19-4-2017
Video clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy lực lượng
công an có lúc phải rút lui trước sự phản ứng dữ dội của người dân Đồng Tâm
hôm 15/4/2017 (RFA).
Tin Thế Giới
1.
Trung Quốc gọi thầu thăm dò dầu khí Biển Đông --- Biển Đông:
Đài Loan tiếp tục quân sự hóa đảo Ba Bình
Bắc Kinh đang tìm kiếm các nhà thầu nước ngoài để giúp thăm
dò dầu và khí đốt ở Biển Đông trong dự kiến sẽ gặp phải phản đối từ các nước có
tranh chấp chủ quyền trong khu vực và hơn nữa việc tìm kiếm được dầu khí ở đây
không có tiềm năng lợi nhuận cao.
Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) tuần trước
đã mời mời các công ty nước ngoài tranh thầu thăm dò tìm kiếm nhiên liệu hóa thạch
tại 22 lô ở vùng biển phía nam Trung Quốc. Các lô này trải dài trên một vùng biển
rộng 47.270 km vuông bao gồm vùng biển mà Đài Loan và Việt Nam có tranh chấp chủ
quyền. Đáng lưu ý là Việt Nam đã thẳng thắn tuyên bố chủ quyền kể từ những năm
1970.
Vấn đề phức tạp
Các nhà phân tích cho rằng các công ty dầu hỏa nước ngoài
quan tâm đến hồ sơ dự thầu có thể lo ngại các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của
Trung Quốc, vì việc tranh thầu này có thể gây phương hại uy tín của họ với các
nước có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, hoặc bất kỳ trữ lượng nhiên liệu
nào tìm được sẽ trở thành tài sản bị tranh chấp. Hạn cuối nộp hồ sơ tranh thầu
là tháng 9 này.
Ông Thomas Pugh, chuyên gia kinh tế của Viện Capital
Economics ở London, Anh cho rằng “khu vực này có nhiều vấn đề, có nhiều rủi ro
liên quan đến tranh chấp chủ quyền. Nếu các công ty ký thỏa thuận với Trung Quốc
và các công ty Trung Quốc, họ có thể đánh mất cơ hội làm ăn với các nước trong
khu vực đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc."
Tranh chấp chủ quyền tiếp tục
Ông Raymond Wu, giám đốc công ty tư vấn e-telligence của Ðài
Loan chuyên về các rủi ro chính trị nói rằng việc thăm dò có thể bị các nước
khác phản đối.
Ông Wu nói: "Các bên tranh chấp khác không công nhận
tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc." Ông Wu nói thêm rằng các nhà thầu nước
ngoài phải đối mặt "không chỉ với sự khó khăn và rủi ro trong việc thăm dò
dầu khí, mà còn vấn đề trữ lượng nhiên liệu tìm được sẽ thuộc về nước nào. Vào
thời điểm này tôi không thấy có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng nhập cuộc. "
Vào tháng 5/2014, tàu Việt Nam và Trung Quốc đã va chạm nhau
ở bên ngoài Vịnh Bắc Bộ nơi đang tranh chấp, sau khi Bắc Kinh đưa một giàn
khoan đến khu vực này.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc cũng đã làm Brunei, Malaysia
và Philippines lo ngại bằng việc tăng cường kiểm soát khoảng 95% trong số 3,5
triệu kilômét vuông vùng biển vốn giàu tài nguyên, và trang bị máy bay chiến đấu
và hệ thống radar ở các đảo nhân tạo.
Chi phí thăm dò tốn kém
Theo ông Triệu Tích Quân, Phó khoa Tài chính, Đại học Nhân
dân Trung Quốc, thăm dò dầu khí cũng đòi hỏi máy móc thiết bị đắt tiền, và đó
là điểm khó khăn cho một số nhà thầu tiềm năng, trong khi không ai chắc chắn sẽ
khai thác được bao nhiêu nhiên liệu. Ông Zhao Xijun nói thêm rằng tập đoàn
CNOOC hy vọng sẽ bù đắp những rủi ro này bằng cách mời thêm các đối tác nước
ngoài.
Ông Triệu nói: "Điều đầu tiên là rủi ro khá cao và thứ
hai, yêu cầu kỹ thuật khá cao. Có lẽ các tổ chức hoặc công ty có thể tham gia
vào dự án này sẽ phải đối mặt với một trở ngại nhất định."
Các nhà phân tích nói rằng giá dầu giảm làm hạn chế giá trị
xuất khẩu của bất kỳ khoán sản nào khai thác được. Giá dầu thế giới đã giảm từ
hơn 100 USD / thùng vào năm 2013 xuống đến nay chỉ còn một nửa.
Cơ hội
Tập đoàn CNOOC, nhà sản xuất dầu khí ngoài khơi lớn nhất của
Trung Quốc, cho biết trên trang web rằng sẽ chọn đối tác nước ngoài có một
"tầm nhìn hợp tác cùng có lợi" và "các biện pháp linh hoạt và
thuận lợi trong việc khai thác ở vùng biển sâu."
Trang web của tờ Hoàn Cầu Thời báo dẫn lời các nhà phân tích
Trung Quốc nói rằng vì hầu hết các lô khai thác đều gần Trung Quốc, nên đây là
những khoản đầu tư ổn định cho các nhà thầu nước ngoài.
Trung Quốc cũng có một thỏa thuận với Việt Nam về việc sử dụng
chung Vịnh Bắc Bộ, một khu vực dầu mỏ được nêu trong một hợp đồng mời thầu.
Ông Andrew Yang, Tổng thư ký của Hội đồng Nghiên cứu Chính
sách Cấp cao về Trung Quốc ở Đài Loan cho biết: "Tôi không nghĩ rằng đó sẽ
là một vấn đề, bởi vì Trung Quốc và Việt Nam đã có một số thỏa hiệp hoặc phân
giới cắm mốc, cố gắng phân chia lãnh hải, vì vậy nếu vấn đề này được nêu ra,
tôi nghĩ rằng việc thăm dò này chắc chắn sẽ ở phần lãnh thổ Trung Quốc."
Tuy nhiên, một chuyên gia nói với tờ Thời báo Hoàn cầu rằng
những hãng khoan dầu nước ngoài có thể vẫn phải thận trọng hơn vì những tranh
chấp lãnh hải. - VOA
***
Hãng tin UPI hôm qua, 18/04/2017, dẫn nguồn tin từ báo chí
Đài Bắc cho biết quân đội Đài Loan đề nghị tăng cường cho Ba Bình, đảo lớn nhất
thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam, Philippines và Trung Quốc đang tranh chấp.
Theo tờ Apple Daily, bộ Quốc Phòng Đài Loan dự định trang bị
một hệ thống có thể phóng nhiều hỏa tiễn từ xa, có khả năng chống đổ bộ, sẽ là
xương sống cho hệ thống phòng vệ bờ biển.
Đài Bắc cũng xem xét khả năng triển khai hệ thống vũ khí tầm
ngắn XTR-102, trong đó có hai khẩu súng tự động T-75 20 ly. Taipei Times cho biết
loại vũ khí này do Viện nghiên cứu quốc gia Trung Sơn (Chungshan) thiết kế, có
thể điều khiển từ xa. Hiện trên đảo Ba Bình đã được trang bị pháo phòng không
40 ly, 120 ly và hỏa tiễn chống tăng AT-4.
Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan dẫn lời phát ngôn viên bộ
Quốc Phòng Trần Trung Cát (Chen Chung Chi) nói rằng bộ này đã vạch ra « một kế
hoạch chi tiết và hoàn chỉnh » để « bảo vệ vùng biển của Đài Loan ». Các hình ảnh
vệ tinh cho thấy các tháp pháo phòng không trên đảo Ba Bình từ tháng 9/2016.
Việc quân sự hóa Biển Đông đang diễn ra, chủ yếu từ phía Bắc
Kinh. Trung Quốc đã xây các phi đạo và nhà chứa máy bay trên các đảo nhân tạo ở
Trường Sa. Đầu tháng Tư, Bắc Kinh cho triển khai các chiến đấu cơ J-11 tại quần
đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm từ tay quân đội Việt Nam Cộng
Hòa năm 1974. Phía Việt Nam bố trí một hệ thống phòng không trên một đảo gần
Đài Loan, còn Philippines có thể sẽ tập trận chung với Mỹ trong tháng Năm.
Đảo Ba Bình (Itu Aba Island) thuộc cụm Nam Yết ở quần đào
Trường Sa, nằm trong địa phận tỉnh Bà Rịa của Việt Nam thời Pháp thuộc, bị quân
Nhật chiếm làm căn cứ tàu ngầm trong Đệ nhị Thế chiến. Năm 1946 lợi dụng danh
nghĩa giải giáp tàn quân Nhật, Trung Hoa Dân Quốc đã đổ bộ lên đảo Ba Bình. -
RFI
|
|
2.
Mỹ xét lại thỏa thuận hạt nhân với Iran
Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Hội đồng An ninh Quốc gia
xem xét lại thỏa thuận quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran và đánh giá
xem việc đình chỉ các biện pháp trừng phạt có "thiết yếu đối với lợi ích
an ninh quốc gia của Hoa Kỳ" hay không.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã hé lộ bản đánh giá này
trong một văn thư hôm thứ Ba gửi cho Chủ tịch Quốc hội Paul Ryan.
Ông Tillerson thông báo với ông Ryan rằng Iran đang tuân thủ
các trách nhiệm theo Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung được ký kết vào năm
2015, sau khi đàm phán với Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức.
Hoa Kỳ đã dẫn đầu một nỗ lực quốc tế trừng phạt kinh tế Iran
- đặc biệt là hạn chế nước này bán dầu hỏa ra thị trường thế giới – nhằm buộc
quốc gia Hồi giáo này phải từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) quy định rằng nếu
một bên tin rằng bên kia đang vi phạm thỏa thuận, thì họ có thể khởi động một
tiến trình giải quyết tranh chấp, mà bước cuối cùng sẽ là một cuộc biểu quyết tại
Hội đồng Bảo an LHQ để quyết định liệu có tiếp tục dỡ bỏ lệnh trừng phạt hay
không.
Việc Hoa Kỳ áp dụng lại các biện pháp trừng phạt có thể khiến
Iran rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. - VOA
|
|
3.
Tàu sân bay Mỹ Carl Vinson chưa đến bán đảo Triều Tiên
Vào tuần trước, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump loan báo sẽ
điều động một đội tàu chiến đến khu vực bán đảo Triều Tiên nhằm cảnh cáo Bình
Nhưỡng, nhưng đội tàu chiến mà ông nói đến, cụm tàu sân bay tấn công Carl
Vinson, trên thực tế đang đi về hướng ngược lại.
Trước đó, trong thông báo đưa ra ngày 10/04/2017, quân đội Mỹ
cho biết là tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris đã ra lệnh
cho cụm tàu này, sau khi rời Singapore, sẽ đi về hướng Bắc, tức là hướng bán đảo
Triều Tiên. Trên nguyên tắc, cụm tàu Carl Vinson đã có mặt ở vùng Biển Nhật Bản
vào tuần trước.
Nhưng theo hãng tin Reuters, vào cuối tuần qua, cụm tàu sân
bay Carl Vinson đã băng ngang qua eo biển Sunda ( giữa đảo Sumatra và Java của
Indonesia ) rồi đi về hướng Ấn Độ Dương. Ngày 15/04, hải quân Mỹ thậm chí còn
đăng một bức ảnh chụp tàu sân bay Carl Vinson đang đi ngang qua eo biển Sunda.
Một quan chức quân sự Mỹ, xin miễn nêu tên, khẳng định là sau khi đi qua eo biển
này, tàu Carl Vinson sẽ tiến hành các cuộc tập huấn tại vùng Ấn Độ Dương.
Trong khi đó, tư lệnh của Carl Vinson lại thông báo với thủy
thủ đoàn là việc triển khai cụm tàu sân bay tấn công được kéo dài thêm một
tháng để có thể tiến hành các chiến dịch ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.
Những thông tin trái ngược nhau về sự di chuyển của cụm tàu
sân bay Mỹ khiến các chuyên gia về Triều Tiên ngạc nhiên, tự hỏi là không biết
điều này có sẽ làm sút giảm uy tín của chính quyền Trump hay không, vào lúc mà
những lời lẽ cứng rắn của Washington về chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc
Triều Tiên gây quan ngại về nguy cơ xung đột.
Trong khi đó, theo đài truyền hình Nhà nước của Bắc Triều
Tiên, các lễ hội do chính quyền tổ chức cuối tuần qua đã bao gồm một màn trình
diễn, trong đó có một video clip dựng cảnh các tên lửa bắn vào Hoa Kỳ, với hình
ảnh cuối cùng là lá quốc kỳ Mỹ bốc cháy. - RFI
|
|
4.
Venezuela: Cả hai phe đều xuống đường, tổng thống tố cáo đảo
chính
Những người ủng hộ và chống tổng thống Venezuela hôm nay,
19/04/2017, cùng rầm rộ xuống đường tại thủ đô Caracas. Các cuộc biểu tình của
hai phe cách nhau vài tiếng đồng hồ. Ông Nicolas Maduro lại tố cáo âm mưu đảo
chính, lần này lời chỉ trích nhắm vào Hoa Kỳ.
Từ Caracas, thông tín viên RFI Julien Gonzales gởi về bài tường
trình :
"Cuộc biểu tình ngày thứ Tư không phải là của đối lập
mà là của toàn thể dân chúng Venezuela ». Thông điệp của chủ tịch Quốc Hội rất
rõ ràng, cuộc xuống đường hôm nay phải là một cuộc biểu dương sức mạnh chống lại
ông Nicolas Maduro.
Từ gần ba tuần qua, cứ khoảng ba ngày lại diễn ra một cuộc
tuần hành của phe đối lập. Một số cuộc biểu tình tập hợp được vài trăm người, số
khác có hàng ngàn người tham dự, tuy nhiên không ai vào được trung tâm Caracas,
gần các cơ quan Nhà nước của thủ đô.
Cứ mỗi lần tiến vào, người biểu tình lại bị lực lượng an
ninh và hơi cay chận lại tại đại lộ Libertador dẫn đến trung tâm thủ đô, hay xa
lộ chính của Caracas. Thế nên đối với cuộc biểu tình được coi là vĩ đại nhất từ
trước đến nay, phe đối lập muốn hiện diện khắp thủ đô. Họ kêu gọi xuống đường
hôm nay tại 26 địa điểm của Caracas.
Để đối phó, chính quyền không chút chậm trễ, kêu gọi những
người ủng hộ tham gia cuộc tuần hành cũng vĩ đại nhất, trong cùng ngày. Phó chủ
tịch đảng cầm quyền, ông Diosdado Cabello nhân dịp này một lần nữa lại đưa ra lời
cảnh báo : « Thứ Tư này, đối lập sẽ không vào được trung tâm Caracas ».
Từ khi Tòa Án Tối Cao giành lấy quyền của Quốc Hội, nơi đối
lập chiếm đa số, các cuộc biểu tình liên tục diễn ra dù sau đó cơ quan tư pháp
này đã nhượng bộ. Trong vòng chưa đầy ba tuần lễ, đã có năm người biểu tình bị
chết, vài chục người bị thương và trên 200 người bị bắt, đối lập tố cáo chính
quyền đàn áp.
Trong cuộc biểu tình hôm nay, 19 tháng Tư, phe đối lập muốn
tạo được tiếng vang lớn, bởi đây là một ngày mang tính biểu tượng, ngày
khởi đầu cuộc chiến giành độc lập của Venezuela năm 1810. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
5.
Trump ký lệnh bổ sung quy định 'Mua hàng Mỹ/Thuê người Mỹ'
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành chính chỉ đạo
các cơ quan chính phủ tái soát việc sử dụng chương trình thị thực H-1B, là
chương trình cho phép các công ty Mỹ thuê lao động nước ngoài tạm thời.
Những người chỉ trích nói rằng chương trình đã bị lợi dụng để
thuê lao động rẻ hơn từ nước ngoài, gây tổn thất cho lực lượng lao động Mỹ.
Nhưng những người ủng hộ cho rằng đó là một biện pháp cần thiết để có đủ người
cho những công việc công nghệ cao có tầm quan trọng quyết định đối với nền kinh
tế Mỹ.
Ông Trump đã ký sắc lệnh hôm thứ Ba, trong chuyến thăm bang
miền bắc Wisconsin, ông nói rằng đây là một phần trong nỗ lực của ông nhằm tái
thiết nền kinh tế Mỹ.
Theo sắc lệnh mới của ông Trump, các cơ quan chính phủ phải
tái soát hoạt động mua sắm của họ và đảm bảo rằng các ngoại lệ về quy định
"Mua hàng Mỹ" không bị lạm dụng.
Tổng thống Mỹ nói: "Với sắc lệnh này, tôi chỉ đạo mọi
cơ quan trong chính phủ thực hiện nghiêm chỉnh luật "Mua hàng Mỹ" của
chúng ta, giảm thiểu áp dụng các ngoại lệ và tăng tối đa hàng hóa
"Made-in-America" (chế tạo tại Mỹ) trong tất cả các dự án liên
bang".
Ông Trump nói với cử tọa tại một nhà máy sản xuất công cụ ở
Wisconsin rằng tình trạng lạm dụng sai trái hệ thống nhập cư Hoa Kỳ một cách
tràn lan tiếp tay cho các nhà tuyển dụng thay thế các công nhân Hoa Kỳ ở mọi lứa
tuổi bằng lao động rẻ hơn từ các nước khác.
Tổng thống Hoa Kỳ nói: "Các lao động Mỹ từ lâu kêu gọi
phải có cải cách để chấm dứt những vi phạm này, và hôm nay lời kêu gọi của họ lần
đầu tiên có hồi đáp. Câu trả lời bao gồm tiến hành những bước đi đầu tiên để thực
hiện cuộc cải cách về thị thực H-1B mà lẽ ra phải làm từ lâu rồi”.
Thị thực H-1B được thiết kế để giúp các nhà tuyển dụng đưa
vào Mỹ những lao động nước ngoài có những kỹ năng còn hiếm ở Hoa Kỳ.
Chương trình này có mục đích tốt, giáo sư khoa học chính trị
Ronil Hira, thuộc Đại học Howard, nói: "Ý định ở đây là bù đắp sự thiếu hụt
về người có kỹ năng. Như vậy, khi thiếu nhân công Mỹ, người ta sẽ đưa vào một
nhân viên nước ngoài có chuyên môn để lấp chỗ trống đó".
Chương trình này đáng lẽ chỉ là biện pháp tạm thời. Nhưng
Hira nói người ta đã không sử dụng chương trình để mang vào Mỹ chỉ những người
lao động tốt nhất và tài giỏi nhất: "Nó trở thành một cách để các nhà tuyển
dụng đưa những người lao động rẻ hơn, ở dạng học nghề, hơn là lấp đầy khoảng trống
của người có kỹ năng. Kết quả là chương trình luôn có số lượng đăng ký quá cao,
và thực sự tác hại đến người Mỹ, và trong trường hợp này, ông Trump hoàn toàn
đúng".
Hira nói rằng việc thi hành nghiêm ngặt các quy định này có
thể mở ra một số lượng visa tạm thời loại này dành cho các công ty thực sự cần
các chuyên gia với những kỹ năng hiếm có. - VOA
|
|
6.
Bộ Nội an biện hộ việc trục xuất, cảnh báo về mối đe dọa lớn
hơn
Cựu tướng Thủy quân Lục chiến Mỹ nay là lãnh đạo Bộ An ninh
Nội địa đang đáp trả những lời chỉ trích, ông đưa ra lời biện hộ mạnh mẽ về
cách thức bộ của ông đang đối phó với các mối đe dọa ở biên giới và xa hơn thế.
Mệt mỏi vì thấy các đặc vụ của ông bị một số người trong giới
truyền thông, các nhà lập pháp và những người khác chỉ trích chỉ vì họ thực thi
luật pháp, Bộ trưởng Nội an John Kelly lập luận rằng chỉ có một lựa chọn là hành
động cứng rắn.
Ông nói: “Chớ có nhầm lẫn, trên thực tế, chúng ta là một quốc
gia đang bị tấn công. Những kẻ tấn công chúng ta là những kẻ căm ghét chúng ta,
ghét tự do của chúng ta, ghét luật lệ của chúng ta, ghét các giá trị của chúng
ta, và đơn thuần là ghét cách sống của chúng ta".
Ông Kelly nói với cử tọa tại Đại học George Washington rằng
phương pháp làm việc cứng rắn hơn đang mang lại kết quả tốt, các vụ chặn bắt ở
biên giới tây nam giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái, ông nói điều này tốt cho mọi
người.
Bộ trưởng Kelly phát biểu: "Có ít người vượt biên bất hợp
pháp hơn, có nghĩa là ít người chết trên sa mạc hơn".
Tuy nhiên, có những đường biên giới khác cần phải lo lắng. Một
số nước gặp nguy cơ trước các chiến binh nước ngoài từng thề trung thành với những
nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo.
Ông Kelly nói: "Có dự báo là nhiều phần tử thánh chiến
này sẽ sống sót, trở về quê nhà, ở đó chúng sẽ phá hoại, giết chóc, đó là ở
châu Âu, châu Á, Bắc Phi, Caribê và Hoa Kỳ".
Ông Kelly cho hay hiện đã có rất nhiều phần tử như vậy bắt đầu
về nước.
Một trong những mối quan ngại lớn nhất hiện nay đối với các
quan chức Bộ Nội an là việc họ thấy các nhóm khủng bố và các tổ chức tội phạm
đang liên kết với nhau. Bộ trưởng Nội an John Kelly cảnh báo rằng một số kẻ
buôn lậu đã trở nên rất thành thạo và hiệu quả đến mức chúng có thể vận chuyển
lậu bất cứ gì, kể cả đưa vào Mỹ. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
7.
Ông Đoàn Văn Vươn muốn ‘hòa giải’ vụ Đồng Tâm --- Vụ Đồng
Tâm: ‘báo chí nhà nước lúng túng, quan chức phách láo’
“Người nông dân nổi dậy” ở Hải Phòng, từng đứng lên chống lực
lượng thu hồi đất, cho biết rằng ông “sẵn sàng đứng ra làm trung gian” giữa người
dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, với chính quyền nhằm giúp làm hạ nhiệt
căng thẳng hiện nay.
Ông Đoàn Văn Vươn nói với VOA Việt Ngữ hôm 19/4, trong bối cảnh
gần hai chục cảnh sát cơ động vẫn còn bị người dân giữ, bốn ngày sau khi xảy ra
cuộc “đối đầu” với lực lượng thi hành công lực.
Về sự kiện mà người nông dân này cho là xảy ra giống với
mình 5 năm trước, ông Vươn nói rằng người dân xã Đồng Tâm “không còn niềm tin”
và “đã bị đẩy tới bước đường cùng”.
Ông nói thêm rằng nếu tình hình không có lối thoát thì “rất
là nguy hiểm” và “gây tác động xấu cho xã hội”.
Người nông dân, từng được hàng xóm láng giềng và người thân ở
Hải Phòng đón chào như người hùng, sau khi được đặc xá trở về, nhận định tiếp:
“Theo ý kiến cá nhân tôi, chính phủ phải vào cuộc, phải
thành lập đoàn thanh tra để làm rõ. Chính phủ phải có kết luận rõ ràng, công bố
công khai và xử lý tất cả các quan chức từ xã, huyện, thậm chí cả thành phố Hà
Nội. Nếu có dấu hiệu sai phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Sau đó, phải thả khẩn cấp những người mà chính quyền bắt. Cái sai về chính quyền
phải xử lý trước”.
Liên quan tới các diễn biến mới nhất ở Đồng Tâm, một người
dân không muốn nêu danh tính nói với VOA Việt Ngữ rằng tình hình hiện nay “chẳng
ra làm sao cả”, và mọi người đang chờ quan chức thành phố về xử lý vụ việc.
Người dân này nói thêm về các cảnh sát cơ động vẫn còn bị giữ:
“Còn khoảng 20 người. Anh em cũng được dân cho ăn uống, và sinh hoạt các thứ
bình thường. Ăn uống đầy đủ rồi chăn đệm ngủ nghỉ bình thường. Bà con chỉ muốn
lãnh đạo thành phố về để giải quyết cho nhân dân yên lòng, mọi cái trở về bình
thường”.
Hai anh em ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý bị bắt hồi đầu
năm 2012 và ra tòa vào đầu năm 2013 rồi sau đó bị kết án 5 năm tù giam vì tội
“giết người” khi cho nổ súng và bình ga tự chế nhắm vào lực lượng công vụ khi
chính quyền tới cưỡng chế đất và đầm nuôi hải sản của nhà.
Hồi tháng Tám năm 2015, ông được đặc xá nhân dịp Quốc khánh
Việt Nam, trở về nhà “gây dựng lại từ đầu” mảnh đất mà ông đứng lên bảo vệ.
Khi được hỏi về một số thông tin trên mạng, cho rằng ông có
thể là một cầu nối giữa người dân xã Đồng Tâm và chính quyền, ông Vươn nói: “Nếu
như chính quyền thiện chí để tôi đứng ra trung gian việc này thì tôi sẵn sàng.
Tôi cũng chỉ mong làm sao mọi việc nó ổn định, quyền lợi người dân được đảm bảo
và về phía chính quyền, quản lý đất nước trật tự. Đấy là cái mong muốn của tôi
và chắc cũng là mong muốn của rất nhiều người dân”.
Sau nhiều giờ im lặng, báo chí Việt Nam hôm 17/4 đã đồng loạt
đăng thông tin về cuộc xô xát giữa dân Đồng Tâm và lực lượng thi thành công lực.
Truyền thông trong nước gọi việc người dân ném gạch đá vào
công an rồi bắt giữ nhiều cảnh sát cơ động là “trái pháp luật”.
Các báo cũng đưa tin việc bốn công dân Đồng Tâm bắt giữ và
Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng.
Khi được hỏi nghĩ sao về cáo buộc của chính quyền, người dân
không muốn nêu danh tính nói với VOA Việt Ngữ: “Lúc đấy bức xúc quá nên là
không kiềm chế được. Chỉ có làm như thế thì mới giải quyết được vấn đề. Nếu mà
không thì khi mà các cụ bị bắt, thì cũng chả biết bắt đi đâu. Dân cuống lên,
không biết làm thế nào, thì phải làm thế thôi”.
Hôm 19/4, báo điện tử VnExpress đăng bài viết của một nữ
phóng viên báo này, thuật lại chuyến đi đưa tin đúng ngày xảy ra sự kiện.
Bài viết nhận được nhiều phản hồi có đoạn: “…Tôi đã bắt đầu
hành trình trong thôn Hoành [xã Đồng Tâm] bằng sự sợ hãi đến cứng người, nhưng
ra về với tâm trạng bình yên. Đưa tôi ra khỏi thôn, những người đàn ông, phụ nữ
bỏ gậy xuống, rời đi những ánh mắt giận dữ, họ lại trở về với sự đôn hậu của những
người dân quê. Sau những đống sỏi đá ngổn ngang đổ xuống làm chướng ngại vật là
những biểu ngữ, 'Không chống chính quyền'… Nhiều người trong số họ chỉ có nhu cầu
được lắng nghe. Một cuộc đối thoại thực sự công khai đang được chờ đợi”. - VOA
***
Sau hơn 3 ngày xảy ra sự việc người dân bắt giữ 38 cảnh sát
cơ động và viên chức chính quyền làm con tin ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, vào
sáng ngày 18/4, Công an thành phố Hà Nội mới họp báo đưa tin chính thức.
Từ Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với VOA-Việt ngữ rằng
chính quyền và truyền thông nhà nước rất “lúng túng” trong sự cố này:
“Sự kiện này cho thấy rằng chính quyền hết sức lúng túng.
Toàn bộ báo của nhà nước đã không làm chức năng báo chí, tức là đưa tin tức về
sự thật, mà chỉ là cái loa của chính quyền. Họ im lặng cả 3-4 ngày, rồi đến lúc
15 cảnh sát cơ động của Hà Nội được thả ra thì họ bắt đầu trở mặt và lên tiếng
một cách đồng loạt. Đấy là một hình mẫu ứng xử đã quá quen thuộc của chính quyền.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét về cuộc họp báo sáng ngày
18/4 do Ban Tuyên giáo Trung Ương tổ chức, trong đó có phát biểu của Phó giám đốc
Công an Thành phố Hà Nội, Thiếu tướng Bạch Thành Định:
“Ứng xử của chính quyền càng ngày càng dở. Cuộc họp báo vừa
rồi, một ông tướng của công an Hà Nội đã nói một cách hết sức phách láo, coi
người dân ở Đồng Tâm như là những thế lực thù địch, thế này thế kia.”
Báo Công an trích lời tướng Định nói: “Từ đầu năm 2017 đến
nay, số công dân khiếu kiện liên tục lôi kéo, kích động người dân có các hành
vi vi phạm pháp luật với mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng; xâm chiếm đất
quốc phòng; gây rối an ninh, trật tự trên địa bàn; cản trở các hoạt động bình
thường, sinh hoạt của quần chúng nhân dân; chống người thi hành công vụ và bắt,
giữ người trái pháp luật.”
Cuối buổi họp báo, công an thành phố Hà Nội kết luận: “Đây
là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh.”
Hôm 15/4, chính quyền tìm cách dùng vũ lực để thu hồi đất tại
xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, dự kiến sau đó giao đất cho công ty viễn thông
Viettel. Tuy nhiên, người dân đã chống trả quyết liệt, giữ lại nhiều lính cảnh
sát cơ động, không cho ra khỏi xã. Đồng thời, người dân cáo buộc chính quyền đã
bắt đi một số người của xã.
Trong khi đó, truyền thông mạng xã hội liên tục đưa tin cập
nhật các diễn biến vụ Đồng Tâm.
Luật sư Trần Vũ Hải, người đưa tin chi tiết các diễn biến vụ
việc ở Đồng Tâm nhận xét: “Báo chí Việt đã thất bại hoàn toàn trước mạng xã hội
khi truyền thông về vụ này. Rất mong các nhà báo, đặc biệt các bạn VTV, đừng
bao giờ nói những điều kẻ khác tọng vào mồm. Các bạn còn có tai, có mắt và có
trái tim đó!”
Cựu nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh ở thành phố Hồ Chí Minh nhận
xét trên Facebook: “không có gì ngăn nổi làn sóng thông tin sự thật.”
Ông Chênh viết thêm: “Vụ nổi dậy của gia đình Đoàn Văn Vươn ở
Cống Rộc Hải Phòng năm 2012 đã có đến gần 100 blogger đưa tin đa chiều, mang sự
thật đến cho người dân, tác động khá tốt lên báo chí lề đảng. Năm năm sau, vụ nổi
dậy của nông dân Đồng Tâm - Mỹ Đức, đang diễn ra, đã có cả triệu facebooker
theo dõi đưa tin. Thông tin sự thật về Đồng Tâm tràn ngập trên tất cả các mạng
xã hội, trên hầu hết các trang tin lề dân từ trong ra ngoài nước.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng có cùng nhận xét, ông nói với
VOA như sau:
“Thực sự trong mấy ngày vừa qua, hàng triệu người dân Việt
Nam đã nhờ mạng xã hội để biết được thông tin nóng sốt về tình hình này. Chúng
tôi có quen những người có tuổi, là những quan chức cấp cao của nhà nước có quê
ở đó. Họ nói rằng những diễn biến là đúng như thông tin trên mạng xã hội đưa,
chứ không như báo chí chính thống đưa. Truyền thông mạng xã hội đã thực sự đánh
bại nền báo chí chỉ biết ăn theo, nói leo, là cái loa của chính quyền.”
Ngày 30/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã
ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi “gây rối trật tự công cộng” ở xã
Đồng Tâm theo điều 245 bộ luật Hình sự.
Tiến sĩ Quang A nói người dân Đồng Tâm tuy phản ứng dữ dội
nhưng tỏ ra khá ôn hòa: họ không gây bạo loạn, họ đối xử tử tế với những cảnh
sát cơ động.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nhận xét việc người dân và các nhà
hoạt động xã hội làm báo mạng trong vụ này:
“Đã có hàng chục người dân nơi khác và các nhà hoạt động xã
hội dân sự tìm mọi cách tiếp cận đồng bào đang bi bao vây để ủng hộ hoặc tìm hiểu
thông tin. Theo sự phát triển nầy, vài năm nữa, những vụ nổi dậy đứng lên chống
bất công ở bất cứ đâu, ngoài sự hỗ trợ thông tin của hàng triệu nhà báo chuyên
và không chuyên, sẽ còn có hàng vạn người dân nơi khác kéo đến tiếp ứng.”
Nhà báo tự do Lê Nguyễn Hương Trà viết trên Facebook: “Con
đường tồn tại, có thể là duy nhất của nhiều tờ báo hiện nay là phất cờ thoát khỏi
gọong kìm của Ban Tuyên Giáo, hoặc tự diễn biến.”
Trong một diễn biến khác, báo VietNamNet trích lời Bộ Trưởng
Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn ngày 18/4 nói rằng “mạng truyền
thông xã hội như ‘cái chợ’…Các thế lực thù địch chính trị đang tận dụng triệt để
mạng xã hội để tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước và tung tin sai sự thật hoặc
thông tin thật - giả lẫn lộn để gây kích động, hoang mang cho người dân, tạo bất
an cho xã hội.”
Ông Tuấn cho biết Bộ của ông sẽ “làm việc với Facebook” vào
ngày 26/4 để gỡ các thông tin xuyên tạc và sẽ phối hợp với Bộ Công an để thực
hiện xử lý các vi phạm một cách nhanh nhất. - VOA
|
|
8.
Cưỡng chế đất bằng vòi rồng, bắt 11 người dân
11 người dân bị bắt giữ trong một vụ cưỡng chế đất tại Lai
Châu vào sáng thứ Ba, ngày 18 tháng Tư.
Báo giới trong nước đưa tin trong ngày 19 tháng Tư cho biết Ủy
ban Nhân dân tỉnh Lai Châu ra quyết định tiến hành cưỡng chế đối với 4 gia
đình, đang cư ngụ tại tổ dân phố số 23, tại phường Đông Phong, thành phố Lai
Châu do lấn chiếm hơn 60 mét vuông đất của một gia đình hàng xóm và lấn chiếm gần
1000 mét vuông đất công thuộc dự án đã thu hồi, hiện thuộc sự quản lý của Ủy
ban Nhân dân phường Đông Phong.
11 thành viên của năm gia đình vừa nêu bị bắt giữ trong vụ
cưỡng chế đất diễn ra vào sáng ngày 18 tháng Tư vì bị cáo buộc chống người thi
hành công vụ, làm cho hơn chục người của lực lượng cưỡng chế bị thương.
Ngoài thông tin do truyền thông Nhà nước loan đi như vừa
nêu, vào ngày 18 tháng tư một video clip về vụ cưỡng chế được đưa lên mạng xã hội
cho thấy cảnh cơ quan chức năng dùng vòi rồng để tiến hành biện pháp cưỡng chế;
trong khi có tiếng phản đối của người trong cuộc. - RFA
|
|
9.
'Thu hồi' lệnh cấm 5 ca khúc trước 1975
Trước phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội, ngày 14/4,
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên gửi công văn tới Cục
nghệ thuật biểu diễn yêu cầu thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 bài hát
sáng tác trước năm 1975 vì lý do “không đủ cơ sở.”
Theo báo Tuổi Trẻ, cũng hôm 14/4, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam
đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “không tùy tiện cấm ca khúc xưa” trước
thông tin dư luận bức xúc về quyết định của Cục Nghệ thuật biểu diễn, thu hồi 5
bài hát sáng tác trước năm 1975.
Nhận xét về việc rút lại lệnh cấm này, giáo sư Nguyễn Đăng
Hưng từ Bỉ viết trên trang mạng xã hội rằng: “Phản ứng dữ dội và đồng loạt của
lề dân thông qua Facebook, vụ việc dần dần lấn sang lề đảng và nhà cầm quyền đã
đi đến quyết định khá khôn ngoan sáng suốt… Ai cũng thấy tính cách phi lý, bất
cập về hành xử của lãnh đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD), phát xuất từ thứ
tư duy giáo điều, máy móc, vô văn hóa đến độ kệch cởm, quái dị của họ.”
Theo trang mạng news. Zing.vn, ông Biên yêu cầu các tập thể,
cá nhân tham mưu việc tạm dừng 5 bài hát nêu trên phải “kiểm điểm và rút kinh
nghiệm sâu sắc.”
Tuy nhiên, Cục Nghệ thuật biểu diễn nói họ sẽ vẫn phối hợp với
các cơ quan liên quan để nghiên cứu và báo cáo tới Bộ Văn hóa - Thể thao và Du
lịch để hoàn thiện văn bản pháp luật “về công tác quản lý, cấp phép phổ biến đối
với các bài hát sáng tác trước năm 1975 và các nhạc phẩm do người Việt Nam định
cư tại nước ngoài sáng tác.”
Giáo sư Hưng và nhiều Facebooker khác yêu cầu Cục trưởng
Nguyễn Đăng Chương, người đã ban hành lệnh tạm dừng năm ca khúc hôm 13/3, phải
từ chức.
Năm ca khúc được sáng tác trước 1975 bị tạm dừng lưu hành gồm
có: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn
ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), và Con đường xưa em đi
(Châu Kỳ - Hồ Đình Phương).
Hôm 4/4, ông Chương còn khẳng định với báo chí rằng 5 ca
khúc trước năm 1975 “sẽ chính thức bị cấm lưu hành vĩnh viễn do bị sai về mặt bản
quyền vì bị sửa lời.”
Báo Người Lao động đặt câu hỏi bày tỏ hoài nghi về quyền hạn
của cơ quan chức năng: “Tại sao Cục Nghệ thuật Biểu diễn phải cấp phép phổ biến
cho ca khúc sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam và của tác giả người Việt sinh sống
ở nước ngoài? Câu hỏi này chưa ai trả lời, kể cả cơ quan cấp phép là Cục NTBD.
Chẳng rõ cơ quan quản lý đề ra quy định này để làm gì nhưng những diễn biến thời
gian qua cho thấy chính các quy định không hợp thời đó đã gây cho các nhà quản
lý sự rối rắm.”
Báo Tuổi trẻ viết: “Gần một tháng trời, tâm trạng xã hội bị
khuấy động cả theo chiều hoang mang lẫn bực tức.”
Bà Nguyễn Thế Thanh, cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin
thành phố HCM viết trên báo Tuổi trẻ: “Âm nhạc tự thân nó là một phương cách để
người ta nhớ nhung quá khứ của mình, cho dù quá khứ ấy không phải lúc nào cũng
êm đềm...”
Bà Thanh viết tiếp: “Điều cần nhất, sâu sắc hơn, lâu dài hơn
khi ứng xử với các ca khúc trước năm 1975 chính là cần suy nghĩ thật nghiêm
túc, thật khách quan, thật bao dung để đưa ra nguyên tắc quản lý các ca khúc
trước 1975 một cách thấu tình nhất.”
Sau khi lệnh cấm được ban hành, nhà vận động nhân quyền Nguyễn
Bắc Truyển nói với VOA: “Thật ra không phải muốn cấm là cấm. Bởi vì sau năm
1975, họ cấm người ta vẫn hát. Sau khi họ cấm thì tôi lại hát nhiều hơn.”
Một độc giả VOA tên là Oklahoman nhận xét về nhạc sáng tác
trước 1975 như sau: “Tất cả các tác phẩm văn hóa ở miền nam trước 1975 là những
tác phẩm xuất phát từ lòng người. Nó là những ý tưởng thực tại sống động, và nó
sống theo thời gian, vì nó không mang tính chất tuyên truyền cho những thế lực
chính trị.”
Nhà báo Lâm Minh Trang của báo Tuổi trẻ kêu gọi chính quyền
nên công bằng với cả các ca khúc do người Việt sinh sống ở hải ngoại sáng tác
sau năm 1975: “cũng đến lúc cần có những nhận định, đánh giá công bằng với dòng
văn nghệ được sáng tác sau năm 1975 trong cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở
hải ngoại.” - VOA
|
|
10.
Campuchia sẽ trục xuất thêm người Thượng Việt Nam
Campuchia sẽ trục xuất 26 người Thượng về Việt Nam vào cuối
tuần này theo đúng yêu cầu của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc.
Giám đốc đặc trách về di dân thuộc Bộ Nội Vụ Campuchia, bà
Tan Sovichea nói với Ban tiếng Khmer của RFA thông tin vừa nêu vào hôm 18 tháng
Tư.
Bà Tan Sovichea nói rằng những người Thượng không được Cao ủy
Tị nạn Liên Hiệp Quốc chấp thuận “quy chế tị nạn” và Chính phủ Campuchia
sẽ trục xuất những người này bởi vì họ tự nguyện trở về Việt Nam.
Bà Tan Sovichea nói thêm rằng sẽ tách những người chồng và vợ
của các gia đình người Thượng ở trong hai khu vực riêng biệt để tránh tình trạng
cả gia đình chạy trốn sang Thái Lan.
Hiện có khoảng 91 người Thượng Việt Nam được phép sống tạm
cư tại thủ đô Phnom Penh; vừa qua có 50 người Thượng khác chạy trốn sang Thái
Lan. - RFA
|
|
11.
Bà Hạnh Nhơn, ân nhân của thương phế binh và quả phụ VNCH,
qua đời
Cựu Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, một người được coi là ân
nhân của vô số thương phế binh và quả phụ VNCH, vừa qua đời lúc 1 giờ 43 phút
sáng Thứ Ba, 18 Tháng Tư, tại bệnh viện Fountain Valley, California, hưởng thọ
90 tuổi.
Tin này được bà Trâm Lý, con gái bà Hạnh Nhơn, xác nhận với
nhật báo Người Việt.
Khi biết tin, nhà báo Huy Phương, một người thân thiết và
sát cánh với bà Hạnh Nhơn trong công tác giúp thương phế binh và quả phụ VNCH
nhiều năm qua, thốt lên: “Xin cầu nguyện cho chị Hạnh Nhơn. Nghĩ rằng chuyện sẽ
tới, nhưng khi tới, không khỏi xót xa.”
Nhà báo Huy Phương cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ gặp gỡ các
cháu trong gia đình để bàn thảo việc cáo phó theo chúc thư của chị ghi lại cho
tôi. Sau đó tôi sẽ thông báo cho tất cả diễn tiến của tang lễ.”
Khi hay tin, ông Trần Văn Lý, một thương phế binh VNCH, viết
trên email:
‘Tin sét đánh ngang tai
Một tượng đài vừa đổ!
Nay chị lìa bể khổ
Để về cõi vĩnh hằng
Chúng em gạt nước mắt
Đành chúc chị bình an!’
Sở dĩ bà Hạnh Nhơn được coi là “ân nhân của vô số thương phế
binh và quả phụ VNCH” vì bà là hội trưởng Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và
Quả Phụ VNCH, người đứng đầu các đại nhạc hội Cám Ơn Anh, gây quỹ giúp thương
phế binh và quả phụ VNCH tại quê nhà.
Đại nhạc hội này nay đã trở thành một trong những sự kiện lớn
nhất của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại.
Mỗi năm, hội giúp hàng chục ngàn cựu chiến binh VNCH bị mất
một phần thân thể, cùng những phụ nữ có chồng hy sinh, trong cuộc chiến bảo vệ
miền Nam Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của bà, cùng phối hợp với các tổ chức,
trung tâm ca nhạc, và cơ quan truyền thông, đại nhạc hội Cám Ơn Anh nay được
luân phiên tổ chức ở Nam và Bắc California, mỗi năm thu được cả trăm hoặc cả
triệu đô la, do đồng bào hải ngoại đóng góp, gởi về Việt Nam giúp rất nhiều người.
Đại nhạc hội lần thứ 10 hồi năm ngoái thu được tổng cộng
$1,279,000.
Theo nhiều tài liệu, bà Hạnh Nhơn nhập ngũ năm 1950 ngành
hành chánh tài chánh, với công việc là phát lương cho “đệ nhị quân khu” sau gọi
là Quân Ðoàn I. Kế đến, bà là thiếu úy rồi trung úy sĩ quan tiếp liệu tại quân
y viện Nguyễn Tri Phương. Sau đó bà được thuyên chuyển về Trung Tâm Huấn Luyện
và Trường Nữ Quân Nhân và rồi lên lon đại úy làm việc tại văn phòng đoàn nữ
quân nhân của Bộ Tổng Tham Mưu. Năm 1969, bà là thiếu tá trưởng phòng nghiên cứu.
Sau đó, bà được chuyển qua Không Quân và lên trung tá năm 1972.
Sau Tháng Tư, 1975, bà bị Cộng Sản bắt đi tù nhiều nơi khác
nhau, bao gồm Long Giao, Quang Trung, Hóc Môn, Z30D, Hàm Tân, và Long Thành.
Sau khi ra tù, năm 1990, bà định cư tại Hoa Kỳ theo diện
HO2.
Ban đầu, bà là phó chủ tịch Hội Tương Trợ Cựu Tù Nhân Chính
Trị, phụ tá cho ông Nguyễn Hậu là chủ tịch thời bấy giờ. Công việc của bà là
làm giấy tờ bảo lãnh cho các cựu quân nhân QLVNCH không có thân nhân bảo lãnh.
Sau đó, bà làm hội trưởng Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh
và Quả Phụ VNCH cho tới nay.
Trong một lần trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt hồi năm
2011, khi được hỏi lý do khiến bà hăng say trong công việc cứu trợ thương phế
binh và quả phụ VNCH, bà cho biết: “Tôi cảm thấy vui khi được cùng đồng hương
Việt Nam và các hội đoàn tổ chức Ðại Nhạc Hội Cám Ơn Anh Kỳ I và các lần sau
này là vì tình huynh đệ chi binh. Là lính, tình cảm ấy nặng lắm.”
Bà không giấu được xúc động khi nhắc đến những giây phút làm
hồ sơ cứu trợ, hoặc khi đọc những lá thư hồi báo của các thương phế binh, hay từ
gia đình các quả phụ, gởi về cho hội: “Tôi tưởng tượng lúc họ vui khi nhận được
tiền, con cái họ có thêm miếng cơm, có thêm tấm áo, gia đình họ ấm lòng khi đồng
bào ở hải ngoại xa xôi vẫn nghĩ đến và nhớ ơn sự hy sinh của họ.” - nguoiviet
|
|
12.
Sài Gòn và ĐB Sông Cửu Long tiếp tục lún: Nghiên cứu chứ
chưa hành động
Bề mặt của cả Sài Gòn lẫn đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục
lún. Tình trạng này kéo dài đã vài thập niên và giới hữu trách vẫn chỉ nghiên cứu
chứ chưa hành động.
Theo kết quả một cuộc khảo sát do Ðại Học Bách Khoa Sài Gòn
thực hiện thì bề mặt nhiều khu vực của thành phố Sài Gòn (các quận: 2, 7, 8,
12, Thủ Ðức, Bình Tân; các huyện: Nhà Bè, Bình Chánh) tiếp tục lún nặng. Ðộ lún
trung bình từ 5 mm đến 10 mm/năm.
Ông Lê Văn Trung, người đứng đầu nhóm khảo sát, nói với tờ
Tuổi Trẻ rằng, nguyên nhân tình trạng bề mặt Sài Gòn lún vẫn là khai thác nước
ngầm quá nhiều, hoạt động xây dựng trong quá trình đô thị hóa tăng đè nén bề mặt
những khu vực có nền đất yếu và rung động do hoạt động giao thông.
Ông Trung lưu ý thêm rằng, việc khai thác nước ngầm quá mức ở
những khu vực gần biển còn khiến nước mặn xâm nhập vào các tầng nước ngầm, tác
động tiêu cực đến các loại cây trồng, nguy hại cho nông nghiệp.
Không chỉ có bề mặt của Sài Gòn bị lún. Tình trạng này đã trở
thành phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long. Ðặc biệt là tại Cà Mau. Sở Nông Nghiệp-Phát
Triển Nông Thôn của tỉnh Cà Mau cho biết, gần đây, mỗi năm phải chi hàng trăm tỉ
để “khắc phục hậu quả sụt lún, sạt lở, nước biển dâng cao.”
Cách nay vài năm, Viện Ðịa Kỹ Thuật Na Uy (NGI) từng cảnh
báo đồng bằng sông Cửu Long đang lún, tương lai của 24 triệu dân chúng trong
khu vực này bị đe dọa. Riêng tốc độ lún của bề mặt Cà Mau là từ 2 cm đến 5
cm/năm. Vì Cà Mau chỉ cao hơn mặt nước biển khoảng 1.5 m, NGI khuyến cáo, nếu
không hành động sớm, chỉ vài thập niên nữa, gần như toàn bộ tỉnh Cà Mau sẽ chìm
trong nước biển.
Ông Tô Quốc Nam, phó giám đốc Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông
Thôn Cà Mau, thú thật với tờ Tuổi Trẻ, lúc đầu, ông ta không bận tâm nhiều lắm
đến khuyến cáo của NGI nhưng các số liệu đo đạc về thủy triều, ông Nam tin rằng,
bề mặt Cà Mau đang lún nhanh chứ nước biển dâng không thể cao nhanh như thế được.
Trong năm năm vừa qua, mực nước biển tại Gành Hào đã cao hơn trước 0.73 cm.
Tham gia thảo luận về tình trạng bề mặt của Sài Gòn và đồng
bằng sông Cửu Long bị lún nhanh và nhiều, ông Lê Xuân Thuyên, giảng viên Ðại Học
Khoa Học Tự Nhiên Sài Gòn, lưu ý, do cấu tạo địa chất của cả Sài Gòn lẫn đồng bằng
sông Cửu Long không vững chắc nên quá trình sụt lún có thể diễn ra nhanh hơn
các khu vực khác. Ngoài việc ngăn chặn tác động của con người, khiến tốc độ sụt
lún nhanh hơn, ông Thuyên lưu ý phải quan tâm đến khả năng xảy ra đổ vỡ trên mặt
đất do sụt lún gây ra.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia về sinh thái đồng bằng
sông Cửu Long, nhận định, đối phó với tình trạng bề mặt sụt lúc cấp bách hơn vấn
nạn nước biển dâng cao. Mỗi năm, nước biển dâng lên chỉ chừng 3 mm còn tốc độ sụt
lún của bề mặt gấp hàng chục hoặc vài chục lần. - nguoiviet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét