TS Lê Minh Nguyên tổng hợp
12-5-2017
Người dân biểu tình trước UBND huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh,
ngày 3/4/2017.
(Ảnh Facebook Nhật Ký Yêu nước)
Tin Thế Giới
1.
Hoãn tập trận 4 nước Pháp, Anh, Mỹ, Nhật ở Guam
Một lực lượng thủy bộ 4 bên có sự tham gia của các nước:
Pháp, Anh, Mỹ và Nhật Bản, đã hoãn các cuộc tập trận ở đảo Guam hôm thứ Sáu
12/5 sau khi một tàu đổ bộ Pháp mắc cạn ngoài khơi hòn đảo này.
Hiện chưa rõ khi nào các cuộc diễn tập này, do Pháp dẫn đầu,
sẽ được lên kế hoạch trở lại.
Đại Tá Hải quân Mỹ Jeff Grimes, Tham mưu trưởng Hải quân Hoa
Kỳ trong khu vực, nói:
“Dựa trên đánh giá sơ khởi của chúng tôi, một trong hai cánh
quạt của chiếc tàu mắc nạn bị hư hại. Không một ai bị thương, không có xăng dầu
hay bất cứ chất nguy hiểm nào rò rỉ ra môi trường.”
Mục đích của cuộc diễn tập là nhằm hậu thuẫn quyền tự do qua
lại của tàu bè trong các lãnh hải quốc tế, và cũng để thể hiện tình đoàn kết
trước sư hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Hải quân Đại tá Jeff Grimes:
“Điều quan trọng khác của cuộc tập trận này là tính đa quốc
gia của nó. Chúng tôi không chỉ huấn luyện các lực lượng Mỹ, mà còn tập hoạt động
chung và hợp tác với các lực lượng bạn và đồng minh trong khu vực, trong trường
hợp này đặc biệt là với Pháp. Các cuộc tập trận như thế này từ lâu không diễn
ra ở Guam, mà không chỉ ở đảo Guam mà còn trong vùng Thái Bình Dương. Đây cũng
là một cơ hội để xây dựng các quan hệ đối tác trong khu vực, và trấn an những
người có thể không đồng ý mấy với chúng tôi, rằng chúng tôi đã sẵn sàng, vào bất
cứ lúc nào.”
Trung Quốc đòi chủ quyền tại các vùng biển rộng lớn, bao
trùm hầu hết diện tích Biển Đông. Nước này đã xây 7 hòn đảo nhân tạo trong Biển
Đông và bị các nước khác mạnh mẽ đả kích. Bắc Kinh nói các hòn đảo đó được xây
để dùng vào các mục đích dân sự.
Trung Quốc nhiều lần trấn an rằng họ sẽ tôn trọng quyền tự
do qua lại của tàu bè hay máy bay trong khu vực, tuy nhiên hãy còn nhiều nghi vấn
liên quan tới các tàu chiến và máy bay quân sự.
Cuộc tập trận đa quốc với sự tham dự của 4 nước Mỹ, Anh,
Pháp, Nhật, dự kiến bắt đầu hôm 12-5 và kéo dài 1 tuần. Địa điểm tập trận là
khu vực xung quanh đảo Guam và đảo Tinian. - VOA
|
|
2.
Những mối đe dọa toàn cầu
Mối đe dọa đến từ Nga tiếp theo sau những mưu mô nhằm can
thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chưa có dấu hiệu gì sẽ sớm lui vào quá khứ,
giữa lúc các quan chức tình báo hàng đầu nước Mỹ cảnh báo Moscow có thể trở nên
vừa hung hăng hơn lại vừa khó đoán hơn.
Theo quan điểm của các giới chức tình báo hàng đầu Mỹ, nếu
có bất kỳ hy vọng nào rằng mối quan hệ Mỹ-Nga sẽ cải thiện sau cuộc họp cấp cao
giữa Tổng thống Trump và Ngoại Trưởng Nga ở Toà Bạch Ốc trong tuần này, thì mối
hy vọng đó đã nhanh chóng tan vỡ.
Giám Đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats phát biểu:
"Rõ ràng Nga đã tăng cường sử dụng các phương tiện truyền
thông xã hội và các phương tiện khác theo những cách thức chưa từng có tiền lệ.
Vì vậy, đây là một mối đe dọa lớn đối với tiến trình dân chủ của chúng
ta".
Trong một cuộc điều trần, quyền giám đốc Cơ quan Điều tra
Liên Bang Hoa Kỳ -FBI thậm chí còn đi xa hơn, khi ông đưa ra những phát biểu
trái ngược với tuyên bố của Toà Bạch Ốc nói rằng cuộc điều tra vào sự can thiệp
của Nga vào cuộc bầu cử ở Mỹ và khả năng có sự thông đồng giữa Nga với chiến dịch
tranh cử của ông Trump là "một trong những tiểu tiết nhỏ nhặt nhất"
trong chương trình nghị sự.
Trả lời câu hỏi của thượng nghị sĩ Angus King, đại diện bang
Maine, liệu cuộc điều tra về vai trò của Nga có phải là một cuộc điều tra nhỏ
trong vô số những việc khác của cơ quan FBI?
Ông Andrew McCabe, quyền Giám Đốc FBI trả lời:
"Thưa ông, chúng tôi coi đó là một cuộc điều tra có tầm
quan trọng đáng kể."
Câu trả lời này tương hợp với những cảnh báo trước đây của
các quan chức Mỹ hàng đầu, kể cả của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, người đã
từng khẳng định rằng Nga là mối đe dọa hàng đầu đối với sự ổn định của Hoa Kỳ
và của thế giới, trong buổi điều trần của ông để được chuẩn thuận vào chức vụ
lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ.
Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, quan điểm
đó đã thay đổi. Giới lãnh đạo tình báo Mỹ hôm thứ Năm nói với các nhà lập pháp
rằng bây giờ ưu tiên hàng đầu của họ là mối đe doạ do một nước Bắc Triều Tiên
có vũ khí hạt nhân đặt ra.
Giám Đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), ông Mike
Pompeo, đề cập tới một mối đe dọa này như sau:
"Mối đe dọa liên quan tới lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un
dù không còn được đưa lên các hàng tít lớn ngay tại thời điểm này, nhưng mối
nguy của mối đe dọa đó vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào là đã suy giảm."
Các quan chức này không chịu nói liệu Bắc Triều Tiên đã tiến
xa tới đâu để có thể tấn công Hoa Kỳ bằng một tên lửa hạt nhân, họ chỉ lưu ý rằng
với mỗi lần phóng phi đạn, dù là thất bại, Bình Nhưỡng càng ngày càng tiến gần
hơn tới mục tiêu.
Trung Tướng Vincent Stewart, Giám Đốc Cơ quan Tình báo Quốc
phòng Hoa Kỳ:
"Bắc Hàn đang đi theo con đường đó và họ quyết tâm thực
hiện mục tiêu đó."
Ngoài ra, trong số các mối đe dọa hàng đầu khác, các thủ
lãnh của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) cảnh cáo họ đang chuẩn bị tập họp lại ở
Iraq và Syria. IS tuyên bố vẫn có khả năng chỉ đạo và tạo cảm hứng cho những
người khác để họ thực hiện các cuộc tấn công trên toàn thế giới, bất chấp IS
đang chịu những tổn thất lớn trên chiến trường.
Một mối đe dọa khác là Iran. Nước này tiếp tục đóng một vai
trò tích cực tại Syria, Iraq và nhiều nơi khác. Iran vẫn tìm cách bành trướng
khu vực ảnh hưởng của mình. Theo các giới chức, hiện Iran có dưới tay khoảng
10.000 chiến binh trải trộng trên khắp khu vực. - VOA
|
|
3.
Sri Lanka không cho tàu ngầm Trung Quốc ‘tá túc’
Sri Lanka từ chối yêu cầu của Trung Quốc muốn neo đậu một
trong những tàu ngầm của Bắc Kinh ở Colombo trong tháng này, hai giới chức cấp
cao cho biết ngày 11/5 giữa bối cảnh Thủ tướng Ấn đang thực hiện chuyến công du
tới Sri Lanka.
Lần cuối cùng Sri Lanka cho phép tàu ngầm Trung Quốc neo đậu
ở thủ đô Colombo là hồi tháng 10 năm 2014, một động thái khiến nước láng giềng Ấn
Độ phản đối mạnh mẽ vì quan ngại trước các hoạt động gia tăng của Trung Quốc tại
lãnh thổ từ lâu Ấn xem nằm trong vòng ảnh hưởng của mình.
Thủ tướng Ấn Narendra Modi tới Sri Lanka hôm 11/5 trong chuyến
thăm 2 ngày.
Một giới chức cấp cao Sri Lanka nói nước ông có phần chắc
không đồng ý cho Trung Quốc neo đậu tàu ngầm tại bất cứ thời điểm nào, trước
quan ngại của Ấn.
Một giới chức khác cho Reuters biết đề nghị của Trung Quốc
muốn dùng cảng của Sri Lanka khoảng giữa tháng này đã bị khước từ, nhưng có thể
sẽ được chấp thuận vào lần khác trong tương tai.
Một nguồn tin thân cận với đại sứ quán Trung Quốc ở Colombo
xác nhận Trung Quốc có yêu cầu Sri Lanka cho tàu ngầm ghé cảng và hiện đang chờ
phúc đáp.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường đầu tư mạnh
vào Sri Lanka đặc biệt trong các lĩnh vực đường sá, sân bay, đường sắt, và hải
cảng khiến Ấn Độ ‘bất an’. Ấn là đối tác kinh tế gần gũi nhất của đảo quốc 21
triệu dân Sri Lanka.
Hiệp ước 1987 giữa hai nước quy định không dùng lãnh thổ đôi
bên cho các hoạt động gây tổn hại cho an ninh, hội nhập, và tình đoàn kết của đối
phương. - VOA
|
|
4.
Bắc Triều Tiên tìm cách dẫn độ người mưu sát Kim Jong Un
Bình Nhưỡng sẽ tìm cách dẫn độ những người liên hệ đến điều
Bắc Triều Tiên gọi là âm mưu do CIA hậu thuẫn nhằm ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong
Un trong tháng trước bằng chất độc sinh hóa, một giới chức cao cấp Bộ Ngoại
giao Bắc Triều Tiên loan báo ngày 11/5.
Ông Han Song Ryol, Thứ trưởng Ngoại giao, ngày 11/5 triệu tập
cuộc họp với các nhà ngoại giao nước ngoài tại Bình Nhưỡng, đưa ra cáo buộc rằng
CIA và cơ quan tình báo Hàn Quốc đã mua chuộc và ép một người Bắc Triều Tiên
tham gia âm mưu ám sát mà Bộ Công an Bắc Triều Tiên nói đã phát hiện tháng trước.
Từ tuần trước, truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên bắt đầu
loan tải tin này. Bộ Công an cam kết sẽ đưa ra ánh sáng những người nào có liên
hệ đến âm mưu mà Bộ gọi là “khủng bố do nhà nước bảo trợ.”
Thứ trưởng Han, ngày 11/5 tuyên bố sẽ tiến hành yêu cầu dẫn
độ các nghi can.
Bắc Triều Tiên nói nghi can chính là một người đàn ông họ
Kim, cư dân Bình Nhưỡng có thời kỳ làm việc tại vùng Viễn Đông Nga. Truyền
thông nhà nước nói ông có liên hệ đến ngành khai thác gỗ tại Khabarovsk , một
trong những nơi người Bắc Triều Tiên có thể đi lao động ở nước ngoài.
Vẫn theo Bình Nhưỡng, một nhân viên hoạt vụ Hàn Quốc tên là
Jo Ki Choi và một “điệp viên” tên là Xu Guanghai, Tổng giám đốc Công ty NAZCA
Thanh Đảo, đã gặp ông Kim tại Đan Đông, trên biên giới Bắc Triều Tiên với Trung
Quốc, để trao các dụng cụ thông tin liên lạc và tiền mặt. Bắc Triều Tiên còn
nói thêm rằng “một người họ Han” đã huấn luyện ông Kim cách tuyển mộ đồng sự.
Thứ trưởng Han đọc một tuyên bố soạn sẵn tại buổi họp với giới
ngoại giao rằng “Những kẻ khủng bố âm mưu và lập kế hoạch chi tiết về việc sử dụng
chất sinh hóa, trong đó có những chất phóng xạ và những chất độc, làm phương tiện
để ám sát. Những chất sinh hóa này được cung cấp với sự hỗ trợ của CIA. Còn Cơ
quan Tình báo Hàn Quốc thì cung cấp những hỗ trợ cần thiết cũng như tài trợ cho
việc ám sát nhà lãnh đạo tối cao của chúng tôi.” - VOA
|
|
5.
Tấn công tự sát ở tây-nam Pakistan, 25 người chết
Một kẻ đánh bom liều chết đã tấn công đoàn xe của một đoàn Hồi
giáo ở tây-nam Pakistan, giết chết ít nhất 25 người và làm bị thương hơn 40 người
khác. Đa số các nạn nhân là những nhà hoạt động cho một đảng chính trị tôn giáo
có tên là Jamiat Ulema-e-Islam (JUI-F).
Cảnh sát nói vụ tấn công hôm thứ Sáu 12/5/17 xảy ra ở thị trấn
Mastung, cách thủ phủ Quetta của tỉnh Baluchistan khỏang 50 km.
Mục tiêu của vụ nổ hình như là Phó Chủ tịch Thượng viện
Pakistan Abdul Ghaforr Haideri.
Các giới chức xác nhận Thượng nghị sĩ Haideri chỉ bị thương
nhẹ nhưng cả viên tài xế và giám đốc nhân sự Thượng viện, người tháp tùng ông
Haideri, đều thiệt mạng.
Tổ chức Nhà Nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom
gây tử vong.
Ông Haideri là lãnh đạo chủ chốt của Jamiat Ulema-e-Islam, một
đảng chính trị nằm trong liên minh cầm quyền của Thủ Tướng Nawaz Sharif.
Nói chuyện với báo chí, Giáo sĩ Haideri cho biết ông đang
trên đường trở về sau khi dự một buổi lễ tốt nghiệp tại một trung tâm tu tập Hồi
giáo thì đoàn xe bị tấn công.
Ông Haideri nói:
“Mọi sự xảy ra vô cùng đột ngột. Tôi bị thương nhưng còn sống.
Thượng đế đã cứu mạng tôi. Tôi bị trúng mảnh vỡ của cửa kiếng phía trước. Tài xế
của tôi và những người ngồi bên cạnh tôi bị thương trầm trọng.”
Cảnh sát và những người chứng kiến nói kẻ đánh bom đi trên
xe mô tô, các bộ phận thi thể người này đã được thu hồi từ hiện trường ở
Baluchistan, tỉnh lỵ lớn nhất trong 4 tỉnh nơi một số nhóm chủ chiến hoạt động
mạnh. Các phần tử nổi dậy thuộc sắc tộc Baloch cũng thường xuyên tấn công các
cơ sở của chính phủ.
Nhà Nước Hồi giáo gần đây đã gia tăng các cuộc tấn công ở
Pakistan. Nhóm khủng bố có trụ sở ở Syria còn nhận trách nhiệm trong một vụ tấn
công tự sát ở một đền thờ Sufi tại thành phố Sehwan hồi tháng Hai, giết chết
hơn 70 người. Các nạn nhân trong vụ này phần lớn là thuộc cộng đồng Hồi giáo
Shia thiểu số. - VOA
|
|
6.
Philippines chuẩn bị xây cất trên đảo Thị Tứ
Philippines đã bắt đầu đưa binh sĩ và đồ tiếp tế ra một đảo
có tranh chấp ở Biển Đông, chuẩn bị cho công tác thi công bao gồm gia cố, kéo
dài một đường băng và xây một bến tàu.
AP ngày 11/5 dẫn lời chỉ huy Bộ Tư lệnh Miền Tây của quân đội
Philippines, Raul del Rosario, cho biết binh lính và đồ tiếp tế đã tới đảo Thị
Tứ tuần trước.
32 triệu đô la được dành cho công trình thi công bao gồm một
cảng cá, hệ thống năng lượng mặt trời, nhà máy khử mặn, tu sửa lại chỗ ở cho
binh lính cùng các cơ sở phục vụ nghiên cứu hàng hải và du lịch.
Tháng rồi, Trung Quốc lên tiếng phản đối chuyến thăm của các
lãnh đạo quốc phòng và quân sự Philippines ra đảo Thị Tứ, nơi Bắc Kinh cũng có
tuyên bố chủ quyền.
Trong chuyến thăm lần đó, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin
Lorenzana cam kết biến nơi đây thành điểm du lịch và loan báo công trình thi
công sẽ khởi sự trước mùa mưa tháng 7.
Tuy nhiên, mới tuần rồi, ông cho biết các dự án này có thể bắt
đầu chậm hơn dự kiến vì một số hợp đồng phải thương lượng lại.
Hôm 10/5, người đứng đầu Hải quân Philippines, Ronald Joseph
Mercado, nói dù thời điểm tiến hành thi công chưa được đưa ra cụ thể nhưng trọng
tâm bây giờ là vận chuyển ra đảo nguyên vật liệu và thiết bị. - VOA
|
|
7.
ASEAN giằng co giữa Mỹ-Trung
ASEAN sẽ bị áp lực ‘nặng nề’ trong lúc tân chính quyền Mỹ
tìm cách giao tiếp nhiều hơn mà chưa có chiến lược rõ ràng trước sự cạnh tranh
của Trung Quốc muốn ‘chinh phục’ Đông Nam Á, theo các nhà phân tích từ Trung Tâm
Đông-Tây ở Hawaii.
Tờ The Nation dẫn nhận định của nghiên cứu gia cao cấp Denny
Roy cho rằng dù khó đoán được chính quyền Trump định làm gì với mối quan hệ
ASEAN, dự kiến Mỹ sẽ tiếp tục xem Đông Nam Á như một đối tác hữu ích.
Việt Nam là một trong bốn thành viên của khối ASEAN có tuyên
bố chủ quyền một phần tại Biển Đông cùng với Brunei, Malaysia, Philippines.
Indonesia dù không tranh chấp chủ quyền tại vùng biển giàu tài nguyên này nhưng
có một số xung khắc về hoạt động đánh bắt cá. Trung Quốc nhận chủ quyền hầu hết
Biển Đông.
Mỹ, một bên nằm ngoài tranh chấp, dưới thời cựu Tổng thống
Barack Obama đã tôn vinh và thực thi quyền tự do hàng hải trên Biển Đông và
thúc giục ASEAN thống nhất đoàn kết trước Trung Quốc.
“ASEAN sẽ tiếp tục chịu áp lực ‘nặng nề’, một bên bị Trung
Quốc níu kéo và bên kia là Mỹ, Biển Đông là một trong những vấn đề,” ông Roy
nói.
Dù chính quyền Trump muốn có sự hiện diện tại Châu Á, nhưng
theo nhà ngoại giao kỳ cựu Raymond Burghardt được tờ The Nation dẫn lời, ông
Trump và các cố vấn của ông có ít kinh nghiệm với các vấn đề Châu Á, càng ít
kinh nghiệm hơn với Đông Nam Á.
Nhân vật chính ‘đương đầu’ với Châu Á như Ngoại trưởng Rex
Tillerson lại có nhiều hiểu biết hơn về Trung Đông, ông Burghardt nhận xét.
Vẫn theo lời ông, những quan chức bên phía an ninh như Bộ
trưởng Quốc phòng Jim Mattis chẳng hạn, sự nghiệp của họ cũng tích lũy nhiều
kinh nghiệm hơn về Trung Đông.
Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam và là phó đặc sứ Mỹ tại
Philippines, Raymond Burghardt, cho rằng Việt Nam cần đóng vai trò quan trọng
hơn trong việc dẫn dắt ASEAN đối phó với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông vì
Philippines dường như đã ‘dịu giọng’ để lấy lòng Bắc Kinh.
Từ quan điểm của một nhà ngoại giao kỳ cựu, ông Burghardt
nói “Việt Nam có nhiều thứ để đóng góp trong việc mang lại một tiếng nói và
quan điểm chặt chẽ trong ASEAN.” - VOA
|
|
8.
Hoa Kỳ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại
Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại gồm
10 điểm theo đó mở ra thị trường Trung Quốc cho các hãng xếp hạng tín dụng và
các công ty tín dụng Mỹ.
Theo thỏa thuận, Trung Quốc cũng sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu
thịt bò Mỹ và khí gas hóa lỏng từ Mỹ.
Để đổi lại, gà đã qua chế biến của Trung Quốc sẽ được phép
vào thị trường Mỹ, và các ngân hàng Trung Quốc có thể được hoạt động trong thị
trường này.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross nói thỏa thuận sẽ giảm
bớt mức thâm thủng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vào cuối năm 2017.
Tuyên bố đánh dấu các kết quả thiết thực đầu tiên đạt được
trong các cuộc đàm phán thương mại vốn đã bắt đầu hồi tháng trước.
Thỏa thuận được coi như chỉ dấu cho thấy Tổng thống Hoa Kỳ
Donald Trump đang áp dụng cách tiếp cận ít đối đầu hơn với Bắc Kinh so với những
gì ông đã cam kết trong quá trình vận động tranh cử.
Ông Trump ban đầu đe dọa sẽ coi Trung Quốc là một "kẻ
lũng đoạn tiền tệ" và áp dụng thuế quan thương mại với hàng hóa Trung Quốc,
nhưng sau đã có quan điểm nhẹ nhàng hơn.
Ông cũng nỗ lực kết nối các cuộc thảo luận thương mại Mỹ-Trung
với các quan ngại quanh tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn, và thúc giục Bắc Kinh
gây áp lực nhiều hơn lên Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, sau khi thỏa thuận thương mại được công bố, Thứ
trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu nói không nên chính trị hóa các vấn
đề kinh tế. - BBC
|
|
9.
Con Đường Tơ Lụa Mới: Ý đồ mở rộng thế lực của Trung Quốc
gây lo ngại
Lãnh đạo 28 quốc gia và quan chức cấp cao từ nhiều nước khác
sẽ tề tựu về Bắc Kinh trong hai ngày 14-15/05/2017 để tham gia một hội nghị thượng
đỉnh về sáng kiến Con Đường Tơ Lụa đầy tham vọng của Trung Quốc. Phía Trung Quốc
loan báo sẽ có cả trăm nước cử đại diện đến tham dự hội nghị. Tuy nhiên, theo
giới quan sát, nhiều chính phủ, từ Washington, Matxcơva cho đến New Delhi,
Jakarta, vẫn không tránh khỏi lo ngại trước ý đồ chính trị của Bắc Kinh thông
qua vỏ bọc kinh tế, thương mại của sáng kiến này.
Nhiều quốc gia cho rằng khi thúc đẩy việc xây dựng « Con Đường
Tơ Lụa Mới », một chuỗi hải cảng cùng với các tuyến đường sắt và đường bộ, để mở
rộng giao thương trong một vòng cung trải rộng từ châu Á, qua châu Phi và châu
Âu, mục tiêu thâm sâu của Bắc Kinh là bành trướng ảnh hưởng chính trị của riêng
Trung Quốc, bào mòn ảnh hưởng của các đối thủ.
Một số nước khác thì lo ngại Trung Quốc có thể làm suy yếu
các chuẩn mực về nhân quyền, môi trường và các tiêu chuẩn khác trong việc cấp
tín dụng, hoặc là để cho các nước nghèo nhận trợ giúp của Trung Quốc bị nợ nần
chồng chất.
Ấn Độ là một trong những nước nghi ngờ Trung Quốc. New Delhi
không hài lòng với việc các công ty Nhà nước Trung Quốc đến hoạt động tại vùng
Kashmir hiện do Pakistan kiểm soát, nhưng đang có tranh chấp với Ấn Độ. New
Delhi xem việc công ty Trung Quốc có mặt ở Kashmir là một sự tán thành của Bắc
Kinh đối với quyền kiểm soát của Pakistan.
Ngay cả Nga cũng không tránh khỏi nghi ngại, cho dù về danh
nghĩa, Nga là đồng minh thân cận của Trung Quốc - tổng thống Vladimir Putin là
một trong những lãnh đạo cường quốc hiếm hoi đến tham dự hội nghị thượng đỉnh về
Con Đường Tơ Lụa Mới. Theo giới phân tích, Matxcơva đặc biệt quan ngại trước khả
năng Bắc Kinh làm suy yếu ảnh hưởng của Nga ở vùng Trung Á bằng cách nối
Uzbekistan và các nước Trung Á khác vào kinh tế Trung Quốc vốn năng động hơn
Nga.
Bản thân tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 06/2016 đã
tìm cách chống đỡ sáng kiến Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc bằng cách đề xuất một
« Đại Dự Án Á-Âu », trong đó Bắc Kinh dẫn đầu về kinh tế, còn Matxcơva lo mảng
chính trị và an ninh. Theo hai chuyên gia Ba Lan Marcin Kaczmarski và Witold
Rodkiewicz thuộc một trung tâm tham vấn tại Vacxava, sáng kiến đó cho phép điện
Kremlin «duy trì được cái mã bề ngoài là họ vẫn nắm quyền chủ động chính trị
trong khu vực ».
Tại khu vực Đông Nam Á, nước lớn nhất ASEAN là Indonesia, dù
có quan hệ tốt với Trung Quốc, cũng thận trọng với các tham vọng chiến lược của
Bắc Kinh, đặc biệt sau khi Trung Quốc phớt lờ dư luận để bồi đắp các hòn đảo
nhân tạo ở Biển Đông với mục tiêu áp đặt chủ quyền rộng khắp của Bắc Kinh.
Theo Christine Tjhin, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại
Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế ở Jakarta, giới tinh hoa chính trị
Indonesia lo ngại rằng Trung Quốc có thể lên làm « bá chủ khu vực ».
Sáng kiến Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc dĩ nhiên cũng
gióng lên những tiếng chuông báo động tại Hoa Kỳ. Theo hãng tin Mỹ AP, một số
nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích chính trị cho rằng Bắc Kinh đang cố tạo
ra một mạng lưới kinh tế chính trị lấy Trung Quốc làm tâm điểm, đẩy Mỹ ra khỏi
khu vực và viết lại các quy tắc về thương mại và an ninh.
Điều oái oăm là bất chấp các nhận định đó, từ ngày lên cầm
quyền, tân tổng thống Mỹ Donald Trump đã mặc nhiên để cho Trung Quốc tự do tung
hoành, khi rút Hoa Kỳ ra khỏi khối Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP,
được cho là một công cụ tốt, khả dĩ để cản trở được Trung Quốc. - RFI
|
|
10.
Bầu cử Pháp: Rạn nứt giữa đảng Cộng Hòa Tiến Bước và đồng
minh
Đảng MoDem không hài lòng với danh sách các ứng cử viên Quốc
Hội, mà đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống tân cử Emmanuel Macron công bố
ngày 11/05/2017. Đây là rạn nứt đầu tiên của đảng này với đối tác chính trị
quan trọng nhất, là đảng cánh trung MoDem - Phong Trào Dân Chủ của ông Bayrou.
Năm ngày sau khi Emmanuel Macron đắc cử tổng thống, chính
trường Pháp lại bị chia rẽ vì cuộc bầu cử Quốc Hội sắp mở ra trong hai ngày 11
và 18/06/2017. Đảng Cộng Hòa Tiến Bước ngày 11/05/2017 công bố danh sách 428 ứng
viên. Trong số này, Cộng Hòa Tiến Bước chỉ dành cho đảng cánh trung MoDem của
François Bayrou 90 ứng viên thay vì 120 như đã cam kết ban đầu. Lãnh đạo MoDem
phản đối, họp khẩn ban lãnh đạo vào tối 12/05 và yêu cầu Cộng Hòa Tiến Bước giải
thích.
Trong danh sách 428 ứng cử viên ra tranh cử Quốc Hội dưới
màu áo của đảng Cộng Hòa Tiến Bước, 24 người là đại biểu mãn nhiệm. Hơn 100 ứng
viên là thành viên của đảng cánh tả Xã Hội ủng hộ đa số của tổng thống tân cử
Macron. Khoảng 48% ứng viên trong danh sách của đảng Cộng Hòa Tiến Bước thuộc
xã hội dân sự, thậm chí chưa từng tham gia hoạt động chính trị.
Trên tổng cộng 577 ghế ở Quốc Hội, đảng Cộng Hòa Tiến Bước mới
chỉ đề cử 428 ứng viên, cố tình để ngỏ 150 chỗ. Theo giới quan sát, khoản này
nhằm chiêu dụ một số các chính khách của cả hai đảng truyền thống, Đảng Xã Hội
cánh tả và đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa.
Cũng ngày 11/05, đa số của tổng thống tân cử Macron cho biết,
không kết nạp cựu thủ tướng đảng Xã Hội Manuel Valls, nhưng không đề cử ứng cử
viên trong vùng Essonne chống lại ông Valls.
Trước mắt, xung đột nội bộ trong các đảng phái chính trị
truyền thống tả hữu, cực tả và cực hữu đang dâng cao. Hiện tượng Emmanuel
Macron và phong trào chính trị do ông khởi xướng đang vẽ lại toàn cảnh chính trị
Pháp. Đem lại những gương mặt mới cho Quốc Hội sắp tới và đổi mới hoạt động
chính trị Pháp là ưu tiên của êkip Macron. Theo thăm dò dư luận do viện Harris
Interactive thực hiện, có tới 76% người được hỏi tán đồng danh sách các ứng
viên do đảng Cộng Hòa Tiến Bước đề xuất. - RFI
|
|
11.
Canberra tố cáo tình báo Trung Quốc mở rộng hoạt động tại Úc
Một quan chức cao cấp trong bộ Quốc Phòng Úc, ngày 12/05/2017,
tố cáo Bắc Kinh mở rộng các hoạt động tình báo nhắm vào chính quyền Canberra.
Đây là một sự kiện hiếm thấy vì Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất
của Úc.
Theo hãng tin Reuters, lần đầu tiên một quan chức cao cấp
trong bộ lên tiếng trên hồ sơ nhậy cảm này. Tổng thư ký bộ Quốc Phòng Úc Dennis
Richardson trong một bài tham luận nêu đích danh Trung Quốc đang « mở rộng »mạng
lưới tình báo nhắm vào nước Úc, và việc này « không chỉ giới hạn ở lĩnh vực
tình báo mạng (…). Chính quyền Bắc Kinh theo dõi cộng đồng người Hoa sống tại
Úc châu, và kiểm soát luôn cả các phương tiện truyền thông tại Úc được phát
hành bằng tiếng Hoa ».
Vẫn theo ông Richardson, mạng lưới gián điệp của Trung Quốc
nhắm vào nước Úc « rất năng động ».
Trước mắt, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng
(Geng Shuang) không bình luận về tuyên bố của ông Richardson và cho rằng các
bên nên tập trung vào « hợp tác song phương giữa Bắc Kinh và Canberra hơn là những
lời bình luận vô trách nhiệm ».
Bản tin của Reutres nhắc lại, từ nhiều tháng qua, tin đồn về
các hành vi gián điệp của Trung Quốc nhắm vào Úc đã dấy lên trong hàng ngũ các
quan chức của chính phủ. Vấn đề đặc biệt nhậy cảm khi biết rằng Trung Quốc là đối
tác thương mại lớn nhất của Úc.
Tuyên bố trên của một quan chức cao cấp trong bộ Quốc Phòng
được đưa ra sau khi Canberra thành lập một cơ quan giám sát các hoạt động có thể
đe dọa đến an ninh quốc gia. Người được chỉ định đứng đầu cơ quan này là David
Irvine, cựu giám đốc tình báo Úc. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
12.
Trump kiên quyết phủ nhận 'bị FBI điều tra' --- Donald
Trump, Watergate và gọng kềm đang siết chặt quanh tổng thống Mỹ --- Quốc Hội Mỹ
ủng hộ điều tra độc lập nghi án Nga thao túng bầu cử Mỹ
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khẳng định ông không bị điều
tra, và nói viên giám đốc FBI ông sa thải là một kẻ "khoe khoang" và
"phô trương".
Ông Trump cũng nói với NBC News rằng chính ông là người ra
quyết định cách chức James Comey.
Ông Comey đang là người dẫn đầu cuộc điều tra nghi vấn Nga
can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái và khả năng cấu kết giữa các thành viên
trong chiến dịch tranh cử của Trump và Moscow.
Ông Trump nói cuộc điều tra là một "trò lố bịch,"
một tuyên bố mâu thuẫn trực tiếp với người kế nhiệm ông Comey.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên sau vụ việc sa thải giám đốc
FBI, ông Trump nói với NBC News hôm 11/5 rằng ông đã hỏi ông Comey về cuộc điều
tra.
"Tôi nói, nếu có thể, anh có thể cho tôi biết 'Tôi có
đang bị điều tra' không? Ông ta nói: Ông không bị điều tra."
Tổng thống cũng có vẻ gạt bỏ lời giải thích ban đầu của Nhà
Trắng rằng ông đã sa thải ông Comey theo lời khuyên của các quan chức cấp cao.
"Ông ta là một kẻ khoe khoang. Một kẻ phô trương. FBI vốn
đang rối loạn. Tôi đã tính sa thải Comey. Quyết định của tôi," ông Trump
nói.
"Tôi đã định sa thải ông ta dù có được đề nghị hay
không."
Nhà Trắng cho rằng cuộc điều tra về cáo buộc liên quan đến
Nga "có lẽ là một những điều nhỏ nhặt nhất" mà FBI đang làm.
Nhưng quyền giám đốc FBI Andrew McCabe nói hôm 11/5 rằng đây
là "một cuộc điều tra vô cùng quan trọng".
Tại buổi điều trần với Ủy ban Tình báo Thượng viện, ông
McCabe cũng gây nghi vấn với tuyên bố của Nhà Trắng rằng ông Comey đã mất đi sự
tín nhiệm của nhân viên.
"Tôi có thể tự tin nói rằng hầu hết các nhân viên đều
có một quan hệ tích cực và sâu sắc với giám đốc Comey," ông McCabe nói.
Vị quyền giám đốc FBI kiên quyết sẽ không cập nhật với Nhà
Trắng về tình hình của cuộc điều tra và sẽ thông báo với Ủy ban Thượng viện nếu
như có bất kỳ nỗ lực ngăn cản nào.
Nhưng hôm 11/5, ông Trump nói rằng ông không muốn cuộc điều
tra dừng lại.
"Thực tế, tôi muốn cuộc điều tra được xúc tiến nhanh
hơn," tổng thống nói với NBC.
"Tôi chẳng có gì liên quan đến Nga cả," ông nói.
"Tôi không hề có mối đầu tư ở Nga. Tôi không sở hữu bất động sản ở Nga.
Tôi không dính dáng đến Nga."
"Không có sự cấu kết nào giữa tôi, chiến dịch vận động
của tôi và Nga," ông nói thêm.
Ông Trump cũng đăng trên Twitter gần đây và nói rằng cáo buộc
Nga-Trump là "một sự lừa bịp." - BBC
***
Tại Hoa Kỳ, việc tổng thống Mỹ bất ngờ cách chức giám đốc
FBI James Comey đã gây rúng động. Trong bài xã luận mang tựa đề « Donald Trump
và tiếng vọng Watergate », Le Monde nhận định Washington đang trong cơn bão
chính trị, mà thủ đô nước Mỹ là tâm bão. Les Echos cho biết « Gọng kềm đang siết
lại xung quanh Donald Trump », còn Le Figaro nhận xét « Donald Trump sa lầy
trong vụ James Comey ».
Donald Trump và tiếng vọng Watergate
Theo Le Monde, vụ này chứng tỏ một chính quyền Cộng Hòa hỗn
loạn hơn bao giờ hết, từ khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng. Trầm trọng
hơn nữa là xì-căng-đan mới này khiến người ta phải đặt câu hỏi về sự gắn bó của
tổng thống thứ 45 của nước Mỹ với nền dân chủ.
Chỉ với một lá thư dài bốn dòng báo cho ông James Comey là
ông không đủ năng lực đảm nhiệm chức vụ, hôm thứ Tư 10/5 ông Trump đã cách chức
giám đốc cảnh sát liên bang Hoa Kỳ (FBI). Ông Comey đang lãnh đạo một cách cứng
rắn cuộc điều tra làm cho tổng thống bực tức, vì có thể liên quan trực tiếp đến
ông. Đó là việc xác định xem Nga đóng vai trò như thế nào trong chiến dịch
tranh cử năm 2016, cũng như khả năng có các quan hệ giữa các quan chức Nga tại
Washington và một số thành viên trong ê-kíp của ông Trump.
Đây là lần đầu tiên kể từ xì-căng-đan Watergate – khiến tổng
thống Richard Nixon phải từ chức vào mùa hè năm 1974 – một tổng thống Mỹ cách
chức giám đốc FBI đang tiến hành điều tra về một vụ có liên quan đến mình. Nếu
toàn bộ phe đối lập Dân Chủ tố cáo một quyết định tùy tiện, đi ngược lại với nền
dân chủ ; nhiều đại biểu Cộng Hòa cũng đặt ra nghi vấn về cơ sở dẫn đến hành động
này của ông Trump.
Donald Trump luôn bác bỏ mọi liên can với Nga trong tranh cử,
những người thân cận của ông gọi cuộc điều tra của FBI là vạch lá tìm sâu. Họ
khẳng định không có quan hệ gì với các tin tặc đã tấn công vào đảng Dân Chủ -
mà tất cả các cơ quan tình báo Mỹ đã xác định là từ Nga. Một số email được công
bố rõ ràng muốn làm xấu đi hình ảnh của ứng cử viên Hillary Clinton.
Vấn đề là ông Trump liên tục cho người ta cảm giác là có điều
gì phải giấu diếm trong quan hệ với Nga. Không ai hiểu được vì sao Donald Trump
luôn ca ngợi Vladimir Putin. Người ta cũng nghi ngờ về quan hệ kinh doanh với
các ngân hàng Nga của vị tổng thống đầu tiên từ chối công bố bản khai thuế,
trong khi một sự minh bạch tối thiểu cũng giúp làm giảm đi các nghi vấn.
Về phía Quốc Hội tiếp tục cuộc điều tra riêng rẽ về vai trò
của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Ông Trump phải bổ nhiệm một giám
đốc mới cho FBI. Nếu tân giám đốc bỏ rơi « hồ sơ Nga », thì xì-căng-đan này sẽ
nổ lớn. Do vậy phe Dân Chủ và một số nghị sĩ, dân biểu Cộng Hòa nhất quyết đòi
bộ Tư Pháp đề nghị một công tố viên đặc biệt để đi đến cùng cuộc điều tra.
Donald Trump đã từng đả kích các thẩm phán về các dự luật nhập
cư, phỉ báng cơ quan tình báo Mỹ, và không có tuần nào là ông không chỉ trích
báo chí. Washington sống theo nhịp điệu những hành động thất thường và các
tweet của một tổng thống, mà bao trùm lên là câu hỏi : liệu ông Trump có khả
năng tôn trọng trò chơi tế nhị giữa quyền lực và phản biện, vốn là đặc điểm của
nền dân chủ Mỹ ?
Gọng kềm siết chặt xung quanh Donald Trump
Les Echos nhận định, thật sự là Donald Trump đã sai lầm. Ông
không nghĩ rằng vụ cách chức James Comey lại gây phản ứng dữ dội như thế. Phe
Dân Chủ từ nhiều tháng qua chẳng đã từng đòi hỏi giám đốc FBI phải ra đi đó
sao, vì cho rằng ông Comey chịu trách nhiệm lớn trong thất bại của bà Hillary
Clinton.
Donald Trump đã nộ khí xung thiên khi nghe so sánh với vụ
Watergate. Ông viết trên Twitter : « Đó là bọn mị dân bẩn thỉu ! ». Quá tự tin,
tổng thống Mỹ chẳng thèm tham khảo nhân viên Nhà Trắng trước khi hành động, hầu
hết chỉ được biết tin qua báo chí. Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Newt Gingrich nhận định
: « Tổng thống cần chậm lại một chút, và tham khảo các cố vấn. Không thể là người
dẫn đầu mà không cho ê-kíp của mình hay biết gì cả ».
Sau 24 tiếng đồng hồ chao đảo, Nhà Trắng cố gắng kiểm soát lại
tình hình. Như thường lệ, Donald Trump muốn đánh lạc hướng chú ý qua việc ra sắc
lệnh kiểm tra mọi « sơ hở » trong hệ thống bầu cử. Ông vẫn tiếp tục khẳng định
việc bà Hillary Clinton đạt được số phiếu bầu phổ thông nhiều hơn (hơn ông 3
triệu phiếu) là do gian lận (đăng ký tên giả, phiếu bầu giả…).
Nhưng không đủ để dập tắt đám cháy mà ông đã khơi lên tối thứ
Ba. Các thượng nghị sĩ bất chợt đòi đẩy nhanh tiến độ điều tra. Ủy ban tình báo
yêu cầu tướng Michael Flynn chuyển giao tất cả email, nội dung điện đàm và trao
đổi tài chính có liên quan tới Nga. Ủy ban cũng chú ý đến liên quan về mặt này
giữa ông Trump với Nga, và đòi hỏi một báo cáo chi tiết nơi bộ trưởng Tài
Chính.
Trong số các câu hỏi được đặt ra xung quanh vụ này, Les
Echos cho rằng có ba vấn đề đáng ngại nhất cho ông chủ Nhà Trắng. Thứ nhất, quyết
định cách chức James Comey có liên quan đến mong muốn của giám đốc FBI muốn đẩy
nhanh tiến độ về hồ sơ Nga ? Thứ hai, liệu bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions có
quyền cách chức ông Comey ? Cuối cùng, vì sao James Comey ba lần thông báo cho
Donald Trump về diễn tiến cuộc điều tra, trong khi điều này bị cấm ?
Bên cạnh Quốc Hội, cơ quan FBI cũng chứng tỏ sẵn sàng chiến
đấu. Trên Washington Post, một nhân viên ẩn danh cho biết : « Với sự ra đi của
ông James Comey, Donald Trump đã tuyên bố chiến tranh với vô số nhân viên FBI.
Chúng tôi đang phối hợp để trả đũa ». Còn người tạm thay thế ông Comey, trong
cuộc điều trần trước Hạ Viện sáng thứ Năm khẳng định : « James Comey được ủng hộ
rộng rãi trong FBI, cho đến hiện nay cũng vậy". - RFI
***
Ngày 11/05/2017, ngay sau khi giám đốc Cục Điều Tra Liên
Bang Mỹ (FBI) bị tổng thống cách chức, Quốc Hội Hoa Kỳ khẳng định hoàn toàn ủng
hộ cơ quan này điều tra nghi án Nga can thiệp vào cuộc tranh cử tổng thống Mỹ
năm 2016. Điều trần trước Thượng Viện, quyền giám đốc FBI cho biết cuộc điều
tra hiện không bị trở ngại.
Tại Thượng Viện, người đứng đầu ủy ban Tình Báo, thượng nghị
sĩ Cộng Hòa Richard Burr, và thượng nghị sĩ Dân Chủ Mark Warner đều ca ngợi ông
James Comey, vị giám đốc vừa bị sả thải. Họ cũng hứa hẹn sẽ tích cực tiếp tục
cuộc điều tra riêng của Thượng Viện trong nghi án này.
Theo các nhà quan sát, việc cách chức giám đốc FBI là một nỗ
lực mới của Nhà Trắng nhằm ngăn cản cuộc điều tra đang được tiến hành. Một nguồn
tin Quốc Hội Mỹ hôm 10/05 cho biết ông James Comey trước khi bị cách chức, đã
yêu cầu chính quyền tăng cường phương tiện cho cuộc điều tra. Trong khi đó,
ngày 11/05, trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NBC, tổng thống
Donald Trump thừa nhận đã ba lần chất vấn giám đốc FBI James Comey xem liệu
chính ông có bị điều tra hay không.
Điều trần trước Thượng Viện ngày 11/05, quyền giám đốc FBI
Andrew McCabe bảo đảm là cơ quan này vẫn sẽ tiếp tục cuộc điều tra, bất chấp
các áp lực chính trị. Thông tín viên Grégoire Pourtier tường trình từ New York,
"Cuộc điều trần của ông Andrew McCabe chắc chắn không
làm cho tổng thống Trump hài lòng. Bởi vì, gần như trong tất cả những điểm nhạy
cảm nhất, tóm lại về những vấn đề mà ông chấp nhận giải trình, quyền giám đốc
FBI đều nói ngược lại Nhà Trắng.
Phải chăng James Comey đã không còn được các nhân viên tin
tưởng ? Không đúng ! Ông ấy đã được ủng hộ rộng rãi, và hiện nay vẫn như vậy.
McCabe nhấn mạnh đến ‘‘sự rất kính trọng’’ của ông đối với cựu giám đốc.
Theo các kết quả điều tra, liệu các thông đồng giữa phía Nga
và những người thân cận với Donald Trump chỉ là chuyện vụn vặt ? Không đúng !
Có những thông tin quan trọng được tìm thấy, và nếu như không thể công bố có
bao nhiêu nhân viên điều tra được huy động, thì FBI rất xem trọng, và chắc chắn
sẽ không để vụ việc này bị chôn vùi.
Quyền giám đốc cơ quan điều tra liên bang bảo đảm là ‘‘cuộc
điều tra vẫn tiếp tục, bất kể tình hình có thay đổi’’. Ông khẳng định ‘‘cần phải
nói rõ, không ai có thể ngăn cản các nhân viên FBI làm công việc của mình. Đó
là bảo vệ người dân Mỹ, bảo vệ Hiến Pháp’’.
Andrew McCabe cho biết là hiện tại FBI không bị gây sức ép,
nhưng sau đó, ông tuyên bố sẽ báo với Thượng Viện, nếu bị áp lực về chính trị.
Quyền giám đốc FBI nhấn mạnh là ông sẽ không thông báo với Nhà Trắng về cuộc điều
tra đang tiến hành.
Khi sa thải giám đốc FBI, chắc chắn tổng thống Mỹ đã hy vọng
giải quyết được một vấn đề, thế nhưng ngược lại Donald Trump đã gây thêm một vấn
đề mới, và đặc biệt là củng cố thêm những nghi ngờ đối với chính phủ Mỹ".
- RFI
|
|
13.
Giám đốc FBI bị đuổi vì không chịu ‘thề trung thành’ với
Trump? --- TT Trump đe dọa Comey, cảnh cáo có thể hủy các cuộc họp báo
Một nhật báo hàng đầu của Mỹ chiều tối thứ Năm tường thuật rằng
Tổng thống Donald Trump hồi tháng 1 đã triệu ông James Comey đến Tòa Bạch Ốc và
yêu cầu ông “cam kết trung thành.”
Ông Comey bị Tổng thống Trump cách chức giám đốc Cuộc điều
tra Liên bang (FBI) hôm thứ Ba, gây ra một cơn cuồng phong chính trị và thậm
chí một số chính trị gia còn lo ngại sẽ xảy ra khủng hoảng về hiến pháp.
Tờ New York Times nói rằng ông Comey không chịu cam kết,
nhưng thay vào đó nói với ông Trump rằng ông sẽ “luôn trung thực với ông.” Bài
báo nói tiếp rằng Tổng thống Trump mấy lần gạn ép ông Comey cam kết trung
thành, và cuối cùng ông Comey nói với tổng thống rằng ông sẽ có “sự trung thành
chân thực” của một giám đốc FBI.
Vẫn theo New York Times, ông Comey đã kể lại cho các thuộc cấp
về bữa ăn tối đó và yêu cầu họ giữ bí mật khi ông còn làm giám đốc FBI, nhưng
các đồng sự của ông Comey nay cảm thấy có thể nói ra những thông tin đó khi ông
Comey không còn ở FBI nữa.
Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình NBC News hôm thứ
Năm, Tổng thống Trump đã đưa ra những nội dung khác về bữa cơm tối với ông
Comey. Tổng thống nói ông Comey xin gặp ông Trump vì ông giám đốc FBI muốn tiếp
tục giữ chức vụ đó. Tổng thống Trump không đề cập đến việc ông yêu cầu ông
Comey cam kết trung thành.
Trong cuộc phỏng vấn đó, Tổng thống Trump nói rằng ông hỏi
người đứng đầu cơ quan thực thi luật pháp quan trọng của quốc gia rằng bản thân
ông có bị điều tra hay không.
Tổng thống Trump hỏi ông Comey: “Nếu được, ông có thể cho
tôi biết là tôi có đang bị điều tra hay không? Và ông Comey nói tôi không bị điều
tra.”
Trong cuộc phỏng vấn đó, Tổng thống Trump lập lại rằng “tôi
không bị điều tra” khi ông được hỏi về lời khai hữu thệ của ông Comey rằng đang
có một cuộc điều tra về sự liên hệ có thể có giữa cuộc vận động tranh cử của
ông Trump với chính phủ Nga.
‘Rất không thích hợp’
Nhà phân tích pháp lý Bradley Moss, chuyên về các vấn đề an
ninh quốc gia, phân tích rằng một cuộc nói chuyện như vậy là “rất không thích hợp.”
Ông Moss nói với đài VOA : “Có một lằn ranh không được bước
qua, trong đó có việc hỏi FBI là chính mình có phải là đối tượng bị điều tra
hay không.”
Nhưng ông Moss, phó giám đốc Dự án James Madison, một tổ
chức ở Washington chuyên thúc đẩy các trách nhiệm của chính phủ, nói thêm rằng
“rất khó nói điều đó có thực sự bất hợp pháp hay không, bởi vì ông Comey theo
như cáo buộc đã đáp lại là ông Trump không bị điều tra.”
Ông Laurence Tribe, giáo sư về hiếp pháp của đại học
Harvard, viết trên Twitter rằng “bây giờ rõ ràng việc ông Trump sa thải ông
Comey là một hành động cản trở công lý. Đó là điều khoản đầu của việc luận tội
ông Nixon.”
Đó là một ám chỉ đến cựu Tổng thống Richard Nixon, người đã
từ chức năm 1974 chưa đầy một tháng sau khi Hạ viện bắt đầu tiến trình luận tội
ông.
Ông Trump khẳng định trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm rằng
ông vẫn sa thải ông Comey cho dù các giới chức lãnh đạo Bộ Tư pháp không đề nghị
ông làm như vậy.
Ông Comey chỉ đạo các cuộc điều tra về liên hệ giữa cuộc vận
động tranh cử của ông Trump với các giới chức Nga và khả năng Moscow đã phá cuộc
bầu cử tổng thống của Mỹ năm 2016.
Công văn của Thứ trưởng Tư pháp Rosenstein
Tòa Bạch Ốc hôm thứ năm tiếp tục bảo vệ quyết định bãi chức
giám đốc FBI và phủ nhận các bình luận cho rằng họ tìm cách đổ trách nhiệm cho
công văn của Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein.
Phó phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders nói:
“Tôi không nghĩ có một nỗ lực gắn trách nhiệm của quyết định này cho thứ trưởng
tư pháp.”
Tuy nhiên trước đó cả bà Sanders lẫn phát ngôn viên Tòa Bạch
Ốc Sean Spicer và Phó Tổng thống Mike Pence đều khẳng định rằng tổng thống ra
quyết định bãi chức ông Comey căn cứ vào công văn của thứ trưởng tư pháp.”
Điểm chính của vấn đề tranh cãi này là liệu ông Rosenstein
được chỉ đạo soạn thảo công văn để biện minh cho quyết định sa thải ông Comey
hay ông tự viết công văn đó không có chỉ đạo.
Nhật báo Washington Post và đài truyền hình ABC News đưa tin
rằng ông Rosenstein bất bình với những đề cập của Tòa Bạch Ốc rằng công văn của
ông hàm ý đề nghị sa thải ông Comey.
Công văn của ông Rosenstein đề cập đến việc ông Comey xử lý
không đúng cuộc điều tra về vụ cựu ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton dùng
máy chủ email cá nhân cho công việc khi bà làm ngoại trưởng.
Điều tra Nga phá bầu cử Mỹ
Tuy nhiên, truyền thông báo chí dẫn các nguồn tin khẳng định
rằng ông Comey bị sa thải là do ông muốn đẩy mạnh cuộc điều tra Nga.
Việc sa thải ông Comey khiến phe Dân chủ tăng mạnh kêu gọi mở
cuộc điều tra độc lập về vụ Nga. Các lãnh đạo cơ quan tư pháp của 20 tiểu bang
cũng kêu gọi thành lập một ủy ban đặc biệt. - VOA
***
Trong một loạt tweet đầy giận dữ gửi ra vào sáng sớm ngày Thứ
Sáu, Tổng Thống Donald Trump đe dọa sẽ trả đũa cựu giám đốc FBI James Comey,
người bị ông bất ngờ giải nhiệm tuần này, là nếu ông Comey tiết lộ điều gì bất
lợi cho ông Trump với báo chí, đồng thời cũng cảnh cáo giới truyền thông rằng
ông có thể hủy tất cả các cuộc họp báo thường nhật trong tương lai tại Tòa Bạch
Ốc.
Tổng Thống Trump còn có vẻ hàm ý là có bí mật ghi âm các cuộc
nói chuyện riêng tư giữa ông và Comey, có thể được dùng để trả đũa cựu giám đốc
FBI này, nếu cần, theo bản tin của tờ NY Times.
“James Comey nên hy vọng là không có băng ghi âm nào về các
cuộc nói chuyện với tôi trước khi tiết lộ với báo chí!” ông Trump viết trên
Twitter.
Tổng Thống Donald Trump cũng có vẻ giận giữ về các bản tin của
các cơ quan truyền thông Mỹ hôm Thứ Sáu, theo đó nhắm vào những tin tức trái
ngược liên quan đến quyết định giải nhiệm ông Comey giữa khi có cuộc điều tra của
FBI về mối quan hệ giữa những người thân cận với ông Trump và chính phủ Nga.
Hôm Thứ Năm, tờ New York Times tường thuật rằng trong bữa ăn
tối riêng chỉ có hai người sau khi nhậm chức, Tổng Thống Trump yêu cầu ông
Comey thề trung thành với ông và vị giám đốc FBI này từ chối. Bài báo trích dẫn
tin từ hai người thân cận được ông Comey kể lại.
Tòa Bạch Ốc phủ nhận không hề có việc này.
Tổng Thống Trump tỏ ra không hài lòng về việc báo chí chú ý
tới những chi tiết trái ngược do chính Tòa Bạch Ốc cũng như cá nhân ông Trump
đưa ra, liên quan đến tiến trình giải nhiệm ông Comey.
Các cơ quan truyền thông, gồm cả các hãng thông tấn, báo
chí, hệ thống truyền hình, đưa ra các dẫn chứng về nhiều khác biệt trong tin tức
đưa ra trong vụ này.
Tổng Thống Trump vào sáng ngày Thứ Sáu nói rằng không ai nên
chờ đợi là Tòa Bạch Ốc của ông đưa ra các tin tức hoàn toàn chính xác.
“Do tôi là một vị Tổng Thống năng động, với nhiều việc phải
làm, các nhân viên của tôi không thể nào ra đứng trước bục thuyết trình với sự
chính xác hoàn toàn!” ông viết trên Twitter.
Và chỉ ít phút sau đó, ông viết thêm “Có lẽ, cách hay nhất
là hủy bỏ tất cả mọi cuộc họp báo trong tương lai và đưa ra các bản thông cáo
cho chính xác???” - nguoiviet
|
|
14.
Lập pháp Mỹ kêu gọi Trump ‘cứng rắn’ với Trung Quốc ở Biển
Đông
Các Thượng nghị sĩ thuộc cả hai đảng trong Quốc hội Hoa Kỳ
ngày 10/5 viết thư gửi Tổng thống Donald Trump thúc giục ‘cứng rắn’ hơn với Bắc
Kinh trong vấn đề Biển Đông, kêu gọi tiến hành thêm các cuộc tuần tra hải quân
để duy trì quyền tự do hàng hải tại khu vực.
Lời kêu gọi của 7 Thượng nghị sĩ trong bức thư chung phản
ánh mối quan ngại ngày càng tăng trong Quốc hội Mỹ e rằng chính quyền Trump có
thể để lọt địa thế chiến lược vào tay Trung Quốc trong lúc tìm kiếm sự hỗ trợ của
Bắc Kinh nhằm áp lực Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Lá thư bày tỏ quan ngại về việc Mỹ ngưng các cuộc tuần tra
‘tự do hàng hải’ tại Biển Đông từ tháng 10 năm ngoái.
Ngoại trưởng Rex Tillerson thoạt đầu tỏ ý sẽ có chính sách cứng
rắn hơn với Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng cho tới nay, việc này chưa được hiện
thực hóa.
“Vì vậy, chúng tôi thúc giục chính quyền của Tổng thống có
các bước cần thiết để thực thi quyền tự do hàng hải-hàng không thường xuyên ở
Biển Đông, vốn quan trọng đối với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ và hòa bình,
thịnh vượng ở Châu Á Thái Bình Dương,” tờ Foreign Policy trích một đoạn trong
kiến nghị thư của các Thượng nghị sĩ gửi Tổng thống cho biết.
Báo này cũng dẫn tin từ một số giới chức Ngũ Giác Đài và Quốc
hội cho biết chính quyền Trump tới nay vẫn khước từ đề nghị của Bộ Tư lệnh Thái
Bình Dương của Mỹ về các hoạt động ‘tự do hàng hải’ ở Biển Đông dù trước đây cả
Tổng thống Trump lẫn các phụ tá của ông cam kết sẽ xác quyết lợi ích của Mỹ trước
một Trung Quốc ‘bành trướng.’
Thư ngỏ của các Thượng nghị sĩ cũng dẫn ra hàng loạt các
hành động gây hấn và đáng ngại của Trung Quốc ở Biển Đông bao gồm xây đảo nhân
tạo, đâm húc tàu cá, và cảnh cáo tàu và máy bay lưu thông trong khu vực.
7 Thượng nghị sĩ đồng ký tên trong kiến nghị thư gồm Bob
Corker, Marco Rubio, Cory Gardner, Benjamin Cardin, Jack Reed, Edward Markey,
và Brian Schatz. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
15.
Việt-Trung thảo luận Biển Đông
Lãnh đạo hai nước Việt-Trung ngày 11/5 trao đổi ‘tích cực’ về
vấn đề Biển Đông, không bên nào chỉ trích bên nào, theo loan báo của một nhà
ngoại giao cao cấp phía Trung Quốc.
Phát biểu sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
với Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang tại Đại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc
Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tuyên bố tranh chấp Biển
Đông đã được đôi bên bàn tới.
“Vấn đề được mang ra thảo luận nhưng không khí chung rất
tích cực,” ông Lưu cho báo chí biết.
Cả hai nhất trí theo đuổi sự đồng thuận tiếp tục ổn định
tình hình và thúc đẩy các cuộc đàm phán cũng như tiếp tục khai thác tài nguyên
chung tại các khu vực ít nhạy cảm như Vịnh Bắc Bộ, ông Lưu nói thêm.
“Đề cập chuyện Biển Đông lúc này là một điều rất tích cực.
Không bên nào chỉ trích bên nào. Không có lời lẽ nào về chuyện này lạc điệu,”
ông Lưu nhấn mạnh.
Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch Trung Quốc nói với Chủ tịch
Việt Nam rằng ông hy vọng đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới có lợi hơn
cho nhân dân hai nước.
Ông Tập cũng tán dương lãnh đạo Việt Nam về các cải cách
kinh tế.
Chủ tịch Trần Đại Quang đang có mặt tại Bắc Kinh để tham dự
hội nghị cuối tuần này bàn về kế hoạch xây dựng Con đường Tơ lụa mới do Bắc
Kinh đề xướng nhằm nối liền Trung Quốc với Châu Á, Châu Âu và xa hơn nữa thông
qua hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô. - VOA
|
|
16.
Hà Tĩnh ra lệnh bắt, truy nã nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền
Tối ngày 11/5, Cơ quan điều tra Công an Hà Tĩnh ra thông báo
bắt và truy nã nhà hoạt động vì môi trường Bạch Hồng Quyền, theo tin từ gia
đình.
Chị Bùi Hương Giang, vợ của nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền
xác nhận với VOA - Việt Ngữ rằng chồng của chị bị khởi tố, có lệnh bắt và truy
nã theo điều 245 của Bộ Luật hình sự “gây rối trật tự công cộng:”
“Công an Hà Tĩnh có đến gia đình chúng tôi ba lần: một lần ở
quê, một lần ở nhà nội, tức là ở nhà bố mẹ của Quyền, và một lần là ở nhà ngoại,
nơi mà mình đang ở, vào tối hôm qua, 11/5. Họ truy tố theo tội danh là ‘gây rối
trật tự công cộng’ và ‘bắt giữ người trái phép.’”
Theo chị Giang, chị đã thu âm và thu hình cuộc trao đổi giữa
chị với công an điều tra vào tối ngày 11/5 và đăng lên Facebook. Băng ghi âm có
đoạn được cho là lời của cán bộ công an điều tra, yêu cầu chị Giang vận động chồng
ra đầu thú:
“Cơ quan điều tra Hà Tĩnh đã khởi tố bị can đối với chồng của
em… Thông báo lệnh bắt và vận động Quyền. Đây là thủ tục của cơ quan điều tra,
thông báo về việc khởi tố và lệnh tạm bắt tạm giam… Trách nhiệm của vợ là vận động
chồng đến cơ quan điều tra để đầu thú.”
Truyền thông Việt Nam hôm 12/5 cũng đăng lệnh truy nã toàn
quốc đối với nhà vận động môi trường 28 tuổi này.
Trước đó, báo Hà Tĩnh đưa tin công an Hà Tĩnh đã khởi tố vụ
án hình sự ngày 12/4, khởi tố bị can và bắt giữ ngày 18/4 đối với Bạch Hồng Quyền.
Lệnh truy nã ghi: “hiện nay không biết bị can Bạch Hồng Quyền
đang ở đâu.”
VOA Việt ngữ đã liên lạc với cơ quan Công an Điều tra Hà
Tĩnh theo số điện thoại mà lệnh truy nã cung cấp để hỏi thêm thông tin, một cán
bộ nói cơ quan không trao đổi qua điện thoại:
“Đề nghị liên hệ trực tiếp ở cơ quan thì tôi trả lời cụ thể.”
Báo VietnamNet trích lời cơ quan điều tra nói rằng Bạch Hồng
Quyền là “đối tượng cầm đầu vụ tụ tập ở Hà Tĩnh.”
Tờ báo nói: “Ngày 03/4/2017, khoảng 2.000 người dân ở xã Thạch
Bằng và xã Thạch Kim (thuộc huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) mang theo băng rôn, khẩu hiệu,
loa thùng kéo đến UBND huyện Lộc Hà đòi bồi thường thiệt hại sự cố môi trường
biển. Cơ quan điều tra cho rằng, Bạch Hồng Quyền (SN1989, HKTT tại Bình Lục, Hà
Nam) là đối tượng cầm đầu, xúi giục và kích động người dân.”
Tin liên quan tới anh Bạch Hồng Quyền đã gây sự chú ý của
các facebooker Việt Nam. Nhà hoạt động Lê Văn Sơn viết: “Tại sao lúc Quyền ở Hà
Tĩnh đồng hành với bà con đi tìm công lý, sự thật đứng giữa trụ sở UBND huyện Lộc
Hà thì không bắt Quyền? Đến bây giờ mới ‘xác minh không biết Quyền ở đâu’? Thật
hài hước lắm thay.”
Chị Hương Giang khẳng định chồng mình vô tội:
“Đó là tội danh mà nhà cầm quyền Cộng sản ghép cho anh Quyền.
Mình thì luôn luôn ủng hộ chồng và thấy việc làm của chồng là đúng. Nhà máy
Formosa đã xả thải ra môi trường, làm ô nhiểm môi trường biển. Chồng mình chỉ đến
làm truyền thông giúp bà con lan tỏa tiếng nói của mình. Chồng mình không hề
kích động hay gây rối, biểu tình như báo đài chính thống nói. Chồng mình vô tội.
Nhà cầm quyền đã o ép, khủng bố cả Quyền lẫn gia đình rất nhiều.
Chị Giang nói hiện nay chị vẫn không liên lạc được với chồng:
“Hiện nay thì mình không có thêm thông tin của chồng mình nữa.
Không liên lạc được với anh ấy. Hiện tại gia đình cũng chưa biết làm gì để giúp
và hỗ trợ Quyền. Mình cũng mong các luật sư hay báo đài lên tiếng hỗ trợ gia
đình để bảo vệ Quyền.”
Anh Bạch Hồng Quyền là thành viên của phong trào Con Đường
Việt Nam. Trước đó, anh Quyền có mặt trong đoàn biểu tình hôm 3/4 kể lại sự việc
với VOA như sau:
“Tối hôm qua [2/4], chúng tôi đi cà phê thì có một số công
an thường phục họ gây sự với chúng tôi. Đầu tiên họ chặn xe, sau đó họ gây rối.
Một tên công an huyện Lộc Hà họ nhảy vào họ đánh chúng tôi. Có một người tên là
Giáp, công an xã Thạch Bằng, họ nổ súng họ bắn vào chúng tôi. Hôm nay, người
dân xã Thạch Bằng cũng như Thạch Kim kéo ra ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà để yêu
cầu chủ tịch UBND huyện Lộc Hà giải quyết việc công an nổ súng vào dân tối hôm
qua”.
Anh Quyền nói vụ nổ súng không làm ai bị thương, nhưng những
người bị nghi là công an đã “đạp”, “ném đá” và “chém bằng dao”, làm anh và ít
nhất 9 người dân khác bị thương.
Tối 3/4, trang nongnghiep.vn đăng một bài dưới hàng tít “Cần
xử lý nghiêm các đối tượng bao vây trụ sở huyện Lộc Hà”.
Ngày 12/5, nhà báo Nguyễn Lân Thắng viết trên Facebook: “Bạch
Hồng Quyền đang bị công an Hà Tĩnh truy lùng gắt gao để trả thù vì những hoạt động
bảo vệ người dân miền Trung trong thảm hoạ Formosa. Nhưng bắt được Bạch Hồng
Quyền thì không đơn giản vì có hàng chục tổ chức, hàng trăm nhà hoạt động xã hội
cùng hàng triệu người dân khắp nơi đang nhất tề đùm bọc cho nó. Trong trường hợp
xấu nhất nó bị đi tù thì đó chẳng qua chỉ là nghi thức phong thánh, vì chẳng có
vinh dự nào hơn là trở thành người tù bất đồng chính kiến của chế độ cộng sản….Về
miền Trung thì mới biết, có cả ngàn thanh niên đang sẵn sàng như Bạch Hồng Quyền!”
- VOA
|
|
17.
Giới lập pháp đòi Trump thúc đẩy nhân quyền Việt Nam
Lễ kỷ niệm năm thứ 23 Ngày Nhân quyền cho Việt Nam diễn ra
hôm 11/5 tại Quốc hội Mỹ. Tham gia tổ chức buổi lễ là Cộng đồng Việt Nam vùng
Washington DC, Maryland và Virginia, Tổ chức Tập hợp vì Nền Dân chủ, Mạng lưới
Nhân quyền Việt Nam và Hệ thống Truyền hình SBTN. Thượng nghị sĩ John Cornyn (đảng
Cộng hòa, bang Texas) bảo trợ cho buổi lễ năm nay.
Đã 23 năm kể từ ngày Quốc hội Mỹ và Tổng thống Clinton chỉ định
ngày 11/5 là Ngày Nhân quyền cho Việt Nam, song tình hình nhân quyền tại Việt
Nam đến nay vẫn có nhiều vấn đề nghiêm trọng, theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng,
chủ tịch Uỷ ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS), một diễn giả tại buổi lễ.
“Thứ nhất là trong thời gian gần đây có khá nhiều người bất
đồng chính kiến, kể cả những người tranh đấu để đòi công lý đối với vấn đề nhiễm
độc biển bởi Formosa, đã bị đánh đập và bị bắt bớ. Một điều rất đáng quan ngại
nữa là càng ngày càng có vẻ là công an dùng côn đồ, xã hội đen để đánh đập người
dân, để họ tránh tiếng. Một lĩnh vực nữa mà tôi cũng rất, rất quan tâm là tình
trạng cướp đất của dân. Nó tạo ra người dân hết sức là khốn cùng. Và cuối cùng,
chúng tôi rất quan tâm đến việc chính quyền tiếp tục đàn áp các cộng đồng tôn
giáo, các tổ chức tôn giáo độc lập với chính quyền, không đăng ký hoạt động với
chính quyền”.
Bên cạnh những vấn đề Tiến sĩ Thắng nêu ra, Phó Trợ lý Ngoại
trưởng Mỹ Scott Busby đặc trách dân chủ, nhân quyền và lao động còn lưu ý đến tự
do trên mạng internet và cuộc cải cách pháp lý của Việt Nam:
“Một diễn biến đáng lo ngại về nhân quyền ở Việt Nam trong
năm qua là việc chính quyền tăng cường nỗ lực hạn chế các tài liệu đăng trên
internet, nhất là trên Youtube và Facebook, nếu chính quyền có đó là các thông
tin ‘độc hại’ hay ‘nhạy cảm về mặt chính trị’ … Có lẽ xu hướng quan trọng nhất
mà tôi muốn bàn đến là những nỗ lực hiện nay của Việt Nam trong lĩnh vực cải
cách pháp lý nhằm làm cho các luật phù hợp với Hiến pháp 2013 và các cam kết về
nhân quyền đối với quốc tế … Nhưng tôi cần phải lưu ý rằng nỗ lực cải cách của
Việt Nam có tốc độ chậm chạp hơn so với mong muốn của chúng tôi”.
Ông Busby cho hay tuần tới, Mỹ và Việt Nam sẽ thực hiện vòng
đối thoại nhân quyền lần thứ 21, trước chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn
Xuân Phúc tới Mỹ vào cuối tháng. Vẫn theo lời ông, những cuộc gặp cấp cao như vậy
là cơ hội để Mỹ tiếp tục gây sức ép đòi Việt Nam cải thiện tình hình nhân quyền.
Trong nỗ lực gây sức ép từ phía lập pháp, Thượng nghị sĩ
John Cornyn cho biết ông sẽ sớm giới thiệu lại dự luật mang tên Đạo luật Trừng
phạt Nhân quyền Việt Nam, trừng phạt việc du hành của những công dân Việt Nam
vi phạm nhân quyền.
Đề cập đến việc Tổng thống Trump sẽ thăm Việt Nam vào cuối
năm nay, Thượng nghị sĩ Cornyn kêu gọi ông Trump sử dụng chuyến công du để nhắc
lại cam kết của Mỹ với nhân quyền, cũng như nhắc nhở Việt Nam rằng có những điều
kiện cho việc Việt Nam hội nhập quốc tế và gia tăng quan hệ an ninh, kinh tế với
Mỹ.
Ông Cornyn nói:
“Chắc chắn là chúng ta có những lợi ích chung với Việt Nam,
trong đó có hiệp định thương mại song phương, và chống lại sức mạnh quân sự
cũng như những động thái hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng chúng ta
không thể nhắm mắt làm ngơ với những gì diễn ra bên trong biên giới Việt Nam.
Chúng tôi kêu gọi Việt Nam thả tất cả các tù nhân chính trị, tôn trọng nhân quyền
và chấp nhận các lý tưởng dân chủ mà tất cả chúng ta đều trân quý”.
Các nhóm theo dõi nhân quyền Việt Nam cho biết hiện Hà Nội
đang giam giữ 90 tù nhân lương tâm, những người hoạt động vì tiến bộ về nhân
quyền và dân chủ.
Dân biểu Chris Smith (đảng Cộng hòa, bang New Jersey), ủy
viên cấp cao trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nhấn mạnh:
“Không có chính phủ nào đàn áp chính người dân của mình, hạn
chế các quyền tự do của họ lại có thể là đồng minh tin cậy của Mỹ. Không có
chính phủ nào kiểm duyệt internet, bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến lại có thể
được tin tưởng để nhận các lợi ích thương mại và an ninh. Tổng thổng phải bảo đảm
rằng chính phủ Việt Nam hiểu là cần có những cải thiện lớn để đạt được mối quan
hệ đối tác vững chắc, lành mạnh giữa hai nước. Tổng thống phải nói rõ rằng việc
mở rộng hơn nữa các lợi ích về thương mại và an ninh có điều kiện là những cải
thiện lớn về nhân quyền, tự do, dân chủ có thể xác minh được cụ thể và không thể
đảo ngược được”.
Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 1 năm nay, Tổng thống
Trump hầu như không có phát biểu nào đáng chú ý về nhân quyền. Trong bối cảnh
như vậy, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng thuộc BPSOS kêu gọi:
“Luật của Hoa Kỳ do Quốc hội ban hành và bất luận là đời tổng
thống nào, hành pháp nào cũng phải chấp hành. Cử tri, những người Mỹ gốc Việt
có thẩm quyền và có nhiệm vụ thúc đẩy Quốc hội giám sát việc thực thi của hành
pháp. Thì dù không quan tâm đến vấn đề nhân quyền, vẫn phải thực thi luật của
Hoa Kỳ. Năm ngoái, Quốc hội đã thông qua hai đạo luật về nhân quyền tôi nghĩ rất
có hiệu quả nếu chúng ta biết sử dụng. Thứ nhất là Luật Magnitsky toàn cầu. Thứ
hai là luật về bảo vệ quyền tự do tôn giáo quốc tế. Đó là hai biện pháp mà năm
nay chúng tôi sẽ tận khai thác. Khía cạnh thứ hai là tự do tôn giáo. Phó tổng
thống Mike Pence là người rất quan tâm đến quyền tự do tôn giáo. Chúng tôi phải
làm sao thúc đẩy để đưa vấn đề tự do tôn giáo đang bị đàn áp trầm trọng ở Việt
Nam để mà được sự chú ý của hành pháp Trump”.
Tháng 3 năm nay, trong báo cáo về tình hình thực thi nhân
quyền các nước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận xét “vấn đề nhân quyền gây chú ý nhất”
của Việt Nam là việc cấm đoán chặt chẽ quyền chính trị của người dân.
Phúc trình nói Việt Nam ngăn cấm người dân thực hiện quyền
thay đổi chính quyền qua quá trình bầu cử tự do và công bằng; giới hạn quyền tự
do của công dân, trong đó có tự do hội họp, liên kết và biểu đạt; và bảo vệ
không đầy đủ quyền công dân được hưởng các thủ tục pháp lý đúng đắn, trong đó
có việc bảo vệ chống lại giam giữ tùy tiện.
Hà Nội không thừa nhận vi phạm nhân quyền, chỉ công nhận còn
những vấn đề cần khắc phục và cho rằng có cách biệt trong quan điểm nhân quyền
giữa các nước cần được thu hẹp.
Đáp lại, cộng đồng quốc tế nói nhân quyền là giá trị phổ
quát trên toàn cầu, không thể có cách biệt trong cách diễn giải và áp dụng giữa
nước này với nước khác. - VOA
|
|
18.
Ông Nguyễn Thiện Nhân: 'Sẽ tiếp tục xem xét vụ PVN' --- Ông
Thăng 'sắp chuyển sinh hoạt về Thanh Hóa'
Tân Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân,
phát biểu trong một cuộc tiếp xúc với cử tri ở tỉnh Trà Vinh, miền Nam Việt
Nam, rằng trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong sai phạm ở Tập đoàn Dầu
khí Việt Nam (PVN) sẽ tiếp tục được xem xét, theo truyền thông trong nước.
"Trả lời chất vấn liên quan đến 12 dự án trị giá hàng
chục nghìn tỷ nhưng sản xuất kém hiệu quả hoặc không thể triển khai, ông Nguyễn
Thiện Nhân cho biết các sai phạm này đang được xem xét, điều tra nhằm làm rõ
trách nhiệm của người đứng đầu trực tiếp gây ra thất thoát, lãng phí,"
trang tin điện tử Zing hôm 12/5 cho hay.
"Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Trung ương sẽ thực hiện
nghiêm túc vấn đề này. Đối với những sai phạm ở Tập đoàn Dầu khí (PVN), ông
Nguyễn Thiện Nhân cũng cho hay những người đứng đầu thời kỳ đó đều bị kỷ luật về
mặt Đảng. Cơ quan chức năng tiếp tục xem xét trách nhiệm của các tổ chức và cá
nhân gây ra những sai phạm;" và báo Zing tường trình thêm:
"Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết vừa qua, báo chí đưa
tin 12 dự án lớn của ngành công nghiệp triển khai kém hiệu quả hoặc không triển
khai được, gây lãng phí, thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng. Các cơ quan của TƯ
đang giải quyết và sẽ xử lý từng trường hợp, trong đó có trách nhiệm của người
trong cuộc", ông Nguyễn Thiện Nhân được dẫn lời nói.
'Mong bà con tiếp tục tin tưởng'
Cũng hôm 12/5, đưa tin về phát biểu của tân Bí thư Thành ủy
TPHCM với cử tri Trà Vinh về tình trạng lãng phí, tham nhũng, báo Pháp luật
TPHCM viết:
"12 dự án lớn của ngành công thương mà thời gian vừa
qua dư luận, báo chí đã phản ánh triển khai kém hiệu quả, lãng phí hàng chục
ngàn tỉ đồng, hiện thanh tra, công an đang xử lý từng trường hợp, truy trách
nhiệm và có hướng xử lý các dự án, nhà máy này."
"Ở đây vừa có phương án xử lý hậu quả, vừa xử lý trách
nhiệm."
"Còn với sai phạm tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, những
lãnh đạo trong thời kỳ để xảy ra sai phạm đã bị xử lý trách nhiệm về mặt Đảng,
trách nhiệm tài chính sẽ xem xét tiếp. Mong bà con tiếp tục tin tưởng về hướng
xử lý của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề này."
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân, sinh năm 1953, người
vừa thay thế ông Đinh La Thăng trên cương vị lãnh đạo Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh,
từng được đào tạo ở một số nước phương Tây trong đó có Đức và Hoa Kỳ.
Chính khách năm nay 64 tuổi từng là Phó Thủ tướng Chính phủ,
trước đó là Bộ trưởng Giáo dục, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí
Minh bên cạnh nhiều cương vị khác.
Ông hiện là thành viên thuộc đoàn đại biểu Quốc hội Trà
Vinh, nơi cũng là quê của ông.
Tuy nhiên, có ký kiến cho rằng từ khi được điều chuyển ra Hà
Nội và nắm các cương vị quan trọng, ông không thực sự để lại dấu ấn gì nhiều.
Hôm 11/5, tại Bàn tròn thứ Năm của BBC Việt ngữvề Hội nghị
TƯ5 vừa bế mạc và các câu hỏi, hệ lụy tiếp theo, nhà báo độc lập Trần Tiến Đức,
nhà bình luận và quan sát chính trị nội bộ và xã hội dân sự ở Việt Nam bình luận
về việc ông Nhân thay thế ông Thăng:
"Những nhân vật trẻ được thay bằng nhân vật già, ở Việt
Nam chuyện đó cũng không phải là hiếm. Bởi vì người ta xét theo những tiêu chí
lựa chọn cán bộ khác với thông thường."
"Ông Nguyễn Thiện Nhân là một nhà khoa học, nhưng với
tư cách một chính khách thì ông chưa để lại một dấu ấn gì, kể từ khi ông ra
ngoài này (Hà Nội) làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, rồi đến làm Phó Thủ tướng, bởi vì
ông không phải là con người hành động," ông Trần Tiến Đức nói với BBC. -
BBC
***
Ông Đinh La Thăng, người vừa bị cách chức ủy viên Bộ Chính
trị cùng chiếc ghế bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh tại Hội nghị Trung ương 5, sắp
được điều chuyển sinh hoạt từ đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh về đoàn
Thanh Hoá, theo truyền thông Việt Nam.
Hôm 12/5/2017, báo điện tử VnExpress cho hay theo nguyện vọng
của ông Đinh La Thăng, sắp tới Thường vụ Quốc hội Việt Nam sẽ 'làm thủ tục' để
ông chuyển từ đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM về sinh hoạt tại đoàn Thanh Hoá.
"Ngày 11/5, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh
Hóa Đỗ Trọng Hưng ký công văn gửi Đảng đoàn Quốc hội và trưởng Ban công tác đại
biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội), để trả lời văn bản ngày 10/5 của Đảng
đoàn Quốc hội. Theo đó, các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này có sự đồng
thuận tuyệt đối việc ông Đinh La Thăng chuyển sinh hoạt về Đoàn,"
VnExpress viết.
"Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 (2011-2016), ông Đinh
La Thăng ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 tỉnh Thanh Hóa và trúng cử với tỉ lệ phiếu
bầu rất cao, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ĐBQH, được cử tri tỉnh Thanh
Hóa ghi nhận và đánh giá cao."
Vẫn theo nguồn này, trước đó ngày 10/5, Đoàn đại biểu Quốc hội
tỉnh Thanh Hóa đã "nhận được văn bản của Đảng đoàn Quốc hội thông báo đề
nghị Đoàn cho ý kiến về việc ông Đinh La Thăng có nguyện vọng chuyển sinh hoạt
từ đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM về đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa."
'Cử tri không bầu'
Phản ứng về thông tin trên, hôm thứ Sáu, blogger Huy Đức
trên trang FB cá nhân Trương Huy San, đưa ra bình luận trên mục tình trạng có tựa
đề "Viện của dân, viện của đảng", ông viết:
"Cử tri Thanh Hóa không bầu ông Đinh La Thăng và nay
thì ông trở thành "đại biểu" của họ bằng một quyết định điều chuyển.
Từ việc chỉ đạo UBTV Quốc hội làm thủ tục kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng đến việc chỉ
đạo miễn nhiệm ông Võ Kim Cự cho thấy Ban bí thư đang công khai thể hiện vai
trò "Đảng cầm quyền"."
"Nên trắng phớ ra như thế, dân cũng cần được biết thực
chất quyền lực đến từ đâu."
"Nhưng như thế thì các cuộc bầu cử hóa ra lại tốn kém
không cần thiết. Cho dù Đảng Cộng sản vẫn đang là đảng cầm quyền ở VN thì cũng
nên cầm quyền thông qua nhà nước. Và, nếu Đảng nhận thức rằng quyền lực của
mình sẽ bớt tha hóa nếu dân có tiếng nói thì nên cấu trúc "cơ quan quyền lực
nhà nước cao nhất" thành hai viện: một viện của dân và một viện của Đảng."
So sánh với hệ thống chính trị ở Anh quốc, blogger Huy Đức
viết tiếp:
"Viện của Đảng có thể cơ cấu như Viện Nguyên lão (Anh)
hoạt động như thượng viện gồm (đương nhiên) các vị đã được đại hội đảng bầu vào
Trung ương. Viện của dân gồm những người tranh cử từ dân thực sự. Họ xuất phát
từ lá phiếu của dân, sống gần dân, chẳng có ban bí thư nào điều chuyển."
"Võ Kim Cự cũng chính đảng đưa vào Quốc Hội; Trịnh Xuân
Thanh cũng đảng đưa vào Quốc Hội. Dân đã mất một buổi cày đi bỏ phiếu rồi bây
giờ ngơ ngác nhìn đảng đưa họ ra."
"Có minh bạch nguồn gốc của quyền lực thì mới minh bạch
trách nhiệm. Dân chúng chỉ hợp thức hóa một danh sách đảng cử mà bị buộc phải
chịu trách nhiệm như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng tuyên bố thì tội
cho dân lắm."
Tại Bàn tròn thứ Năm của BBC Việt ngữ tuần này, một số khách
mời cũng đưa ra bình luận về việc Đảng xử lý kỷ luật với ông Đinh La Thăng,
trong đó khách mời, Luật sư Trần Quốc Thuận từ Sài Gòn nêu quan điểm cho rằng
những người bổ nhiệm ông Đinh La Thăng về Sài Gòn mà sau đó phát hiện ông có những
'vi phạm nghiêm trọng' với mức độ như đã công bố cũng phải chịu trách nhiệm.
Cựu Phó Chủ tịch Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam
cũng đặt dấu hỏi vì sao Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân lại trao
quyết định thuyên chuyển công tác cho ông Đinh La Thăng về Ban Kinh tế Trung
ương Đảng, nơi mà sau khi bị cách chức Ủy viên Bộ Chính trị, ông Thăng được đưa
về làm một trong các Phó trưởng ban.
Luật sư Thuận cũng cho rằng việc xử lý kỷ luật vừa rồi của
lãnh đạo Đảng và Hội nghị Trung ương đối với ông Đinh La Thăng gây ra sự 'ngạc
nhiên', và theo ông, có thể gây ra cảm giác là Đảng bộ và nhân dân TP. Hồ Chí
Minh bị coi thường.
"Những sai phạm của ông Đinh La Thăng xảy ra từ 2009 đến
2011. Tại sao có sai phạm như vậy mà ông vẫn vào Trung ương X, rồi Trung ương
XI, làm bộ trưởng, rồi vào Trung ương XII, vào Bộ Chính trị," luật sư Thuận
nói.
"Ở thành phố này, nhiều đảng viên lớn tuổi tỏ ra không
đồng tình. Họ thấy buồn và xấu hổ bởi tại sao lại điều một người nhiều khuyết
điểm thế về làm người đứng đầu thành phố. Có người nói làm như thế là làm nhục
đảng bộ thành phố và nhân dân thành phố hay sao?" - BBC
|
|
19.
Việt Nam vay thêm tiền Trung Quốc cho dự án Cát Linh-Hà Đông
Chính quyền Việt Nam vay thêm 5.500 tỷ đồng từ Trung Quốc để
thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đây là khoản vay giữa Hà Nội và
Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc Eximbank.
Việc ký kết diễn ra hôm thứ Năm 11/5 vào khi Chủ tịch nước
Trần Đại Quang có mặt tại Bắc Kinh trong chuyến thăm hữu nghị với sự hiện diện
của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo dự kiến ban đầu thì dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông,
khởi sự với tổng mức đầu tư 552 triệu 860 ngàn đô la. Tuy nhiên vì bị chậm tiến
độ nên dự án chỉ chính thức triển khai năm 2011.
Sau đó các cơ quan hữu trách điều chỉnh vốn đầu tư lên trên
mức 886 triệu đô la, tương đương 18.000 tỷ VN đồng, nghĩa là tăng hơn 300 triệu
đôla so với kế hoạch ban đầu.
Theo dự kiến đến cuối tháng Bảy năm nay thì dự án sẽ hoàn
thành phần ráp đặt thiết bị và từ tháng 10/2017 sẽ chạy thử từ 3 đến 6
tháng. Vẫn theo dự kiến thì đến giữa năm 2018 sẽ đưa vào khai thác thương mại.
Mặt khác, nhân chuyến viếng thăm của chủ tịch nước Trần Đại
Quang đến Trung Quốc, Việt Nam bày tỏ mong muốn nâng kim ngạch xuất nhập khẩu với
Trung Quốc lên 100 tỷ đô la một năm.
Mức hiện nay là 72 tỷ đôla Mỹ một năm. - RFA
|
|
20.
Malaysia bắt giữ 25 ngư dân Việt Nam
25 ngư dân Việt Nam bị Cơ quan Chấp pháp Hàng hải Malaysia tại
vùng biển Miri của nước này bắt giữ và tịch thu 3 tấn cá khi họ sang đánh bắt tại
khu vực đó.
Theo ông Mohd Hambali Yaakup, Phó chỉ huy Cơ quan Chấp pháp
vùng biển Miri, thì trong số 25 ngư dân Việt Nam bị bắt có 16 người không mang
theo giấy tờ tùy thân nào cả. Số này có độ tuổi từ 17 đến 58.
Ông Yaakup cho biết những người này sẽ bị điều tra về vi phạm
nhập cư của Malaysia.
Chiếc tàu đánh cá không trình được giấy tờ và có thể bị buộc
tội vi phạm Luật Ngư nghiệp của Malaysia năm 1985.
Hiện nay nhiều ngư dân Việt Nam cũng đang bị Indonesia bắt
giữ với cáo buộc vi phạm vùng biển của nước này.
Tình trạng ngư dân Việt bị các nước khác bắt giữ với cáo buộc
vi phạm lãnh hải gia tăng; nhiều người sau khi được trả về Việt Nam cho biết do
tình trạng hải sản ở Việt Nam ngày càng cạn kiệt nên họ phải đi đánh bắt xa và
lạc vào hải phận của nước khác. - RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét