Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




TIN CẬP NHẬT THỨ BA 21/3/2017

TS Lê Minh Nguyên tổng hợp
22-3-2017
 

Hình bên: Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trên chiếc tàu ngầm do Hà Lan sản xuất Sea Tiger tại căn cứ hải quân ở Cao Hùng ngày 21/03/2017. (RFI)

**************
Tin Thế Giới

1.
Đài Loan tự đóng tàu ngầm để chống Trung Quốc

Trước sự bành trướng, đe dọa quân sự của Trung Quốc, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ngày 21/03/2017 thông báo nước này sẽ tự chế tạo tàu ngầm và hy vọng Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan. ây là dự án đóng tầu ngầm đầu tiên của Đài Loan.

Reuters cho biết là từ căn cứ hải quân Zuoying, cách Đài Bắc 350 km về phía Nam, ổng thống Thái Anh Văn tuyên bố « tăng cường khả năng chiến đấu dưới biển là thiết yếu để bảo vệ Đài Loan ». Bà Thái Anh Văn cũng nói thêm : « Đây là vấn đề mà tất cả mọi người đều biết (…), nhưng chúng ta đã không thể làm được trong quá khứ. Với tư cách là tổng tư lệnh quân đội, tôi quyết tâm giải quyết vấn đề này ».

Theo nhiều chuyên gia, để đóng một con tàu ngầm tối tân, Đài Loan sẽ phải dựa vào công nghệ nước ngoài. Hiện Đài Loan mới chỉ có 4 tàu ngầm : hai chiếc mua của Mỹ từ hồi Đệ Nhị Thế Chiến, chủ yếu được dùng để huấn luyện, hai tàu ngầm còn lại do Hà Lan sản xuất vào những năm 1970 và bán cho Đài Loan vào những năm 1980.

Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan cho biết Trung Quốc đang hướng 1.500 tên lửa sang Đài Loan. Quân đội Đài Loan chỉ có 200.000 người, so với con số 2.3 triệu quân của Trung Quốc.

Chính quyền của tổng thống Donald Trump đã bắt đầu chuẩn bị giao cho Đài Loan số vũ khí nước này đặt mua của Mỹ, trong đó có cả tên lửa chống hạm để đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, thông báo về thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình khiến chính quyền Đài Loan lo sợ là sẽ không còn là đối tượng được hưởng ưu tiên từ Hoa Kỳ. - RFI
|
|

2.
Báo Nhật: Tillerson đã ăn phải bả của Bắc Kinh?

Chuyến công du châu Á đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuần qua tiếp tục được báo chí trong khu vực bàn luận, đặc biệt là về chuyến đi Trung Quốc của ông trong hai ngày 18 và 19/03.

Riêng tờ The Japan Times của Nhật thì lo lắng đặt câu hỏi trong hàng tựa : « Lãnh đạo ngoại giao Mỹ đã vô tình tạo cho Trung Quốc một " mối quan hệ đại cường mới " ? ». Lý do là vì, theo nhận xét của tờ báo, trong chuyến đi đầu tiên của ông tới nước này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã sử dụng các cụm từ và ngôn ngữ thường được Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng.

Tại Bắc Kinh, ông Tillerson đã đề cập đến mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc như là được "xây dựng trên nguyên tắc không đối đầu, không xung đột, tôn trọng lẫn nhau và luôn tìm kiếm các giải pháp có lợi cho cả hai bên". Đó là những ngôn từ thường được Bắc Kinh sử dụng và điều đó đã làm một số chuyên gia ngạc nhiên. Cụm từ "tôn trọng lẫn nhau" có thể được hiểu là tôn trọng những gì mà Trung Quốc xem là "lợi ích cốt lõi" của họ.

Những lợi ích cốt lõi này bao gồm các vấn đề về lãnh thổ và chủ quyền, chẳng hạn như tranh chấp Trung - Nhật trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, cũng như tranh chấp trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Đài Loan, mà Trung Quốc coi một tỉnh phản nghịch, nếu cần sẽ dùng vũ lực để thống nhất với Hoa lục, cũng là một lợi ích cốt lõi.

Trong các tuyên bố được công bố sau cuộc gặp với ông Tillerson, chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh hợp tác là "sự lựa chọn đúng đắn duy nhất" đối với quan hệ Trung-Mỹ, vì theo ông, các lợi ích chung của Trung Quốc và Mỹ vượt xa sự khác biệt giữa hai nước.

Các phương tiện truyền thông Nhà nước của Trung Quốc cũng đã đăng nhiều bài ca ngợi những tuyên bố ông của Tillerson, nói rằng Ngoại trưởng Mỹ đã "ngầm thừa nhận"mô hình quan hệ đại cường mới » của Bắc Kinh.

Ngay cả Hoàn Cầu Thời Báo, nổi tiếng với giọng điệu dân tộc chủ nghĩa cực đoan, cũng nhấn mạnh rằng Tillerson đã hai lần đề cập đến "nguyên tắc không đối đầu, không xung đột, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi", trong khi chính quyền Obama trước đây không hề nói đến điều này.

Theo The Japan Times, các đồng minh của Mỹ trong khu vực, cụ thể là Tokyo và Seoul, đã rất lo lắng theo dõi cách thức mà chính quyền Trump đối phó với một nước Trung Quốc ngày càng mạnh.

Khi được hỏi là phải chăng Tillerson muốn bắn một tín hiệu cho Bắc Kinh bằng cách diễn đạt với những ngôn từ gần như giống hệt nhau, phát ngôn viên Mark Toner của Bộ Ngoại giao nói rằng Ngoại trưởng Mỹ chỉ cố chuyển tải một điều là Hoa Kỳ cũng muốn có một quan hệ « thắng-thắng » với Trung Quốc.

Trên thực tế, theo The Japan Times, gần như chắc chắn ông Tillerson đã tỏ thái độ cứng rắn hơn khi hội đàm kín với giới lãnh đạo Bắc Kinh, nên việc sử dụng những ngôn từ nói trên có lẻ là nhắm để cho Trung Quốc vớt vát thể diện.

Trong một tuyên bố, Tillerson đã thể hiện quan điểm cứng rắn của ông với Trung Quốc khi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tôn trọng "trật tự dựa trên luật lệ để giải quyết các tranh chấp lãnh hải và tự do hàng hải và hàng không". Đây là một cách để duy trì nguyên trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, và cũng nhằm để trấn an thủ tướng Nhật Shinzo Abe, người cũng có đường lối cứng rắn trước những hành động xâm lấn của Trung Quốc trên hai vùng biển đó.

Theo một chuyên gia được tờ The Japan Times trích dẫn, tuy Trung Quốc sẽ rất vui mừng với cử chỉ hợp tác của Tillerson, Bắc Kinh không ngây thơ đến mức nghĩ rằng những khác biệt sâu sắc giữa hai bên sẽ biến mất như có "phép mầu". - RFI
|
|

3.
Malaysia nâng cấp hải quân giữa tranh chấp Biển Đông

Malaysia chuẩn bị nâng cấp đội tàu hải quân trong lúc sửa soạn đối mặt với đe dọa từ làn sóng IS chạy khỏi Iraq và trước các nguy cơ từ căng thẳng Biển Đông.

Chi tiêu quốc phòng ở Châu Á-Thái Bình Dương dự kiến lên tới 250 tỷ đô la từ năm 2016 đến 2020, theo ước tính của tuần san quốc phòng IHS Janes hồi tháng 12.

Malaysia định cải thiện khả năng cùng với các nước khác trong vụ tranh chấp Biển Đông dù ngân sách quốc phòng của nước này thu hẹp.

Hải quân Malaysia nhắm thay thế toàn bộ 50 chiếc tàu trong lúc quốc gia cắt giảm ngân sách quốc phòng chung 12,7%, khởi đầu bằng 4 tàu tác chiến ven biển (LMS) hợp tác cùng Trung Quốc sản xuất.

“Các tàu LMS này được thiết kế phục vụ nhiều khía cạnh của anh ninh hàng hải như tội phạm xuyên biên giới, hải tặc, chống khủng bố, tìm kiếm cứu nạn,” tư lệnh hải quân Malaysia cho biết.

Ông Kamarulzaman Ahmad Badaruddin cũng nói thêm rằng các tàu này sẽ có khả năng đương đầu với đe dọa từ IS và các quan ngại về an ninh hàng hải khác.

Trong tuần này, Malaysia dự kiến sẽ chính thức hóa hợp đồng đóng 4 tàu LMS với Trung Quốc tại Cuộc triển lãm hàng không-hàng hải quốc tế Langkawi cũng như tậu về kỹ thuật để đóng thêm tàu kiểu này ở nội địa.

Hải quân Malaysia hy vọng chung cuộc sẽ có trong tay 18 tàu tác chiến ven biển.

Malaysia cho hay hiện đang trong giai đoạn cuối thương lượng với hãng đóng tàu DCNS của Pháp để mở ra chương trình xây loại tàu tác chiến ven biển cỡ lớn hơn. 

Hải quân Malaysia cũng đang tìm mua 3 tàu hỗ trợ đa chức năng (MRSS) và tăng cường thêm 2 tàu ngầm nữa. - VOA
|
|
4.
Nga quan ngại về tình hình Donbass (Ukraine)

 Hôm nay, 21/03/2017, Nga tuyên bố rất lo ngại trước việc chính quyền Ukraina ngưng mọi quan hệ thương mại với vùng Donbass. Quyết định của Kiev được đưa ra sau một tuần lễ căng thẳng, do phe nổi dậy thân Nga ở Donbass tịch biên các công ty của Ukraina tại đây.

Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Muriel Pomponne tường trình :

"Nga cho biết hết sức quan ngại về tình hình vùng Donbass, nói rằng việc một quốc gia bỏ rơi cả một vùng đất là điều chưa từng thấy. Đối với Nga, việc phong tỏa Donbass gây trở ngại cho triển vọng thực hiện hiệp ước Minsk. Đại sứ Liên Hiệp Châu Âu tại Kiev cũng phát biểu gần như tương tự, nhận định quyết định này không theo hướng hòa giải giữa Kiev và quân nổi dậy.

Như vậy Nga đã tự đóng vai người tử tế, khi nói rằng có nghĩa vụ không để cho hàng triệu người dân Donbass bị Kiev bỏ rơi không có được trợ giúp nhân đạo. Trên thực tế, nước cộng hòa tự tuyên bố Donbass đã xa rời Ukraina hơn, qua việc xích gần lại với Nga. Từ giữa tháng Hai, Nga đã công nhận hộ chiếu do hai vùng nổi dậy cấp, với lý do chính thức : đây chỉ là biện pháp tạm thời mang tính nhân đạo.

Tuy vậy, phát ngôn viên điện Kremlin mới đây khẳng định, không có kịch bản viết sẵn về việc sáp nhập các lãnh thổ này vào Nga. Đa số các nhà phân tích cho rằng Matxcơva có lợi khi duy trì tình hình hiện tại, hơn là công nhận độc lập đối với hai nước cộng hòa tự phong hay sáp nhập vào Nga. Cuộc chiến không tuyên bố này ít tốn kém hơn, và giúp Nga gây áp lực lên Ukraina, trong khi vẫn nói rằng tôn trọng hiệp ước Minsk". - RFI
|
|

5.
Nga-Trung chặn thông cáo của Hội đồng Bảo an về Myanmar

Các nhà ngoại giao cho biết Trung Quốc, với sự hậu thuẫn của Nga, đã ngăn chặn một thông cáo ngắn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Myanmar, sau khi cơ quan 15 thành viên này họp thảo luận về tình hình ở bang Rakhine, nơi quân đội Myanmar đang tiến hành một chiến dịch an ninh.

Văn phòng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hồi tháng trước cáo buộc quân đội giết chóc và hãm hiếp hàng loạt người Hồi giáo Rohingya, đốt làng mạc của họ kể từ tháng 10 năm ngoái trong một chiến dịch "rất có thể" cấu thành tội ác chống nhân loại và có thể là hành động thanh trừng sắc tộc.

Trưởng sự vụ chính trị của Liên Hiệp Quốc Jeffrey Feltman báo cáo cho Hội đồng trong một phiên họp kín. Anh là nước yêu cầu mở phiên họp này.

Đại sứ Anh tại Liên hiệp quốc Matthew Rycroft, chủ tịch Hội đồng trong tháng 3, cho báo giới biết sau cuộc họp rằng các nước có một số đề xuất trong thông cáo báo chí nhưng không đạt được đồng thuận.

Những thông cáo như vậy phải đạt được sự đồng thuận. Các nhà ngoại giao cho biết Trung Quốc, nước láng giềng của Myanmar, được Nga hậu thuẫn, đã ngăn chặn thông cáo này.

Dự thảo thông cáo báo chí ngắn mà hãng tin Reuters đã xem qua "lưu ý với mối lo ngại về chiến sự tái tục ở một số vùng của Myanmar và nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếp cận nhân đạo đối với tất cả các khu vực bị ảnh hưởng."

Khoảng 75.000 người đã chạy khỏi bang Rakhine sang Bangladesh sau khi quân đội Myanmar khởi sự chiến dịch an ninh vào tháng 10 năm ngoái để đáp lại điều mà họ nói là cuộc tấn công của quân nổi dậy người Rohingya ở những đồn biên giới, trong đó chín cảnh sát viên bị giết.

Liên minh Châu Âu hôm thứ Năm kêu gọi Liên Hiệp Quốc gửi một phái đoàn quốc tế tìm hiểu thực tế đến Myanmar để điều tra các cáo buộcquân đội tra tấn, hãm hiếp và hành quyết người Hồi giáo Rohingya. - VOA
|
|

6.
Mỹ-Trung: Bất đồng nhưng buộc phải hợp tác

Tờ nhật báo kinh tế của Anh Financial Times hôm nay có bài nhận định về quan hệ Mỹ-Trung đứng về góc độ thương mại. Khỏi nói thì ai cũng hiểu rằng tương lai của thế giới tùy thuộc phần lớn vào quan hệ giữa hai siêu cường quốc này. Thế mà hai nước nay lại có quan điểm đối chọi nhau về nền kinh tế thế giới.

Tờ báo nhắc lại rằng, cách đây 40 năm, Mao Trạch Đông lãnh đạo Trung Quốc với mục tiêu đạt đến tự cấp tự túc. Tuy nhiên, đến năm 1978, người kế nhiệm ông là Đặng Tiểu Bình đã đề ra chính sách cải tổ và mở cửa. Trong khi đó, Hoa Kỳ, quốc gia cha đẻ của tự do kinh tế toàn cầu thời hậu thế chiến thứ hai, nay lại bầu một lãnh đạo có quan điểm cho rằng chính sách kinh tế đó đi ngược lại với quyền lợi của nước Mỹ.

Điều trớ trêu hiện nay đó là thái độ trái ngược hẳn nhau của lãnh đạo hai nước Mỹ -Trung về nền kinh tế thế giới hiện nay, mà rõ rệt nhất là sự tương phản giữa bài diễn văn ủng hộ mạnh mẽ toàn cầu hóa mà chủ tịch Tập Cận Bình  đọc tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos tháng Giêng vừa qua, với tuyên bố của tổng thống Donald Trump vài ngày sau đó rằng « bảo hộ mậu dịch sẽ giúp cho đất nước chúng ta thịnh vượng và hùng mạnh ».

Thông cáo của cuộc họp các bộ trưởng Tài chính nhóm G20 tại Đức tuần trước cũng đã bỏ đi cam kết « chống lại mọi hình thức bảo hộ mậu dịch ». Hiện nay chưa biết là bảo hộ mậu dịch theo kiểu Trump sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn là sẽ rất đáng ngại. Theo Financial Times, nền kinh tế thế giới còn đang gượng dậy khó mà chống đỡ được một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc.

Thế nhưng tờ báo này cho rằng, cho dù ông Trump vẫn tuyên bố « Nước Mỹ trên hết » và cho dù lãnh đạo Trung Quốc chỉ lo cho công dân nước họ, không bên nào có thể đưa ra những đòi hỏi mà không để ý đến quan điểm và lợi ích của bên kia. Điều đáng nói là giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay có vẻ như hiểu điều đó hơn là lãnh đạo Mỹ.

Theo Financial Times, khi chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Donald Trump gặp nhau lần đầu tiên vào tháng tới ở Mar-a-Lago, hai bên cần phải tìm ra một nền tảng cho hợp tác. Nhưng hiện giờ chỉ toàn thấy những "điềm xấu". Ông Trump đã kịch liệt chỉ trích chính sách mậu dịch và hối đoái của Trung Quốc, thậm chí đã toan thách thức chính sách « một nước Trung Quốc duy nhất ». Thêm vào đó là sự cách biệt rất lớn về cá tính và kinh nghiệm giữa hai nhân vật này.

Nếu chỉ xét thuần túy về mặt kinh tế, theo Financial Times, trước hết, hai lãnh đạo cần phải thuyết phục nhau rằng sẽ không có bên nào đạt được mục tiêu của mình nếu xung đột với nhau, cho dù là chiến tranh thương mại, vì cả hai bên sẽ đều bị thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp.

Thứ hai, ông Tập Cận Bình phải nhấn mạnh với ông Donald Trump rằng quan điểm của ông về các chính sách tiền tệ và thương mại của Trung Quốc không còn đúng với thực tế nữa. Từ tháng 06/2014 đến nay, Bắc Kinh đã bỏ ra rất nhiều tiền để nâng giá đồng nhân dân tệ và từ 2006 đến 2016, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm từ 35% xuống còn 19% GDP, tức là nước này không còn là cỗ máy xuất khẩu hàng hoá tràn ngập thế giới.

Thứ ba, ông Trump cần nói với lãnh đạo họ Tập rằng Trung Quốc không thể cứ lập luận rằng họ là một quốc gia đang phát triển và họ cần phải nhận thức rằng, trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau như thế, các nước khác buộc phải quan tâm đến những gì Trung Quốc làm, chẳng hạn như trong vấn đề thặng dư thương mại.

Nhưng Finnancial Times đặt câu hỏi: “ Nếu ông Trump mặc kệ những hậu quả toàn cầu của những gì ông làm, tại sao Trung Quốc lại không được có thái độ như thế?". - RFI
|
|

7.
Pháp, Nhật ủng hộ tự do hàng hải tại châu Á-Thái Bình Dương

Pháp và Nhật Bản ủng hộ một « trật tự hàng hải tự do và mở rộng » tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố như trên, sau khi hội đàm với tổng thống Pháp François Hollande hôm 20/03/2017 tại Paris..

Theo Reuters, thông điệp này có lẽ nhắm vào Trung Quốc, nước đang đòi hỏi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, gây quan ngại cho Nhật Bản và phương Tây trước sự hiện diện quân sự ngày càng hùng hậu trên biển.

Thủ tướng Nhật nói với báo chí sau cuộc hội kiến : « François và tôi đều đồng ý về tầm quan trọng của việc bảo đảm một trật tự hàng hải tự do và rộng mở tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tiếp tục ủng hộ sự ổn định và thịnh vượng cho khu vực ».

Nhật Bản dự định điều chiến hạm lớn nhất của mình đi tuần tra một vòng Biển Đông bắt đầu từ tháng Năm. Đây sẽ là cuộc biểu dương lực lượng hải quân quy mô nhất trong khu vực kể từ Đệ nhị Thế chiến đến nay. Trung Quốc đe dọa sẽ đáp trả cứng rắn nếu Nhật Bản khuấy động vùng biển này.

Ông Shinzo Abe cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các cuộc tập trận hải quân hỗn hợp Nhật, Pháp, Anh, Mỹ gần đảo Tinian do Hoa Kỳ quản lý, tại Tây Thái Bình Dương vào tháng Năm tới.

Về phía Pháp, tổng thống François Hollande tái khẳng định ủng hộ việc tăng cường vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật, nói rằng hai nước sẽ cùng làm việc để xúc tiến khả năng phối hợp giữa hai quân đội. Ông tố cáo việc Bắc Triều Tiên phát triển chương trình nguyên tử và đạn đạo, và bày tỏ sự ủng hộ Nhật Bản sau vụ Bình Nhưỡng phóng bốn hỏa tiễn sang đến vùng ngoài khơi bờ biển tây bắc nước Nhật. - RFI
|
|

8.
Tổng thống Trump tiếp tục tập trung vào chính sách trừng phạt Bắc Hàn (như Obama)

Bất chấp những phát biểu hùng hổ của Tổng thống Donald Trump về việc khống chế mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên, chính sách của Mỹ hiện nay về Bình Nhưỡng hình như cũng giống như chính sách kiên nhẫn chiến lược của cựu Tổng thống Barack Obama.

Theo chính sách kiên nhẫn chiến lược của cựu Tổng thống Obama, Mỹ không đối thoại với chế độ Kim Jong Un cho đến khi nào Bắc Triều Tiên cam kết chấp dứt chương trình hạt nhân, trong khi tiếp tục đáp lại những hành động khiêu khích của Bắc Hàn bằng cách tăng các biện pháp răn đe quân sự, trừng phạt kinh tế và cô lập ngoại giao.

Giáo sư Daniel Pinkston của Đại học Troy ở Seoul nhận định:

"Theo tôi có ba chọn lựa cơ bản. Một là chịu thua và nhượng bộ, để cho Bắc Hàn muốn làm gì thì làm. Hai là chiến tranh phòng ngừa, tức là dùng vũ lực để giải trừ vũ khí của Bắc Hàn. Và chọn lực thứ ba chính là phương án đang áp dụng, theo tôi là tốt nhất trong ba chọn lựa, đó là răn đe và ngăn chặn."

Kiên nhẫn chiến lược

Chính quyền Kim hành động bất chấp chấp các biện pháp trừng phạt của quốc tế do Mỹ dẫn đầu, trong đó có các lệnh chế tài nghiêm khắc của Liên hiệp quốc. Bình Nhưỡng công khai tuyên bố là Bắc Triều Tiên là nước có vũ khí hạt nhân và họ tăng mạnh các hoạt động thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Trong chuyến thăm Seoul hồi tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson lên tiếng bác bỏ chính sách kiên nhẫn chiến lược của Tổng thống Obama, nhưng ông cũng lập lại một số điều cơ bản với phát biểu “mạnh mẽ” ủng hộ hai đồng minh quân sự là Nam Triều Tiên và Nhật Bản, và từ chối đề nghị của Trung Quốc là ngưng hoạt động diễn tập quân sự chung với Nam Triều Tiên để đổi lại việc ngưng khả năng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Nhà phân tích chính trị Bong Young-shik của Viện nghiên cứu về Bắc Triều Tiên thuộc Đại học Yonsei nhận định:

"Tiền đề của chính sách kiên nhẫn chiến lược – trừ phi giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên chứng tỏ ý định thực sự muốn phi hạt nhân theo đề nghị tạm đóng băng chương trình hạt nhân – là Hoa Kỳ dứt khoát không đàm phán với Bắc Triều Tiên. Tiền đề đó vẫn là nền móng chính của chính sách mới."

Mặc dù Ngoại trưởng Tillerson không loại bỏ khả năng hành động quân sự đế chống lại mối đe dọa tấn công sắp tới của Bắc Hàn hoặc mối đe dọa bằng vũ khí tiên tiến có thật, ông nhấn mạnh rằng ưu tiên của chính quyền Trump rất giống với chính sách của Tổng thống Obama, đó là áp lực buộc chính phủ Kim thay đổi hành động bằng các tăng cường răn đe quân sự và trừng phạt kinh tế.

Mối đe dọa phi đạn đạn đạo

Những công nghệ tiên tiến mới đây cho thấy Bình Nhưỡng tiến gần hơn đến khả năng chế tạo được phi đạn đạn đạo liên lục địa mang theo đầu đạn hạt nhân (ICBM), có thể bắn đến đại lục Mỹ. Điều đó làm tăng lo ngại rằng thời gian không còn đứng về cùng phía với Washington nữa.

Trong lúc ông Tillerson công du châu Á, Bắc Triều Tiên đã phóng thử một tên lửa có động cơ mạnh hơn mà người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên nói đã chứng tỏ một sự tiến bộ đáng lưu ý. Nhưng cơ quan này không nói rõ liệu động cơ được thử nghiệp đó có thể được sử dụng cho phi đạn đạn đạo liên lục địa hay không. Tuy nhiên, hãng thông tấn KCNA của Bắc Triều Tiên hôm Chủ nhật nói rằng động cơ đó có thể giúp Bắc Hàn đạt đến đẳng cấp quốc tế về khả năng phóng vệ tinh.

Cuối tuần qua, Tổng thống Trump nói với các phóng viên rằng ông có các cuộc thảo luận về Bắc Hàn tại khu nghỉ mát của ông ở bang Florida. Mặc dù không đề cập cụ thể đến vụ thử nghiệm động cơ tên lửa của Bắc Hàn, ông Trump nói ông Kim Jong Un “hành động rất xấu.”

Trung Quốc

Tổng thống Trump lên án Trung Quốc không áp dụng những biện pháp mạnh hơn để kiềm chế đồng minh của họ ở Bình Nhưỡng. Trung Quốc hồi gần đây đã ngưng mua than đá của Bắc Hàn, nhưng Bắc Kinh cũng ra dấu hiệu cho thấy họ không muốn thực hiện những biện pháp hà khắc hơn vì sợ rằng sẽ gây ra tình trạng bất ổn lan rộng và chế độ Kim có thể sụp đổ.

Nhưng cuộc gặp gỡ của ngoại trưởng Mỹ với chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc hôm thứ Bảy trong có vẻ hòa hoãn hơn. Ông Tập sau đó nói rằng ông trân trọng phát biểu của ông Tillerson rằng “quan hệ với Trung Quốc chỉ có thể xác định trên cơ sở hợp tác và tình hữu nghị.”

Hai siêu cường thế giới sẵn lòng hợp tác với nhau để giải quyết mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên đến mức nào vẫn còn là một vấn đề tranh cãi.

Nhiều nhà phân tích như ông Bong Young-shik nói rằng trong cuộc hội đàm kín, ông Tillerson có lẽ đã gợi ý một số thỏa thuận quan trọng, đưa ra những nhượng bộ lớn đối với những vấn đề tranh chấp lâu nay để đổi lại việc chấm dứt mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Ông Bong nói: "Trong số những điều kiện gợi ý với Bắc Kinh có thể có lợi ích cốt lõi của Trung Quốc tại Biển Nam Trung Hoa và việc Mỹ không can thiệp vào những vấn đề nội bộ của Trung Quốc nữa."

Các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc có lẽ sẽ không áp dụng những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Bắc Hàn theo cách có thể giúp Mỹ và Nam Hàn tăng cường vị thế của họ trong khu vực, và cũng không rõ liệu Trung Quốc có cảm thấy đủ thuyết phục để buộc Bắc Hàn từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

9.
Tiến trình chuẩn thuận Thẩm phán Gorsuch: Chia rẽ phe phái

Những chia rẽ phe phái đã nhanh chóng xuất hiện tại Uỷ ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ trong ngày đầu tiên của tiến trình chuẩn thuận Thẩm phán Toà phúc thẩm liên bang Neil Gorsuch, người được Tổng thống Trump đề cử vào Tối cao Pháp viện. Thông tín viên Michael Bowman của VOA tường trình rằng thẩm phán Gorsuch xác minh xu hướng bảo thủ của ông về phương diện pháp lý.

Ông Gorsuch nói với các nhà lập pháp rằng các thẩm phán không nên làm luật từ băng ghế của Toà án tối cao. Ông giải thích thêm như sau:

“Đó là vai trò của cơ chế này, các vị đại biểu của nhân dân tại quốc hội mới có nhiệm vụ làm ra luật mới. Nếu các thẩm phán là những nhà lập pháp trong bóng tối, không công bố luật pháp là gì mà luật pháp theo ý họ mong muốn, thì ngay cả khái niệm của một chính quyền do dân, và vì dân sẽ lâm nguy.”

Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp Thượng viện Chuck Grassley thuộc Đảng Cộng hoà, ca ngợi triết lý pháp lý bảo thủ của ông Gorsuch. Ông nói:

“Chúng ta phải quan tâm đến việc duy trì trật tự hiến pháp của chúng ta, và quan trọng hơn hết là khái niệm tam quyền phân lập. Đối diện với chúng ta một nhân vật được đề cử mà thành tích trong sự nghiệp được định nghĩa bởi một sự cam kết không hề lay chuyển đối với các nguyên tắc đó.”

Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein của Đảng Dân chủ nói bà muốn biết liệu ông Gorsuch “có sẽ bảo vệ các quyền pháp lý và hiến định của tất cả mọi công dân Mỹ, chứ không chỉ những người giàu có và có thế lực.” Bà nói:

“Toà án Tối cao có tiếng nói quyết định cuối cùng liệu một phụ nữ có tiếp tục được kiểm soát cơ thể của chính mình, hay các quyết định về chăm sóc sức khoẻ cho họ nằm trong tay của các nhà chính trị và chính phủ. Toà án tối cao quyết định liệu các tỷ phú và các tập đoàn công ty lớn có được phép chi ra những món tiền vô giới hạn để mua kết quả bầu cử hay không.”

Tổng thống Trump đề cử ông Gorsuch để điền khuyết vào chiếc ghế trống do Thẩm phán Antonin Scalia để lại, sau khi ông qua đời hồi năm ngoái. Các chính khách Đảng Cộng hoà lúc đó đã chặn nhân vật được cựu Tổng thống Barack Obama đề cử vào chỗ trống này, một điều mà Thượng nghị sĩ Dick Durbin nói với ông Gorsuch rằng Đảng Dân chủ của ông không quên.

“Danh tính của ông là một phần trong một chiến lược của Đảng Cộng hoà nhằm chiếm quyền kiểm soát nhánh pháp lý của chính phủ. Đó là lý do vì sao các nghị sĩ Đảng Cộng hoà tại Thượng viện duy trì chiếc ghế trống này tại Toà án tối cao trong hơn một năm trời.”

Các nghị sĩ Đảng Cộng hoà phản bác lại rằng phe Dân chủ cũng sẽ làm y như vậy nếu họ ở trong vị thế tương tự, và rằng các nghị sĩ Đảng Dân chủ đang chống đối thẩm phán Gorsuch dựa trên căn bản ý thức hệ. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham lưu ý rằng ông đã biểu quyết để chuẩn thuận hai nhân vật cấp tiến được Tổng thống Obama đề cử: bà Elena Kagan và Sonia Sotomayor. Ông Graham nói tiếp:

“Tôi lẽ ra có thể bỏ rất nhiều thì giờ ra để nói về lập trường của hai thẩm phán Kagan và Sotomayor, cực lực chống đối Tu chính án thứ Hai (tức quyền được mang vũ khí), về cơ may rất thấp để sống còn của một phôi thai trong toà án của họ, về cách nào môi trường phải luôn luôn thắng thế, và về việc họ không bao giờ nói “không” với một hệ thống chính quyền cồng kềnh. Lý do tôi không làm như thế là bởi vì tôi nghĩ rằng họ hội đủ điều kiện để làm nhiệm vụ của họ.”

Đảng Cộng hoà chiếm đa số chỉ có hai ghế tại Thượng viện và sẽ cần 8 nghị sĩ Đảng Dân chủ ủng hộ mới hội đủ đa số 3/5 cần thiết để đưa hồ sơ chuẩn thuận ông Gorsuch ra trước lưỡng viện quốc hội. 

Các nghị sĩ Đảng Cộng hoà có thể chọn phương án thay đổi các quy định tại Thượng viện để loại trừ khả năng của đảng thiểu số ngăn chận người được đề cử vào Toà án tối cao. - VOA
|
|

10.
FBI điều tra liên hệ giữa Nga và chiến dịch tranh cử của ông Trump

Giám đốc FBI, James Comey, ngày 20/3 lần đầu tiên xác nhận FBI đang điều tra các mối liên hệ có thể có giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông Donald Trump với Nga trong lúc Moscow tìm cách ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái.

Ông Comey và Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mike Rogers nói rõ cuộc điều tra về sự can dự của Nga trong mùa bầu cử vừa rồi tại Mỹ có thể kéo dài nhiều tháng trời.

Xuất hiện trước một ủy ban của Quốc hội, ông Comey cũng công khai thách thức tuyên bố của Tổng thống Trump rằng cựu Tổng thống Barack Obama đã nghe lén Tòa Tháp Trump trong cuộc tranh cử 2016.

Hai giới chức ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện trong 5 tiếng rưỡi đồng hồ hôm 20/3.

Ông Comey không rút lại nhận định của mình khi cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không đơn thuần muốn ứng viên Dân chủ Hillary Clinton bị thất cử mà cụ thể là muốn ứng viên Cộng hòa Donald Trump chiến thắng.

“Về những dòng tin của tổng thống liên quan đến cáo buộc bị chính quyền cũ nghe lén, tôi không có thông tin nào hậu thuẫn tuyên bố đó,” ông Comey nhấn mạnh.

Ông cũng xác nhận rằng FBI đã tiến hành điều tra vụ Nga bị tố cáo can thiệp bầu cử Mỹ từ tháng 7 năm ngoái.

Các cơ quan tình báo Mỹ kết luận Nga tìm cách giúp ông Trump bằng cách tấn công tin tặc các đảng viên hàng đầu bên phía Dân chủ. - VOA
|
|

11.
Bay tới Mỹ, không được mang thiết bị điện tử trong xách tay

Nhà chức trách Mỹ định cấm hành khách trên các chuyến bay nước ngoài tới Mỹ không được mang lên máy bay các thiết bị điện tử cỡ lớn, các giới chức Mỹ cho biết ngày 20/3.

Quy định mới nhằm đáp ứng trước một đe dọa khủng bố chưa xác định cụ thể. Các giới chức cho Reuters biết Bộ An ninh Nội địa Mỹ sẽ sớm ra thông báo và rằng đây là việc đã được xem xét từ khi chính phủ Mỹ nhận được thông tin về một mối đe dọa khủng bố cách đây vài tuần.

Nguồn tin này cho hay lệnh cấm sẽ bao gồm một chục các hãng máy bay xuất phát từ hàng chục nước tới Mỹ, bao gồm một số nước ở Trung Đông và trong đó sẽ có các hãng hàng không có trụ sở tại Jordan và Ả Rập Xê Út.

Không một hãng hàng không nào của Mỹ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này. Các thiết bị điện tử bị cấm đem lên khoang hành khách bao gồm những máy móc có kích cỡ lớn hơn điện thoại di động. Hành khách được mang các thiết bị như máy chụp hình, máy tính xách tay, máy tính bảng, nhưng phải bỏ vào hành lý ký gửi, không được để trong hành lý xách tay lên máy bay.

Hãng hàng không Hoàng gia của Jordan trong dòng tin trên mạng xã hội hôm 20/3 cho hay các hành khách tới Mỹ sẽ bị cấm mang theo phần lớn các thiết bị điện tử trong xách tay kể từ thứ ba, 21/3. Hành khách chỉ được mang điện thoại di động và các thiết bị y tế được chấp thuận lên khoang.

Tòa Bạch Ốc chưa bình luận về tin này. - VOA
|
|

12.
Tỷ lệ ủng hộ Trump sa sút

Tỷ lệ ủng hộ của công chúng đối với tân Tổng thống Donald Trump đang ở mức thấp, 37%, nghĩa là cứ 10 người được hỏi chưa tới 4 người ủng hộ ông Trump, theo kết quả thăm dò hàng ngày của Gallup công bố ngày 20/3.

Đa số dân Mỹ được hỏi ý kiến hiện nay, 58%, cho biết họ không tán đồng cách làm việc của tân Tổng thống.

Đây là kết quả thăm dò tệ nhất cho ông Trump kể từ khi lên nhậm chức hồi tháng Giêng. Mới hôm 11/3, tỷ lệ tán thành Tổng thống Trump được ghi nhận là 45%, số không tán đồng lúc đó là 49%.

Tỷ lệ ủng hộ thấp nhất đối với Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama là 38%, còn mức thấp nhất mà cựu Tổng thống George W. Bush từng được là 25%.

Có 1500 người được hỏi ý kiến qua phỏng vấn điện thoại trong cuộc thăm dò của Gallup. - VOA
|
|

13.
Tỷ phú David Rockefeller từ trần

David Rockefeller, chủ ngân hàng, nhà hảo tâm thuộc dòng dõi nổi tiếng kiểm soát ngân hàng Chase Manhattan hơn một thập niên và bành trướng ảnh hưởng rộng lớn trên toàn cầu, vừa qua đời sáng ngày 20/3/2017 tại tư gia ở Pocantico Hills, New York, thọ 101 tuổi.

Một phát ngôn viên gia đình xác nhận tin này.

Chase Manhattan từ lâu được biết đến như là ngân hàng Rockefeller, mặc dù gia đình Rockefeller chưa bao giờ sở hữu hơn 5% cổ phần trong ngân hàng. Ông Rockefeller không chỉ là một người quản lý, ông là chủ tịch và giám đốc điều hành trong suốt những năm 1970. Ông đã biến định chế này thành ‘ngân hàng của David’, như cách nhiều người thường gọi, mở rộng hoạt động trên toàn cầu.

Ảnh hưởng của ông David Rockefeller được cảm nhận tại thủ đô nước Mỹ cũng như thủ đô các nước, trong các hành lang của chính quyền thành phố New York, bảo tàng nghệ thuật, các trường đại học lớn và các trường công lập.

Là một người bênh vực quyền lợi kinh tế của Hoa Kỳ, ông đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề tài chính toàn cầu và trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Ông được các nước đón nhận với những danh dự được trao cho một vị lãnh đạo nhà nước.

Ông là cháu nội cuối cùng của John D. Rockefeller, trùm tư bản thành lập công ty dầu Standard Oil vào thế kỷ 19 và gầy dựng khối tài sản khổng lồ biến ông thành tỷ phú đầu tiên của Mỹ và gia đình của ông trở thành một trong những dòng dõi giàu có, quyền thế nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Ông David Rockefeller là người thừa kế di sản đó.

Hai cựu Tổng thống Jimmy Carter và Richard Nixon từng đề nghị ông vào chức Bộ trưởng Tài chính nhưng ông đều khước từ.

Ông David Rockefeller là con út, sinh ra tại Manhattan ngày 12/6/1915. Cha ông, John D. Rockefeller Jr., là con trai duy nhất của chủ nhân công ty Standard Oil.

Như cha mình, ông David Rockefeller cũng là một nhà từ thiện nổi tiếng. Ông đã trao tặng hàng chục triệu đô la cho Đại học Havard, Viện Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại, và Đại học Rockefeller.

Xuất bản hồi ký năm 2002 ở tuổi 87, ông trở thành người đầu tiên trong ba thế hệ gia đình Rockefeller ấn bản tự truyện. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

14.
Việt Nam, Hàn Quốc tìm cách ‘ghìm cương’ Bắc Hàn? --- Việt Nam tìm kiếm sự hỗ trợ của Hàn Quốc tại Biển Đông

Hai nhà ngoại giao hàng đầu của Việt Nam và Hàn Quốc mới thảo luận cách thức “cùng nhau khống chế” Bình Nhưỡng, cũng như trao đổi về vụ ám sát anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un ở Malaysia.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se hôm 20/3 hội kiến với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh ở Hà Nội nhân dịp hai nước kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ.

Trong cuộc gặp, ông Yun đã nêu vấn đề hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn cũng như mối đe dọa của chương trình này đối với hòa bình và ổn định của châu Á và cộng đồng quốc tế, hãng tin Yonhap dẫn các nguồn tin cho biết như vậy.

Cuộc họp giữa Seoul và Hà Nội diễn ra ít ngày sau khi Ngoại trưởng Hàn Quốc gặp người đồng nhiệm Mỹ Rex Tillerson, trong đó, theo Yonhap, hai bên đồng ý cùng nỗ lực vận động ủng hộ của các nước Đông Nam Á đối với các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Bắc Hàn.

Hà Nội chưa có phản ứng về vụ thử động cơ tên lửa mới nhất của Bắc Hàn hôm 19/3, khi ông Tillerson đang thăm Trung Quốc. Nhưng trước đây trong tháng, sau khi Bình Nhưỡng phóng thử 4 quả tên lửa đạn đạo về hướng Nhật Bản, Việt Nam cho biết “hết sức quan ngại” và yêu cầu “hành động mang tính xây dựng, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và thế giới”.

Trả lời VOA Việt Ngữ ngày 21/3, ông Phạm Tất Dong, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Triều, cho biết rằng quan hệ Việt Nam - Bắc Hàn đang ở trong tình thế “tế nhị”.

Ông nói thêm: “Theo tôi biết, bây giờ nó đang phức tạp. Mọi liên hệ sẽ có hạn chế. Không ở mức cao đâu. Họ không tuân thủ nhiều quy ước quốc tế mà mình quan hệ với họ thì quốc tế nó lại lánh mình. Đấy, nó khó chỗ ấy. Tôi cũng được thông báo rằng là sẽ hạn chế cái quan hệ trong lúc này, và nếu như có quan hệ gì đó thì tôi chỉ cho cấp phó làm thôi. Tôi không có quan hệ gì sâu nữa”.

Trong các tin tức loan tải về chuyến thăm Việt Nam của ông Yun Byung-se, báo chí trong nước không nhắc tới chuyện đôi bên thảo luận về vấn đề Bắc Hàn.

Theo tin của truyền thông từ bán đảo Triều Tiên, trong cuộc gặp giữa hai nhà ngoại giao hàng đầu của Hà Nội và Seoul, phía Hàn Quốc cũng đề cập tới vụ bắt giữ công dân người Việt, cô Đoàn Thị Hương, ở Malaysia vì liên quan tới vụ giết hại người anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, cũng như việc sử dụng chất độc thần kinh VX bị cấm.

Theo Yonhap, ông Yun kêu gọi “sự hợp tác của Việt Nam nhằm gây sức ép quốc tế lên Bắc Hàn” về vụ việc mà tình báo Hàn Quốc và Mỹ nói là Bình Nhưỡng có dính líu, nhưng chính quyền Kim Jong Un bác bỏ.

Khi được hỏi liệu việc người Việt dính tới vụ này có tác động tới quan hệ Bắc Hàn và Hà Nội hay không, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Triều nói: “Đó chỉ là cái cớ nào đó thôi. Cái vụ này, đằng sau nó còn phức tạp nữa. Mình vẫn chưa hiểu hết về bản chất của nó. Chưa đủ dữ liệu để kết luận”.

Ngoài chuyện gây áp lực cho Bình Nhưỡng, theo Reuters, phía Việt Nam cũng vận động Hàn Quốc ủng hộ quan điểm của Hà Nội về vấn đề tranh chấp biển đảo.

Trang web của chính phủ Việt Nam dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “đề nghị Hàn Quốc tiếp tục ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về vấn đề Biển Đông và giúp Việt Nam tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển”.

Bắc Hàn từng hỗ trợ vật chất cho “quốc gia anh em cộng sản” trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, quan hệ giữa hai nước cùng theo chế độ xã hội chủ nghĩa không phải luôn luôn nồng ấm, nhất là sau khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc hồi đầu những năm 90.

Hơn một thập kỷ sau, năm 2004, Bình Nhưỡng cũng tỏ ý không hài lòng sau khi có tin rằng Hà Nội cho phép hàng trăm người Bắc Hàn sang Nam Triều Tiên tị nạn sau khi họ đào tẩu qua ngả Việt Nam. - VOA

***
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp gỡ ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung Se tại Hà Nội hôm 20/03/2017 đã bày tỏ mong muốn Seoul ủng hộ lập trường của Việt Nam về Biển Đông.

Reuters nhận định, Việt Nam là nước phải đối mặt với Trung Quốc nhiều nhất trên Biển Đông, từ khi tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thay đổi chủ trương, không đối đầu với Bắc Kinh như người tiền nhiệm.

Thông cáo của chính phủ Việt Nam cho biết : « Thủ tướng đã đề nghị Hàn Quốc tiếp tục ủng hộ lập trường của Việt Nam và các nước Đông Nam Á về Biển Đông, giúp đỡ Việt Nam tăng cường việc thực thi pháp luật trên biển ». Thông cáo trên không nói rõ Hàn Quốc có đồng ý hỗ trợ hay không.

Ngoại trưởng Yun Byung Se khẳng định sẵn lòng siết chặt quan hệ, mặc dù tình hình Hàn Quốc đang bất ổn sau khi tổng thống Park Geun Hye bị truất phế.

Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, nhờ các tập đoàn như Samsung. Seoul, đang xung khắc với Bắc Kinh do việc Hoa Kỳ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD tại Hàn Quốc, hôm qua đã kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) việc Trung Quốc trả đũa các công ty Hàn Quốc.

Tuần trước, Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc đưa tàu du lịch đến Hoàng Sa. Đây là hành động mới nhất của Bắc Kinh nhằm khẳng định chủ quyền tại quần đảo chiếm được từ tay Việt Nam Cộng Hòa năm 1974, sau các hành vi khác như truy đuổi tàu cá Việt Nam, bồi đắp đảo Bắc ở Hoàng Sa… - RFI
|
|

15.
Hà Nội: Chưa chọn được đơn vị quy hoạch bờ sông Hồng

Thành phố Hà Nội chưa đồng ý cho một đơn vị tư vấn nước ngoài nào tham gia lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Chánh văn phòng của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Quý Tiên phát biểu như vừa nêu trong cuộc họp báo vào chiều ngày 21 tháng 3.

Ông Nguyễn Quý Tiên cho biết thêm Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội được giao lập các quy hoạch phân khu, trong đó có quy hoạch phân khu đô thị dọc hai bờ sông Hồng. Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cũng được giao phối hợp với 3 nhà đầu tư trong nước; bao gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn mặt trời- SunGroup, Tập đoàn Vingroup và Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội; để chọn lựa các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước tham gia dự án.

Ông Nguyễn Quý Tiên lên tiếng tại cuộc họp báo rằng thông tin Viện Thiết kế Quy hoạch thành phố Hàng Châu của Trung Quốc được mời nghiên cứu lập quy hoạch hai bên bờ Sông Hồng mà báo giới đăng tải vào hôm 20 tháng 3 là không chính xác.

Trong khi đó truyền thông trong nước trích phát biểu một số chuyên gia trong ngành về vấn đề liên quan.

Theo lời của giáo sư- tiến sĩ khoa học Phạm Hồng Giang, nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn, hiện là chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam thì việc cung cấp thông tin, số liệu thủy văn sông Hồng cho một đơn vị nước ngoài cần phải tuân thủ qui định của Nhà nước Việt Nam.

Ông Phạm Hồng Giang nêu rõ Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam hiện nay không thể cung cấp thông tin trực tiếp cho Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu như tin tức loan đi vào ngày 20 tháng 3.

Vào chiều ngày 21 tháng 3, lãnh đạo Viện Quy hoạch Thủy lợi, thuộc Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam lên tiếng cho rằng bộ này có đủ năng lực thực hiện độc lập quy hoạch chống lũ, đê điều hai bên Sông Hồng.

Ngoài ra Viện Quy hoạch Thủy lợi cũng có ý kiến tương tự ông Phạm Hồng Giang là phải tuân thủ quy chế của chính phủ về việc cung cấp những thông tin về thủy văn, lưu lượng nước, mặt cắt ngang đê, số liệu quan trắc, khí tượng thủy văn Sông Hồng… - RFA
|
|

16.
Cảnh sát biển Campuchia và Indonesia bắt ngư dân Việt Nam

Giới chức Campuchia và Indonesia bắt hàng chục ngư dân Việt bị cáo buộc đánh bắt lậu tại vùng biển của hai nước này.

Tờ Cambodia Daily đưa tin cảnh sát biển Campchia vào hôm thứ Hai bắt giữ 16 người Việt Nam bị cáo buộc đưa ba tàu đánh bắt cá vào vùng nước nông ở Campuchia vào đầu giờ sáng.

Ông Sao Sorin, giám đốc thủy sản tỉnh Kampot nói: "Chúng ta phải xem xét liệu những người Việt Nam này đã phạm tội theo luật của Campuchia hay không trước khi chúng tôi có hành động".

Sim Vuthea, phó thống đốc tỉnh, hôm thứ Hai nói rằng phạt tiền là hình phạt đúng đắn. Ông nói thêm rằng các công dân Việt Nam trước đây đã từng bị tù giam vì tội đánh bắt cá ở đây.

Ông nói: "Luật về thủy sản như tôi biết là những người đánh bắt phải đối mặt với những khoản tiền phạt, và nếu họ muốn nhận lại thuyền của họ thì chính quyền của họ phải tới đây và đảm bảo rằng sẽ không xảy ra lần thứ hai nữa.

Trong khi đó Báo Jakarta Globe đưa tin Bộ Hải sản và Đánh bắt cá Indonesia bắt giữ 17 tàu nước ngoài trong hai tuần qua khi để đánh bắt trái phép ở vùng biển nước này. 

Eko Djalmo Asmadi, giám đốc phòng giám sát nguồn lợi và khai thác hải sản tại bộ này cho biết trong một thông cáo vào ngày 21 tháng Ba là "Sau khi bắt giữ bốn chiếc thuyền đánh cá của Việt Nam vào ngày 7 tháng Ba thì lần này chúng tôi đã bắt được 17 tàu nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp."

Tất cả các tàu bị tàu tuần tra bắt giữ là ở Quần đảo Riau và Bắc Sulawesi. 

Lần bắt đầu đầu tiên xảy ra tại Quần đảo Natuna, tỉnh Riau, vào ngày 12 tháng Ba, khi năm tàu đánh cá Việt Nam đánh bắt bất hợp pháp và tất cả 44 thủy thủ đoàn Việt Nam bị bắt. 

Vào hôm sau, một tàu tuần tra khác bắt giữ thêm hai tàu Việt Nam và bắt 13 thủy thủ đoàn đánh bắt bất hợp pháp trên vùng biển ngoài quần đảo Riau. 

Ngày 14 tháng Ba, một tàu tuần tra khác chặn 6 tàu đánh cá Việt Nam bị tố cáo viết tên tàu bằng chữ Indonesia để đánh lừa các quan chức. 

Toàn bộ 57 thuyền viên Việt Nam đã bị bắt.

11 tàu đánh cá của Việt Nam đã bị bắt giữ gần đảo Batam kể từ ngày 19 tháng Ba.

Các tàu và thuyền viên đang được giữ ở căn cứ quân sự của bộ này ở Sulawesi.

Các thủy thủ trên các tàu bị tịch giữ sẽ bị truy tố vì đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển Indonesia, mỗi người phải đối mặt với án tù 6 năm. - BBC
|
|

17.
Ông Trịnh Văn Quyết đầu tư vào casino ở Quảng Ninh

Một trong những người giàu nhất Việt Nam sẽ đầu tư dự án 2 tỷ USD, gồm có casino đầu tiên cho người Việt chơi tại Quảng Ninh.

FLC Faros Vân Đồn, thuộc tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết, hôm 17/3 được tỉnh Quảng Ninh chấp thuận "nghiên cứu đầu tư" dự án Tổ hợp dịch vụ du lịch giải trí cao cấp tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Ngoài khu nghỉ dưỡng, dự án này sẽ bao gồm cả casino, được phép cho người Việt vào chơi.

Tổng mức đầu tư dự án ở đảo Ngọc Vừng và đảo Vạn Cảnh được nói là 2 tỷ đôla trên tổng diện tích 4.000 héc ta.

Đầu năm nay Việt Nam ban hành nghị định thí điểm cho phép người Việt Nam được vào chơi tại điểm kinh doanh casino. - BBC
|
|

18.
Campuchia: Việt Nam hứa tránh vùng biên giới chưa phân định

Các quan chức Campuchia mới đây cho biết trong những cuộc thảo luận giữa bộ trưởng ngoại giao của hai nước, Việt Nam đã đồng ý không xây dựng hoặc canh tác ở những khu vực biên giới mà hai nước còn đang tranh chấp, báo The Cambodian Daily đưa tin.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Campuchia Prak Sokhonn, và gặp riêng với Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng tại Hội nghị Hợp tác và Phát triển Các Tỉnh Biên giới Việt Nam - Campuchia Lần thứ 9 tại thủ đô Phnom Penh hôm 15/3.

Báo The Cambodian Daily dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Campuchia, Prum Sokha, cho biết sau cuộc gặp của ông Minh với ông Kheng rằng hai bên đã đồng ý hợp tác để ngăn chặn dân chúng mỗi bên thuê đất dọc theo biên giới và tránh xa khu vực hợp thành 16 phần trăm đường biên giới chung mà chưa được phân định.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục sự hợp tác mà chúng tôi đã nhất trí ở những nơi mà chúng tôi vẫn chưa hoàn thành cắm mốc," ông nói. Ông nói thêm rằng hai bên sẽ "không làm gì cả" trong những khu vực đó.

Ông Sokha nói rằng Việt Nam cũng sẽ giúp thi hành một lệnh của chính phủ Campuchia ban hành vào năm 2015 cấm cho công dân Việt Nam hoặc doanh nghiệp thuê đất dọc biên giới.

"Đã chấm dứt tình trạng người bên nước này cho người bên nước kia thuê đất. Và nhà chức trách của cả hai bên đang tiếp tục hợp tác để làm việc này một cách rõ ràng hơn," ông được báo The Cambodian Daily dẫn lời nói.

Thông cáo chung của hội nghị được Thông tấn xã Việt Nam loan tải không nêu cụ thể chi tiết này mà thay vào đó kêu gọi hai bên thúc đẩy các tỉnh giáp biên giới “phối hợp gìn giữ và bảo vệ cột mốc biên giới và cột dấu biên giới đã cắm, không để bị phá hoại và nỗ lực duy trì quản lý biên giới theo đúng các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận về biên giới mà hai nước đã ký kết.”

Thông cáo này cho biết nỗ lực phân giới và cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước, đến nay đã hoàn thành khoảng 84%.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một chuyên gia về lịch sử Đông Á tại Đại học Maine, nhận định đây là một diễn biến “tích cực” mà sẽ giúp tránh được “khó khăn dọc biên giới.”

Ông nói thêm:

“Khó khăn dọc biên giới giữa Việt Nam và Campuchia có lịch sử rất lâu dài. Và trong hai, ba năm gần đây có một số chính trị gia Campuchia khiêu khích dọc biên giới, nhiều khi đánh công dân Việt Nam. Mặc dù chưa phân định rõ ràng nhưng đồng ý như vậy là có lợi cho hai bên. Vì thế cho nên không có một nước thứ ba dùng vấn đề [tranh chấp] của hai nước về vấn đề biên giới để gây sự.”

Phe đối lập, Đảng Cứu quốc Campuchia, vào năm 2015 đã phát động một chiến dịch nhắm mục đích nêu bật điều mà họ cáo buộc là Việt Nam xâm lấn đất của Campuchia. Điều này đã gây sức ép buộc chính phủ Campuchia phải có hành động, đầu tiên là gửi những công hàm ngoại giao yêu cầu Việt Nam chấm dứt những vụ bị cho là lấn chiếm và sau đó thực hiện hành động pháp lý nhắm vào những người trong nước chỉ trích công tác biên giới của chính phủ.

Nhà lãnh đạo phe đối lập Kem Sokha đã đề xuất đưa các tranh chấp này lên tòa án hình sự quốc tế nếu Việt Nam không tôn trọng biên giới, mặc dù Đảng Cứu quốc Campuchia phần lớn đã im tiếng về vấn đề này trong bối cảnh một cuộc tấn công chính trị và pháp lý đang nhắm vào họ trước cuộc bầu cử. - VOA

Link:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét