Giữa lúc làn sóng biểu tình phản đối thảm họa ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra ở miền Trung còn chưa nguôi, Tập đoàn Nhựa Formosa (FPG) hôm 4/5 ra thông báo quyết định mở rộng đầu tư thêm 1 tỷ đôla vào liên doanh thép tại Việt Nam.
Theo Focus Taiwan, số tiền đầu tư thêm của FPG sẽ giúp đẩy
nhanh việc xây dựng nhà máy thép trị giá 10,5 tỷ đôla của công ty con của FPG,
tức Công ty Cổ phần Formosa-Hà Tĩnh.
Thời báo Đài Loan dẫn nguồn Tập đoàn Formosa cho biết lò đốt
đầu tiên của công ty Formosa tại Việt Nam dự kiến bắt đầu sản xuất hồi năm ngoái,
thì nay sẽ bắt đầu hoạt động vào giai đoạn cuối nửa đầu năm nay.
Hoạt động của nhà máy thép này đã bị trì hoãn liên tục vì các
cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bảo vệ môi trường.
Vụ 200km biển miền Trung bị ô nhiễm hồi năm ngoái vì hoạt động
của tập đoàn Formosa được cho là thảm họa môi trường lớn nhất Việt Nam từ trước
tới nay. Nhiều người cho rằng Việt Nam sẽ phải mất hàng chục năm hoặc lâu hơn mới
khắc phục được hậu quả của nó.
Mặc dù chính quyền Việt Nam và Formosa đã thỏa thuận bồi thường
500 triệu đôla cho các nạn nhân trực tiếp của thảm họa, nhưng nhiều người cho rằng
mức bồi thường đó quá ít ỏi, chưa kể đến những hậu quả lâu dài khác.
Thời gian qua, làn sóng biểu tình phản đối Formosa đã lan từ
khu vực miền Trung sang các tỉnh, thành khác ở Việt Nam và ngay cả ra nước ngoài.
Lm. Nguyễn Đình Thục, người đang giúp nhiều nạn nhân của vụ
ô nhiễm môi trường biển, cho rằng một khi Tập đoàn Formosa chính thức đưa ra
tuyên bố mở rộng đầu tư, thì điều đó có nghĩa là tập đoàn này đã nhận được tín
hiệu đồng ý từ phía chính quyền Việt Nam.
Ông nói: “Mới ở một mức độ thấp mà nó [Formosa] đã gây ra mức
độ thiệt hại rất nặng nề cho Việt Nam, thì nếu nó đầu tư theo dự định của nó thì
thảm họa này sẽ trầm trọng đến mức độ như thế nào?”
Công ty thép tại Hà Tĩnh là khu sản xuất thép đầu tiên mà
FPG xây dựng ở nước ngoài, bắt đầu khởi công từ tháng 12 năm 2013.
Bên cạnh nhà máy sản xuất thép, dự án đầu tư được xem là lớn
nhất Việt Nam còn bao gồm các công trình cảng và nhà máy điện, dự kiến sẽ hoàn
thành vào cuối năm 2020.
Trao đổi với VOA-Việt ngữ, Linh mục Nguyễn Đình Thục nói cuộc
đấu tranh ôn hòa của người dân từ trước tới nay chỉ nhằm mục đích giúp chính
quyền có những “quyết định tốt” mà thôi.
“Nhưng nếu họ lại tiếp tục để cho công ty Formosa phát triển
thì quả thật là làm cho chúng tôi cảm thấy rất bất bình, và chắc chắn là chúng
tôi sẽ phải đấu tranh mạnh mẽ hơn”.
Khu Kinh tế Vũng Áng của Tập đoàn Formosa Đài Loan là một
trong những mục tiêu của các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam hồi tháng
5/2014. Vụ bạo loạn giữa hơn 5.000 công nhân Việt Nam với khoảng 1.000 công nhân
Trung Quốc xảy ra sau khi Bắc Kinh đưa một giàn khoan dầu trị giá 1 tỷ USD tới
vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét