, ông Hà Quốc Hợp, xác nhận vụ việc xảy ra sáng thứ Sáu, 5 tháng 5, ở xã Cương Sơn, huyện Lục Nam, Bắc Giang. Cũng theo ông, chính quyền địa phương có mặt kịp thời để xử lý vụ việc.

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành quyết định số 156/QĐ-UBND phê duyệt Dự án Công viên nghĩa trang An Phúc Viên. Quyết định này đang gây bức xúc cho người dân địa phương.

Ngày 15 tháng 4 vừa qua, khoảng 30 nhân viên công lực bị người dân thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức bắt giữ để yêu cầu chính quyền giải quyết thỏa đáng giải toả đất đai. Cuộc khủng hoảng chỉ được giải quyết vào sáng ngày 22 tháng tư, ông Nguyễn Đức Chung cùng các một số sĩ quan cao cấp của bộ Công An xuống làng Đồng Tâm, đối thoại với người dân và ký giấy hứa không truy tố dân làng cũng như sẽ điều tra vụ đất đai. - RFA
|
|

22.
Mỹ điều tra tủ nhập từ Việt Nam bán phá giá

Hoa Kỳ mở cuộc điều tra bán phá giá đối với tủ đựng dụng cụ nhập khẩu từ Việt Nam.

Báo Kinh Tế Đô Thị của Việt Nam cho hay  Cục Quản Lý Cạnh Tranh thuộc Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đang thụ lý đơn kiện chống việc bán phá giá của tập đoàn sản xuất nội địa Waterloo Industries liên quan đến mặt hàng tủ đựng dụng cụ từ Việt Nam nhập vào Mỹ.

Đơn kiện của Waterloo Industries nói rằng sản phẩm tủ Made In Vietnam đưa vào Mỹ có giá thấp hơn khiến ngành sản xuất nội địa bị thiệt hại vì việc bán phá giá này.

Tin nói Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế của Hoa Kỳ sẽ công bố quyết định vào ngày 26  tháng này. Bước sang tháng Bảy  Bộ Thương Mại Mỹ sẽ có quyết định cụ thể về việc chống bán phá giá và áp thuế trên sản phẩm bán pha giá từ Việt Nam.

Mặt khác Hoa Kỳ cũng gia hạn việc áp thuế chống phá giá đối với mặt hàng tôm đông lạnh từ Việt Nam nhập vào Mỹ.

Tiếp tục áp thuế chống phá giá thêm 5 năm là quyết định của Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế Mỹ ITC vào ngày 2 tháng Năm sau khi bỏ phiếu thông qua việc tiếp tục áp thuế chống phá trên sản phẩm tôm đông lạnh từ Việt Nam bán qua thị trường Hoa Kỳ. - RFA
|
|

23.
Gần 600 ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt

Gần 600 ngư phủ Việt Nam bị bắt giữ vì đánh bắt cá trái phép trên vùng biển Indonesia thời gian qua.

Tin từ Đại sứ quán Việt Nam ở Jakarta cho biết ngư dân và tàu thuyền Việt Nam đến vùng biển Indonesia để đánh bắt  cá càng ngày càng nhiều. Họ đã bị tuần duyên Indonesia bắt giữa và đưa vào các đảo lân cận để xử lý. Tòa Đại sứ Việt Nam ở Jakarta đã yêu cầu nhà chức trách Indonesia trả lại tài sản và cho phép những người bị bắt được trở về vì lý do nhân  đạo.

Số liệu chính thức của Indonesia cho thấy con số ngư dân bị bắt gồm 580 người và 72 tàu cá từ các tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu, Bình Định, Khánh Hòa, Tiền Giang, Kiên Giang , Phú Yên, Bình Thuận.

Tuy nhiên theo người phụ trách công tác lãnh sự trong đại sứ quán Việt Nam ở Indonesia, ông Nguyễn Thanh Giang, những con số ngư dân bị bắt mà cơ  quan chức năng Indonesia đưa ra không trùng khớp với thực tế . Ông nói tòa đại sứ Việt Nam ở Ondonesia đang tìm hiểu và cập nhật thông tin liên quan trong công tác bảo hộ công dân để sớm đưa họ về nước. - RFA
|
|

24.
Vợ nạn nhân bị chết tại nhà giam nói: ‘Công an đập đầu, cắt cổ chồng tôi’

Bà vợ của nạn nhân chết tại nhà giam công an tỉnh Vĩnh Long tố cáo công an đã “đập đầu, cắt cổ” chồng bà, không phải chồng bà tự tử sau một ngày bị tạm giam.

“Chồng con là một người công dân lao động chân tay mà đảng Cộng Sản đem ba bốn trăm người lại đàn áp. Vô trong nhà xét tìm được một miếng vải vàng trong cái thùng nước rồi nói chồng con chống đối nhà nước. Bắt chồng con, qua ngày sau, đập đầu và cắt cổ chồng con. Không có bằng chứng cờ vàng.”

Trong một video clip phổ biến trên báo mạng Sài Gòn Báo, lời người phụ nữ có chồng tên Nguyễn Hữu Tấn kể lể về nguyên nhân cái chết bất thường của chồng bà.

Hôm Thứ Năm, 4 Tháng Năm, các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Zing đưa tin theo nguồn tin từ Sở Công An tỉnh Vĩnh Long cung cấp, nói “Một nghi phạm dùng dao tự sát trong trại tạm giam.”

Các báo vừa kể thuật lời ông Phạm Văn Ngân, phó giám đốc công an tỉnh, họp báo “xác nhận nghi phạm Nguyễn Hữu Tấn (38 tuổi, ngụ tổ 7, khóm 2, phường Thành Phước, thị xã Bình Minh) đã dùng dao rọc giấy của cán bộ điều tra tự sát trong trại tạm giam vào sáng 3 Tháng Năm.”

Theo tờ Thanh Niên kể, “Tối 2 Tháng Năm, Cơ Quan An Ninh Điều Tra đã bắt khẩn cấp Nguyễn Hữu Tấn vì có hành vi phát tán tài liệu chống phá nhà nước. Khám xét nơi ở của Tấn, công an phát hiện nhiều tài liệu, chứng cứ có liên quan nên đã tiến hành đưa Tấn về tạm giam tại Trại Tạm Giam Công An tỉnh Vĩnh Long.”

“Đến sáng 3 Tháng Năm, các cán bộ điều tra đến làm việc với Tấn, trong phòng có trang bị camera theo dõi. Đến khoảng 10 giờ 55 phút sáng cùng ngày, Tấn xin cán bộ điều tra thuốc hút và một chai nước uống. Khi điều tra viên vừa ra ngoài thì nghi phạm Tấn đến cặp của cán bộ điều tra lục lấy ra một con dao dùng để rọc giấy rồi tự cắt liên tiếp vào vùng cổ để tự sát. Chỉ trong ba phút, khi điều tra viên vào thì nghi phạm Tấn đã bị choáng vì mất nhiều máu và tử vong sau đó.”

Tờ Tuổi Trẻ dẫn lời điều tra viên không nêu tên nói rằng, “Toàn bộ quá trình Tấn dùng dao tự sát đều được camera ghi lại. Chúng tôi đã cho gia đình Tấn xem toàn bộ dữ liệu camera ra ghi lại được. Đồng thời, gia đình Tấn cũng được chứng kiến công tác khám nghiệm tại hiện trường.”

Không thấy video clip lời người vợ của ông Tân nói gì đến việc có được xem video clip của công an ghi lại giây phút ông Tân tự cắt cổ bằng dao rọc giấy hay không, chỉ thấy bà nói chồng bà bị công an “đập đầu, cắt cổ.”

“Thứ nhất, trên nguyên tắc thẩm cung, an ninh điều tra không được mang bất cứ dụng cụ gây sát thương nào vào buồng hỏi cung ngoại trừ giấy ghi biên bản và cây viết hoặc giấy tờ tài liệu liên quan vụ án. Thứ hai, trong khi hỏi cung ban đầu thường khá đông an ninh có mặt, sau đó ít nhất có hai người, một người lấy lời khai và người ghi biên bản. Từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc một buổi hỏi cung không để cho nghi phạm ở một mình, thậm chí có đi vệ sinh còn có người đi theo, Như vậy, ông Tấn không có mảy may cơ hội nào để dùng dao của điều tra viên mà tự sát,” theo ông Lê Văn Sơn, cựu tù nhân lương tâm từng bị kết án bốn năm tù với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” viết trên trang Facebook cá nhân.

Còn cựu tù lương tâm Đậu Văn Dương từng bị kết án 42 tháng vì “tuyên truyền chống nhà nước” thì nói “Nếu trong đồn tạm giam của công an có dao để cắt cổ thì em đi đầu xuống đất.”

Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà thuật lại lời từ phía gia đình ông Tấn và các đồng đạo Phật Giáo Hòa Hảo đã bác bỏ việc ông tự tử. Bà viết rằng, “Ba anh Tấn là ông Nguyễn Hữu Quang cho hay, có được cơ quan công an cho xem một bản video, nhưng rất khó xem và không thấy gì cả. Ông bảo, mọi việc không ổn, từ vấn đề là làm sao tự cắt cổ dài như vậy. Và quan trọng là một bên đầu Tấn vết thương bầm và mềm như trái chuối!”

Ông Nguyễn Hữu Tấn là người ăn chay trường. Gia đình ông là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Cha của ông là cư sĩ tu học theo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất. Ông đang mưu sinh bằng việc bán các món thức ăn chay.

Đối chọi lại những cáo buộc công an giết người rồi vu cho người ta tự tử như rất nhiều vụ khác, báo điện tử VietNamNet dẫn lời ông Phạm Văn Ngân kêu rằng, “Những thông tin thất thiệt nói người khác tác động vào nghi phạm Tấn là hoàn toàn sai sự thật.”

Ông Nguyễn Hữu Tấn là nạn nhân thứ tư chết trong tay công an Việt Nam từ đầu năm 2017 đến nay khi vừa mới bị bắt tạm giam để điều tra. Chỉ riêng Tháng Giêng, có ba nạn nhân tại ba nơi Sài Gòn, Bình Định và Bình Thuận.

Hôm 2 Tháng Giêng, Phạm Đặng Toàn bị công an đánh chết khi đuổi bắt một đám cờ bạc ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, nhưng nói trên báo chí là thấy anh ta “gục chết trên đường.”

Hai ngày sau, tức ngày 4 Tháng Giêng, công an nhà tạm giam công an Phan Thiết thấy Phạm Minh Thể (21 tuổi) “tử vong có nhiều vết thương và vết bầm tím trên mặt, đầu và cơ thể.” Báo chí nhà nước chỉ thấy nói “tiến hành trưng cầu giám định pháp y” rồi im lặng.

Đến ngày 16 Tháng Giêng, báo chí trong nước nói Phạm Ngọc Nhung “té ngã bị chấn thương sọ não” khi bị đưa về công an phường Cầu Ông Lãnh, Sài Gòn, và tin tức chìm xuồng sau đó.

Trong năm 2016, có ít nhất 10 nạn nhân chết trong tay công an, hầu hết chỉ sau vài giờ đến một vài ngày khi vừa mới bị bắt về điều tra. Năm 2015, có 17 nạn nhân chết trong tay công an, riêng Tháng Mười Hai có tới ba nạn nhân. Năm 2014, có tới 24 nạn nhân. Năm 2013, có 12 nạn nhân và năm 2012 có 13 nạn nhân.

Tất cả các nạn nhân đó đều có những chứng tích trên thân thể như nứt xương sọ, gãy xương sườn hay tay chân, bầm tím nhiều nơi trên da, dập các phần mềm nội tạng như dập phổi dập tim, dập bao tử, gan, thận… do bị tra tấn ép cung.

Bây giờ là chuyện tự cắt cổ của ông Nguyễn Hữu Tấn. - nguoiviet



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét