FB Quy Tống
8-1-2016
8-1-2016
"S.O.S Lời Kêu Cứu"
Hình bên: Bức tượng Đức Trần Hưng Đạo trong khuôn viên nhà ông Tống Hồ Phương, bị chính quyền địa phương đòi tháo dỡ. Nguồn: FB Quy Tống.
Bố tôi là Tống Hồ Phương.
Mẹ tôi là bà: Hồ Thị Lan.
Tôi sống
cùng bố, mẹ và anh, chị, em của mình, tại thôn Kinh Tế Mới xã Ninh Gia huyện Đức
Trọng tỉnh Lâm Đồng. Bố tôi làm trưởng ban Mặt Trận thôn Kinh Tế Mới, anh chị
tôi trồng cà phê.
Tôi là Tống Hồ Thị Kim Quy, đang là sinh viên năm 2 trường
Cao Đẳng Y Tế Lâm Đồng. Tưởng cuộc sống bình yên trôi, vậy mà cách đây vài hôm
gia đình và bà con quyến thuộc của tôi lại trải qua những ngày bất an, căng thẳng.
Chúng tôi cảm thấy bức xúc với cách làm việc của chính quyền địa phương nơi
mình sinh sống. Bố, mẹ tôi đã đọc các cuốn sách lịch sử Việt Nam. Ông rất thích
nói chuyện về lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc.
Ông ước mơ và cả gia đình tích cóp mua một bức tượng nghệ thuật vị anh hùng dân
tộc Trần Quốc Tuấn, do các nghệ nhân đá Non Nước, Đà Nẵng chạm khắc, phiên bản
do Hội Mỹ Thuật Việt Nam thực hiện.
Bố tôi xây một cái bục bằng xi măng, cao 1 mét, rộng 60
phân, trong khuôn viên của gia đình. Trước khi đặt bức tượng, bố tôi đã làm đơn
gửi lên các cấp chính quyền xã, huyện, tỉnh để xin phép nhưng không nhận được
phản hồi. Lên sở Văn Hoá Thông Tin tỉnh thì người ta bảo: Nếu bức tượng nghệ
thuật vị anh hùng dân tộc mà đặt trong khuôn viên gia đình thì không có trở ngại.
Gia đình cứ tiến hành làm. Bởi bức tượng này nó không thuộc vào một tôn giáo
nào.
Gia đình tôi đặt bức tượng cao khoảng 1,6 mét lên, thế là
sóng gió ập đến. Chính quyền địa phương can thiệp đòi tháo dỡ bức tượng, không
cho đặt lên bục mà ép phải để xuống đất. Gia đình chúng tôi thấy làm như vậy là
bất kính với Tổ Tiên nên không đồng ý. Thiết nghĩ một chậu kiểng người ta cũng
có thể xây bục đưa lên. Một bức tượng khoả thân cũng có thể để trên bục. Một
con khỉ gọi là Tôn Ngộ Không cũng chễm chệ ngồi trên bục. Cớ làm sao, một vị
anh hùng dân tộc lại bắt để xuống đất. Như vậy, có phải là bất kính với các vị
anh hùng dân tộc hay không?
Trong khi gia đình chúng tôi không vi phạm An Ninh Trật Tự,
không tụ họp đông người, cũng không mê tín dị đoan, cũng không đồng bóng hay
sinh hoạt tôn giáo trái phép. Theo tôi nghĩ, nền văn hoá Việt bao gồm cả thờ
cúng Tổ Tiên, là nền văn hoá “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”. Thiết
nghĩ, chúng ta cần xiển dương, tôn vinh các vị anh hùng dân tộc mọi thời đại. Để
dạy cho con cháu nhớ về cội nguồn và sự hi sinh xương máu của Tổ Tiên nước Việt,
đã giữ lấy giang sơn cho chúng ta ngày hôm nay.
Chúng tôi kêu gọi cộng đồng lên tiếng, đồng lòng hướng về lịch
sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Để tôn vinh những anh hùng đã xả
thân vì Tổ Quốc. Trong lúc, đất nước đang còn nhiều những kẻ thù nhòm ngó muốn
xâm lược. Chúng tôi cầu cứu cộng đồng mạng lên tiếng tìm cách giúp đỡ chúng tôi
bảo vệ bức tượng trang nghiêm trên bục mà không bị chính quyền địa phương ép để
xuống sân. Thành tâm tri ân.
Số điện thoại liên lạc của gia đình chúng tôi:
Anh Quang : 01205778886
Em Quy : 0937497440
.........
và thêm câu chuyện cái bát nhang
FB Quy Tống
10-1-2017
"Đầu Năm Nói Chuyện Cái Bát Nhang"
Tôi không biết cái bát nhang có từ khi nào. Hình như tôi
cũng chưa một lần quan tâm đến nó. Tôi chỉ đơn giản ngày Tết thấy bố mẹ tôi thắp
nhang, ngày giỗ ông bà, bố mẹ tôi cũng thắp nhang. Những ngày giỗ Tổ Tiên hay
các vị anh hùng của đất nước, bố mẹ tôi cũng thắp nhang ...
Tôi vô tư theo đuổi lý tưởng của mình,ước mơ bay bổng và nhìn mọi chuyện thật
giản đơn.
Hôm người ta giao bức tượng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đến nhà.Tôi thấy
có một cái bát nhang, nói chính xác là một cái lư nhang bằng đá trắng, chạm khắc
rất đẹp. Tôi thấy anh trai và chị gái tôi chùi rửa lư nhang cẩn thận và đặt
trang trọng dưới chân bức tượng.
Lúc đó khoảng 4 giờ chiều, hoàng hôn buông xuống, se lạnh. Gia đình và mọi người
xúm xít chuẩn bị thắp nhang, dâng hương vị anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn. Thế
là chính quyền xã đến, ông phó chủ tịch xã bắt cưỡng chế tháo dỡ bức tượng. Gia
đình và mọi người không đồng ý, mọi người bảo nếu chính quyền địa phương muốn
cưỡng chế bức tượng thì phải có văn bản cưỡng chế đi kèm thì gia đình mới thực
hiện theo văn bản. Còn không nhất định không tháo dỡ bức tượng xuống.Một đêm nặng
nề trôi qua đối với tôi . Rồi chiều hôm sau, một đoàn cán bộ chính quyền địa
phương đến nhà tôi. Họ vận động gia đình tôi tháo dỡ bức tượng, gia đình tôi vẫn
nhất quyết không chịu . Qua lại hồi lâu, các cán bộ xã lại vận động gia đình cất
lư nhang. Gia đình tôi vô cùng thất vọng.
Tôi chỉ được dạy: Mỗi người con Việt phải bằng hành động thiết thực của mình
nêu cao ý chí quật cường dân tộc. Chỉ được thấy chính quyền nhà nước dựng các
pho tượng anh hùng dân tộc từ Bắc vào Nam. Chứ chưa hề nghe chính quyền đi vận
động tháo dở tượng anh hùng dân tộc bao giờ.
Tôi cũng không hiểu tại sao chính quyền địa phương lại sợ cái lư nhang mà vận động
gia đình tôi dẹp nó sang một bên. Bố mẹ tôi rất buồn nhưng cũng đành kí vào
biên bản tự nguyện cất lư nhang ( lư nhang của vị anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn).
Vị anh hùng dân tộc vẫn hiên ngang lẫm liệt, ngón tay chỉ thẳng phía trước và
bên hông đeo thanh kiếm dài ( Chắc người đang còn bận lo việc lớn !!!)
Tôi thấy bố mẹ tôi rất buồn vì dưới chân Ông không có cái gì để thắp nhang. Lư
nhang được dẹp lui phía sau bục. Tôi vừa buồn cười, vừa xót xa. Thế là cái lư
nhang cứ ám ảnh tôi một tuần nay. Tôi không hiểu chính quyền địa phương vận động
dẹp lư nhang của một vị anh hùng dân tộc là có ý gì ??? Mà tại sao lại phải sợ
cái lư nhang.
Từ lúc tôi sinh ra đã thấy có cái lư nhang, và hầu như nhà nào,
dù lớn dù nhỏ cũng có cái lư nhang không phân biệt tôn giáo. Hễ là người Việt
dù ở bất cứ nơi đâu thường thấy có lư nhang đặt ở chỗ trang nghiêm trong gia
đình, hay lư nhang nhà tôi để ngoài sân nên chính quyền địa phương vận động cất
đi ??? Hay là chúng ta không được thắp nhang cho Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn
??? Hay là ... ??? Hay còn một lý do nào đó mà không ai có quyền được nói ra.
Thiết nghĩ lư nhang là một phần văn hoá dân.
Thiết nghĩ lư nhang là một phần văn hoá dân gian của người dân Việt, hà cớ tại
sao chính quyền địa phương lại muốn bố mẹ tôi dẹp lư nhang của một vị anh
hùng??? Bố mẹ tôi chắc đau lòng lắm không nở lạnh lẽo với Hưng Đạo Đại Vương
chăng ?! Mà tôi thấy hai ông bà đi xúc cát đổ vào một cái thùng sơn, và bố tôi
bảo: " các con khi nào nhớ tưởng đến Ông thì cứ thắp nhang dâng lên Ông rồi
cắm nhang ở thùng sơn này cũng được. "
Tuy là ... " cũng được " nhưng tôi vẫn thấy có một cái gì đó không phải
ở đây có một chút gì đó bất kính, nói chung là hơi buồn. Tôi muốn chia sẻ với mọi
người nỗi buồn của tôi và gia đình. Tôi nghĩ đây cũng là nỗi buồn của những người
con đất Việt. Khi cuộc sống bình yên lại không được tự do tôn thờ những vị anh
hùng dân tộc. Chúng ta vừa bước qua năm 2017 của thế kỷ 21 chứ không phải đang ở
trong giai đoạn thập niên 70 - 80 của thế kỷ 20.
Câu chuyện cái lư nhang có lẽ vẫn còn dài đối với gia đình tôi. Nếu như nó
không đươc đặt trở lại ở nơi trang trọng mà nó được đặt.
(*) TNM đặt đề tựa
**********
Đọc thêm:
Xã cấm đặt tượng danh tướng Trần Hưng Đạo trên bục!
10/01/2017
Cho rằng gia đình đặt tượng danh tướng Trần Hưng Đạo trên bục
cao là vi phạm, chính quyền xã yêu cầu gia đình phải hạ tượng xuống!
Gia đình ông Tống Hồ Phương (thôn Kinh Tế Mới thuộc xã Ninh
Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) vừa có đơn thư khiếu nại về việc chính quyền
địa phương không cho phép gia đình ông đặt tượng danh tướng Trần Hưng Đạo trên
bục cao trong khuôn viên nhà ông.
Chiều 10-1, anh Nguyễn Xuân Quang (cháu ông Phương) cho biết
gia đình ông Phương có đặt mua một bức tượng nghệ thuật tạc danh tướng Trần
Hưng Đạo do các nghệ nhân ở làng đá Non Nước (Đà Nẵng) chạm khắc, phiên bản do
Hội Mỹ thuật Việt Nam thực hiện.
Tượng danh tướng Trần Hưng Đạo được đặt trên bục cao 1 m
trong sân nhà ông Phương. Ảnh: Cháu ông Phương cung cấp
Theo anh Quang, trước khi mang tượng về khoảng 10 ngày, gia
đình ông Phương có lên Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng xin phép. Cán bộ nơi đây
nói không nằm trong danh mục phải có giấy phép, cũng không thuộc diện cấm nên
gia đình cứ làm.
Thế nhưng khoảng 15 giờ ngày 4-1, khi gia đình đang dựng tượng
lên bục, thì trưởng Công an xã Ninh Gia đến yêu cầu hạ xuống. Khoảng hai tiếng
sau chủ tịch, phó chủ tịch xã cũng có mặt yêu cầu gia đình hạ tượng. Những người
trong gia đình ông Phương yêu cầu xã đưa ra văn bản cho rằng việc làm của mình
thuộc diện bị cấm thì đại diện xã không có.
Từ hôm đó ngày nào xã cũng cho người vào nói gia đình phải hạ
tượng xuống. Có lần cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đức Trọng cùng đi với
chính quyền xã và cũng yêu cầu tương tự nhưng gia đình ông Phương không làm
theo vì cho rằng pháp luật không cấm.
Ngày 6-1, cán bộ địa chính xã đến lập biên bản vì cho rằng
gia đình ông Phương đã có hành vi vi phạm khi xây dựng cái bục (cao 1 m, rộng
90 cm) trái phép. Anh Quang kể: “Đại diện UBND xã nói hành vi này có thể bị xử
phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng nhưng đến nay thì xã chưa có quyết định xử phạt
hành chính. Họ bảo gia đình đặt bức tượng ở đâu cũng được nhưng không được đặt
lên cái bục”. Sau đó xã nói cho gia đình hạn 60 ngày phải hạ tượng xuống, nếu
không sẽ tổ chức cưỡng chế.
Chiều cùng ngày trao đổi với Pháp Luật TP.HCM qua
điện thoại ông Nguyễn Ngọc Huyên, chủ tịch UBND xã Ninh Gia, xác nhận sự việc
trên. Theo ông Huyên, việc xây dựng bục đặt tượng của gia đình ông Phương là vi
phạm, nên đã lập biên bản vi phạm. Cụ thể là có hành vi xây dựng công trình xây
dựng khác không có giấy phép. Hiện xã đang trong quá trình xử lý nên sẽ thông
báo kết quả sau.
Cũng theo ông Huyên, xã không có thẩm quyền trong việc cho
phép hay không cho việc sở hữu bức tượng. Nhưng khi đặt bức tượng đó lên cái bục
thì không được vì cái bục là công trình vi phạm. Việc ông Phương có được sử dụng
bức tượng hay không phải có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền là ngành văn hóa cụ
thể là phòng Văn hóa thông tin huyện và Sở VH-TT&DL.
“Gia đình nói là Sở cho phép nhưng chúng tôi chưa thấy văn bản
nào, chỉ là nói miệng thôi. Tôi nghĩ gia đình phải lập hồ sơ xin phép, nếu Sở cấp
hoặc không cấp thì cũng phải có trả lời bằng văn bản, thì mới đúng quy định” -
ông Huyên cho biết.
"Trao đổi với Pháp luật TP.HCM, ông Vi Kiến Thành,
Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL), cho hay: “Thực
ra về luật thì không ngăn cấm việc người dân làm tượng để trong khuôn viên
trong nhà, trong đất của người dân, nếu có vấn đề gì không hợp lý thì nên làm
theo hình thức vận động tuyên truyền chứ không có quy định nào cấm việc đó cả”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét