3-1-2017
(*) Tựa đề chính : "Chế độ Cộng Sản Việt Nam sẽ tồn tại bao lâu nữa ?"
Tại sao hàng chục ngàn người có thể đổ xô ra đường ở Hà Nội vào đêm khuya khoắt, hay hàng trăm ngàn người chen kín nhiều đường phố ở Sàigòn để chào đón tổng thống Barack Obama trong tháng 05.2016, nhưng lại không có ai xuống đường để yêu cầu các nhà máy thủy điện xả lũ gây chết 235 người phải đóng cửa? Phải chăng người dân Việt Nam quá ích kỷ và hèn nhát, thèm khát tự do dân chủ nhưng không dám đấu tranh, hi sinh cho ước muốn của mình?
Thế nhưng gần 6 năm đã trôi qua từ Cách mạng Hoa Lài đến Mùa Xuân Ả Rập, tình
hình Việt Nam có nhiều biến động lớn về chính trị cũng như xã hội trong năm
2016 nhưng dường như chế độ CSVN vẫn chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ sự sụp đổ
đang kề cận.
Các biến động chính trị với chuyện thanh toán nhau giữa các đồng chí lãnh đạo
thân thương, kính mến trong nội tình đảng CS như án mạng ở tỉnh đường Yên Bái ,
cái chết đầy bí ẩn của tư lệnh quân khu 2, hỏa hoạn tại quán Karaoke thiêu sống
12 cán bộ trung cấp...ồn ào một dạo khiến người dân hả hê, thích thú trông chờ
những cuộc trừng phạt, sát hại, tranh ăn với nhau dữ dội hơn.
Bên cạnh đó, chế độ và đảng CSVN càng ngày càng công khai, táo tợn để lộ rõ bản
chất nô lệ, bán nước, độc tài, gian manh, hung ác, nham hiểm hơn bao giờ. Việc
TBT Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại hội nghị công an toàn quốc thứ 72
ngày 26.12.2016 đã nói rõ ràng “Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải là những người hết lòng
trung thành với Đảng, chỉ biết“ còn Đảng, còn mình”.
Biến động xã hội với các cuộc biểu tình của người dân ở Kỳ Anh đòi bồi thường
thiệt hại và đòi hỏi nhà máy Formosa phải rút khỏi Việt Nam không làm bộ trưởng
bộ công thương Trần Tuấn Anh run tay khi tiếp tục phê chuẩn dự án thép Cà Ná.
Điều đó cho thấy việc xả chất thải từ nhà máy luyện thép Formosa ở Kỳ Anh tháng
04.2016 gây ra hủy diệt môi trường ở bờ biển kéo dài trên 240 km qua 4 tỉnh miền
Bắc-Trung phần không hề làm lãnh đạo đảng CSVN sợ hãi hay e dè trước sự tàn phá
đất nước khủng khiếp cũng như số phận điêu đứng của vài trăm ngàn đến hàng triệu
người dân các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
Những vụ xả lũ ồ ạt từ các nhà máy thủy điện cộng với những cơn mưa lớn kéo dài
khiến 235 người chết, hàng chục ngàn gia đình mất trắng hoa mầu, nhà cửa, gia
súc, nông cụ...thiệt hại gần 2 tỷ đô la Mỹ mà trách nhiệm chính là do bộ công
thương cùng các cơ quan dưới quyền đã ký giấy phép cho thành lập các nhà máy thủy
điện một cách bừa bãi.
Sau khi lũ rút đi, người dân trắng mắt nhìn nhau, các nhà máy thủy điện lại tiếp
tục hoạt động như không có chuyện gì xẩy ra. Ba nhân vật lãnh đạo trong Tứ đầu
chế Trọng, Quang, Ngân lặn mất tiêu, không thấy tăm hơi, chỉ có Nguyễn Xuân
Phúc sau một hai tuyên bố mị dân xử phạt hành chánh các nhà máy thủy điện rồi
cũng làm lơ mọi chuyện.
Trong khi đó nền giáo dục tiếp tục suy đồi tệ hại, văn hóa xuống cấp thê thảm,
xã hội bất an, tham nhũng, hối lộ, cướp của, giết người giữa ban ngày càng lúc
càng nhiều nhưng chế độ CSVN vẫn tiếp tục cai trị đất nước, không hề có dấu hiệu
thay đổi đường lối, chính sách theo chiều hướng dân chủ, tự do hay cải cách xã
hội tốt đẹp, bình yên hơn cho người dân.
Tunisia, chỉ một ngọn lửa của Mohamed Bouazizi đã làm bùng nổ cuộc cách mạng
thay đổi cả thể chế. Ở Việt Nam, 235 người dân thiệt mạng vì lũ lụt do các nhà
máy thủy điện gây ra trong việc xả lũ, mội trường ở 240 km bờ biển bị hủy hoại,
tại sao gần như người dân cả nước vẫn thờ ơ như chuyện xẩy ra ở Phi châu, nơi một
bộ lạc xa xôi, một đất nước nhỏ bé nào đó ít ai biết đến tên, không dính dáng
gì đến mình?
Tại sao hàng chục ngàn người có thể đổ xô ra đường ở Hà Nội vào đêm khuya khoắt,
hay hàng trăm ngàn người chen kín nhiều đường phố ở Sàigòn để chào đón tổng thống
Barack Obama trong tháng 05.2016, nhưng lại không có ai xuống đường để yêu cầu
các nhà máy thủy điện xả lũ gây chết 235 người phải đóng cửa? Phải chăng người
dân Việt Nam quá ích kỷ và hèn nhát, thèm khát tự do dân chủ nhưng không dám đấu
tranh, hi sinh cho ước muốn của mình?
Không quá khó để đi tìm câu trả lời. Có nhiều nguyên nhân:
1. Chế độ CSVN đã thuần hóa được dân tộc sau hơn 41 năm cai trị cả nước bằng chủ
nghĩa độc tài, toàn trị. Sức đề kháng, chống lại bất công xã hội của người dân
đã cùn nhụt, ý thức tập thể của một dân tộc đa số sống bằng nông nghiệp vốn đã
không cao nay trở nên rệu rã, không thể kết hợp để tạo thành một sức mạnh, một
phong trào khả dĩ làm thay đổi được chế độ. Do bị tuyên truyền, nhồi sọ, không
được phép suy nghĩ, có tư duy độc lập ngay từ lúc mới chào đời, đa số người dân
kể cả thành phần trí thức, có học sống theo sự điều khiển, giật dây của chế độ
một cách vô thức. Thiểu số nhận thức được sự toàn trị gian ác, lưu manh, nham
hiểm của cộng sản nhưng vì an nguy bản thân, gia đình cũng đành im lặng sống
qua ngày hoặc tệ hại hơn a dua theo để hưởng lợi.
2. Chế độ CS với khoảng 4, 5 triệu đảng viên gồm quân đội, công an, cán bộ
chính quyền, dân phòng, dư luận viên... cùng với thân nhân, gia đình, những kẻ
ăn theo, giai cấp trung lưu buôn bán... phỏng đoán tổng cộng có thể lên đến 20
triệu người hoặc hơn. Lực lượng này chắc chắn không (hoặc chưa) muốn thay đổi
chế độ khi họ vẫn còn có thể kiếm ăn, làm giầu trong tình trạng hiện tại, cho
dù nhiều người trong họ cũng thấy được sự bấp bênh và bản thân chịu nhiều áp lực,
chèn ép, áp bức trong cuộc sống.
3. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất là Việt Nam nằm sát bên cạnh Tầu Cộng,
một đất nước với hơn 1,4 tỉ người, lúc nào cũng muốn đặt ách đô hộ lên VN trong
hơn 4.000 năm qua. Đó là điều không may cho dân tộc. Một đất nước tự do, dân chủ
với khoảng 94 triệu dân nằm sát sườn một nước cộng sản to lớn như Tầu Cộng chắc
chắn không phải là điều dễ chịu cho các lãnh đạo Trung-Nam Hải. Do đó họ tìm đủ
mọi cách để buộc lãnh đạo CS Hà Nội phải lệ thuộc hoàn toàn vào họ.
Như vậy tương quan lực lượng là 20/74 triệu (trên tổng số dân là 94 triệu) tức
gần như 1 chống 4. Tuy nhiên, phe thuộc chế độ dù là thiểu số nhưng mạnh hơn về
vũ khí, trang bị, liên kết (tạm thời) chặt chẽ hơn với nhau về quyền lợi, lại
được lãnh đạo rõ ràng. Phe của người dân, dù đông hơn gần 4 lần nhưng vũ khí có
được chỉ là lòng căm thù, thiếu hẳn sự đoàn kết, lãnh đạo và ý chí chiến đấu,
ngại hi sinh.
Quan sát các cuộc biểu tình từ việc chống giàn khoan HD 981, dân oan khiếu nại
đất đai bị cướp hoặc không được đền bù thỏa đáng đến chuyện đòi hỏi Formosa bồi
thường thiệt hại, rời khỏi Việt Nam...có thể thấy rõ trong 74 triệu dân VN, những
người ý thức được việc cần phải thay đổi chế độ CS càng sớm, càng nhanh càng tốt
có lẽ không tới chục ngàn người. Phần còn lại gần 74 triệu dửng dưng với mọi biến
động ngay cả khi bản thân, gia đình họ bị mất đi miếng cơm, manh áo một cách
gián tiếp như hàng triệu người bị liên hệ trong thảm họa Formosa tàn phá môi
trường trên 4 tỉnh miền Bắc-Trung phần nhưng biểu tình đòi bồi thường thiệt hại
và yêu cầu Formosa rút khỏi Việt Nam, cao nhất theo ước tính cũng chỉ khoảng
hơn 10.000 người vào ngày 02.10.2016.
Tương tự như thế, các nạn nhân điêu đứng vì lũ lụt miền Trung đến hàng trăm
ngàn người nhưng không hề có một cuộc biểu tình nào của người dân yêu cầu đóng
cửa các nhà máy thủy điện “xả lũ đúng quy trình”. Phải chăng 235 nạn nhân chỉ
là con số nhỏ so với 94 triệu? Phải chăng dân VN đã quen quan niệm rằng người
chết thì đã chết, không thể làm sống lại được, biểu tình đòi hỏi đóng cửa nhà
mày thủy điện sẽ bị đàn áp, đánh đập, giam giữ, kết tội phản động, gây rối loạn
trật tự xã hội... cho nên ai cũng thà chết sau chứ không chịu hi sinh trước cho
các thế hệ con cháu mai sau.
Một cuộc cách mạng lật đổ chế độ CSVN từ những cuộc biểu tình với sự tham dự của
hàng trăm ngàn người dân hoặc hơn ở các thành phố lớn như Sàigòn, Đà Nẵng, Hà Nội
sẽ không bao giờ xẩy ra.
Từ những nhận định trên, người viết nghĩ rằng chế độ CSVN chỉ sụp đổ khi một
trong các biến cố dự đoán sau đây trở thành hiện thực:
1. Một biến động quốc tế ở biển Đông đẩy hai nước Mỹ – Tầu cộng, do xung đột về
kinh tế, vừa là thù vừa là bạn vào một cuộc chiến tranh quy ước, kéo theo các
nước Nhật, Nam Hàn, Úc, Đài Loan, Việt Nam... vào tham chiến. Chế độ CSVN lúc
đó bắt buộc phải chọn đứng về một phía, theo Tầu Cộng hoặc Mỹ. Đứng về phía nào
thì chế độ CS cũng sụp đổ.
2. Việc “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong đảng CS xẩy ra mạnh mẽ, dữ dội,
nhanh chóng hơn khi tài nguyên đất nước cạn kiệt không còn gì để bán, ngân sách
trống rỗng, không còn tiền trả lương cho công an, quân đội, dân phòng, dư luận
viên…, đất nước tan hoang vì các dự án phá hoại môi trường nằm trong âm mưu của
Tầu Cộng trong giai đoạn cuối đang được ồ ạt triển khai. Hàng loạt cán bộ lãnh
đạo trung, cao cấp của chế độ sẽ tháo chạy trong tương lai.
Khi chiếc bánh tài nguyên đất nước càng ngày càng nhỏ, số người ăn càng lúc
càng đông, các lãnh đạo cộng sản mới lên sau này bắt buộc phải tranh giành, tìm
cách cướp lại những gì các người đi trước đã tham nhũng, hối lộ, rút ruột công
trình trong mấy chục năm qua. Đó cũng chính là lý do giới tư sản trung lưu hiện
đang bị dòm ngó tài sản, nay mai chắc chắn sẽ bị hỏi tội, bằng chứng đầu tiên
là vụ đánh thuế hồi tố các doanh nghiệp buôn bán xe hơi với những xe bán sau
ngày 01.07.2016.
3. Đảng CS Tầu bị phân hóa và sụp đổ do sự tranh giành quyền lực, thanh toán
nhau giữa các lãnh đạo cao cấp nhất, khi đó chế độ CSVN tức khắc tan vỡ theo vì
mất chỗ dựa về kinh tế và chính trị, biến loạn xã hội sẽ xẩy ra, máu sẽ đổ.
Công an, quân đội sẽ rã ngũ, sẽ đứng vế phía dân hay chế độ?
Năm 2017 đã bắt đầu, dân tộc, đất nước VN sẽ đi về đâu, chế độ CSVN tồn tại bao
lâu nữa vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ chưa có câu trả lời.
Vanews
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét